Chương 14: Tam Canh Hàn
ột làn gió Bắc thổi qua, những mảnh áo rách bươm trên người Lỗ Thịnh Hiếu và Quỷ Nhãn Tam bay lên phần phật. Đó là những vết rách do bị Thiên Hồ giao liên cứa đứt, trông không khác gì vết dao cắt.
Lỗ Nhất Khí cảm thấy toàn thân lạnh buốt, bởi vì lớp áo trong cùng của cậu đã ướt sũng, vì đêm đến canh ba buốt thấu xương, và còn bởi vì… Từ bên trong cánh cửa khép hờ sau lưng đang có một luồng khí lạnh lẽo xộc ra, xuyên thẳng vào trong cổ áo, luồn vào trong người, dán chặt lấy sống lưng cậu. Trong khoảnh khắc, khắp người cậu nổi gai ốc rùng rùng.
Quỷ Nhãn Tam đã hồi phục hoàn toàn. Trang phục của hắn đa phần được làm từ da bò, rất dai và bền, nên thương tích cũng nhẹ hơn Lỗ Thịnh Hiếu khá nhiều. Hắn thu Thiên thần phi trảo lại, nhặt Vũ Kim Cương lên. Hắn cúi nhặt bình rượu bằng bạc ở bên chân Lỗ Nhất Khí, vừa ngẩng đầu lên, bỗng đập vào mắt hắn là rất nhiều đốm hàn quang lạnh lẽo đang lập lòe qua khe hở giữa hai cánh cửa.
Lỗ Nhất Khí cũng đã nhìn thấy chúng. Vào lúc Quỷ Nhãn Tam nhặt Vũ Kim Cương lên, cậu đã nhìn thấy. Song cậu không lên tiếng, vì cậu còn chưa rõ đó là thứ gì, và bởi vì chúng còn cách họ khá xa, hơn nữa lại đứng im lìm bất động.
Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Lỗ Nhất Khí chưa từng biết thế nào là kinh hoàng sửng sốt. Song có một người khác với cậu, đó là Quỷ Nhãn Tam. Hắn có con mắt cú vọ, hắn đã nhìn thấy rất rõ, những đốm sáng đó chính là rất nhiều cặp mắt. Chúng là mắt của một loài chó, một đàn chó bẩn thỉu tanh hôi, một đàn chó đang run rẩy trong cơn hấp hối. Tuy chúng ở cách họ khá xa, tuy chúng đang im lìm bất động, song vẫn khiến Quỷ Nhãn Tam đờ người khiếp đảm, buột miệng kêu lên:
- Tam canh hàn!
“Tả truyện” có chép: “Chó tốt mà dại, thứ gì cũng cắn.” Đỗ Dự chú rằng: “Dại, là chó điên cuồng,” nay gọi chó dại.
Đàn chó mà Quỷ Nhãn Tam nhìn thấy chính là một bầy chó điên cuồng, cũng chính là chó dại như người ta thường gọi. Chỉ một bầy chó dại đã khiến Quỷ Nhãn Tam phải khiếp đảm đến thế ư? Chắc chắn là không! Trong mắt hắn, chúng không phải là chó bình thường.Trong bộ óc của chúng có một loài trùng lạ sống kí sinh, có người gọi chúng là “tam canh hàn.”[1]
Hình thù của lũ chó vô cùng ghê tởm toàn thân lông lá trơ trụi, chỉ còn sót vài túm lông ở chót đuôi và đầu tai phất phơ trong gió lạnh. Trên tấm thân trụi lủi tím bầm của chúng chi chít những vết lở loét đầy máu mủ, bên khóe miệng lòng thòng nước dãi xanh lét đặc quánh; bốn cẳng chân ngắn ngủn, gầy guộc run rẩy tựa như không thể đứng vững. Những cơn gió Bắc đang vun vút thổi dường như có thể đẩy ngã chúng bất cứ lúc nào. Mỗi khi tới canh ba, lũ chó sẽ toàn thân lạnh cứng co quắp mà chết. Song nếu uống được máu nóng, chúng lại có thể sống thêm một ngày nữa.
Hiện giờ đã tới canh ba. Lũ chó kia đã sắp đến hồi hấp hối, chúng có thể gục xuống chết bất kì lúc nào. Mà lúc hấp hối cũng chính là thời khắc điên cuồng nhất, bởi lẽ đó là thời khắc chúng khao khát cùng cực dòng máu nóng để hóa giải nỗi đau đớn cắn xé trong cơ thể. Để giành được nguồn máu nóng, chúng sẽ tấn công một cách điên cuồng nhất, kịch liệt nhất, mà đòn tấn công liều mạng bao giờ cũng là đòn tấn công ghê gớm khôn lường.
Lỗ Thịnh Hiếu vẫn chưa dám tin, bèn hỏi lại:
- Đúng là tam canh hàn?
Quỷ Nhãn Tam đáp:
- Có lẽ vậy!
Quỷ Nhãn Tam trước nay nói năng kiệm lời tối đa, giờ đã thêm vào hai chữ.
- Giống kí sinh trùng này chẳng phải đã tuyệt chủng vài trăm năm rồi hay sao? – Lỗ Thịnh Hiếu vẫn bán tín bán nghi.
- Có lẽ vậy! – Quỷ Nhãn Tam đáp.
- Đối thủ đã khiến giống trùng này tái sinh?
- Có lẽ vậy! – Quỷ Nhãn Tam vẫn lặp lại ba chữ đó.
Kì thực trong số họ, người khiếp sợ tam canh hàn nhất chính là Quỷ Nhãn Tam. Gia tộc họ Nghê có truyền thống trộm mộ sinh tài, tộc phả đã được ghi chép từ niên hiệu Thiên Thánh đời Tống Nhân Tông. Các thế hệ tổ tiên của dòng họ Nghê đã từng trải qua vô số chuyện hung hiểm và quái đản, song duy chỉ có hai sự kiện khiến gia tộc suýt chút nữa phải tuyệt diệt. Sự kiện thứ nhất là “tam canh hàn.” Vào năm Nguyên Trinh thứ hai đời Nguyên Thành Tông, mười bốn tráng đinh nhà họ Nghê trong lúc di dời một ngôi mộ quan đời Hán ở núi Ngưu Tâm phía đông thành phủ Long An đã bị một đàn chó sói điên tấn công. Mười ba người chết, một người mang thương tích chạy thoát thân. Người này trở về nhà được khoảng nửa tháng, thì hàng đêm cứ đến lúc canh ba lại lên cơn điên loạn, tàn sát người thân trong nhà, cắn cổ hút máu. Về sau bị nhốt vào lồng sắt, ngay trong đêm đó lên cơn rét cứng, co quắp mà chết. Khi đó đang giữa mùa hạ, lúc chết thê thảm vô cùng, toàn thân lở loét thối rữa, không còn mảnh da lành lặn. Sau khi chết, có con trùng lạ cắn vỡ đỉnh đầu chui ra, giống trùng đó chính là tam canh hàn. Sự kiện thứ hai là thảm họa “vách Bách anh”[2] xảy ra vào bốn mươi năm về trước. Ba mươi chín người già trẻ lớn bé nhà họ Nghê bị vây khốn bởi vách Bách anh chìm trong nước tại khe Trích Thúy giữa hai huyện Vũ Khê và Vu Sơn thuộc Tứ Xuyên, may được nhà họ Lỗ trượng nghĩa cứu thoát. Bởi vậy, trong suốt vài trăm năm qua, tất cả người nhà họ Nghê không ai không biết sự lợi hại của tam canh hàn.
Quỷ Nhãn Tam bắt đầu nghĩ đến chuyện thoái lui. Tuy rằng trong suốt mấy trăm năm qua, Nghê gia đã nghĩ ra rất nhiều đối sách để ứng phó với tam canh hàn song lại chưa từng được áp dụng trong thực tế.
- Hàn trùng trong chó dại, bẫy này không dễ qua. Chi bằng rút lui, hôm khác tập hợp cao thủ lại tới? – Quỷ Nhãn Tam đưa ra kiến nghị. Lỗ Nhất Khí cũng tán thành, để đi được tới đây, thực không dễ dàng gì, cũng là nhờ vào vài phần may mắn.
- Này cháu, không phải ta già mà lẩm cẩm, không biết tính thiệt hơn. Ta biết rõ cạm bẫy này nguy hiểm đến đâu, dẫu rằng ta chưa đích thân trải nghiệm, song các vị trưởng bối họ Nghê của cậu đã kể cho ta biết. Nhưng hôm nay, chúng ta có thể vào được tới đây, phần nhiều là nhờ ra tay bất ngờ, khiến đối thủ trở tay không kịp. Nếu ngày sau lại tới, cho dù gom đủ sức mạnh Lục hợp, chưa chắc đã vào được tới đây. Giờ đây tên đã lắp vào dây cung, cánh cung này không thể buông được!
Lỗ Thịnh Hiếu đã nhìn thấu tâm tư của Quỷ Nhãn Tam, ông nói một cách hết sức chân thành.
Quỷ Nhãn Tam không nói gì thêm, hắn hướng con mắt duy nhất về phía Lỗ Nhất Khí, hắn muốn biết thái độ của cậu ra sao.
Thoạt tiên Lỗ Nhất Khí cũng có suy nghĩ giống Quỷ Nhãn Tam, song nghe lời bác nói, lại ngẫm nghĩ kĩ, cũng thấy đúng là như vậy. Bởi vậy, cậu cũng đưa mắt nhìn Quỷ Nhãn Tam, ánh mắt như muốn hỏi “Có cách nào vượt qua không?”
Ẩn ý trong ánh mắt của Lỗ Nhất Khí, đối với Quỷ Nhãn Tam chính là mệnh lệnh, và cũng là niềm tin. Hắn mở nút bình rượu, cẩn thận nhấp lấy hai ngụm từ chút rượu còn sót lại trong bình, rồi lại cất đi. Sau đó, hắn bật Vũ Kim Cương, mở chiếc túi da nhỏ buộc trên tấm áo chẽn da bò nhón ra một nhúm chu sa, vẽ lên trên tán dù một kí hiệu lớn có hình ngọn lửa. Đây là phương pháp mà một vị đạo trưởng Mao Sơn đã truyền dạy cho gia tộc của hắn. Theo vị đạo trưởng này, tam canh hàn chính là một giống sâu cực hàn chuyên ăn xác[3], bùa ngọn lửa tuy không rõ có phá được nó hay không, song chí ít cũng có thể bảo vệ được bản thân mình.
Vẽ xong bùa, hắn lại rút ra một tờ giấy bồi vàng từ thắt lưng, dùng số chu sa còn sót trong tay ra một đạo chú độ hồn. Sau đó lại lấy từ một túi da nhỏ khác một chút bột hương rắc lên trên, thứ bột hương này chính là bột hương Thiên Phật chính cống của chùa Đa Giác. Hắn cuộn chặt tờ giấy có chứa bột hương thành một que đóm, rồi dùng mồi lửa mang theo châm đốt. Bởi lẽ trong giang hồ có truyền thuyết cho rằng tam canh hàn là do một đốm linh quang duy nhất còn sót lại của những oan hồn chết cóng hóa thành. Nếu dâng cho chúng một nén hương siêu độ linh hồn, có thể giữ yên chúng chừng một giờ ba khắc. Đây là chiêu thứ hai của Quỷ Nhãn Tam.
- Chưa vạn bất đắc dĩ, không giết hại chó điên! – Đây là chiêu thứ ba của Quỷ Nhãn Tam, cũng chính là một lời cảnh báo dành cho Lỗ Nhất Khí và Lỗ Thịnh Hiếu. Chó không chết, trùng sẽ không ra. Năm xưa, vị tổ tiên kia của họ Nghê đã dùng xẻng lưỡi cày bổ chết hai con sói điên nên mới bị hàn trùng chui vào người mà lên cơn cuồng dại.
Chuẩn bị xong mọi thứ, Quỷ Nhãn Tam vẫn chưa vội xông vào trong, mà móc ra một chiếc hộp nhỏ từ túi đeo sau lưng, là chiếc hộp được làm từ loại ngọc ấm vân lửa nghìn năm. Hắn ấn chiếc hộp vào tay Lỗ Nhất Khí, nói:
- Nếu thực sự hết cách, hãy mở nó ra!
Chưa cầm đến hộp ngọc, Lỗ Nhất Khí đã biết đó là bảo bối. Chiếc hộp khí sắc linh động, bóng bẩy như ráng mây, có điều dường như bị thứ gì khống chế, khí tuy thịnh song thu nhiếp mà không phát tán.
Mọi việc đã xong xuôi, Quỷ Nhãn Tam lại nhìn Lỗ Nhất Khí. Hắn đang chờ đợi quyết định của cậu, chỉ cần cậu đưa ra một ánh mắt ngụ ý tiến lên, hoặc gật đầu một cái, hắn sẽ xông vào phía trong ngay lập tức.
Nhưng lúc này, Lỗ Nhất Khí lại đang chú tâm đến người bác. Lỗ Thịnh Hiếu được Lỗ Nhất Khí đỡ lên, ông đứng dậy rất khó nhọc, có vẻ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Nhưng ông cần phải đứng dậy, bởi thời gian không còn nhiều. Nếu trước khi trời sáng, họ vẫn chưa ra được khỏi trạch viện, quân tiếp viện của đối thủ kịp kéo tới, họ sẽ khó mà thoát thân. Sau khi đứng dậy, Lỗ Thịnh Hiếu dừng lại một hồi trước cánh cửa, nhìn trân trân vào những đốm sáng trước mặt, lẩm bẩm trong miệng:
- Kì lạ, thật kì lạ!
Rồi gọi:
- Nghê Tam, cậu thử nhìn kĩ xem, tại sao lũ quái vật kia lại không hề động đậy, liệu có phải là đồ giả để dọa chúng ta không? – Tới nước này rồi mà Lỗ Thịnh Hiếu vẫn cố nuôi hi vọng.
Nhưng lời nói của ông cũng đã thức tỉnh Quỷ Nhãn Tam, đúng là lũ chó từ nãy tới giờ vẫn không nhúc nhích dù chỉ một li. Tuy chúng vẫn run lẩy bẩy trong gió đông lạnh buốt, song vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu, không hề xê dịch. Quỷ Nhãn Tam bóp cằm suy nhất thời cũng không hiểu ra sao.
- Tốt nhất cứ thử xem sao! – Quỷ Nhãn Tam bừa ra một cách.
- Được, vậy thì thử xem!
Lỗ Thịnh Hiếu nói đoạn, rút ra một mũi dùi xuyên tường và một móc câu hoạt thiệt[4]. Ông ngồi xuống phía trước thú năm chân, bắt đầu bận rộn thao tác. Ông đang tháo gỡ Thiên Hồ giao liên và cẳng chân thứ năm của thú năm chân.
Ông cuốn hai sợi Thiên Hồ giao liên thành hai cuộn rồi đưa cho Quỷ Nhãn Tam và Lỗ Nhất Khí mỗi người một cuộn, nói:
- Cầm lấy! Chỉ cần hôm nay giữ được mạng trở ra, sau này chắc chắn sẽ dùng đến!
Ông lại nhấc hai cẳng chân thú lên. Hai cẳng chân này khác hẳn với con thú đá, chúng không phải được làm bằng đá hoa cương, mà trông tròn xoe như quả bóng, lại tua tủa lông tơ. Song chúng được chế tác rất khéo léo, từ màu sắc đến hình dạng, đều giống hệt như một cẳng chân làm từ đá hoa cương. Lỗ Thịnh Hiếu thấy rõ vẻ hiếu kì của Lỗ Nhất Khí, bèn chủ động giải thích:
- Cái này gọi là “hồi chuyển lưu tinh,”[5] vốn dĩ không phải là thứ gì tinh xảo, chỉ là thứ đạo cụ vặt vãnh trong mấy gánh xiếc dạo. Song trong mấy năm qua, đối phương đã thêm thắt cải tiến, khiến cho nó không có phương hướng và góc độ chuyển động cố định, lại thêm nút khởi động quá bất ngờ, ngay cả cao thủ võ thuật cũng rất khó tránh. Phía sau nó lại mang theo Thiên Hồ giao liên mảnh như sợi tóc, liên tục bay rối loạn vòng quanh, dễ dàng trói chặt người ta lại.
Lỗ Thịnh Hiếu vừa nói vừa xoay vặn các ngón chân thú. Mỗi ngón chân ông đều xoay chí ít mười vòng để lên đủ dây cót cho hai chiếc “hồi chuyển lưu tinh.” Sau đó ông ném chúng qua khe cửa khép hờ vào bên trong trạch viện. Hai cẳng chân lập tức nhảy nhót điên cuồng, va đập loạn xạ. Một hồi sau, khi dây cót đã buông hết, chúng mới rơi xuống lăn lông lốc trên mặt đất.
Bị hai cẳng chân quăng ném va đập kịch liệt liên hồi, nhưng đàn chó điên vẫn im lìm bất động. Quỷ Nhãn Tam bắt đầu tin vào sự phán đoán của Lỗ Thịnh Hiếu. Nếu quả thực chúng là chó dại, đừng nói đợi đến lúc bị tấn công và chọc phá, cho dù không làm gì chúng, chỉ cần ba cơ thể sống tràn đầy máu nóng kia xuất hiện trước mặt, chúng sẽ lao đến cắn xé từ lâu rồi.
- Nếu như là đội lốt khảm sống… – Cách dùng từ của Lỗ Nhất Khí vẫn thường pha lẫn một vài thuật ngữ của nghề đồ cổ – vậy mục đích của họ là gì? Có lẽ có hai mục đích, thứ nhất là để hù dọa để chúng ta rút lui, thứ hai là đánh lạc hướng chú ý, khiến chúng ta lơ là một thứ gì đó. Còn nếu đây là cạm bẫy thực, thì mục đích là gì? Cũng sẽ có hai mục đích, thứ nhất là khiến chúng ta không chú ý đến một vài thứ gì đó, thứ hai là để chúng ta mất cảnh giác trước khảm sống này. Bởi vậy, cho dù khảm diện này là thật hay giả, hẳn là vẫn còn có một cơ quan kín đáo nào khác nữa!
Tim Lỗ Thịnh Hiếu bỗng nảy lên một nhịp, ông như đã bừng tỉnh: tại sao hai cánh cửa lại không đóng? Đã không đóng, tại sao lại không mở hẳn mà chỉ khép hờ? Đó là vì nó đang chống đỡ một cơ quan theo hình thức đóng mở phổ biến nhất. Lúc này, ông không cả kịp khen ngợi trí tuệ của cậu cháu, mà ngồi thụp ngay xuống cẩn thận quan sát phần khung của cánh cửa bàn cờ, sau đó rút ra một lưỡi liềm hình mỏ chim ó, móc kéo trục bản lề của cánh cửa vài cái. Cánh cửa khép hờ bèn từ từ mở ra. Từ trên khung cửa ở phía sau cánh cửa, liên tiếp ba lưỡi dao dài từ từ rơi xuống. Đây chính là một loại cơ quan đơn giản nhất, binh thường nhất – đao trên cửa. Nó tầm thường tới mức người ta thậm chí đã quên bẵng mất sự tồn tại nó, cũng chính vì thế, nó rất dễ khiến người vượt khảm diện bỏ qua.
Lỗ Thịnh Hiếu và Quỷ Nhãn Tam đều toát mồ hôi hột. Bây giờ họ mới thấy kinh sợ, nếu không có những suy luận vừa rồi của Lỗ Nhất Khí, trong bọn họ chí ít lại sẽ có thêm một người bỏ mạng tại đây.
Cửa đã mở, đao đã hạ, Lỗ Nhẩt Khí một tay giương súng, tay còn lại nắm chặt hộp ngọc mà Quỷ Nhãn Tam vừa đưa, thận trọng bước vào bên trong. Quỷ Nhãn Tam tay phải cầm ngang Vũ Kim Cương, tay trái bắt kiếm quyết cầm hương độ hồn, bám sát sau lưng Lỗ Nhất Khí. Lỗ Thịnh Hiếu tuy bước chân có phần xiêu vẹo, song cũng bám theo sát gót.
Bước vào nội trạch viện, không hề thấy hai dãy nhà chái đông tây như thường lệ, Lỗ Nhất Khí cũng không lấy làm ngạc nhiên nữa. Trong trạch viện này chẳng thiếu thứ gì, duy chỉ thiếu nhà ở. Tuy không có nhà chái đông tây, song lại có một đoạn hành lang gấp khúc[7]. Điểm kì quặc chính là ở chỗ chỉ có một đoạn. Mặt tường phía đông không có, mặt tường phía tây cũng chỉ có một đoạn ở gần bên nhà chính, mặt khác, chiều ngang của hành lang ở chỗ sát với nhà chính là rộng nhất, càng về phía nam càng hẹp, đến giữa bức tường phía tây thì thu lại thành một góc nhọn, rồi chấm dứt. Ngoài ra, còn một điểm hơi khác biệt với các nội trạch viện thông thường khác, chính là ở giữa sân, sát với nhà chính có bốn gốc cây không cao lắm, trên cây lủng lẳng những vật gì đó lớn cỡ bàn tay, đang đung đưa theo gió, trông giống như những chiếc lá cây còn sót lại.
Bước thêm vài bước nữa, đã tới gần bầy chó dại. Lúc này Lỗ Nhất Khí mới nhìn rõ hình dạng ghê sợ của chúng. Tuy chúng thân hình bé nhỏ, song rất đông, ước chừng cũng phải hai ba chục con. Nhìn chúng chẳng khác gì những con chó cỏ canh nhà giữ ruộng bình thường khắp thôn làng ngõ xóm. Đó mà là chó điên ư? Đúng vậy, nếu không bị hàn trùng xâm nhập, chúng chỉ là những con chó cỏ bình thường. Nhưng giờ đây, trong bộ óc chúng đã có tam canh hàn kí sinh, bởi vậy, chúng đã trở thành những con chó điên hung hãn và ghê gớm nhất.
Lũ chó thực sự trông chẳng khác gì chó giả, con nào con nấy cơ thể lở loét nát bấy, bẩn thỉu hôi hám, đến bộ mặt cũng méo mó biến dạng, giống như những con chó vải đồ chơi bị trẻ con vần vò đến rách bươm rồi vứt bỏ. Ba người bọn họ vẫn hết sức cảnh giác với bầy chó. Cần phải tập trung toàn bộ tinh thần, tâm lực và can đảm để đề phòng lũ chó bất ngờ tấn công.
Chú thích
[1] Có nghĩa là: Canh ba phát lạnh.
[2] Có nghĩa là vách tường trăm đứa trẻ, là một loại cơ quan kết hợp với vu thuật. Sử dụng các hình thái chết thảm của trẻ sơ sinh, tiếng kêu khóc lúc hấp hối, lại lợi dụng vu thuật để hồi sinh quỷ khí và thi khí, tạo nên một bức tường ảo giác, thu nhiếp tâm thần, khiến người sa bẫy kinh hồn bạt vía, thần kinh hoảng loạn. Nếu người sa bẫy tâm lí cực vững vàng, vẫn có thể dùng pháp thuật điều khiển xác chết sơ sinh, để sát hại bằng những phương thức đặc biệt khác.
[3] Nguyên văn: Hàn cực thi mông, là một loại côn trùng rất thích hàn khí từ xác chết, nó có thể hút hàn khí trên xác chết tụ lại tại một điểm, bởi vậy có hiện tượng những bộ phận khác của thi thể vẫn còn ấm, duy chỉ có vị trí này là đông kết thành băng. Tuyệt đối không được để con trùng đã hút được hàn khí của thi thể xâm nhập vào cơ thể người sống, nếu không, nó sẽ nhả hàn khí ra, làm đông cứng tâm mạch của người sống.
[4] Một loại kim, phần đầu uốn cong như móc câu, phần đuôi có lắp một chiếc gai ngắn có thể xoay chuyển lên xuống. Loại kim này có thể găm móc, có thể xoay tròn, chiếc gai ngắn có thể khớp lại với móc câu, có thể quấn giữ dây, cũng có thể ghim vào để cố định những thứ đã móc được vào một vị trí nào đó.
[5] Có nghĩa là: sao băng xoay tròn.
[7] Hành lang gấp khúc, nguyên văn là hành lang sao thủ, là một dạng của kiểu hành lang gấp khúc. Trong kiến trúc Tứ hợp viện cổ xưa, sau cổng thùy hoa ở hai bên thường thiết kế hành lang kiểu này để nối liền với nhà chái và nhà chính. Hình dáng của nó là nối từ cổng thùy hoa, chạy sang hai bên, rồi chuyển ngoặt men theo tường chạy về phía trước, đến cánh cổng tiếp theo lại chuyển ngoặt hướng vào nhà chính, tức men theo rìa của tứ hợp viện bẻ ngoặt thành ba khúc, trông giống như một cánh tay ôm vòng, nên được gọi là hành lang “sao thủ” (vòng tay).
Lời Nguyền Lỗ Ban Lời Nguyền Lỗ Ban - Viên Thái Cực Lời Nguyền Lỗ Ban