Chương XIV - Bảy Giờ Sáng Mai Gặp Nhau Ở Nhà Ga
hưa tới nghỉ đông, Vương Tiếu Thiên đã rủ Tiêu Dao:
_ Nghỉ đông này chúng mình cùng nhau làm một số việc nhé!
_ Được thôi, nhưng ba cậu có đồng ý không?
_ Mình có chân khắc đi chứ! Không có vấn đề gì đâu!
Vừa nghỉ đông, Vương Tiếu Thiên đã giương cờ gióng trống, tuyên bố chắc nịch với ba mẹ là muốn lao động kiếm tiền để học, muốn thể nghiệm cuộc sống, muốn độc lập. Bạn nói cho ba mẹ biết tỉ mỉ kế hoạch đó, song trình bày chưa xong thì ba đã cắt ngang:
_ Bậy nào, thế mà gọi độc lập à? Đem tiền nhà đi chén ở ngoài mà gọi là độc lập à? Mới tí tuổi đầu mà nói năng đã không biết trời cao đất dầy là gì. Học sinh như con ra ngoài buôn bán cái gì thì cũng đến phát khóc mà trở về. Không tin, con cứ thử xem! Xã hội phức tạp lắm, các con không hiểu biết gì cả đâu…
_ Không phải buôn bán mà là lao động lấy tiền để học mà! – Vương Tiếu Thiên đính chính lại.
Ba nhìn Tiếu Thiên tỏ vẻ rất không bằng lòng. Khi ông càng muốn gần gũi con thì ông lại không có cách gì để gần gũi nó. Đầu óc nó luôn nảy ý tưởng mới có lúc đúng là chuyện viển vông. Hôm nay muốn tìm việc làm thêm, ngày mai lại muốn đi nước ngoài; buổi sáng còn muốn làm nhà thơ thì buổi chiều đã muốn làm nhà triết học! Con ông mua một cái “vòng xủng xoẻng” rồi đòi ông cũng chơi, bảo cái trò này bây giờ các ông bà già cũng thích chơi, để rèn luyện thân thể mà lại. Nhưng ông biết nếu ông cũng chơi thật thì con trai ông lại sẽ không thích. Người cha muốn gần gũi con trai, muốn hiểu nó thì cần phải có óc tưởng tượng gần như hoang đường, phải biết gắn liền những chuyện rời rạc đầu cua tai nheo lại với nhau, chẳng khác gì phải tin rằng quả có chuyện Giả Bảo Ngọc đậm yêu công chúa Xixin và muốn sống chung với Marilyn Monro vậy.
_ Nghỉ đông này con cứ ở hẳn nhà cho ba!
_ Ba, con trình bày với ba là tôn trọng ba: Nếu ba đồng ý thì cả nhà được vui, còn nếu ba không đồng ý thì con xin lỗi trước đây! - Thật ra việc ba không đồng ý là điều Vương Tiếu Thiên đã dự đoán trước rồi.
_ Nếu con không chịu vâng lời thì mai sau đừng có dựa vào ba đấy!
Vương Tiếu Thiên ngẩn người ra. Lẽ nào giữa bạn và ba là mốt quan hệ giữa dựa và không dựa, lợi dụng và bị lợi dụng hay sao?
Ba vừa tốt nghiệp phổ thông trung học xong là gia nhập quân đội, phấn đấu mấy chục năm mới đổi lấy được địa vị ngày nay. Theo lý thì một ông bố như vậy lẽ ra thường nới tay song sự thật thì ngược hẳn lại. Ông sợ hễ Tiếu Thiên rời ông ra là sẽ sa vào con đường lầm lạc và dường như ông không hiểu được rằng chính vì chim công quá tự hào và yêu quí bộ cánh của mình nên mới không sao bay lên được! Tâm lý phổ biến “khổ đời cha, sướng đời con” khiến cha mẹ thà chịu khổ chứ không muốn để con cái cũng chịu khổ. Bởi thế mới sinh ra hiện tượng “ơn trạch nhà vua năm đời thì hết” và “giàu không quá ba đời”. Cha mẹ luôn lo lắng cho lớp trẻ, cho rằng thế hệ này thiếu tinh thần trách nhiệm và tinh thần chịu đựng khó khăn, nhưng khi con mình muốn làm thêm một công việc gì đó thì cha mẹ lại tìm hết cách ngăn cản! Thật là mâu thuẫn!
Thấy Vương Tiếu Thiên không nói gì, ba tưởng đã thuyết phục được bạn nên ra chiều đắc ý. Lúc ấy chuông điện thoại reo lên gọi cho Tiếu Thiên.
Điện thoại của Tiêu Dao, hỏi về kết quả cần ý kiến.
_ Mọi việc cứ như thế! - Tiếu Thiên đáp.
Sáng sớm ngày hôm sau, cả hai lên đường.
_ Ba cậu đồng ý rồi à? – Tiêu Dao hỏi.
_ Ôi, thôi đừng nhắc nữa. Tớ đã hiểu ra được một điều là không thể bàn bạc được điều gì với các cụ. Cứ phải là tiền trảm hậu tấu nếu không thì tám chín phần mười là đi đứt. Cậu thì dễ quá, cha mẹ không ở cùng, núi cao thì vua ở xa, quản không nổi. Còn ông bà thì lại là những người hiểu biết.
_ Cậu đúng là “đứng núi này trông núi nọ”. Giá đổi cho cậu, chắc cậu cũng không chịu nổi.
_ Tuyệt đối không thế đâu! Nếu được đổi là cậu, trước hết mình phải ra nước ngoài. Còn cậu, sao vậy? Sao không ra nước ngoài?
Tiêu Dao chưa hề nói chuyện này với ai.
_ Ở nước ngoài học thoải mái lắm nhé, một tuần học có năm ngày, mà môn học lại đơn giản, nghe nói sách giáo khoa phổ thông trung học của họ chỉ bằng trình độ phổ thông cơ sở của mình thôi. Còn chúng mình học khó quá, toán bậc tiểu học đã phức tạp lắm rồi.
_ Chúng mình phải đi nhanh lên kẻo người nhà ra ngoài phố bắt gặp thì phiền phức lắm.
_ Yes, sir! Đúng rồi. Tớ đạp xe theo cậu một hồi mà chẳng hiểu là đi đâu. Chúng mình đi đâu vậy?
_ Đến công ty du lịch thành phố.
Công ty du lịch thành phố sắp chuyển địa điểm, có một số túi vải in địa chỉ cũ và một số huy hiệu “Thâm Quyến hoan nghênh bạn” cần thanh lý. Biết được tin này, Tiêu Dao lập tức đến xem “hàng”, cảm thấy hàng đẹp mà giá lại hời nên quyết định làm chuyến buôn bán này.
Khi hai người đến công ty du lịch thì họ đang chuyển nhà.
_ Cô ơi, cô có nhận ra cháu không? Hôm trước cháu đến xem hàng, hôm nay cháu đến lấy hàng. Đây là bạn cháu – Tiêu Dao nói.
Người phụ nữ tươi cười nói:
_ Nhớ chứ, nhớ chứ! Cô giữ hàng lại cho cháu đấy! Mấy hôm nay có khối người hỏi mua nhưng cô không bán. Đi theo cô!
_ Cháu cảm ơn cô ạ!
Trong gian phòng nhỏ ở phía Bắc, người phụ nữ lôi ra hai thùng giấy, một to một nhỏ:
_ Đây là một ngàn cái huy hiệu, năm hào một cái vị chi là năm trăm. Còn đây là một trăm cái túi, mỗi cái là một đồng…
_ Hôm ấy thỏa thuận với cô là tám hào một cái cơ mà, sao mới vài hôm đã lên giá thế?
_ Hôm ấy là giá hôm ấy, hôm nay là giá hôm nay. Vài hôm nay luôn có người hỏi mua, cháu không lấy thì để người khác lấy. Hôm qua có người còn trả một đồng hai kia! Riêng cái khóa kéo ở túi đã đáng tám hào rồi, cô lấy một đồng là còn chưa thu lại đủ vốn đâu. Nếu không nể các cháu là học sinh thì…
_ Hôm ấy cô bảo chỉ tám hào thôi mà!
_ Cái cậu này sao mà không biết điều thế? Không mua thì thôi!
Người phụ nữ toan bỏ đi thì Tiêu Dao nhìn Tiếu Thiên:
_ Thôi một đồng thì một đồng vậy!
Những nếp chân chim ở đuôi mắt người đàn bà lập tức chụm lại:
_ Thế mới phải chứ. Nói cho các cháu biết nhé, không sợ lỗ vốn đâu! Túi giấy mà còn hai đồng rưỡi kia! Đằng này lại là vải, các cháu không bán được bốn năm đồng thì chớ kể!
_ Tất cả là sáu trăm đây ạ! - trả tiền xong, Tiêu Dao tốt bụng bảo người phụ nữ - Cô ạ, loại huy hiệu làm bằng chất phản quang thì nhất định là bán chạy. Chất liệu phản quang này có một nhà máy ở Thâm Quyến độc quyền làm ra, cô không chiếm lấy ưu thế này, mà định để cho người nội địa chiếm mất sao?
Người phụ nữ đột nhiên hỏi:
_ Các cậu là học sinh trường nào?
_ Dạ, học sinh trường trung học Số Chín ạ.
_ Trường Trung học Số Chín? Trường các cậu cũng buôn à?
Không đợi Tiêu Dao và Tiếu Thiên đi xa, những lời khó nghe của người đàn bà đã đuổi theo chọc vào lưng họ:
_ Học sinh bây giờ đứa nào cũng như con buôn, chẳng biết chúng là học trò hay là con buôn nữa! Chẳng nghe tin có một học sinh buôn cổ phiếu đó là gì?
Vương Tiếu Thiên và Tiêu Dao tay ôm thùng giấy, dở khóc dở cười.
_ Bảy giờ sáng mai gặp nhau ở nhà ga nhé!
TIÊU TIỀN CỦA MÌNH CŨNG CÓ KHÁC
Sở dĩ quầy hàng của hai bạn đặt tại nhà ga là vì một nguyên nhân rất đơn giản. Ở đây người đông, hầu hết người nội địa đều từ đây tỏa vào Thâm Quyến. Người nội địa nào đến Thâm Quyến cũng muốn mang một vật kỷ niệm nào đó khi về vì thế họ là đối tượng “tấn công” của Tiêu Dao.
Quầy hàng ngoài huy hiệu “Thâm Quyến hoan nghênh bạn” và túi vải ra, còn có bán cả bản đồ và vài thứ khác nữa. Thực ra gọi quầy hàng không được xác đáng cho lắm bởi đó chỉ là một vài mảnh ván gỗ đặt trên thùng chở hàng đằng sau xe đạp. Xe của nhà Dư Phát, nhà họ mấy năm trước dùng loại xe ba gác này để bán hàng rong, nay xe đã được cho “về hưu” từ lâu. Tiêu Dao xin được của ông già sơn những vạch trắng và đỏ trên mặt đường cái một ít sơn, rồi cũng sơn thành những vạch trắng xen đỏ lên chiếc xe ba gác, tuy không đẹp lắm song cũng bắt mắt. Trên xe có vỏ hộp bánh trung thu làm hộp đựng tiền, hộp này do Tiếu Thiên mang từ nhà đi.
Họ bắt đầu “cơ nghiệp” của mình như vậy đó.
Tâm tình lần đầu tiên đi bán hàng không như có người viết là “vừa phấn khởi, vừa xấu hổ đến nỗi vã mồ hôi”. Hai bạn lần đầu tiên rao hàng cũng cảm thấy ngượng, lát sau thì quen, tiếng rao cất lên to hơn. Một đám người vây ngay lấy, thế là tíu tít nói giá, lấy hàng, thu tiền, trả lại tiền thừa, không làm gì có thời gian để nhấm nháp tâm tình nói trên. Một lát sau, lại chẳng còn một bóng người nào. Nhìn chung người xem thì nhiều, người mua thì ít.
Bất chợt có gặp một bạn quen hay bạn học cùng lớp thì họ cũng vui vẻ nán lại một lát để rao hộ hàng. Đến trưa. người ở lại trông hàng, người đi mua cơm hộp. Tiếu Thiên nói:
_ Kiếm xong chuyến này tớ đãi cậu một chầu.
_ Tớ không quên đâu!
Người đi nam về bắc, nói đủ thứ tiếng. Thâm Quyến tập hợp người của mọi miền đất nước. Tiêu Dao bao giờ cũng bắt mình phải tập phán đoán xem gốc gác và nghề nghiệp của du khách thông qua giọng nói, cách ăn mặc và hành vi của họ. Họ lật đi lật lại hàng để xem rồi bàn với nhau:
_ Cái này mua về cho cái Lớn, cái Tí đeo chắc mấy em thích lắm đây.
_ Này cậu chủ, thứ này bán bao nhiêu? - một khách đàn bà hỏi.
_ Huy hiệu này bảy hào, túi vải một đồng ba!
_ Trời ơi, sao đắt thế? Chỗ chúng tôi hai đồng là mua được khối thứ. Người Thâm Quyến tiêu hoang thật!
_ Nếu bác muốn mua thì cháu lấy một đồng tám thôi.
_ Một đồng tám cũng còn đắt.
Người đàn bà nói xong lại bàn với chồng một hồi:
_ Nếu không thì mua lấy một thứ vậy.
Người chồng bảo:
_ Thôi thôi, không mua nữa, đi thôi! – Nói xong người chồng kéo vợ đi. Đi mấy bước, người vợ quay lại.
_ Thôi thì mua lấy một thứ, cái này mua làm kỉ niệm có ý nghĩa lắm! Về làng cho họ biết Thâm Quyến hoan nghênh mình đến đấy!
Cuối cùng họ quyết định mua. Người phụ nữ đã luống tuổi vạch chiếc áo lót trong cùng ra. Áo lót có khâu túi, miệng túi gài kim băng. Bà ta cẩn thận rút ra một tờ mười đồng mới cứng:
_ Này cậu chủ, bán cho tôi hai cái huy hiệu, một cái túi vải.
Tiêu Dao cầm hai hộp huy hiệu bỏ vào trong túi:
_ Bác ơi, bác cầm về cho các em chơi, coi như chúng cháu biếu bác.
Người đàn bà kinh ngạc:
_ Cậu chủ này, thế là thế nào?
_ Coi như chúng cháu tặng bác mà!
Hai vợ chồng người ấy hết lời cảm tạ rồi cầm túi đi.
_ Tiếu Thiên, mấy thứ ấy trừ vào khoản thu của tớ nhé.
_ Cậu đừng có tranh tất cả việc tốt về mình. Coi như mình cũng biếu họ, mỗi đứa chịu một nửa.
Bán đến bảy giờ tối, tổng cộng bán được 120 huy hiệu, 30 cái túi và 60 tờ bản đồ. Người ta ngày làm tám giờ, đôi bạn này ngày làm mười hai giờ! Khi họ kiểm lại hàng và đếm tiền thì niềm vui thỏa mãn - niềm thỏa mãn rất lớn đã xua tan nỗi mệt mỏi của họ.
_ Bán được cả thảy chín trăm mười đồng tiền hàng, trừ vốn và bữa ăn trưa ra, lãi ròng là hai trăm rưỡi, mỗi đứa một nửa.
Lúc chia tiền, họ không có tiền lẻ, tiền lẻ bị người ta đổi hết rồi. Hai bạn không biết ở bến đỗ của những xe có yết bảng “chuẩn bị tiền lẻ, miễn thứ không trả lại tiền thừa” và quanh trạm điện thoại công cộng có những người chuyên chầu chực ở đó đổi tiền to ra tiền lẻ để lấy “thủ tục phí” theo phần trăm. Tiêu Dao nói:
_ Cậu cầm lấy trăm ba.
_ Được, tớ giữ tạm mười đồng này, mai trả lại cậu năm đồng. Đừng từ chối đấy, càng anh em càng phải sòng phẳng. Ngày thường cậu mời tớ uống nước không sao, nhưng lần này phải tuyệt đối chia cho đều.
Hai bạn đều hiểu tính nhau. Tiêu Dao thoải mái đáp:
_ Được rồi, ngày mai đừng có quên trả tớ đấy nhé.
Vương Tiếu Thiên nhận tiền, lòng rất vui, tay chân múa cả lên. Tiêu Dao nói thêm:
_ Này này, đừng quên năm hôm trước nói gì đấy nhé!
_ Nói gì nhỉ? À, nhớ ra rồi, cậu bảo cậu đãi tớ một chầu!
_ Gớm thật! Cậu định quỵt nợ à?
_ Thôi, đừng đùa nữa, Tiêu Dao này, tớ nói thật đấy! Mang số tiền này vào quán, tớ thấy xót ruột lắm. Thật kỳ lạ, tiêu tiền của ba mẹ sao chẳng thấy xót tẹo nào, còn tiêu tiền do mình lao động kiếm được thì lại có cảm giác khác hẳn đi thế nhỉ?
Đúng thế, xem ra cái gì do mồ hôi nước mắt của mình kiếm ra thì mới quý. Đúng như truyện ngụ ngôn xưa kia kể rằng có một người cha khi sắp qua đời bảo con đi kiếm lấy một đồng. Người con lấy trộm tiền của cha đem nộp, nói đó là tiền của mình kiếm được. Người cha liền vứt đồng tiền đó vào lò lửa, anh con trai vẫn dửng dưng. Cuối cùng người con đi làm và được trả công một đồng bạc, người cha vẫn ném vào lửa, song lần này anh con nhào đến dập lửa để cứu lấy đồng tiền của mình.
_ Số tiền này kiếm được không dễ dàng gì, tớ xót của không muốn tiêu đâu - tớ sẽ mang số tiền này về ép từng tờ dưới kính để làm kỉ niệm suốt đời, sau này còn kể khổ cho con cháu đời sau biết thế nào là sung sướng, giáo dục truyền thống cách mạng cho chúng, cho chúng thấy cha ông chúng năm xưa ra sao, cho chúng thấy chúng hiện giờ ra sao… Vương Tiếu Thiên nửa đùa nửa thực nói.
Đúng lúc này hai bạn thấy các “đồng nghiệp” của mình là những người bán hoa quả, bán đồ uống, xem số bán quẻ… chạy chí chết vượt qua cạnh họ, miệng kêu: “A Sir! (công an)”. Hai bạn chưa kịp định thần thì mấy nhân viên mặc đồng phục ngành thuế đã xộc tới trước mặt với khí thế khác thường, dáng điệu ấy có ý nói: “Mãi mới chộp được một đứa, phải trị cho nghiêm”. Lập tức, người Trung Quốc vốn thích xem náo nhiệt vây vòng trong vòng ngoài chiếc xe thùng của hai bạn. Trước số phận của hai học sinh trung học đó, họ quan tâm thì ít, thích chí thì nhiều.
Hai bạn đột nhiên hiểu ra tại sao các đồng nghiệp phải chạy tháo thân, hiểu ra cảnh ngộ của mình hiện nay.
Tuổi Hoa Tuổi Mưa Tuổi Hoa Tuổi Mưa - Úc Tú