Vô Gia Đình epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13: Đứa Con Bỏ Rơi
hững ngày nương náu dưới thuyền vùn vụt như tên bay. Thấm thoát đã gần đến ngày thầy tôi được tha về. Lòng tôi sung sướng nhưng không khỏi bồi hồi.
Chúng tôi càng xa Tu-lu bao nhiêu thì lòng tôi càng bứt rứt bấy nhiêu.
Ngày ngày an nhàn trên chiếc thuyền du lịch vui thú biết bao! Nhưng rồi đây sẽ phải rời thuyền để đi bộ cũng về nẻo ấy.
Còn đâu nữa giường êm, bánh ngọt! Còn đâu nữa những buổi chiều tụ họp xung quanh bàn! Buồn biết bao!
Tôi lại buồn hơn nữa nghĩ đến lúc chia tay An-Tuyên và mẹ cậu. Tôi sẽ phải dứt tình luyến thương của bà Mỹ và cậu Tuyên, mất bà và cậu cũng như tôi đã mất mẹ nuôi tôi. Nghĩ lại đời tôi, tôi yêu và được thương để rồi phải chia lìa những người âu yếm tôi mà tôi không muốn xa rời.
Có thể nói được rằng mối tư lự đó ví như một đám mây, tự nhiên đến làm vẩn đục những ngày tươi sáng của tôi.
Hôm sau, tôi báo tin cho bà Mỹ-Lưu biết và hỏi bà từ đấy về Tu-lu mất bao nhiêu thì giờ vì tôi muốn đến cửa nhà lao đúng lúc thầy tôi ở đó bước ra.
Nghe tôi nói đến chuyện đi, An-Tuyên kêu to:
- Tôi không muốn Minh đi đâu!
Tôi phải giảng giải cho cậu biết rằng thân tôi không được tự do. Tôi thuộc quyền thầy tôi vì cha mẹ tôi đã thuận cho thầy tôi thuê, bây giờ thầy tôi cần đến tôi phải trở lại giúp việc cho thầy tôi.
Khi tôi nhắc đến cha mẹ tôi, tôi không nói rõ là cha mẹ nuôi, sợ phải thú nhận mình là đứa con bỏ rơi.
An-Tuyên nói tiếp:
- Mẹ ơi! Mẹ phải giữ anh Minh lại cho con.
Ngoài giờ học tập thì An-Tuyên nhất nhà, bảo gì mẹ cũng phải nghe.
Bà đáp:
- Giữ được Lê-Minh lại thì mẹ sung sướng lắm, vì con quyến luyến Minh mà mẹ cũng thương em lắm. Nhưng muốn cho em ở luôn đây phải có hai điều kiện mà mẹ và con không thể định đoạt được. Điều kiện thứ nhứt phải là Lê-Minh thích ở đây…
An-Tuyên ngắt lời:
- Anh Minh ơi! Anh thích ở đây chứ? Anh không muốn về Tu-lu phải không?
Bà Mỹ-Lưu không để tôi trả lời nói tiếp:
- Điều kiện thứ hai là thầy em có bằng lòng thì mới được.
An-Tuyên nói:
- Lê-Minh, cần Lê-Minh trước đã.
Đành rằng Vỹ-Tiên, thầy tôi rất thương tôi và tôi phải nhớ ơn thầy tôi dạy dỗ và săn sóc tôi, nhưng cuộc sống bên cạnh thầy tôi không thể nào so sánh được với cuộc sống mà bà Mỹ-Lưu đã dành cho tôi. Hơn nữa tôi nói câu này không hối hận – cái tình thương của thầy tôi cũng không thể nào so sánh được với lòng âu yếm của bà Mỹ-Lưu và tình quyến luyến của cậu An-Tuyên đối với tôi. Khi tôi nghĩ như thế, thì tôi lại cho là không phải, dám coi những người lạ; quen biết chưa được bao lâu hơn người đã cùng tôi dãi dầu, kham khổ. Nhưng thực tình là như thế, tôi không hiểu sao lòng tôi cứ quyến luyến bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên.
Bà Mỹ-Lưu nói tiếp:
- Trước khi trả lời, Lê-Minh còn phải nghĩ vì ở đây không phải là chỗ ăn chơi, còn phải học, còn phải làm, còn phải giúp con học nữa. Lê-Minh tất phải cân nhắc xem ở đây với các công việc đó hơn hay sống tự do trên đường hơn.
Tôi nói luôn:
- Thưa bà, bà tin rằng con không có điều gì phải cân nhắc. Con nhận thấy ý định của bà rất quý.
An-Tuyên kêu to:
- Đấy! Mẹ xem Lê-Minh bằng lòng ở lại, mẹ ạ!
Rồi cậu vỗ tay. Tôi đã làm cho cậu hết lo vì cậu vốn là người sợ sách nhất. Khi mẹ cậu nói đến việc làm và sách vở, tôi thấy mặt cậu tái đi. Nếu tôi từ chối, không biết cậu sẽ lo buồn đến thế nào! Tôi thì trái ngược hẳn với cậu, tôi không sợ sách, những sách không làm cho tôi sợ hãi mà còn hấp dẫn tôi nữa. Gần đây bà Mỹ-Lưu có trao cho tôi mấy quyển sách. Những sách đó làm cho tôi rất ham thích. Vì thế, ý bà muốn lưu tôi lại làm cho tôi rất sung sướng và cảm ơn lòng bao dong của bà. Nếu thầy tôi thuận, tôi sẽ không phải rời bỏ thuyền Thiên-Nga, rời bỏ đời sống êm đềm và không phải xa cách cậu An-Tuyên và mẹ cậu.
Bà Mỹ-Lưu nói tiếp:
- Bây giờ tính đến sự đồng ý của ông Vỹ-Tiên. Muốn thế ta phải viết thư mời ông đến tìm ta ở thành Cette, vì ta không thể lộn lại thành Tu-lu được. Ta sẽ gửi tiền lộ phí cho ông và cho biết những lý do khiến ta không thể đi xe hỏa được. Ta mong ông sẽ vui lòng đến. Nếu ông ưng thuận ý định của ta, ta chỉ còn phải giàn xếp với cha mẹ Lê-Minh là xong vì cũng cần phải hỏi ý kiến cha mẹ em.
Những lời bà nói làm cho tôi hả dạ vô cùng. Nhưng câu nói sau cùng, đã làm cho tôi choáng cả người như bị vỡ tan giấc mộng mà trở về với sự thực đáng buồn.
Hỏi ý kiến cha mẹ tôi tức là ông Bảo-Liên! Chắc chắn ông bà Bảo-Liên sẽ nói hết những điều mà tôi muốn giấu. Sự thực sẽ nổ tung ra: Tôi là đứa con bỏ rơi! Xấu lắm!
Lúc đó, cậu An-Tuyên hay bà Mỹ-Lưu sẽ không dung tôi nữa!
Nghĩ thế, tôi tái mặt lại.
Bà Mỹ-Lưu nhìn tôi và hỏi sao thế? Tôi không dám trả lời. Bà tưởng tôi bối rối về việc thầy tôi sắp về nên không hỏi gặn nữa.
May sao, lúc đó sắp đến giờ ngủ, nên tôi lẩn được đôi mắt tò mò của An-Tuyên nhìn tôi, mà về phòng ngủ.
Đêm đó, một đêm buồn nhất cho tôi từ ngày xuống thuyền. Tôi trằn trọc, lo lắng suy nghĩ.
Làm thế nào bây giờ? Nói thế nào bây giờ?
Tôi không tìm được lối thoát. Sau khi đã vần đi vần lại một ý nghĩ đến hàng trăm lần trong óc, sau khi tìm câu nói xét ra lẩn quẩn giấu đầu hở đuôi, tôi nhất định một kế, kế này chắc chắn nhưng hơi hèn, là chẳng nói gì và chẳng làm gì. Mặc kệ cho việc nó đến. Tôi cam chịu tất vì không có cách gì hơn nữa. Có lẽ thầy tôi không muốn rời tôi. Lúc đó tôi lại đi theo thầy tôi, như thế không phải lo bày tỏ sự thật.
Tôi chỉ sợ sự thực vỡ lỡ ra, sợ quá đến nỗi tôi lại cầu mong ông Vỹ-Tiên bác lời của bà Mỹ-Lưu đi và không thể nào ổn định về việc của tôi được.
Như vậy, dù tôi có phải xa cậu An-Tuyên, xa bà Mỹ-Lưu thực và có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng tôi vẫn thích rằng cậu và mẹ cậu sẽ không giữ một kỷ niệm xấu về tôi.
Viết thư cho Vỹ-Tiên được ba ngày thì bà Mỹ-Lưu nhận được phúc đáp. Bằng mấy câu vắn tắt, Vỹ-Tiên nói rất hân hạnh nhận được thơ bà và hẹn thứ bảy tới, ông sẽ đi chuyến tàu hỏa 2 giờ để đến thành Cette.
Tôi xin phép bà Mỹ-Lưu ra ga đón thầy tôi và đem cả ba con chó và Hảo-Tâm đi theo.
Chúng tôi đợi tàu đến.
Những con chó có vẻ buồn vì hình như nó biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Hảo-Tâm thản nhiên như thường. Còn tôi, tôi rất xúc động. Những ý kiến tương phản nổi lên tranh chấp trong đầu óc thơ dại của tôi. Tôi ngồi trong một góc sân ga, một tay cầm dây ba con chó, một tay ôm con Hảo-Tâm vào ngực. Tôi ngồi đợi mà mắt tôi chẳng nhìn thấy gì ở chung quanh tôi.
Chính những con chó báo cho tôi biết là tàu đã đến và chúng đã đánh hơi thấy chủ chúng rồi. Tự nhiên tôi bị lôi đi, rồi vì tôi không để ý nên mấy con chó tuột xích chạy thẳng. Chúng vừa chạy vừa kêu. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy chúng nhảy quớ chung quanh ông Vỹ-Tiên trong bộ y phục thường, vừa hiện ra. Lãnh-Nhi nhanh nhẹn hơn, nhảy vào hai cánh tay ông giơ ra, Hiệp, Thùy-Nhi quấn quít hai chân ông.
Đến lượt tôi chạy đến. Ông vội đặt Lãnh-Nhi xuống đất, giơ hai tay ôm lấy, hôn tôi là lần thứ nhất và nói lại nhiều lần:
- Khốn nạn cho con!
Thầy tôi không bao giờ nghiêm khắc và cũng không bao giờ ngọt ngào. Nên sự biểu lộ chân tình thốt nhiên của thầy tôi đã khiến tôi mủi lòng và nước mắt tràn ra, vì trái tim đầy tình cảm của tôi dễ khép và dễ mở.
Tôi nhìn kỹ thầy tôi, tôi thấy thầy già đi, lưng còng hơn, mặt xanh xao, môi mất sắc.
Thầy tôi hỏi tôi:
- Con ơi! Con nhìn ta thấy khác đi nhiều phải không? Nhà lao không phải là nơi cư trú tốt, phiền não là một bệnh hao mòn. Nhưng bây giờ ta sẽ khá dần dần.
Rồi thầy tôi sang vấn đề khác hỏi tôi:
- Bà gì viết thư cho ta, tại sao con lại biết bà.
Tôi liền kể lại trường hợp tôi gặp thuyền Thiên-Nga, cuộc sống của tôi bên cạnh bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên, những cảnh tôi đã trông thấy, những việc mà tôi đã làm.
Câu chuyện rất dài, tôi lo đến đoạn chót phải nói đến một vấn đề mà tôi vẫn sợ, vì dù sao tôi cũng không thể ngỏ cho thầy tôi biết là tôi rất mong thầy sẽ đồng ý cho tôi ở lại với bà Mỹ-Lưu.
Nhưng tôi không phải ngỏ ý kiến ấy vì tôi kể chưa hết chuyện thì chúng tôi đã tới khách sạn mà bà Mỹ-Lưu đợi ở đấy. Vả lại thầy tôi không đá động gì đến những lời đề nghị rất có thể có trong thư.
Khi chúng tôi tới khách sạn, thầy tôi hỏi:
- Bà ấy đợi ta ở đâu?
- Con sẽ đưa thầy vào.
- Không cần, cho ta số buồng rồi ngồi đây cùng các con chó và Hảo-Tâm đợi ta.
Khi thầy tôi đã nói ra điều gì, tôi không hay có tính hỏi hoặc cãi lại. Nhưng lần này tôi muốn xin theo vào để được gần bà Mỹ-Lưu, đó là một việc rất tự nhiên công bình. Nhưng, thầy tôi giơ tay không cho tôi nói. Tôi đành vâng lời, ở lại ngoài cửa khách sạn, ngồi trên chiếc ghế dài cùng các con chó dưới chân tôi. Những con chó này cũng muốn theo chủ, nhưng chúng cũng thui thủi như tôi quay lại không dám trái lệnh chủ. Thầy tôi thực biết chỉ huy.
Tại sao thầy tôi không muốn cho tôi nghe chuyện giữa thầy tôi và bà Mỹ-Lưu? Tôi cứ xoay đi xoay lại câu hỏi này đủ phía mà không tìm thấy câu trả lời thì vừa thấy thầy tôi bước ra. Thầy tôi bảo:
- Con lên chào bà ấy đi. Ta đợi con ở đây. Chúng ta sẽ khởi hành trong 10 phút.
Tôi đang phân vân, bỗng câu nói đó làm cho tôi ngã ngửa ra.
Không thấy tôi đi, thầy tôi liền giục:
- Sao. Không nghe thấy gì à? Ngồi đó như bụt thế? Có đi hay không?
Thầy tôi không có tính nói nặng và từ khi tôi ở, thầy tôi không hề mắng tôi như thế bao giờ!
Tôi liền đứng dậy như cái máy, chẳng hiểu gì.
Nhưng đi được vài bước để lên buồng bà Mỹ-Lưu, tôi quay lại hỏi:
- Vậy thầy đã nói…
- Ta nói rằng con cần cho ta và ta cũng cần cho con. Do đó, ta không thể nhường con cho bà được. Đi đi rồi lại đây.
Nghe thầy tôi nói thế, tôi hơi vững lòng, vì cái chuyện “con bỏ rơi” cứ ám ảnh tôi, làm cho tôi tưởng rằng phải đi ngay trong mười phút là vì thầy tôi đã kể hết gốc tích của tôi.
Bước chân vào phòng bà Mỹ-Lưu, tôi thấy cậu An-Tuyên đang khóc và bà cúi đầu dỗ dành cậu. An-Tuyên thấy tôi liền hỏi:
- Anh Minh! Có phải anh không đi không?
Bà Mỹ-Lưu trả lời thay tôi, bảo rằng tôi phải theo ý thầy tôi.
Xong bà quay rồi bảo tôi, tôi cảm động rơi lệ:
- Ta đã nói với ông Vỹ-Tiên, cố giữ con ở đây, song ông không chịu. Không làm thế nào cho ông ta chuyển lòng.
An-Tuyên kêu:
- Con người độc ác.
Bà nói:
- Không phải là người độc ác. Con cần cho ông và xem ra ông cũng thật tình thương yêu con lắm. Nghe những lời ông nói thì ông không phải là người thường, một người ở trên cái địa vị hiện thời của ông nhiều. Ông đã từ chối như thế này: “Tôi yêu đứa bé ấy, nó cũng yêu tôi. Những thử thách trong đời sống vất vả của nó ở bên cạnh tôi còn có bổ ích nhiều hơn cái trạng thái nô lệ trá hình mà vô tình bà muốn dắt nó vào. Bà sẽ dạy dỗ nó, cho nó đi học, thực đấy, bà sẽ tu dưỡng óc nó, thực đấy, nhưng không rèn luyện được tâm tính nó. Nó không thể thành con bà. Nó vẫn sẽ là con tôi. Sống một đời thiếu thốn nhưng tự do còn hơn là làm cái đồ chơi cho đứa con yếu đuối của bà, mặc dầu tôi nhận thấy con bà tỏ ta rất hiền lành, ngoan ngoãn. Nó đi với tôi, tôi cũng dạy nó chứ!”
An-Tuyên nói:
- Ông ta có phải là cha Lê-Minh đâu mà giữ?
- Ông ấy không phải là cha Lê-Minh, ai cũng biết, nhưng là thầy của Minh, Minh phải chịu quyền ông ta vì cha mẹ Minh đã cho ông thuê. Bắt buộc Minh phải tuân lời ông ta.
- Con không muốn cho Minh đi.
- Minh phải theo thầy Minh chứ! Nhưng có thể Minh sẽ chỉ phải đi trong một thời gian ngắn thôi. Mẹ sẽ viết thư cho cha mẹ Minh để bàn tính về việc đó.
Tôi kêu:
- Thôi! Thưa bà, xin thôi!
- Sao lại thôi?
- Xin bà thôi cho.
- Chỉ còn cách đó thôi, con ạ!
Nếu bà không nói đến cha mẹ tôi thì có lẽ tôi còn kéo dài cuộc từ giã hơn thời gian thầy tôi đã ấn định cho tôi.
- Ở làng Tả-Văn-Ông phải không?
Tôi không trả lời, tôi đến bên cạnh cậu An-Tuyên ôm lấy cậu và đem tất cả tình hữu ái trong lòng tôi ra hôn cậu. Xong rút ở tay cậu ra, tôi chạy lại chỗ bà Mỹ-Lưu, quỳ xuống và hôn tay bà.
Bà cúi xuống hôn trán tôi và nói:
- Thương hại con quá!
Đoạn, tôi vùng dậy vừa ra cửa vừa quay lại nức nở nói không ra lời:
- Cậu An-Tuyên ơi! Tôi sẽ yêu cậu mãi mãi! Thưa bà, con sẽ không bao giờ quên ơn bà!
An-Tuyên gọi:
- Anh Minh, anh Minh ơi!
Nhưng tôi không nghe được gì nữa vì tôi đã ra ngoài và khép cửa lại rồi.
Một phút sau, tôi đã đến bên thầy tôi. Thầy tôi bảo:
- Chúng ta lên đường!
Rồi chúng tôi rời thành Cette và đi về đường Frontignan.
Thế là tôi phải rời bỏ người bạn thứ nhất của tôi và lại lao mình trong những cuộc phiêu lưu hình như đã dành sẵn cho tôi.
Vô Gia Đình Vô Gia Đình - Hector Malot Vô Gia Đình