Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7
ang ngày hôm sau ông cụ Okenti đưa Kachia theo con đường thẳng qua rừng đến ấp trại của làng Lukianốpca. Bây giờ trời đã ngả chiều. Sau những ngày đêm bão tuyết bầu không khí bằng lặng im ắng đến rợn người. Bầu trời quang sạch màu tối mịt mù và lúc này cao tít và xanh rợi. Những ngôi sao đầu tiên thắp sáng. Vầng trăng đầy đặn giống như con cá giếc ở hồ bơi ra khỏi ngọn rừng. Ánh trăng dịu dàng, không chói lọi láng cho những khoảng tuyết mênh mông một nước vàng đồng êm ái. Giá buốt. Tuyết lạo xạo vỡ dưới chân, rơi ở ủng lông xuống, lấp lánh như những đốm lửa nhỏ.
Còn cách ấp mới độ nửa vecxta, ông cụ Okenti dừng lại chỗ con đường rẽ tới đường cái quan.
- Bây giờ thì, cháu gái ạ, cháu đi một mình thôi. Ta chẳng có việc gì làm ở ấp mới cả. Ta quay trở lại đây.
Kachia cảm ơn ông cụ Okenti đã cho nương nhờ, đã dẫn đường chỉ lối, đoạn nói:
- Cụ ơi, câu chuyện của cụ về việc khắc phục cái sợ hãi không bao giờ phai mờ trong trí óc cháu. Cháu thấy sự tự tu dưỡng hoàn thiện bản thân về đạo đức quả là một sức mạnh lớn lao đến chừng nào. Tuy nhiên cháu lại nghĩ thế này: để có thể chiến thắng được trong thế giới con người cái sợ hãi trước Chúa, quỉ xa tăng, đói, trước Nga hoàng và chính quyền, cần phải tiêu diệt những điều kiện xã hội đẻ ra những hiện tượng khủng khiếp ấy. Một khi còn cơ sở để cho con người áp bức con người, mọi cái sẽ vẫn tồn tại, như đã có...
- Còn xa lắm lắm mới đến chỗ đó, - ông cụ Okenti thở dài, nhìn kỹ gương mặt của Kachia.
- Cụ nói gì vậy! Gần hơn là cụ tưởng! - Kachia thốt lên.
- Không, cháu gái ạ, để con người không bị nỗi sợ hãi xúc xiểm mà ăn thịt lẫn nhau, chỉ có một con đường: không chờ đợi Chúa giáng thế lần thứ hai, Chúa chẳng bao giờ đến đâu, mà mỗi người phải thôi thúc lương tâm chống lại nỗi sợ hãi, thức tỉnh sức mạnh của tâm hồn... Chúc cháu đi may mắn, cháu gái. Ở đây cháu đặc biệt phải không được coi thường. Dọc đường cái quan có bọn chỉ điểm đấy...
- Cháu chúc cụ may mắn trở về nhà mình và còn sống lâu và khỏe khoắn, không ốm đau. - Kachia siết chặt đôi tay mình trong những cái bao tay bằng len đen ấm áp,
Ông cụ Okenti hất mái đầu, ẩn khuất dưới cái mũ chụp tai bằng lông bù xù đến mũi, nâng vạt áo lông cừu lên và bước đi bất kể tuổi tác, thoăn thoắt chuyển động đôi ủng lông màu tro, cao ống.
Kachia một mình còn lại trên con đường xuyên rừng phủ đầy tuyết. Cô nhìn theo mãi ông cụ Okenti. Đây kia, cụ đang thấp thoáng giữa các thân cây bạch dương trắng và rồi biến đi không còn thấy nữa. Không vội vã, thư thả ngửi mùi khói từ ấp mới bay tới, Kachia đi tiếp, chân đạp lên những đống tuyết đã rắn lại.
Quyết định đưa Kachia đến ấp mới sau hai ngày tạm trú ở nhà ông cụ Okenti, bác Lukianốp đã có mấy lời khuyên bảo: thứ nhất, cô đến đấy vào lúc càng tối càng tốt, thứ hai, đừng ngủ đêm ở nhà cô Dina, mà ở nhà hàng xóm của cô ấy - nhà chị góa Ônghea Tôntsenôva. Kachia cũng không hỏi vì sao phải như vậy. Bác Lukianốp khuyên bảo, nói cho Kachia hay, - bọn chỉ điểm không ngồi yên tại chỗ, mà sục sạo khắp dọc đường, mà cô Dina dù sao đi nữa cũng là chị em của bác, hẳn bị để ý.
Mấy lần Kachia đã đi tới gần ấp mới, nhưng đứng một lúc ở cách không xa ngôi nhà đầu ấp, cô lại quay ra. Cô vẫn cứ cảm giác rằng cô đến còn sớm quá, còn chưa đến giờ.
Chắc đã gần đến nửa đêm, khi cuối cùng Kachia bước đi trên đường ấp mới, chú ý tìm ra ngôi nhà của cô Dina và gõ cửa vào nhà chị góa Ônghea hàng xóm.
Trong ấp mới vắng vẻ. Những ngôi nhà gỗ lút ngập trong tuyết. Từ các ống khói, cùng với những luồng khói, từng cột tàn lửa bay lên. Những tàn lửa vạch ngang dọc khắp bầu trời tối đen và tắt ngấm đi ở đâu đó trên cao. Từ các sân nhà im ắng không một âm thanh động tĩnh vẳng tới tai Kachia.
Bỗng nhiên đằng xa kia ở cái ô cửa sổ của căn nhà gỗ lóe lên ánh lửa. Trong lòng Kachia trở nên bình thản hơn, vui vẻ hơn. Cô rảo bước chân, trong tâm chí cô hé ra niềm hy vọng: «Có thể, nhà chị Ônghea sáng đèn? Sẽ không phải gõ cửa, làm phiền cả nhà». Mỗi phút cái cửa sổ sáng đèn càng gần thêm. Khi chỉ còn khoảng hai trăm bước nữa, Kachia hiểu ra là đó chính là ngôi nhà của cô Dina. Liệu có phải Masa từ Lukianốpca đến với cô ấy hay không? Nếu thế thì thật tuyệt», - Kachia thoáng nghĩ và, dù có mệt đến chừng nào đi nữa, cô cũng chạy ào tới. Nhưng qua chừng hai ba chục bước, Kachia dừng lại lo lắng. «Nhưng Masa với cô Dina thắp nến để làm gì kia chứ? Lần trước làm như thế vì mình - khách ở tỉnh về. Không, ở đây có chuyện gì đó».
Con chó con của Kirin ngửi thấy Kachia, nó hạp hạp lao ra chỗ cô. Kachia se sẽ huýt sáo gọi nó, âu yếm bảo nó: «Nào, ngoan nào, ngoan nào. Chú bé nhớ ta chứ, chắc là nhớ ta chứ». Quả thực con chó con quấn quít bẽn cạnh Kachia, kêu rít rít mừng rỡ và vẫy tít đuôi.
Đến nhà chị Ônghea Tôntsenôva còn khoảng ba trăm bước, nhiều lắm là năm trăm bước, nhưng bây giờ Kachia không sao cưỡng được cứ muốn bước đến căn nhà cô Dina. Nếu như không được phép vào nhà cô ấy, thì ít ra có thể nhòm vào cửa sổ, cô ấy có chuyện gì không biết, điều bất hạnh gì buộc cô ấy phải thắp đèn lên giữa đêm khuya? Nhưng có thể, không phải là điều bất hạnh, mà lại là chuyện mừng vui cũng nên. Có thể, trái tim cô Dina không lầm, và chồng cô bị mất tích suốt ba năm, bây giờ lại đích thân trở về gia đình thân thuộc?
Thận trọng bước từng bước, để lại dấu vết chân in hình xoắn ốc trên tuyết, Kachia tiến đến bên cửa sổ căn nhà của cô Dina. Do điều kỳ diệu mà một góc cửa sổ không bị lớp băng giá phủ kín. Kachia hơi cúi xuống, và đập vào mặt cô là một cảnh tượng đau lòng: cô Dina hở hang ngồi ở góc nhà sau bàn, còn phía sau cô chính là... Karpukhin, ôm cô vào lòng, bập đôi môi vào cái vai trắng trẻo của cô. Một tay Karpukhin đè lên ngực cô Dina, còn tay kia đặt trên bụng cô ấy. Những ngón tay ngắn ngủn của Karpukhin trông như những con đỉa căng máu, động đậy.
Không có điều gì lọt qua mắt nhìn của Kachia. Cô nhận ra là bộ mặt của cô Dina say rượu, buồn rầu và đồng thời dửng dưng hờ hững. Đôi mắt cô ấy nửa khép nửa mở, chính vì thế mà có cảm giác rằng cô Dina chết rồi, không còn cử động được nữa. Trên bàn là một chai vốtca, mấy cái đĩa còn sót lại đồ nhắm, tách, ấm xamôva. Rõ ràng là cuộc truy hoan bắt đầu ngay từ chập tối...
Kachia ba chân bốn cẳng lao trở lại ra đường. - «Cô Dina không chịu đựng nổi, không đứng vững được nữa», - ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu Kachia, và tự nhiên muốn phát khóc lên vì hờn giận thay cho cô Dina, người mà Kachia đã yêu quí ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên và đã đem lòng tin cậy, vì biết mình bất lực trước những đòn giáng bất ngờ nhất của cuộc đời, vì sự độc địa của cái thế giới trong đó cô Dina phải sống.
Trong lòng rối bời bời, Kachia thút thít khóc, không còn nhớ gì nữa, đi đến tận cuối ấp mới, từ lâu bỏ qua ngôi nhà của chị Ônghea Tôntsenôva. Vậy là cô cứ chẳng nghĩ ngợi gì, như một cái máy bước đi, hẳn sẽ còn đi tiếp nữa, nếu như ở cái nhà ngoài cùng ấp, nhà của «ông chủ ấp» Evơlampi Erơmilôvích mà cô đã được biết qua lần ông ta đến nhà cô Dina đòi nợ, mấy con chó không xồ ra định cắn cô. Những con chó săn to lớn đồ sộ lao tới gầm gừ. Kachia bốc lấy những nắm tuyết, ném vào bầy chó điên khùng, và đi giật lùi. May mắn, cô nhặt được một cây gậy. Cô vung cây gậy lên vù vù. Bầy chó sợ bị choảng liền lùi lại. Kachia không để lỡ một giây nào, bỏ chạy thục mạng. Bầy chó lao đuổi theo Kachia, nhưng cây gậy lại vun vút vung lên trong không trung. Tiếng bầy chó của ông Evơlampi Erơmilôvích sủa hỗn loạn gây náo động. Nghe thấy tiếng cánh cổng nhà ông ta kẹt lên, nhưng Kachia đã ở xa rồi. Tuy thế chó ở các nhà khác trong ấp lại theo nhau sủa om. Kachia hiểu là cô phải rời bỏ đường làng. Nhanh nhẹn, không chút lưỡng lự gì hết, cô đi tới nhà chị Ônghea và gõ vào cửa sổ. Lập tức có tiếng đáp lại, dường như ở đây đã đợi cô sẵn.
- Vào trong nhà này, - nghe có giọng nói đàn bà ở sau cửa sổ.
«Hẳn là bác Lukianốp kịp báo trước việc mình sẽ đến», - Kachia thầm nghĩ. Trong sân tối om Kachia không tìm ra ngay hiên cửa, nhưng đến khi tìm được cửa hiên rồi, lại không làm sao tìm ra móc cửa. Nhưng bên trong đã nghe thấy cô, chắc là cũng đoán được những chuyện khó khăn nan giải vì thế cánh cửa mở rộng từ trong ra. Hơi ấm áp trong nhà lập tức bao trùm lấy Kachia.
- Có thể nhờ gia đình ngủ qua đêm được không ạ? - Kachia hỏi, nhìn người đàn bà vừa mở cửa cho cô. Ánh sáng từ phía bên kia rọi đến cửa sổ lờ mờ soi tỏ chị ấy.
- Bạn gái của Masa hả? Vào đi, Kachia, cô vào đi. Chỗ chẳng thiếu đâu. Ở đây thì cần thận một chút: con bò cái vừa đẻ, tôi vừa đem con bê vào nhà. Dáng chừng chuyển băng giá dữ. Còn ở đây, Kachia, chú ý không giẫm phải người đấy. Lũ trẻ nằm vạ nằm vật khắp... Cô ngồi xuống đây, ngồi xuống cái hòm gỗ này. - Chị chủ nhà nắm lấy vai Kachia, mời ngồi. - Cô có thể ngủ ngay ở chỗ này. Dù sao đi nữa cũng không phải là nằm dưới sàn. Đáng ra để cô lên nắp bếp lò nằm, nhưng ở đấy bà tôi đã chiếm rồi.
- Ở đây tốt rồi, - sờ soạng trong tối thấy cái hòm gỗ rộng, Kachia sẽ nói. - Thoạt đầu tôi định đến chỗ cô Dina kia, nhưng ở đấy có chuyện gì ấy không ổn...
- Cô em yêu quý, đừng nói thế! Cái gã Karpukhin ấy lại đến. Từ năm ngoái hắn đã giạm hỏi mãi chị ấy, không cho chị ấy yên được. Không cách này thì cách khác hắn quyết đoạt được chị ấy. Hắn đến say khướt, lại không phải chỉ có một mình, mà đi với một tay cùng cánh. Ấy, cái tay ấy uống say bí tỉ ngay từ lúc trời bắt đầu chạng vạng. Ông Evơlampi Erơmilôvích kéo hắn về nhà mình. Chắc là hắn ngủ li bì không còn biết trời đất gì nữa. Còn Karpukhin, đồ súc sinh vằn vện, đuổi cả Kirin cả bà mẹ chồng ốm đau của chị Dina đi. Hắn bảo: «Tôi với Dina sẽ có câu chuyện quan trọng. Tôi không cần có những người chứng kiến chuyện này». Bọn ta ai chẳng biết câu chuyện ấy là thế nào... Ôi, nỗi đau khổ của cánh đàn bà chúng ta! - chị chủ nhà thở dài.
Kachia im lặng, cân nhắc mọi điều người đàn bà vừa nói. Gã cùng cánh của Karpukhin cô cũng biết. Đó là tên cảnh sát thứ hai - môi dầy, ủ rũ với bộ mặt bị rám. Nhưng cô Dina thì sao kia? Không lẽ cô nhịn nhục khuất phục Karpukhin ư? Hay dù sao đi nữa cuối cùng cũng quyết định gắn bó cuộc đời mình với người chồng mới? Nhưng liệu cô ấy có biết người ta đồn gì về Karpukhin không? Chắc là biết, không thể không biết. Như vậy thì chuyện gì đã xảy ra?
- Thế cô không chạy sang với cô Dina ư? Không định cứu đỡ cô ấy ư? - Kachia hỏi, vẫn còn chưa quyết định cởi bỏ áo lông và tấm khăn che người.
- Sao lại không, có chứ! Ghé sang mang theo cho bát bắp cải. Làm như để biếu quan ngài. Bản thân tôi thì thào với Dina: «Chị phải bỏ chạy đi». Nhưng chị ấy ném đôi mắt đầy nước mắt nhìn tôi, trả lời: «Ôi, Ônghea, Ônghea, cái gì phải thì chẳng tránh được!...»
- Hóa ra là cô ấy bằng lòng?
- Hóa ra là như vậy, Kachia.
Kachia ngả người ra sau tường, cố ghìm tiếng thổn thức muốn bật ra khỏi lồng ngực. Cô ngồi trong tư thế ấy hồi lâu, rất lâu. Chị Ônghea đã thiếp ngủ, bật tiếng ngáy. Bọn trẻ con nằm ở dưới sàn cũng ngủ say cả; chọp chẹp lưỡi con bê tự liếm người nó. Còn Kachia đến nhắm mắt cũng không nổi. Sau đó chú gà trống trong chuồng lên tiếng gáy khàn khàn. Đã sắp sáng. Cuối cùng cả Kachia cũng thiu ngủ. Cô rải tấm áo lông ra mặt hòm, lấy tấm khăn choàng đắp lên người.
Cô ngủ rất ít. Chốc chốc cửa lại mở ra, kêu cọt kẹt, không khí giá lạnh ào vào. Mở mắt, Kachia nhìn thấy trong bóng tranh tối tranh sáng mấy người đàn bà. Họ túm tụm bên cửa ra vào, thì thào lo lắng.
Kachia lắng nghe. Tên cô Dina luôn được nhắc tới. Điều đó khiến cho Kachia đứng bật dậy, rời khỏi hòm gỗ.
- Có chuyện gì thế? - Kachia hỏi, đi đến chỗ mấy người đàn bà.
- Kachia, khỏi phải nói gì! Khủng khiếp quá! Dina đã giết chết Karpukhin rồi. Hắn nằm dưới sàn, áo sơ mi rách toang, hở cả rốn. Máu khắp chung quanh... Chị ấy dùng ngay khẩu súng lục của hắn...
Kachia cảm thấy cổ cô nghẹn lại, hai má nóng bừng bừng, đâu đó bên sườn trái đau nhức nhối. «Biết mà, mình đã biết, đã biết là cô Dina không thể lấy gã Karpukhin... Tại sao mình không lao vào giúp cô ấy?» - Kachia thoáng nghĩ.
- Chuyện xảy ra lâu chưa? - Kachia hỏi, cảm thấy chỉ muốn chạy ngay sang nhà với cô Dina.
- Hẳn là đã lâu lắm rồi... Cái gã tùy tòng của Karpukhin đang ở đấy. Tên kẻ cướp ấy canh giữ Dina. Nhưng canh giữ gì chị ấy? Bản thân chị ấy sống dở chết dở. Ngồi đấy, mắt ráo hoảnh nhìn chằm chằm lên trần. Tất nhiên là có cả người chúng ta. Ông Evơlampi Erơmilôvích cũng có mặt ở đấy. Đâu có xác chết, đấy có quạ mò đến. Thiếu ông ta sao xong được? Tùy phái đã phi ngựa về Lukianốpca. Lão thôn trưởng với lão quản cảnh sát chỉ lát nữa sẽ tới. - Chị Ônghea thở ngắn thở dài, sau đó cầm tay Kachia, dẫn cô ra một bên, trong chừng mực căn nhà cho phép, nói sẽ vào tai: - Mà Kachia này, cô phải đi ngay, khi trời còn chưa sáng rõ. Không phải lúc cô có mặt ở ấp mới lúc này. Bà thông gia Lidaveta tối qua ở Lukianốpca đến bảo là: ở đấy náo động kinh khủng - họ đang tìm kiếm cô, như vật báu bị mất ấy. Bây giờ cô ra khỏi cổng một cái, đi ngay xuống mương xói. Ở đấy có đường khác dẫn cô ra đường cái quan.
Sự dè chừng của chị Ônghea thật là kịp thời. Kachia nắm tay chị ta, muốn nói điều gì đó, nhưng cổ họng nghẹn lại vì xúc động. Cô len đi qua chỗ mấy người đàn bà, mở cửa qua sân ra đường làng.
Bắt đầu một buổi sáng mùa đông sáng sủa. Bóng tối đã tan hết. Từ sau rừng hiện lên một dải ánh hồng của mặt trời mọc muộn.
o O o
Ở Mikhailốpca, tại quán trọ xảy ra một câu chuyện rất có thể đã kết thúc không hay cho Kachia.
Kachia không thể đi một mạch hết cả con đường từ ấp mới ra tới thành phố. Đêm mất ngủ, sự lo lắng cho số phận của cô Dina, tâm trạng cảnh giác thường xuyên trên đường đã cho thấy tác động. Mấy lần Kachia bổ ra bên lề đường, khi nghe thấy tiếng xe chèo chẹo và tiếng vó ngựa ở phía trước hoặc phía sau mình. Xe ngựa của nông dân cô chẳng sợ, nhưng đường cái quan là đường cái quan. Có cả xe ngựa chở người nhà nước thường qua lại đây luôn. Ở những cỗ xe ấy chẳng thể chờ đợi điều gì tốt lành.
Đến được Mikhailốpca, Kachia cảm thấy rằng cô không còn sức đâu đi tiếp nữa, hơn nữa, đến thành phố có thể lại nẩy ra rắc rối vì chỗ ngủ. Cô quyết định ngủ đêm lại đây. Nhưng không ở cái quán trọ mà lần đi trước cô đã nghỉ lại uống trà, mà ở quán khác, nằm chéo bên đường.
Mụ chủ quán, một bà già to lớn khỏe mạnh, giọng nói cảm lạnh, đứt đoạn, đón Kachia - Kachia thầm đặt tên ngay cho bà ta «mụ khổng lồ». Luôn đưa nhúm thuốc lá lên mũi ngửi rồi lại hắt hơi inh tai váng óc, bà chủ quán xét nét nhìn Kachia, trắng trợn căn vặn:
- Cô xinh đẹp vậy ở đâu ra thế?
Kachia nhanh nhảu đưa ra một câu chuyện bịa:
- Chạy loạn. Tôi từ xa về thành phố để chạy hưu trí cho mẹ già. Cha tôi là sĩ quan, hy sinh ngoài mặt trận.
- Thế cô có tiền trả suất nghỉ trọ đêm không đã? Cô đưa trước đây! - «mụ khổng lồ» nói bằng một giọng trầm khản đặc.
Kachia lắc những đồng tiền kêu lẻng xẻng một cách đầy ý nghĩa, xếp thành mấy cọc rồi đưa cho mụ chủ quán.
- Ngồi vào bên ấm xamôva, rót nước sôi mà uống, - «mụ khổng lồ» dịu giọng nói rồi bỏ sang nửa nhà bên kia.
Kachia ngồi vào cái bàn dài, lấy ở túi áo lông ra toàn bộ dự trữ của mình: một mẩu nhỏ bánh mì đen và hai con cá diếc khô mà ông cụ Okenti Xvôbốtnưi đã giúp cho cô vào phút cuối cùng. Bữa ăn tối đạm bạc quá thể, hơn nữa, hôm nay cô không được ăn sáng và cũng chẳng được ăn trưa. Nhưng mấy con cá diếc muối mặn quá làm cho cô khát nước. Kachia uống liền hai ca nước đun sôi và cảm thấy no nê, liền đi thu xếp chỗ nằm ở góc phản gỗ, chiếm cả nửa phòng ngoài.
Cô nằm, lấy khăn choàng che đầu. Trong nhà im ắng, không một tiếng động, tiếng cạch. Khách trọ thường ào đến muộn hơn - vào nửa đêm. Kachia lại suy nghĩ về cô Dina. Không hiểu cô ấy ở đó ra sao? Có thể, chúng giải cô về Lukianốpca và nhốt vào đúng cái nhà gia súc của lão quản, mà chính cô, Kachia, đã bị giam trong đó. Mà có thể, chúng kèm lính giải cô về nhà tù ở tỉnh... Kachia nhớ đến cả chú bé Kirin, thằng nhỏ đáng thương - thế là còn lại một thân một mình. Nhưng nó chẳng phải côi cút, một khi bác Xtêpan Lukianốp còn sống.
Trời tối hẳn. «Mụ khổng lồ» thắp đèn. Bỗng nhiên ngoài sân có nhiều tiếng cười nói, cửa mở ra, và khoảng mươi người lính ào vào nhà. Kachia nhìn khắp lượt họ để nguyên khăn choàng che mặt. Mặc những cái áo capốt ngắn mỏng manh, đi những đôi ủng nỉ vá víu, đội những cái mũ lông giả lông cừu non đính quân hiệu, họ có lẽ đã cóng lạnh lắm, sà ngay cả vào sưởi bên cái bếp lò sắt, đưa tay vào hơ lửa.
«Mình phải làm gì đây?» - Kachia lo lắng nghĩ. Cô không hề tính đến cái chuyện chạm trán với binh lính. Một khi có lính thì tất nhiên là có cả sĩ quan. Mà cái đó thì rầy rà to. Liệu có nên trở dậy và, trong khi những khách trọ mới còn chưa quan sát đến nơi đến chốn, cô rời bỏ ngôi nhà này mà đi? Có thể ngủ trọ đêm ở chỗ khác có sao. Ở Mikhailốpca, cũng như ở các làng ven quốc lộ khác, hầu như nhà nào cũng tiếp nhận khách trọ.
Nhưng dù sao vẫn có cái gì đó giữ chân cô lại. Kachia nằm không nhúc nhích, và không để lộ sự có mặt của mình bằng bất cứ điều gì hết. Còn những người lính bắt đầu trò chuyện, châm thuốc hút phập phèo, và Kachia có cảm giác là chẳng có gì đáng sợ, nếu như cô cứ ngủ đêm tại đây. Lắng nghe câu chuyện của binh lính với nhau, Kachia hiểu ra đôi điều về họ: đi ở thành phố về, cùng với họ có một ông thiếu úy, ông ta đã rẽ vào ngủ nhà chủ tiệm tạp hóa ở đây, và ơn chúa, ít ra thì được một đêm ngủ không có con mắt dòm dỏ của ông ta. Những người lính đi đâu, với mục đích gì, không thể biết được. Kachia vẫn cứ chờ, biết đâu đấy có người nào trong bọn họ lộ điều gì ra chăng? Nhưng không, chuyện đó đã không xảy ra.
Những người lính sưởi ấm người, quay ra uống nước. Tâm trạng của họ rõ là không được lấy gì làm vui vẻ. Họ im lặng nhiều hơn. Còn nếu như có trao đổi đôi lời, thì thì thào sẽ sẽ. Thức ăn nhà nước cung cấp cho họ, thật là nghèo nàn: bánh mì đen đã tróc vỏ, cá hồi khô khăm khẳm, một miếng đường ướt nhẹp, lem nhem những vết vàng vàng.
Sau bữa tối, những người lính tản ra: người leo lên bếp lò - sưởi ấm bộ xương ê ẩm, người lăn ra phản, có đôi người sang nửa nhà chủ: chuyện gẫu về cuộc sống với bà già.
Bên bàn còn lại hai người: một đứng tuổi, với cánh tay khoèo khoèo, có lẽ vì bị thương, và xét qua câu chuyện của họ, người kia là người cùng làng với bác ta - một anh lính cao, gầy, tất cả đều góc cạnh, cựa cậy là kêu lục cục, như thể lắp bằng cái bản lề.
Người lính già lấy ở túi áo va rơi ra một cái phong bì đã nhầu và tờ giấy sạch với mẩu bút chì, và cả hai ngồi rầu rĩ vì lần này không biết họ đi đâu, mà không viết được chuyện gì đó về nhà và bây giờ vợ con họ coi họ đã chết ở quân y viện Xibiri rồi. Kachia hiểu ra là họ không biết chữ.
- Các bác ơi, đưa tôi giúp các bác nào, - trở dậy rời cái góc tối của mình, cô lên tiếng. Vì bất ngờ, những người lính thậm chí giật thót.
- Cô bé biết chữ, cô ở đâu ra vậy? Phải là thiên thần từ trên trời hạ giới không chăng đấy? - người lính đứng tuổi bật cười.
- Đâu có thế, bác, thiên thần nào kia. Tôi là người chạy loạn. Tôi đi ra thành phố. Tôi nằm ở chỗ góc kia kìa. Nghe tiếng các bác gặp chuyện nan giải. Mà tôi biết chữ, - Kachia nói, hồ hởi nhìn những người lính.
- Nếu thế thì tốt! Thật may mắn, - người lính già mừng rỡ.
Người lính cao gầy thuộc loại lầm lì. Anh ta chỉ ầm ừ tán thưởng, nhìn Kachia bằng đôi mắt vui vẻ hơn.
Kachia ngồi vào bàn, dịch đèn gần lại, lấy lòng bàn tay vuốt thẳng cái phong bì và tờ giấy.
- Bác đọc đi. Tôi sẽ viết từng chữ từng lời. Rồi ngày mai ra thành phố tôi sẽ bỏ vào hòm thư hộ. Các bác ở đâu xa?
- Chúng tôi người tỉnh Ôriôn, huyện Mtxenxcơ,
«Đồng hương của Ivan Xécghêevích Tuốcghênép. Biết đâu đấy lại là con cháu các nhân vật trong «Bút ký người đi săn» của ông cũng nên»,- Kachia thầm nghĩ và chuẩn bị viết.
Người lính già sau những năm gian khổ phục vụ đã trở thành một nhà thiện nghệ về lĩnh vực đọc thư nhờ người khác viết. Khoảng hai mươi dòng chữ nhỏ li ti Kachia viết lên tờ giấy, kể ra tên các người thân thuộc xa gần mà cần gửi lời chào,
- Chủng tôi sống khổ sở. Không thấy ánh sáng hé ra ở đâu, - người lính già tiếp tục đọc cho viết. - Tôi với Nikita đã nằm quân y viện ra. Người ta định chuyển chúng tôi về đơn vị thương phế binh. Chúng tôi đã hy vọng được giải ngũ ra về, nhưng đâu có chuyện như vậy. Đám lính ở mặt trận mới về cho biết, Sa hoàng thiếu lính lắm. Cánh lính chúng tôi ngoài mặt trận theo nhau ngã xuống một cách vô ích. Những người tránh được viên đạn của quân địch, thì lại chết rấp vì chấy rận. Mà bệnh do chấy rận gọi là thương hàn. Cầu Đức mẹ nhân từ thiêng liêng cứu giúp. Chúng tôi còn muốn viết cho mọi người ở nhà biết là hiện nay người ta xua chúng tôi đi dọc theo đường lộ Xibiri, còn đi đâu, chính chúng tôi cũng không biết đích xác nữa. Dù sao chúng tôi cũng đánh hơi biết là họ đưa chúng tôi đến một cảng nào ấy. Ở đấy, nghe nói những người đàn bà và trẻ con đói đã tự tiện tẩu tán kho lúa mì của nhà nước. Thực ra thì họ biết làm gì khác kia chứ? Không lẽ chịu chết đói ư? Chúng tôi lo: không khéo người ta bắt phải nổ súng vào chính người mình. Đêm đêm chúng tôi không ngủ, cứ nghĩ ngợi quẩn quanh về chuyện này... Giá có được một thỏa thuận với anh em...
- Đây là cô nào thế này?! Cô làm cái gì ở đây?! - Bỗng chợt giọng nói ầm ầm của gã thiếu úy vang lên ngay trên đầu Kachia. Làm sao mà gã vào được nhà một cách lặng lẽ như thế, quỉ cũng chịu. Người lính già, nín lặng, bật dậy và đứng nghiêm. Người lính cao, gầy cũng làm đúng như vậy. Cũng phải nói là khi anh ta bật dậy, những cái đầu gối bản lề của anh ta kêu lên răng rắc vang khắp cả căn phòng. Kachia vò nhàu tờ giấy đi và đút nó vào áo.
- Hai bác lính không biết chữ. Họ bảo tôi giúp họ viết thư về quê hộ, - Kachia bình tĩnh trả lời, ngồi nguyên tại chỗ và nhìn gã thiếu úy to béo, mặt đầy đặn trong cái áo lông loại tốt, đính lon, đi đôi ủng nỉ mới, chưa bị nong ra, đầu đội mũ lông, lấp lánh cái quân hiệu tươi rói. Từ người gã phả ra mùi rượu lậu.
- Tại sao cô sán đến binh lính của tôi? Cô cần gì nào? Hay là, có thể, cô muốn để tôi quẳng cô ra ngoài băng lạnh? - gã thiếu úy tiếp tục gắt gỏng.
- Ông nạt nộ vô ích, thưa ông sĩ quan. Tôi là con gái một đại úy hy sinh ngoài mặt trận. Chạy loạn từ Riga về. Tôi đến thành phố để lo hưu trí cho mẹ tôi. Tình cờ có mặt ở cái quán trọ này cùng với binh lính của ông. Nếu như ông thấy cần, tôi sẽ đi khỏi đây ngay lập tức.
Kachia nói những lời đó hết sức rắn rỏi, mặc dù tim cô đập thình thịch như muốn vỡ ra.
Gã thiếu úy nhìn chằm chằm Kachia, lùi lại nửa bước, nói một cách thận trọng:
- Như vậy tiểu thư càng không có việc gì ở đây. Xin lỗi tiểu thư.
- Chào ông, ông sĩ quan. Chào các bác lính. - Kachia xỏ tay vào áo lông và mặc dù cô cứ muốn chạy bổ ngay ra cửa, lại thư thả bước đi. Ra khỏi nhà, cô nghe thấy tiếng chửi mắng tục tằn của gã thiếu úy phủ xuống đầu binh lính. «May mà mình cầm theo lá thư, chứ không thì còn tồi tệ hơn», - Kachia thầm nghĩ.
Đêm ấy cô ngủ nốt ở một nhà trọ khác ở tận cuối làng.
o O o
Kachia đến được Tômxcơ yên ổn, không gặp chuyện gì khác trở ngại. Cả thẩy chỉ có hai lần cô rời khỏi đường cái để tránh các đoàn xe ngược lại, mà cô thấy khả nghi.
Cô bước đi không vội vã, bởi vì cô biết tốt hơn cả nên vào thành phố lúc trời xẩm tối. Thời giờ không hối thúc cô và cái đói cũng vậy. Ở một quán trọ cô đã gặp dịp để làm chuyện mua bán vặt: đem cái khăn vuông, mà cô vẫn dùng thay khăn quàng cổ đổi lấy một nửa cái bánh mì và một miếng mỡ lợn. Cái đó, theo sự hiểu biết của cô, là cả một báu vật. Hai ngày liền đầu óc có thể không phải lo lắng gì cho cái dạ dày.
Trên đường phố, Kachia bước đi thận trọng, giấu mặt vào cổ áo lông cộc, hé mắt chăm chú nhìn người qua lại. Khi có người từ phía sau đi lên, cô bước chậm, cho người kia đi vượt lên trước, tạo một khoảng cách để không thể nhìn thấy mắt cô. Có thể tất cả những sự đề phòng ấy kể ra cũng chẳng cần thiết, nhưng Kachia rất muốn gặp lại những người trong gia đình bác Lukianốp và bác Naximôvích, và vì việc đó mà cần phải giữ mình.
Kachia không phải dễ dàng trở lại căn nhà hầm của các con bác Lukianốp. Họ đang gặp chuyện đau thương, điều bất hạnh nặng nề, nhưng Kachia không thể nghĩ ra lối thoát nào khác. Trang phục thành phố của cô để cả ở đây, ông Naximôvích hứa chuyển các chỉ thị cũng lại đến đây, những chỉ thị cho cô biết phải hành động tiếp ra sao.
