Chương 14
hi tôi bước qua cửa sau vào căn nhà trang trại thì mặt trăng đang tròn đầy, và đó là một đêm hè tuyệt hảo. Khi tôi đi cùng Lettie Hempstock và mẹ cô bé qua cửa trước ra khỏi nhà thì mặt trăng lại là nụ cười cong cong trắng ngần, cao tít trên một đám mây âm u, màn đêm có những làn gió xuân nhẹ bất ngờ, do dự thổi từ hướng này rồi lại từ hướng khác đến; chốc chốc, luồng gió lại mang theo một cơn mưa bụi lất phất chứ không bao giờ nặng hạt hơn.
Chúng tôi băng qua sân trang trại nồng mùi phân bón rồi đi về đầu đường làng. Chúng tôi đi ngang một khúc quanh trên đường và dừng lại. Dù trời hãy còn tối nhưng tôi vẫn biết chính xác chúng tôi đang ở đâu. Đây là nơi mọi chuyện bắt đầu. Đó là góc đường mà ông thợ mỏ đá mắt mèo đỗ chiếc Mini trắng của nhà chúng tôi lại, là nơi người đàn ông với bộ mặt có màu nước ép lựu phải chết khổ sở một mình vì số tiền đã mất, trên rìa đất nhà Hempstock, nơi những rào chắn ngăn cách sự sống với cái chết thật mong manh.
Tôi nói, “Con nghĩ ta nên đánh thức bà Hempstock dậy.”
“Mọi chuyện không diễn ra như thế được đâu,” Lettie nói. “Khi thấm mệt, bà sẽ ngủ cho đến chừng nào bà tự dậy. Dăm ba phút hay cả trăm năm. Không có chuyện đánh thức bà đâu. Thà thử đánh thức bom nguyên tử còn hơn.”
Bác Ginnie Hempstock đứng chôn chân giữa đường làng, xoay mặt khỏi hướng nhà trang trại.
“Được!” bác quát vào màn đêm. “Bọn bây ở đâu ra đây xem nào.”
Không có gì xảy ra. Một luồng gió ướt giật từng cơn rồi tan.
Lettie nói, “Có lẽ chúng đã về nhà cả rồi chăng...?”
“Chúng về rồi thì tốt,” bác Ginnie nói. “Mấy thứ ba hoa nhảm nhí này.”
Tôi cảm thấy có lỗi. Tôi biết đó là lỗi của mình. Nếu tôi cứ nắm tay Tettie thì đã không có chuyện gì xảy ra. Ursula Monkton, lũ chim đói, những thứ này rõ ràng là trách nhiệm của tôi. Thậm chí cả chuyện xảy ra - cũng có thể bây giờ đã không còn xảy ra nữa - trong bồn tắm lạnh lẽo đêm trước nữa.
Tôi có một ý nghĩ.
“Chị không cắt nó ra được sao? Cái thứ trong tim em mà chúng muốn ấy? Chắc là chị biết cách cắt nó ra như bà đã cắt các thứ đêm qua chứ?”
Lettie siết tay tôi trong bóng tối.
“Có lẽ bà thì làm vậy được, nếu bà ở đây,” cô bé nói. “Chị thì không. Chị cũng không nghĩ mẹ làm được. Việc đó khó lắm, để lấy các thứ ra khỏi thời gian: ta phải làm sao cho chắc mọi mép đều thẳng hàng lại, và ngay cả bà không phải lúc nào cũng làm đúng. Mà chuyện này còn khó hơn vậy nữa. Nó là thứ có thật. Chị không nghĩ là bà có thể lấy tim em ra mà không làm nó bị thương. Mà em thì cần có trái tim.” Rồi cô bé nói, “Chúng tới kìa.”
Nhưng tôi biết đang có điều gì đó xảy ra, biết còn trước cả khi cô bé nói gì. Đây là lần thứ hai tôi thấy mặt đất bỗng vàng rực lên; tôi nhìn cây cỏ, bờ giậu, mấy khóm dương liễu và những bông hoa thủy tiên vàng lẻ loi còn lại bắt đầu tỏa một ánh sáng lờ mờ, lóng lánh. Tôi nhìn quanh, phần sợ hãi, phần ngạc nhiên, và thấy rằng ánh sáng rực rỡ nhất đến từ đằng sau nhà và ở hướng Tây, nơi có cái ao.
Tôi nghe thấy tiếng những đôi cánh mạnh mẽ đập, rồi một chuỗi tiếng thùm thụp ì ầm. Tôi quay lại thì thấy chúng: bầy kền kền của hư vô, loài ăn xác thối, lũ chim đói.
Ở đây thì chúng không còn là những bóng đen nữa. Chúng vô cùng thật và đang hạ xuống trong bóng đêm, ngay bên kia quầng sáng vàng rực từ mặt đất. Chúng đậu giữa không trung và trên cây rồi nhích dần, nhích dần về phía trước, cố tới thật gần mặt đất vàng rực ở trang trại nhà Hempstock. Chúng to lớn cực kỳ - mỗi con còn to hơn cả tôi.
Dù vậy, nếu phải mô tả mặt chúng thì tôi sẽ thấy lúng túng. Tôi có thể thấy được chúng, nhìn chúng, quan sát từng đường nét, nhưng tôi vừa quay đi thì chúng đã mất tăm, và trong tâm trí tôi, nơi đã từng có lũ chim đói, giờ chỉ còn lại những cái mỏ để xé xác, móng vuốt, xúc tu ngọ nguậy cùng phần hàm dưới cứng cáp và lông lá. Tôi không lưu giữ được hình ảnh bộ mặt thật của chúng trong đầu. Khi tôi quay đi, ký ức duy nhất về chúng mà tôi còn giữ lại được là chúng đã nhìn chòng chọc vào tôi và chúng đang đói rã họng.
“Được rồi, những con thú đẹp đẽ và kiêu hãnh của ta,” bác Ginnie Hempstock nói to lên. Hai tay bác chống bên hông chiếc áo choàng nâu. “Bọn bây không được ở lại đây. Bọn bây biết vậy mà. Đến lúc đi tiếp rồi.” Rồi bác chỉ nói, “Biến đi.”
Lũ chim đói nhiều vô số kể ấy động đậy và bắt đầu phát ra tiếng động, nhưng chúng không di chuyển. Tôi tưởng chúng đang nhỏ to với nhau cho đến khi tôi nhận ra tiếng ồn chúng tạo nên là tiếng cười khúc khích khoái trá.
Giọng chúng rõ ràng nhưng xoắn xít vào nhau nên tôi không biết con nào đang nói.
- Bọn ta là chim đói. Bọn ta đã ngấu nghiến cung điện, các thế giới, vua chúa rồi cả những tinh cầu. Bọn ta muốn ở lại bất cứ đâu cũng được.
- Bọn ta thực hiện chức năng của mình.
- Bọn ta là cần thiết.
Rồi chúng cười to đến mức nghe như có đoàn tàu đang tới gần. Tôi nắm chặt tay Lettie và cô bé siết chặt tay tôi.
- Đưa thằng bé đây cho bọn ta.
Bác Ginnie nói, “Bọn bây chỉ phí thời gian thôi, còn làm mất thời gian của ta nữa. Về nhà đi.”
- Bọn ta được gọi đến đây. Bọn ta không cần phải đi cho đến chừng nào làm xong việc đã kéo bọn ta đến đây. Bọn ta trả mọi thứ về đúng chỗ như chúng vốn phải vậy. Bà muốn tước đi chức năng của bọn ta sao?
“Tất nhiên là ta sẽ làm vậy,” bác Ginnie nói. “Bọn bây đã có bữa ăn tối rồi. Giờ bọn bây chỉ biến mình thành thứ phiền toái thôi. Hãy đi đi. Lũ sâu mọt hấp háy. Ta coi số phận của bọn bây còn không đáng một xu nữa là. Về nhà đi!” rồi bác phẩy tay làm cử chỉ xua đi.
Một con trong bọn buột ra một tiếng ré dài, than vãn, đầy thèm khát và thất vọng.
Lettie nắm tay tôi cương quyết. Cô bé nói, “Cậu bé được chúng ta che chở. Cậu bé ở trên đất của chúng ta. Và bọn bây mà bước một bước vào đất chúng ta thì bọn bây tàn đời. Vậy nên hãy đi đi.”
Bầy thú như bu lại gần hơn nữa. Đêm Sussex im ắng: chỉ có lá cây xạc xào trong gió, chỉ có tiếng cú kêu xa xa, chỉ có tiếng gió nhẹ vi vu thổi qua; nhưng trong cảnh tĩnh mịch đó, tôi còn nghe được lũ chim đói họp bàn, cân nhắc các lựa chọn, trù đường tính lối. Và trong cảnh vắng lặng đó, tôi cảm thấy mắt chúng đổ dồn vào mình.
Trên một ngọn cây, có thứ gì đó vỗ đôi cánh khổng lồ và kêu ré lên, một tiếng quàng quạc vừa đắc thắng vừa khoái trá, một tiếng kêu quả quyết vì đói khát và mừng vui. Tôi cảm thấy có gì đó trong ngực mình phản ứng lại với tiếng thét, như thể có những mảnh vụn đá cực kỳ li ti trong tim tôi vậy.
- Bọn ta không thể bước qua ranh giới. Điều này đúng. Bọn ta không thể đem đứa nhỏ đi khỏi đất của các người. Điều này cũng đúng. Bọn ta không thể làm phương hại đến trang trại của các người hay sinh vật của các người...
“Đúng đấy. Bọn bây không thể. Vậy nên cút đi! Về nhà đi. Chẳng phải bọn bây còn phải quay về một cuộc chiến tranh hay sao?”
- Bọn ta không thể làm hại thế giới của các người, đúng.
- Nhưng bọn ta có thể gây hại cho cái này.
Một con chim đói chọc cái mỏ nhọn hoắt xuống nền đất dưới chân rồi bắt đầu mổ - không phải như một sinh vật ăn đất và cỏ mà như thể nó đang ấn một tấm màn hay một mẩu phông cảnh vẽ thế giới. Nơi nó ngấu nghiến cỏ thì không còn lại gì - một mảng rỗng không hoàn toàn, chỉ có một màu làm tôi nhớ đến màu xám, nhưng đó là một màu xám không hình thù, nhấp nháy như sọc màu chạy trên màn hình tivi khi ta dời chỗ dây ăng ten khiến hình ảnh mất tiêu.
Đây là khoảng không. Không phải bóng tối, không phải hư vô. Đây là cái nằm bên dưới tấm mạng thưa thực tại.
Và thế là lũ chim đói bắt đầu đập phành phạch và kéo đàn kéo lũ đến.
Chúng đậu trên một cây sồi to rồi mổ rỉa, nhai nuốt, và nhoáng một cái, cái cây đã biến mất cùng với mọi thứ đã từng có đằng sau nó.
Một con cáo lẻn ra khỏi bờ giậu rồi rón rén đi dọc đường làng, mắt cùng mặt và đuôi nó vàng ruộm trong ánh đèn trang trại. Nó băng qua chưa được nửa đường thì đã bị xé toạc khỏi thế giới, và đằng sau nó chỉ còn là khoảng không.
Lettie nói, “Như thằng bé đã nói. Ta phải đánh thức bà dậy thôi.”
“Bà không thích vậy đâu,” bác Ginnie nói. “Thà thử đánh thức...”
“Chẳng sao cả. Nếu ta không đánh thức bà dậy thì chúng sẽ hủy diệt toàn thể vũ trụ này.”
Bác Ginnie chỉ nói, “Ta không biết làm thế nào để đánh thức bà dậy.”
Một đám chim đói bay lên một mảng trời đêm có những vì sao ló dạng qua kẽ hở trong mây, rỉa một chòm sao có hình con diều mà tôi chưa bao giờ gọi tên được, rồi chúng cào cấu, xâu xé, nhồm nhoàm và nhai nuốt. Trong vài nhịp tim, nơi đã từng có chòm sao và bầu trời giờ chỉ còn là một khoảng hư vô thoi thóp làm mắt tôi nhức nhối nếu nhìn thẳng vào.
Tôi là một đứa trẻ bình thường. Nghĩa là, tôi ích kỷ và không tin chắc cho lắm sự tồn tại của những thứ không phải là mình, và tôi tin chắc, chắc chắn như bàn thạch không thể nào lay chuyển được, rằng tôi là thứ quan trọng nhất trong hoàn vũ. Với tôi thì không có gì quan trọng hơn chính mình.
Dù là vậy, tôi hiểu cái mình đang nhìn thấy. Lũ chim đói sẽ - không phải, đang - xé sạch thế giới, xé tan nó thành hư không. Chẳng mấy chốc sẽ không còn thế giới nữa. Mẹ tôi, bố tôi, em tôi, căn nhà của tôi, bạn học của tôi, thị trấn của tôi, ông bà tôi, Luân Đôn, Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nước Pháp, truyền hình, sách, Ai Cập cổ đại - vì tôi mà tất cả những thứ này sẽ biến mất, và thay vào đó sẽ là hư không.
Tôi không muốn chết. Hơn thế nữa, tôi không muốn chết như cách Ursula Monkton đã chết, bên dưới móng vuốt và mấy cái mỏ xé xác của những thứ thậm chí còn không có mặt mũi chân tay.
Tôi không muốn chết chút nào. Hãy hiểu điều đó.
Nhưng tôi không thể để mặc mọi thứ bị phá hủy khi tôi nắm trong tay khả năng ngăn chặn thảm họa ấy.
Tôi buông tay Lettie Hempstock ra rồi cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh vì biết rằng nếu chần chừ, hay ngay cả chạy chậm lại, thì tôi sẽ đổi ý, mà chuyện đó sẽ là điều tệ hại, và điều đó sẽ cứu mạng tôi.
Tôi đã chạy được bao xa? Tôi cho là không xa lắm, như chuyện vẫn thường xảy ra như vậy.
Lettie Hempstock đang gào lên kêu tôi dừng lại, nhưng tôi vẫn chạy băng qua vùng đất trang trại, băng qua từng cọng cỏ, từng viên cuội trên đường làng, từng cây dương liễu và hàng rào cây phỉ lấp lánh vàng, tôi chạy về phía bóng tối bên ngoài vùng đất nhà Hempstock. Tôi chạy và giận mình vì đã chạy, như tôi đã giận mình lần tôi nhảy xuống từ ván cao ở hồ bơi. Tôi biết rằng sẽ không còn đường quay lại, rằng chuyện này không thể có kết cục nào khác ngoài nỗi đau, nhưng tôi biết rằng tôi sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình vì thế giới.
Khi tôi chạy tới chỗ lũ chim đói, chúng cất cánh bay lên không trung như bồ câu vụt bay lên khi ta chạy tới. chúng đang xoay tròn và lượn vòng, những bóng đen sâu thẳm trong đêm tối.
Tôi đứng đó trong bóng tối chờ cho chúng sà xuống. Tôi chờ mấy cái mỏ của chúng xé toang ngực tôi ra, chờ cho chúng ngấu nghiến tim tôi.
Tôi đứng đó có lẽ chỉ trong hai nhịp tim mà thấy như vô tận.
Chuyện đó xảy ra.
Có gì đó đâm sầm vào tôi từ đằng sau và hất tôi ngã úp mặt xuống vũng bùn bên vệ đường. Mắt tôi nổ đom đóm. Mặt đất thoi vào bụng làm tôi tức thở.
(Đến đây, một ký ức ma mị hiện lên: một khoảnh khắc ma quái, một hình ảnh phản chiếu chập chờn trong vùng ký ức. Tôi biết khi cái lũ ăn xác thối ấy moi tim tôi ra thì sẽ có cảm giác thế nào. Cảm giác thế nào khi lũ chim đói toàn miệng là miệng khoét vào lồng ngực tôi mà giật trái tim vẫn đang đập ra rồi ngấu nghiến để tìm ra cái ẩn giấu bên trong. Tôi biết chuyện đó có cảm giác ra sao, như thể nó thật sự là một phần sự sống của tôi, một phần cái chết của tôi. Thế rồi, ký ức cắt và rọc, gọn gàng, và...)
Một giọng nói vang lên, “Đồ ngốc! Đừng nhúc nhích. Đừng,” và giọng đó là của Lettie Hempstock, mà có muốn tôi cũng chẳng nhúc nhích được. Cô bé nằm đè lên người tôi, cô bé nặng hơn tôi, cô bé đang xô tôi xuống cỏ và nền đất ướt nên tôi không thấy gì được.
Dù vậy, tôi cảm thấy chúng.
Tôi cảm thấy chúng lao vào cô bé. Cô bé đang ghì tôi xuống, biến mình thành rào chắn giữa tôi và cõi đời.
Tôi nghe giọng Lettie rền rĩ vì đau đớn.
Tôi cảm thấy cô bé run bần bật và co rúm.
Những tiếng kêu đói khát mừng chiến thắng vang lên thật xấu xí, và tôi có thể nghe thấy tiếng chính mình thút thít rên rỉ rõ mồn một bên tai.
Một giọng nói thốt lên, “Chuyện này không thể chấp nhận được.”
Giọng nói đó nghe thật quen thuộc, dẫu vậy, tôi không thể nhận ra nó hay cử động để xem ai đang nói.
Lettie đang nằm trên người tôi, vẫn còn run bần bật, nhưng khi giọng nói đó cất lên thì cô bé không còn động đậy nữa. Giọng nói đó tiếp tục, “Bọn bây lấy quyền gì mà làm hại cháu của ta?”
Im lặng một lúc. Thế rồi,
- Nó xen vào giữa bọn ta và con mồi hợp lệ của bọn ta.
“Bọn bây là chim ăn xác thối. Quân ăn thịt thối rữa, rác rưởi, đồ bỏ đi. Bọn bây là hạng hốt dọn. Bọn bây tưởng bọn bây làm hại gia đình ta được sao?”
Tôi biết ai đang nói. Giọng nói đó nghe như bà của Lettie, như bà Hempstock. Tôi biết là giống giọng bà, nhưng lại không giống gì cả. Nếu bà Hempstock là nữ hoàng thì bà sẽ nói như vậy, một giọng nói khoa trương, trang trọng mà vẫn du dương hơn giọng bà cụ tôi biết.
Có gì ẩm và ấm làm ướt sũng lưng tôi.
- Đừng... Xin đừng, thưa lệnh bà.
Đó là lần đầu tôi nghe thấy nỗi sợ hay ngờ vực trong giọng một con chim đói.
“Đã có hiệp ước, rồi lại có luật lệ và thỏa thuận, vậy mà bọn bây vi phạm hết.”
Thế rồi, có một khoảng im lặng, và nó còn có giá trị hơn cả lời nói. Chúng không còn biết nói gì.
Tôi cảm thấy tấm thân Lettie trên người tôi lân ra, rồi khi nhìn lên, tôi thấy gương mặt từng trải của bác Ginnie Hempstock. Bác ngồi bệt giữa mặt đất bên vệ đường, còn tôi vùi mặt trong ngực bác. Một tay bác ôm tôi, tay kia ôm Lettie.
Từ mấy cái bóng, một con chim đói cất tiếng bằng thứ giọng không phải giọng nói, và nó chỉ bảo,
- Bọn ta rất lấy làm tiếc về mất mát của các người.
“Lấy làm tiếc ư?” Lời đó được quát ra chứ không phải nói ra.
Bác Ginnie Hempstock lắc lư, ngân nga không thành tiếng với tôi và với con gái mình. Hai cánh tay bác quàng lấy tôi. Tôi ngẩng đầu lên ngoái nhìn người đang nói, mắt tôi mờ đi vì nước mắt.
Tôi ngây người nhìn bà.
Tôi cho đó là bà Hempstock. Nhưng không phải. Đó là bà của Lettie trong dáng vẻ mà...
Tôi muốn nói là...
Bà sáng ngời ánh bạc. Tóc bà vẫn dài, vẫn bạc trắng, nhưng giờ bà đứng thẳng tắp như thiếu nữ. Mắt tôi quá quen với bóng tối rồi nên không thể nhìn mặt bà để xem đó có phải gương mặt tôi đã quen hay không: nó sáng quá. Sáng như pháo sáng. Sáng như pháo hoa. Sáng như mặt trời giữa trưa hắt tia nắng lên đồng xu bằng bạc.
Tôi nhìn bà lâu hết mức mình chịu được rồi quay đầu đi, nhắm nghiền mắt lại, không còn thấy gì ngoài một dư ảnh nhịp nhàng.
Giọng nói giống như của bà Hempstock lên tiếng, “Ta có nên trói bọn bây vào giữa một tinh cầu âm u để bọn bây cảm nhận nỗi đau của mình ở một chốn mà mỗi khắc dài cả ngàn năm không nhỉ? Ta có nên hiệu triệu những hiệp ước Sáng thế rồi cho loại cả đám bọn bây khỏi danh sách những thứ hiện hữu để sẽ không bao giờ có con chim đói nào và không bao giờ có bất cứ thứ gì được lêu lổng từ cõi này sang cõi khác mà không bị trừng phạt không?”
Tôi dỏng tai chờ một câu đáp nhưng không nghe thấy gì. Chỉ có một tiếng thút thít, một tiếng rên rỉ đầy đau đớn hay thất vọng.
“Ta đã xong việc với bọn bây rồi. Ta sẽ xử bọn bây vào thời của ta và theo cách của ta. Vì giờ ta phải chăm lo cho bọn trẻ.”
- Vâng, thưa lệnh bà.
- Đa tạ lệnh bà.
“Không nhanh thế đâu. Khi bọn bây còn chưa trả mọi thứ lại nguyên trạng thì sẽ chẳng đứa nào được đi đâu cả. Trên trời thiếu mất chòm sao Mục phu. Một cây sồi đã biến mất, cả một con cáo nữa. Bọn bây sẽ trả tất cả lại y như trước.” Và rồi vị nữ hoàng bạc nói thêm bằng giọng giờ không thể lầm lẫn đi đâu được là giọng của bà Hempstock, “Lũ sâu mọt. ”
Ai đó đang ngân nga một giai điệu. Như thể từ xa thẳm, tôi nhận ra người đó chính là mình cùng lúc tôi nhớ ra giai điệu đó là gì: bài hát “Nào ta cùng ra chơi”.
... mặt trăng sáng tỏ hệt như ban ngày.
Bỏ cơm bỏ thịt lại đây,
cùng bạn ra phố vui vầy trèo leo.
Ra mà hò ra mà reo.
Chơi cho thỏa thích đừng neo lại gì...
Tôi không chịu buông bác Ginnie Hempstock ra. Người bác có mùi trang trại và bếp núc, mùi gia súc và thức ăn. Bác có mùi rất thật, và lúc ấy, cái có thật là cái tôi cần.
Tôi chìa tay ra, e dè chạm vào vai Lettie. Cô bé không động đậy hay phản ứng.
Bác Ginnie bèn cất tiếng nói, nhưng thoạt tiên tôi không biết bác đang nói với chính mình, với Lettie hay với tôi. “Chúng đã đi quá giới hạn,” bác nói. “Chúng đã có thể hại con rồi, bé ạ, và chuyện đó sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Chúng có thể làm hại thế giới này mà không cần nói gì - suy cho cùng, đây chỉ là một thế giới, mà các thế giới chỉ là những hạt cát trong sa mạc. Nhưng Lettie là người nhà Hempstock. Đứa con bé bỏng của ta ở bên ngoài lãnh địa của chúng. Vậy mà chúng lại làm hại nó.”
Tôi nhìn Lettie. Đầu cô bé gục xuống che khuất khuôn mặt. Mắt cô bé nhắm nghiền.
“Chị sẽ ổn phải không ạ?” tôi hỏi.
Bác Ginnie không đáp, chỉ ghì hai chúng tôi vào ngực, đu đưa và ngân nga một bài hát không lời.
Trang trại và vùng đất thuộc trang trại không còn rực sắc vàng nữa. Tôi không còn cảm thấy gì trong mấy cái bóng đang theo dõi tôi trong bóng tối nữa.
“Cháu đừng lo,” một giọng già nua nói, giờ thì đã quen thuộc trở lại. “Cháu an toàn như ở nhà rồi. An toàn hơn hầu hết những ngôi nhà ta đã thấy, chúng đi rồi.”
“Chúng sẽ quay lại,” tôi nói. “Chúng muốn lấy trái tim của con.”
“Chúng sẽ không trở lại thế giới này dù cho có bao nhiêu là trà ở Trung Hoa đi nữa,” bà Hempstock nói. “Dù nói thế cũng chẳng phải là chúng có ích lợi gì cho trà - hay cho Trung Hoa - ngoài chuyện là một con quạ ăn xác thối.”
Sao lúc trước tôi lại nghĩ bà mặc đồ màu bạc nhỉ? Bà mặc một chiếc áo choàng ngủ màu xám, vá chằng vá đụp bên ngoài cái hẳn phải là áo ngủ, nhưng là áo ngủ thuộc loại lỗi mốt cũng vài trăm năm rồi.
Bà cụ đặt tay lên vầng trán xanh xao của đứa cháu gái, nâng tay lên rồi buông ra.
Mẹ của Lettie lắc đầu. “Xong rồi,” bác nói.
Bấy giờ, cuối cùng thì tôi đã hiểu ra chuyện đó và cảm thấy mình thật ngu ngốc vì không hiểu sớm hơn. Cô bé bên cạnh tôi, cô bé đang nằm trong lòng mẹ, nơi ngực mẹ, đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ mạng sống của tôi.
“Lẽ ra bọn chúng phải hại con, không phải chị,” tôi nói.
“Chẳng lý gì chúng lại phải bắt ai trong hai đứa cả,” bà cụ vừa nói vừa khịt mũi. Tôi cảm thấy có lỗi, có lỗi hơn bất cứ thứ gì tôi từng cảm thấy trước kia.
“Chúng ta phải đưa chị đến bệnh viện,” tôi nói đấy hy vọng. “Ta có thể gọi bác sĩ. Biết đâu họ có thể giúp chị đỡ hơn.”
Bác Ginnie lắc đầu.
“Chị chết rồi sao?” tôi hỏi.
“Chết ư?” bà cụ mặc áo choàng ngủ lặp lại. Bà nghe có vẻ phật ý. “Làm như thể,” bà nói, đạo mạo nhấn từng chữ một cứ như đó là cách duy nhất để chuyển tải tính trầm trọng của lời nói đến cho tôi. “Như thể nhà Hempstock sẽ làm việc gì… tầm thường như vậy ấy...”
“Con bé bị thương,” bác Ginnie Hempstock vừa nói vừa kéo tôi sát vào lòng. “ Với nó thì bị thương như vậy là nặng nhất rồi. Nó cận kề cái chết đến mức nếu ta không làm gì thật nhanh thì sẽ vô phương thôi.” Thế rồi, bác ôm ghì tôi lần cuối, “Giờ thì con đi đi.” Tôi miễn cưỡng tụt khỏi lòng bác rồi đứng lên.
Bác Ginnie Hempstock đứng dậy, tấm thân cô bé lịm đi trong hai cánh tay bác. Lettie mềm oặt và lắc lư như con búp bê bằng giẻ khi mẹ cô bé đứng dậy, còn tôi ngây người nhìn cô bé, bàng hoàng không sao tả xiết.
Tôi nói, “Đó là lỗi của con. Con xin lỗi. Con thật lòng xin lỗi.”
Bà Hempstock nói, “Cháu có ý tốt mà,” nhưng bác Ginnie Hempstock không nói gì. Bác đi về cuối đường làng, tới trang trại rồi rẽ ra sau nhà kho vắt sữa. Tôi nghĩ Lettie đã lớn quá không bồng được nữa, nhưng bác Ginnie bồng cô bé như thể cô bé không nặng hơn một con mèo con là bao, đầu và thân trên cô bé tựa vào vai bác Ginnie như một đứa bé đang ngủ được bế lên lầu vào giường. Bác Ginnie bế cô bé xuôi lối đi đó rồi men bờ giậu đi ra sau, sau nữa, cho đến khi chúng tôi tới ao.
Ở sau đó không có gió nhẹ, đêm tĩnh mịch; chỉ có trăng soi trên lối chúng tôi đi; khi chúng tôi tới đó, cái ao chỉ là một cái ao. Không có ánh sáng vàng rực, lung linh. Không có vầng trăng tròn huyền hoặc. Nó tối tăm ảm đạm và có mặt trăng, mặt trăng thật sự, trăng lưỡi liềm, soi bóng dưới ao.
Tôi dừng lại bên bờ ao, còn bà Hempstock dừng cạnh tôi.
Nhưng bác Ginnie Hempstock vẫn bước tiếp.
Bác bước loạng choạng xuống ao cho đến khi nước cao đến ngang đùi, áo choàng và váy bác nổi trên mặt nước, làm ánh trăng phản chiếu vỡ tan thành hàng chục mặt trăng li ti tan tác rồi tựu hình lại quanh bác.
Đến chính giữa ao, khi mặt nước đen kịt đã lên ngang quá hông, bác dừng lại. Bác hạ Lettie từ trên vai xuống, hai bàn tay bác Ginnie Hempstock khéo léo đỡ phần đầu và đầu gối cô bé; rồi từ từ, cứ từ từ như vậy, bác để Lettie xuống nước.
Tấm thân cô bé nổi bồng bềnh trên mặt ao.
Bác Ginnie lùi lại một bước, rồi lại thêm bước nữa, mắt không hề rời cô con gái của mình.
Tôi nghe một tiếng ào ào tựa hồ một cơn gió khổng lồ đang tiến về phía chúng tôi.
Thân người Lettie tròng trành.
Không có làn gió nào đến, vậy mà lúc này lại có những mỏm sóng trắng xóa trên mặt ao. Tôi thấy sóng, mới đầu là sóng vỗ nhẹ, rồi những con sóng lớn hơn đánh và vỗ lên bờ ao. Một con sóng chồm lên rồi đổ ập xuống gần tôi, bắn nước vào áo quần, mặt mũi tôi. Tôi nếm thấy nước ướt đẫm trên môi, nó có vị muối.
Tôi thì thầm, “Em xin lỗi, chị Lettie.”
Lẽ ra tôi phải nhìn thấy được bên kia ao. Tôi vừa thấy nó ít phút trước. Nhưng con sóng vừa ập đến đã cuốn nó đi nên ở bên kia thân hình bồng bềnh của Lettie, tôi không thể thấy gì ngoài đại dương lẻ loi bao la và bóng tối.
Sóng lớn dần. Mặt nước bắt đầu sáng rực lên trong ánh trăng như đã từng sáng rực khi còn trong xô, sáng một màu xanh lam nhạt và toàn bích. Hình thù đen thấm trên mặt nước là xác cô bé đã cứu mạng tôi.
Mấy ngón tay xương xẩu đặt lên vai tôi. “Con xin lỗi về chuyện gì vậy, cậu nhóc? Vì khiến nó phải chết ư?”
Tôi gật đầu, không dám để bản thân mình nói.
“Nó không chết, cháu không làm nó chết, lũ chim đói cũng không, dù chúng đã làm hết mọi cách để bắt cháu thông qua nó. Nó đã được trao cho đại dương của nó. Một ngày kia, vào thời của mình, đại dương sẽ trả nó lại.”
Tôi nghĩ đến những xác chết và bộ xương có đôi mắt ngọc trai. Tôi nghĩ đến những nàng tiên cá quẫy đuôi khi bơi, như đuôi con cá vàng của tôi đập nhẹ một cái trước khi nó ngừng động đậy và nằm phơi bụng lên như Lettie đang nằm trên mặt nước. Tôi hỏi, “Chị có còn như cũ không ạ?”
Bà cụ cười hô hố như thể tôi vừa nói chuyện gì buồn cười nhất thế gian. “Đời nào có thứ gì cứ vậy hoài,” bà nói. “Dù cho là một giây sau hay một trăm năm sau đi nữa. Vạn vật luôn cuồn cuộn phong ba. Mà con người ta thì cũng biến đổi như đại dương vậy.”
Bác Ginnie bước ra khỏi nước rồi đứng bên mép nước cạnh tôi, đầu cúi xuống. Sóng cứ đập, cứ vỗ, cứ bắn tung tóe rồi rút đi. Có tiếng ì ầm xa xa mỗi lúc một to: có gì đó đang băng qua đại dương tiến về phía chúng tôi. Từ hàng dặm xa, từ hàng trăm và hàng vạn dặm xa, nó tới: một viền trắng mỏng tang khắc màu xanh lam rực rỡ, càng đến gần càng lớn dần lên.
Con sóng lớn tới, vũ trụ ầm vang, thế rồi, khi nó tới chỗ chúng tôi thì tôi nhìn lên: nó cao hơn cây cối, hơn nhà cửa, hơn những gì đôi mắt hay trí óc nhìn thấy được, hơn những gì trái tim dõi theo được.
Chỉ khi tới chỗ tấm thân bập bềnh của Lettie Hempstock thì con sóng khổng lồ mới ập xuống. Tôi tưởng sẽ bị nước đại dương giận dữ làm ướt sũng, hay tệ hơn là cuốn đi, nên đưa tay lên che mặt.
Không có nước bắn lên từ những con sóng lớn vỗ bờ, không có cả tiếng đánh ầm ầm đinh tai, và khi bỏ tay xuống, tôi không thấy gì ngoài làn nước đen thầm phẳng lặng ở ao trong đêm, cũng không có gì trên mặt ao ngoài những bông súng và ánh trăng vỡ đầy trầm tư.
Bà Hempstock cũng đã đi. Tôi cứ tưởng bà đang đứng cạnh tôi, nhưng chỉ có bác Ginnie đứng ở đấy, kế bên tôi, lặng lẽ nhìn đăm đăm xuống mặt gương âm u của cái ao nhỏ.
“Được rồi,” bác nói. “Để ta đưa con về nhà.”
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng