Chương 15
4.
Phố Mười tháng Chạp, mới toanh, với những ngôi nhà màu trắng như phấn và những dàn dáo cuối cùng của vài công trình xây chậm, chạy dài dưới ánh nắng tháng Hai trong sáng, xe ngựa đi lại tấp nập, nghênh ngang chiếm lĩnh, giữa dòng ánh sáng cắt ngang bóng tối ẩm ướt của khu phố Saint Roch; và, giữa phố La Michodière và phố Choiseul, cả đám đông tập họp, chen chúc nhau do một tháng quảng cảo làm họ ngóng đợi, mắt ngước lên, miệng há hốc trước cái bề mặt đồ sộ của hiệu Hạnh phúc các bà, khánh thành vào thứ Hai đó, nhân dịp triển lãm lớn hàng vải trắng.
Trong vẻ tươi vui của nó, đây là một cuộc triển khai rộng lớn kiến trúc hợp sắc, tôn lên bằng màu vàng, báo hiệu cảnh náo nhiệt và rực rỡ của việc buôn bán bên trong, chèo kéo con mắt như một cuộc bầy hàng đồ sộ làm rực sáng những màu tươi thắm nhất. Ở tầng nhà dưới, để không làm át những vải bầy ở tủ kính, trang trí có mức độ: một nền đá hoa xanh nước biển; các trụ góc và cột đỡ phủ đá hoa đen, màu tối được những khung ánh vàng làm sáng lên; ngoài ra là những tấm gương không tráng đặt trong khung sắt, toàn những gương dường như ở tận nơi sâu các hành lang và các gian lớn ra trước ánh ban ngày của đường phố. Nhưng, càng lên cao, hàng bầy càng cháy sáng những màu rực rỡ. Trụ ngạch tầng nhà dưới trải ra những hoa ghép, một tràng hoa đỏ và xanh lơ, luân phiên với những tấm đá hoa, trên khắc tên hàng hóa, chạy dài vô tận bao quanh khu nhà khổng lồ. Rồi, nền gác một, bằng gạch tráng men, cũng đỡ những tấm gương của những cửa rộng, cao đến tận trụ ngạch đắp hình huy hiệu các thành phố nước Pháp, thếp vàng và các môtip đất nung tráng men cũng màu sáng như nền bên dưới. Cuối cùng, tít trên cao, đầu tường như nở rộ mùa hoa nồng nhiệt của toàn bộ bề mặt, những hoa ghép và những đồ sành lại xuất hiện với màu sắc thắm đậm hơn, kẽm ống xối thếp vàng nổi lên, trên chỏm xếp hàng một dãy tượng, biểu trưng những thành phố kỹ nghệ và thủ công lớn, hình dáng thon thả nổi lên trên nền trời. Và những kẻ tò mò đặc biệt kinh ngạc trước cửa chính giữa, cao như khải hoàn môn, cũng trang trí bằng vô vàn hoa ghép, đồ sành, đất nung, đỉnh cao là một nhóm biểu tượng rực rỡ thếp vàng, người Phụ nữ bận quần áo với cả bầy thần Ái tình nhỏ, tươi vui, uốn lượn xung quanh.
Khoảng hai giờ, một nhóm trật tự giải tỏa đám đông và trông cho xe đỗ. Tòa lâu đài đã xây xong, ngôi đền dựng lên vì sự tiêu hoang điên cuồng của thời thượng.
Nó ngự trị, nó bao trùm dưới bóng của nó cả một khu phố. Vết thương bên sườn nó, do sự phá hủy căn nhà nát của Bourras, đã hoàn toàn lên da lành lặn, đến nỗi không tìm ra vết của mụn cơm cũ; bốn bề mặt trải dài theo bốn đường phố, không kẽ hở, với cái thế biệt lập ngang tàng. Ở bên hè kia, từ khi Baudu vào ở một nhà hưu dưỡng, hiệu Vieil Elbeuf đã đóng cửa quầy kín như một nhà mồ đằng sau những tấm cửa không ai tháo ra nữa; dần dần những bánh xe hàng làm bắn nước lên, những áp-phích che khuất chúng, gắn chúng lại, cả một làn sóng quảng cáo dâng lên, y như xẻng đất cuối cùng đắp lên nền thương nghiệp cũ kỹ; và giữa mặt cửa hàng chết đó, vấy bẩn vì khạc nhổ của đường phố, sặc sỡ những quảng cáo rách nát ầm ĩ của Paris, trải rộng như một lá cờ cắm trên một mảnh đất bị chinh phục, một tấm áp-phích mênh mông màu vàng, tươi rói, viết chữ cao hơn nửa thước [1] báo tin cuộc đem bán lớn của hiệu Hạnh phúc các bà. Người ta tưởng như gã khổng lồ, sau những cuộc khuếch trương liên tiếp, đâm xấu hổ và ghê tởm vì khu phố đen tối là nơi nó khiêm tốn sinh ra, và sau này nó bóp chết, vừa quay lưng để lại phía sau nó bùn nhơ của đường phố chật hẹp, phô bày bộ mặt hãnh tiến của nó ở phía con đường ồn ào và nắng chói chang của Paris mới. Giờ đây, như tranh quảng cáo chỉ rõ, nó béo tốt lên, như con yêu truyện cổ tích, với đôi vai đe dọa xua tan cả những tầng mây. Trước hết, ở bình diện thứ nhất bức tranh, phố Mười tháng Chạp, các phố La Michodière và Monsigny, đầy những hình đen nhỏ li ti, mở rộng ra vô chừng, như mở lối cho khách nàng toàn thế giới. Rồi đến chính những tòa nhà mênh mông một cách phóng đại, nhìn theo đường chim bay với hệ thống mái nhà hình dung những gian hàng lợp bên dưới, những sân lót kính ở đó người ta đoán ra những phòng lớn, cả mặt hồ vô tận gương và kẽm lấp loáng dưới ánh mặt trời. Phía xa, Paris trải ra, nhưng là một Paris thu nhỏ, bị con quái vật ngốn mất: những nhà, đứng bên cạnh với vẻ tiều tụy của nhà tranh, rải rác phía sau như đám bụi ống khói lờ mờ; những đền đài như tan ra, bên trái hai gạch vẽ ra Nhà thờ Đức Bà, bên phải một dấu hỏi hình dung Viện phế binh, và ở cuối, Đền danh nhân, e thẹn và mất hút, không to hơn chiếc thấu kính. Chân trời mờ bụi, chỉ là cái khung bị xem thương, cho tới những điểm cao Châtillon, đồng quê rộng lớn, những nơi xa tít bị chìm đắm biểu thị cảnh nô lệ.
Từ sáng, mỗi lúc thêm náo nhiệt. Chưa có một cửa hiệu nào khuấy động thành phố bằng quảng cáo ầm ĩ đến như thế. Bây giờ hiệu Hạnh phúc tiêu mỗi năm ngót sáu mươi vạn phrăng tiền áp phích, rao hàng, giới thiệt đủ loại, số danh bạ gửi đi lên tới bốn mươi vạn, người ta xé hơn mười vạn phrăng vải để làm mẫu hàng. Hẳn hoi một cuộc lấn chiếm những tờ báo, những bức tường, lỗ tai công chúng, như một chiếc kèn đồng quỷ quái không ngừng thổi ra bốn phương trái đất tiếng ồn ào của những cuộc đem bán lớn. Và, từ nay bề mặt của cửa hàng, mà người ta chen chúc nhau ở phía trước trở thành quảng cáo sinh động, với vẻ sang trọng sặc sỡ và thếp vàng của hiệu bách hóa, những tủ kính thênh thang để trình bầy cả bài thơ xống áo phụ nữ, những biển hàng nhan nhản, sơn, khắc, đẽo, từ các biển đá hoa ở tầng dưới, đến các lá tôn trên vành cung trên mái nhà, trải ra màu vàng của những vải căng kẻ tên cửa hiệu chữ màu thiên thanh, nổi bật trong bầu trời xanh. Để mừng cuộc khánh thành, người ta bầy thêm những đồ trần thiết, những cờ; mỗi tầng gác được trang hoàng những cờ lệnh, cờ hiệu mang huy chương các thành phố chính của nước Pháp; trong khi đó, trên cao tít, cờ nước ngoài trên ngọn cột phấp phới trong gió. Cuối cùng, ở bên dưới, triển lãm hàng trắng bầy trong các tủ kính, rực sáng chói lòa. Duy chỉ có hàng trắng, các bộ hành trang trọn vẹn, với bên trái, một núi khăn trải giường, bên phải, màn treo và mù soa xếp thành tháp nhọn, làm mỏi con mắt; và, giữa “hàng treo” ngoài cửa, những tấm vải gai, chúc bâu, mousseline, buông xuống từng lớp, như tuyết sụt lở, là những bức hình mặc quần áo dựng đứng, những tờ cartông màu lơ nhạt trình bày một cô dâu và một bà bận đồ khiêu vũ, cả hai cao lớn như người thật, bận đồ vải thật, đăng-ten và lụa, mỉm cười với bộ mặt vẽ sơn. Những dàn vô công rồi nghề quây vòng tròn tan họp liên tục; một thèm muốn dâng lên từ đám đông bàng hoàng.
Cái điều khiến người tò mò tập hợp quanh hiệu Hạnh phúc các bà càng đông, đó là một tai nạn mà cả Paris nói đến, hiệu Bốn Mùa bị cháy, cái cửa hiệu mà Bouthemont mở gần Viện ca kịch ngót ba tuần nay. Báo chí đăng đầy chi tiết: lửa bén vì một cuộc nổ hơi ban đêm, các cô bán hàng mặc sơ-mi hoảng chạy. Bouthemont dũng cảm cứu năm cô mang trên vai. Nhưng những thiệt hại lớn đã được giấu kín và công chúng bắt đầu nhún vai mà bảo rằng cách quảng cáo đó thì tuyệt vời. Nhưng lúc này, sự chú ý đổ dồn về phía hiệu Hạnh phúc, được khêu lên bằng những chuyện đồn đại, đến trở thành ám ảnh, vì những hiệu bách hóa đó mỗi ngày càng thêm quan trọng đối với đời sống công cộng. Cái tay Mouret ấy thật là tốt số! Paris chào đón ngôi sao của anh, chạy tới để trông thấy anh đứng vững, vì bây giờ lửa đã phải quét đi sự cạnh tranh dưới chân anh; và, người ta đã đoán trước số lãi của mùa bán hàng, người ta đánh giá làn sóng náo nhiệt mở rộng, tràn về phía cửa hiệu anh, do hiệu đối thủ bắt buộc phải đóng cửa. Có lúc, anh đã cảm thấy lo ngại, bối rối vì thấy một phụ nữ chống lại anh, cái bà Desforges ấy, mà sự nghiệp của anh có phần nhờ bà ta mới lên được. Cái kiểu làm tài chính tài tử của nam tước Hartmann, đầu tư vào cả hai công việc, cũng làm anh thêm bực. Rồi thì, anh đặc biệt bực mình vì đã không có ý nghĩ thần tình như Bouthemont: tay sành sỏi này vừa rồi chẳng đã xin được ban phúc cho cửa hiệu nơi linh mục nhà thờ Madeleine với cả đám tùy tùng tu sĩ của ông ta đi theo, một đám nghi lễ kỳ lạ, một đám rước tôn giáo long trọng diễu từ gian tơ lụa đến gian bán găng, Chúa sa vào xiêm áo và yếm khán phụ nữ; thế mà cũng chẳng ngăn được tất cả bốc cháy, nhưng cái đó có giá trị ngang hàng triệu lối quảng cáo, nó là đòn đánh mạnh vào đám khách hàng thượng lưu. Từ bữa đó, Mouret mơ ước đón Tổng giám mục.
Bấy giờ, ba giờ điểm trên chiếc đồng hồ đặt bên trên cửa vào. Cuộc chen chúc buổi quá trưa diễn ra với ngớt mười vạn khách hàng chết ngạt trong các hành lang và các gian hàng lớn. Bên ngoài, xe đỗ suốt từ đầu đến cuối phố Mười tháng Chạp; và phố Viện ca kịch, một đám đông khác chiếm nơi đường cụt, ở đó sẽ bắt đầu đại lộ tương lai. Xe hàng thường xen với xe song mã tư nhân, xà ích chờ đợi giữa đám bánh xe, ngựa xếp hàng hí lên, rung dây hàm thiếc lấp lánh dưới ánh nắng. Những dây nối đuôi luôn luôn thay đổi, giữa tiếng gọi của đám người hầu, súc vật xô đẩy tự chúng cũng siết chặt hàng, trong khi những xe mới đến luôn luôn bổ sung. Người đi bộ từng đoàn hoảng hốt chạy như bay vào những nơi trú, bờ hè đen kịt người biến hút theo con đường rộng và thẳng. Và một tiếng ầm ầm dâng lên giữa những ngôi nhà trắng, dòng người cuồn cuộn, bên trên là hồn Paris lan tỏa, một hơi thở lớn và êm mà mọi người cảm thấy cái vuốt ve mênh mông.
Trước một tủ kính bà De Boves, với cô con gái Blanche đi theo, cùng với bà Guibal nhìn bầy một đám bộ đồ may lược.
- Ồ! Bà chị xem kìa, - Bà ta nói - những bộ đồ vải, giá mười chín phrăng bảy nhăm!
Trong những hộp cartông, các bộ đồ gấp lại, một dải lụa thắt quanh, chỉ để phô ra những phụ sức, thêu xanh đỏ; và ở góc mỗi hộp có ảnh một người trẻ tuổi, vẻ như công chúa, mặc bộ đồ mới nguyên.
- Trời! Nó chẳng ra gì đâu! - Bà Guibal khẽ nói -Vào tay thì rách liền.
Bây giờ, hai bà trở nên thân nhau, từ ngày ông De Boves bị bệnh thống phong cột vào ghế. Bà phu nhân chịu đựng ba nhân tình, ưng để chuyện diễn ra trong nhà còn hơn, vì như thế bà có lợi được một ít tiền túi, những món tiền mà ông chồng làm ngơ cho bà cuỗm, vì bản thân ông cũng cần được bà bỏ qua.
- Nào ta vào đi - bà Guibal lại nói - Phải xem họ trưng bầy... Ông rể của bà hẹn bà ở trong đó phải không?
Bà De Boves không đáp, con mắt lơ đãng, vẻ chăm chú vào dãy xe nối đuôi, từng chiếc một mở cửa và thả khách hàng ra.
- Vâng - Cuối cùng Blanche nói, giọng ẻo lả - Anh Paul phải đón bọn cháu khoảng bốn giờ ở phòng đọc sách, khi anh ở bộ về.
Họ đã cưới từ một tháng nay, và Vallagnosc, sau ba tuần đi nghỉ ở miền Nam, vừa trở lại sở. Người thiếu phụ đó có vóc của bà mẹ, da thịt phốp pháp, vẻ như đẫy ra vì lấy chồng.
- Mà kìa, bà Desforges kia kìa! - Bà bá tước la lên, mắt nhìn một chiếc xe song mã đang dừng lại.
- Ồ! Thật ư? - Bà Guibal khẽ nói - Sau bao nhiêu chuyện đó... Bà ấy chắc đang còn khóc vì vụ cháy hiệu Bốn Mùa.
Nhưng đúng là Henriette. Bà ta trông thấy các bà này, tiến lên một cách vui vẻ, che giấu nỗi thất bại dưới phong cách thoải mái của người thượng lưu.
- Trời! Tôi muốn được xem tận nơi. Trăm nghe không bằng một nhìn, phải không?... Ồ bọn tôi với ông Mouret vẫn là chỗ thân, mặc dầu người ta bảo ông ấy tức giận từ khi tôi dính vào cái cửa hàng đối thủ... Tôi thì chỉ có một điều không tha thứ cho ông ấy, đó là ông ấy đẩy đến việc cưới xin, bà biết không? Gã Joseph với cô De Fontenailles mà tôi bảo trợ...
- Sao? Xong rồi à? - Bà De Boves ngắt lời - Gớm chết!
- Vâng, bà chị ạ, mà chỉ để đạp bọn ta xuống. Tôi biết ông ấy, ông ấy muốn bảo rằng lũ con gái nhà thượng lưu của chúng ta chỉ đáng lấy đám nhân viên phục vụ cửa hàng của ông ấy.
Bà ta hăng lên. Cả bốn người vẫn đứng ở bờ hè, giữa đám xô đẩy chỗ cửa vào. Tuy nhiên, dần dần bị sóng người lôi cuốn, họ chỉ còn buông mình theo dòng người như bị nhấc bổng lên khi qua cửa, mà không hay biết gì, họ nói chuyện càng to để nghe rõ. Bây giờ, họ hỏi nhau tin tức bà Marty. Người ta kể rằng cái ông Marty tội nghiệp, sau những cảnh xung đột trong gia đình, vừa mắc bệnh cuồng danh: ông ta vốc đầy tay của cải trên trái đất, ông ta moi rỗng những mỏ vàng, chất đầy những xe bò kim cương và đá quý.
- Cái nhà ông tội nghiệp! - Bà Guibal nói - Lúc nào cũng thật xơ xác, với vẻ khúm núm của người dạy học thuê!... Còn bà vợ!
- Bà ấy, bây giờ đang moi tiền một ông chú, - Henriette đáp - cái ông chú già tốt bụng, sau khi góa vợ, rút lui về ở nhà bà ấy... Mà, thế nào bà ấy chẳng tới đây, bọn ta sẽ gặp thôi.
Các bà bỗng sững lại vì ngạc nhiên. Trước mặt, các ngôi hàng trải ra, những ngôi hàng rộng nhất thế giới, như lời quảng cáo nói. Bây giờ, hành lang lớn trung tâm chạy suốt đầu này đến đầu kia, mở ra phố Mười tháng Chạp và phố Neuve Saint Augustin, còn bên phải và bên trái, như hai bên giáo đường nhà thờ, hành lang Monsigny và hành lang Michodière, hẹp hơn, cũng chạy thông dọc suốt hai phố. Từng chỗ, các gian lớn mở rộng những ngã tư, giữa khung sắt của cầu thang treo và cầu bay. Bây giờ người ta đảo lộn bố trí bên trong, hàng bán xon đặt ở phía phố Mười tháng Chạp, tơ lụa ở giữa, găng tay chiếm phía cuối, gian Saint Augustin; và, từ tiền đình danh dự mới, ngước mắt lên, vẫn thấy gian bán giường chuyển từ đầu này sang đầu kia gác hai. Con số to lớn những gian hàng lên tới năm mươi; nhiều gian, mới toanh, được khánh thành hôm đó; những gian khác trở nên lớn quá, chỉ phải đơn giản tách làm đôi để dễ bán hàng; và, trước sự tăng tiến liên tục của kinh doanh ngay nhân viên, trong mùa mới, cũng vừa phải đưa lên số ba nghìn bốn nhăm người.
Cái làm cho các bà dừng lại, đó là quang cảnh kỳ vĩ của cuộc trưng bầy hàng trắng lớn. Chung quanh các bà, trước hết có tiền đình, một gian rộng với những tấm gương sáng, lát họa ghép, ở đó hàng rẻ tiền chèo kéo đám đông hau háu. Rồi những hành lang chạy sâu, giữa một màu trắng toát, một khoảng trời bắc cực, cả một xứ sở tuyết, trải mênh mông những cánh đồng phủ da chồn trắng, chất đống những tảng băng sáng chói ánh mặt trời. Người ta lại thấy ở đây hàng trắng ở tủ kính bên ngoài, nhưng rực lên, đồ sộ cháy sáng từ đầu đến cuối con tàu to lớn, với ngọn lửa trắng bùng của một đám cháy đang hăng. Duy một màu trắng, hết thảy mặt hàng trắng của các gian hàng, loạn trắng, một tinh cầu trắng tỏa ánh cố định, thoạt đầu làm lóa mắt không phân biệt chi tiết, giữa màu trắng độc nhất đó. Không bao lâu, con mắt quen đi: bên trái, hành lang Monsigny chạy dài với vải gai và chúc bâu chất thành những mũi đất trắng, khăn trải giường, khăn mặt, mù-soa xếp thành những tảng đá trắng; còn ở hành lang Michodière, bên phải, với các gian tạp hóa, mũ áo đan và len dạ, thì trưng bầy những kết tạo trắng bằng khuy xà cừ, một cảnh trí lớn dựng bằng bít tất trắng, cả một gian phủ molleton trắng, từ xa rọi tới một đợt ánh sáng. Nhưng tiêu điểm ánh sáng tỏa ra đặc biệt từ hành lang trung tâm, với băng và khăn choàng, với găng tay và tơ Lụa. Các quầy hàng biến mất dưới màu trắng của tơ lụa và ruy-băng, găng tay và khăn choàng. Quanh các cột sắt nhỏ leo lên những băng xếp nếp mousseline trắng; từng đoan lại thắt những foulard trắng. Các cầu thang đều phủ vải trắng, vải may chần và vải chéo go luân phiên, chạy dài theo lan can, bao quanh các gian hàng, cho tới gác hai; và màu trắng leo lên đó chắp cánh, chen nhau và mất hút, như một đàn thiên nga bay. Rồi màu trắng rũ xuống từ những vòm cao như đám lông tơ rơi xuống, như làn tuyết to bông: chăn trắng, mền đắp chân trắng, treo cao, phấp phới, như những cờ phướn nhà thờ; những dải đăng-ten dài vắt ngang, như những đàn bướm trắng lơ lửng, xôn xao mà ngưng đọng, đăng-ten run rẩy khắp nơi, bay lượn như đàn con Đức bà Đồng Trinh trong bầu trời mùa hè, làm nhộn không trung bằng hơi thở màu trắng. Và, kỳ diệu, án thờ của cuộc sùng bái màu trắng đó là ở trên quầy hàng tơ lụa, trong gian lớn, một lều vải làm bằng màn trắng, từ lớp kính trần buông xuống. Mousseline, sa mỏng, đăng-ten thưa mỹ nghệ, chảy từng đợt nhẹ, còn những hàng tuyn thêu, hết sức phong phú, và những tấm lụa phương Đông, dát bạc dùng làm nền trang trí đồ sộ đó, có cái gì vừa như khám thờ, vừa như phòng thuê. Người ta tưởng đâu một chiếc giường trắng lớn, đồ sộ và tinh khôi, như trong truyện cổ tích, đang chờ nàng công chúa tuyết trinh, người sẽ phải đến một ngày nào đó, toàn quyền, với khăn trùm màu trắng của cô dâu.
- Ôi chao! Kỳ diệu! - Các bà đó nhắc - Phi thường!
Các bà mải mê vì bài ca màu trắng đó, mà bao nhiêu vải trong cửa hàng đều cất tiếng ca. Mouret chưa bao giờ làm cái gì quy mô đến thế, đây là sáng kiến của thiên tài trong nghệ thuật bầy hàng. Dưới những hàng trắng như sụt lở đó, trông vẻ ngoài bừa bộn của vải vóc, như moi từ các ngăn ra quăng bừa bãi ở đó, có một âm tiết điều hoa, màu trắng liên tiếp và triển khai với đủ mọi sắc thái, nảy sinh, lớn lên, nở ra với sự hợp tấu phức tạp của một nhịp đuổi bậc thầy, mà sự triển khai liên tục lôi cuốn mọi tâm hồn theo một đà bay mỗi lúc một mở rộng. Duy một màu trắng, mà không bao giờ vẫn màu trắng ấy, đủ mọi màu trắng, chen lấn nhau, đối chọi nhau, bổ sung cho nhau, đi tới bản sắc của ánh sáng. Nó khởi phát từ màu trắng đục của chúc bâu và của gai, màu trắng xỉn của flanelle và dạ; rồi đến nhung, lụa, xatanh, một phổ hệ đi lên, màu trắng dần dần sáng lên, kết thúc với những tia lửa nhỏ ở những vết rạn của nếp gấp; và màu trắng bay bổng ở những màn trong suốt, nhất là tuynh, mỏng tang, như nốt cùng cực và mất hút; còn ánh bạc của những tấm lụa Đông phương thì cất lời ca cao nhất, ở cuối nơi phòng khuê đồ sộ.
Trong khi đó, các ngôi hàng hoạt động, đám đông bao vây những cầu thang máy, người ta chen nhau ở quầy giải khát và phòng đọc sách báo, cả một quần dân du hành giữa những khoảng không phủ tuyết. Và đám đông như nhuộm màu đen, tưởng đâu những người trượt tuyết trên một mặt hố Ba Lan, trời tháng Chạp. Ở tầng dưới nhà, là một làn sóng sầm tối, náo động của nước triều rút, trong đó chỉ nhận ra những bộ mặt nhẹ nhõm, hoan hỉ của phụ nữ. Rồi ở các đường gẫy của cột kèo sắt, dọc các cầu thang, trên các cầu bay, là một cuộc leo bất tuyệt của những hình người nhỏ bé như lạc giữa những đỉnh cao phủ tuyết. Một hơi nóng nhà kính, ngột ngạt, làm sửng sốt trước những chiều cao băng giá đó. Trên trần nhà, thếp vàng vung vãi, những kính khảm vàng, và những cửa sổ hình hoa thị màu vàng tướng như một đợt nắng lóa lên trên đỉnh Alpes [2] của cuộc triển lãm hàng trắng lớn.
- Nào, - Bà De Boves nói - phải tiến lên chứ. Không thể đứng mãi đây được.
Từ lúc bà ta vào, viên thanh tra Jouve, đứng ở gần cửa, không rời mắt khỏi bà. Khi bà quay lại, bốn mắt gặp nhau. Rồi, khi bà lại ra đi, lão ta đã để bà đi trước một chút, và theo dõi bà từ xa, không ra vẻ quan tâm đến bà hơn nữa.
- Này, - Bà Guibal vừa nói vừa dừng lại trước két số một, giữa sự xô đẩy - những hoa violette kia, ý kiến ngộ đấy!
Bà ta nói đến món quà tặng mới của hiệu Hạnh phúc các bà, một ý kiến mà Mouret gây ầm ĩ trên báo chí, những bó hoa violette trắng, mua hàng ngàn từ Nice về và phân phát cho khách hàng, bất cứ ai mua một chút gì. Gần mỗi két, nhân viên phuc vụ mặc áo dấu đưa quà, dưới sự giám sát của một viên thanh tra. Và dần dần khách hàng mang hoa, cửa hàng nhan nhản những điểm trắng, các bà dẫn theo một mùi hoa thơm ngát.
- Ừ, - Bà Desforges, giọng ghen tuông, khẽ nói - ý kiến hay.
Nhưng, vừa lúc các bà định bỏ đi, thì họ nghe thấy hai nhân viên bán hàng bông đùa về hoa violette. Một gã cao gầy ngạc nhiên: thế ra đám cưới ông chủ với cô quầy hàng trưởng trang phục đã thành rồi à? Còn một gã béo lùn thì đáp chẳng ai biết bao giờ, nhưng hoa thì vẫn cứ mua.
- Sao! - Bà De Boves nói - Ông Mouret lấy vợ à?
- Tin đầu tiên đó - Henriette làm điệu dửng dưng đáp... Vả lại, thì cũng phải kết thúc ở đó chứ.
Bà bá tước đảo mắt nhìn bà bạn mới. Bây giờ, cả hai người hiểu tạo sao bà Desforges đến hiệu Hạnh phúc các bà, mặc dầu cuộc đoạn tuyệt có cọ sát. Chắc hẳn, bà ta bị khuất phục bởi nhu cầu không cưỡng được nhìn xem và đau khổ.
- Tôi ở lại đây với bà chị, - Bà Guibal bảo bà ta, tính tò mò ở bà thức dậy - Chúng ta sẽ lại gặp bà De Boves ở phòng đọc sách.
- Như vậy, phải đấy - Bà này tuyên bố - Tôi, tôi có việc ở gác một... Blanche, có đi không?
Và bà ta lên gác, cô con gái đi theo, trong khi đó viên thanh tra Jouve, vẫn theo sau, lão ta đi vòng một cầu thang khác để không cho bà ta chú ý. Còn hai bà kia thì mất hút trong đám đông dày đặc ở tầng dưới nhà.
Tất cả các quầy hàng, giữa cuộc bán hàng tíu tít, một lần nữa lại chỉ nói đến chuyện tình yêu của ông chủ. Câu chuyện, từ nhiều tháng nay làm bận tâm những viên thư ký hồ hởi về sự cưỡng lại bền bỉ của Denise, vừa đây bỗng nhiên dẫn tới một kịch biến hôm trước, người ta được tin rằng cô gái xin thôi việc ở hiệu Hạnh phức, mặc dầu Mouret khẩn khoản, lấy cớ rất cần được nghỉ ngơi. Và đủ mọi ý kiến được đưa ra: cô ấy đi hay không đi? Từ gian này sang gian khác, người ta cược một trăm xu, rằng Chủ nhật sau cô ấy đi. Những tay láu cá thách một bữa ăn, cho rằng cuối cùng sẽ là thiệp cưới; tuy nhiên, những kẻ khác, tin rằng cô đi, cũng chẳng liều bỏ tiền ra nếu không có lý do xác đáng. Điều chắc chắn là cô ấy có cái thế của người đàn bà được yêu mà từ chối; nhưng ông chủ, về phía mình, lại có thế ở tiền bạc, ở cảnh góa vợ thoải mái, ở lòng kiêu hãnh và một yêu cầu tối hậu có thể làm bực mình. Nhưng bên này cũng như bên kia đều nhất trí rằng cái cô bán hàng nhỏ bé ấy đã dẫn dắt sự việc với mưu thuật của một kẻ gian hùng tài ba, và cô ta giữ phần tối hậu, khi đặt giá hẳn với ông chủ. Lấy tôi, không thì tôi đi.
