Bay
ình hình vẫn như vậy vào năm 40. Dẫu ta cảm thấy rõ rằng thất bại trong vòng tám ngày trước đội quân phát xít là điểm xấu về khả năng sống còn của Đế quốc Pháp. Nước Pháp bị xâm chiếm lần thứ ba trong vòng non một thế kỷ. Ông già bảy mươi bảy tuổi, chòm râu bạc và cặp mắt xanh, ngủ thiu thiu trong chiếc máy bay đang lượn phía trên Địa Trung Hải. Hai hôm sau Marseille, chiếc LeO H-242 cất cánh khỏi sân bay Athens. Con cá voi nhỏ màu trắng rung lên giữa bầu trời xanh ngắt vô tận, để lại đảo Síp dưới cánh trái, trong tiếng rì rì của bốn động cơ môđen mới mang tên Gnôme & Rhône, được lắp bên trên một ống phụt hơi đặt phía sau buồng lái.
Yersin ghi lại thông tin. Gnôme & Rhône.
Ở Paris, ông vừa dự hội nghị của các Viện Pasteur, hội nghị cuối cùng trong một khoảng thời gian rất dài. Ông đã nhận lời tiễn biệt của các nhà nghiên cứu tại cái sân rải sỏi nơi có mộ Roux. Calmette và Roux đã chết được bảy năm nay. Ông đã vinh danh những người đã khuất, bắt tay chào ông già gác cổng, Joseph Meister, người đầu tiên được cứu thoát khỏi bệnh dại, giờ đã sáu tư tuổi.
Hẳn Yersin tự hỏi tại sao ông vẫn sống. Ông còn phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh nữa. Ông nhớ đến hai anh em nhà Calmette, người anh cả Gaston, nhà báo, người được Proust đề tặng đoạn đầu Đi tìm thời gian đã mất, và cậu em Albert, mà ông đã gặp lần đầu tại khách sạn Majestic ở Sài Gòn. Mười năm sau đó, Roux viết cho ông: “Calmette sẽ thu xếp để chúng ta gặp Sarraut ở nhà anh trai cậu ấy.” Hồi đó người ta đã nghĩ bộ trưởng Sarraut sẽ là toàn quyền tương lai của Đông Dương. Cùng trong bức thư ấy, Roux viết: “Ở Viện không có gì mới. Nơi đây chúng tôi đang quan tâm đến các thương thuyết giữa Pháp và Đức về vấn đề Maroc.”
Người anh cả, Gaston Calmette, bị bắn chết khi đang ngồi trong phòng giám đốc tờ Le Figaro của mình, dưới tay vợ một ông bộ trưởng khác, Caillaux. Đó là mùa xuân năm 14, ngay trước vụ ám sát Jaurès và chiến tranh. Thêm một lần nữa, Yersin cố chạy trốn khỏi các trò chính trị nhơ bẩn ấy để sống một mình. Dẫu rằng suốt đời ông sẽ không bao giờ thực sự rời xa được Viện và nhóm môn đệ của Pasteur. Ông dõi theo một đường nét màu trắng pha nâu vàng ở phía chân trời đều một màu xanh lơ. Bóng các ngọn núi của Libăng.
Vào thời của Mouhot (Henri Mouhot (1826-1861), nhà tự nhiên học người Pháp), người phát hiện các đền đài Angkor, vào năm sáu mươi của thế kỷ trước – năm Pasteur bước vào trận chiến lớn của mình chống lại quan niệm sinh sản bộc phát, và từ Chamonix đi tới Biển Băng để lấy mẫu không khí trong lành – để sang được châu Á, vẫn phải đi vòng rất xa qua mũi Hảo Vọng. Ba tháng đi thuyền buồm trên biển. Ba mươi năm sau đó, chuyến hải hành đầu tiên của Yersin trên chiếc Oxus được thực hiện bằng tàu hơi nước và qua kênh đào Suez, chỉ mất có ba mươi ngày. Vào mùa xuân năm 40 này, bằng máy bay thì mất tám ngày. Chỉ trong vòng một đời người, trái bí ngô đã thành trái dưa rồi thành trái quít.
Kể từ sáu năm là khách quen của hãng Air France, ông đã thuộc lòng bài thơ hàng không ấy: sau Athens sẽ là Beyrouth, Damas, Bagdad, Bouchir, Djask, Karachi, Jodhpur, Allahabad, Calcutta, Rangoon, Bangkok, Angkor rồi Sài Gòn. Chừng chục lần cất cánh và hạ cánh kể từ điểm khởi hành, Paris. Những chặng bay giống như những cú nhảy của con bọ chét. Mở hết công suất, con cá voi nhỏ màu trắng thân bọc đuyra bay được với vận tốc hai trăm cây số một giờ. Chậm hơn tàu hỏa ngày nay. Nhưng khi ấy đó là vận tốc không thể tin nổi, làm cho bên dưới khoang người ngồi, ở độ cao vừa phải, cả trái đất đang quay.
Lúc nào ông cũng phải biết mọi thứ, Yersin ấy. Trí nhớ của ông về địa danh, tên riêng cũng như các con số, thật vô biên. Ông ghi chép lại giờ giấc, tên của phi công (Couret) và sĩ quan cơ khí (Pouliquen), tình trạng bầu trời và khí tượng, đọc lại những quyển sổ cũ hoặc vì buồn chán lại ghi chép thêm. Mang thói tật của nhà thám hiểm và nhà nghiên cứu, trong đời mình ông đã viết đầy hàng trăm quyển sổ. Ta hãy ngồi xuống cạnh ông, bóng ma của tương lai tay cầm cây bút, hãy đọc trộm qua vai ông, chép lại vào quyển sổ tay bọc bìa da chuột chũi. Ví dụ như trang này, cứ như là hành trình của một máy bay do thám không người lái chuẩn bị xâm chiếm Iran:
Djask – k.h. lúc 0h55. Độ cao 1000 m
lh50 – Mũi Cướp Biển?, vào Vịnh Ba Tư.
2h – Những ngôi làng nhỏ trên vách đá ven bờ biển. Nước biển xanh ngọc bích đập vào bờ. Các rừng cọ. Thuyền bè. Đá màu ghi.
3h – Bán đảo hoang vu, làng mạc và cọ. Nhiều tàu trên biển.
3h40 – Bình nguyên ở phía Đ., đỡ hoang vu hơn. Nhiều ngôi làng (Chira), gần nửa đường từ Djask đến Bouchir.
5h – Độ cao 1000 m trên các bình nguyên và đồi núi san sát. Nhiều làng mạc. Sông gần như cạn khô chảy từ hướng T.B. sang hướng Đ.N. Đường giao thông.
5h30 – Tiến về thung lũng lớn hướng Đ.N., có dòng sông lớn. Những thửa ruộng bàn cờ.
6h30 – Đến Bouchir, nđ = 27°.
Trong những ngày đầu tiên của tháng Sáu năm 40 ấy, ở mỗi chỗ dừng người ta lại chạy bổ đi kiếm tin tức và lo lắng vì tình hình quân sự. Họ được biết rằng quân Đồng Minh đã rút các đội quân thua trận về Dunkerque. Các cảng biển của Pháp bị máy bay oanh tạc. ở Saint-Nazaire, hàng nghìn người sơ tán đã chết trong trận cháy con tàu Lancastria của hãng Cunard. Chỉ còn lại duy nhất nước Anh đối mặt với Đức. Ý tham chiến. Mỗi ngày Yersin lại rời xa lò lửa châu Âu thêm một chút. Ở Calcutta, ráng chiều đỏ sậm trên sông Hằng, ông ngắm nhìn tấm lưới xen kẽ đỏ tía và vàng của vùng châu thổ lúc mặt trời lặn. ông nóng ruột được về tới Nha Trang, ông hoàn toàn có thể chết trong chuyến bay, được chôn cất bừa ở đâu đó tại một chặng dừng. Thay vì một nhà thờ mộ, xin họ dựng ở đó một Viện. Ông đếm từng ngày và từng lần cất cánh như một cậu học trò đợi hè về. Đã gần năm mươi năm nay, lần nào ông cũng quay về Nha Trang và ông muốn chết ở đó. Người ta phát âm là Nia Trang, ông nói rõ như vậy trong thư từ. Ông giải thích với những người nhận thư của mình rằng Alexandre de Rhodes, tác giả bộ từ điển Việt-Bồ-La vào thế kỷ 17, là một thầy tu dòng Tên xuất thân từ Avignon, dùng ngôn ngữ miệt Oc và phát âm “h” mểm. Nia Trang. Lúc nào ông cũng phải biết mọi thứ, Yersin ấy.
Chính là nhờ tình bạn của một vị chỉ huy khác của Hãng Đường biển, thuyền trưởng Flotte, người Saint-Nazaire, mà Yersin đã phát hiện ra Nha Trang.
Và đã đặt chân đến thiên đường.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả