Chương 12
uộc điện thoại ngày hôm đó lâu hơn bao giờ hết. Tôi ngồi ở băng ghế nhà ga, không rời mắt khỏi bố đang ở bốt điện thoại bên ngoài. Một linh cảm không hay.
Bố quay lưng về phía tôi và không ngừng bỏ những đồng mười yên vào khe điện thoại rồi cúi đầu trước cái điện thoại không biết bao nhiêu lần. Sao bố lại làm vậy nhỉ? Chắc là đang bị mẹ mắng. Mẹ hay cáu với bố lắm.
Tôi nhìn đồng hồ nhà ga. Đã hai mươi phút rồi mà bố vẫn chưa rời khỏi chiếc điện thoại. Trong lòng, linh cảm không hay ngày càng phình to ra, toàn thân tôi ngứa ngáy, khó chịu như có sâu bò vào tận cổ họng. Ngồi yên một chỗ không nổi nữa, tôi đứng dậy, rảo quanh các cửa hàng bán quà vặt trong nhà ga và ngắm nghía. Tôi lần lượt nếm thử các món muối chua, đồ kho khô. Vừa đưa miếng dưa muối có mù tạt vào miệng, tôi nghe tiếng người sau lưng:
- Sao? Đói bụng rồi à?
Quay lại thì thấy bố đứng đó. Tôi nhăn mặt vì mù tạt cay nồng.
- Thương lượng thành công rồi.
Bố thấp giọng đến nỗi như mất hết cả sức lực. Mù tạt sộc lên khiến hốc mũi nồng mù tạt, một giọt nước lăn tròn, nó chui ra từ mắt phải.
- Ngốc à! Còn sớm những mười năm con ạ!
Bố nói rồi cũng cho một miếng dưa muối mù tạt vào miệng.
- Thương lượng thành công rồi! Cho nên bố không có quyền bó buộc Haru nữa. Bố phải trả Haru về chỗ Kyoko. Đã hứa vậy.
Tôi đứng trước quầy muối chua, thất thần nghe bố trịnh trọng tuyên bố. Tôi hoàn toàn không đoán được từ đây sắp tới sẽ thế nào.
- Có điều là nảy sinh một vấn đề nan giải…
Tôi nín thở. Tôi có cảm giác bố sẽ nói “bố muốn hỏi ý kiến con”. Tôi dốc hết tốc lực tóm tắt ý kiến của mình. Tôi đã quyết định. Sẽ cứ thế mà tiếp tục chạy trốn. Trường lớp, mẹ, dì, đúng là có nhiều chuyện phải nghĩ nhưng trước mắt, bây giờ cứ quên hết, bỏ trốn. Một phiếu tán thành duy-trì-hiện-trạng.
- Vấn đề nan giải, đó là không có tiền. Không có tiền đi xe điện từ đây về nhà.
Bố gục đầu nói còn tôi thấy hoa cả mắt. Mất công tôi dốc hết sức lực để tóm tắt ý kiến của mình. Tôi định đưa ra phương án, không có tiền thì lại lượm lều cũ ở đâu đó, ngủ ngoài trời nhưng bố đã chặn trước.
- Bố đi tra thông tin chút đã, Haru cứ ăn thử tiếp đi!
Nói vậy rồi bố đi vào quầy thông tin màu xanh lá cây.
Bố ngồi lên ghế quầy, xem giờ xe điện chạy, giá tiền, bản đồ, lật tới lật lui mấy trang giấy, vẻ chăm chú.
Tôi lại cho miếng dưa mù tạt vào miệng, lần này thật nhiều. Sộc và cay đến nỗi tôi không đứng được mà phải cúi gập người. Vẫn trong tư thế ấy, tôi cố gắng nhai nát miếng dưa. Mù tạt bốc ra một làn hơi như một con dao nhỏ cứa khắp miệng, lan đến tận hốc mũi, mang tai tạo cảm giác đau điếng, tôi ôm chặt hai bên thái dương, nhăn mặt. Mồ hôi toát đầy trán. Tôi cảm nhận mùi vị như đùa đó bằng toàn bộ cơ thể. Trong góc quầy, một bác gái xuất hiện:
- Này cháu, có sao không? Uống ngụm trà đi!
Nói rồi bác đưa tôi một cốc trà lúa mạch.
- Cảm ơn bác!
Tôi nhận lấy, gượng cười, cuối cùng nước mắt mới chịu lăn dài trên má.
- Ôi trời ạ!
Bác ấy khom lưng nhìn tôi rồi cười. Tôi cũng cười. Uống trà lúa mạch rồi mà nước mắt mãi không chịu ngưng. Và cười cũng không dứt.
Khi muốn khóc nhất, tôi lại chỉ có thể khóc bằng cách này. Điều đó thật buồn cười không chịu nổi.
Tôi thấy vang trên đầu tiếng bố giải thích đi đến đâu đó, có người bạn cũ sống ở đấy, và có thể mượn được tiền. Vấn đề là thậm chí không có tiền để đi kia. Nhưng may mắn là từ đây đến đó cũng không xa lắm. Đi bộ thì hơi cực chứ đi xe đạp thì không đến nỗi.
- Vì vậy mà, bây giờ bố sẽ làm một việc xấu. Thật lòng bố không muốn làm và cũng không muốn Haru chứng kiến việc này. Nhưng bố không còn cách nào khác.
Bố nói những lời như lời thoại trong một vở kịch rồi bước ra ngoài nhà ga. Thời tiết thật đẹp. Mặt trời chiếu những tia nắng chói chang, nóng bỏng da. Băng qua bãi đậu taxi, trạm xe buýt, tôi biết bố định làm gì.
- Thôi, đừng làm vậy bố ơi!
Tôi đi theo sau bố nói, người không còn chút sức lực. “Lấy trộm xe đạp có gì hay đâu. Nếu phải làm thế thì đừng về nữa.”
Bố đứng ngắm nhìn dãy xe đạp được xếp trật tự ở bãi xe trước nhà ga rồi quay nhìn tôi, nói như thể rất tâm đắc với cái sáng kiến tuyệt vời của mình:
- Hay mình viết cái thư nói mượn ít lâu?
- Vậy ai đem trả lại?
- Ừ thì… không có ai cả.
Sau lưng bố, đủ loại xe đạp đang lấp loáng trong nắng. Tôi nghĩ bụng nếu không có tôi ở đây hẳn cái người này đã “bắt cóc” một chiếc xe đạp không khóa nào đó mà chẳng cảm thấy chút tội lỗi nào. Nói thật lòng, tôi lại thấy vui khi nghĩ như vậy. Nếu là trước kỳ nghỉ hè, hẳn tôi dám khẳng định bố dứt khoát không làm những việc này. Nhưng bây giờ, tôi đã biết bố là người thế nào và biết rằng chẳng vì thế mà tôi trở nên ghét bố.
Thế nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy việc lấy trộm xe đạp của người khác là cực kỳ xấu. Nếu người đó phải ôm một đống hành lý to đùng mà còn phải đi tìm chiếc xe đạp thì sao? Lỡ chiếc xe đạp đối với người đó chất đầy kỷ niệm thì sao? Giả dụ tôi là người bị mất trộm xe? Đúng là không ổn tí nào.
Phát hiện cách xa bãi xe một chút là đống xe cũ được chồng chất cùng vỏ hộp, chai lọ rỗng, bao nilon, tôi liền tiến lại gần. Chỗ đó như một bãi nghĩa địa xe đạp. Cái thì sườn xe gỉ sét, mất bánh, cái mất yên, cái lại chỉ có mỗi cái yên, cái không có bàn đạp, có cái vẹo sườn. Nhìn sao cũng thấy chỉ là đồ vứt đi.
- Mình tìm cái nào còn tốt, ráp thử?
Tôi nói.
Trước sáng kiến lắp ráp một chiếc xe đạp từ những bộ phận bị vứt đi đó, lại không phải trở thành kẻ cắp xe đạp trước mặt tôi, vừa không phải đi bộ đến nơi cần đến, bố tỏ vẻ mặt vô cùng yên tâm và nói:
- Haru thông minh ghê!
Tôi cảm giác như mình thành bố của con người này!
Chúng tôi bỏ ra ba tiếng đồng hồ, mồ hôi vã ra như tắm, với ý định lắp ráp một chiếc xe đạp thật hoành tráng từ đống rác đó nhưng rốt cuộc lại đành bỏ dở cuộc khổ chiến. Gì thì gì, đó là một cuộc chiến không cân sức. Không kìm, không tuốc-nơ-vít lại chẳng có chút hoa tay, tài nghệ gì. Mặt trời đã ẩn hết nửa sau tòa nhà đối diện nhà ga.
- Lấy cái này đỡ vậy!
Bố lôi trong đống sắt vụn ra một chiếc xe đạp gỉ đen không có lấy một mi-li-mét màu bạc, không cả yên xe, đèn xe thì cong vẹo, bánh xe thì xẹp lép không một chút hơi. Bố nhặt một cái yên và cố gắng nhét nó vào.
- Chắc cũng chạy được.
Bố nói bằng một giọng mệt mỏi tận đáy lòng.
- Chắc được, đi thôi!
Tôi nói. Bố ngồi yên trước, tôi leo lên yên sau. Chiếc xe vừa chạy vừa phát ra âm thanh lịch kịch, tôi quay lại thì thấy bãi chiến trường xe đạp mà chúng tôi loay hoay, cặm cụi sửa nãy giờ đã ngập buồn nắng chiều.
Bố đạp xe đương nhiên vất vả mà tôi ngồi sau thật ra cũng chẳng sung sướng gì. Vì bánh xe đã hết hơi nên mông tôi ê không chịu nổi. Xui nữa là đường quốc lộ chúng tôi đi đang kẹt xe, những người ngồi trong xe hơi gí mặt vào cửa sổ nhìn theo hai người chúng tôi trên chiếc xe đạp tàn tạ.
- Bố à, đi đường trong đi!
Không chịu nổi ánh mắt của họ, tôi nói.
- Lạc là cái chắc!
Bố gạt phăng đề nghị của tôi.
Để tránh ánh mắt của những người ngồi trong xe hơi, tôi quay mặt đi, má phải áp sát lưng bố. Bên trái đường quốc lộ là đồng ruộng, cỏ dại mọc cao. Nhìn những thân cỏ cao mọc ven đường, tôi lấy hết sức hít một hơi thì ngửi thấy mùi lưng áo bố. Mùi của một buổi sáng mùa hè mở toang cửa sổ để làm bay mùi thịt muối chiên. Tôi chuyển ánh nhìn từ cây cỏ dọc đường sang thứ trước mặt, lưng áo bố. Cái lưng to rộng hơn tôi nghĩ, chính giữa chiếc áo sơ mi đã ngả vàng là mồ hôi, đẫm, loang tròn.
Phần đẫm ướt đó trông như một cái bản đồ. Tôi có cảm giác chúng tôi đang chạy thẳng trên tấm bản đồ tới một nơi nào đó.
Tôi không thể tin được là mình phải về. Ừ nhỉ, chưa về đâu. Làm sao mà người bạn nào đó của bố có thể cho mượn tiền khi thấy một ông bố dắt đứa con đến trên chiếc xe đạp tàn tạ nhìn là biết đồ “mượn đỡ” này. Nếu vậy thì chúng tôi sẽ không thể về nhà. Tôi nhìn cái bản đồ nhỏ trên lưng chiếc áo ố vàng.
Cho đến khi những chiếc xe hơi và cánh đồng rộng mênh mông đồng loạt ánh vàng, rồi chuyển sang màu xanh dương nhạt như muốn tan chảy, cuối cùng là mù mờ tối mịt như bị nuốt chửng, tôi vẫn nhìn chằm chằm lưng áo bố. Nó nổi lên mờ mờ trăng trắng trong bóng tối, cái bản đồ lớn thêm hơn. Trên đường không còn chiếc xe nào. Mọi người đã đi đâu hết. Chỉ có tiếng xe đạp cọc cạch, tiếng bàn đạp cọt kẹt vang lên. Đương nhiên xe không có đèn nên chúng tôi hoàn toàn không thấy được cảnh sắc trên đường cũng như chiều ngược lại. Tôi hỏi:
- Bố thương lượng gì vậy?
- Rất chán.
Bố khẽ cười và nói.
- Rất chán là sao?
Bố không đáp, thay vào đó, bánh xe lăn thật buồn.
- Haru, bố xin lỗi!
Đột nhiên bố nói vậy.
- Ê mông lắm phải không?
Lần này thì tôi không trả lời. Tôi áp má vào lưng bố. Lưng bố dưới lớp áo sơ mi ướt lại nóng đến lạ.
Tôi nhắm mắt, không hiểu sao lại nghĩ đến dì Yuko.
Dì Yuko từng nói, nói xin lỗi chứ cho đến lúc lớn, dì ghét mẹ, ghét dì Asako và bà lắm. Hôm đó hình như mẹ bận việc về muộn. Tình cờ dì Yuko đến chơi rồi dắt tôi đến tiệm pizza trước nhà ga. Tiệm nằm tầng trên cùng tòa nhà, rất đông khách nhưng may là chúng tôi có chỗ ngồi sát cửa sổ.
Lúc dì bằng tuổi mày, dì rất ghét mẹ và cả hai chị của mình, thậm chí còn nghĩ sao mình lại sinh ra trong cái nhà thế này. Dì còn nghĩ chắc chắn do bệnh viện nhầm lẫn, thật ra mình là con nhà khác mà do y tá bất cẩn trao nhầm.
Dì Yuko đã bất ngờ bắt đầu câu chuyện như vậy khi dùng dĩa lấy rau trong đĩa rau khai vị được bưng ra cùng một chai rượu nhỏ trước khi món pizza được đem tới.
Hồi xưa, mẹ mày với dì Asako, mà bây giờ cũng vậy, thân với nhau lắm, cũng không phải là ghét bỏ dì đâu nhưng mà hiểu không? Hai người thân nhau như vậy tự nhiên khiến mình có cảm giác lạc loài. Hai người đó cứ dính nhau như sam, đi mua sắm, xem phim, ăn uống, lúc nào cũng có nhau. Họ làm thế sẽ khiến mình sau đó phải hỏi là sao không rủ, thế là họ nói “ớ, mày có nói là muốn đi chung đâu?” Chưa kể, hai người đó còn là con ngoan trò giỏi từ gốc đến ngọn luôn.
Bố của dì, tức ông ngoại mà mày chưa từng gặp bao giờ ấy, là người duy nhất quan tâm đến dì nhưng ông bận lắm, ít khi gặp. Mà ông cũng mất sớm, lúc dì lên cấp ba.
Khi chán đĩa rau rồi thì dì Yuko chuyển sang uống rượu như uống nước trái cây. Châm lửa hút thuốc rồi nhả khói, tiếp tục câu chuyện. Tôi nhìn những ánh đèn sáng đây đó ngoài cửa sổ, và lắng nghe dì Yuko nói. Tôi không có anh chị em, cũng chưa bao giờ nghĩ “nhà này không phải nhà của mình” nhưng lạ là tôi lại hiểu rõ những điều dì Yuko nói.
Tôi đã nhiều lần suy nghĩ tại sao mình không được tự chọn bố mẹ hay anh chị em. Rõ ràng những người này ở suốt với mình mà, việc quan trọng như vậy mà lại không được lựa chọn. Bạn bè thì có thể lựa chọn được. Áo quần, đồ ăn, trường lớp… cái gì cũng có thể lựa theo ý mình, vậy mà chỉ có gia đình là không. Tôi đã từng là một đứa trẻ luôn nghĩ về điều đó và cho rằng điều đó thật sai lầm.
Tôi không thể hỏi dì Yuko sao tự nhiên lại nói chuyện đó với tôi. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi rất hồi hộp. Và muốn nghe dì nói thêm nữa. Khi tôi định hỏi “rồi sao?” thì pizza được đem ra, dì Yuko liền bảo:
- Ăn thôi.
Ăn xong miếng pizza đầu tiên, tôi hỏi dì:
- Bây giờ còn ghét không?
Dì trả lời:
- Không ghét, không đến mức như vậy.
- Tại sao?
Tôi hỏi lại lần nữa thì dì Yuko làm vẻ mặt thường thấy khi “bật mí” điều gì đó và đáp:
- Tại có người để yêu rồi.
- Là sao, không hiểu gì hết.
Tôi nói. Dì Yuko kéo phô-mai trên miếng bánh ra và cười:
- Không hiểu là đúng rồi.
Dì Yuko ăn hết miếng pizza, gọi thêm một chai rượu, sau đó còn uống nữa rồi nói như thế này:
- Khi mình có quyền chọn lựa một việc vô cùng quan trọng khác thì những việc mà mình đã không thể lựa chọn ấy, chẳng còn ý nghĩa gì nữa, sao cũng được, ghét thì quên béng đi là xong, thích thì cùng ở với nhau. Khi nghĩ được như vậy rồi lại nhận ra là không ghét đến mức đấy. Cho nên dì mới hay đến nhà mày chơi đó thôi!
Tôi không hiểu rõ những điều dì Yuko nói lắm và nghĩ cả dì cũng chẳng hiểu bản thân mình đang nói gì đâu. Dẫu sao, dì cũng đã uống hết hai chai rượu rồi, dù là chai nhỏ đi nữa. Dì Yuko say đến mức không tự mình đi nổi vậy mà còn nắm tay tôi kéo đi, chốc chốc ré lên cười như điên, về đến nhà thì bị mẹ mắng một trận vì cái tội uống nhiều.
Vì lúc đó tôi không hiểu những điều dì Yuko nói lắm nên sau đó tôi đã quên hầu hết trừ việc dì đã ghét mẹ, ghét dì Asako và bà nhưng giờ chỉ hơi hơi ghét, và nếu để dì ấy uống rượu nhiều thì thật rách việc.
Thế nhưng, chẳng hiểu sao khi dựa vào lưng bố, nhắm mắt trong bóng tối thì tôi nhớ lại chuyện lúc ấy rất rõ, nhớ lại và vẫn không hiểu những điều dì Yuko đã nói, vậy mà trong lòng thấy thoải mái, nhẹ nhõm sao đó.
Tôi Bị Bố Bắt Cóc Tôi Bị Bố Bắt Cóc - Mitsuyo Kakuta Tôi Bị Bố Bắt Cóc