Chương 14 - Chúng Mày Cút Đi!
au một đêm đầy bất ngờ là một ngày nắng nóng nực. Hai nhà săn thú quá kiệt sức vì cố gắng liền tổ chức một phiên họp toàn thể. Trước hết họ quyết định thôi không đi tìm lũ ngựa đã mất tích nữa, bởi lẽ họ cũng chẳng thể đoán được chuyện gì xảy ra với chúng. Rất có thể chúng đã bị lũ chó hoang đingô xé xác trên thảo nguyên, mà cũng có thể chúng đã tìm được đường trở về trang trại. Nếu như chúng tìm được về trang trại, họ sẽ được các bạn lên đường tới cứu ngay.
– Dù sao đi nữa, trước mắt chúng ta chỉ có thể trông vào chính mình, – thủy thủ trưởng bảo. – Đầu tiên có lẽ tốt hơn hết ta nên chén nốt món đồ hộp cuối cùng, rồi sau đó, ta ngủ một giấc để lấy sức lên đường.
– Cháu nghĩ chú nói rất phải, ta sẽ làm đúng như thế! – Tômếch đồng tình. – Chúng ta hãy phơi phóng quần áo ra nắng cho khô trong lúc ngủ. Cháu thấy mệt và buồn ngủ quá chừng!…
Họ nằm ngủ dưới bóng một tảng đá chìa ra, và mãi đến gần trưa mới tỉnh dậy. Mặc dù trời đang nắng như thiêu như đốt, nhưng họ vẫn sửa soạn để lên đường ngay. Thủy thủ trưởng lấy cương ngựa buộc túm hai chiếc yên lại, khoác lên lưng, Tômếch chịu trách nhiệm mang hai khẩu súng. Và trên người chất nặng những hành trang như vậy, họ rời khe núi tiến vào thảo nguyên. Không ngần ngừ, họ đi dọc theo dãy gò về phía nam.
Họ đi một hơi mấy tiếng đồng hồ liền không nghỉ, cũng chẳng hề thấy vết móng ngựa hoặc dấu vết một loài thú hoang nào. Đến hút tầm mắt trải dài một vùng thảo nguyên mênh mông, úa vàng; trên bầu trời quang đãng, mặt trời càng ngày càng ngả về phía tây. Tômếch và thủy thủ trưởng quá đói và cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Họ cố lắm mới lê nổi bước chân, cuối cùng thủy thủ trưởng ném uỵch mấy cái yên xuống đất, ngồi bệt lên, thở hổn hển, thốt ra:
– Đành phải nghỉ thôi! Mồ hôi tớ tuôn ra như tắm.
– Chắc mọi người chưa bắt đầu đi tìm chúng ta – Tômếch cũng ngồi phịch xuống cạnh thủy thủ trưởng, buồn bã thở dài. – Chân cháu bị cỏ tranh cứa đau quá, trước mặt chẳng có gì khác ngoài thảo nguyên và thảo nguyên.
– Khi bụng sôi ùng ục vì đói, thì sức lực đâu mà đi – thủy thủ trưởng thốt ra. – Chưa kể ông lão mặt trời đáng yêu này lại giở món nồi hơi ra mà chiêu đãi chúng ta.
– Còn phải đi xa nữa không hả chú?
– Theo tính toán của tớ, hiện ta còn cách trang trại khoảng một ngày rưỡi đường, mà trong lúc bụng đói thế này thì chắc chúng mình cũng khó lòng đi nhanh được.
– Lũ ngựa không biết đang ở đâu nhỉ?
– Ai mà biết được! Cơn mưa đã xóa sạch dấu vết. Nhưng kêu ca nữa cũng có giúp được gì đâu. Tốt nhất hãy nghỉ ngơi đến tối lại lên đường đi tiếp. Sao Chữ Thập Phương Nam sẽ chỉ đường cho chúng ta.
– Rất may là chú biết thiên văn – Tômếch đáp. – Chí ít chúng ta cũng không bị lạc đường. Mình cháu chắc không tìm được đường về trại.
Thủy thủ trưởng giải thích cho Tômếch những nguyên tắc định hướng ban đêm dựa theo sao và ban ngày dựa theo mặt trời. Trước khi trời tối họ mới lại lên đường. Thủy thủ trưởng nặng nhọc thở dài vác bó yên ngựa lên lưng, lo lắng nhìn vẻ mệt mỏi hiện rõ trên mặt Tômếch. CÒn bao nhiêu đường đất nữa mới về đến trang trại, liệu thằng bé có đủ sức để vượt quãng đường ấy không?
Họ lại đi về phía nam dọc theo dãy gò đá. Chốc chốc thủy thủ trưởng leo lên chỗ cao, hy vọng sẽ trông thấy ánh lửa sáng trong một khu trại nào đó của thổ dân. Nhưng đó chỉ là những cố gắng vô vọng. Trong bóng đêm chỉ có ánh sáng le lói của những vì sao nhấp nhánh trên trời. Có hai lần ngay cạnh họ vang lên tiếng hú của chó hoang đingô, nhưng lúc này thủy thủ trưởng và Tômếch lắng nghe tiếng tru ấy với cảm giác nhẹ nhõm trong lòng, bởi dẫu sao trên vùng thảo nguyên hoang vắng này cũng vẫn còn một sinh linh nào đó cùng đồng hành với họ, dẫu đó chỉ là loài thú hoang khát máu.
– Nếu như lũ chó đingô không chết đói nơi đây, thì chắc chắn rồi chúng ta cũng sẽ tìm được chút gì đó để lót lòng – thủy thủ trưởng nói. – Ban ngày ta sẽ leo lên một chỗ cao quan sát vùng thảo nguyên chết tiệt này. Biết đâu chúng ta chẳng săn được một con cănguru nào đó! Một miếng thịt nướng đầy gân dai ngoách dẫu sao còn tốt hơn là chẳng có gì.
– Một miếng thịt nướng dai ngoách như chú nói cũng tốt chán, vì… chúng ta không thể chén sạch ngay một lúc mà phải ăn từ từ.
Vừa trò chuyện đại loại như vậy, họ vừa cố đi suốt đêm. Rạng sáng, thủy thủ trưởng thấy Tômếch đã hoàn toàn kiệt sức, phải tìm một thứ thức ăn gì đó. Vì vậy anh đưa mắt nhìn quanh để chọn một điểm cao quan sát thuận lợi. Lát sau, anh thấy một cái gò nho nhỏ, không cao lắm, họ liền cố lê tới đó. Vừa leo lên đỉnh gò, Tômếch đã sung sướng và thảng thốt reo lên:
– Chúng ta sống rồi! Có một bản thổ dân!
– Ôi, thế là rốt cuộc chúng ta cũng vào đến cảng! – thủy thủ trưởng vui sướng. – Chắc chúng ta sẽ được chén đẫy và nghỉ ngơi ở đây. Vậy thì hạ tất cả buồm xuống nào, người anh em!
Niềm hy vọng chẳng mấy chốc nữa sẽ được chén khiến họ có thêm sức lực. Họ nhanh nhẹn rời gò đi xuống một thung lũng nhỏ bé, nơi có mấy chiếc lán lơ thơ của thổ dân. Bên trong vòng tròn của những chiếc lán đơn sơ đó có một đống lửa đang cháy bập bùng. Khi họ bước đến rất gần khu trại thổ dân, Tômếch đột nhiên dừng lại và thốt lên:
– Suýt nữa chúng ta phạm phải sai lầm!
– Tại sao? – thủy thủ trưởng kinh ngạc.
– Cháu sẽ giải thích cho chú ngay bây giờ. Không được phép đi thẳng vào trại thổ dân Ôxtralia nếu không muốn xúc phạm họ.
– Thế ta làm gì bây giờ? – thủy thủ trưởng hỏi, đưa mắt sững sờ ngó Tômếch.
– Chú sẽ biết điều đó, nếu chú đi cùng cháu đến bản của “Người-cănguru”. Lần ấy, bác Bentley đã giải thích cho cháu nghe phong tục của thổ dân. Cần phải dừng lại bên ngoài bản, chờ cho đến khi được họ ra mời.
– Nghe này, người anh em, chú mày có chắc thế không?
– Vâng, chắc chứ! Cháu vẫn nhớ rất rõ mà!
– Thế ông Bentley cũng làm như thế à? – thủy thủ trưởng hỏi lại, vì biết rất rõ tính hay đùa của Tômếch, anh ngỡ cậu bé đang tìm cách đùa mình.
– Dĩ nhiên rồi! Lần đó, bác ấy bảo rằng không được phép làm trái với phong tục thổ dân địa phương, nếu như chúng ta muốn được họ coi là bạn bè.
Câu nói đó đã thuyết phục được thủy thủ trưởng. Anh nhớ lại chính Tômếch đã chinh phục được sự nghi ngờ của những người thổ dân thoạt đầu từ chối không chịu tham gia vào cuộc săn cănguru lần trước. Vì bản thân không có mấy năng khiếu ngoại giao nên anh vui lòng giao phó nhiệm vụ lễ tân cho Tômếch.
– Thế thì chú mày cứ nói chuyện với họ đi, còn tớ sẽ căng mắt cảnh giác để xem họ có bày trò gì hại chúng ta không – anh quyết định.
– Được rồi, nhưng nói gì với họ bây giờ?
– Cứ bảo rằng lũ ngựa của chúng ta bỏ chạy. Xin họ cho ăn và xin được nghỉ lại trong trại.
– Vậy ta hãy ngồi xuống đây đợi cho tới khi có ai đó trông thấy bước ra hỏi, – Tômếch bảo và ngồi phệt xuống đất, cách khu bản không xa lắm.
Vài phút trôi qua. Thủy thủ trưởng Nôvixki hờ hững đặt khẩu súng ngang đùi, đưa mắt liếc về phía những túp lều của trại. Anh thấy ngay nhiều đôi mắt đang chăm chú quan sát. Lát sau từ trại có một người đàn bà mang một cành cây đang cháy rực lửa bước ra. Bà ta ném một cái cành cháy xuống cạnh chân hai người săn thú và quay quả trở vào bản.
– Thế này nghĩa là gì, người anh em? – thủy thủ trưởng hỏi.
– Cháu cũng không biết, bác Bentley không hề nói gì về cành cây đang cháy cả.
– Hừm! Hay có thể họ ra hiệu bảo chúng ta nên tự nhóm lên một đống lửa? – thủy thủ trưởng phân vân suy nghĩ. – Vậy ta cứ thử xem! Chú mày nhặt cái thứ diêm cháy sẵn của xứ Ôxtralia ấy lên đi, để tớ đi kiếm ít cành khô.
Súng không rời tay, anh đi loanh quanh bẻ mấy cành cây khô, rồi lát sau họ ngồi bên một đống lửa nhỏ cháy leo heo. Bây giờ người đàn bà ấy lại mang ra cho họ một long nước lã, đặt xuống ở khoảng giữa quãng cách giữa hai người săn thú và khu lán. Tômếch liền đến lấy mang về chỗ mình ngồi. Thủy thủ trưởng đặt lon nước trước mặt, tò mò nói:
– Ha, lửa và nước thì chúng ta đã có rồi! Tớ không biết họ sẽ cho chúng ta xơi món gì bây giờ đây?
Người đàn bà lại nhô ra từ giữa đám lán trại. Lần này bà ta mang cho họ hai cái vật hình tròn tròn trên một tấm lá rộng bản. Đó là hai quả trứng to tướng, hai đầu tròn ủm giống hệt nhau, với lớp vỏ xù xì màu vàng trắng.
– Tớ dám đánh cuộc một chai rượu rum rằng đây chính hiệu là trứng đà điểu! – thủy thủ trưởng đoán ra. Ông Bentley chả bảo rằng trứng đà điểu là món chén được. Ta luộc chin hay lòng đào đây?
– Vâng, chúng ta có thể luộc trong cái lon này – Tômếch đồng tình.
Thủy thủ trưởng gạn bớt nước một phần vào bi đông, sau đó anh bỏ hai quả trứng vào lon nước và đặt lon vào đống lửa. Lần này người đàn bà lại mang ra thêm hai chiếc lá nữa, trên mỗi lá, như trên một chiếc đĩa, có mấy rẻo thịt cănguru sấy khô cùng với mấy thứ củ gì đó.
Hai chú cháu chia nhau mỗi người một quả trứng đà điểu, ăn hết mấy miếng thịt kho cứng ngắc, và tráng miệng bằng cách nhai mấy thứ củ là lạ đó. Khi cơn đói đã qua, một ông lão thổ dân Ôxtralia tiến lại gần chỗ họ đang ngồi. Tômếch bắt đầu nói. Nhưng việc giao tiếp với ông già thổ dân cực kỳ khó khăn, bởi ông ấy chỉ biết có vài từ tiếng Anh, nên câu chuyện bằng lời thì ít mà bằng cử chỉ thì nhiều ấy kéo dài khá lâu, mãi khi ánh mắt ông chợt lộ vẻ đã hiểu. Ông ta thích thú xem xét tấm ảnh con hổ bị giết và ảnh Tômếch cưỡi trên lưng voi, chăm chú lắng nghe chuyện lũ ngựa bỏ chạy vào thảo nguyên. Kết thúc mạch diễn thuyết của mình, nhà ngoại giao Tômếch đề nghị ông cấp cho một ít lương ăn dự trữ và cho phép được nghỉ lại trong trại.
Ông già thổ dân quay trở lại với nhóm mấy người đàn ông cầm lao, bumêrăng và mấy tấm khiên dày. Bằng một giọng the thé ông nhắc lại cho họ nghe những lời Tômếch vừa nói, sau đó tất cả mọi người đều im lặng. Lát sau, ông già quay trở lại với hai người thợ săn thú. Dừng lại trước mặt họ, ông bảo:
– Cái bụng người da trắng xấu. Ngay cả ngựa cũng bỏ đi với chó đingô chứ không thèm ở lại với chúng mày. Lũ làng ta cũng không muốn thấy cái mặt chúng mày ở đây. Chúng mày cút ngay khỏi bản!
Nói xong, ông bước giật lùi vào trại.
– Bây giờ ta làm thế nào đây? – Tômếch lo lắng. – Chắc ông già không hiểu điều cháu nói.
– Hiểu hay không thì cũng thế thôi – thủy thủ trưởng đáp. – Họ không thích chúng mình, cho nên không muốn gặp mặt chúng mình, thế thôi.
– Lẽ ra cháu không cần nói về chuyện lũ ngựa bỏ chạy – Tômếch hối hận nói. – Nếu không bị lũ chó hoang tấn công, ngựa đã chẳng bỏ chúng ta mà đi. Cháu không biết cách nói cho họ hiểu.
– Đừng buồn nữa, người anh em! Chú mày cũng chẳng làm thế nào hơn được. Đơn giản là họ không thích người da trắng.
– Bây giờ ta phải làm gì đây?
Thủy thủ trưởng đưa mắt liếc nhìn về phía bản thổ dân, mấy người đàn ông lăm lăm khí giới trong tay đang nhìn họ chờ đợi. Bầu không khí im lặng căng thẳng đầy thù nghịch còn nói cho họ nhiều hơn là lời nói.
– Làm gì bây giờ? – thủy thủ trưởng lặp lại câu hỏi – Chỉ có cách gói ghém hành lý rồi tiếp tục lên đường thôi. Nơi nào không mời anh thì chỉ có gậy gộc tiễn anh thôi! Chú mày chỉ cần liếc xem cách thức bọn họ đang nhìn chúng ta kìa! Nhưng họ không phải là người xấu. Họ cho ta ăn, rồi mới đuổi ta đi. Cất nốt chỗ thức ăn thừa này vào túi, còn tớ sẽ dập tắt lửa. Ta chuồn khỏi chỗ này càng sớm càng hay!
Không buông rời khẩu súng, thủy thủ trưởng cẩn thận giẫm chân dập lửa. Sau đó anh lục tìm trong túi quần, lấy ra một chiếc dao díp nhiều lưỡi. Cầm con dao trong tay, anh mở ra mở vào lưỡi dao mấy lần, rất từ từ, để cho những người thổ dân trong trại có thể theo dõi thật kỹ.
– Chú làm gì thế? – Tômếch ngạc nhiên hỏi, không hiểu hành động lạ lùng của thủy thủ trưởng.
– Thì cũng phải có cái gì tặng họ làm kỷ niệm chứ! – thủy thủ trưởng giải thích. – Ít nhất cũng phải dạy cho họ biết cách sử dụng dao.
Thủy thủ trưởng cuộn dao vào một tấm lá rồi đặt nó vào chiếc ống bơ đang để trên mặt đất. Không chờ đợi gì hơn nữa, anh quàng bó yên ngựa lên vai và cùng Tômếch rời khu lán của những người thổ dân. Chỉ lát sau họ đã ra ngoài thảo nguyên.
Sau khi đỡ đói lòng, cuộc hành trình trở nên dễ chịu hơn. Do trận mưa đêm, mặt đất mềm ra, làn cỏ khô cháy nắng mặt trời như lập tức lấy lại sắc xanh non mơn mởn. Chốc chốc thủy thủ trưởng Nôvixki lại dừng chân chăm chú nhìn quãng đường vừa đi qua. Anh cảm thấy hình như ở xa xa phía sau có mấy bóng đen đang đi theo họ. Thế là anh càng dồn nhanh nhịp bước, lo lắng nghĩ đến đêm tối sắp buông xuống.
Buổi chiều, họ dừng chân nghỉ trên một chiếc gò nhỏ, từ đây có thể nhìn rõ vùng chung quanh. Thủy thủ trưởng có đôi mắt thật tinh, anh nhanh chóng phát hiện ra mấy bóng người đang lẩn khuất trong làn cỏ cao. Không muốn làm Tômếch lo lắng, nên cho tới lúc này anh vẫn chưa hề hé cho nó biết việc có thổ dân đang theo dõi họ. Nhưng anh nghĩ bây giờ đã đến lúc nên chuẩn bị tinh thần cho cậu bé về mối nguy hiểm sắp tới.
– Nghe đây, người anh em, có quỷ mới biết điều này có nghĩa là thế nào, nhưng tớ thấy hình như mấy thổ dân đang đi theo chúng ta, – anh bảo.
– Chú chắc thế không? – Tômếch lo ngại hỏi.
– Chắc như đang thấy chú mình trước mặt vậy. Tớ cố tình leo lên đỉnh gò này để có thể nhìn được rõ vùng thảo nguyên chung quanh.
– Ta sẽ làm gì nếu họ tấn công ta?
– Ban ngày thì chẳng có gì đe dọa chúng ta đâu. Chúng ta có súng, nên có thể xử trí được. Nhưng ban đêm thì tệ hơn. Ta phải bàn xem nên làm gì.
Tômếch cảm thấy một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng. Nó nhớ lại những câu chuyện của ông Bentley về cuộc tấn công của thổ dân vào các nhà thám hiểm trong đoàn của ông Xtơt và nhân viên các trạm điện báo. Nó bèn kể lại chuyện đó với thủy thủ trưởng.
– Chuyện xưa rồi, người anh em, – thủy thủ trưởng đáp với vẻ mặt cố tỏ ra vô lo. – Chúng mình chẳng làm điều gì xấu với họ, họ chẳng thể căm ghét chúng mình.
– Thế sao chú còn lo? – Tômếch hỏi.
Thủy thủ trưởng châm tẩu thuốc để lần lữa kéo dài thời gian. Anh không hoàn toàn tin chắc rằng những người thổ dân sẽ không tấn công hai chú cháu anh, anh lo ngại điều đó chỉ vì nghĩ đến Tômếch. Cậu bé đưa mắt lo lắng nhìn anh.
– Hừm, người anh em ạ. Nên mở to mắt mà nhìn trước mọi thứ, – sau cùng anh mới lầu bầu.
– Cháu cũng nghĩ thế, nhưng cháu không hiểu chú định nói gì? Đầu tiên chú bảo rằng thổ dân đuổi theo chúng ta và nên cân nhắc cần phải làm gì về ban đêm, sau đó chú lại bảo rằng họ sẽ không tấn công chúng ta.
– Cậu thấy không, người anh em, tớ cũng chẳng biết rõ họ muốn gì ở chúng ta? Biết đâu họ chẳng theo dõi chỉ vì tò mò thôi?
– Cháu có một ý này hay lắm! – Tômếch chợt sôi nổi thốt lên.
– Chú mày lại nghĩ ra trò gì nữa thế?
– Chú hãy bắn mấy phát súng để dọa họ thử xem.
– Một lời khuyên đáng giá ngàn vàng đấy! – thủy thủ trưởng khen.
Không nghĩ ngợi lâu la, anh nâng súng lên vai bóp cò. Những hình người đen đen nhảy vội vào ẩn ngay trong đám cỏ.
– Ta cùng bắn nhé! – Tômếch đề nghị.
Tiếng súng vừa vang rền trên thảo nguyên, thì từ phía xa, như những tiếng vọng, cũng lại vang lên tiếng súng đáp lời.
– Thủy thủ trưởng, chú có nghe thấy không? Hay người của chúng ta nổ súng để trả lời? Chúng ta chạy ngay về hướng tiếng súng ấy đi chú! – Tômếch kêu lên.
– Khoan đã, người anh em, chúng ta sẽ biết chắc ngay thôi, – thủy thủ trưởng đáp ngay. – Ta cùng bắn một lần nữa!
Từ phía xa lại có tiếng súng nổ dồn trả lời họ.
– Người của ta! Đúng người của ta rồi! – Tômếch sung sướng kêu lên.
– Ném phao cứu sinh xuống biển! Ngẩng cao đầu! Tiếp tục lên đường! Chúng ta hãy tiến lên đón họ!
– Chốc chốc ta lại bắn vài phát để chỉ đường cho họ đi đúng hướng! – Tômếch nói thêm.
Bao nỗi mệt mỏi đều quên hết, họ bước những bước hùng dũng về phía nam, thỉnh thoảng lại bắn mấy phát lên trời, đáp lại là những tiếng súng ngày một tiến lại. Chẳng mấy chốc sau, họ đã trông thấy đoàn kỵ sĩ đang phi ngựa tới, người kỵ sĩ dẫn đầu phi rất nhan, vượt lên trước toàn đoàn.
– Kỵ sĩ nào mà phóng nhanh tuyệt vời đến thế nhỉ? – Tômếch thán phục thốt lên.
– Còn có thể là ai khác nữa, nếu không phải là ba chú mày hoặc Xmuga? – thủy thủ trưởng đáp.
Đó là chú Xmuga. Dừng phắt con ngựa mồm đang sùi đầy bọt, chú nhảy xuống ngựa, kêu lên:
– Các vị định đi đâu thế này?
Thủy thủ trưởng ném phịch bó yên xuống đất, ngồi bệt lên, không nói lời nào, chỉ chăm chú nhồi thuốc vào nõ tẩu. Thấy vẻ bối rối của chú, Tômếch bèn trả lời thay:
– Chúng cháu định tổ chức riêng một cuộc săn đà điểu.
– À, tôi hiểu rồi, – chú Xmuga vui vẻ đáp. – Chính vì thế hai chú cháu định áp dụng chiến thuật đi săn của người Indian Bắc Mỹ phải không?
– Chú định nói đến chiến thuật gì thế? – Tômếch ngơ ngác hỏi.
– Khi đi săn bò tót, người Indian thường khoác da thú để làm lũ bò mất cảnh giác. Còn hai chú cháu định đi săn đà điểu nên cũng đóng giả làm ngựa. Chính vì thế nên thủy thủ trưởng Nôvixki mới phải vác yên ngựa trên lưng. Thế cuộc săn kết quả chứ?
– Bão cát đã ngăn không cho chúng cháu tóm cổ bốn con đà điểu, – Tômếch buồn rầu trả lời. – Tiếc là chúng cháu không biết trước chiến thuật của người Indian mà chú vừa nói! Chú thủy thủ trưởng phải mang yên ngựa vì lũ chó đingô đã làm lũ ngựa sợ chạy tan tác. Sau đó chú Nôvixki đã giết chết tươi một con.
– Con gì, ngựa á? – chú Xmuga ngạc nhiên.
– Không phải ngựa, mà là một con chó hoang đingô đuổi theo lũ ngựa, – Tômếch giải thích. – Rồi sau đó chúng cháu bị một trận mưa tơi bời, suýt nữa thì chết đuối trong khe núi.
Lúc này, những người trong đoàn cũng vừa tới, đó chính là các thủy thủ trên tàu “Cá sấu”. Họ reo lên những tiếng vui mừng chào đón Tômếch và thủy thủ trưởng. Khi mọi người đã xuống ngựa, chú Xmuga hỏi cậu bé:
– Thế rồi sao nữa?
– Chúng cháu đi bộ băng qua thảo nguyên, vô cùng đói và mệt. Chúng cháu đã gặp một bản thổ dân, họ cho chúng cháu ít thức ăn, nhưng không đồng ý cho nghỉ lại đó. Rồi sau đó họ còn lần mò đi theo sau chúng cháu. Để dọa họ, hai chú cháu đã bắn chỉ thiên, đúng lúc đó thì nghe tiếng súng trả lời của các chú.
– Hai chú cháu đẹp mặt thật, – chú Xmuga chế giễu. – Cứ nhìn thử vào gương mà xem! Mặt mũi thế kia thì thảo nào thổ dân chẳng hết vía, chắc họ đi theo chỉ để xem vì tò mò thôi.
Hai nhà săn thú bất hạnh nhìn vào tấm gương mà chú Xmuga đưa cho rồi đều phá lên cười. Khắp người họ bùn khô bám nhoe nhoét, mặt thủy thủ trưởng thì rậm rì bộ râu ba ngày không cạo.
– Bác Vinmôpxki đâu rồi? – thủy thủ trưởng hỏi với giọng lo ngại.
– Bác ấy và ông Bentley đi về phía đông để tìm hai chú cháu, – Xmuga an ủi rồi ra lệnh cho một thủy thủ bắn mấy phát pháo hiệu lên trời, chẳng mấy lâu sau từ phía xa cũng có một phát pháo hiệt kéo theo chiếc đuôi khói dài bay vọt lên không trung.
– Họ thấy tín hiệu của chúng ta rồi! – chú Xmuga nói. – Ta có thể quay trở về trại, các bạn sẽ trở về sau.
Thủy thủ trưởng và Tômếch cưỡi lên những con ngựa dự trữ mà đoàn dắt theo, rồi cả bọn lên đường.
– Sao các chú biết chuyện hai chú cháu mất ngựa? – Tômếch đi ngựa lại gần chú Xmuga hỏi.
– Đêm qua hai con ngựa của cháu và thủy thủ trưởng trờ về trại, hết sức mệt mỏi, mọi người nhận ra con ngựa pôny của cháu, ngay lập tức các chú cử người về trang trại hỏi ông Hoa Xung tại sao lại thả ngựa ra thảo nguyên. Đến lúc ấy mọi người mới biết chuyện hai chú cháu đã bỏ nhà đi săn bốn ngày nay rồi. Ông Hoa Xung không lo lắng cho hai chú cháu vì nghĩ rằng cả hai đã nhập vào đoàn săn của các chú. Mọi người đều rất lo, không biết hai chú cháu có gặp chuyện gì nguy hiểm hay không trong thời gian bão cát, cơn bão cũng đã khiến đoàn các chú phải ngừng cuộc săn. Thế là chú và ba cháu mới chia người thành hai toán đi tìm.
– Ba cháu có bực lắm không hả chú? – Tômếch lo lắng hỏi.
– Không, ba cháu biết cháu đi cùng với thủy thủ trưởng Nôvixki mà. Ba cháu và các chú chỉ lo hai chú cháu gặp phải chuyện gì không lành thôi. Những cơn bão cát Ôxtralia thường gây nên rất nhiều thiệt hại và nhiều khi tạo nên những tình thế nguy hiểm cho con người. Rất may là những làn gió nóng mang theo mây bụi thổi từ vùng sâu đại lục đã vấp phải dòng không khí đang dồn từ phía nam lên, gây nên mưa rào và giông.
– Nhờ thế chúng tôi mới có hớp nước súc miệng, để đỡ khát cho hai cái cổ họng đang khô như nung, – thủy thủ trưởng góp chuyện. – Phải, phải, xin chớ có ai nói với tối rằng cái xứ sở chết tiệt này không có những chuyện ngược ngạo và bất ngờ. – Hai chú cháu gặp may đấy, – chú Xmuga nói thêm. – Nhiều khi bão cát kéo dài mấy ngày liền và thật hiếm khi nó kết thúc như cơn bão vừa rồi!
Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru - Alfred Szklarski Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru