Chương 14: Hồ Quý Ly Với Lời Phê Vào Thư Của Nguyễn Cảnh Chân
uối năm Canh Thìn (1400), nghĩa là chỉ mới được mấy tháng sau khi cướp ngôi họ Trần, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để lên làm Thượng hoàng. Bấy giờ, mối lo hàng đầu của cha con Hồ Quý Ly là làm sao để đè bẹp được Chiêm Thành và mở rộng được biên cương vào phía Nam. Các tướng như Đỗ Mãn, Trần Vấn, Trần Tùng (tức Hồ Tùng), Đỗ Nguyên Thác, Nguyễn Vị, Nguyễn Bằng Cử, Đinh Đại Trung... đều được sai cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Tháng 7 năm Nhâm Ngọ ( 1402), quân đội nhà Hồ đã giành được đại thắng, chiếm hết đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành, rồi chia đất ấy làm bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (nay là vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi), giao cho an phủ sứ lộ Thăng Hoa trực tiếp trông coi.
An phủ sứ đầu tiên của lộ Thăng Hoa là Nguyễn Cảnh Chân. Trước đó, ông là An phủ sứ lộ Thuận Hóa, có tiếng là người giàu kinh nghiệm phủ dụ dân ở biên ải phía Nam. Nhận chức, ông liền dâng thư về triều, trình bày phép trị dân mà ông tiếp nhận được từ sử sách của Trung Quốc, nay định áp dụng ở lộ Thăng Hoa. Thư ấy được Thượng hoàng Hồ Quý Ly xem và hạ bút phê những lời rất khinh mạn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 41 - a) chép rằng:
“Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân vào làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư nói rằng, xin hãy theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường mà mộ người nộp thóc để (tích trữ mà lo) việc phòng bị biên cương cho đầy đủ. Ai nộp thóc thì ban tước cho họ hoặc miễn tội tùy theo mức độ khác nhau. Quý Ly phê (vào thư) rằng: "Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán, Đường? Thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi.”
Lời bàn: Lời thư của Nguyễn Cảnh Chân hay dở thế nào, xin để tùy người đời phán xét, chỉ biết đó là lời thành thật, mà ở đời, lời hay đã ít mà lời thành thật lại càng ít hơn. Trong số rất ít ỏi những lời thành thật ấy, may mắn lắm mới có một lời bay vào hoàng cung, vì vào thời suy vi, ở hoàng cung luôn chật ních những lời xu nịnh, lời thành thật chen vào không nổi.
Tiếp nhận lời thành thật ấy, Hồ Quý Ly chẳng biết đó là cơ may lại còn phỉ báng một cách trịch thượng. Hồ Quý Ly nói là Nguyễn Cảnh Chân “chỉ chuốc lấy tiếng cười,” nào có biết đâu, hậu thế lại cười Hồ Quý Ly. Mới hay, nghe bằng tai là chỉ mới nghe được âm thanh phát ra từ đâu đó, nghe bằng tất cả tấm lòng trân trọng người nói thì mới có thể nghe được những gì chứa trong mỗi tiếng phát ra.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 4