Nhưng chỉ có một mình Xtêpan ở nhà. Chú ngồi bên ngọn đèn, đang ăn tối và mải mê ăn đến nỗi không để ý ngay đến Kachia.
- Chào chú Xtêpan. Sao chú không đóng cửa vào thế?
Xtêpan bật dậy, nhưng lại ngồi ngay xuống, ngượng ngùng vuốt tóc. Kachia nhìn chú, nghĩ bụng: «Chú ta còn chưa biết gì chuyện xẩy ra ở ấp mới. Mình biết nói thế nào, bằng những lời lẽ gì cho chú ấy biết về chuyện ấy?»
- Thế các chị ấy đâu, Xtêpan? - Kachia hỏi, cố biết rõ đến cùng giả thuyết của mình.
- Ôi, nhà chúng tôi gặp chuyện chẳng may! Kinh khủng quá! - Xtêpan nói và nhăn nhó, như bị đau đớn lắm.
- Chuyện cô Dina? - Kachia hỏi. Cô cởi áo lông cộc, khăn trùm đầu, đôi ủng nỉ mà không hiểu vì sao hôm nay đi đường đã cọ xát bụng chân cô rát bỏng lên.
- Thế chị làm sao biết được thế? - Xtêpan ngạc nhiên.
Kachia kể về việc mình đến ấp mới. Xtêpan lắng nghe chăm chú, đôi lông mày sẽ động đậy, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Kachia.
«Cô Dina, cô Dina», - đôi môi chú động đậy không thành tiếng.
- Đunhia đi với Masa đến nhà tù. Có thể các chị ấy sẽ thấy họ giải cô Dina từ Lukianốpca tới.
- Họ sắp về tới chưa?
- Còn xơi! Các chị ấy còn chờ đến đêm khuya. Hôm nay, đúng ra phải giải đến đấy, nhưng, có thể, phải ngày mai cũng nên. Còn ông Naximôvích bảo phải nói để chị tìm đến chỗ ông ấy, chỉ đến sau chín giờ tối. Ông ấy nói là chị đã biết địa chỉ rồi.
- Ồ, tất nhiên. - Kachia nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc treo tường - đã tám rưỡi rồi. Trong lúc cô thay trang phục và đi tới được ngõ Bôlốtnưi, thì ít nhất sẽ đến chín giờ. Xtêpan mời Kachia uống trà, nhưng cô đã sốt ruột.
- Xtêpan, chú cứ ăn tiếp đi, còn tôi bây giờ phải thay trang phục. Chuyển lời cho Đunhia là tôi cảm ơn chị ấy về cái áo lông cộc và đôi ủng dạ - những cái đó đã cứu tôi đấy. Và bảo hộ là tôi rất xin lỗi. Cái áo lông cộc bị rách ở lưng. Chỗ ấy móc vào đinh khi Xcôbenkin ở Lukianốpca kéo tôi ra khỏi căn nhà gia súc của lão quản. - Bây giờ mọi chuyện vừa qua có cảm giác bình thường, thậm chí nực cười nữa, vì thế Kachia bật cười.
- Gớm, chị cứ nghĩ ngợi, xin lỗi với tha lỗi! - Xtêpan khoát tay.
- Không, dù sao đi nữa, Xtêpan, chú cứ nói hộ. Ngộ nhỡ rồi ra tôi không gặp lại được cả Masa, lẫn Đunhia.
- Thôi được, - Xtêpan hứa hẹn không lấy gì làm dứt khoát cho lắm.
Kachia kéo tấm ri-đô che và vào khuất trong cái buồng nhỏ, nơi cô đã từng ngủ với Masa trước đây. Cô hỏi mượn Xtêpan cây đèn và lát sau từ đó trở ra, bộ dạng khác hẳn lúc nẫy. Trong vali Kachia dự trữ sẵn một bộ đồng phục kiểu Anh bằng len xanh mỏng có sọc trắng và cái áo cánh nữ viền đăng ten. Bộ đồng phục rất hợp với Kachia. Thêm vào đấy cô tô điểm lại bộ tóc: cô chải lại, xếp những làn tóc mầu đỏ thẫm của mình thành vòng vương miện ngay trên đỉnh đầu. Cô đi vào chân đôi giày cao gót, cao cổ, lồng giầy. Dù những ngày qua Kachia có gặp những chuyện nặng nề như thế nào đi nữa, cô đã sống nhiều giờ ngoài trời, trong sự căng thẳng về thể lực, và do vậy mà cô lại có phần tươi trẻ ra, cứng cáp hơn. Thân hình dỏng cao, cân đối, với gương mặt hồ hởi, ửng hồng vì giá lạnh, cô làm cho Xtêpan thấy cô quả là một hoa khôi, Cậu ta nhìn cô và không thể giấu được niềm thán phục của mình. Những nét nghiêm nghị trung trực của cậu dịu đi, hai má ửng đỏ lên.
- Dù sao đi nữa chị cũng không nên ăn mặc quá nổi như vậy. Hôm qua chúng đã bắt hai sinh viên rồi đấy, - Xtêpan ân cần nói, theo dõi Kachia ngắm nghía trước chiếc gương nhỏ trên tường để đội cái mũ vành đen. - Và thêm vào đấy đội mũ vành thì lạnh đấy, - cậu nói thêm một cách suy tính.
Tất nhiên, Xtêpan không thể ngờ rằng ăn mặc cẩn thận như thế, Kachia nghĩ đến anh Ivan Akimốp. Bởi vì Ivan lúc này có thể đã đang ở chỗ ông Naximôvích? Tất nhiên là có thể lắm.
- Tôi xin lưu ý, Xtêpan, nhưng để lần khác.
Kachia ra đi, để lại trong căn nhà hầm của gia đình bác Lukianốp dường như để làm kỳ niệm cho Xtêpan cái hương vị thoảng dịu của nước hoa và ánh mắt ngời sáng, dịu dàng làm vậy, đến mức không đủ sức quên ngay được...
o O o
Kachia không đi đến một cách bình thường, mà nói chính xác hơn, là đã rón rén lén đến bên ngôi nhà của bác Naximôvích, cô nấp sau cái bệ dán áp phích và thông báo, quan sát rất lâu cái ngõ hiu quạnh và hoang vắng.. Chọn thời điểm đặc biệt im ắng, khi bỗng nhiên tắt lặng tiếng các cửa rào và cổng nhà đóng mở, Kachia chạy vọt vào sân nhà bác Naximôvích, và đây, tiếng gót giày của cô vang lên trên hiên nhà bằng gỗ ván.
Chính bác Naximôvích mở cửa. Bác sung sướng nắm lấy tay Kachia và không buông ra, lên tiếng gọi vợ:
- Xtaxia, em Xtaxia, mau ra đây!
Bác gái Xtaxia, lo sợ vì tiếng gọi của chồng, từ nửa trong ngôi nhà chạy vội ngay ra, đang ăn mặc thế nào để nguyên thế ấy: cái áo choàng mỏng mảnh thường mặc ở nhà, đôi dép mềm.
- Dôxia! Chào Dôxia đáng yêu! - bác Xtaxia nhẹ nhàng đẩy chồng sang một bên và ôm lấy Kachia. Sau đó bác buông cô gái ra khỏi vòng tay ôm, lùi xa hai ba bước, và, ngắm nghía Kachia, lên tiếng vội vã, hứng khởi:
- Anh xem kìa, anh Brônhia, cô bé xinh đẹp hẳn ra! Diễm lệ tuyệt vời!
- Bác nói gì vậy, bác Xtaxia, diễm lệ gì kia đâu. Bình thường hơn cả bình thường, - Kachia đâm ngượng ngùng.
- Không, quả là thế, Dôxia. Cháu thay đổi hẳn thế nào ấy... Xtaxia, em có thấy là cháu như rắn rỏi hẳn lên, có cái gì đấy khác hẳn trong cháu thì phải, - bác Naximôvích nói, hết lùi xa Kachia, lại tiến đến gần cô.
Kachia nói chung không thích khi mọi người quá chú ý đến mình, nhưng những lời trầm trồ của vợ chồng bác Naximôvích chỉ biểu hiện tính cách biết nhận xét người khác của họ. Đó là những lời trầm trồ của những con người hào hiệp, chân thành, yêu quí các đồng chí trong đấu tranh, và Kachia cảm thấy rằng cô thấy thích thú những lời khen của vợ chồng bác Naximôvích.
Kachia được đưa vào nửa thứ hai trong nhà, vào căn phòng nhỏ, nơi cô đã từng ở, và cô cởi áo ngoài ra. Bác Naximôvích bảo với cô là vì gia đình đằng bác Lukianốp vừa xảy ra một chuyện tai biến như vậy, nên cô sẽ sống ở đây, cho đến khi tình thế có gì thay đổi khác đi.
Đi từ phòng này vào phòng kia, Kachia cố để ý đến mắc áo, và giá để mũ, xem có thấy thứ gì của Ivan không. Bác gái Xtaxia dường như đoán ra ngay những ý nghĩ của Kachia, vì vậy, khi cả ba người ngồi nghỉ, bác liền nói:
- Anh, đừng làm khổ Dôxia nữa, báo cho cô ấy cái tin tức chủ yếu của chúng ta đi.
- Ngay bây giờ đây, Xtaxia. Vậy là thế này, cháu Dôxia ạ, đã nhận được tin báo từ Narưm về: đồng chí Granhít sống khỏe mạnh, và bởi vì đồng chí ấy bị săn lùng ráo riết, nên hiện được giấu ở nhà những người thợ săn trong rừng taiga.
- Như vậy đã là tốt rồi. Cháu rất mừng! Như vậy rất tốt, - cố gắng tỏ ra kiềm chế hơn, Kachia nói và, sau một lát im lặng, lại hỏi: - Liệu cuộc sống ở rừng taiga của anh ấy có kéo dài lâu nữa không?
- Kể ra thì khó nói được chính xác, cháu Dôxia ạ. Tuy nhiên, bác cho rằng việc tiếp tục cuộc chạy trốn của anh ấy nên hoãn lại là thích đáng. Cứ để bọn cảnh sát tin là hiện anh ấy đang dạo chơi đâu đó ở Mátxcơva hay ở Pêtrôgrát.
- Nếu như hoàn cảnh cho phép, bác Naximôvích ạ, thì tất nhiên, tốt hơn hết chính là nên làm như vậy, nhưng liệu Granhít có thể không vội vã được chăng, cháu không tin chắc...
Kachia cúi đầu. Cô nhớ đến sự vội vã mà các đồng chí đã phái cô từ Pêtrôgrát đi Tômxcơ mang theo tiền và giấy tờ cho Ivan Akimốp, sự lo lắng của anh Alếchxanđrơ, người đã tin cậy thông báo cho cô biết rằng ông chú của anh Ivan là giáo sư Likhatsiốp đã yếu lắm rồi và chung quanh ông ở Xtốckhôn hiện đã bám lẵng nhẵng những nhân vật mờ ám, hẳn là đã có ý định chiếm đoạt cái di sản khoa học của ông...
- Thế cháu Dôxia, chuyến đi của cháu ra sao? - ngắt đứt dòng suy nghĩ của Kachia, bác Naximôvích hỏi.
- Ôi, bác Naximôvích! Thật lý thú, lý thú lắm... Cháu sẽ kể lại mọi chuyện, mọi chuyện ngay đây. - Kachia nhấc cái ghế dịch gần lại chỗ hai bác Xtaxia và Naximôvích.
- Cháu Dôxia, sau kể cũng được. Khoan một tý chút. - Bác Naximôvích đứng lên và nắm tay vợ, vội vã đi ra.
- Chịu khó ngồi buồn độ nửa tiếng thôi, cháu Dôxia thân yêu, - ngoái lại, bác gái Xtaxia dặn dò.
Kachia ở lại trong phòng một mình. Cô vặn nhỏ bấc đèn, hé vén tấm mành mành đen sẫm. Ngoài cửa sổ là một đêm giá lạnh trong sáng. Mặt trăng lơ lửng rất thấp trên bầu trời thành phố. Trời sao lấp lánh, lay động, khiến ta có cảm giác là nó chẩy đi như một dòng sông. Nhìn ra cửa sổ, Kachia lắng nghe các âm thanh, từ buồng của vợ chồng bác Naximôvích vẳng sang; Thoạt đầu bên đó loảng xoảng tiếng bát đĩa, sau đó lúc lúc lại thấy cửa ra vào mở ra và đóng vào và tiếng cười nói trở nên đông đảo hơn. «Ở đó họ có chuyện gì thế? Không lẽ những người đặt hàng có thể vẫn còn chưa yên ư?» - Kachia suy nghĩ.
- Cháu Dôxia, ta đi đi. Mọi người đã có mặt đông đủ, - ngó vào cửa buồng con, bác Naximôvích nói, và Kachia đi theo bác, lòng hơi phân vân.
Hai người bước vào phòng lớn. Ở giữa phòng vẫn là cái bàn dài ấy, bày các món ăn, chung quanh đã có bảy người mà Kachia không quen biết. Bốn người đàn ông và ba người đàn bà, đón Kachia bằng những cái nhìn chăm chú, xét nét. Kachia dừng lại một chút, hơi cúi chào, bằng cái giọng trầm êm dịu cô lên tiếng:
- Chào các đồng chí.
Mọi người đáp lời cô - người sỗ sàng, người ầm ĩ, có người lại chỉ đơn giản gật đầu. Bác Naximôvích đặt Kachia ngồi cạnh mình. Bộ ria của bác động đậy, đôi mắt trở nên tươi tỉnh và láu lỉnh.
- Vậy là, thưa các đồng chí, ta bắt tay vào công việc, - bác Naximôvích nói. - Ngày kỷ niệm năm mươi hai tuổi của tôi trùng hợp với một sự kiện đáng chú ý. Hôm nay đồng chí Dôxia trở về sau chuyến đi theo tuyến quốc lộ Xibiri. Qua đồng chí ấy tôi muốn chân thành kính chào các đồng chí Pêtrôgrát của chúng ta, mà sự giúp đỡ của các đồng chí ấy chúng ta đã nhiều lần cảm thấy rõ tại đây, ở Xibiri này. Dôxia, đề nghị đồng chí hãy kể lại mọi chuyện - tất cả mọi chuyện mà nãy đồng chí đã định kể cho tôi và Xtaxia nghe. Và còn một điều nữa: mời các đồng chí uống trà đi, ăn bánh bích qui của Xtaxia làm và đừng có ngồi nghiêm nghị cả như vậy, cứ như thể ở ngày lễ mừng thọ ngài tỉnh trưởng hay đức giám mục không bằng. Chẳng qua tôi chỉ là một anh thợ may y phục phụ nữ...
Mọi người vui vẻ cười, nhưng khi thấy Kachia đứng lên, vội vã im lặng cả.
o O o
Kachia ngồi bên bàn trong căn buồng con và mải mê viết.
«Chào anh Xasa thân mến! Em vẫn còn ở Xibiri đây. Và chắc hẳn còn phải ở lại đây một thời gian nữa. Kể từ ngày em tới đây chưa lấy gì đã được nhiều ngày, nhưng đã xẩy ra biết bao nhiêu sự kiện. Em vội thông báo cho anh hay là em đã về làng và đã ở mấy ngày giữa rừng taiga thực sự, đã tiếp xúc với những người nông dân, thợ săn bắn, những người ở mặt trận về, thanh niên. Em đã bị bắt, nhưng lại được bà con nông dân giải thoát. Sau đó chạy trốn thoát. Nếu như thâu tóm tất cả các ấn tượng của em vào một kết luận, thì em xin nói một điều như thế này: nhân dân ở Xibiri khao khát cách mạng, chờ đợi nó, và chắc chắn sẽ ủng hộ chúng ta.
Hôm qua em đã thông báo tỉ mỉ cho các đồng chí trong cấp ủy ở đây. Các đồng chí ấy nghe rất chăm chú, khen ngợi em một đôi điều. (Em nói sự thật, anh Xasa ạ, lạy Chúa, em không tự phụ đâu). Các đồng chí ấy đề nghị em giúp đỡ trong một số việc.
Thứ nhất là, em nhận viết truyền đơn nói về hoàn cảnh của nông dân Xibiri. Ở đây đầy dẫy sự lộng hành khủng khiếp của bọn giàu có và chính quyền.
Thứ hai là, các đồng chí ở đây quyết định biến vụ án xử một chị nông dân góa bụa, giết một tên cảnh sát, thành vụ án chính trị. Ở đây có những luật sư có cảm tình với phong trào cách mạng. Mọi người cố gắng đặt quan hệ với họ, lôi kéo sao có một số lượng thật đông đảo nữ nông dân ở các làng ven quốc lộ trở thành nhân chứng, tố cáo tên cảnh sát như một gã cực kỳ đểu cáng, một đại diện điển hình của chế độ Sa hoàng mục nát. Với chị nông dân mà em nói tới đây, em đã có dịp làm quen. Chị ấy biết chữ, khẳng khái, và theo cảm giác của em, sẵn sàng đấu tranh. Em được giao nhiệm vụ chuẩn bị để chị ấy ra tòa. Em và các đồng chí ở đây sẽ làm mọi cái để đến được với chị ấy trong tù.
Và thứ ba. Em biết là anh sẽ ngạc nhiên điều này và, có thể, thậm chí không tin nữa. Anh thử hình dung xem, ở làng Lukianốpca em đã gặp một trong những người dẫn đường của giáo sư Likhatsiốp thời kỳ ông đi khảo sát Xibiri. Tình cờ em biết được là con người này còn giữ một bao giấy tờ của nhà bác học. Không có gì bảo đảm là giấy tờ ấy sẽ không thất tán vì những nguyên nhân này hay những nguyên nhân khác. Mà còn chưa biết đó là những giấy tờ gì. Có thể là những tài liệu quí giá đối với nền khoa học của cả nước chúng ta.
Các đồng chí mà em kể cho nghe chuyện ấy, quyết định đúng đắn là: dù thế nào đi nữa cũng phải cứu bằng được các giấy tờ ấy của nhà bác học. Có thể, em sẽ thuyết phục được bác dẫn đường và đem giấu giấy tờ ấy ở rừng taiga, tại nhà một ông già hết sức lý thú tên là Okenti Xvôbốtnưi, người mà mặc dù có xa với cách mạng, nhưng là người thông cảm với những người bị áp bức, bởi vì chính cả ông cụ cũng là sản phẩm của áp chế xã hội.
Qua mấy ngày nữa em lại sẽ đi về các làng nằm dọc quốc lộ Xibiri. Em nghĩ là lần này mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Về Ivan em không báo gì hết, bởi vì điều chủ yếu anh đã biết qua trung tâm Narưm. Hiện anh ấy đang an toàn, nhưng tiếp tục cuộc chạy trốn tạm thời không được. Em sẽ sung sướng nếu như dù sao đi nữa vẫn có thể gặp được anh ấy.
Thế còn anh, anh sống ra sao, anh Xasa? Anh đừng có mà lấy vợ vắng mặt em đấy, anh hư ạ. Anh là phải hỏi em cho phép về chuyện ấy đấy. Bởi vì em không bao giờ khuyên anh điều gì xấu cả.
Ôi, anh Xasa, giá anh biết được Xibiri đã gây cho em những ấn tượng mạnh biết nhường nào! Mọi cái ở đây đều rộng lớn, mạnh mẽ, vững chãi và thực sự hùng vĩ thế nào ấy.
Em gái Kachia của anh».
Viết xong lá thư, Kachia thư thả đọc lại. Suy nghĩ và rồi xé thành các ô vuông đều đặn. «Ngu ngốc, mình làm gì thế này? Làm sao có thể gửi lá thư như thế này đi? Nó mà rơi vào tay hiến binh thì chúng sẽ biết rõ toàn bộ kế hoạch sắp tới của những người bônsêvích địa phương. Rõ ràng là còn chưa đến lúc có thể gửi những lá thư như thế này. Cứ coi là mình đã trò chuyện với anh trai rồi, và thế là đủ».
Tự suy nghĩ một mình, Kachia đi đến cái bếp lò kiểu Hà Lan, mở cửa lò và ném nắm giấy vào lửa. Ngọn lửa nhanh chóng ngoạm lấy nắm giấy biến chúng thành than.
Kachia kéo ghế lại ngồi gần trước bếp lửa. Ánh lửa hắt vào mặt cô, và gương mặt cô ngả màu đồng đúc. Từ thuở bé Kachia đã thích nhìn ngọn lửa. Đôi mắt của cô nhìn lửa không mệt mỏi, và lúc ấy nẩy sinh ra ý muốn suy tư, suy tư về mọi chuyện và về mọi người.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri