Tuyết epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13: Tôi Không Tranh Luận Về Tôn Giáo Của Mình Với Một Người Vô Thần
i dạo trong quyết với Kadife
Cô gái đi từ ngoài đường vào mặc một chiếc áo mưa tím, đeo cặp kính đen khiến cô giống một nhân vật chính trong phim khoa học giả tưởng đội trên đầu chiếc khăn trùm đã thành biểu tượng của Hồi giáo chính trị, một chiếc khăn bình thường như Ka từ bé đến giờ vẫn thấy ở hàng nghìn phụ nữ khác. Nhận ra cô gái đi thẳng đến chỗ mình, Ka đứng bật dậy như một học trò thấy thầy giáo vào lớp.
"Tôi là Kadife, em gái của Ipek." cô gái nói thoáng nở nụ cười. "Mọi người đang đợi ông tới ăn tối. Cha tôi bảo tôi đi đón ông."
"Sao cô biết tôi ở đây?" Ka hỏi.
"Ở Kars ai ai cũng biết về nhau bất cứ lúc nào," Kadife đáp, bây giờ thì thiếu nụ cười. "Miễn là chuyện đó xảy ra ở Kars."
Vẻ mặt cô hiện nỗi đau, Ka chẳng hiểu gì cả. Ông giới thiệu Necip "thi sĩ - tiểu thuyết gia bạn tôi!" Hai người nhìn nhau nhưng không bắt tay. Ka coi đó là một biểu hiện căng thẳng. Mãi về sau này, khi Ka tái hiện lại mọi sự kiện trong trí nhớ. Ông sẽ nhận ra là hai người ấy không bắt tay nhau vì tuân thủ những phép tắc Hồi giáo. Mặt Necip tái nhợt khi nhìn cô, tựa như đó là Hicran đến từ vũ trụ, nhưng cách xử sự của Kadife hoàn toàn tự nhiên, nên không ai trong đám đàn ông ở quán trà quay lại nhìn cô cả. Cô cũng không đẹp bằng Ipek chị mình.
Nhưng khi cùng cô đi dọc phố Atatürk dưới trời tuyết, ông cảm thấy rất hạnh phúc. Ông thấy cô rất hấp dẫn, vì ông có thể chuyện trò thoải mái với cô trong khi nhìn thẳng vào khuôn mặt trong trẻo và sáng sủa của cô viền trong tấm khăn - không sắc nét bằng khuôn mặt chị cô, và nhìn sâu vào mắt cô - màu nâu nhạt như mắt chị cô. Ông tự hỏi có phải như thế là mình thiếu chung thủy với Ipek.
Trước tiên, cô làm Ka bất ngờ khi nói về khí tượng học.Kadife biết chi tiết cứ như đám ông bà già vốn không biết sử dụng ngày giờ bằng cách nào khác là suốt buổi nghe tin tức trên đài. Cô kể nào đợt lạnh đến từ vùng áp thấp này còn kéo dài hai hôm nữa, nghĩa là có thể đường sá còn bị tắc thêm hai ngày nếu tuyết tiếp tục rơi, nào ở Sarikamiş tuyết đã cao đến 160 phân, dân chúng ở Kars không tin vào dự báo thời tiết và có tin phong thanh là nhà nước thông báo nhiệt độ cao hơn sự thật đến năm, sáu độ để dư luận đỡ xôn xao (tuy nhiên không ai khác từng nói với Ka chuyện này). Nào hồi còn bé ở Istanbul, Ipek và cô hay ước gì tuyết rơi mãi: tuyết đánh thức trong họ cảm giác cuộc sống tươi đẹp và ngắn ngủi xiết bao, khiến họ nhận ra con người thật giống nhau mặc cho mọi hiềm thù, nhận ra vũ trụ và thời gian quá xa vời và thế giới conngười chật hẹp lắm. Vì thế con người cần lại gần nhau khi trời có tuyết, tựa như tuyết phủ lên tất cả các thù hằn, ham hố và căm hờn, đưa người ta xích lại gần nhau hơn.
Hai người không nói gì một lát lâu. Họ không gặp ai khi đi suốt phố Şehit Cengiz Topel, nơi các cửa hàng đóng im ỉm. Ka vui mừng bao nhiêu khi đi dạo trong tuyết với Kadife thì cũng bối rối bấy nhiêu. Ông hướng mắt vào ánh đèn sáng trong cửa sổ bày hàng phía cuối phố - hầu như lo ngại sẽ si mê cả Kadife nếu ông nhìn vào mặt cô lần nữa. Ông có thật là yêu chị cô không? Trong lòng ông là ước muốn bằng lý trí được yêu Ipek như điên như rồ, ông biết chứ. Đi tới cuối phố thì họ thấy một tờ giấy nhỏ dán trên cửa kính quán bia Vui. Trên đó viết: "Vì buổi diễn tối nay ở nhà hát, hoãn cuộc họp với Zihni Sevük, ứng viên thị trưởng đáng kính của đảng Tự do." Sau cửa sổ là cả nhóm diễn viên quây quanh Sunay Zaim đang chén chú chén anh tưng bừng cứ như đó là ly rượu cuối cùng trong đời họ vậy, mà chỉ hai mươi phút nữa là mở màn.
Giữa những áp phích vận động bầu cử dán trên cửa kính quán rượu, Ka nhìn thấy khẩu hiệu in trên giấy vàng: "Con người là tuyệt tác của Thượng đế, tự vẫn là báng bổ Thượng đế!" và hỏi Kadife nghĩ gì về vụ Teslime tự tử.
"Ông sẽ kể về Teslime trên các báo Istanbul và báo Đức như một chuyện ăn khách, đúng không?" Kadife hơi bất bình.
"Tôi làm quen Kars lại từ đầu," Ka nói. "Càng quen với thành phố này hơn, tôi càng có cảm giác không tài nào giải thích được cho người bên ngoài hiểu những gì xảy ra ở đây. Tôi rơi nước mắt vì cái mong manh của đời người cũng như sự vô ích của mọi khổ ải."
"Chỉ những người vô thần không bao giờ phải chịu khổ ải mới nói rằng chịu khổ ải là vô ích," Kadife nói. "Vì thậm chí cả những người vô thần chỉ cần chịu đựng chút ít đọa đày cũng không giữ được hoài nghi tôn giáo nữa và đi theo tín ngưỡng."
"Nhưng Teslime chết trong hoài nghi, vì cô ấy đã tự sát khi tới cực điểm của đọa đày," Ka phản công với tính cứng đầu được rượu hỗ trợ.
"Vâng, nếu Teslime chết do tự tử thì có nghĩa là cô ấy phạm tội tự giết mình. Vì câu 29 chương Phụ Nữ của kinh Koran thiêng liêng đã nói rõ ràng là cấm tự tử. Nhưng khi bạn gái của chúng tôi tự sát và phạm tội thì không có nghĩa là trong tim chúng tôi giảm bớt cảm tình sâu nặng đối với cô ấy, một cảm tình không kém dành cho người yêu."
"Cô muốn nói là con tim chúng ta vẫn được yêu những kẻ bất hạnh khi họ có hành vi bị tôn giáo lên án?" Ka hỏi như thể mớm lời cho Kadife. "Cô định nói là đức tin của chúng ta vào Thượng đế nay không xuất phát từ tim mà từ óc, như những người phương Tây?"
"Kinh Koran thiêng liêng là lệnh của Thượng đế, và những mệnh lệnh rõ ràng của Người không phải thứ để chúng ta, các nô bộc của Người, đem ra tranh luận," Kadife trả miếng đầy tự tin."Điều đó dĩ nhiên không có nghĩa là chẳng có gì trong tôn giáo của chúng tôi có thể được đem ra tranh luận. Nhưng tôi không đi tranh luận về tôn giáo của tôi ngay cả với một người thế tục, huống chi là với một người vô thần, xin ông thứ lỗi cho."
"Cô nói đúng."
"Và tôi không thuộc vào đám tín đồ Hồi giáo giả dối muốn giải thích cho những người thế tục rằng đạo Hội là một đạo thế tục." Kadife mỉm cười.
"Cô lại nói đúng," Ka không cười.
Họ im lặng đi tiếp. Liệu ông có thể yêu cô thay vì yêu chị cô không? Ka biết rất rõ là ông không thể cảm thấy kích thích gì trước một cô gái trùm khăn, nhưng ông không tránh được một thoáng suy tư ngấm ngầm về đề tài ấy.
Khi họ bước chân đến phố Montenegro nhộn nhạo, ông chuyển sang nói về thơ, vụng về xen chuyện Necip là một nhà thơ và hỏi Kadife có biết rằng ở trường tôn giáo có đông đảo người hâm mộ cô với cái tên Hicran - U buồn".
"Với tên nào cơ?"
Ka kể ngắn gọn những chuyện đã nghe về Kadife với tư cách thủ lĩnh các thiếu nữ trùm khăn.
"Chẳng có gì trong đó đúng sự thật," Kadife nói. "Tôi cũng chưa bao giờ nghe chuyện đó từ các bạn tôi ở trường tôn giáo cả." Đi được vài bước, cô mỉm cười nói thêm: "Nhưng chuyện dầu gội đầu thì tôi có nghe." Rồi cô kể về một nhà báo giàu có đáng ghét ở Istanbul đã đề nghị các cô gái trùm khăn cạo tóc đi nhằm gây chú ý của giới truyền thông phương Tây, xác định đó là nguồn phát mọi tin về cô. "Trong vụ này chỉ có một chi tiết đúng: lần đầu đến chỗ các bạn gái tôi, những cô gái trùm khăn, đúng là tôi chỉ có ý định chế nhạo họ. Tôi cũng tò mò nữa. Quả thật là tôi đến đó với tò mò pha lẫn nhạo báng."
"Rồi chuyện gì đã xảy ra?"
"Tôi về đây vì điểm thi của tôi đủ vào đại học sư phạm và chị tôi đã ở Kars sẵn rồi. Những cô gái ấy trở thành bạn cùng lớpvới tôi. Không có tín ngưỡng thì người ta cũng đến nhà nhau khi được mời. Mặc cho quan điểm của tôi ngày ấy có khác tôi vẫn hiểu được họ. Bố mẹ họ đã giáo dục họ như thế. Thậm chí nhà nước cũng ủng hộ họ khi tổ chức tiết học về tôn giáo. Sau nhiều năm nói với các cô gái ấy "che tóc đi!" bây giờ họ lại ra lệnh cho chính những cô ấy "để đầu trần ra, nhà nước muốn thế!" Và đến một hôm thì tôi cũng trùm khăn lên đầu, chỉ để biểu thị thái độ chính trị. Tôi vừa hơi sợ việc mình đã làm, vừa thấy buồn cười.Có thể vì tôi nhớ lại rằng tôi là con gái một người cha luôn đối lập với nhà nước. Khi gia nhập nhóm ấy, tôi hoàn toàn chắc chắn là chỉ đến mai mình sẽ chấm dứt. Một ký ức chính trị hay hay để vài năm sau nhớ lại như một chuyện tiếu lâm thôi, một "nghĩa cử của tự do" thời niên thiếu. Nhưng nhà nước, cảnh sát và báo chí ở đây nhảy xổ vào xâu xé tôi, không để tôi kịp thể hiện tính tự trào và đùa cợt của sự việc rồi rút chân ra khỏi. Họ bắt giam tất cả chúng tôi, mượn cớ là tham gia biểu tình trái phép. Hôm sau được thả, giá lúc đó tôi nói "Thôi, tôi xin thôi, đằng nào thì ngay tù đầu tôi cũng không tin", thì cả thành phố sẽ nhổ vào mặt tôi. Bây giờ tôi ngộ ra rằng Allah đem lại toàn bộ áp lực ấy để tôi tìm ra con đường đúng. Đã có thời tôi là người vô thần giống ông. Ông đừng nhìn tôi thế, tôi có cảm giác là ông thương hại tôi!"
"Tôi không nhìn cô với ý ấy."
"Có đấy.Tôi không nghĩ tôi đáng cười hơn ông. Tôi cũng không cho là tôi trội thế hơn ông. Nói rõ để ông biết!"
"Cha cô nghĩ gì về tất cả vụ này?"
"Chúng tôi tương đối làm chủ tình thế, nhưng nó đang tiến triển theo hướng thoát khỏi tầm tay khiến chúng tôi lo ngại, vì gia đình chúng tôi rất yêu nhau. Ban đầu cha tôi tự hào về tôi; hôm đầu tiên khi tôi trùm khăn đến trường, ông coi đó như một dạng nổi loạn đặc biệt. Ông soi gương cùng tôi trong chiếc gương đồng thau của mẹ tôi để lại, xem chiếc khăn trùm của tôi có đẹp không, và hôn tôi trước gương. Ngay cả khi ít nói về việc này thì chúng tôi cũng rõ: hành động của tôi đáng được kính nể; không phải vì nó mang tính Hồi giáo mà vì chống lại nhà nước. Lập trường của cha tôi: đúng là con gái ta. Nhưng ông có nỗi lo sợ ngấm ngầm giống tôi. Tôi biết cha tôi lo sợ hôm bọn nó túm tôi. và ông bị lương tâm cắn rứt. Ông cam đoan là cảnh sát chính trị không theo dõi tôi mà theo dõi ông. Nhân viên của Bộ an ninh quốc gia ngày xưa hăng hái rình rập phái tả, phái dân chủ, hôm nay theo dõi những người theo tôn giáo; dễ hiểu là họ bắt đầu với con gái một phần tử tranh đấu cũ, đại loại là thế. Nhưng sự việc đã đi đến mức tôi bắt đầu coi ý định của mình là nghiêm túc, và cha tôi buộc phải ủng hộ con gái trong từng nhất cử nhất động, nhưng việc đó đối với ông ngày càng khó hơn. Có những người già để tất cả các thứ tiếng động trong nhà: tiếng lò sưởi tí tách, tiếng bà vợ mè nheo bất tận, tiếng bản lề cửa kẽo kẹt lọt vào tai mà không ghi nhận gì hết. Bây giờ trong chuyện tôi đấu tranh cùng các cô gái trùm khăn thì cha tôi cũng thế. Đôi khi một cô trong bọn tôi đến nhà, ông diễn vai kẻ vô thần hèn mạt, nhưng rốt cuộc chèo lái về hướng châm chọc nhà nước cùng họ. Tôi tổ chức các buổi gặp mặt ở nhà, vì tôi coi đó là dấu hiệu trưởng thành của các thiếu nữ khi họ không ngậm mồm mà đối đầu với cha tôi. Hôm nay cũng sẽ có mặt một cô trong bọn tôi, tên là Hande. Sau vụ Teslime tự sát, do áp lực của gia đình, Hande quyết định bỏ tóc ra, nhưng nay cô không biết mình có đủ sức thực thi quyết định ấy hay không. Thỉnh thoảng cha tôi nói, mọi việc gợi lại kỷ niệm thời xưa ông là người cộng sản. Có hai loại cộng sản: loại ngạo mạn hết lòng theo đuổi sự nghiệp nhào nặn quần chúng thành thứ gì đó tử tế, cải thiện đất nước; loại kia thì trong trắng, hành động vì công lý và bình đẳng. Loại ngạo mạn thì say quyền lực, chỉ cho tất cả mọi người phải đi hướng nào; loại này chỉ đem lại sự tồi tệ. Ngược lại thì loại trong trắng chỉ hứng cái tồi tệ lên đầu mình, song đó lại chính là cái họ muốn. Vì cắn rứt lương tâm mà muốn chia sẻ mọi khổ ải với người nghèo, bản thân họ tự nguyện khoác lấy khổ đau. Cha tôi từng làm giáo viên. Người ta đẩy ông ra khỏi ghế công chức, tra tấn ông, rút một móng tay và tống ông vào ngục. Nhưng ông vẫn cố kiên trì. Ông cùng mẹ tôi bán văn phòng phẩm trong nhiều năm, chạy máy photocopy. Có thời cha tôi còn dịch tiểu thuyết từ tiếng Pháp, có thời ông đi gõ cửa từng nhà chào bán từ điển trả góp. Những ngày chúng tôi rất bất hạnh và nghèo khổ, có khi ông đột nhiên ôm chúng tôi khóc. Ông lúc nào cũng kinh sợ có chuyện gì xảy ra với chúng tôi. Ông đã sợ ngay khi cảnh sát vào khách sạn sau vụ ảm sát ông hiệu trưởng đại học sư phạm. Có người kể với tôi là ông đã gặp Lam. ông đừng cho cha tôi biết!"
"Tôi sẽ không đả động đến," Ka nói. Ông dừng bước và phủi tuyết bám trên áo khoác. "Không phải đường này về khách sạn à?"
"Về đường này cũng được. Tuyết không ngơi mà chuyện để nói cũng không hết. Tôi chỉ cho ông xem phố Hàng Thịt nữa. Lam muốn gì ở ông?"
"Không muốn gì cả." Anh ta có nhắc đến tôi, cha tôi hay chị tôi không?" Ka thấy vẻ lo lắng trên mặt Kadife.
"Tôi không nhớ," ông nói.
"Ai cũng sợ anh ta. Chúng tôi cũng thế. Mấy cửa hiệu này là của những hàng thịt danh tiếng nhất thành phố."
"Hàng ngày cha cô làm gì?" Ka hỏi. "Ông ấy không rời khách sạn bao giờ à?"
"Cha tôi điều hành khách sạn, giao việc cho mọi người, từ quản lý đến người quét dọn, thợ giặt, bồi bàn. Chị tôi và tôi cũng góp một tay. Nhưng cha tôi rất ít khi ra khỏi nhà.Tử vi của ông là cung nào?"
"Cung Song Sinh," Ka nói. "Song Sinh nghe nói là ứng với người ưa dối trá, nhưng tôi không rõ."
"Ông không rõ cung Song Sinh dối trá hay không rõ mình có dối trá không?"
"Nếu cô tin vào sao chiếu mệnh thì cô phải nhận ra hôm nay là một ngày cực kỳ đặc biệt của tôi."
"Vâng, chị tôi kể là hôm nay ông đã viết một bài thơ."
"Chị cô cái gì cũng kể cho cô nghe à?"
"Ở đây chúng tôi có hai chuyện để giải trí: nói chuyện về mọi thứ và xem ti vi. Chúng tôi nói chuyện cả lúc xem ti vi và xem ti vi trong lúc nói chuyện. Chị tôi rất đẹp. đúng không?"
"Đúng thế," Ka lịch sự đáp. "Nhưng cô cũng đẹp."Ông ngoan ngoãn phụ thêm. "Cô cũng kể cho Ipek nghe hết mọi chuyện chứ?"
"Không." Kadife nói. "Nên có một bí mật giữa hai chúng ta.Bí mật chung là khởi đầu thuận lợi cho một tình bạn tốt." Cô phủi tuyết đọng đầy trên áo mưa dài màu tím.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết