Bánh Mì Cô Đơn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 15
ÔI CHƯA TỪNG CÓ BẠN LÀ NAM GIỚI. Một người sẵn sàng ngồi cùng tôi suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ trong quán bar chật chội ở quận University xem miết phim hoạt hình Rocky và Bullwinkle. Tôi đáp lễ bằng cách cùng lang thang trong những hiệu sách cũ ưa thích của anh, nơi chúng tôi dành hàng giờ tỉ mẩn giở từng chồng sách bụi bặm xem có gì “hay ho” không.
Tôi dụi mắt khi chúng tôi ra khỏi một hiệu nữa trên con phố nhỏ tồi tàn mạn quảng trường Pioneer, mỗi người xách theo hai túi ni-lông tái chế đầy ụ sách.
- Sao tôi giống một con la thồ thế này? - Tôi ca cẩm. - Mấy chỗ này bụi gì đâu mà...
Mac bật cười.
- Thôi thôi, chị đừng kêu nữa.
- Thỉnh thoảng chúng ta cũng nên đến những hiệu sách thực sự. Hiệu Elliott Bay chẳng hạn. Anh biết đấy, những chỗ đó có sách mới. Sao anh lại ham những cuốn sách đã qua tay hai, ba người đọc đến thế?
Trước khi bắt gặp ánh mắt anh liếc sang, tôi đã phát hiện ra mình vừa vô duyên lỡ lời.
- Không phải lúc nào tôi cũng đủ tiền mua sách mới, - anh đáp.
Mac không rườm rà gì thêm, và tôi thầm cảm ơn anh. Hầu hết đàn ông sẽ túm ngay lấy cơ hội ấy để nhắc tôi nhớ rằng tôi chẳng qua là một nàng rửng mỡ chả mấy khi để ý đến giá cả của bất cứ thứ gì.
Nhưng Mac không phải là “hầu hết đàn ông”. Thực ra, anh chẳng giống những người tôi từng quen biết. Bộ não của anh khiến tôi nghĩ đến một tủ hồ sơ được sắp xếp tỉ mỉ, đầy thông tin thú vị nhưng trúc trắc và đôi khi chẳng dùng làm gì. Như sự khác biệt giữa trảng cỏ, vạt cỏ và đồng cỏ chẳng hạn. Hay tại sao định luật thứ hai của nhiệt động học thực ra lại quan trọng hơn định luật thứ nhất. Được gợi chuyện thì anh có thể thủng thẳng nói chi tiết về hội họa lập thể, đua ngựa hay xác định phương hướng dựa vào các hiện tượng thiên văn. Nhưng chủ đề yêu thích của Mac, ta nên nhận thua luôn chứ đừng thi thố làm gì, là âm nhạc; và anh cực kỳ có lập trường trong lĩnh vực này.
Một đêm ở quán bar, tôi hỏi Mac sao anh không chơi nhạc cụ nào. Anh đáp vì chơi lên nghe cứ thiếu thiếu điều gì đó.
- Cứ như ý anh thì lời hát quan trọng hơn âm nhạc phải không? -Tôi hỏi.
- Không hẳn. Tuyệt vời nhất là khi lời hát và âm nhạc hòa vào nhau. Giống như bài hát của Otis Redding tôi từng nói với chị. Cái cách tiếng kèn lướt theo mỗi câu hát, như đang kéo người nghe vào bài hát vậy.
- Tôi chẳng nhớ nữa.
Anh nhìn tôi chừng như thất vọng.
- Chị phải học cách nghe nhạc thôi.
- Chắc anh là một trong những người từng ngồi nghiêm nghe những bài hát ngày xưa của Beatles xem họ có hát câu nào là “Paul đã chết” không chứ gì.
- Tôi có làm thế bao giờ đâu, - anh đáp.
Nhưng tôi nghĩ chắc mình đã nói trúng tim đen của anh rồi.
Điều duy nhất chúng tôi chưa từng đề cập đến là chuyện tình cảm của anh. Anh biết chuyện của tôi, tất nhiên rồi, và thỉnh thoảng vẫn gọi David là Hoàng tử Xấu Xa, Gary là “anh trai cô” hoặc “đại gia bãi xe”. Nhưng Mac không tò mò về hai người đó. Còn tôi chỉ biết đại khái chuyện giữa Mac và Gillian, chẳng biết gì mấy về Laura. Nếu hiện tại Mac có đang hẹn hò với ai đó, anh cũng không kể gì với tôi. Tôi thử bóng gió hỏi thăm, nhưng Mac là chúa đánh trống lảng và lái câu chuyện sang hướng khác. Có khi thế cũng tốt.
o O o
Gió lộng từ mặt nước đón chào chúng tôi, thỏa sức thổi mái tóc không buộc của tôi rối tung như một đám mây đi lạc. Tôi vuốt tóc, cố giữ yên và đội mũ lưỡi trai lên.
Mất hết buổi chiều chúng tôi mới quay lại chợ được vì mải đi vòng lối cầu tàu, thỉnh thoảng dừng lại nhìn qua cửa sổ các cửa hiệu. Cái lạnh như kim châm trong không khí dự báo một cơn bão nữa sắp đến, nhưng lúc này, người đổ ra đông kín vỉa hè, hồ hởi chen vai nhau, sung sướng tận hưởng khoảng thời gian không mưa. Mùi súp ngao và bánh waffle thơm lừng nhắc tôi nhớ ra rằng mình chưa ăn gì kể từ bữa sáng.
- Tôi đói bụng quá.
Mac nhìn đồng hổ đeo tay.
- Tôi phải có mặt ở chỗ làm trước sáu giờ. Giá lúc trước chị để tôi lái xe tải đi thì chúng ta đã có thời gian ghé qua đâu đó rồi.
- Không có đâu, vì chúng ta sẽ mất cả ngày loanh quanh tìm chỗ đỗ xe thôi.
Chúng tôi thỏa hiệp bằng cách chạy ù vào quán cà phê Phoebe trên phố Third trong khi đợi xe buýt. Cô phục vụ tầm mười tám đôi mươi, móng tay dài cỡ năm phân nhìn Mac không rời bằng đôi mắt chuốt đậm mascara. Cô đưa cho tôi hộp xốp trắng đựng bánh sừng bò của anh và bánh scone của tôi trong khi Mac dốc tiền lẻ từ trong ví ra mặt quầy. Tôi hé nắp hộp ra chút xíu và thấy máu mình như đông lại.
- Đây không phải là bánh sừng bò. - Cả hai cùng nhìn sang khi tôi mở hết nắp hộp ra.
- Đúng bánh sừng bò mà chị, - cô gái vừa nhai kẹo cao su vừa nói.
- Đây là bánh cuộn hình sừng bò. Như thế không biến nó thành bánh sừng bò được.
- Thì chúng ta vẫn gọi nó là bánh sừng bò mà, - cô gái biện minh.
- Phải gọi bánh này là bánh hình sừng bò mới đúng.
Mac nhìn lên trần nhà.
- Wyn ơi, chúng ta sẽ muộn xe buýt mất.
- Hình sừng bò và sừng bò thì có gì khác nhau đâu, - cô bán hàng nhún vai.
- Để tôi giải thích cho cô nhé. - Tôi đặt cái hộp lên máy tính tiền và bẻ đôi chiếc bánh sừng bò. - Cô thấy gì nào? - Tôi giơ nửa cái bánh sát lại mặt cô gái.
- Nửa cái bánh sừng bò.
- Không đúng. Cô thấy một nửa cái bánh hình sừng bò. Đây là bánh mì, thậm chí còn chẳng phải là loại bánh mì ngon. Cô nhìn vụn bánh bở ra này. Bánh sừng bò làm bằng bột ngàn lớp. Những lớp mỏng tang, giữa từng lớp được phết bơ nên bánh phồng lên, giòn và vàng ruộm. Bánh sừng bò phải tách được thành từng lớp gần như trong suốt, chứ ở giữa không đặc và khô như bánh mì thế này đầu.
Trông cô bán hàng có vẻ hoảng.
- Xe số mười ba kìa, - Mac lầm bầm nhìn chiếc xe vào bến đỗ phía bên kia đường.
- Thế chị có mua bánh nữa không? - Cô bán hàng hỏi.
- Không, - tôi đáp.
- Có, tôi mua. - Mac đậy hộp bánh lại, nắm cánh tay tôi và đẩy tôi ra khỏi cửa. - Trời ơi, chúng ta nhỡ xe rồi.
- Một phút nữa là có xe số hai thôi. Tôi không thể tin được là họ bán thứ ấy và gọi nó là bánh sừng bò.
Chúng tôi ngồi xuống ghế băng ở bến chờ xe buýt.
- Thưởng thức bánh scone của chị đi và để cho sừng bò của tôi được yên.
Chiếc scone nóng và dẻo một cách đáng ngờ. Tôi chọc ngón út vào lòng bánh. Biết ngay mà.
- Sao thế?
- Bánh nóng.
- Chị nên vui mới phải. Tức là bánh mới ra lò.
- Mềm nhão thế này. Bên trong lại nóng hơn bên ngoài. Tức là bánh mới ra khỏi lò vi sóng.
Mac thở dài.
- Thưa cô Wynter, cô là Bạo Chúa Bánh Mì. - Nhưng anh bật cười và đúng lúc ấy xe buýt số hai cũng vừa tới.
o O o
Một sáng sớm Chủ nhật ở nhà hàng Steve’s Broiler, Mac và tôi ngồi trong một khoang bọc vải da đủ sức chứa tám thực khách, ăn trứng tráng với phô mai feta và nhìn mấy cụ ông ở quầy vừa hút thuốc lá không có đầu lọc vừa uống cà phê.
Một phụ nữ trẻ đội mũ bóng chày, mặc áo sơ-mi flannel và quần jeans, dẫn theo hai cậu bé con vào ngồi ở khoang cạnh chúng tôi. Hai nhóc rất đáng yêu - chừng một đứa bảy, một đứa năm tuổi - trông như được đúc cùng một khuôn ra, chỉ khác nhau ở điểm cậu anh tóc nâu còn cậu em tóc vàng loăn quăn. Hai đứa tô màu vào sách. Người mẹ đưa cho chúng hộp bút màu, dặn hai anh em chia nhau. Cô ngồi uống cà phê và cắm cúi đọc một cuốn tạp chí. Mac nhìn họ bằng vẻ chăm chú nhiều hơn ngày thường.
- Vậy kể cho tôi nghe đi. Anh chưa bao giờ nói đến tuổi thơ của mình. Anh đã làm gì, hồi ấy như thế nào? Anh có vui hay không vui?
Mac gập khăn ăn lại và đặt cạnh đĩa.
- Thực ra có nhiều yếu tố liên quan lắm.
- “Nhiều yếu tố” ư? Nghe như giải toán đại số chứ không phải là kể lại thời thơ ấu. Anh có anh trai. Kevin đúng không? Còn mẹ anh thì sao? Bố anh? Bạn bè?
- Tôi có chiến hữu. - Mac thoáng mỉm cười. - Đàn ông con trai thích thể thao thường gọi bạn bè như vậy. Có điều không thực sự phải nói chuyện với các chiến hữu. Gặp nhau thì đấm thùm thụp mấy cái vào bắp tay, rồi nhe răng cười. Hồi ấy tôi thích mọi môn thể thao. Rồi lên kế hoạch chuồn khỏi New York.
- Rất nhiều cậu thích thể thao, thích đấm chiến hữu và mơ tưởng trốn nhà.
- Đúng đấy. - Mac thở ra một hơi dài. - Được rồi, đây là phiên bản ngắn gọn như người ta vẫn hay đăng trên Reader’s Digest: Mẹ tôi là cô sinh viên ngành nghệ thuật. Mẹ gặp bố - một chàng lãng tử chính hiệu - ở viện bảo tàng. Vài tiếng đồng hồ sau, hai người phải lòng nhau say đắm. Họ về chỗ bố và yêu nhau trối chết.
- Mac...
- Tôi tách mình ra khỏi tất cả để kể lại đấy nhé. Rồi thì, mẹ tôi có mang. Có lẽ ngày trước không có nhiều lựa chọn trong tình huống ấy. Họ cưới nhau. Anh Kevin ra đời. Mọi chuyện tốt đẹp trong một thời gian, rồi bố tôi thấy chồn chân. Ông đến Nam Mĩ, hình như làm việc cho một công ty dầu khí. Được một năm gì đó, ông về nhà. Mẹ tôi dang rộng vòng tay. Xong. Tôi ở trong bụng mẹ.
- Hồi đó họ không biết đến biện pháp tránh thai ư?
Mac nhún vai.
- Nếu họ biết thì giờ này tôi đã chẳng ở đây. Thế là cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Bố ở nhà một thời gian, rồi cứ đến đêm là ông lại bị trầm cảm. Năm tôi mười hai tuổi, ông đi Canada săn nai sừng tấm, đại loại thế, và không bao giờ về nữa. Máy bay của bố bị rơi xuống rặng Rockies ở Canada, và người ta không bao giờ tìm thấy nó.
- Anh có bao giờ tự hỏi liệu bố anh còn sống hay đã chết không?
- Suốt nhiều năm liền, tôi đã tin là ông còn sống. Tôi từng đặt nhiều giả thuyết về ông, rằng bố tôi được một người ẩn dật nào đó chăm sóc, hoặc ông bị mất trí nhớ và không biết mình là ai nữa. Thậm chí tôi còn tự hỏi hay là bố tôi muốn biến mất. Không phải là ông đã lên kế hoạch bị mất tích, mà là tiện thể trong hoàn cảnh đó.
- Cuốn sách của anh viết những chuyện đó à?
Đôi mắt anh nhìn xoáy vào tôi.
- Sao chị lại nghĩ rằng tôi đang viết sách?
Tôi cười lớn.
- Ôi, thôi nào, Mac. Có thể tôi không giỏi nghe từ ngữ, nhưng thị giác tôi chẳng có vấn đề gì cả.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là anh lúc nào cũng hí húi viết vào mấy cuốn sổ đó.
- Tôi nói với chị rồi, đấy chỉ là nhật ký thôi.
- Trực giác khá là ấm ớ trong tôi nháy hai đèn đỏ rồi đấy. Hoàn toàn có khả năng đó là nhật ký, nhưng tôi chọn hướng suy diễn cực đoan hơn. Chắc chắn phải có mục đích gì đó.
Trông anh có vẻ lúng túng.
- Ơ...
- Tôi có yêu cầu anh mang cho tôi đọc đâu. Chỉ là nói ra mình đang làm gì thôi mà. Sao mà anh phải ngại?
Đôi mắt anh chợp tối sầm lại.
- Tôi không muốn nhặng xị về chuyện đó. Tôi có phải là nhà văn đâu. Chỉ là một anh nhân viên quầy bar hay viết lách thôi.
- Anh thích nghĩ thế thì cứ cho là như vậy đi, - tôi ăn nốt miếng bánh quế nho khô cuối cùng.
Tiếng chí chóe khiến chúng tôi chú ý đến khoang bên cạnh, hai cậu bé đang chiến đấu với nhau vì cây bút màu xanh da trời.
- Thôi ngay, không là các con không được tô màu nữa đâu, - người mẹ nói, mắt vẫn không rời cuốn tạp chí.
Hai đứa trẻ làm như không nghe thấy. Cậu anh giằng được cây bút và bắt đầu vẽ lên khăn giấy của mình. Cậu em chọn cây bút màu da cam và bắt đầu bắt chước hình vẽ của anh, vẽ lại lên khăn giấy của mình. Hòa bình kéo dài được chừng mười lăm giây, rồi cậu anh quyết định muốn có cây bút da cam. Cậu anh giật lấy bút và cậu em lập tức khóc òa.
Người mẹ nhìn lên.
- Mẹ dặn hai con phải chia nhau cơ mà.
- Anh Christopher lấy bút của con ạ, - cậu bé khóc ầm lên.
- Vậy con lấy bút khác đi, đừng nhõng nhẽo như em bé thế. - Và người mẹ đọc tiếp cuốn tạp chí.
Cô phục vụ mang hóa đơn lại cho chúng tôi. Mac đưa cho cô tờ hai mươi đô-la và tiếp tục quan sát hai đứa trẻ trong khi tôi quan sát anh. Cậu em lấy cây bút xanh lá cây và vẽ tiếp lên khăn giấy. Cô phục vụ đưa tiền thừa và chúng tôi đứng dậy khỏi bàn. Nghe một tiếng xoẹt khô khốc và một tiếng kêu sửng sốt. Cậu anh bây giờ giữ chặt cả bút màu xanh da trời, da cam và lá cây, còn cậu em lại khóc ré lên. Người mẹ nhìn quanh như thể cô ta chỉ muốn đi chỗ khác cho xong.
- Brian, mẹ bảo con nín cơ mà. Con mà còn khóc như em bé thế thì nghỉ tô màu nhé.
Đột nhiên Mac quay lại và rút hai cây bút khỏi tay cậu anh. Người mẹ và cả hai đứa trẻ đều ngạc nhiên đến há hốc miệng khi anh xuất hiện ở chỗ họ. Mac mỉm cười hiền lành và nói với cậu anh:
- Chia nhau mới vui chứ. Một ngày nào đó biết đâu em lại có thứ mà cháu muốn thì sao.
Mac đưa hai cây bút cho cậu em và chúng tôi đi khỏi.
o O o
Mùa xuân và mùa đông đang tỉ thí với nhau. Những buổi chiều đi bộ dọc vườn Parsons trong làn gió Chinook dìu dịu mơn man, tôi nghĩ phần thắng đang nghiêng về mùa xuân rồi. Hoa điểm tuyết đâm lên qua lớp đất đen lạnh cứng, bung sắc vàng, tím và trắng. Những đóa lê lư xanh nhạt, ngày xưa bà ngoại tôi hay gọi là hoa hồng của Tuần Chay, đẹp dịu dàng như những ngọn đèn nhỏ trong đêm dày. Tôi bắt đầu thấy thèm ăn búp dương xỉ non và măng tây đầu mùa.
Nhưng tối đến khi tôi đi làm, gió lại đổi chiều, thổi những hạt nước lạnh như kim lên mặt tôi, đẩy hơi ấm về phía nam. Mùa đông vẫn cứng đầu chưa chịu thoái lui.
Một trong những buổi sáng còn rơi rớt khí đông ấy, Ellen đến sớm, mắt trũng sâu và đỏ hoe, hai bên mép trễ xuống. Chị là kiểu người thường tíu tít nói cười mỗi sáng, đến mức thỉnh thoảng chỉ muốn đá một cái vào đầu gối chị. Hôm nay thấy chị như vậy, tôi chợt lo lắng về Ellen và Lloyd. Khi những đổ vỡ trong hôn nhân đang choán hết tâm trí, ta thường có xu hướng nghĩ rằng đó cũng là điều duy nhất có thể xảy ra với người khác.
Nhưng khi Linda vừa ra khỏi cửa để về nhà, Ellen đã nói ngay:
- Đêm hôm qua mẹ của Diane bị đột quỵ.
- Ôi trời! - Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chắc Diane đang thấy có lỗi lắm. Nếu là tôi thì tôi sẽ cảm thấy như vậy. - Kinh khủng quá! Em rất tiếc. Chị ấy đã về nhà chưa?
- Giờ này cô ấy đang trên đường ra sân bay rồi.
- Để em giúp chị dọn cửa hàng. - Tôi bật máy pha cà phê, nhúng khăn vào cái xô men đựng thuốc tẩy để lau bàn.
Ellen đếm tiền lẻ, bỏ vào ngăn kéo máy tính tiền, rồi đi tráng ngăn đựng cà phê và cho cà phê mới xay vào.
- Tôi thấy thương Diane quá, - Ellen nói, đưa cho tôi tách cà phê đã tách ca-phê-in. - Và tôi thật chẳng ra gì vì lúc này chỉ nghĩ được đến hiệu bánh... Cơ mà chúng ta gay thật rồi. Đã nhận bao nhiêu là đơn đặt bánh. Tôi không biết Diane sẽ đi bao lâu. Sáng nay phải giao hai cái. Đã làm xong để trong tủ lạnh, nhưng chưa trang trí. Nếu bình thường thì sáng nay Diane sẽ làm. - Ellen ngước nhìn tôi. - Tôi không biết cô...
- Ôi Ellen, giá mà em làm được. Em nói thật, em mà làm thì thành phẩm không khác gì vùng số không sau một vụ thử phản ứng hạt nhân đâu.
Tiếng gõ trên cửa kính khiến chúng tôi cùng nhìn ra. Tyler đang vẫy ai đó trong chiếc xe Plymouth Valiant màu lá cây không rõ đời sản xuất năm nào. Ellen và tôi lập tức cùng nhìn nhau và mỉm cười. Chị lao ra mở cửa ngay.
- Chào các chị, em xin lỗi ạ, xe của Marie không khởi động được và em phải...
- Chào Tyler, - Ellen nói như hát. -Sáng nay cô thấy thế nào?
Tyler cảnh giác nhìn Ellen.
- Ổn cả ạ. Sao thế chị?
- Tôi cần cô giúp việc này. Để tôi lấy cho cô cốc cà phê mocha nhé?
- Ellen, chị làm em nổi da gà rồi đấy. Có chuyện gì thế?
- Đêm qua mẹ Diane bị đột quỵ.
- Không thể nào chứ. - Tyler cởi áo khoác, nhìn từ Ellen sang tôi, rồi quay lại nhìn Ellen.
- Sáng nay chúng ta phải giao hai cái bánh...
- Ôi, không. Không phải em. Em không làm nổi mấy thứ tim phổi hoa lá cành ấy đâu. Không đời nào.
Ellen hạ gục Tyler bằng ánh mắt van vỉ.
- Tyler à, giờ này không thể gọi điện báo hủy đơn hàng được nữa. Chúng ta phải giao cái gì đó cho họ. Làm ơn đi mà. Chỉ có một cái bánh cưới, hoa trang trí đã ở sẵn trong tủ lạnh rồi. Cô chỉ việc đặt hoa lên bánh thôi. Đi mà Tyler?
- Thế còn cái thứ hai ạ?
- Là bánh sinh nhật. Kiểu trung tính cho người lớn. Khách hàng chỉ có yêu cầu về màu sắc thôi - hồng đào, tím nhạt như hoa oải hương và xanh nhạt. Như mùa xuân ấy. Chắc chắn là cô làm được mà, tôi đã xem tranh cô vẽ rồi.
Tyler đưa một ngón tay lên vuốt cổ họng.
- Thôi mà, cố gắng đi mà! Tôi sẽ tính thêm lương theo giờ cho cô khi cô mất thời gian vào hai cái bánh ấy.
- Ui, thôi được. - Tyler nhắm tịt mắt lại, giơ hai tay ra như người khiếm thị. - Chị hãy đưa em đến chỗ chúng đi.
o O o
Tôi không kịp xem hai cái bánh, nhưng mấy ngày sau mọi người vẫn còn phá lên cười khi nhắc đến chúng. Mọi người trừ Ellen. Chị bận gọi điện tới những người đã đặt bánh cho tuần sau, nói rõ với họ rằng Diane đang tạm nghỉ vì gia đình có việc gấp.
- Thế chuyện gì đã xảy ra vậy? - Tôi hỏi Tyler một buổi sáng, khi Ellen ở ngoài ngõ phụ mấy người trong hội từ thiện Bữa Ăn Lưu Động. - Rút cục thế nào?
Tyler nhướn mắt nhìn tôi, dậm dậm đôi giày Doc Martens đang đi lên tấm thảm cao su.
- Bà chị đặt bánh cưới nhìn cái thứ ấy như thể nó vừa được lôi từ đống đá tảng ra, nhưng không bình luận gì nhiều.
- Thế còn cái bánh sinh nhật?
- Bà ấy tá hỏa tam tinh lên. Trút hết xuống em. Lại còn gào lên “Tôi đã dặn màu hồng đào và tím oải hương cơ mà. Còn cái này là màu da cam, mận chín và xanh nõn chuối”. - Tyler kéo tay áo phông lên. - Em bảo bà ấy là trào lưu mới nó thế. Bà ấy cãi là trông như áo phông Sammy Davis Jr. đã mặc khi hát bài Chàng Kẹo Bông. Em chả hiểu là gì nữa.
- Hình như ca sĩ ấy nổi tiếng khi cô còn chưa biết gì. Rồi sao nữa?
- Cuối cùng chị Ellen đành tặng không cái bánh cho bà ấy. -Tyler đảo mắt sòng sọc. - Cá nhân em nghĩ là cái bánh ấy trông ấn tượng mà.
- Thế ai sẽ trang trí bánh cho đến khi Diane về?
Tyler thở hắt ra đầy cam chịu.
- Em ạ. Em đã hứa với Ellen là sẽ giảm tông màu đi một chút.
Dù sao thì nhiều đơn đặt hàng từ trước đã được hủy.
o O o
Lần đầu nhìn thấy Diane sau khi chị quay lại, tôi gần như không nhận ra. Chiều thứ Sáu và tôi làm cuộc hành hương hàng tuần đến lấy lương. Đi ngang qua dãy giá để bánh, tôi thấy Tyler nói chuyện với một người phụ nữ đang trang trí hoa păng-xê lên một chiếc bánh cưới màu hồng nhạt. Bộ não của tôi suy luận theo hướng rằng chắc Ellen thuê người nào đó làm bán thời gian trong khi chờ Diane về. Rồi cả hai ngước lên và tôi nhận ra Diane đã quay lại.
- Wyn đấy à, - Diane mỉm cười với tôi, một phản ứng máy móc, nhưng gương mặt chị trống rỗng. Trông chị như nhỏ lại; và khi ôm Diane, tôi cảm thấy chị thật bé nhỏ và mong manh.
- Mẹ chị thế nào rồi?
- Không tệ lắm, nếu nghĩ lại những gì bà đã trải qua.
- Phác đồ điều trị thế nào ạ?
Diane đưa cườm tay vuốt tóc mái.
- Còn quá sớm để nói chắc chắn. Xuất huyết ở não trái nên sẽ ảnh hưởng đến phần thân bên phải. Bây giờ mẹ tôi gần như không cử động được bên phải. Hầu như lúc nào cũng phải ở trên giường hoặc xe lăn. - Diane thở dài, âm thanh của sức lực kiệt quệ. - Mẹ tôi được vật lý trị liệu. Họ đã tiến hành rồi. Và liệu pháp thể lực...
- Liệu pháp thể lực ạ?
- Ừ, tôi tưởng là như nhau cả thôi. Như thế có nghĩa là mẹ tôi phải học cách tự ăn, tự vào nhà vệ sinh và tắm rửa. Vất vả lắm vì bây giờ chỉ làm được bằng tay trái thôi. Và tất nhiên là mẹ tôi không nói được nhiều.
- Em rất tiếc. - Tôi cảm thấy từ ngữ nào bây giờ cũng là không thích hợp.
- Ừm... - Tyler hắng giọng. - Hôm nay đến lượt em nấu bữa tối, nên em về đây ạ. Gặp hai chị sau nhé.
Tôi đóng cửa trước lại sau khi Tyler ra về và kéo rèm xuống.
- Em pha cho chị một tách mocha nhé?
Diane gượng cười.
- Và thổi bay hai ta tới tận Hawaii nhỉ?
- Này, Jen đã dạy em đàng hoàng rồi nhé. Em chấp barista* với mọi người đấy. Ừm, em đùa đấy, thực ra ở mức tàm tạm được. - Tôi bật máy pha cà phê lên.
- Ừ, được rồi, tôi có thêm động lực để cố gắng.
- Chị có cần giúp gì không?
Diane lắc đầu. Mái tóc chị xơ bết, giống màu nước rửa bát đĩa hơn là sắc vàng óng như nắng mọi ngày.
- Tyler đã làm xong hết kem bơ, ơn Chúa. Tôi chỉ việc phết kem lên thôi. - Chị rút thêm hoa từ cái xô nhựa con màu trắng. - Linda sao rồi?
Tôi bật cười.
- Có những điều không bao giờ thay đổi.
Đèn báo trên máy pha cà phê, tôi chỉnh van tạo bọt sữa để giảm bớt áp suất, rồi cho cà phê mới xay vào ngăn đựng cà phê. Tôi pha được hai tách thì Diane cũng phết xong kem lót lên tầng dưới cùng một chiếc bánh cưới khác. Tôi đưa Diane tách cà phê và chị nhấp một ngụm.
- Làm tốt đấy!
Chị uống thêm ngụm nữa, đặt tách xuống, và tôi bất lực đứng nhìn khi gương mặt Diane cau rúm lại, chị bật khóc. Không phải là tiếng thổn thức, mà tôi thường cho là một phản ứng tự nhiên. Diane khóc nức nở, tiếng rên đau đớn bật ra như dòng suối nóng trào lên từ một bể ngầm những khổ sở bị dồn nén.
Tôi chỉ có thể vòng tay ôm lấy chị và chờ đợi.
Tôi đã mất khái niệm thời gian khi Diane lùi lại, giấu gương mặt sưng đỏ giữa hai lòng bàn tay.
- Tôi xin lỗi.
- Chị câu nệ gì chứ. Lại kia ngồi nhé.
Diane sụp xuống một cái ghế và áp đầu lên mặt bàn.
- Tôi mệt mỏi lắm rồi.
Tôi lấy khăn sạch, dấp nước lạnh và đưa cho chị.
- Từ hôm ấy đến giờ đêm nào tôi cũng nhấp nhổm không yên. Chúa ơi, mẹ tôi vô phương rồi Wyn ạ. Cả tôi rồi cũng sẽ vô phương thôi. - Diane ấp khăn lên mặt, khẽ nói. - Cô xem, đột nhiên cả thế giới của mình biến mất. Mình không tự làm nổi việc gì. Thậm chí cũng không nói được cho mọi người hiểu mình muốn gì. Đó là người phụ nữ đã điều hành văn phòng bất động sản phát đạt nhất Baltimore. Mẹ tôi từng có ba thư ký riêng. Mẹ tôi nói một tiếng “nhảy” thì ai cũng hỏi bà muốn họ nhảy cao chừng nào. Bây giờ thì bà không còn vệ sinh nổi cho chính mình nữa.
Diane ngồi dậy, cuốn cái khăn ướt quanh đầu như đang quàng khăn.
- Và mẹ tôi quyết tâm bắt mọi người trong nhà cũng phải khổ sở giống bà.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn