Diễm Phượng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Giấc Mơ Của Bé Phượng
HA! Ba mang về nhà một chiếc bíp bự dữ, cỡ gỏ lên đầu anh Dũng một cái, đầu anh Dũng sẽ phải u một cục bằng trái cam.
Ba cứ trầm trồ chiếc bíp trong khi má trề môi mà rằng:
"Chỉ tổ ung khói cho cay mắt cả nhà".
Tuy nói thế chớ má phải nhìn nhận rằng chiếc bíp nầy đẹp.
Còn Dũng và Phượng thì chỉ lo rình để giành cái hộp.
Theo hiệp ước thì Dũng được hưởng những gì mà ba bỏ ra, chẳng hạn như hộp thuốc rời Prince Albert, hộp thuốc điếu 555, hộp đựng cà vạt, hộp xi gà v.v... còn Phượng thì trọn quyền về những món bị má bỏ lạc son, chẳng hạn như lọ nước hoa mà đã hết nước hoa rồi, chẳng hạn như hộp phấn, như hộp kẹo v.v...
Nhưng hôm nay con Phượng ăn gian, quyết xé hiệp ước đó, nhìn cái hộp đựng bíp bằng đôi mắt thèm thuồng nên Dũng phải sẵn sàng để tự vệ.
Ô, cái hộp mới đẹp làm sao chớ! Phượng sờ tay vào đó, búng thử thì nghe biết rằng cái hộp ấy làm bằng giấy cứng. Vậy mà trông cứ giống như là bằng gỗ, một thứ gỗ màu ngà có vân màu cánh dán, xinh đẹp không thể tả.
Ba đứng lên đi thay áo. Tức thì chiến tranh diễn ra, Phượng yếu hơn anh nên dùng thứ khí giới ghê gớm là dẫy và khóc la, ba phải bỏ việc thay áo, má bỏ nấu nướng để lên họp "Liên hiệp quốc" bàn xử hai nước ương ngạnh nầy.
Phượng có lỗi rõ rệt, đáng lý thì phải đầu hàng ngay, nhưng ba muốn giải thích cho Phượng hiểu bổn phận hơn là bắt ép Phượng tuân lịnh, nên hỏi:
- Phượng, con quên lời giao kết rồi hả?
Phượng tấm tức tấm tưởi đáp:
- Con nhớ chớ ba! Mà con xin anh Dũng nhường con một lần.
- Có xin thật à?
- Dạ, có thật.
- Con xin để làm gì?
- Dạ, bí mật!
Ba, Má và cả anh Dũng nữa, đều cười ngất. Bé Phượng mới học lớp năm trường Phan Văn Trị, đã biết gì mà bí với lại mật.
Ba, má thấy hay hay nên khuyên anh Dũng.
- Thôi Dũng, con nên nhường cho em lần nầy.
Dũng cũng buồn cười cho Phượng, nên vui lòng làm cái cử chỉ đẹp đó.
Phượng cười với đôi mắt ráo hoảnh, rồi vừa ôm hộp vào lòng, vừa nói:"Cám ơn ba, cám ơn má, cám ơn anh Dũng".
Đêm ấy bé Phượng cất hộp dưới gối mà ngủ, và sáng ra thì ba, má quên mất việc ấy luôn cho đến tối hôm sau, cơm nước xong rồi, cả nhà tụ họp lại, ba lấy bíp ra hút thuốc, má mới sực nhớ đến cái hộp và hỏi:
- À Phượng à, con làm gì với cái hộp?
Phượng lấm la lấm lét nhìn ba rồi làm thinh.
- Kìa, sao má hỏi, con không trả lời?
- Dạ, con nuôi con chim Phượng trong đó.
Ba vẫn nghe được câu đáp rất khẽ mà Phượng đã hạ giọng thật thấp để chỉ riêng một mình má nghe thôi.
- Sao con lại nuôi con chim Phượng? Ba hỏi.
Phượng hoảng lắm. Nó rất sợ ma nên thường bị ba mắng là không ngoan, là hay tin nhảm chuyện hoang đường. Con chim Phượng đâu bao giờ có, chắc ba sẽ mắng nó nữa. Nhưng không thể không trả lời, nó mếu máo đáp:
- Dạ, vì con thương con chim Phượng: Phượng là tên của con.
Ba cười ồ rồi hỏi:
- Ai bảo con rằng tên của con có nghĩa là con chim Phượng?
- Má bảo.
Ông Thành thấy vợ lầm, nhưng không đính chánh, không phải sợ vợ mất uy tín trước mặt con, mà sợ Phượng mất ảo tưởng của nó. Ông muốn giải thích:"Không, tên con là một thứ hoa. Con chim Phượng là tên của con trai, con gái phải tên Hoàng, tức là con chim Phượng mái". Nhưng ông giữ miệng kịp.
Phượng sung sướng quá: Ba không mắng nó.
Đêm sau, giữa bữa ăn tối, ba hỏi:
- Con chim Phượng được bao lớn rồi đó a Phượng?
- Dạ, nó vừa mọc cánh.
- Cho nó ăn gì?
- Dạ, nó là chim tiên nên không cần ăn gì hết.
Ba, má nhìn nhau mà cười.
Đêm sau nữa, trước bữa ăn, ba lại hỏi:
- Cánh Phượng có đẹp không con, Phượng?
- Dạ, đẹp.
- Nhưng hộp nhỏ quá, nó đâu có xòe cánh ra được.
- Ừ, tội nghiệp nó quá, để Phượng cho nó bay ngoài vườn cho nó thong thả.
Đêm thứ tư, suốt bữa ăn, Phượng không hề mở miệng nói một lời. Má hỏi:
- Phượng ơi, sao bữa nay con buồn hiu vậy?
Phượng nấc lên rồi khóc mùi. Lâu lắm nó mới nghẹn ngào đáp:
- Chim Phượng bay mất rồi má à.
Ba mĩm cười, còn má kinh sợ đến buông đũa. Ba hỏi:
- Nó bay đi lúc nào?
- Dạ, lúc con thả nó ngoài vườn, kẻo nó tù túng ở trong hộp.
- Phượng có giận nó lắm không?
- Dạ, ơ...hơ... có, mà con vừa hết giận giờ đây. Nó phải được thong thả chớ, phải không ba?
- Ngoan lắm. Thế Phượng có lo nó đói lạnh không?
- Dạ không. Nó về cảnh tiên chắc phải sung sướng.
Trên giường, lúc sắp sửa ngủ, má trách ba:
- Anh hay mắng em là chỉ dạy con tin nhảm. Sao nay anh lại nuôi nấng ảo mộng của con Phượng?
- Em lầm. Chuyện con chim Phượng không phải là tin nhảm. Đó là giấc mơ trẻ thơ. Không một người lớn nào làm nên sự nghiệp gì đáng kể, nếu thuở bé họ không mơ những giấc mơ kỳ thú như Phượng, họ không nuôi nấng những ảo ảnh huyền hoặc nào.
(Đuốc Thiêng, 1962)
Dựa theo ý của một bài báo bên Pháp
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng