Chương 12
9 Tháng Mười 1972
Tôi dám chắc Giáo sư sẽ ngạc nhiên khi đột nhiên nhận được lá thư này của tôi. Xin thứ lỗi choường đột của tôi. Thưa Giáo sư, tôi nghĩ ông không còn nhớ tên tôi. Tôi đã có một thời là cô giáo ở một trường tiểu học nhỏ ở tỉnh Yamanashi. Có thể khi đọc thư này, ông sẽ nhớ ra đôi điều về tôi. Tôi chính là cô giáo phụ trách cái nhóm học sinh đồng loạt bị bất tỉnh trong một chuyến đi dã ngoại. Sau đó, như ông hẳn còn nhớ, tôi đã có dịp nói chuyện với ông cùng các đồng nghiệp từ trường đại học Tokyo của ông nhiều lần khi các ông cùng các vị bên quân đội đến tỉnh chúng tôi để tiến hành điều tra.
Trong năm sau, tôi hay thấy tên ông được nhắc đến một cách nổi bật trên báo chí và tôi đã theo dõi sự nghiệp cùng những thành tựu của ông với lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Với lòng cảm mến, tôi cũng nhớ những lần gặp gỡ với ông, nhất là cách phát biểu hoạt bát và chính xác của ông. Tôi cũng cảm thấy may mắn được đọc một số sách của ông. Tôi luôn thán phục sự uyên thâm của ông và tôi thấy thế giới quan thể hiện trong tất cả những trước tác của ông là rất thuyết phục – cụ thể là quan điểm cho rằng mỗi chúng ta, với tư cách một cá nhân, là cực kỳ đơn độc, đồng thời tất cả chúng ta lại được liên kết bởi một ký ức có tính chất nguyên mẫu. Đã có những lần trong cuộc đời của chính mình, tôi cảm thấy đúng như thế. Cho nên, từ xa, tôi vẫn cầu nguyện cho ông tiếp tục thành công.
Sau cái sự kiện ấy, tôi vẫn tiếp tục dạy ở ngôi trường tiểu học đó. Nhưng cách đây mấy năm, tôi đột ngột ngã bệnh, phải nằm điều trị ở Bệnh viện tổng hợp Kofu một thời gian dài, và vào đận này tôi nộp đơn xin thôi việc. Trong một năm, tôi cứ ra vào bệnh viện mãi, nhưng rồi cuối cùng cũng bình phục. Sau khi được cho về nghỉ, tôi mở một lớp phụ đạo nhỏ trong tỉnh. Học sinh ở lớp này là con cái những học sinh cũ của tôi. Thời gian bay vùn vụt là một nhận xét quá nhàm nhưng thật đúng: tôi thấy năm tháng qua đi nhanh đến mức không tin nổi.
Trong chiến tranh, tôi đã mất chồng tôi và cha tôi, rồi mất nốt mẹ tôi trong thời kỳ hỗn loạn sau khi Nhật Bản đầu hàng. Cưới nhau chưa được bao lâu thì chồng tôi phải ra mặt trận, chúng tôi không có con, nên tôi chỉ còn trơ trọi một mình trên đời. Tôi không thể nói là đời mình đã hạnh phúc, nhưng đối với tôi, được dạy dỗ bao thế hệ học sinh trong bao năm cũng là một ân phước. Tôi tạ ơn Trời đã cho tôi cơ may đó. Nếu không làm cô giáo, chắc tôi đã không sống qua được đoạn trường ấy.
Thưa Giáo sư, hôm nay tôi thu hết can đảm để viết thư này cho ông bởi vì tôi không bao giờ quên được vụ hôn mê tập thể trong rừng vào mùa thu năm 1944 ấy. Hai mươi tám năm đã trôi qua, nhưng nó vẫn còn tươi nguyên trong trí tôi như mới xảy ra ngày hôm qua. Ký ức ấy luôn theo tôi như cái bóng, từng phút từng giây khi tôi thức. Tôi đã qua không biết bao đêm mất ngủ, suy ngẫm về nó, thậm chí nó còn ám ảnh những giấc mơ của tôi.
Cứ như thể những chấn động về sau của sự kiện ấy đã chi phối mọi mặt đời sống của tôi. Xin đơn cử một thí dụ: bất cứ khi nào tình cờ gặp một trong số học sinh nạn nhân của vụ đó (một nửa trong số họ vẫn sống ở tỉnh này và giờ đã 35-36 tuổi), tôi đều tự hỏi sự kiện đó đã có ảnh hưởng thế nào đối với họ và bản thân tôi. Một cú sốc như thế ắt còn để lại những chấn thương vật thể hoặc tâm lý trong tất cả chúng tôi. Tôi không thể nghĩ khác được. Nhưng nếu bảo nêu đích xác đó là loại chấn thương gì và mức độ của nó đến đâu, thì tôi chịu.
Như Giáo sư biết đấy, giới quân sự đã giữ không để cho tin tức về vụ này được đến với công chúng. Trong thời kỳ chiếm đóng, quân đội Mỹ đã bí mật tiến hành cuộc điều tra riêng của họ. Giới quân sự, dù là Nhật hay Mỹ, bao giờ cũng vậy. Ngay cả khi đã bãi bỏ kiểm duyệt sau thời kỳ chiếm đóng, vẫn không có bài nào về vụ này xuất hiện trên các báo hay tạp chí. Tôi nghĩ điều đó cũng có thể hiểu được vì chuyện xảy ra đã bao năm và không ai vì vậy mà chết cả.
Bởi vậy, hầu hết dân chúng không hề biết một vụ như thế đã xảy ra. Trong chiến tranh, đã có biết bao sự kiện khủng khiếp và hàng triệu người đã thiệt mạng, cho nên tôi đồ rằng những gì xảy ra ở cái tỉnh nhỏ của chúng tôi hẳn cũng chẳng làm cho thiên hạ xúc động gì lắm. Ngay cả ở đây, cũng không mấy người còn nhớ chuyện gì đã xảy ra và những ai còn nhớ thì có vẻ không muốn nhắc đến nó nữa. Có thể nói đa số những người còn nhớ vụ này đều coi đó là một ký ức chẳng thú vị gì mà họ không muốn đả động.
Cùng với thời gian, hầu hết mọi sự chìm vào quên lãng. Ngay cả chiến tranh và cuộc đấu tranh sinh tử mà người ta đã trải qua, giờ đây cũng tựa như một cái gì từ dĩ vãng xa xăm. Chúng ta quá bấn bíu với cuộc đời thường nhật đến nỗi những sự kiện của quá khứ biến mất khỏi quỹ đạo tâm trí của chúng ta như những vì sao đã tắt. hàng ngày, có quá nhiều điều chúng ta phải nghĩ đến, quá nhiều điều mới chúng ta phải học. thông tin mới, kiểu cách mới, kỹ thuật mới, thuật ngữ mới... Tuy nhiên, bất kể bao nhiêu thời gian qua đi, bất kể mọi biến cố, có một số điều ta không thể chôn vào quên lãng, những ký ức mà ta không bao giờ có thể xóa nhòa. Chúng ta còn lại mãi nơi chúng ta như phiến đá đỉnh vòm. Và với tôi, chuyện xảy ra ở trong rừng hôm ấy là một trong những ký ức đó.
Tôi nhận ra rằng giờ đây mình chẳng thể làm gì được nữa và rất thông cảm nếu như ông thấy bối rối không hiểu tại sao tôi lại khuấy lên câu chuyện cũ ấy vào cái thời điểm muộn mằn này. Nhưng chừng nào tôi còn sống, tôi cần trút vợi những gì chứa chất trong lòng.
Dĩ nhiên trong chiến tranh, chúng ta phải chịu chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo và có những điều chúng ta không dễ dàng bàn đến. Thưa Giáo sư, khi tôi gặp ông hồi ấy, nhiều sĩ quan quân đội cũng có mặt, tôi không thể tự do thoải mái nói chuyện với ông. Hơn nữa, dạo ấy tôi chưa biết gì về ông cũng như về công việc của ông, cho nên, trong tư thế một thiếu phụ trò chuyện với một người đàn ông không quen biết, chắc chắn tôi không thể thật thà bộc bạch mọi chuyện riêng tư thầm kín. Thành thử tôi đã giấu một số sự việc. Nói cách khác, trong cuộc điều tra chính thức, tôi đã cố tình xuyên tạc một số sự việc liên quan. Và sau chiến tranh, khi quân đội Mỹ phỏng vấn tôi, tôi đã bám chặt lấy câu chuyện cũ. Vì sợ và để giữ thể diện, tôi đã lặp lại vẫn những điều dối trá tôi đã nói với ông. Điều đó có thể đã gây thêm khó khăn cho ông trong việc điều tra và có thể đã làm sai lệch những kết luận của ông. Tôi biết thế. Ý thức đã giày vò tôi trong nhiều năm và tôi xấu hổ vì những gì mình đã làm.
Tôi hy vọng điều đó giải thích được tại sao tôi viết bức thư dài này gửi ông. Tôi hiểu ông rất bận và có thể không có thời gian dành cho việc này. Nếu vậy, xin ông cứ coi đây như những lời dông dài của một mụ già và vứt nó vào sọt rác. Vấn đề là, chừng nào còn sống, tôi cảm thấy cần phải thú nhận tất cả những gì đã thực sự xảy ra hôm đó, viết ra trên giấy trắng mực đen, chuyển tới người thích đáng. Tôi đã lành bệnh nhưng có trời biết lúc nào nó lại tái phát. Tôi hy vọng ông chiếu cố điều đó.
Cái đêm trước hôm đưa bọn trẻ đi chơi ngoại khóa trên đồi, tôi nằm mơ thấy chồng tôi ngay trước lúc rạng sáng. Anh ấy đã bị động viên ra mặt trận. Giấc mơ đầy nhục dục và rất cụ thể - một loại giấc mơ cực kỳ sinh động đến nỗi khó mà phân biệt được giữa mơ và thực.
Trong giấc mơ, chúng tôi làm tình trên một phiến đá rộng. Đó là một phiến đá màu xám nhạt gần đỉnh núi, bằng cỡ hai chiếc chiếu tatami, bề mặt nhẵn mượt và ẩm. Trời đầy mây và có vẻ như sắp nổi giông, nhưng không có gió. Hình như đã gần tối và chim chóc đang vội vã về tổ. Như vậy, hai chúng tôi nằm đó, dưới bầu trời đầy mây, lặng lẽ yêu nhau. Chúng tôi cưới chưa được bao lâu, chiến tranh đã chia lìa mỗi người một ngả. Thân thể tôi bừng bừng thèm khát chồng tôi.
Tôi cảm thấy một nỗi khoái lạc không sao tả xiết. Chúng tôi thử đủ mọi tư thế, làm đi làm lại, liên tiếp đạt đến cực khoái, hết đợt này đến đợt khác. Bây giờ nghĩ lại thấy thật kỳ lạ, bởi vì trong đời thực, cả hai chúng tôi đều là người trầm tĩnh, đa phần hướng nội. Chúng tôi chưa bao giờ trút hết mình vào cuộc ân ái đến độ ấy, với nhiều tư thế như vậy và chưa bao giờ trải nghiệm một khoái cảm chín-tầng-mây như vậy. Nhưng trong giấc mơ, chúng tôi đã vứt bỏ mọi kìm nén và lao vào cuộc như những con thú.
Khi tôi mở mắt dậy, bên ngoài hãy còn mờ tối và tôi có cảm giác rất kỳ. Toàn thân nằng nặng, tôi có thể cảm thấy chồng tôi vẫn ngập sâu trong tôi. Tim tôi đập thình thịch và tôi thấy khó thở. Cửa mình tôi ướt đẫm, y như sau cuộc giao hoan. Như thể tôi đã làm tình thực sự, chứ không phải nằm mơ. Nói ra thật xấu hổ, nhưng lúc ấy tôi đã thủ dâm. Tôi đang cháy bỏng nhục dục và tôi cầm làm một cái gì đó cho nguôi dịu đi.
Sau đó, tôi đạp xe đến trường như mọi khi và đưa bọn trẻ đi dã ngoại ở Đồi Bát Cơm. Khi chúng tôi đi lên con đường núi, những cảm giác tình dục vẫn còn vương vấn trong tôi. Tôi chỉ việc nhắm mắt lại là có thể cảm thấy chồng tôi cắm ngập trong tôi, tinh dịch của anh ấy phọt vào thành tử cung tôi. Tôi lấy hết sức níu lấy anh ấy, giạng hai chân hết cỡ, gót chân quắp lấy đùi anh. Tình thật, tôi đưa bọn trẻ lên đồi trong một trạng thái ngây ngất: tôi cảm thấy như vẫn đang giữa giấc mộng dâm dục như thực ấy...
Chúng tôi leo lên đồi, tới chỗ đã định và đúng lúc bọn trẻ chuẩn bị tản ra để tìm nấm, thì bất thình lình tôi bắt đầu ra kinh. Đúng ra là chưa đến kỳ, lần gần đây mới cách có mười ngày, mà bình thường kinh nguyệt tôi rất đều. Có lẽ giấc mơ kích dục nọ đã khuấy động một cái gì bên trong tôi và gây ra điều bất thường đó. Cố nhiên là tôi không dự phòng chuyện này và chúng tôi lại đang ở giữa vùng đồi xa thành phố.
Tôi bảo bọn trẻ dừng lại nghỉ một lúc và đi một mình vào sâu trong rừng, tìm cách làm vệ sinh cá nhân, lau thấm bằng hai chiếc khăn tôi mang theo. Máu ra rất nhiều, tung tóe khắp, nhưng tôi chắc có thể tạm thời cầm cự cho đến khi trở về trường. Đầu tôi hoàn toàn trống rỗng và tôi không sao tập trung được. Tôi cảm thấy mình có lỗi vì đã mơ một giấc mơ phóng túng đến thế, đã thủ dâm và lại còn mường tượng chuyện ân ái ngay trước mặt đám học sinh của mình. Bình thường, tôi thuộc loại biết kiềm chế những ý nghĩ như vậy.
Tôi cho bọn trẻ đi hái nấm và nghĩ bụng có lẽ nên rút ngắn cuộc đi chơi và trở về càng sớm càng tốt. Về tới trường, tôi sẽ có thể rửa ráy sạch sẽ hơn. Tôi ngồi xuống, theo dõi bọn trẻ đi tìm nấm, đếm đầu chúng để đảm bảo không đứa nào ở ngoài tầm mắt.
Tuy nhiên, sau một lúc, tôi thấy một thằng bé tay cầm cái gì đi lại phía tôi. Đó là Nakata, chính cái thằng bé sau đó không tỉnh lại và phải đưa vào bệnh viện. Nó đang cầm những chiếc khăn máu tôi đã dùng. Tôi ngớ ra và không thể tin ở mắt mình. Tôi đã giấu chúng khuất mắt, tận xa, ở một chỗ tôi nghĩ bọn trẻ ắt không mò đến. Chắc ông hiểu điều đó là điều ngượng ngùng nhất đối với một phụ nữ, một thứ mà phụ nữ nói chung không muốn để ai thấy. Tôi không biết làm thế nào mà Nakata có thể mò ra những chiếc khăn ấy.
Trước khi kịp nhận ra mình đang làm gì, tôi đã tát nó. Tôi túm lấy vai nó và tát thật mạnh vào má. Có thể tôi còn la lối điều gì nữa nhưng tôi không nhớ. Tôi đã mất tự chủ, không còn tỉnh trí nữa. Tôi nghĩ mình ngượng quá đâm sốc. Trước đây, tôi chưa bao giờ đánh một học sinh. Nhưng bây giờ chính tôi đã làm điều ấy.
Bỗng nhiên tôi nhận thấy tất cả bọn trẻ đã ở đó, nhìn tôi chằm chằm. Đứa đứng, đứa ngồi tất cả đều đối mặt tôi. Cảnh tượng bày ra trước mắt chúng: tôi đứng sững, mặt tái nhợt, Nakata bị mấy cái tát ngã gục trên mặt đất, những chiếc khăn máu. Đó là một thời điểm ngưng đọng trong thời gian. Không ai động đậy, không ai nói nửa lời. Bọn trẻ không biểu cảm, mặt lạnh như những mặt nạ đồng. Một im lặng sâu thẳm trùm lên cánh rừng. Chỉ nghe thấy tiếng chim chiêm chiếp. Tôi không sao xóa bỏ được cảnh này ra khỏi tâm trí.
Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Có lẽ cũng không lâu nhưng tưởng như cả một thiên thu, dồn tôi đến mấp mé bờ vực thế giới. Cuối cùng, tôi vùng được ra khỏi được trạng thái đó. Sắc màu trở lại với thế giới quanh tôi. Tôi giấu những chiếc khăn máu ra sau tôi và bế Nakata lên. Tôi ghì chặt nó và hết lời xin lỗi: “Cô xin em, cô sai rồi, cô xin em hãy tha lỗi cho cô.” Nom nó như vẫn còn bị sốc. Mắt nó mở như vô hồn và tôi đồ rằng nó chẳng nghe thấy tôi nói gì. Vẫn ôm nó trên tay, tôi quay sang những đứa khác, bảo chúng cứ tiếp tục tìm nấm. Có lẽ chúng không thể hiểu điều gì vừa xảy ra vì nó quá kỳ lạ, quá đột ngột.
Tôi đứng đó, ôm chặt Nakata trong tay, cảm thấy như muốn chết hay biến mất. Nơi chân trời, chiến tranh khốc liệt đang tiếp diễn, vô số người đang chết. Tôi không còn biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa. Có thật tôi đang nhìn thấy thế giới thực tại không? Tiếng chim tôi đang nghe thấy có thực hay không? Tôi thấy mình đứng trơ trọi trong rừng, bối rối tột độ, máu vẫn cứ trào ra từ tử cung. Tôi tức giận, sợ hãi, bối rối – tất cả hòa làm một.
Và chính vào lúc ấy lũ trẻ gục xuống.
Tôi không kể lại với các vị bên quân sự điều gì đã thực sự xảy ra. Đó là thời chiến và chúng tôi phải giữ thể diện. Cho nên tôi bỏ qua đoạn tôi thấy kinh, đoạn Nakata tìm thấy những chiếc khăn máu và đoạn tôi đánh nó. Khi ông điều tra, tôi lại tiếp tục giấu. Tôi e rằng điều này đã cản trở công việc của ông. Cuối cùng, giờ đây tôi đã nói ra hết được, ông có thể hình dung là tôi cảm thấy nhẹ người biết bao.
Thật kỳ lạ, không một đứa nào trong bọn trẻ nhớ gì về sự việc này. Không đứa nào nhớ những chiếc khăn máu hoặc chuyện tôi đánh Nakata. Những ký ức này đã hoàn toàn biến khỏi đầu chúng. Ít lâu sau vụ việc này, tôi đã có dịp gián tiếp thăm dò từng đứa và qua đó xác định đúng là thế. Có lẽ cơn hôn mê tập thể đã bắt đầu từ lúc ấy.
Tôi muốn nói thêm đôi điều về bé Nakata với tư cách là cô giáo cũ của nó. Những gì đã xảy đến với nó sau vụ này, tôi thực sự không biết. Khi người ta phỏng vấn tôi sau chiến tranh, viên sĩ quan Mỹ nói với tôi là nó đã được đưa đến một bệnh viện ở Tokyo và cuối cùng, đã hồi tỉnh. Nhưng ông ta không cho tôi biết thêm chi tiết nào. Tôi đoán, về chuyện này, ông biết rõ hơn tôi, thưa Giáo sư.
Nakata là một trong những học sinh từ Tokyo sơ tán về tỉnh chúng tôi và là đứa thông minh nhất, đạt điểm cao nhất trong số đó. Với nét mặt dễ thương và quần áo luôn luôn chỉnh tề, Nakata là một chú bé hiền dịu, không bao giờ can thiệp vào chuyện của người khác. Trong lớp, nó chưa một lần xung phong trả lời, nhưng khi tôi gọi đến, bao giờ nó cũng trả lời chính xác và khi tôi hỏi ý kiến nó, nó luôn phát biểu đâu ra đấy. Bất luận đề tài gì, nó cũng nắm bắt được ngay. Mỗi lớp đều có một học sinh như vậy. Loại này tự giác học những điều cần học không cần phải giám sát, sau này chắc chắn sẽ vào một trường đại học hàng đầu và kiếm được một công việc ưu hạng. Loại trẻ có khả năng thiên bẩm.
Nhưng với tư cách là cô giáo của Nakata, tôi phải nói rằng ở nó có đôi điều làm tôi băn khoăn. Nhiều khi, tôi cảm thấy ở nó một thứ cam chịu. Ngay cả những lúc làm tốt những đề bài khó, nó cũng có vẻ không vui. Nó không bao giờ phấn đấu để thành công, không bao giờ có vẻ trải nghiệm nỗi dằn vặt của thử thách hay lầm lẫn. Nó không bao giờ thở dài hoặc nhoẻn miệng cười. Cứ như thể nó chỉ đơn giản làm những điều nó phải làm. Nó xử lý bất kỳ nhiệm vụ gì đến tay một cách hiệu quả - như một công nhân làm việc dây chuyền, với chiếc tuốc-nơ-vít trong tay, siết chặt những đinh ốc của từng bộ phận lần lượt đến trên băng chuyền.
Tôi chưa bao giờ gặp cha mẹ Nakata – họ ở tận Tokyo – nên không dám khẳng định điều gì, nhưng chắc chắn nguồn gốc vấn đề là ở gia đình. Tôi đã thấy một số trường hợp như vậy. Người lớn luôn luôn áp đặt đối với trẻ nhỏ, chính vì chúng có khả năng xử lý. Bọn trẻ bị ngợp bởi những nhiệm vụ đặt ra trước chúng và dần dà mất đi tính hồn nhiên và cảm giác thỏa mãn vốn có. Khi bị đối xử như vậy, trẻ con bắt đầu thu mình vào vỏ ốc và giữ kín mọi điều trong lòng. Phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới khiến chúng cởi mở trở lại. Trái tim trẻ con dễ uốn, nhưng một khi đã uốn thì khó mà làm cho nó trở lại dạng ban đầu. Trong đa số trường hợp là gần như không thể. Nhưng có lẽ tôi không nên phát biểu ý kiến với ông về vấn đề này – đó là lĩnh vực chuyên môn của ông mà.
Tôi cũng cảm thấy một thoáng bạo lực trong môi trường sống của cậu bé này. Thi thoảng, mắt nó lóe lên một ánh sợ hãi, dường như đó là một phản ứng bản năng với việc bị đối xử bạo ngược lâu dài. Bạo ngược đến mức nào thì tôi không cách chi biết được. Nakata là một đứa trẻ rất tự giác tuân thủ kỷ luật và khéo giấu nỗi sợ của mình. Nhưng đôi khi nó vô tình bộc lộ một chút nao núng, dù chỉ thoáng qua, nhưng không giấu được. Tôi biết một cái gì bạo ngược đã xảy ra trong gia đình họ. Một khi tiếp xúc nhiều với trẻ con, ta trở nên nhạy cảm với những biểu hiện này.
Các gia đình ở nông thôn có thể rất hung bạo. Phần lớn cha mẹ là nông dân, phải vật lộn mới đủ ăn. Họ làm quần quật từ sáng đến tối, mệt lử và khi có tí rượu vào, nổi đóa lên, họ dễ đi đến chỗ thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Điều đó diễn ra thường xuyên, ai cũng biết, và phần lớn thời gian con cái họ dễ dàng hứng chịu như không và tiếp tục sống mà chẳng hề mang vết sẹo tình cảm nào. Nhưng cha của Nakata là một giáo sư đại học và mẹ nó, theo nhận định của tôi qua những lá thư bà ấy gửi cho tôi, là một phụ nữ rất có học. Nói cách khác, một gia đình trung lưu lớp trên ở thành phố. Nếu bạo lực xảy ra trong một gia đình như thế, đó ắt phải là một cái gì phức tạp hơn và kín đáo hơn những gì lũ trẻ nông dân từng nếm trải. Cái loại bạo lực mà một đứa trẻ giữ kín trong lòng.
Chính vì thế mà tôi hết sức hối tiếc về việc đã đánh Nakata hôm đó, bất kể đó là một hành động vô thức hay hữu thức. Đáng ra tôi không bao giờ nên hành động như thế. Tôi cảm thấy có tội và rất xấu hổ. Tôi càng hối hận hơn vì cái chú bé bị dứt khỏi cha mẹ đến môi trường xa lạ này, rốt cuộc, trước khi xảy ra vụ việc này, đã sắp sửa bộc bạch nỗi lòng với tôi.
Hành động bạo lực của tôi hôm ấy có thể đã giết chết ý muốn thổ lộ đang chớm nở trong Nakata. Tôi đã hy vọng có được cơ hội sửa chữa những sai lầm, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Còn ở trong tình trạng bất tỉnh, Nakata đã phải chuyển lên bệnh viện ở Tokyo và tôi không bao giờ gặp lại nó nữa. Một điều mà đến nay tôi vẫn còn hối tiếc. Tôi vẫn có thể thấy bộ mặt của Nakata khi tôi đánh nó. Cái nỗi sợ ghê gớm và vẻ cam chịu trong mắt nó lúc bấy giờ.
Tôi xin lỗi, tôi không định viết một bức thư dài đến thế này, nhưng còn một điều nữa tôi muốn nhắc đến. Nói thật tình, khi chồng tôi chết ở Philippines ngay trước khi chiến tranh kết thúc, đó không phải là một cú sốc lớn lắm. Tôi không cảm thấy tuyệt vọng hay căm giận – chỉ là một cảm giác bất lực sâu sắc. Tôi không khóc. Tôi đã biết là ở đâu đó, trên một bãi chiến trường xa xôi, chồng tôi rồi sẽ thiệt mạng. Ngay từ năm trước, khi tất cả những điều tôi viết trong thư này diễn ra – cái giấc mơ dâm dục, việc tôi thấy kinh sớm, việc tôi đánh Nakata, việc bọn trẻ gục ngã trong cơn hôn mê bí hiểm nọ - tôi đã chấp nhận cái chết của chồng tôi là không thể tránh khỏi, là định mệnh rồi. Cho nên tin anh ấy tử trận chỉ đơn thuần xác nhận điều tôi đã biết. Toàn bộ trải nghiệm trên đồi hôm đó vượt lên trên bất kỳ điều gì tôi từng nếm trải.
Cuối cùng, tôi xin chúc công việc nghiên cứu của ông tiếp tục thành công rực rỡ. xin ông bảo trọng.
Lời chào chân thành.
Kafka Bên Bờ Biển Kafka Bên Bờ Biển - Haruki Murakami Kafka Bên Bờ Biển