Chương 15 : Vua Nói
rong bản tin sáng 15 tháng Tám của đài phát thanh, chính phủ Nhật loan báo: vào trưa hôm nay vua Hirohito sẽ nói chuyện với đồng bào toàn quốc qua làn sóng điện. Đây là một việc trái hẳn với truyền thống và chưa hề xẩy ra trên đất Nhật.
Khi mặt trời gần tới đỉnh đầu, tại trường học, xưởng máy, xí nghiệp, tư gia, căn cứ quân sự, người ta tụ tập nhau quanh máy phát thanh. Gần như hầu hết không ai đoán được nhà vua sẽ nói gì với họ.
Tại phi trường Oppama Tây Nam Đông Kinh, binh sĩ không quân đứng xếp hàng trên phi đạo. Trong số này có Sakai là phi công số một của Nhật đã từng làm mưa làm gió ở vùng trời Nam Thái Binh Dương. Họ đứng chờ nghe vua nói, mắt nhìn đống lửa thiêu đốt những giấy tờ quan trọng mà họ không muốn để lọt vào tay địch.
Tại phi trường Oita, Đô đốc Ugaki đang có mặt trong hầm. Suốt buổi sáng các sĩ quan trực thuộc tìm đủ mọi lẽ để thuyết phục ông hủy bỏ ý định thực hiện một phi vụ quyết tử cuối cùng. Là Tổng Tư lệnh hạm đội, và Tư lệnh lực lượng Thần Phong ở Kyuushu, Đô đốc Ugaki nói: «Đây là trường hợp cuối cùng để tôi có thể chết với cái chết của một quân nhân. Các anh đừng ai ngăn tôi nữa». Sắp đến giờ ông vặn nghe đài phát thanh.
Thiếu một phút đầy 12 giờ trưa, bản quốc ca Nhật Kamigayo chấm dứt. Xướng ngôn viên đài phát thanh yêu cầu thính giả chờ nghe nhà vua lên tiếng. Mọi sự giao thông đều ngừng hẳn lại. Nhiều người cúi đầu để bộc lộ lòng kính cẩn. Hirohito lên tiếng: «Cùng toàn thể thần dân trung nghĩa! Sau khi suy nghĩ kỹ càng về trào lưu chung của thế giới và về những điều kiện đế quốc của chúng ta, trẫm quyết định giàn xếp tình hình hiện tại bằng một biện pháp bất thường».
Giọng nói của nhà vua hơi cao và yếu ớt, có vẻ như run run vì xúc động. «Trẫm hạ lệnh cho Chính phủ thông báo cho các Chính phủ Hoa Kỳ, Anh, Trung Hoa và Nga Sô được biết đế quốc của chúng ta chấp nhận những điều khoản ghi trong bản tuyên ngôn chung của họ».
Ngôn ngữ triều đình Nhật gồm nhiều tiếng cổ, hơi lạ tai đối với nhiều thính giả. Họ nghe tiếp để được hiểu rõ thêm:
«... Quả thật chúng ta đã tuyên chiến với Hoa Kỳ và Anh là vì thành thực muốn bảo đảm sự sinh tồn của Nhật và tình trạng ổn định ở Đông Nam Á. Chúng ta không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của các dân tộc khác hay bành trướng lãnh thổ của chúng ta.
«….Chiến tranh cho đến nay kéo dài đã bốn năm. Mặc dù các chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, các viên chức đã làm việc mẫn cán, cả trăm triệu thần dân tận tụy phục vụ, tình hình chiến tranh diễn biến không có lợi cho Nhật Bản...
«…Hơn nữa địch đã bẳt đầu sử dụng một thứ vũ khí mới vô cùng ác độc... Nếu chúng ta tiếp tục chiến tranh, không những dân tộc ta bị nguy cơ tiêu diệt mà cả nền văn minh loài người cũng bị lâm nguy... Đó là lý do khiến trẫm hạ lệnh chấp thuận những điều khoản trong bản tuyên ngôn chung của các đại cường...»
Những ai thấy, khó hiểu ở đoạn đầu, thì đến đây đã được hiểu rõ. Chung quanh máy phát thanh người ta bật tiếng khóc nức nở, và càng hết tinh thần để nghe tiếp: «...Từ nay trở đi chắc chắn dân tộc ta phải chịu đựng nhiều sự khó khăn vất vả... Tuy nhiên vì thời thế và định mạng, chúng ta phải xây đắp con đường dẫn tới thái bình cho những thế hệ mai sau. Bây giờ đây chúng ta phải chịu đựng những gì không thể chịu đựng được...
Cuối cùng ông hô hào:«... Hãy đoàn kết lại để xây dựng tương lai... Hãy nỗ lực làm việc để duy trì vinh quang cố hữu của dân tộc Nhật và để theo kịp sự tiến bộ của thế giới».
Tiếng nói của nhà vua dừng lại.
Đây là lần đầu tiên trong hai mưoi sáu thế kỷ lịch sử, Nhật Bản phải cúi đầu trước dân tộc chiến thắng. Phản ứng đối với tin này tùy theo mỗi giới, mỗi tầng lớp xã hội. Có nhiều người nghĩ việc này không thể có thật và họ bàn tán với nhau về những ý nghĩa thầm kín khác của nhà vua. Đại đa số biểu lộ sự hãi hùng lo âu cho những ngày mai đầy bất trắc.
Tại phi trường Oppama binh sĩ không quân giải tán sau khi nghe hết lời nhà vua, mặt người nào cũng đẫm lệ vì uất hận, nhục nhã.
Thường dân Nhật trở lại công việc hàng ngày, đầu óc mường tượng đến cái lúc địch quân kéo vào chiếm đóng đất nước của họ. Trong khi đó lính tráng say mèm đi hò hét nhất định sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng.
Vào lúc xế bóng, hàng ngàn người tụ tập trước hoàng cung để bầy tỏ lòng trung nghĩa với Nhật Hoàng. Lòng đầy buồn khổ họ cầu nguyện cho đất nước. Thỉnh thoảng tiếng súng nổi lên, đó là những sĩ quan tự sát ngoài đường. Nhìn những thân hình gục ngã không ai buồn kêu la, không ai buồn chạy, vì nhiều người cảm thấy cái chết đang gậm nhấm cõi lòng.
Ngay sau khi Nhật Hoàng dứt tiếng trên đài phát thanh, toàn thể Nội các Suzuki từ chức. Viên Đô đốc già đã làm xong cái việc mà ông được chỉ định để làm. Cái việc đó là việc khó khăn nhất đối với một người Nhật, và cũng vì thế mà ông đã cứu được đồng bào ông khỏi nạn hủy diệt. Trong khi thi hành bổn phận ông xuýt mất mạng vì bọn quân nhân cuồng tín. Trong nhiều tháng sau này, ông vẫn còn phải lẩn trốn, nay nơi này mai nơi khác, để tránh bàn tay của bọn họ. Ông chỉ dám trở về nhà sau khi quân lực Hoa Kỳ đã đóng vững chãi trên đất Nhật.
Thủ tướng mới là Hoàng thân Kuni, một người trong hoàng tộc và là chú của vua Hirohito. Thuở thiếu thời tác phong sinh hoạt của Kuni đã gây nhiều tai tiếng cho triều đình. Mắc tiếng kiêu hãnh, nhưng nhiều người cho rằng thực sự ông không có khả năng gì đặc biệt. Với tư cách là người trong Hoàng tộc, vào tháng Tám 1945 này, ông đóng một vai trò quan trọng. Đó là duy trì trật tự trong nước trong những ngày chuyển tiếp.
Mấy năm trước đây với tư cách là một tướng lãnh trong quân đội, Kuni kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh với Anh Mỹ. Khi cả dân tộc bị cuốn hút vào một cuộc chiến tranh toàn diện, ông sống ẩn dật với niềm tin: trước sau gì, Nhật cũng bại trận. Bây giờ đây ông lại ra ánh sáng, ngồi vào ghế của Suzuki để đem lại bình tĩnh cho một xã hội rối loạn.
Tại Fukuoka, nơi diễn ra cảnh tàn sát tù binh Hoa Kỳ bốn ngày trước đây, một số sĩ quan thuộc Quân đoàn miền Tây sau khi nghe thấy thông điệp của nhà vua liền có một chương trình cho buổi chiều.
Một cuộc họp liền triệu tập và đi đến quyết nghị chung như sau: «Một vụ tử hình được tổ chức dành cho phi công địch. Chúng bị tử hình vì đã phạm tội dội bom bừa bãi... ». Viên sĩ quan đọc quyết nghị đó nói thêm: «Vụ xử tử này sẽ được giữ bí mật.»
Trong khi những đám đông vui mừng hò reo trên những đường phố ở Nữu Ước, Cựu Kim Sơn v.v... thì 16 phi công Hoa Kỳ bị hạ sát một cách hết sức tàn bạo. Xác của họ bị hắt xuống hố sâu trong cánh rừng Aburayame, và những người giết họ trở về trại để thủ tiêu tất cả những vết tích của các nạn nhân.
Tại phi trường Oita, cuộc xuất kích cuối cùng của phi công quyết tử Thần Phong sắp khởi sự. Lúc đó vào 5 giờ chiều. Đô đốc Ugaki đã nghe kỹ thông điệp đầu hàng của nhà vua Hirohito. Trong cuộc tiễn biệt ngắn ngủi với rượu Saké cồ truyền, ông ngỏ lời vĩnh quyết những sĩ quan từ bao năm phục vụ dưới quyền chỉ huy của ông. Ông sẵn sàng lên đường quyết tử và bây giờ ông cởi bỏ hết phù hiệu, cấp hiệu, huy chương. Ông rời bộ chỉ huy và tiến về phía phi đạo.
Thiếu tá Miyagaki hết dám khuyên giải ông, và bây giờ chạy theo ông xin được cùng đi trong phi vụ quyết tử cuối cùng của chiến tranh Thái Bình Dương. Ugaki quát: «Mi còn nhiều việc phải làm ở đây. Mi phải ở lại! » Mặc cho Miyazaki đứng khóc nức nở, Đô đốc Ugaki lừng lững đi trên phi dạo.
Khi tới chỗ phi cơ đậu, ông bàng hoàng thấy mười một phi công đứng xếp hàng để sẵn sàng lên máy bay. Đề đốc Yokoi, Tham mưu trưởng của Đô đốc Ugaki hỏi viên sĩ quan cầm đầu nhóm phi công này: phải chăng tất cả đều muốn theo Ugaki đi Okinawa. Họ trả lời: đó là nguyện vọng cuối cùng của họ.
Đô đốc Ugaki ứa nước mắt hỏi: «Bọn mi muốn theo ta chết hay sao? » Hai mươi hai cánh tay vung lên hoan hô. Mặt Ugaki biểu lộ sự xúc động đến cực độ. Ông chậm chạp tiến về phía chiếc phi cơ dẫn đầu và ra hiệu lên đường. Phi cơ nổ máy rầm rầm, và khi chiếc phi cơ dẫn đầu đó tiến ra phi đạo, Endo mà chỗ ngồi đã bị Ugaki chiếm mất, leo qua cánh để ngồi vào phía sau viên Đô đốc. Họ nhìn nhau mỉm cười, trong khi phi cơ từ từ chuyển động. Rồi từng chiếc một, toàn thề mười một chiếc máy bay vọt lên vòm trời buổi xế chiều để trả lại sự yên tĩnh cho căn cứ Oita. Rồi ở đây người ta bắt đầu chờ đợi.
Từ Oita bay đi Okinawa chỉ mất trên hai giờ. Vào lúc 7 giờ 20 phút, đài kiểm soát ở Oita nhận được những lời tuyệt mệnh của Ugaki:
«Chỉ có mình tôi phạm tội không tiêu diệt nổi kẻ thù hỗn xược, không bảo vệ được Tổ quốc. Sức chiến đấu dũng cảm của anh em binh sĩ dưới quyền chỉ huy của tôi trong sáu tháng qua, rất đáng để được tuyên dương...»
Lời nói của Ugaki nghe không rõ, và những lời nghe rõ cuối cùng cho hay toàn thể phi đội đang lao mình xuống phía dưới.
Đô đốc Ugaki và đội phi cơ quyết tử cuối cùng không ai được thấy. Nội trong ngày đó toan thể hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương không có nơi nào ghi nhận sự xuất hiện của phi công quyết tử Nhật. Phi đội của Ugaki đi đâu? Không ai được biết. Đô đốc Ugaki chỉ để lại những lời cuối cùng và một sự bí mật cho đến tận ngày nay.
Vào buổi chiều, khi thi hài Tướng Anami được di chuyển từ tư dinh đến Bộ Chiến tranh trên đồi Ichigaya. Tại đây ông được đặt với đầy đủ nghi lễ, giữa thi hài Đại tá Hatanaka và Trung tá Shizaki mà người ta mới phát hiện và đưa về đây. Dòng người đến phúng điếu ba quân nhân nạn nhân của cuộc đầu hàng mỗi lúc một thêm đông.
Vào lúc tối, lễ hỏa táng Tướng Anami được cử hành. Khi một Đại tá châm mồi lửa, toàn thể quân nhân có mặt đều giơ tay chào lần cuối cùng. Bà quả phụ Anami và đứa con năm tuổi đứng cúi đầu bên ngọn lửa mỗi lúc một cháy lớn.
Hơn tiếng đồng hồ sau khi bà Anami và đứa con rời khỏi giàn hỏa thì các quân nhân dự lễ hỏa táng cũng đi theo. Bây giờ những người này phải trở về bộ Chiến tranh để làm cái nhiệm vụ khó khăn nhất trong cuộc đời họ: là tháo gỡ guồng máy chiến tranh của Tướng Anami.
Mấy tiếng đồng hồ sau bài diễn văn của vua Hirohito, Hoa Kỳ liên lạc ngay với Đông Kinh. Kể từ ngày 7 tháng Chạp 1941, đây là lần đầu tiên quân lực Hoa Kỳ nói với Chính phủ Nhật Bản bằng ngôn ngữ bình thường. Điện văn của Hoa Kỳ như sau:
Người gửi: Tư lệnh tối cao quân lực Đồng Minh.
Người nhận: Nhật Hoàng.
Chính phủ Hoàng gia Nhật.
Bộ Tổng tư lệnh Hoàng gia Nhật.
«Tôi được chỉ định Tư lệnh tối cao quân lực Đồng Minh (Hoa Kỳ, Trung Hoa, Anh và Nga Sô) và được quyền cùng với nhà đương cuộc Nhật trực tiếp dàn xếp nhằm thực hiện ngưng chiến trong thời hạn sớm nhất.
Yêu cầu dành một đài phát thanh ở khu vực Đông Kinh để chính thức dùng vào việc liên lạc thường trực giữa Bộ Tư lệnh tối cao Đồng Minh và Bộ Tổng Tư lệnh Nhật. Điện văn trả lời của Nhật cho điện văn này phải cho biết rõ đài hiệu, tần số và vị trí của đài phát thanh ở Đông Kinh. Yêu cầu dùng Anh ngữ trong mọi liên lạc vô tuyến với Bộ Tư lệnh tối cao Đồng Minh đặt tại Manila. Trong sự chờ đợi thi hành yêu cầu này, đài JNP, một ba bẩy bốn không, sẽ được dùng vào việc liên lạc này.
Nhận được trả lời. »
Mac Arthur
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết