Chương 15: Mưa Đầu Mùa
ảo Belitong nằm tại điểm giao nhau giữa biển Đông và biển Java. Địa điểm này được Java và Kalimantan che chắn, giúp cho bờ biển tránh được những đợt sóng khủng khiếp, nhưng hàng triệu lít nước bốc hơi từ những biển xung quanh trong mùa khô lại đổ hết xuống đây cả ngày lẫn đêm trong suốt mùa mưa. Cơn mưa đầu tiên là ân sủng của ông trời, và chúng tôi hân hoan chào mừng nó. Mưa càng to, sấm càng lớn, gió thổi càng mạnh, ánh chớp càng lóe sáng bao nhiêu thì lòng chúng tôi càng hoan hỉ bấy nhiêu. Chúng tôi để những cơn mưa như thác đó gột rửa sạch bụi trần trên cơ thể phàm tục của chúng tôi. Không đứa nào để tâm đến việc bị cha mẹ phạt roi mây vào mông; hình phạt đó chẳng là gì so với sức quyến rũ đến từ cơm mưa ấy. Dù có thế nào thì chúng tôi vẫn cứ đi, những con vật kỳ lạ ngoi từ đáy mương lên, leo qua những thân cây đổ và những chiếc xe đi công trình của PN ngập trong dòng nước lũ, với mùi nước mưa làm căng tràn sức sống nơi lồng ngực bọn chúng tôi.
Chúng tôi cứ thế dầm trong mưa cho đến khi môi đứa nào đứa nấy tìm tái hết cả và những ngón tay tê cóng đi mới thôi. Không gì ngăn nổi chúng tôi. Chúng tôi là những VIP đầy quyền lực trong suốt mùa mưa. Cha mẹ chúng tôi bực bội, thất vọng vì con cái chẳng chịu vâng lời. Chúng tôi tha hồ chạy nhảy, chơi bóng, xây lâu đài cát, đóng giả thằn lằn, bơi trong bùn, hét lên khi thấy phi cơ bay ngang qua trên bầu trời, hú lên từng hồi gọi mưa và sấm sét như thể một bọn điên.
Trò vui nhất là một trò chơi không tên nhưng phải cần đến lá cây pinang hantu. Một hay hai đứa ngồi trên một chiếc lá to cỡ tấm thảm cầu kinh. Hai hoặc ba đứa khác kéo lá - thật nhanh. Giống như trượt tuyết.
Đứa ngồi trước nắm lấy chiếc lá giống như cầm dây cương cưỡi lạc đà. Đứa ngồi sau ôm chặt đứa ngồi trước để khỏi bị ngã. Những đứa bự con nhất trong chúng tôi - Samson, Trapani và A Kiong - giữ vai trò người-kéo-lá, một biệt hiệu mà cả bọn rất lấy làm tự hào.
Cao trào của trò chơi xuất hiện vào lúc người-kéo-lá, khỏe như ngựa, quay ngoắt sang hướng khác và cố tình kéo mạnh hơn. Những đứa ngồi trên lá sẽ bị quăng mạnh về một bên, tạo nên một cú trượt gấp chỗ đất bùn trơn láng đó, bén ngọt và rất “đã”.
Tôi cảm thấy cơ thể mình quật bên này đập bên kia không sao kiểm soát được và trông thấy một làn sóng bùn khổng lồ bắn tung tóe về phải khiến cho những đứa đứng xem ướt sũng bùn. Sahara, Harun, Kucai, Mahar và Lintang nhảy cẫng lên thích chí khí người ngợm vấy đầy bùn từ cú trượt lá đó. Nước càng bẩn, tụi nó càng khoái chí. Tụi nó vỗ tay, cổ vũ ầm ĩ. Ngồi đằng sau, Syahdan ôm tôi chặt cứng và hò reo phấn khích.
Syahdan hành động y như lái phụ của tôi, bắt chước một kẻ liều lĩnh tóc dài cưỡi xe máy xuyên qua đường hầm bốc cháy - hay thậm chí còn đỉnh hơn nữa, cứ như một tay đua tốc độ khom người xuống khi thực hiện một cu cua ngoạn mục - một tư thế táo bạo đầy phong cách. Khoảnh khắc đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong toàn bộ trò chơi.
Nhưng chuyện không dừng lại ở đó. Cú cua bén ngọt đó rất khó thực hiện sao cho thành công trọn vẹn; mấy đứa kéo lá đâm sầm vào nhau ngã dúi dụi. Còn Syahdan và tôi bị nẩy bật ra khỏi chiếc lá, quay mòng mòng trước khi văng tõm xuống rãnh nước.
Đầu tôi nặng trịch. Tôi đưa tay lên rờ nắn và thấy một vào cục u bắt đầu nổi lên. Giọng tôi nghe rất lạ, chẳng khác gì người máy. Một cơn đau nhói xuất hiện nơi thái dương bên phải và lan đến mắt, y hệt cảm giác khi bị sặc nước. Tôi vừa ho sặc sụa vừa đưa mắt tìm kiếm Syahdan, nó băng ra xa hơn tôi một ít. Tôi trông thấy nó nằm sóng soài, bất động, nửa thân người ngập trong nước.
Ôi không! Chuyện nghiêm trọng rồi. Nó bất tỉnh hay sao ấy nhỉ? Nó có bị chấn thương gì không? Nó chết rồi sao!? Nó không thở. Nó ngã quá mạnh, cứ như một cái thùng phi bị văng ra khỏi xe tải. Tôi nom thấy một dòng máu đặc chảy ra từ mũi nó. Cả bọn vây quanh thân thể bất động như xác chết của nó. Sahara bắt đầu sụt sịt, mặt cắt không còn giọt máu. A Kiong run như cầy sấy. Trapani rú lên gọi mẹ. Tôi vỗ vỗ hai má nó.
“Syahdan! Syahdan!”
Tôi bắt mạch trên cổ nó, bắt chước trong phim truyền hình nhiều tập Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên chiếu trên tivi. Vì đâu biết tìm mạch như thế nào nên tôi chẳng tìm thấy gì. Samson, Kucai và Trapani lắc lắc Syahdan, cố khiến nó tỉnh. Những nó vẫn nằm im bất động. Môi tái nhợt và người lạnh như băng. Sahara bắt đầu thút thít. “Syahdan… Syahdan… tỉnh dậy đi!” nó van nài.
Chúng tôi hoảng lên, không biết phải làm gì. Tôi cứ gọi tên nó mãi, nhưng nó vẫn không hề cử động. Syahdan đã chết. Syahdan tội nghiệp, thật bi thảm biết bao.
Samson bảo chúng tôi nên vực nó dậy. Thân người nó cứng đờ. Khi chúng tôi khiêng nó đi, tôi giữ phần đầu. Sahara khóc ai oán. Chúng tôi đứa nào đứa nấy kinh hoảng tột độ, nhưng đúng lúc tình huống đang bi đát thì trên cái đầu đen trũi xoăn tít trong tay tôi bỗng xuất hiện hai hàm răng đầy bựa với mấy cái răng họn như rìu phá băng rồi cười một tràng cười khoái trá xổ ra.
Ôi trời! Tên lái phụ của tôi giả chết! Thằng oắt đó nằm bất động và nín thở để bọn tôi tưởng nó chết. Bọn tôi trả đũa bằng cách ném nó trở lại con rãnh. Nó càng khoái trí tợn, tiếp tục cơn cười trong khi chúng tôi vẫn tẽn tò. Sahara quệt nước mắt bằng cánh tay đầy bùn. Tôi liếc nhìn Syahdan, dù đau nhưng nó cũng cười đến chảy nước mắt - nước mắt hòa cùng nước mưa.
Điều lạ lùng là, dù té ngã, đâm sầm vào nhau và lăn quay ra đau thế nhưng bọn tôi luôn cười vang khoái chí và bỡn cợt nhau nữa - đây chính là điều hấp dẫn nhờ trò chơi không tên đó. Bọn tôi cứ chơi đi chơi lại trò đó. Cú ngã không bắt nguồn từ cái góc cua đầy thách thức hay tốc độ và sức nặng mà là bởi chúng tôi thích thế - ý thích ngốc nghếch trong những ngày mùa mưa. Cuộc sống dù có khó khăn chật vật biết mất song những tháng cuối năm với bọn chúng tôi bao giờ cũng thật thú vị. Buổi tiệc mùa mưa chính là một lễ hội được thiên nhiên bày ra cho những đứa trẻ Mã Lai nghèo khổ chúng tôi.
Chiến Binh Cầu Vồng Chiến Binh Cầu Vồng - Andrea Hirata Chiến Binh Cầu Vồng