Thế nhưng, Denise không hề nghĩ tới những điều đó. Cô chưa bao giờ có một yêu cầu hay một sự tính toán. Và hoàn cảnh khiến cô quyết định ra đi chính lại là do những phán xét của mọi người về phẩm hạnh của cô, mà cô luôn luôn ngạc nhiên. Phải chăng cô đã muốn mọi sự như vậy? Phải chăng cô tỏ ra mưu mẹo, lẳng lơ, tham vọng? Cô đã tới đây một cách giản dị; cô là người đầu tiên lấy làm lạ rằng người ta có thể ưng cô như vậy. Bây giờ nữa, tại sao người ta lại xem như một sự khôn khéo ở việc cô quyết định bỏ hiệu Hạnh phúc? Thế mà sự việc thì thật là tự nhiên! Cô đâm ra khó chịu trong tâm thần, lo âu không chịu nổi, giữa những lời bàn tán luôn luôn tái diễn trong cửa hàng, những ám ảnh nồng cháy của Mouret, những cuộc đấu tranh với bản thàn, và cô ưng bỏ đi xa, vì cô sợ một ngày nào đó phải nhượng bộ và rồi ra sẽ hối hận suốt đời. Nếu như ở đó có một mưu thuật khôn khéo nào, thì cô không hay, cô tuyệt vọng tự hỏi làm thế nào để đừng có vẻ một kẻ đi kiếm chồng. Ý nghĩ về một cuộc cưới xin bây giờ làm cô cáu kỉnh, cô đã quyết định vẫn sẽ trả lời không, không mãi, trong trường hợp mà anh điên cuồng tới mức đó. Chỉ một mình cô phải đau khổ. Sự bức thiết phải chia tay khiến cô chảy nước mắt; nhưng cô tự lặp lại với mình, với lòng can đảm lớn, rằng phải như thế, rằng cô không thể còn thư thái, vui vẻ nếu cô hành động khác đi.
Khi Mouret nhận được đơn xin thôi việc, anh câm lặng và như lạnh lùng, với sự cố gắng để tự kiềm chế. Rồi, anh tuyên bố xẵng rằng anh cho phép cô suy nghĩ tám ngày, trước khi để cô làm việc dại dột như vậy. Sau tám ngày, khi cô trở lại vấn đề đó, tỏ ý nhất quyết xin thôi việc sau cuộc đem bán lớn, anh cũng không giận, anh làm cho ra lẽ; cô nhà nghèo, cô chẳng tìm đâu ra địa vị mà cô có ở cửa hàng anh. Thế cô đã nhìn thấy một chỗ nào khác chưa? Anh sẵn sàng cho cô những điều lợi mà cô mong được ở nơi khác. Và khi cô gái trả lời rằng cô không kiếm chỗ làm, cô định hãy về nghỉ một tháng ở Valognes, bằng tiền cô đã dành dụm được, thì anh hỏi có điều gì ngăn cô sẽ trở lại hiệu Hạnh phúc, nếu như chỉ vì gìn giữ sức khỏe mà cô phải bỏ đi. Cô im lặng, câu hỏi đó dày vò cô. Thế là, anh tưởng rằng cô đi tìm lại nhân tình, một người chồng cũng nên. Một buổi chiều cô đã chẳng thú thật rằng cô yêu một người nào đó sao? Từ lúc đó, anh mang trong lòng, như nhát dao đâm, lời thú nhận moi được trong một phút bối rối. Và nếu người đó lấy cô thì cô phải rời bỏ tất cả để theo hắn: điều đó giải thích sự ngang ngạnh của cô. Thế là hết, anh chỉ nói thêm, giọng lạnh như băng, rằng anh không giữ cô nữa, vì cô không thể giãi bày với anh những nguyên nhân thật sự của việc cô bỏ đi. Cuộc chuyện trò khổ tâm không giận dữ đó, càng khiến cô hoang mang hơn là cảnh dữ dội mà cô sợ.
Trong tuần Denise còn ở lại cửa hàng, Mouret vẫn giữ bộ mặt xanh xao khắc khổ. Khi anh qua các gian hàng, anh làm bộ không trông thấy cô; chưa bao giờ anh có vẻ thanh thoát hơn, cắm cúi vào công việc hơn; và người ta lại bắt đầu đánh cuộc, chỉ những kẻ táo bạo mới dám thách một bữa ăn về lá thiệp cưới. Song, dưới vẻ lạnh lùng, kiếm cớ ở anh đó, Mouret che giấu một cơn khủng hoảng bi thảm vì hoang mang và đau đớn. Những cơn hờn giận làm máu xông lên đầu: anh chỉ thấy máu, anh mê thấy mình ôm chặt Denise, giữ lấy cô, bịt miệng không cho kêu. Sau đó, anh muốn lý luận, anh tìm cách thực tiễn để ngăn không cho cô ra khỏi cửa, nhưng luôn luôn vấp phải nỗi bất lực, với mối điên cuồng vì sức mạnh và tiền bạc vô dụng của anh. Tuy nhiên, một ý kiến lớn lên giữa mọi dự kiến điên rồ, dần dần thắng thế, mặc dầu sự phản kháng của anh. Sau khi bà Hédouin qua đời, anh đã thề không tái giá, vì anh đã nhờ một phụ nữ mà gặp bước may đầu tiên, từ nay anh quyết rút tài sản của anh từ hết thảy mọi phụ nữ. Ở anh, cũng như ở Bourdoncle, có một niềm dị đoan cho rằng giám đốc một cửa hiệu tân phẩm lớn thì phải độc thân, nếu anh ta muốn giữ uy quyền người đàn ông đối với mọi ước muốn tản mát của đám dân phụ nữ khách hàng: một phụ nữ thâm nhập sẽ thay đổi không khí, xua đuổi những phụ nữ khác, khi mang hơi hướng của mình vào. Và anh cưỡng lại lôgich của sự việc, thà chết chứ không nhượng bộ, anh đâm ra có những cơn giận đột ngột đối với Denise, cảm thấy rõ cô là sự trả miếng, sợ mình quy xuống chịu thua trên đống bạc triệu của mình, bị đè bẹp như cọng rơm trước cái yếu tố đàn bà muôn thuở, ngày mà anh lấy cô. Rồi, dần dần, anh trở lại yếu mềm, anh bác bỏ mối hiềm kỵ của anh, tại sao mà run sợ? Cô dịu dàng đến thế, biết điều đến thế, khiến anh có thể phó mình cho cô mà không sợ hãi gì. Luôn luôn cuộc đấu tranh tái diễn trong bản thân anh bị dày vò. Lòng tự cao làm tấy vết thương, cuối cùng anh có phần mất trí khi nghĩ rằng, ngay cả khi anh chịu khuất phục cô vẫn có thể trả lời không, vẫn không, nếu như cô yêu một ai đó. Buổi sáng ngày đem bán lớn, anh vẫn chưa quyết định gì, mà hôm sau thì Denise ra đi.
Đúng ngày hôm đó, khi Bourdoncle vào buồng Mouret, khoảng lúc ba giờ, theo thói quen của hắn, hắn bất chợt thấy anh ngồi tì khuỷu tay trên bàn giấy, hai tay nắm lại che mắt, mê mệt đến mức hắn phải đặt tay vào vai anh. Mouret ngẩng bộ mặt đẫm nước mắt lên, hai người nhìn nhau, chìa ra bắt tay nhau, và đột nhiên siết chặt lấy nhau, hai con người đã từng cùng nhau chiến đấu nhiều phen trên thương trường. Vả chăng, từ một tháng nay, thái độ của Bourdoncle đã hoàn toàn thay đổi: anh ta chịu, khuất phục trước Denise, thậm chí âm thầm thúc đẩy ông chủ lấy vợ. Cố nhiên, anh ta vận động như vậy để khỏi bị quét bởi một thế lực mà bây giờ anh ta thừa nhận là mạnh hơn. Nhưng ngoài ra, có lẽ cũng có thể thấy trong đáy sâu của sự thay đổi đó, sự thức dậy của một tham vọng cũ, hy vọng sợ sệt và lớn lên dần dần đến lượt hắn sẽ xơi Mouret, người mà từ lâu hắn vẫn cong lưng phục tùng. Điều đó nhiễm vào không khí của cửa hàng, đó là cuộc đấu tranh sinh tồn, với những cuộc tàn sát liên tục làm cháy nóng cuộc bán hàng xung quanh hắn. Hắn bị lôi cuốn bởi sự vận động của cỗ máy, đâm ra muốn ăn người khác, với sự thèm khát, từ trên xuống dưới, biến kẻ gầy gò thành mồi cho kẻ béo tốt nuốt chửng.
Chỉ duy một nỗi sợ hãi mê tín, mê tín về số vận cho đến bây giờ ngăn hắn giơ nanh ra. Thế mà ông chủ trở lại thành trẻ con, sa vào một cuộc cưới xin ngu xuẩn, sẽ hết vận may, mất sự quyến rũ đối với khách hàng. Tại sao hắn lại lái anh ra khỏi cái đó? Khi mà rồi đây hắn có thể nắm được việc kế tục con người hết thời, rơi vào tay một người đàn bà đó. Vì vậy, với niềm xúc động của một cuộc chia tay, lòng thương xót về tình bạn cũ, hắn nắm chặt tay ông chủ mà nhắc lại:
- Nào, mạnh bạo lên, quỷ quái!... Lấy phắt cô ta đi để mà chấm dứt.
Mouret đã hổ thẹn vì giây phút yếu đuối. Anh đứng lên, anh phản đối:
- Không, không, thế thì xuẩn quá... Nào, ta đi quanh cửa hàng một lượt. Chạy lắm, phải không? Mình tin rằng ngày hôm nay sẽ tuyệt vời.
Họ đi ra, và bắt đầu cuộc thanh tra buổi quá trưa, giữa những gian hàng chật người. Bourdoncle đưa mắt liếc nhìn anh, lo lắng vì cái nghị lực cuối cùng đó, xem xét, dò la từng nếp nhăn đau đớn trên môi anh.
Cuộc bán, quả thật, sôi lên theo một nhịp kinh khủng, làm cửa hàng rung lên, chuyển mình như con tàu lớn chạy hết mã lực. Ở quầy hàng Denise, một đám bà mẹ huyên náo, ngột ngạt, kéo từng đàn những cô bé và chú bé ngập mình dưới áo quần ướm thử. Gian hàng đã tung ra hết mặt hàng trắng, và ở đây, cũng như khắp nơi, loạn đồ trắng, đủ mặt trắng cho cả một bầy thần Ái tình ớn lạnh: áo bành-tô dạ trắng, áo dài chần bằng vải bông thô, bằng cachemire trắng, bộ đồ thủy thủ cho đến bộ binh màu trắng. Ở giữa, để trang trí và tuy chưa phải mùa, người ta bầy những bộ đồ chịu lễ lần đầu, chiếc áo dài và voan mousseline trắng, đôi giầy xatanh trắng, cả mùa hoa nở run rẩy, mong manh, như cắm đầy một bó hoa lớn của ngây thơ và hoan hỉ trong trắng. Bà Bourdelais, trước ba đứa con ngồi xếp hàng theo thứ tự lớn bé, Madeleine, Edmond, Lucien, đang bực mình với thằng cuối này, đứa bé nhất, vì nó giẫy giụa khi Denise cố mặc cho nó một chiếc jaquette bằng mousseline len.
- Con hãy ngồi yên!... Cô ạ, cô xem nó có hơi chật không?
Và, với con mắt nhìn tinh của người đàn bà không ai đánh lừa được, bà xem xét mặt vải, có ý kiến về kiểu may, lộn ra xem từng đường khâu.
- Không, áo vừa đấy - Bà lại nói - Mặc được cho đám tí hon này là cả một công chuyện... Bây giờ, tôi cần một áo măng-tô cho cháu gái lớn này.
Trong cuộc tấn công vào gian hàng, Denise phải tự mình đứng ra bán hàng. Cô đang tìm chiếc măng-tô khách hỏi, thì bỗng cô khẽ kêu vì ngạc nhiên.
- Sao, em đấy à! Có việc gì vậy?
Jean em cô đứng trước mặt cô, hai tay lúng túng vì một gói hàng. Hắn đã lấy vợ được tám hôm, và hôm thứ bảy, vợ hắn, một cô bé nhỏ nhắn tóc nâu, mặt đăm đăm mà xinh, đã đến hiệu Hạnh phúc các bà rất lâu để mua sắm. Hai vợ chồng trẻ sẽ theo Denise đi Valognes: một cuộc đi chơi sau ngày cưới thật sự, một tháng nghỉ về nơi kỷ niệm xa xưa.
- Chị xem, - Hắn đáp - Thérèse quên đủ mọi thứ. Có những cái phải đem đổi những cái lấy được... Vì cô ấy bận, cô ấy bảo em mang gói này tới đây... Để em nói rõ với chị...
Nhưng cô ngắt lời hắn, khi trông thấy Pépé:
- Kìa! Pépé nữa! Thế không về trường à?
- Em nói thật! - Jean nói - Sau bữa ăn chiều hôm qua, Chủ nhật, em chẳng có bụng nào mà dẫn nó về. Chiều nay nó sẽ về thôi... Thằng bé tội nghiệp cũng buồn vì bị nhốt ở Paris, khi bọn mình đi chơi tận đó.
Denise, tuy bực bội, vẫn mỉm cười với chúng. Cô trao bà Bourdelais cho một cô bán hàng cho mình, rồi quay lại với chúng, ở một góc gian hàng may đã vãn khách. Những đứa nhỏ, tuy cô vẫn gọi chúng như vậy, bây giờ đã là những gã con trai lớn. Pépé, mười hai tuổi, đã vượt đầu cô, to lớn hơn cô, vẫn ít nói và ưa mơn trớn, tính dịu dàng âu yếm trong chiếc áo học sinh trung học, còn Jean thì, cả ngang, vượt chị hắn một cái đầu, giữ vẻ xinh con gái, với bộ tóc hung phất phơ trước gió, của những công dân nghệ sĩ. Và cô thì vẫn mảnh dẻ, không lớn hơn một con sơn ca, như cô nói, vẫn giữ uy tín đăm chiêu của người mẹ với chúng, xem chúng như những đứa nhãi phải chăm sóc, cài lại chiếc khuy áo redingote cho Jean để hắn khỏi có vẻ gã chạy rông, chăm chú xem mù-xoa Pépé có sạch không. Hôm đó, khi thấy mắt chú này muốn khóc, cô dịu dàng quở em.
- Em phải biết điều, em ạ. Không thể bỏ học mà đi. Bao giờ nghỉ hè, chị sẽ cho đi. Em có muốn cái gì không, hả? Hay em ưng chị cho ít tiền.
Rồi, cô quay lại gã kia:
- Em nữa, em cũng thế, kích động nó, em làm nó tưởng bọn mình đi vui chơi... Em cũng phải biết điều một chút mới được.
Cô đã cho thằng lớn bốn nghìn phrăng, một nửa số tiền dành dụm được; để hắn lập gia đình. Thằng bé ở trường học, cô cũng phải tốn phí nhiều cho nó, tất cả tiền bạc của cô là dành cho chúng, như xưa. Chúng là lý do duy nhất để cô sống và làm việc, là vì cô lại thề sẽ không bao giờ lấy chồng.
- Thôi đây - Jean lại nói - Trước hết, trong gói nay, có chiếc bành-tô màu hạt dẻ nhạt mà Thérèse...
Nhưng hắn ngừng lại, và Denise quay lại xem cái gì làm cho hắn e ngại, thì thấy Mouret đứng đằng sau chúng. Đã một lúc, anh nhìn cô làm nhiệm vụ người mẹ nhỏ, giữa hai gã, mắng chúng và ôm hôn chúng, xoay chúng như những chú bé mà người ta thay quần áo cho. Bourdoncle đứng tách ra làm ra vẻ quan tâm đến việc bán hàng mà không rời mắt cảnh đó.
- Các em cô đấy phải không? - Mouret hỏi, sau một phút im lặng.
Bây giờ anh nói với cô với cái giọng giá lạnh, thái độ cứng cỏi. Denise cũng cố để giữ vẻ lạnh lùng với nụ cười nhợt nhạt, cô đáp:
- Thưa ông, vâng... Tôi vừa cưới vợ cho thằng lớn, và vợ nó bảo nó đến đây mua sắm.
Mouret tiếp tục ngắm nhìn ba người. Cuối cùng anh lại nói:
- Chú bé này đã lớn lên nhiều. Tôi nhận ra nó, tôi còn nhớ đã trông thấy nó ở vườn Tuilerie, một buổi tối đi với cô.
Và giọng nói của anh, chậm lại, hơi run run. Cô thì nghẹn ngào, cúi xuống, kiếm cớ sửa lại cái đai da của Pépé. Hai anh em, mặt hồng hào lên, mỉm cười với ông chủ của chị.
- Chúng giống cô. - Anh lại nói.
- Ôi! - Cô la lên - Chúng xinh hơn tôi!
Một lúc hình như anh so sánh mấy bộ mặt. Nhưng anh không còn sức. Sao mà cô ấy yêu chúng đến thế! Và anh đi vài bước, rồi anh trở lại rỉ vào tai cô:
- Bán hàng xong mời cô lên phòng tôi. Tôi muốn nói chuyện trước khi cô đi.
Lần này, Mouret bỏ đi và tiếp tục thanh tra. Cuộc đấu tranh lại bắt đầu trong anh, vì bây giờ cuộc hẹn hò vừa rồi khiến anh áy náy. Anh bị sự thúc đẩy nào khuất phục khi trông thấy cô đứng với các em? Thật điên rồ, vì anh không còn đủ sức để có một ý định nào. Cuối cùng thì anh cũng chỉ đến nói lời từ biệt với cô. Bourdoncle lại đi theo anh hình như bớt lo lắng, con mắt hắn vẫn khẽ liếc nhìn dò xét anh.
Bấy giờ, Denise trở lại gần bà Bourdelais:
- Thế chiếc măng-tô ấy có được không?
- Được, được, tốt lắm... Hôm nay mua thế là đủ rồi. Mấy đứa nhỏ cũng đủ phá sản!
Lúc đó, có thể lánh được, Denise lắng nghe Jean giãi bày rồi đi theo hắn đến các quầy, - ở đó chắc Jean đã nhầm lẫn. Bắt đầu là chiếc bành-tô màu hạt dẻ nhạt mà Thérèse, sau khi suy nghĩ, muốn đổi lấy một bành-tô dạ màu trắng, vẫn khổ ấy, kiểu ấy. Và cô gái cầm gói hàng đi cùng hai em tới gian may sẵn.
Gian hàng trưng bầy những quần áo màu dịu, những chiếc jaquette và khăn vuông mùa hè, bằng lụa mỏng, bằng len tân kỳ. Nhưng cuộc bán đông ở nơi khác, khách hàng ở đây tương đối thưa. Hầu hết các cô bán hàng là người mới, Clara đã biến mất từ một tháng nay, người thì bảo cô ta bị chồng một bà khách hàng bắt cóc, người khác lại nói cô ta rơi vào vòng trụy lạc ở ngoài phố. Còn Marguerite thì rốt cuộc sắp sửa về trông coi cửa hiệu nhỏ ở Grenoble, có ông anh họ đang chờ đợi. Và duy bà Aurélie còn ở đó, bất di bất dịch, trong chiếc áo lụa bọc như áo giáp, với bộ mặt nữ hoàng giữ nét phì phị vàng bệch của một pho tượng đá hoa cổ. Tuy nhiên, thằng Albert hư đốn khiến bà lo nghĩ, và đáng lẽ bà rút lui về thôn quê, nếu tiền tiêu trong gia đình không bị thằng vô dụng đó làm hao hụt, thậm chí hàm răng ghê gớm nó nhai dần từng miếng, có cơ mất cả cái dinh cơ ở Rigolle. Cứ như là sự trả miếng của gia đình bị phá hoại, khi mà bà mẹ lại giở trò tiêu khiển tao nhã với các bà, và về phía ông bố thì tiếp tục thổi kèn. Bourdoncle đã nhìn bà Aurélie với vẻ bất bình, hắn lấy làm lo rằng bà ta không có cái ý nhị để xin về hưu: già thế thì còn bán hàng nỗi gì! Tiếng chuông báo tử chẳng bao lâu nữa sẽ điểm, cuốn đi triều đại nhà Lhomme.
- Kìa! Cô đấy ư - Bà ta nói với Denise, vẻ vồn vã quá mức - Cô muốn đổi cái áo bành-tô này, hả? Có ngay thôi... Chà! Các em cô đây. Người lớn cả rồi đấy.
Mặc dầu tự cao, bà có thể quỳ xuống để nịnh hót cô. Ở gian may sẵn, cũng như ở mọi quầy khác, người ta chỉ bàn chuyện Denise bỏ đi; và bà gian hàng trưởng rất đỗi khổ tâm về chuyện đó, vì bà đang trông mong ở sự che chở của cô bán hàng cũ của bà. Bà hạ giọng:
- Nghe nói cô từ biệt chúng tôi... Sao, chẳng thể thế được?
- Được chứ ạ. - Cô gái đáp.
Marguerite lắng nghe. Từ ngày cuộc hôn nhân của cô ta được ấn định, cô nhởn nhơ bộ mặt sữa chua của cô, vẻ càng ghê tởm. Cô ta tới gần, nói:
- Chị làm thế thì phải. Tự trọng trước hết, phải không?... Xin có lời thân mến chào chị.
Khách hàng tới. Bà Aurélie tàn nhẫn yêu cầu cô ta trông vào việc bán hàng. Rồi, khi Denise cầm lấy chiếc áo bành-tô để tự mình đem “trả lại”, thì bà la lên và gọi một cô phụ tá. Đây chính là một điều cải cách mà cô gái đã mách Mouret, tuyển những phụ nữ phục vụ giữ việc mang hàng, như thế đỡ mệt cho các cô bán hàng.
- Chị đi theo cô đây. - Bà quầy hàng trưởng vừa nói vừa trao cho người đó chiếc áo.
Và, quay lại với Denise:
- Mong cô nghĩ lại cho... Tất cả chúng tôi đều ngán ngẩm vì cô ra đi...
Jean và Pépé, đang tươi cười chờ giữa đám phụ nữ tràn vào, lại theo chị đi. Bây giờ phải đi đến gian hành trang, để lấy lại sáu chiếc sơ-mi, y như nửa tá mà Thérèse đã mua hôm thứ Bảy. Nhưng, ở các quầy đồ lót hàng trắng trưng bầy trắng xóa ở khắp các khoang người ta chết ngạt, tiến lên rất khó khăn.
Trước hết ở quầy corset, một cuộc nhốn nháo nhỏ khiến đám đông tụ tập lại. Bà Boutarel, lần này từ miền nam lên cùng với chồng và con gái, từ sáng đi khắp các gian hàng, tìm kiếm một hành trang cho con gái sắp lấy chồng. Ông bố được hỏi ý kiến, thế là chuyện cứ kéo dài. Cuối cùng, cả gia đình vừa để lại ở các quầy quần áo lót; và, trong lúc cô này mê mải, nghiền ngẫm về khoản quần, thì bà mẹ biến mất, bản thân bà cũng ngứa ngáy tìm kiếm một chiếc corset. Khi ông Boutarel, một con người to lớn sung huyết, bỏ con gái đấy, hoảng hốt đi tìm vợ, thì rốt cuộc ông tìm thấy bà ở phòng ướm thử, ở đó người ta lễ phép mời ông ngồi phía trước. Những phòng này là những khoang chật hẹp đóng kín bằng những tấm gương mờ, đàn ông, ngay cả những ông chồng, không được vào vì ý muốn giữ gìn lịch sự quá đáng của ban giám đốc. Ở đây các cô bán hàng ra vào đùng đùng, mỗi lần cánh cửa đập sầm sập, để người ta thấp thoáng nhìn thấy các bà mặc sơ-mi và váy ngắn, ngực hở, tay trần, bà nào béo thì da thịt trắng phau, bà nào gầy thì màu ngà đã ngả. Một dãy các ông ngồi đợi trên các ghế, vẻ ngán ngẩm. Và đến ông Boutarel thì, khi ông đã hiểu, ông nổi giận thẳng thừng, la lên đòi vợ ông, muốn biết người ta làm gì bà, ông nhất định không để vợ cởi quần áo mà không có mặt ông. Người ta cô làm cho ông bình tĩnh mà không được: dường như ông cho rằng trong đó có những chuyện bất nhã. Bà Boutarel buộc phải ra trong khi đám đông bàn tán và cười.
Bây giờ Denise và các em mới qua đưọc. Toàn bộ đồ lót của phụ nữ, những đồ mặc bên trong màu trắng, dưọc bầy ra trong một dãy buồng, xếp loại thành những gian khác nhau. Corset và tournure [3] chiếm một quầy, corset khâu, corset mình dài, corset áo giáp, đặc biệt là corset lụa trắng, tô màu xòe nan quạt, hôm đó được bầy trong một chỗ; cả một đội quân người gỗ không đầu và không chân, chỉ bầy thành hàng những thân trên, những ngực búp bê dẹt phẳng dưới lụa, mang cái vẻ dâm ô chướng mắt của kẻ tàn tật; và gần đó; trên những chiếc gậy khác, những tournure bằng lông và đăng-ten biến những cán chổi do thành những bộ mông to lớn và căng ra, nhìn nghiêng trông thật bất nhã. Nhưng liền đó, hàng mặc trong phong nhã bắt đầu, một loạt quần áo trong rải ra ở những gian rộng, y như có cả bày mỹ nhân cởi lần quần áo từ gian này sang gian khác, cho tới để lộ làn da trắng muốt, như satanh. Ở đây là hàng lót mịn, tay áo giả và cà vạt trắng, khăn quàng và cổ áo trắng, đủ loại hàng mỏng vô kể, như một mớ bọt trắng từ những cartông trôi ra và dâng cao như tuyết. Chỗ kia là áo nịt, áo cụt, áo dài mặc sáng, áo choàng, vải gai, vải bông thô, đăng-ten, quần áo dài trắng, thanh nhã và mong manh khiến người ta cảm thấy cảnh nằm vươn dài vào những buổi sáng nhàn hạ, hôm sau của những đêm ân ái. Và đồ lót kín đáo xuất hiện, lả tả rơi từng chiếc, váy trong màu trắng, dài đủ cỡ, váy trong bó đầu gối, và váy trong có đuôi viền đăng-ten trùm đất, váy trong lan tràn như sóng bể dâng lên chìm ngập những cẳng chân; quần bằng percale [4] vải gai, vải chần, quần trắng rộng thênh thang cho những lưng đàn ông đủ sức vẫy vùng; sau hết sơ-mi cài cúc đến cổ ban đêm, hở ngực ban ngày, vai hẹp bằng chức bâu thường, bằng vải gai lêclan, bằng vải gai mịn, chiếc voan trắng cuối cùng buông từ ngực xuống, dọc theo háng. Ở gian hành trang, bầy lộ ra hình ảnh người phụ nữ lột trần và ngó từ phía dưới, từ bà tiểu tư sản mặc đồ vải gai trơn đến bà giàu có nép mình trong đăng-ten, một khuê phòng mở rộng công khai, mà cái xa hoa ẩn kín, hàng xếp nếp, hàng thêu, hàng đăng-ten, trở thành như một sự dâm ô trụy lạc, khi những mặt hàng tân kỳ đắt tiền mỗi lúc càng tràn lan. Rồi người phụ nữ lại mặc quần áo vào, cả mớ đồ lót trắng vung vãi đó trở vào ẩn nơi bí mật chập chờn của những chiếc váy, chiếc sơ-mi mà ngón tay người thợ khâu làm cứng đơ, chiếc quần lạnh lẽo và giữ nếp của hộp cartông, tất cả mớ percale và gai mịn chết cứng đó, vung vãi trên các quầy hàng, ném ra, chất đống, sắp trở nên sinh động với cuộc sống của xác thịt, thơm và ấm hơi hướng của ái tình, một đám mây trắng trở nên thiêng liêng, chìm trong bóng đêm, mà chỉ khẽ bay lên, ánh hồng của đầu gối thấp thoáng lộ ra trong những đồ trắng tinh, là tàn phá cả thiên hạ. Rồi trong còn có một buồng tã lót, ở đó màu trắng khoái lạc của phụ nữ dẫn tới màu trắng thanh khiết của trẻ thơ: một vẻ ngây thơ, một niềm vui, người tình nương bừng dậy trở thành người mẹ, áo cụt con nít, vải chần xổ lông, mũ trẻ con bằng flanelle, áo sơ-mi và mũ trùm lớn bằng những đồ chơi, và áo dài dự lễ rửa tội, và áo lót bông bằng cachemire, lông tơ trắng nõn tuổi sơ sinh, y như một đám mưa bay lông trắng.
- Em biết không, đây là những sơ-mi mặc kín. - Jean nói, giữa đám quần áo mặc trong đó, cả mớ xống áo tràn ngập như nước lũ đó, hắn ngập mình vào, hoan hỉ khoan khoái.
Ở gian hành trang, khi trông thấy Denise, Pauline chạy tới liền. Và, chưa biết bạn muốn gì, cô ta đã thủ thỉ, rất xúc động về những tin đồn mà cửa hàng bàn tán. Ở gian hàng cô ta, thậm chí có hai cô bán hàng cãi nhau, một cô khẳng định, cô kia phủ nhận tin Denise bỏ đi.
- Cậu ở lại với chúng mình chứ, mình đã sống chết cam đoan... Rồi mình sẽ ra thế nào?
Và, khi Denise đáp ngày mai sẽ đi.
- Không, không, cậu tưởng thế, nhưng mình biết điều trái lại kia... Chao ơi! Bây giờ mình đã có con, cậu phải cho mình lên chức quầy phó chứ. Baugé mong lắm đấy, bạn thân yêu ạ.
Pauline mỉm cười với vẻ tin chắc. Rồi cô ta đưa ra sáu chiếc sơ-mi; và, nghe thấy Jean bảo bây giờ đi ra quầy musoa, cô ta gọi một người phụ tá để mang những chiếc sơ-mi và chiếc bành-tô mà người phụ tá gian may sẵn để lại đó. Người phụ tá này chính là cô De Fontenailles mới lấy Joseph. Cô ta vừa được đặc ân cất lên làm người phục vụ, cô mặc một chiếc áo bludơ rộng màu đen, trên vai có ghi chữ số bằng len vàng.
- Cô đi theo cô đây. - Pauline nói.
Rồi trở lại và khẽ nhắc:
- Cho mình làm quầy phó, hả? Thế nhé!
Denise vừa cười vừa hứa, cũng để bông đùa. Và cô cùng Jean và Pépé đi xuống, người phụ tá theo sau. Ở tầng dưới nhà, họ đổ vào quầy len, một góc gian căng hoàn toàn, molleton trắng và flanelle trắng. Liénard, vẫn không nghe theo bố gọi về Angers, đang nói chuyện với gã Mignot xinh trai, gã này bây giờ trở thành người môi giới, hắn dám trâng tráo vác mặt đến hiệu Hạnh phúc các bà. Chắc hẳn chúng đang nói về Denise, vì cả hai vội vã im lặng để chào cô. Vả lại, cô tiến đến đâu, qua các gian hàng, nhân viên bán hàng đều xúc động và cúi đầu, với mối phân vân không biết mai cô sẽ ra thế nào. Họ xì xào, họ xem cô như đắc thắng, và lại có cuộc phản kích mới trong việc đánh cuộc, họ lại nhè vào cô mà thách rượu vang d’Argenteuil và chả rán. Cô đi qua gian đồ trắng để tới quầy mù-soa ở phía đầu. Hàng trắng trải ra: vải bông trắng, madapolam [5], chéo go, vải chần, chúc bâu; vải fil trắng, nansouk [6], mousseline, arlatane [7]; rồi đến vải gai chất thành chồng tướng, xếp từng tấm luân phiên như những khối đá vuông, vải gai thô, vải gai mịn, đủ mọi khổ, trắng hay mộc, sợi gai thuần chất, phơi trắng; rồi, bắt đầu trở lại, những gian hàng kế tiếp nhau bầy mỗi gian một thứ vải thông dụng, dùng trong nhà, trải bàn ăn, dùng ở nhà bếp, hàng trắng như sập lở liên tục, khăn trải giương, vải bọc gối, đủ kiểu khăn mặt, khăn trải bàn, tạp dề và khăn lau. Và, những lời chào hỏi kế tiếp, mỗi khi Denise đi qua người ta dẹp sang một bên, Baugé bổ nhào đến quầy vải gai để mỉm cười với cô, như với bà chúa phù trợ cửa hàng. Cuối cùng, sau khi qua quầy bán chăn, một gian treo những lá cờ trắng, cô bước vào quầy mù-soa, trang trí khéo léo khiến đám đông ngây ngất: toàn là những cây cột trắng, những tháp nhọn trắng, những lâu đài trắng, một kiểu kiến trúc phức tạp, chỉ dựng lên bằng mù-soa, vải phin, vải gai mịn Cambrai, vải gai Irlande, lụa Trung Quốc, thêu chữ đầu tên, thêu nổi, viền đăng-ten, viền đường giữa và hình nhỏ đan, cả một đô thành bằng gạch trắng muôn hình muôn vẻ, nổi bật trên một ảo cảnh với một bầu trời phương Đông, rực trắng.
- Em bảo lấy thêm một tá, - Denise hỏi - hàng Cholet [8] phải không?
- Vâng, hình như thế, y như cái này. - Jean vừa đáp vừa chỉ một chiếc mù-soa trong gói.
Jean và Pépé không rời váy chị, vẫn siết chặt lấy cô như xưa kia, khi chúng mới đến Paris, mệt nhừ vì chuyến đi. Những ngôi hàng rộng lớn đó là nhà của cô, chúng lại dựa vào sự che chở của bà mẹ nhỏ của chúng, như sự thức dậy của bản năng thời thơ ấu. Người ta nhìn theo chúng, người ta mỉm cười thấy hai gã con trai to lớn bám sát chân cô gái mảnh khảnh và nghiêm nghị kia. Jean thì hớt hải với bộ râu, Pépé luống cuống trong chiếc áo dài, cả hai bây giờ cùng một màu tóc hung, màu hung khiến người ta xì xào khi họ đi qua các quầy hàng, từ đầu nọ đến đầu kia.
- Các em cô ấy đấy. Các em cô ấy đấy...
Nhưng Denise đang tìm một người bán hàng thì có một cuộc gặp gỡ. Mouret và Bourdoncle bước vào gian hàng, và khi Mouret lại dừng chân trước cô gái mà không nói gì thì bà Desforges và bà Marty đi qua. Henriette kìm lại một cái rợn mình chạy toàn thân bà.
Bà ta nhìn Mouret, bà ta nhìn Denise. Cả hai người cũng đã nhìn bà, đó là cảnh mở nút câm lặng, kết thúc chung của những tấn bi kịch lớn của trái tim, một cái liếc mắt trao đổi giữa cơn xô đẩy của đám đông. Mouret liền đó bỏ đi, còn Denise biến vào trong cuối gian hàng với các em trai, vừa tìm kiếm một nhân viên bán hàng rỗi. Bấy giờ, Henriette nhận ra người phụ tá đi theo Denise chính là cô De Fontenailles, với chữ số vàng trên vai, bộ mặt đẫy lên và tái mét của người phục vụ, bà ta cáu kỉnh nói với bà Marty cho bõ giận.
- Bà chị xem họ đã làm gì cái cô tội nghiệp kia... Một bà hầu tước, thật là sỉ nhục phải không? Mà ông ấy bắt cô ta đi theo những kẻ nhặt được ở bờ hè như một con chó!
Bà ta cố bình tĩnh lại, bà làm bộ nói thêm với vẻ dửng dưng:
- Ta hãy đến gian tơ lụa xem hàng họ bầy.
Gian tơ lụa giống như một phòng yêu đương lớn; cẳng phủ vải trắng do thích ý của người tình nương lộ mình như tuyết, muốn ganh đua vẻ trắng ngần. Hết thảy các màu trắng sữa trên một thân hình được tôn thờ phô bầy ra ở đây, từ nhung của hông đến tơ mịn của đùi và xatanh bóng của ngực. Những tấm nhung căng giữa những cột, lụa và xatanh nổi bật trên cái nền màu trắng kem đó, thành những màn trướng màu trắng của kim loại và của đồ sứ; và, rũ xuống thành vòng cung, còn có nhiều cát và lụa sicile [9] to hạt, những foulard và lụa chéo go mỏng, đi từ màu trắng đông đặc của cô gái tóc hung vàng xứ Na Uy đến màu trắng trong vắt, sưởi ấm mặt trời của cô gái tóc hung đỏ nước Ý hay Tây Ban Nha.
Đúng lúc đó, Favier đo foulard trắng cho “bà xinh đẹp”, các bà tóc hung lịch sự, một khách quen của quầy hàng, mà nhân viên bán hàng chỉ biết gọi bằng mấy tiếng đó. Từ nhiều năm nay, bà ta đến, thế mà người ta vẫn không biết một chút gì về bà, về đời sống cũng như về địa chỉ, thậm chí cả tên bà. Vả chăng, cũng không một ai chịu tìm hiểu, tuy mỗi khi bà xuất hiện, mọi người đều đặt ra các giả thuyết, chỉ để chuyện trò. Bà ta gầy đi, béo ra, và mỗi sự kiện nhỏ về cuộc đời xa lạ của bà, biến cố bên ngoài, bi kịch bên trong, đều cứ thế gây phấn khích, được bình luận dài dòng. Hôm đó, bà có vẻ rất vui. Vì vậy, khi Favier dẫn bà ra két trở về, anh ta bầy tỏ với Hutin những suy nghĩ của mình.
- Chắc có lẽ bà ta tái giá.
- Thế ra bà ấy góa chồng à? - Tay kia hỏi.
- Mình chẳng biết... Nhưng, ông phải nhớ, có lần bà đã để tang... Trừ phi bà ta đã phát tài trên Thị trường chứng khoán.
Im lặng một lúc, rồi, anh ta kết luận:
- Chuyện là của bà ấy... Có nên lờn khơn với tất cả cả phụ nữ đến đây hay không?
Nhưng Hutin có vẻ đăm chiêu. Cách đấy một hôm, hắn đã phải phân trần gay go với ban giám đốc, và hắn cảm thấy bị kết án. Sau cuộc đem bán lớn này, chắc hắn sẽ bị đì. Đã từ lâu, địa vị của hắn lung lay; ở cuộc kiểm kê vừa qua, người ta trách hắn không đạt doanh số quy định từ trước, ngoài ra lại còn, nhất là còn cuộc tranh ăn lần lần đến lượt xơi hắn, tất cả cuộc đấu tranh âm thầm của gian hàng ném hắn ra ngoài, ngay trong cơn lay chuyển của cỗ máy. Người ta nghe thấy cuộc vận động ngấm ngầm của Favier, tiếng răng nhai ầm ĩ, bị bóp nghẹt. Tay nấy đã được người ta hứa cho lên chức quầy hàng trưởng. Hutin biết rõ những điều đó, không dám tát vào mặt anh bạn cũ, mà bây giờ lại xem anh ta như mạnh thế lắm. Một anh chàng rất lạnh lùng, vẻ phục tùng, mà hắn đã lợi dụng để đánh đổ Robineau và Bouthemont! Điều đó làm hắn bàng hoàng, và có phần kính trọng.
- À này, - Favier lại nói - ông biết không, cô ta ở lại. Người ta vừa trông thấy ông chủ nháy mắt... Tớ, bây giờ tớ đặt cược một chai sâm banh.
Anh ta nói về Denise. Từ quầy này đến quầy khác, những lời bàn tán càng lan mạnh, giữa sóng người mua hàng càng dày đặc. Nhất là quầy tơ lụa thì náo động, vì người ta thách nhau những thứ đắt tiền.
- Mẹ kiếp! - Hutin, như tỉnh giấc mê, văng ra -Mình đã xuẩn mà không ngủ với!... Không có thì hôm nay mình oai biết mấy!
Rồi, hắn đỏ mặt lên vì lời thú nhận, khi trông thấy Favier cười. Và hắn giả vờ cũng cười, để chữa lại lời nói, hắn nói thêm rằng chính con người ấy đã khiến ban giám đốc trù hắn. Bây giờ, cơn hung hăng của hắn nổi lên, rốt cuộc hắn nổi giận với đám nhân viên bán hàng bị tan tác trước cuộc tấn công của khách hàng. Nhưng, đột nhiên, hắn lại mỉm cười: hắn vừa bắt gặp bà Desforges và bà Guibal thủng thẳng đi qua gian hàng.
- Hôm nay, bà không cần gì, thưa bà?
- Không, cảm ơn - Henriette đáp - Ông xem, tôi đi dạo, tôi tò mò mà đến.
Khi hắn hãm bà ta lại được, hắn hạ giọng, cả một kế hoạch chớm nở trong đầu hắn. Và hắn tán tỉnh bà ta, hắn nói xấu cửa hàng: hắn thì ngán lắm rồi, hắn ưng bỏ đi hơn là chứng kiến mãi cảnh lộn xộn như thế nay. Bà ta lắng nghe hắn, hoan hỉ. Chính bà tưởng mình đã cướp được hắn của hiệu Hạnh phúc, bà hứa sẽ bảo Bouthemont tuyển hắn làm quầy trưởng tơ lụa khi nào hiệu Bốn mùa mở cửa trở lại. Công việc được điều đình, hai người nói rất khẽ, khi mà bà Guibal chăm chú vào hàng bầy.
- Tôi muốn tặng bà một trong những bó hoa violette này, được không? - Hutin lại cất cao giọng, tay chỉ trên bàn ba bốn bó hoa tặng mà hắn đã lấy ở ngoài két để làm quà biếu riêng.
- A! Không, lại thế nữa! - Henriette vừa la lên vừa lùi lại - Tôi chẳng muốn tham dự đám cưới.
Họ hiểu nhau, họ chia tay nhau và lại cười, đưa con mắt đồng tình.
Bà Desforges tìm bà Guibal, bà la lên khi thấy bà ta cùng đi với Marty. Bà này có cô con gái là Valentine đi theo, đã từ hai tiếng đồng hồ, bị cơn sốt mua sắm thúc chạy khắp cửa hàng, đến bây giờ đâm mệt nhừ và e thẹn. Bà ta đã sục gian hàng đồ đạc, mà cuộc trưng bày đồ sơn trắng đã biến thành buồng thiếu nữ thênh thang, gian ruban và khăn choàng, dựng lên những hàng cột căng màn trắng, gian tạp hóa và ren tua với tua trắng đóng khung những đồ trần thiết khéo léo, kiên nhẫn xếp bằng những thếp khuy và những gỏi kim, gian mũ áo đan năm đó người chen nhau đến chết ngạt để xem một môtip trang trí to lớn, tên hiệu Hạnh phúc các bà huy hoàng, với những chữ cao ba thước, xếp bằng bít-tất trắng, trên một nền bít-tất đỏ. Nhưng bà Marty đặc biệt cuồng lên vì những gian hàng mới, không có gian hàng nào khai trương mà bà không tới khánh thành, bà lao tới, lại mua. Và bà đã qua một tiếng đồng hồ ở gian thời trang, đặt ở một phòng khách mới trên gác một, bà bắt lục lọi các tủ, bà lấy xem mũ treo trên những giá bằng gỗ tử đàn bầy chật hai chiếc bàn, hai mẹ con ướm thử tất cả mũ trắng, capote trắng [10] mũ vải trắng. Rồi bà lại trở xuống gian giày dép, ở cuối hành lang nhà dưới, đằng sau gian cà-vạt, một gian hàng mới mở ngày hôm đó, mà bà sục các tủ kính, với sự tham muốn bệnh hoạn trước những đôi hài lụa trắng mũi cao, những giày không cổ và giày có cổ bằng xatanh trắng gót cao lớn kiểu Louis XV.
- Ôi! Bà chị, - Bà ta lắp bắp - bà chị không ngờ được! Họ có một loại capote tuyệt ơi là tuyệt. Tôi đã chọn một chiếc cho tôi và một chiếc cho cháu... Mà giày nữa, Valentine nhỉ?
- Rất tuyệt! - Cô gái nói thêm, mạnh bạo như người lớn - Có những đôi bốt hai mươi phrăng năm mươi, thế mới là bốt!
Một nhân viên bán hàng đi theo họ, kéo lê chiếc ghế muôn thuở, ở đó đã chất cả một đống hàng.
- Ông Marty có khỏe không? - Bà Desforges hỏi.
- Cũng khá, chừng như thế - Bà Marty đáp, hoảng lên vì câu hỏi đột ngột, nó tàn nhẫn giáng vào cơn sốt mua sắm của bà ta - Ông ấy vẫn ở chỗ đó, ông chú tôi phải đi thăm sáng hôm nay...
Nhưng bà tự ngắt lời, bà ngẩn người thốt lên:
- Xem kìa! Mê ly chưa?
Mấy bà tiến thêm vài bước, tới trước quầy bán hoa và lông chim, đặt ở hành lang trung tâm, giữa gian bán găng và gian tơ lụa. Ở đó, dưới ánh sáng rực rỡ của lớp kính trần, cả một mùa hoa đồ sộ, một bó hoa trắng, cao và lớn như một cây sồi. Từng dãy hoa đặt ở bên dưới, violette, linh lan, dạ hương lan, cúc, tất cả các màu trắng vi diệu của những luống hoa. Rồi vượt lên trên là những bó hoa, những hồng bạch dịu mềm có chút gì như da thịt, những bông thược dược lớn màu trắng phớt đỏ, những bông cúc trắng như cuốn chỉ mỏng điểm sao vàng. Và hoa vươn lên mãi, những bông cúc lớn thần bí, những cành táo mùa xuân, những thùng cắm tử đinh hương thơm ngát, một mùa hoa nở liên tục, mà vượt lên trên cả, ngang tầng gác một, là những chùm lông đà điểu, những lông trắng tưởng như hơi thở bay bổng của cả rừng hoa trắng kia. Cả một góc bầy đồ trang sức và vòng hoa cam. Có những hoa bằng kim loại, những cành gai bạc, những bông bạc. Trong đám cành lá và cánh hoa giữa nào mousseline, nào lụa, nào nhung, ở đó những giọt nhựa hình thành những giọt sương, bay lượn những chim hải đảo lông dùng để cài mũ, những hồng tước lông đỏ thắm đuôi đen, và những thất sắc điểu, lông bụng biến hóa, màu cầu vòng.
- Tôi mua một cành táo - Bà Marty lại nói - Tuyệt hả? Và cái con chim xinh xinh, Valentine, xem này. Ô! Tôi lấy.
Khi đó, bà Guibal phát ngán vì cứ đứng yên một chỗ, giữa đám đông như nước cuộn. Cuối cùng bà nói:
- Thế thì chúng tôi để bà chị mua sắm. Còn chúng tôi lên gác.
- Không mà, đợi tôi hẵng - Bà kia la lên - Tôi cũng lên nữa... Trên ấy có quầy hương phẩm. Tôi phải đến chỗ bán hương phẩm.
Gian hàng đó mới lập hôm trước, ở bên cạnh phòng đọc sách. Bà Desforges, muốn tránh các cầu thang đông nghịt, bàn lên cầu thang máy, nhưng họ phải rút lui vì thiên hạ nối đuôi nhau ở cửa buồng thang máy. Cuối cùng, họ tới nơi, họ qua trước quầy giải khát công cộng, ở đây đông đến nỗi một viên thanh tra hãm phanh mọi sở thích, bằng cách chỉ cho từng nhóm nhỏ khách háu ăn. Và, ngay từ quầy giải khát, các bà đã ngửi thấy mùi quầy hương phẩm, một mùi hắc, do túi dựng kín, tỏa ra cả hành lang. Ở đó người ta tranh nhau mua một thứ xà-phòng, xà-phòng Hạnh phức, đặc sản của cửa hàng. Trong những quầy tủ kính, và trên mặt pha-lê các giá, xếp hàng những bình thuốc mỡ và bột nhồi, những hộp phấn và son, những lọ dầu nhờn và nước thơm: còn bàn chải mềm, lược, kéo, lọ bỏ túi thì chiếm một tủ riêng. Nhân viên bán hàng khôn khéo trang hoàng quầy hàng bằng tất cả những bình bằng sứ trắng, tất cả những lọ thủy tinh trắng. Cái làm mê hồn là ở giữa, một vòi nước bằng bạc, một nữ mục đồng đứng trên một mùa hoa, và từ đó nước hoa violette chảy thành sợi liên tục rơi vào một cái bồn bằng kim loại vang êm như nhạc. Một hương thơm ngào ngạt lan khắp xung quanh, các bà đi qua nhúng mù-soa vào.
- Xong rồi! - Bà Marty nói, sau khi bà đã nhồi nhét nước hoa, thuốc đánh răng, sáp bôi đầu - Bây giờ thì tôi thuộc về các bà chị. Ta hãy đi, gặp bà De Boves đi.
Nhưng, trên đầu cầu thang lối chính giữa, họ lại dừng chân trước quầy hàng Nhật Bản. Quầy này đã lớn lên, từ cái ngày Mouret liền thử đặt ở chỗ đó một bàn giới thiệu hàng nhỏ, bầy vài thứ đồ lặt vặt đã cũ, mà chính anh cũng không ngờ là rất được hoan nghênh. Ít có gian hàng mở đầu một cách khiêm tốn hơn, thế mà bây giờ nó tràn ngập những đồ đồng cũ, đồ ngà cũ, đồ sơn cũ, mỗi năm doanh số của nó tới trăm năm mươi vạn phrăng, nó khuấy động cả miền Viễn Đông, ở đó những tay du hành lùng sục cho nó những cung điện và đền đài. Vả chăng, những gian hàng vẫn cứ mọc ra, hồi tháng Chạp, người ta đã thử mở hai gian mới để lấp lỗ hổng vào mùa đông chết cứng: một gian bán sách và một gian bán đồ chơi trẻ con, những gian đó chắc chắn cũng sẽ lớn lên và lại quét những cửa hàng bên cạnh. Chỉ bốn năm vừa qua cũng đủ cho quầy hàng Nhật Bản thu hút tất cả khách mua mỹ nghệ phẩm của Paris.
Lần này, bản thân bà Desforges, mặc dù mối hằn thù đã khiến bà thề chẳng mua gì, cũng bị khuất phục trước một đồ ngà tinh xảo tuyệt đẹp.
- Gửi nó đến cho tôi - Bà ta vội vã nói, ở một két bên cạnh - Chín mươi phrăng, phải không!
Và, thấy bà Marty và con gái đang vùi đầu chọn những đồ sứ rẻ tiền, bà ta vừa dẫn bà Guibal đi vừa nói:
- Bà chị sẽ gặp lại chúng tôi ở phòng đọc sách... Thật sự tôi cần ngồi một chút.
Ở phòng đọc sách, mấy bà phải đứng. Các ghế đều có người chiếm hết, xung quanh chiếc bàn lớn đầy báo chí. Mấy ông to lớn đang đọc, người ngả ra, phưỡn bụng, không hề có ý nghĩ nhã nhặn nhường chỗ. Mấy bà đang viết, mũi gí vào chữ, như để che giấu tờ giấy dưới những bông hoa cài trên mũ. Nhưng, không có bà De Boves ở đó, và Henriette đang sốt ruột thì thấy Vallagnosc cũng đang tìm vợ và bà nhạc. Anh ta chào, cuối cùng nói:
- Chắc các bà ấy ở gian hàng đăng-ten, không thể rút các bà ấy ra khỏi nơi đó... Để tôi đi xem.
Và anh ta lịch sự kiếm cho các bà hai chiếc ghế rồi mới bỏ đi.
Ở gian đăng-ten, người ta chen nhau mỗi lúc một đông, cuộc trưng bày hàng trắng lớn thành công ở đó, với những đồ trắng tinh xảo nhất và đắt nhất. Tất cả các bà đều bị mê mẩn với sự quyến rũ nhức nhối, nỗi thèm muốn điên cuồng. Người ta đã biến gian hàng thành một điện thờ trắng tinh. Nào tuyn, nào ren thưa rủ từ trên xuống, làm thành bầu trời trắng xóa, một làn mây phủ, màng lưới tinh vi làm nhạt cả ánh mặt trời sớm mai. Chung quanh những cột, buông xuống những ren viền marine, valencienne, những váy trắng của vũ nữ, rủ xuống tận đất màu trắng rung rinh. Rồi, khắp nơi, trên khắp các quầy, trắng như tuyết, sa mỏng Tây Ban Nha nhẹ như hơi thở, ren trang trí Bruxelles [11] hoa to và mau mắt, ren dệt kim và ren Venise hoa dày hơn ren Alençon và đăng-ten Bruges [12] vẻ phong phú vương giả và như thiêng liêng. Tưởng đâu thần xống áo có khám thờ trắng ở nơi đây.
Bà De Boves, sau khi đi dạo mãi với con gái, lượn trước các hàng bầy, với nhu cầu cảm khoái được vọc tay vào vải vóc, cuối cùng bà ta vừa quyết định đòi Deloche lấy cho xem ren Alençon. Lúc đầu hắn đưa ra hàng giả; nhưng bà ta đòi xem Alençon chính cống, và bà không chịu loại phụ sức vặt ba trăm phrăng một mét, bà yêu cầu xem ren viền nghìn phrăng, mù-soa và quạt bảy tám trăm phrăng. Chẳng mấy lúc trên quầy bầy ra cả một tài sản. Trong một góc gian hàng, viên thanh tra Jouve vẫn không rời bỏ bà De Boves, mặc dù bà làm ra vẻ lượn chơi, lão ta đứng yên giữa đám xô đẩy, vẻ hờ hửng, con mắt vẫn dõi theo bà.
- Thế ông có bán dệt kim không? - Bà bá tước De Boves hỏi Deloche - Ông làm ơn cho xem.
Gã thư ký, mà bà đã giữ hai mươi phút rồi, không dám cưỡng lại; vì bà có vẻ rất mực đường hoàng, với tầm vóc bà và giọng nói nữ hoàng của bà. Song, hắn đâm do dự, là vì người ta ra lệnh cho nhân viên bán hàng không được chất đống như vậy những đăng-ten quý, và tuần trước hắn để mất cắp mười mét marine. Nhưng bà ta mè nheo hắn, hắn nhượng bộ; bỏ đống ren Alençon đấy một lúc để quay lại lấy; trong một ngăn, loại báu được đòi hỏi.
- Mẹ xem này - Blanche nói, cô ta đang đứng bên cạnh, lục một hộp cartông đầy ren valencienne vụn rẻ tiền, có thể lấy loại này làm gối.
Bà De Boves không trả lời. Thế là cô gái, quay bộ mặt nhẽo lại, trông thấy mẹ, tay vọc vào giữa đám đăng-ten, đang luồn giấu vào tay áo măng-tô những ren viền Alençon. Cô ta không có vẻ ngạc nhiên, cô ta vừa bất giác tiến lên để che cho mẹ thì, đột nhiên, Jouve đứng sừng sững giữa hai người. Lão ta nghiêng mình, rỉ vào tai bà bá tước, giọng lễ phép:
- Xin mời bà đi theo tôi!
Bà ta phản kháng một tí:
- Tại sao vậy, thưa ông?
- Xin bà đi theo tôi, thưa bà. - Viên thanh tra nhắc lại mà không to tiếng lên.
Bộ mặt ngẩn ngơ vì lo sợ, bà ta đưa mắt nhìn xung quanh. Rồi bà dành chịu, bà lại bước đi kiêu hãnh, theo sau lão ta như một bà hoàng hạ cố phó mình cho một quan hộ vệ. Không một bà khách nào đứng chật xung quanh bắt gặp cảnh đó. Deloche mang bao trở lại quầy hàng, thấy bà bị dẫn đi thì há hốc mồm: Sao? Cả bà ấy nữa! Cái bà cao quý rất mực ấy! Thế là cứ phải khám tuốt tuột! Và Blanche, mà người ta để yên, nhìn theo mẹ từ xa, lần lữa giữa những vai người như sóng, mặt tái nhợt, phân vân giữa nhiệm vụ không bỏ rơi mẹ và nỗi kinh hoàng sợ bị giữ lại với bà ta. Cô ta thấy bà vào phòng Bourdoncle, cô dành quanh quẩn trước cửa.
Đúng lúc, Bourdoncle vừa rời Mouret, có mặt ở đó. Thường lệ anh ta quyết định về những vụ ăn cắp như thế mà phạm nhân là những kẻ danh giá. Đã từ lâu Jouve rình mò bà này, đã cho hắn biết những điều ngờ vực của lão; vì vậy hắn không ngạc nhiên, khi viên thanh tra vắn tắt trình bày, vả lại, có những trường hợp rất kỳ lạ đã qua tay hắn, cho nên hắn tuyên bố rằng phụ nữ có thể làm tất, khi họ bị cơn rồ xống áo lôi cuốn. Vì hắn không lạ những quan hệ ở xã hội thượng lưu giữa ông giám đốc và kẻ cắp, cho nên hắn cũng có thái độ lễ phép.
- Thưa bà, chúng tôi miễn thứ những giây phút mềm yếu đó. Xin lỗi bà, bà nghĩ xem một sự lãng quên bản thân như vậy có thể dẫn bà tới đâu. Ví như một ai khác bắt gặp bà luồn những đăng-ten đó...
Nhưng bà ta nổi giận ngắt lời anh ta. Bà mà lại là kẻ cắp? Anh ta coi bà ra thế nào? Bà là bá tước De Boves phu nhân, chồng bà, tổng thanh tra sở nuôi ngựa giống, ra vào nơi triều đình.
- Tôi biết, tôi biết, thưa bà - Bourdoncle điềm nhiên nhắc lại - Tôi có hân hanh được biết bà... Trước hết xin bà trả lại những đăng-ten trong người bà...
Bà ta làm toáng lên, bà không để cho anh ta nói một lời, hung hăng, dùng tới cả nước mắt của một phu nhân bị lăng nhục. Một kẻ khác không phải anh ta, lung lay, có lẽ sợ một sự lầm lẫn đáng tiếc nào đó, vì bà ta đe đi kiện, để trả thù một điều nhục mạ như vậy.
- Ông hãy coi chừng! Chồng tôi lên tận ông Thượng thư.
- Thôi, bà cũng chẳng biết điều như những kẻ khác - Bourdoncle sốt ruột tuyên bố - Để người ta khám, vì cần phải thế.
Bà ta vẫn chưa nao núng, bà nói với vẻ quả quyết kiêu căng:
- Phải đấy, cứ khám đi... Nhưng tôi báo cho ông biết, ông đánh liều cả cửa hàng của ông đấy.
Jouve đi tìm hai cô bán hàng corset. Khi lão ta trở lại, lão cho Bourdoncle biết cô gái bà này, không ai đụng đến, vẫn không rời cửa phòng, và lão hỏi có nên tóm cả cô ta nữa, tuy lão đã không thấy cô ta lấy gì. Tay hữu quan vẫn đúng mực, nhân danh đạo đức quyết định không bắt cô ta vào, để khỏi bắt bà mẹ xấu hổ trước con gái. Lúc đó, hai người đàn ông rút lui vào một buồng bên cạnh, trong khi các cô bán hàng khám bà bá tước và cởi cả áo dài ra, để xem ngực và háng. Ngoài những ren viền Alençon, mười hai thước giá một nghìn phrăng, giấu trong cùng tay áo, họ còn thấy ở ngữc, dẹt xuống và nóng hổi, một chiếc mù-soa, một chiếc quạt, một chiếc cà-vạt, tất cả đáng khoảng mười bốn nghìn phrăng đăng-ten. Từ một năm nay, bà De Boves ăn cắp như vậy, bà bị một nhu cầu dữ dội không cưỡng lại được làm bại hoại. Bệnh cứ lớn lên, càng ngày càng trầm trọng, đến trở thành một khoái lạc cần thiết cho cuộc sống của bà ta, lôi cuốn đi mọi suy tính khôn ngoan, tự thỏa mãn với niềm thích thú càng bức bách đến liều hy sinh trước mắt đám đông cả tên tuổi, lòng kiêu hãnh, địa vị cao của ông chồng. Bây giờ, khi mà ông này để cho bà moi rỗng ngăn kéo của ông, bà ta có tiền đầy túi mà vẫn ăn cắp, bà ăn cắp để ăn cắp, như người ta yêu để yêu, bà bị ngọn roi của ham muốn kích động, bị bệnh tâm thần lũng đoạn, do những thèm muốn xa hoa không được toại nguyện phát triển trước đây, qua sự cám dỗ mãnh liệt và tàn bạo của những cửa hàng lớn.
- Các ông mưu mô đấy! - Bà ta la lên khi Bourdoncle và Jouve trở lại - Người ta nhét đăng-ten vào người tôi, ối trời! Tôi xin thề!
Bây giờ bà khóc lóc điên cuồng, ngồi phịch xuống một chiếc ghế, nghẹn ngào trong chiếc áo buộc hờ. Bourdoncle cho hai cô bán hàng ra rồi điềm nhiên lại nói:
- Chúng tôi sẵn lòng, thưa bà, dìm đi câu chuyện phiền phúc này vì nể gia đình bà. Nhưng, trước hết, xin bà hãy ký nhận vào tờ giấy này: “Tôi đã lấy cắp đăng-ten của hiệu Hạnh phúc các bà”, và kê khai chi tiết đăng-ten, ngày giờ... Vả lại, tôi sẽ trả lại bà tờ giấy này, ngay khi bà mang lại đây hai nghìn phrăng để giúp người nghèo.
Bà ta đứng lên, bà lại tuyên bố phản kháng:
- Tôi không khi nào ký cái đó, chẳng thà chết.
- Bà chẳng chết đâu, thưa bà. Song, tôi báo trước để bà biết, tôi cho người gọi cảnh sát.
Thế là diễn ra một cảnh đê tiện. Bà ta văng ra chửi, bà lắp bắp bảo đàn ông mà hành hạ phụ nữ thì thật là hèn mạt. Cái nhan sắc Junon của bà [13], tâm thân to lớn oai nghiêm của bà tan vào một cơn hùng hổ của kẻ hàng tôm hàng cá. Rồi, bà ta định đánh vào tình cảm, bà nhân danh các bà mẹ họ để van lơn, bà cắn rơm cắn cỏ lạy xin họ. Và thấy họ vẫn lạnh lùng, chai đi vì thói quen, đột nhiên, bà ngồi xuống tay run run viết. Ngòi bút khạc ra những chữ: Tôi đã lấy cắp, ấn mạnh đến điên cuồng xuống hầu như làm toạc tờ giấy mỏng, trong khi bà lặp lại, giọng nghẹn ngào:
- Đây, thưa ông, đây thưa ông... Tôi nhượng bộ vì vũ lực...
Bourdoncle cầm lấy tờ giấy, gấp lại cẩn thận, vừa đút vào một ngăn kéo trước mặt bà ta, vừa nói:
- Bà xem đây, tờ giấy có bạn của nó, là vì các bà ấy, sau khi nói thà chết chứ không ký, thường là sao lãng việc trở lại rút về bức tình thư của họ... Dù sao, tôi sẵn sàng trả lại bà. Bà sẽ xét xem nó có đáng hai nghìn phrăng không?
Bà ta buộc lại áo, bà trở lại kiêu căng, sau khi bà đã trả xong.
- Tôi ra được chứ? - Bà cộc lốc hỏi.
Bourdoncle đã quan tâm đến việc khác. Theo báo cáo của Jouve, anh ta quyết định đuổi Deloche gã bán hàng này ngốc nghếch, hắn để bị mất cắp liên tục không bao giờ hắn có uy tín với khách hàng. Bà De Boves hỏi lại, và khi họ gật đầu để bà đi, bà đưa mắt căm thù nhìn cả hai người. Trong cả lô những tiếng thô tục mà bà dằn giọng nói, bà thốt ra một lời kịch thông tục.
- Đồ khốn nạn! - Bà vừa la vừa đóng sập cửa lại.
Trong khi đó, Blanche chưa đi xa khỏi phòng. Cô ta không biết chuyện gì xả ra trong đó. Jouve và hai cô bán hàng đi đi lại lại làm cô ta kinh hoàng, cô tưởng tượng đến sen đầm, tòa đại hình, nhà tù. Nhưng bỗng cô há hốc mồm: Vallagnosc ở trước mặt cô, anh chồng một tháng mà cô còn ngượng khi xưng hô anh tôi; và anh ta, ngạc nhiên vì thấy cô sững sờ, hỏi cô:
- Mẹ em đâu?... Các bà lạc nhau à?... Kìa, nói đi, em làm tôi lo lắng.
Cô ta không nghĩ ra được một lời nói dối hợp lý. Trong cơn thất vọng, cô khẽ nói hết.
- Mẹ, mẹ... lấy cắp...
Sao? Lấy cắp. Cuối cùng anh ta hiểu. Bộ mặt xị ra của vợ, nước da tái nhợt, thiểu não, vì lo sợ, khiến anh ta kinh hãi:
- Đăng-ten, thế này này, trong tay áo. - Cô ta ấp úng tiếp tục nói.
- Thế là em đã trông thấy, em nhìn à? - Anh ta thì thầm, ớn người vì cảm thấy cô ta đồng lõa.
Họ không nói nữa, một số người đã quay đầu lại, Vallagnosc đứng lặng người đi một lúc vì phân vân lo sợ. Làm thế nào? Và anh ta quyết định vào phòng Bourdoncle, thì bắt gặp Mouret đi qua gian hàng. Anh ta bảo vợ đứng chờ, nắm lấy tay bạn cũ, nói nhát gừng, kể lại câu chuyện. Anh này vội dẫn anh ta vào phòng mình, và yên ủi bạn về hậu quả có thể xảy ra. Anh quả quyết bảo anh ta không cần can thiệp vào, anh giải thích mọi việc chắc chắn sẽ tiến diễn như thế nào, bản thân anh cũng không có vẻ xúc động về chuyện lấy cắp đó, tưởng như anh đã đoán trước từ lâu. Nhưng Vallagnosc, khi không còn sợ chuyện bắt bớ nữa, lại không chấp nhận câu chuyện với vẻ điềm nhiên ung dung như thế. Anh ta buông mình lọt thỏm vào một chiếc ghế bành, và bây giờ đã có thể suy nghĩ, anh ta la lối than phiền về số phận mình. Có thể thế được chăng? Thế là anh gia nhập một gia đình ăn cắp! Một cuộc hôn nhân xuẩn ngốc mà anh làm cho qua chuyện, để vui lòng ông bố! Ngạc nhiên vì sự phát khùng trẻ thơ bệnh hoạn đó, Mouret nhìn anh ta khóc, nhớ lại cái bộ điệu bi quan xưa của anh ta. Anh đã chẳng nghe anh ta bao nhiêu lần biện luận lẽ hư vô chung cục của cuộc sống, trong đó anh ta chỉ thấy cái dở có phần ngộ nghĩnh? Vì vậy, để làm khuây anh ta, trong giây lát anh khuyên anh ta nên dửng dưng với giọng bông đùa thân mật. Thế là, lập tức, Vallagnosc giận dữ: quả thật, anh ta không còn trở lại được cái triết lý đã bị vi phạm cả nền giáo dục tư sản của anh sống lại với niềm phẫn nộ đạo đức đối với bà mẹ vợ. Một khi kinh nghiệm bổ xuống đầu anh ta, chỉ hơi đụng chạm tới nỗi khốn khổ của con người mà anh ta lạnh lùng cười ngạo, thế là tay hoài nghi khuếch khoác đó khuỵu xuống và rớm máu. Thật là ghê sợ, người ta vẩy bùn danh dự của dòng giống, thế giới dường như suy sụp.
- Thôi, cậu hãy bình tĩnh - Mouret đâm thương hại - Mình chẳng nói với cậu mọi sự có thể đến và mọi sự có thể không đến nữa, vì điều đó lúc này không an ủi được. Nhưng mình cho rằng cậu phải tới đưa tay đón bà De Boves, như thế khôn ngoan hơn là gây tai tiếng... Quỷ quái thật! Cậu xưa nay vẫn chủ trì phớt lạnh, xem khinh trước cái đê tiện của thiên hạ!
- Thế đấy! - Vallagnosc ngây thơ kêu lên - Khi nào cái đó là ở người khác!
Tuy nhiên, anh ta đứng dậy, làm theo lời khuyên của bạn học cũ. Cả hai người trở lại hành lang vừa lúc bà De Boves ở phòng Bourdoncle ra. Bà ta đường hoàng đón tay của chàng rể, và khi Mouret chào bà một cách trân trọng và lịch sự, thì anh nghe thấy bà nói:
- Họ xin lỗi tôi. Những lầm lẫn như thế quả thật là kinh khủng.
Blanche đã tới và đi sau họ. Họ lầm lẫn mất hút vào đám đông.
Bây giờ Mouret, còn một mình và tư lự, lại qua các gian hàng. Cái cảnh vừa qua đã làm khuây anh trong cuộc vật lộn xâu xé anh, giờ đây làm anh thêm nhức nhối, quyết định cuộc đấu tranh tối hậu ở anh. Cả một mối quan hệ dựng lên trong đầu óc anh: chuyện ăn cắp của người đàn bà khốn khổ đó, cơn điên cuồng cuối cùng của khách hàng bị chinh phục, gục xuống chân kẻ cám dỗ, tất cả khêu gợi hình ảnh kiêu hãnh và trả thù của Denise, mà anh cảm thấy gót chân đắc thắng chặn lên họng anh. Anh dừng lại ở trên đầu cầu thang chính giữa, anh ngắm mãi gian trung tâm mênh mông, ở đó đang chen chúc đám dân phụ nữ của anh.
Gần sáu giờ, ánh ngày đã nhạt ở bên ngoài, rút lui khỏi những hành lang mái kín đã tối đen, đang mờ dần ở cuối những gian lớn mà bóng tối lan ra. Và, trong ánh ngày chưa tắt hẳn đó, đèn hiệu thắp lên từng ngọn một, những bóng đèn trắng mờ, như một chùm vệ tinh rực rỡ chiếu tận những quầy hàng tít xa. Đó là một ánh sáng trắng, chói lòa, cố định, lan tỏa như một phản xạ của ngôi sao bị mờ nhạt, và lấn át ánh hoàng hôn. Rồi, khi tất cả các ngọn đèn đều cháy sáng, đám đông trầm trồ hoan hỉ, cuộc triển lãm hàng trắng lớn được tôn lên với vẻ huy hoàng thần tiên, do nguồn chiếu sáng mới mẻ đó. Dường như cả đám loạn trắng khổng lồ đó cũng cháy bừng, trở thành ánh sáng. Bài ca màu trắng bay lên trong ngọn lửa trắng của một buổi bình minh. Một ánh sáng trắng phát ra từ những vải gai và chúc bâu của hành lang Monsigny y như dải sáng rực rỡ đầu tiên nhuốm trắng nền trời phía đông; trong khi đó dọc theo hành lang Michodière, hàng tạp hóa và ren tua, đặc phẩm Paris và ruban, ném ra những ánh phản quang như từ ngọn đồi xa, ánh chớp của khuy xà cừ, đồ đồng mạ bạc và ngọc trai. Nhưng đặc biệt là gian trung tâm ca lên màu trắng toát của những ngọn lửa: mousseline trắng rối quanh những cột, chéo go và vải chần phủ trắng các cầu thang, chăn trắng treo như những lá cờ, ren thưa và đăng-ten trắng phất phới trong không, mở ra một bầu trời mơ mộng, một khoảng trống trên màu trắng rực rỡ của một thiên đường, ở đó diễn ra lễ cưới của một nữ hoàng vô danh. Chiếc lều vải của gian tơ lụa là phòng khuê rộng lớn của nó với màu trắng, sa trắng, tuyn trắng, mà ánh rực rỡ làm lóa những con mắt nhìn cô dâu lộ thân da trắng nõn nà. Chỉ còn ánh chói lòa đó, một màu trắng của ánh sáng do sự hòa nhập của mọi màu trắng, một đám bụi sao như tuyết rơi trong ánh sáng trắng.
Và Mouret vẫn ngắm nhìn đám đông phụ nữ của anh, giữa cảnh huy hoàng đó. Những bóng đen nổi bật trên những nền vàng bạc. Những dòng xoáy xé ngang đám đông náo nhiệt, cơn sốt của ngày bán lớn diễn ra như một cơn choáng váng, cuộn làn sóng hỗn loạn của những đầu người. Người ta bắt đầu ra về, vải vóc bới tung rải khắp các quầy, tiền loảng xoảng trong những két, trong khi khách hàng bị bóc lột, bị cưỡng bức, nửa phần bị đánh bại, bỏ đi với niềm khoái chí phỉ nguyền và nỗi sỉ nhục âm thầm của một thèm muốn được thỏa mãn trong một khách sạn khả nghi. Chính anh đã chiếm đoạt họ như thế đấy, đã khống chế họ, bằng sự chất đống liên tục những hàng hóa, bằng hạ giá và trả lại hàng, bằng lịch sự và quảng cáo. Anh đã chinh phục các bà mẹ, bản thân họ, anh khống chế họ tàn nhẫn như một kẻ chuyên chế, mà sự tùy thích làm phá sản mọi gia đình. Sự sáng tạo của anh đem lại một tín ngưỡng mới cho những tâm hồn nhàn rỗi, từ nay các nhà thờ, mà niềm tin lung lay làm vắng dần, được thay thế bằng cửa hiệu bách hóa của anh. Người phụ nữ đến cửa hàng anh vào những giờ trống rỗng, những giờ run rẩy và lo sợ mà xưa kia họ quá ở sâu trong những điện thờ: tiêu phí cần thiết nhiệt hứng tâm thần, đấu tranh luôn tái diễn của một đức thánh với đức ông chồng, tôn thờ thể xác luôn luôn đổi mới với nhan sắc thần thánh nơi cõi bên kia. Nếu anh đóng cửa hiệu, sẽ có một cuộc nổi dậy trên đường phố, có tiếng kêu la cuống cuồng của những kẻ sùng tín bị tước mất phòng xưng tội và bàn thờ. Trong cái xa hoa tăng lên từ mười năm nay của họ, anh trông thấy họ mặc dầu đã gần hết giờ, chần chừ nấn ná giữa khung nhà kim loại khổng lồ, dọc các cầu thang treo và những cầu bay. Bà Marty và con gái, bị lôi cuốn đến cực điểm nhởn nhơ trong gian đồ đạc. Bà Bourdelais thì bị đám tí hon của bà giữ lại, không tài nào rời khỏi những đặc phẩm Paris. Rồi đến nhóm bà De Boves vơ vẩn dựa tay vào Vallagnosc, cô Blanche đi theo, họ dừng lại ở mỗi gian hàng, bà ta vẫn dám ngắm nhìn vải vóc với cái vẻ kiêu căng hợm hĩnh của bà. Nhưng, từ đám khách hàng chật ních, từ cái biển những thân hình [14] đầy sinh lực, rạo rực thèm muốn đó, hết thảy đều cài hoa violette, như trong đám cưới dân gian của một bà chúa nào, cuối cùng anh chỉ còn nhận ra nửa mình trần của bà Guibal. Mặc dầu mối hiềm thù ghen tuông của bà, bà ta vẫn mua sắm và anh cảm thấy mình làm chủ một lần cuối cùng, anh giữ họ dưới chân anh, trong ánh đèn điện rực rỡ, như một bầy súc vật để anh rút ra tài sản của anh.
Bước đi như máy, Mouret dọc theo các hành lang, mê mải đến mức buông mình theo sự xô đẩy của đám đông. Khi anh ngẩng đầu lên thì anh đã ở gian hàng thời trang mới, với những tấm gương nhìn ra phố Mười tháng Chạp. Và, ở đó, anh lại dừng chân, trán tì vào kính, anh ngắm nhìn người ra về. Mặt trời lặn nhuốm vàng mái những nhà trắng, bầu trời xanh của ngày đẹp hôm đó nhạt đi, dịu mát vì một làn gió lớn trong trẻo; trong khi đó, ánh chiều tà đã tràn ngập dưới nền đường, những đèn điện của hiệu Hạnh phúc các bà tỏa ánh cố định của những ngôi sao thắp sáng ở chân trời, vào lúc ngày tàn. Hướng về phía Viện ca kịch và phía Sở chứng khoán, ba hàng xe yên lặng, bóng tối bao trùm, yên cương còn giữ những ánh hồi quang rực rỡ, ánh một ngọn đèn xe, tia sáng một hàm thiếc mạ bạc. Mỗi lúc, tiếng gọi của một nhân viên phục vụ bận áo dấu vang lên, và một chiếc xe ngựa tiến bước, một xe song mã hiện ra, đón một bà khách, rồi rời đi vang động nước kiệu. Những hàng xe bây giờ vơi đi, sáu xe cùng lăn bánh song song từ bờ hè này sang bờ kia, giữa những tiếng cửa đập, tiếng roi quất, tiếng người đi bộ lào xào lan tràn giữa những bánh xe. Khách hàng ra về liên tục càng ngày càng đông tỏa ra, cuốn đi khắp bốn ngả đô thành, làm vợi các quầy hàng với tiếng ầm ào sùng sục như nước tháo ra từ một cửa cống. Trong khi đó những xe của hiệu Hạnh phúc, những chữ vàng của các biển hiệu, những lá cờ trương lên cao giữa trời, vẫn rực rỡ trong ánh của đám cháy mặt trời tà, hùng vĩ trong ánh sáng chênh chếch đó, đến mức nó gọi lên hình ảnh con quái vật của những quảng cáo, cái phalanstère [15] mọc nhánh càng ngày càng nhiều, nuốt chửng các khu phố, cho tới những cánh rừng xa của ngoại ô. Và linh hồn Paris lan tỏa, một hơi thở rộng lớn và êm đềm thiếp đi trong tĩnh mịch của chiều hôm, chạy dài và dịu dàng mơn trớn những chiếc xe cuối cùng chạy trên đường phố vợi dần đám đông, dồn vào bóng đen đêm tối.
Mouret, con mắt hút xa, cảm thấy cái gì lớn lao chạy qua bản thân; và, trong cái rợn mình về toàn thắng của xác thịt, trước cảnh Paris bị ngốn nuốt và phụ nữ đi chinh phục, đột nhiên anh cảm thấy một sự mềm yếu, một sự suy sụp của ý chí, đến lượt nó vật ngã anh, dưới một sức mạnh lớn hơn. Đó là một nhu cầu bại trận vô lý, trong cuộc chiến thắng của anh, cái vô nghĩa lý của một quân nhân gục đầu trước sự ỡm ờ của một đứa trẻ, hôm sau những cuộc chinh phục. Bản thân anh giẫy giụa từ bao nhiêu tháng, buổi sáng nay còn thề bóp nghẹt dục vọng, đột nhiên anh nhượng bộ, đâm chóng mắt vì đứng cao, sung sướng được làm cái điệu mà anh cho là ngốc nghếch. Quyết định của anh, quá mau, chỉ trong giây phút trở thành một nghị lực đến mức anh chỉ còn thấy duy nàng là bổ ích và cần thiết trên thế gian này.
Buổi chiều, sau lớp ăn cuối cùng, anh chờ trong phòng làm việc. Run run như chàng trai sắp đánh con bài hạnh phúc của mình, anh không thể ngồi nguyên một chỗ, anh luôn luôn trở ra cửa để lắng nghe tiếng ồn ào của cửa hàng, ở đó những thư ký đang xếp lại hàng, vai ngập trong đám hàng hóa bừa bộn. Mỗi tiếng chân bước, tim anh lại đập. Và anh xúc động, anh lao ra, bởi vì anh nghe thấy ở xa một tiếng xì xào âm thầm, mỗi lúc một lớn lên.
Đó là Lhomme thong thả đi tới, mang nặng số tiền thu nhập. Hôm đó, nó rất nặng vì vô số tiền đồng và tiền bạc trong tiền nhập két, đến mức lão ta phải nhờ hai nhân viên phục vụ đi theo. Đằng sau lão, Joseph và một bạn đồng nghiệp của hắn cong lưng dưới những túi tiền, những túi kếch xù, ném lên lưng họ như túi thạch cao, trong khi lão, đi trước, mang tiền giấy và tiền vàng, một chiếc ví căng ních giấy, hai xà cột khoác vào cổ, chĩu lệch về bên tay phải, phía tay cụt. Và, chầm chậm, vã mồ hôi và thở dốc, từ cuối cửa hàng lão tiến lên, qua đám nhân viên bán hàng mỗi lúc xúc động càng lớn. Bọn bán găng và tơ lụa vừa cười vừa xin giúp để đỡ cho lão, bọn bán dạ và len mong lão trượt chân để tiền vãi ra khắp các gian hàng. Rồi, lão phải leo một cầu thang, qua một cầu bay, lên nữa, vòng quanh giữa những kèo cột, ở đó bọn bán đồ trắng, mũ áo đan, tạp hóa, nhìn theo, há miệng ngẩn ngơ trước cái tài sản du hành trong không đó. Ở gác một, đám hàng may sẵn, hương phẩm, đăng-ten, khăn san, xếp hàng, vẻ sùng bái như có Phúc thần đi qua. Càng đến gần, ầm ĩ càng tăng, trở thành lời reo hò của dân chúng chào đón con bê vàng.
Lúc đó, Mouret đã mở cửa, Lhomme xuất hiện với hai người phục vụ loạng choạng đi theo, và, mặc dù hết hơi, lão còn đủ sức là:
- Một triệu hai trăm bốn mươi bảy phrăng, chín mươi lăm xăng tim.
Cuối cùng, thế là tới con số triệu, triệu bạc trong một ngày, con số mà Mouret mơ ước từ lâu! Nhưng anh làm một cử chỉ giận dữ, anh sốt ruột nói, vẻ thất vọng của một người đang chờ đợi mà bị một kẻ đến không phải quấy rầy:
- Một triệu, thì để nó vào kia.
Lhomme biết rằng anh thích trông thấy đặt trên bàn giấy anh số tiền thu nhập lớn, trước khi cho nó vào quỹ trung tâm. Triệu bạc phủ đầy bàn, đè bẹp giấy má, xuýt làm đổ lọ mực, nào tiền vàng, nào tiền bạc, nào tiền đồng từ những bao tuồn ra, làm nứt những xà cột, chất thành đống lớn, đống tiền thu nhập nguyên vẹn từ tay khách hàng, còn nóng hổi và linh hoạt.
Lúc viên thủ quỹ rút lui, hậm hực vì nỗi dửng dưng của ông chủ thì Bourdoncle vào, hoan hỉ kêu lên:
- Lần này thì ta tóm được nó, há! - Triệu bạc, đạt rồi!
Nhưng anh ta nhận thấy nỗi nóng lòng của Mouret, anh ta hiểu và bình tĩnh lại. Mắt anh ta sáng lên vì một niềm vui. Im lặng một tí, anh ta nói:
- Ông quyết định rồi, phải không? Trời! Tôi tán thành ông.
Đột nhiên, Mouret đứng sững lại trước mặt hắn, và bằng cái giọng ghê gớm của những ngày lên cơn:
- Này, ông ban, ông vui quá đấy... Phải chăng, ông tưởng thế là xong đời tôi, và răng ông mọc ra. Ông coi chừng đấy. Không ai xơi được thằng tôi đâu.
Lúng túng vì sự tấn công tàn nhẫn của con người quỷ quái đó, hắn đoán được hết thảy, Bourdoncle ấp úng:
- Sao thế? Ông đùa đấy à? Tôi là người vẫn rất kính phục ông.
- Ông đừng chối! - Mouret càng nói hăng - Ông hãy nghe, bọn ta thật xuẩn, với điều tin nhảm coi việc hôn nhân sẽ làm cho ta suy sụp. Nó chẳng là sự khang kiện cần thiết, là sức mạnh và trật tự ngay của cuộc sống đó sao!... Thế thì! Thật đấy, ông bạn ạ, tôi sẽ tống hết các ông ra cửa, nếu các ông ngo ngoe. Đúng thế! Ông sẽ được mời ra két như bất cứ ai, ông Bourdoncle ạ!
Bằng một cử chỉ, anh cho hắn rút lui. Bourdoncle cảm thấy bị kết án, bị quét vì cuộc chiến thắng của phụ nữ. Hắn bỏ đi. Vừa lúc đó Denise vào, và hắn khom lưng chào kính cẩn, đầu óc hoang mang.
- Rốt cuộc, cô đã đến! - Mouret dịu dàng nói.
Denise tái mặt vì xúc động. Cô vừa bị một cơn phiền não cuối cùng. Deloche cho cô biết hắn bị đuổi, và, khi cô có giữ hắn lại để xin giúp cho hắn, thì hắn khàng khăng đành chịu rủi, hắn muốn biến đi cho xong; ở lại làm gì? Tại sao hắn cứ quấy rầy những người may mắn! Denise, lấy nước mắt, thân ái chào từ biệt hắn. Chính cô cũng chẳng đang mong sự quên lãng đó ư? Mọi sự sẽ kết thúc, cô chỉ còn mong sức tàn của cô cho cô đủ can đảm lúc chia tay. Vài phút nữa, nếu cô đủ dũng cảm để bóp nghẹt trái tim, cô sẽ có thể ra đi một mình, khóc ở nơi xa.
- Thưa ông, ông muốn gặp tôi - Cô bình tĩnh nói -Vả lại, tôi cũng phải đến để cảm ơn ông vì lòng tốt của ông đối với tôi.
Khi vào, cô đã bắt gặp số bạc triệu trên bàn giấy của anh và sự phô bày tiền bạc đó làm cô mếch lòng. Phía trên cô, như ngắm nhìn cảnh đó, chân dung bà Hédouin, trong khung vàng, vẫn giữ nụ cười vĩnh cửu trên cặp môi son.
- Cô vẫn nhất quyết từ biệt chúng tôi à? - Mouret hỏi, giọng nói run run.
- Vâng, thưa ông, cần phải như thế!
Bây giờ, anh cầm lấy tay cô, anh nói với lòng thắm thiết bừng dậy, sau một thời gian dài anh đã tự cưỡng mình trong thái độ lạnh lùng.
- Thế, nếu tôi lấy em, Denise, em có đi không?
Nhưng nàng đã rụt tay lại, nàng giãy giụa như bị một cơn đau đớn.
- Ôi trời, ông Mouret, tôi van ông, ông đừng nói! Ôi trời, ông đừng làm tôi đau khổ thêm nữa!... Tôi không thể! Tôi không thể!... Có trời làm chứng cho rằng tôi bỏ đi để tránh một nỗi bất hạnh nhường ấy!
Nàng tiếp tục tự bào chữa bằng những lời dứt đoạn. Nàng chẳng đau khổ bao nhiêu vì những lời bàn tán trong cửa hàng đó sao? Thế thì anh muốn mọi người nhìn nàng cũng như bản thân nàng nhìn mình như một kẻ đốn mạt hay sao? Không, không, nàng có đủ sức, để tự ngăn mình làm một điều ngốc nghếch như vậy. Còn anh thì, điếng người, lắng nghe, tha thiết lặp đi lặp lại.
- Tôi mong... Tôi mong...
- Không, không thể được... Thế còn các em tôi? Tôi đã thề không lấy chồng, tôi không thể gán cho ông hai đứa trẻ, phải không?
- Chúng cũng sẽ là em tôi. Denise gật đi.
- Không, không! Trời, ông để yên tôi, ông làm tôi đau khổ.
Dần dần anh nhụt lòng, trở ngại cuối cùng này khiến anh điên lên. Thế sao? Ngay cả đến thế, nàng vẫn từ chối. Ngoài xa, anh nghe tiếng ồn của ba nghìn nhân viên của anh, vọc tay khuấy động cái tài sản kếch xù của anh. Và cái triệu bạc khốn kiếp này nó nằm kia! Anh đau đớn vì nó, như vì một điều mỉa mai, anh những muốn tống nó ra đường.
- Thôi thế cô cứ đi! - Anh la lên, nước mắt ràn rụa - Cô đi mà tìm lại người cô yêu... Đó là lý do chứ gì? Cô đã bảo trước tôi kia mà, đáng lẽ tôi phải hiểu rõ điều đó và đừng làm rầy cô thêm.
Nàng choáng người, trước cơn tuyệt vọng của anh. Trái tim nàng bừng dậy. Lập tức, với sức hăng hái trẻ thơ, nàng lao mình vào ngực anh, cũng vừa nức nở vừa ấp úng:
- Ối chao! Mouret, em chỉ yêu anh!
Một tiếng ồn ào cuối cùng dâng lên từ hiệu Hạnh phúc các bà, tiếng hoan hô xa xa của một đám đông. Chân dung bà Hédouin vẫn mỉm cười, với cặp môi son. Mouret ngả ngồi trên bàn giấy, giữa số bạc triệu mà anh không nhìn thấy nữa. Anh không buông Denise ra, cuống cuồng vừa siết chặt nàng vào ngực, vừa bảo bây giờ nàng có thể đi, nàng ở lại Valognes một tháng, khiến cho mọi người hết chỗ nói, sau đó chính anh sẽ đích thân đến tìm nàng, để dẫn nàng trở lại trong tay anh, quyền uy tột bực.
-----------------------------------------------
[1] Nguyên văn, deux pieds - hai pied (mỗi pied, đơn vị đo lường xưa dài hơn 30 xăng ti mét)
[2] Alpes: dãy núi cao nhất ở Đông nam nước Pháp.
[3] Tournure: Cái độn mông của phụ nữ.
[4] Percale: một loại chúc bâu đẹp.
[5] Madapolam: một thứ vải Ấn Độ.
[6] Nansouk: vải bông thô.
[7] Tarlatane: một thứ vải mỏng.
[8] Cholet: một quận ở nước Pháp.
[9] Sicilienne: lụa Sicile (một bán đảo miền nam nước Ý).
[10] Capote: áo tơi có mũ trùm đầu.
[11] Bruxelles: thủ đô nước Bỉ.
[12] Venise, ở Ý. Alençon, ở Pháp. Bruges, ở Bỉ.
[13] Junon nữ thần, vợ của Jupiter đứng đầu các thần trong thần thoại La Mã.
[14] Nguyên văn corsage: nửa thân phía trên của phụ nữ (từ cổ đến hông).
[15] Phalanstère: tập đoàn sản xuất theo chủ nghĩa xã hội không tưởng của Fourier.
HẾT
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà