Chương 14
hững dự đoán của Khiêm đều thành sự thực. Tôi đã chiếm được Dung, trong cái lúc bản năng tự tồn không cho người ta kịp đắn đo suy nghĩ gì nữa hết. Nhưng đắc thắng, tôi có vui thỏa chút nào không? Quả thực không! Chẳng những tôi đã không vui thỏa chút nào, tôi còn đau đớn là khác.
Đúng thế! Sau mấy phút cảm giác sôi nổi, tôi thấy tôi vĩnh viễn mất đi một cái gì. Hơn nữa, tôi cảm tưởng khắp người tôi đầy nhơ nhớp nó làm cho tôi đi đến đâu, không khí và ánh sáng sẽ lây bẩn đến đấy. Tôi đau đớn, tôi hổ thẹn, tôi ghê tởm cho tôi và ghê tởm tất cả. Tóm lại, tôi hoàn toàn tuyệt vọng, hoàn toàn chán nản. "Người ta có thể nào tô son vẽ phấn lên ái tình nhiều thế, và có thể nào làm nhiều việc quái gở vì tình đến thế?".
Trời! Giá quanh mình tôi, thiên hạ đừng nói ái tình ầm ĩ như thiên hạ đang nói, tôi chắc chắn sẽ không biết ái tình. Khốn nỗi, không nói ái tình, thiên hạ - tôi trỏ cái thiên hạ ăn dưng ngồi rỗi - còn biết nói gì? Họ nói ái tình rêng với nhau chưa chán, họ còn đem ái tình vào văn thơ, chưng ái tình lên màn ảnh, nghĩa là dùng đủ mọi cách để kêu gọi, để mời mọc sự tò mò của tôi!
Đành rằng, vào cái tuổi mười bảy, người ta rất có thể đã biết những đòi hỏi của thể chất. Nhưng, nếu ta dùng một phương pháp nào đó - làm việc, thể thao chẳng hạn - khiến thể thất luôn luôn nhọc mệt và bận rộn, sự đòi hỏi của nó sẽ bớt gay go ngay. Ái tình, trái hẳn thế, đã được người ta làm thành sự say đắm của tâm hồn, một ám ảnh của trí não! Kết cục: chúng tôi đã biết ái tình trước khi biết sống, và cần ái tình hơn cả sự sống. Thiên hạ để chúng tôi bén mùi ái tình rồi, thiên hạ lại ngăn cản sự cần thiết yêu đương của chúng tôi bằng đạo đức, luân lý, giai cấp, và cả bằng tiền nữa! Thế là chúng tôi bị đau khổ, bị tuyệt vọng, đâm làm liều, tự tử, nếu không trụy lạc. Chúng tôi bị ép phải chán đời, ngay từ trước khi được hưởng cái thú sống trong ánh mặt trời! Và chính cái trường hợp của tôi lúc này. Tôi não nùng cho tôi quá, tôi còn thương Dung không biết chừng nào! Giá tôi được hy sinh cho Dung. Khốn nỗi, nàng cần chi sự hy sinh của tôi. Nàng chắc ghê tởm tôi lắm, thù ghét tôi lắm. Càng hay! Sự ghê tởm, sự thù ghét nhiều khi trở nên cần thiết, không thể thiếu được cho cả người bị ghê tởm, kinh ghét lẫn người được quyền ghê tởm, khinh ghét. Nó giúp cho người kia đỡ cực khổ và cho người này quên nỗi cực khổ của mình.
Riêng tôi, tôi thấy rằng bị Dung khinh ghét, ghê tởm chưa đủ. Tôi cần phải tự trừng phạt nữa, mặc dầu, xét cùng lý, tôi là kẻ bị động hơn là chủ động. Tôi phải tự hành hạ tôi thay cho Dung, tôi phải làm cách nào để giảm bớt sự uất ức âm thầm của Dung. Làm cách nào? Tôi chưa biết tôi sẽ làm cách nào. Tôi hãy đi tìm thằng Khiêm đã. Tôi đã bán linh hồn cho nó, vậy nó phải trả lại tôi bằng cái giá của Địa ngục.
Tôi đứng dậy ra đường. Vừa hay Khiêm ở đâu lù lù dẫn đến. Chắc nó nóng nghe về chuyện phiêu lưu của tôi. Tôi nói chặn:
- Khiêm, mày có thể dạy tao một cách... một... một... (Tôi chặc lưỡi) Chẳng hạn, khi một người hối hận muốn đày đọa mình, người ấy phải làm như thế nào?
Khiêm bật cười:
- Á à!... Thế có nghĩa là ông đã sung sướng rồi đấy, và bây giờ ông phải vờ hối hận, để tỏ ra ông cao thượng khác người thường chứ gì?... Được, hãy theo ta!...
Tôi lẳng lặng theo Khiêm. Dọc đường nó hai ba lần gạn hỏi tôi:
- Nhưng đầu đuôi thế nào, hãy thuật lại cho tớ nghe với?...
Tôi quắc mắt lừ nó:
- Cấm mày không được nhắc đến chuyện Dung nữa!
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân