Chương 14 - Vì Sao Nhân Chuyện Chiến Tranh, Tix-Tu Lại Đặt Cho Mình Những Câu Hỏi Mới
hi người lớn nói to, trẻ em trai không lắng nghe.
- Tix-tu, có nghe không đấy?
Tix-tu gật đầu “có ạ, có ạ”, tỏ ý ngoan ngoãn, kỳ thực em có để ý đâu.
Nhưng ngay từ phút người lớn hạ giọng và thì thầm bí mật với nhau, lũ trẻ trai liền dỏng tai lên, gắng nghe kỳ được chuyện người lớn không muốn nói với chúng.
Về đặc tính này, cậu nào cũng như cậu nào, Tix-tu cũng không ngoại lệ.
Từ mấy hôm nay, người ta thì thào với nhau rất nhiều ở Mi-rơ-poan. Có cái gì bí hiểm trong không trung và ngay cả trong các tấm thảm ở ngôi-nhà-lấp-lánh của bố mẹ Tix-tu.
Trong lúc đọc báo, bố mẹ em thở dài thườn thượt. Anh hầu Ca-rơ-luyx và bà bếp A-mê-li to nhỏ với nhau bên cái máy giặt. Ngay ông Tru-na-đix dường như khi nói năng cũng không oang oang như lệnh vỡ nữa.
Tix-tu chớp được đôi lời chẳng đẹp đẽ gì.
- Căng thẳng!... - Bố em trịnh trọng nói.
- Hỗn mang!.. - Mẹ em tiếp.
- Mỗi ngày một trầm trọng!... – Ông Tru-na-đix thêm
Tix-tu tưởng ba người đang nói về một bệnh gì đó; em bỗng bồn chồn, và giơ hai ngón tay cái lên, đi tìm trong nhà xem ai bị ốm.
Đi vòng một lượt quanh vườn, em hiểu mình nhầm; bác Râu-mép-dài rất khoẻ, lũ ngựa nòi màu hồng đậm nhảy nhót tung tăng; con Thể thao tỏ vẻ hết sức thảnh thơi.
Nhưng hôm sau ai cũng nhắc đến một từ.
- Chiến tranh… không tránh khỏi đâu. - Bố Tix-tu nói.
- Chiến tranh!... Ôi con người đáng thương! - Mẹ em lắc đầu một cách rầu rĩ.
- Chiến tranh! … Vậy đấy! Lại một cuộc nữa. – Ông Tru-na-đix tiếp - Để xem bên nào thắng.
- Chiến tranh! … Thương tâm biết ngần nào. Chẳng bao giờ hết chiến tranh! – Bà A-mê-li rên rỉ, phều phào muốn khóc.
- Chín tranh… chín tranh… lúc nào cũng chín tranh! – Anh hầu Ca-rơ-luyx hơi ngọng nhắc lại.
Tix-tu nghĩ rằng chiến tranh là một chuyện chẳng sạch sẽ gì, bởi vì nhắc đến nó, người ta chỉ nói rất khẽ, nó là một chuyện xấu xa, một căn bệnh của người lớn, còn tồi tệ hơn tật say rượu, tàn nhẫn hơn sự nghèo đói, nguy hiểm hơn tội ác. Ông Tru-na-đix đã một lần nói qua với em về chiến tranh khi chỉ cho em thấy đài kỷ niệm các liệt sỹ ở Mi-rơ-poan. Nhưng vì ông nói to quá, Tix-tu không thật hiểu.
Em không sợ. Em còn can đảm đến liều lĩnh. Các bạn đã thấy em bao lần tụt xuống trên tay vịn cầu thang. Khi cả nhà đi tắm sông, bố mẹ em phải cấm em nhảy liên tiếp mười lần xuống sông từ trên cái cầu nhảy dành cho các kiện tướng bơi lội. Em lấy đà, rồi hốp! em đã trong không trung, hai tay dang rộng, lao vút xuống như một thiên thần. Em trèo cây khác hẳn mọi người, dám leo ra tận đầu cành để hái cái quả mà không ai với tới được, em chẳng hề chóng mặt. Quả thật Tix-tu không hề biết sợ.
Nhưng ý nghĩ của em về chiến tranh chẳng có gì chung với lòng can đảm hay sự khiếp nhược; đó là một ý nghĩ không kham nổi, tất cả là thế.
Em muốn người lớn giảng giải cho. Có phải chiến tranh khủng khiếp như em tưởng tượng không? Tất nhiên, trước hết em đến hỏi bác Râu-mép-dài.
- Cháu không làm phiền bác chứ ạ? – Em hỏi bác đang tỉa những cây hoàng dương.
Bác bỏ kéo xuống:
- Không, không tí nào con ạ.
- Thưa bác, bác nghĩ thế nào về chiến tranh?
Bác làm vườn lộ vẻ ngạc nhiên.
- Bác chống lại nó. - Bác vuốt râu đáp.
- Vì sao bác chống?
- Vì… vì một cuộc chiến tranh cỏn con cũng có thể tiêu huỷ một khu vườn rộng.
- Tiêu huỷ? Thế là sao cơ ạ?
- Là phá tan, xoá sạch, đập nát thành tro bụi.
- Quả thế ạ? Chính bác đã chứng kiến một khu vườn bị chiến tranh thiêu huỷ?
Tix-tu tưởng bác làm vườn chưa hề chứng kiến. Nhưng bác đâu có đùa.
Bác cúi gằm xuống, đôi lông mày bạc trắng cau lại, hai làn râu mép dài xoắn vặn trong hai bàn tay.
- Có, có, bác có chứng kiến. - Bác cất lời - Bác đã thấy một khu vườn đầy hoa bị biến mất trong hai phút. Bác đã thấy những nhà kính trồng cây nảy lên và vỡ tan thành muôn ngàn mảnh. Bác đã thấy bao nhiêu bom rơi xuống khu vườn từ bấy không còn trồng được cây gì nữa. Đất cũng chết đấy con!
Tix-tu bỗng nghẹn ngào trong cổ.
- Khu vườn ấy của ai ạ? – Em hỏi.
- Của bác. - Bác làm vườn quay mặt đi để giấu nỗi đau và cầm lấy kéo.
Tix-tu lặng đi. Em tư lự. Em cứ tưởng tượng cảnh khu vườn quanh em bị bom đạn tàn phá như vườn của bác Râu-mép-dài, nhà kính vỡ tan hoang, đất không cho hoa lá nữa. Nước mắt em trào ra.
- A, cháu sẽ nói lên điều đó - Em kêu lên - toàn thế giới phải biết điều đó. Cháu sẽ nói lại với bà A-mê-li, anh Ca-rơ-luyx…
- Chà, Ca-rơ-luyx còn đáng thương tâm hơn bác, nó đã mất quê cha đất tổ.
- Đất tổ ấy ạ? Anh ấy đã mất tổ trong chiến tranh? Có thể như thế được ư?
- Vậy mà đúng thế. Quê hương nó đã hoàn toàn mất tăm. Chẳng bao giờ nó còn tìm thấy. Chính vì vậy mà nó đến đây.
“Mình có lý khi nghĩ rằng chiến tranh là một điều khủng khiếp, bởi vì người ta có thể mất quê hương trong chiến tranh như mất một chiếc mùi xoa”, Tix-tu thầm nghĩ.
- Bác có thể kể dài về chiến tranh cho con nghe. – Bác Râu-mép-dài nói - Con nói bà A-mê-li làm bếp phải không? Bà ấy đã mất con trai đấy. Người thì mất chân, kẻ thì mất tay, mất đầu. Trong chiến tranh, ai cũng mất một cái gì.
Tix-tu cho rằng chiến tranh là sự hỗn loạn tồi tệ và to lớn nhất trên mặt đất này, bởi vì mỗi người đều mất trong đó cái thân yêu nhất.
“Người ta có thể làm gì để ngăn chặn chiến tranh?... Em tự hỏi - chắc hẳn ông Tru-na-đix chống chiến tranh vì ông rất ghét sự hỗn loạn. Ngay ngày mai, cháu sẽ thưa chuyện chiến tranh với ông ấy”.
Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh - Maurice Druon Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh