Thời Sôi Nổi epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 14 - Cô Gái Tạo Bản
iệc rượu kéo dài suốt từ chiều đến đêm 30 Tết vẫn chưa dứt. Trong căn nhà sàn lớn của Tạo bản nồng nặc mùi rượu và khói. Ông Tạo bản - giống như Lý trưởng dưới xuôi - Hai cánh tay chắp vào nhau, rồi xoa xoa hai bàn tay, kính cẩn nói:
- Nào xin mời các cán bộ, bây giờ ta uống chúc mừng. Trước hết bát rượu này mừng Đảng - Rồi đến bát rượu mừng Cụ Hồ, bát rượu mừng chính phủ, bát rượu mừng quân đội...
- Nào, xin mời... xin mời.
Cứ như thế liên tục năm, sáu bát rượu liền để chúc mừng - Đã nói đến mừng Đảng, mừng chính phủ, mừng cụ Hồ thì ai còn dám từ chối, cứ phải là 100% sạch bát.
- Lúc này ta uống chúc mừng các cán bộ lớn rồi, bây giờ đến lượt cán bộ nhỏ, cán bộ Đen, nào mời cán bộ Đen.
- Nhà eng có mấy người? - Cô gái Thái ngồi bên đùi trái Đen hỏi - Đen liền thực thà:
- Có bố mẹ và năm anh chị em.
- Ôi thế thì phải uống bảy bát rượu để chúc mừng người nhà eng Đen - Cô gái Thái ngồi bên đùi bên phải Đen reo lên - Nào xin mời, bát thứ nhất mừng bố eng Đen!
- Mọi người đều nâng bát rượu lên uống cạn - Nào, bát thứ hai mừng mẹ eng Đen. Nào xin mời! - Bát thứ ba mừng anh trai...
Lúc này Đen mới biết là dại liền vội vàng cải chính lại.
- Thôi thôi thôi đủ rồi, hai anh trai bị Tây giết rồi, chị gái cũng bị Tây bắt rồi, em trai bị thất lạc không biết sống hay chết. Không thể uống chúc mừng người chết và người bị bắt được.
- Không được - Ông Tạo bản nói - Nếu đã chết thì ta uống chúc mừng vong linh người đã chết chứ. Nào xin mời.
- Nếu chị gái bị bắt - Một cô gái Thái bên đùi ông Tạo bản nói - Thì uống chúc mừng cho chị chóng được tha - Nào xin mời!.
- Nếu em trai thất lạc - Một cô gái khác ở đùi một cán bộ lớn nói - Thì ta uống chúc cho em chóng tìm cha thấy mẹ - Nào xin mời!.
- Tất cả đều phải 100% - Nào xin mời! - ấy cán bộ hắt rượu ra đằng sau kìa! Bị phạt hai bát! - Nào bát thứ nhất - Uống đi! - Nào bát thứ hai!
- Anh mệt quá rồi, em uống hộ anh nhé!
- ừ thì em uống đỡ hộ một nữa bát nhé, nào em uống rồi, bây giờ đến lượt anh, thế, thế...! hay lắm.
- Hoan hô cán bộ Thứ, hoan hô cán bộ Cần, hoan hô cán bộ Đen! - Hoan hô! - Nào uống bát này để hoan hô từng cán bộ một!
- Nào nhắm đi, thịt trâu đây, thịt gà đây, tiết trâu đây, mát lắm, nào thịt nai, thịt lợn rừng nữa này, các thứ thịt rừng này các cán bộ xuôi là thích lắm đấy. Nào xin mời!
Không cần thìa, không cần đũa mà ông ta lấy tay bốc từng miếng thịt to đưa mời tận tay mỗi người, và cứ thế cầm gặm. Tiếng cười nói huyên náo trên sàn nhà và cả tiếng cấu nhau chí chóe nữa, những giọng say bét nhè và những lời mời lả lướt của các cô gái.
Hết thịt tiếp thịt, hết xôi tiếp xôi, hết rượu tiếp rượu. một dãy vò rượu khoảng hai mươi lít mỗi vò xếp đầy một gian sàn, thỉnh thoảng những người dân lại đem đến chúc mừng. Họ chút rượu từ những quả bầu vào các vò, họ chút từng ớp xôi, từng ớp thịt chín vào những cái nong to giữa nhà Tạo bản. Còn ở một gian bên, gian phòng khách sang trọng nhất. Ông Tạo bản đang tiếp ba cán bộ bộ đội Việt Minh đang vào hoạt động trong lòng địch, mà ông là cơ sở Cách mạng chuyên nuôi dấu cán bộ, bộ đội bí mật. Cùng tiếp với ông trong bữa tiệc đêm giao thừa quan trọng này có tám cô gái Thái đẹp nhất trong bản, hai đứa là con ông còn sáu đứa người trong bản. Mỗi cô gái kèm bên đùi một người đàn ông, hai cô kèm một người để chuốc rượu, để gắp thức nhắm, để bón cho khách, để lau rửa mặt mũi chân tay, để xoa bóp, để uống chung, để cho khách tựa người khỏi say, cho khách gối đầu lên đùi khỏi ngã, để cho khách hôn hít và để... hầu khách khi ngủ!.
Cũng ở gian sàn nhà sang trọng này, ông Tạo bản cũng đã từng tiếp quan Tây, quan ta, tỉnh trưởng và các quan chức cao cấp khác. Cũng rượu, cũng thịt, cũng các cô gái xinh đẹp, có khi hàng chục ngày liền, người xe ra vào cứ nờm nợp. Hôm nay ông lại tiếp các quan Việt Minh, nhưng không gọi là quan mà gọi là cán bộ, thực chất cũng là các quan cả thôi. Đấy cái ông cán bộ người to béo tên là Thứ ấy là quan Tư đấy, to ngang với tỉnh trưởng ở đây. Còn cái ông gầy gầy là quan Ba đấy, bằng ông tri châu rồi. Còn cái anh cán bộ bé nhất cũng là quan hai; bằng ông quan đồn Tây lai đấy. Chà toàn là quan cách mạng cả đấy, chỉ khác là họ không có xe ô tô Jeep, không có ngựa, mà lại đi bộ, bình dân như những người dân thường, thế mới gọi là cách mạng.
Gió chiều nào che chiều ấy! Ông Tạo bản biết rằng bộ đội cách mạng sắp đến rồi, thời cơ đã thay đổi, ông muốn giữ vững cái chức Tạo bản từ ba đời nay được yên ổn thì phải nhanh chóng đổi chiều gió. Thế là ông liên lạc với cách mạng, và thành cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh. Cách mạng mà lại được dựa vào nhà Tạo bản, thì chắc chắn lắm rồi, kín lắm rồi, Tây nào biết mà bắt được!.
Thứ và Cần còn chống trọi được khá lâu mới chịu gục, còn Đen thì bị gục ngay từ đợt rượu thứ hai. Mặc cho các cô gái Thái, có lẽ là hai cô gái trẻ nhất, nài ép anh, anh cũng không thể uống được nữa. Những nỗi buồn trong cuộc đời cứ xâm chiếm lòng anh, nhất là sau chiến dịch vừa rồi, những âm vang của chiến trận, những lời dèm pha, những kẻ đố kỵ và những việc xử lý khen thưởng đề bạt của cấp trên làm cho anh chán ngán. Chân lý bị đảo lộn, công bằng bị vỡ tung, không còn cái gì để bấu víu vào nữa.
Đã thế, họ sợ anh bất mãn, sợ anh buồn phiền, hay họ sợ anh giáp mặt với họ hàng ngày sẽ lộ chân tướng xấu xa của họ, nên họ đã đạo diễn cấp trên để tống anh đi xây dựng cơ sở ngay ở trong vùng địch hậu xứ Thái ở mãi Lai Châu, mặc dầu anh đang tham gia viết tổng kết chiến dịch chưa xong. Họ nói: "Phải có cậu ấy đi mới được, cậu ấy có kinh nghiệm hoạt động địch hậu".
Đen được phân vào nhóm của Thứ và Cần - Thứ là một ông vua gái, chắc hẳn đêm giao thừa hôm nay ở đây sẽ được một bữa no nê!.
Thứ và Cần đều cỡ tuổi đàn anh của Đen và là lớp người đi trước, các anh đều cảm phục tinh thần của Đen và thông cảm với nỗi buồn của anh.
- Thôi cần gì, đời còn dài chú mày ạ, cứ đi với các anh rồi sẽ có khối nguồn vui! Anh Thứ với nụ cười hết miệng nói với Đen - Thua keo này bày keo khác, chỉ sợ mình không có sức có lực mà thôi. Họ không thừa nhận mình trận này, thì mình lại làm trận khác to hơn mạnh hơn buộc họ phải thừa nhận. Chỉ có những kẻ bất tài, mới cứ phải bám lấy cái ghế ở cơ quan và ôm chân nịnh thần mà thôi. Nào đi đi chú mày!.
Anh chìa tay ra cho Đen, và Đen nắm lấy tay anh, anh uống rượu không đến nỗi tồi, mà sao những bát rượu hôm nay cứ thấy toàn cay và đắng cả.
- Nào cán bộ Đen tỉnh dậy đi, uống tiếp đi. Ôi eng Đen say lắm rồi, eng nằm xuống đây! - Cô gái đỡ anh nằm xuống gối đầu lên đùi cô, rồi lấy khăn mặt ướt đắp lên đầu anh. Thỉnh thoảng cô lại bón cho anh một miếng xôi hoặc thịt anh vẫn nhai theo quán tính, bụng anh cồn cào vì rượu và đói.
Rồi anh mê man trong cơn say, anh mơ mơ màng màng thấy các cô gái bế anh vào giường, nằm trên chiếc đệm rất dầy và ấm, hơi thở cô gái nằm bên cạnh cũng sặc mùi rượu, nhưng có một mùi hoa rừng thơm ngào ngạt, và anh ngủ thiếp đi mê man bất tỉnh. Những tiếng pháo đón giao thừa âm vang trên phố và trong bản, nhưng anh cũng chẳng biết gì cả.
Anh tỉnh dậy vào lúc buổi chiều, ánh nắng vàng nhạt và gió xuyên qua kẽ liếp. Trên sàn nhà vắng vẻ. Anh ngồi dậy ngơ ngác nhìn xung quanh. Khát nước quá, anh vùng lên chạy ra bàn tìm nước uống. Một cô gái nhỏ khá xinh trong bộ quần áo Thái chẽn, với chiếc khăn thêu màu sặc sỡ vội vàng lên cầu thang vào sàn và gọi:
- Ôi, cán bộ dậy rồi lớ, eng ngủ say quá.
- Mọi người đâu hết rồi?
- Cán bộ Thứ, cán bộ Cần và bố em đi uống rượu ở bản Na bên cạnh. Còn mọi người đi ném còn xem hội hết cả rồi. Chỉ còn mình em ở nhà trông eng thôi. Eng có biết hôm nay là ngày nào không?
- Ngày mồng một Tết chứ gì?
- Không phải đâu, hôm nay là mồng hai rồi lớ!
- Hả, hôm nay mồng hai rồi à? Sao noọng không gọi tôi dậy? Chết chửa!
- Thấy eng ngủ thương quá, không muốn gọi à.
Cứ để eng ngủ khi nào no cái mắt, khi nào đói cái bụng thì tự khắc dậy thôi lớ! - Em đã đun nước nóng sẵn để anh tắm rửa đây này, eng đi tắm đi, rồi lên ăn cơm, chắc đói lắm rồi eng nhỉ...
Đen vội vàng đi tắm. Cô gái đã chu đáo chuẩn bị sẵn cho anh nước nóng, xà phòng thơm, khăn tắm vừa dài vừa rộng và khăn lau như kiểu thành phố ấy, lại có cả nước hoa nữa. Anh nghĩ bụng: "Nhà này cũng ăn chơi gớm nhỉ!" Anh có biết đâu rằng, nơi đây đã từng tiếp khách Tây, ta đủ loại, văn minh thành phố đã theo bọn lính về đây từ lâu rồi.
Cô gái đã chuẩn bị cho anh một mâm cơm thịnh soạn, ngồi bên bếp lửa và cô cùng ngồi ăn với anh, tiếp anh.
- Thế còn noọng gì cũng ngồi với anh tối hôm kia đâu rồi?
- à, nó không thấy eng chơi với nó, nó đi kiếm bạn trai khác rồi, bọn con gái Thái chúng em ngày Tết này càng được nhiều bạn trai thương càng nhiều may mắn đấy:
- Ôi xin lỗi các noọng nhé.
- Cán bộ không có lỗi đâu - Ăn cơm rồi, em dẫn eng đi đến chơi với nó cho nó khỏi xúi nhé. Rồi chúng mình đi múa xoè, eng có biết múa xoè không?.
- Không! Noọng dậy anh nhé!.
- Không phải dạy đâu, khắc múa khắc biết thôi.
- Có xa không?.
- ở gần nhà thôi, ngay sân bản mà, eng đừng ngại, đi với em không sợ đâu. Có cả những người đi lính theo Tây về quê ăn Tết đấy, những người theo bộ đội nữa cũng trốn về ăn Tết cơ. Họ đều là những con trai trong bản cả mà. Người lính nào cũng phải có quê hương, phải ăn Tết phải không eng? Mà ngày Tết ở bản thì chỗ nào cũng đều có hội hè vui vẻ cả thôi. Không có đánh nhau, không có hận thù gì nhau đâu eng à!.
Ôi lời cô gái nhỏ ở bản mường thô sơ, mộc mạc mà chân lý làm sao, cứ phải đâu lý luận cao siêu, sách vở giáo điều, với tràng giang đại hải mà không ai hiểu.
Cô gái nắm tay Đen len lỏi vào trong đám hội xoè đông vui, bên cạnh những ngọn đèn màu hình ông trăng, ông sao, quả bầu, quả bí, con lợn, con gà, tượng trưng cho hạnh phúc ấm no. Tiếng khèn bầy vang lên khắp bản, hàng chục thanh niên hàng chục chiếc khèn đứng giữa như một cái nhị hoa khèn, và hàng trăm cô gái và bọn trai, cả ông già bà cả, đứng ở vòng trong vòng ngoài như những cánh hoa, nắm tay nhau xoè múa và hát thâu đêm suốt sáng. Những ông bà già nào mỏi thì ra ngồi nghỉ, nghỉ khoẻ lại vào.
Những đôi trai gái nào say thì kéo tay nhau lẩn ra ngoài đường ngoài ruộng, những đống rơm đống rạ là chăn là đệm những phút mây mưa. Còn cô gái nào tài thì kéo bạn trai về nhà ngủ, mà không cần phải xin phép bố mẹ anh em.
- Thế hôm nay Lả có kéo trai bản nào về nhà không?
- Cô gái con Tạo bản ấy tên là Lả- Đen hỏi nhỏ.
- Không đâu, có rồi!.
- Ai đấy?
- Cán bộ Đen đấy! Eng có ưng không?
- Ưng chứ, nhưng...anh không ở mãi trên này với Lả được đâu!
- Ai bắt được cán bộ ở đây, eng phải về dưới xuôi, về thành phố nhiều con gái đẹp hơn. Mà sao eng Đen cứ buồn buồn thế. Đi với em không vui à?.
- Vui chứ, vui lắm, nào!
Đen cúi xuống hôn Lả một cái vào má, rồi kéo cô nhảy vào vòng người đang xoè, múa như điên.
* * *
Nậm Na
Dòng nước sông Nậm Na ngày càng lũ cao, ngày càng chảy xiết. Đẩy chiếc mảng lao đi như một mũi tên. Chỉ có hai người ngồi trên mảng, đó là Đen và tỉnh đội phó Quang Lôi, họ chỉ mặc mỗi người một chiếc quần lót, cởi trần tay cầm sào, một người đầu mảng, một người cuối mảng. Toàn bộ ba lô, súng đạn, giầy dép, mũ, quần, áo đều cuộn tròn vào một túi ni lông túm đầu chặt, nước không vào được, vừa là một cái bao đồ vừa là phao bơi khi cần thiết, họ buộc hai bao đồ chặt vào mảng, đề phòng mảng bị chìm, bị lật bao đồ cũng không rơi không tuột được.
Chiếc mảng gồm hai mươi cây nứa to bằng bắp chân, xếp thành hai hàng chồng lên nhau và được níu chặt bằng những cuộn dây rừng trên có một cái sạp ngồi, mảng đủ sức nổi chứa hai người trên sạp có thể ngồi hoặc nằm không bị ướt, nếu đi trên dòng nước phẳng lặng.
Sông Nậm Na, phía thượng nguồn từ biên giới Việt Trung đến Sình Hồ chỉ là một con suối dài, đoạn hạ lưu về tới thị xã Lai Châu mới có chiều rộng và sâu của một con sông nhỏ. Sông chảy trên địa hình rất dốc, mùa khô phía Sình Hồ chỉ là một con suối cạn, nhưng mùa mưa thì nước lên to đột ngột thành lũ lớn cao hàng năm đến sáu mét có chỗ hàng chục mét. Do đó tốc độ nước lao rất nhanh. Dọc sông có nhiều thác ghềnh, mà có chỗ độ chênh cao hàng chục mét, độ dài hàng trăm mét.
- Chú ý! Cây đổ chắn ngang!.
Phía đằng trước một cây to đổ chắn ngang sát mặt nước. Họ phải đón cho mảng khỏi lao vào cây bị vỡ, rồi nhảy lên qua thân cây mà lần cho mảng chui qua.
Quang Lôi lại thét:
- Đá ngầm đấy!
Họ không tài nào lái chiếc mảng tránh sang bên được, dòng nước cứ cuốn chiếc mảng va vào hòn đá ngầm mà bọt sóng xôi lên ùng ục trắng xoá. "Rầm" một cái, mảng đâm vào đá, sức va mạnh làm bắn cả Đen và Lôi xuống sông chìm nghỉm. Đen bị rơi vào xoáy nước hút tụt xuống đáy sông sâu hàng chục thước, anh đạp mạnh một phát vào đáy sông cho bật tung người lên. Chiếc mảng đã bị trôi xa, phải nhanh chóng đuổi theo.
- Anh Lôi ơi? Đâu rồi?
- Đây rồi vẫn còn sống?
Lôi cũng đang bơi theo, nhưng chiếc mảng trôi nhanh quá mãi đến khi bị cuốn vào một đám cây rậm phải dừng lại họ mới đuổi kịp. Lúc này mặt mũi và chân tay mình mẩy họ bị xây sát máu chảy lênh láng nhiều chỗ. Chiếc mảng của họ vẫn cứ lao đi. Nói đúng hơn là họ bơi bằng chiếc phao lớn là chiếc mảng, chứ thực ra họ không ngồi trên mảng được bao nhiêu.
Nhân dân khắp tuyến sông này chưa thấy ai đi mảng trong lúc nước lũ bao giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên của hai anh chàng liều lĩnh "Điếc không sợ súng" này. Vậy mà họ cứ phải đi - "Thì cứ liều một chuyến xem!" Đen nói với anh Lôi như vậy. Lôi cũng đồng tình.
- Đi thì đi, thử thì thử chứ sợ cái gì?
Thế là họ kéo nhau đi.
Đó là khoảng giữa mùa mưa năm 1953. Ta chủ trương mở chiến dịch Bắc Sình Hồ để mở đường thông biên giới Việt Trung nhằm tranh thủ chi viện của bạn ở hướng đó. Đen lại được chỉ định đi làm nhiệm vụ sở trường của mình là hoạt động địch hậu ở những nơi xa xôi hẻo lánh và khó khăn gian khổ nhất. Anh lại cùng một đội trinh sát võ trang của tỉnh đội Lào Cai vào hoạt động ở vùng địch hậu Sình Hồ hàng tháng trời. Sau đó lại đưa tỉnh đội phó Quang Lôi phụ trách mặt trận lúc đó cùng một số cán bộ vào trinh sát chiến dịch. Họ bị địch phát hiện được và bao vây chặn lối ra. Tất cả các ngả đường đều có lực lượng địch chốt giữ và phục kích. Trong tay không có lực lượng để phá vây, họ đành phải chốt lại ở một khu rừng để ẩn dấu. Trong khi đó quân khu điện cho Đen phải về gấp để báo cáo tình hình chiến dịch với Bộ và quân khu, để xác định quyết tâm của chiến dịch. Mọi người đang lúng túng chưa biết xử trí bằng cách nào thì Đen bỗng trông thấy một chiếc mảng nhỏ bên bờ suối, và anh bỗng reo lên:
- Có đường rồi!
- ở đâu?
- ở dưới sông này?
- Nhưng mà nước đang lũ lớn và mưa to thế này thì nguy hiểm lắm.
- Nguy hiểm cũng phải đi, không lẽ ngồi đây chờ địch đến bắt hay sao?- Chính mưa to lũ lớn mới là chỗ sơ hở của địch! - Có ai xung phong đi với tôi về Phòng Tô điều lực lượng giải vây không?
- Không có ai trả lời, im lặng một lúc lâu.
- Không ai biết bơi à? Đen lại hỏi.
- Không phải là không ai biết bơi mà chưa bơi trong nước lũ to như thế này bao giờ, sông lại nhiều thác ghềnh lắm chưa ai quen đường cả.
- Thế mới phải liều!
- Thôi, để mình đi luôn một thể vậy - Anh Quang Lôi bỗng nói - Mình sẽ đi với cậu, đến Phòng Tô cậu đi thẳng về quân khu, còn mình sẽ điều ngay đại đội ở đấy lên giải vây luôn. Thế mà hay đấy- Nếu địch không bao vây, bộ đội phải mất ba ngày mới tới Phòng Tô, còn đi sông đi suối như thế này - Anh chỉ vào bản đồ theo con sông - Có khi chỉ chiều nay là đến, cùng lắm đến sáng mai - Các cậu ở lại cố gắng giữ bí mật, nếu địch đánh thì cố giữ vững, chỉ đến ngày thứ ba mình sẽ tới, đánh theo hướng này... thế này...
Anh Quang Lôi chỉ định người thay thế mình rồi cùng Đen chuẩn bị bí mật hành quân.
Quả nhiên, đúng như dự đoán của Đen, bọn địch chỉ chú ý đường bộ, còn đường sông chúng chẳng chú ý gì cả, nhất là mưa lũ thế này. Đen và Lôi đã đi qua các trạm gác của chúng đến vèo một cái là xong. Các anh còn lặn xuống nước nằm ngửa bám lấy mảng để nếu chúng có nhìn thấy mảng thì cũng chỉ có cái mảng không, không có người mà thôi, thế là họ đi thoát.
Đến một đoạn, một tình huống phức tạp xảy ra. Một vệt rừng bị lở làm đổ cây cối lấp đầy một khúc sông, chỉ có nước chảy qua, còn cây cối rác rưởi đều bị đọng lại hàng trăm mét trên thượng lưu. Vác mảng trèo lên trên không vác được, mà chui xuống phía dưới lòng sông cũng không được, mà kéo vòng đường bộ cũng không có. Họ đành phải dỡ mảng, vác từng cây tăng bo sang đoạn sông dưới lại ghép lại rồi đi, mất hàng tiếng đồng hồ mới thoát được.
ở một chỗ khác lại gặp một tình huống éo le hơn. Một đoạn đầu cầu qua sông bị sụt lở sập cả một bên cầu, làm trơ ra một quả bom nổ chậm ở ngay mố cầu mà bọn Pháp vừa ném xuống cách đây mấy hôm. Không bẩy gầm cầu lên thì mảng không chui qua được, mà bẩy gầm cầu thì động đến quả bom, quả bom có thể nổ thì sẽ nguy hiểm không an toàn, mà đi vòng thì không có lối. Nghiên cứu mãi họ mới nghĩ ra cách khắc phục, phải đào đất chân cầu cho quả bom tụt hẫng xuống sông, thì mới bẩy được gầm cầu cao lên. Hai người hì hục đào mất hàng tiếng đồng hồ vì không có xẻng cuốc phải lấy cây que để đào và dùng tay bới. Sau khi luồn mảng qua gầm cầu một đoạn thì bỗng có tiếng bom nổ làm tung cả cột nước lên cao, chiếc mảng cũng bị tung lên lật xuống bung rời ra. Không phải quả bom lúc này mà là một quả khác dưới hạ lưu bị nước tác động làm nổ. Cũng may là quả bom ở sâu, nên mảnh bom nổ chậm bắn lên trời, Lôi và Đen không việc gì, thật hú vía.
Đến chiều thì họ đã tới đường rẽ, họ bỏ mảng lên bờ và đi hơn chục cây số nữa đến Phòng Tô. Quang Lôi ở lại tìm đơn vị, còn Đen vừa đi vừa chạy để về Lào Cai. Đoạn đường Phòng Tô - Lào Cai tuy đã là vùng giải phóng của ta nhưng bọn phỉ thường xuất hiện nhiều ở đây để cướp bóc và chặn bắt cán bộ bộ đội ta.
* * *
Những tên phỉ
Tối hôm ấy Đen đến Bình Lư, vừa đói vừa mệt anh không thể đi được nữa, những vết thương do va đập trên sông trên suối hôm nay mới nhức nhói làm sao. Anh phải nghỉ lại ở nhà một người dân dọc đường. Dân ở đây không có gạo toàn phải ăn ngô, anh hỏi chủ nhà mua mấy bắp ngô để luộc ăn cho đỡ đói và để dành sáng mai vài bắp. Nhưng chủ nhà không bán mà bảo có ít để ăn thôi. Anh cũng tưởng họ nghèo, nên cũng không hỏi nữa. Trời tối mịt mù, lại đau chân nên chẳng ra ngoài kiếm ăn được nữa, anh đành uống ụm nước lã rồi nằm ngủ, cố nhịn sáng mai sẽ kiếm ăn sau. Chủ nhà là một người Nhắng- Phong tục tập quán gần giống như người Hoa ở đây. Cho anh ngủ nhờ ở một căn buồng nhỏ, có sàn làm bằng tre nứa chỉ đủ cho một người nằm, có cửa nhưng xung quanh toàn bằng liếp trống hoếch trống hoác. Anh vội đi nằm nghỉ và thiếp đi lúc nào không biết.
Từ lúc chiều tối, một cô gái còn trẻ không biết là vợ hay con lão chủ cứ chạy ra chạy vào, hai người thì thầm với nhau, vì không biết tiếng và mệt quá nên anh cũng chẳng để ý làm gì.
Anh tỉnh dậy vì mùi sào nấu thơm phức ngạt cả mũi, ngay bên cạnh là cái bếp của chủ nhà, ông ta tự làm lấy các món ăn, trông nhà xác xơ là vậy mà sao ăn sang thế. Nào thịt bò sào, thịt bò hầm ngô non, chả ngô với thịt lợn rán... chỉ có một thứ ngô non với thịt mà hắn làm hàng chục món thức ăn.. Phải đến mấy người mới ăn hết. Nhưng chỉ có hai bố con hắn. Trời ơi, bụng đang đói cồn cào mà lại ngửi thấy mùi sào nấu thức ăn thơm phức và người ăn ở bên cạnh đó thì làm sao mà chịu nổi. Nhưng anh đành phải cắn răng mà chịu, mà lặng im, mà giả vờ ngủ, giả vờ say. Một lát sau ăn xong lão chủ mở cửa đi ra ngoài, còn cô gái thì đun nước rửa bát và lẩm bẩm nói một câu gì đó mà anh không hiểu, vẻ như bực tức, vẻ như chửi rủa. Cô gái cứ chạy ra chạy vào cửa buồng anh mấy lần, cô tần ngần dừng lại, cô hé mở nhìn vào buồng một lát, rồi lại khép cửa buồng đi ra ngoài. Chắc là cô xem mình đã ngủ chưa, Đen nghĩ như vậy và cũng không vương vấn gì nữa, mệt quá anh lại ngủ thiếp đi.
Khoảng nửa đêm, bỗng có tiếng kẹt cửa, linh tính làm anh giật mình tỉnh dậy, nằm im nghe ngóng, chắc cô gái lại muốn vào buồng mình chăng, cô ta muốn gì? Anh chưa kịp nghĩ tiếp thì bỗng cánh cửa bật mở, một ánh đèn pin sáng chói chiếu thẳng vào mặt anh, và một lưỡi dáo cán dài dí sát vào cổ họng anh, một giọng lơ lớ vang lên đe doạ:
- Có bao nhiêu thuốc phiện nộp cho ta thì sống nếu không...! - Hắn dí mũi dáo xuống một chút, làm Đen bị đau và anh chợt nhận ra, đây là bọn thổ phỉ chuyên ăn cướp thuốc phiện. Anh bình tĩnh trả lời:
- Tôi là bộ đội tôi không có thuốc phiện!
- Mày đi từ Sình Hồ về, nhất định mày phải có, bộ đội có thuốc phiện đấy!.
Phải làm sao nắm được chúng có bao nhiêu tên, hình như có tiếng động ở ngoài cửa nữa, tiếng thằng này không phải là tiếng thằng chủ, vậy ít nhất cũng có một thằng nữa, mình chỉ có một mình, bọn cướp này không cần dùng nhiều người để ăn chia được nhiều. Một thoáng nghĩ vậy, nên anh cố kéo dài thời gian.
- Tôi là bộ đội Sình Hồ về, đang bị đói và mệt đến đây ngủ nhờ. Nếu có thuốc phiện tôi đã đổi lấy cái ăn rồi.
- Bọn tao không tin, cái ba lô của mày đâu đưa đây.
- Không có, chỉ có cái túi khoác thôi, đây này ông khám mà xem.
Tên phỉ cúi người với tay qua người anh để lấy cái túi, Đen chỉ chờ có thế. Anh bỗng bật người lên co cả hai chân đạp mạnh vào ngực thằng phỉ, đồng thời giằng lấy cán dáo. Thằng phỉ bị hất người về phía đằng sau, chiếc đèn pin rơi xuống đất tắt ngóm. Anh đâm dáo vào bóng tối phía thằng phỉ đồng thời đạp đổ tấm tường liếp phía sau buồng mà anh đoán thằng chủ đang đứng đó, tấm liếp đổ đè cả vào tên chủ, nhưng nó chạy ra được và giơ kiếm lên, trong ánh sao thấy sáng loáng.
Mũi dáo bị trượt đâm vào tường liếp phía trong nhà làm ngập quá nửa cán dáo, Đen bỏ dáo, rút súng bắn luôn một phát vào xó tối, có tiếng rú lên, thằng phỉ đổ vật xuống. Anh nhảy vội ra ngoài, thằng chủ nhà thấy tiếng súng đã chạy đâu biến. Anh đứng núp một chỗ nghe ngóng, bỗng thấy tiếng ngựa cách đó một đoạn, phi vút đi, thằng chủ đã chạy trốn.
Anh quay vào buồng tìm túi khoác, đang lò mò bỗng một cú đá vào người anh rất mạnh, làm anh bị ngã, rồi một thân người to lớn chồm đè lên anh, khẩu súng bị tuột tay rơi xuống đất, thì ra thằng phỉ chỉ bị thương nhẹ nên nó hồi lại ngay mà anh sơ ý. Hai người vật nhau trong đêm tối, Đen vừa đói vừa mệt không thể vật lại với thằng phỉ to khoẻ, nó đã ôm chặt được anh, khoá trong vòng tay nó. ánh đèn nhà bỗng sáng lên, chắc cô gái bật diêm, ánh sáng qua kẽ liếp anh nhìn thấy khẩu súng và thằng phỉ cũng thấy, nó đang dùng chân kéo khẩu súng lại, anh cố dướn lên và cắn mạnh vào cánh tay nó, làm nó rời lỏng tay ra, anh mới lăn được một vòng ra khỏi người nó, rồi bật dậy dùng thế toàn thân nhảy mạnh vào người hắn, làm hắn không kịp dậy, đồng thời nhờ ánh đèn, anh đã đấm một phát vào thái dương hắn làm hắn ngất đi.
Anh vội vàng thu súng, túi khoác và lấy chiếc đèn pin nhảy ra ngoài. Gõ gõ mấy cái, chiếc đèn pin lại sáng, anh soi lại thằng địch thủ. Trời, đúng là một thằng thổ phỉ, người to như con trâu mộng, râu tóc bờm xờm như đầu con gấu, trông dữ tợn. Anh cảnh giác đề phòng cô gái đánh bất ngờ, anh gọi:
- Này, cô gái!.
Nhưng không thấy cô ta thưa, hình như cô ta cũng đã chuồn ra ngoài, anh dọi đèn pin khắp nhà không thấy, liền tìm dây, táng cho nó một quả nữa cho ngất tiếp đi, rồi trói chặt tên phỉ lại.
Bỗng một con ngựa xuất hiện và cô gái chạy ra, thái độ hốt hoảng, cô nói gì đó, anh không hiểu, nhưng thấy tay cô chỉ trỏ về phía tên chủ vừa đi, và làm hiệu chỉ cho anh lấy ngựa chạy về hướng
Sa Pa.Và anh nhận ra: Cô gái đã mách cho anh: "- Thằng chủ đã đi gọi thêm bọn phỉ đến, chúng sắp đến bây giờ, anh phải chạy nhanh trốn đi, lấy ngựa mà chạy kẻo chúng đến đông lắm, không thoát được đâu". Cô gái còn đưa anh một túi nhỏ ngô luộc.
- Xin cảm ơn cô gái!
Anh nắm lấy tay cô gái lắc lắc tỏ vẻ cảm ơn và gật đầu chào cô. Rồi nhảy lên ngựa đi thẳng về hướng Sa Pa
.
Đi được một đoạn, bỗng anh cho ngựa quay lại, không đi theo đường cái mà vòng vào bãi cỏ cách xa nhà cô gái đó một đoạn, anh xuống ngựa dắt bộ để khỏi phát ra tiếng vó ngựa. Qua khỏi nhà cô gái một đoạn xa, anh mới lên ngựa đi ngược lại phía Phong Thổ. Đi một quãng độ hai cây số, anh cho ngựa rẽ vào rừng, dấu ngựa ở dưới khe suối, rồi lên nằm chờ ở mỏm đồi bên đường cái.
Quả nhiên chỉ nửa tiếng sau, có tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, rồi một đoàn ngựa khoảng mười con chạy vụt qua; Những bóng người trên lưng ngựa tỏ ra hung tợn. Toán người ngựa đi qua rồi, anh mỉm cười trong bụng và dở túi ngô luộc ra ăn vài cái, còn vài cái để sáng mai, xuống suối uống nước rồi yên trí nằm ngủ. Anh bỗng nhớ tới cô gái và nghĩ thầm: Lần sau lên nhất định mình phải ghé thăm để cảm ơn cô ta - Phải mua một cái gì đó tặng cô ta, một mảnh vải hoa chẳng hạn. Rồi hình như cô gái cuộn vào trong giấc ngủ của anh.
Khoảng mờ sáng bọn phỉ quay về, chúng cũng phi như bay vẻ tức tối giận dữ, Đen đếm mười con ngựa không thiếu một con, có một con cõng thêm một thằng chắc là thằng bị thương. Giá như anh không bận phải về quân khu báo cáo và không vướng túi tài liệu mật này, thì anh sẽ ở lại quyết sống mái với bọn này một phen. Nhưng anh không thể ở lại được, nhìn bọn chúng lòng đầy căm tức. Anh cũng vội vàng lên ngựa, để đi qua chợ Bình Lư trước khi trời sáng. Anh ngó qua nhà cô gái, không thấy đèn đóm gì cả, bốn bề phẳng lặng như tờ, mấy tấm phên liếp bị đổ vẫn còn nằm ngả dưới sân; chắc cô gái đã trốn đi đâu hoặc sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Anh phóng ngựa đi về Sa Pa và yên trí bọn phỉ không đuổi theo nữa. Trời sáng hẳn, anh dừng lại bên một con suối, rửa mặt mũi chân tay, ăn ngô luộc rồi lại lên đường. Anh thấy phấn khởi vì đang mệt và đói lại được cô gái như một nàng tiên đến cứu thế, cho ngô ăn, cho mượn ngựa đi, anh định đến đỉnh đèo sẽ thả ngựa về trả cô. Anh cho ngựa đi thong thả vừa đi vừa ngắm phong cảnh. Dãy núi Hoàng Liên Sơn cao vút trước mặt, ngọn núi cao nhất nước, mà hồi còn bé anh đã từng học thuộc lòng, dãy Phanxipăng cao trên ba nghìn mét. Cảnh thiên nhiên ở đây thật hùng vĩ, núi non hiểm trở, trên đỉnh cao xa xa là rừng thẳm tuyết dày. Trên đỉnh dốc này là một khe gió, gió từ Ô - Quý - Hồ thổi đến suốt ngày đêm, dù trời quang mây tạnh, dù nắng dù mưa, mọi nơi cây cối đều đứng im không ngọn gió lay thì ở khe núi này vẫn cứ lồng lộng gió bạt hơi, ở dưới chân dốc nóng bức toát mồ hôi, mà lên đây lạnh buốt. Nay mai Sa Pa sẽ là một thành phố nghỉ mát đông vui...
Đen đang thong thả vừa đi vừa nhìn trời nhìn đất, thả hồn cho bay bổng, cho nhạc lòng chơi vơi. Bỗng phía trước trên một đỉnh đồi thấp gần chân dốc, như có xác người chết treo lơ lửng trên một cành cây cụt, bóng in lên nền trời trông đen thẫm. Đen vội vàng rẽ ngựa phóng lên đồi xem.
Trời ơi, đúng là cô gái chủ nhà mà tối qua anh đến ngủ nhờ, đúng là cô gái đã cho anh túi bắp ngô, cho anh mượn con ngựa và chỉ đường cho anh chạy trốn bọn phỉ. Cô gái bị chúng đâm chết và treo cổ lên cây. Chúng muốn hăm doạ những người qua đường, rằng ở đây có ma treo cổ hoặc sẽ chết như cô gái này nếu không để chúng cướp bóc! Đen bỗng sững sờ cả người, anh rút dao cắt dây và tìm một cái hố gần đó, vét đất lên, đặt cô xuống và lấp mộ cho cô. Bọn cướp xông đến nhà nhưng không thấy Đen đâu mà chỉ có một tên bị trói, chúng lại thấy mất ngựa và đoán rằng cô gái đã thả ngựa ra cho tên "Mang thuốc phiện" chạy trốn. Chúng liền bắt cô lên ngựa và cùng đuổi theo anh. Đến chân đèo vẫn không thấy tăm hơi đâu, chúng cho rằng anh đã vượt dốc tới Sa Pa quá vùng đất của chúng, nên không đuổi nữa mà quay lại trị cô gái, chúng đã đâm chết cô và treo lên đây. Đen phán đoán như vậy rồi đốt một đống lửa và gọi thầm cô.
- "Cô gái ơi, tôi không biết tên cô là gì, ở đâu nhưng chắc hẳn cô là con người đau khổ, bị chúng bắt để phục vụ chúng. Cô đã thấy nhiều người bị chúng bắt, chúng giết nên cô đã cứu tôi, mà tôi lại không cứu được cô. Tôi thật vô cùng đau xót, xin lấy lòng thành để chôn cất cho cô ở đây không có hương không có nến, chỉ có đống lửa nhỏ này để sưởi ấm cho linh hồn cô, cầu chúc cho cô được mồ yên mả đẹp. Nếu còn sống tôi sẽ quyết trả thù cho cô, xin vĩnh biệt cô".
* * *
Trở lại Sa Pa
Buổi chiều Đen về tới thị trấn Sa Pa. Anh lại càng ngạc nhiên đau buồn, một thị trấn đẹp như thế, mới cách đây một tháng trên đường hành quân vào, anh đã nghỉ tại đây. Nhà cửa khang trang đẹp đẽ và sầm uất. Vậy mà đã bị giặc Pháp cho máy bay ném bom bắn phá tan hoang. Nhà bà chủ ở phố chợ nơi anh trú quân nay chỉ còn là một hố bom sâu hoắm, cô Đào con gái bà chủ đã bị chết một cách thảm thương, một cô gái xinh đẹp như trong tranh Tàu, đã hứa hẹn với anh những điều thầm kín, vậy mà giờ đây em đã nằm dưới mồ, chôn vùi cả bao nhiêu điều ước mong hy vọng của anh. Người anh tự nhiên bị hụt hẫng, như bị đắm chìm xuống một thung lũng rất sâu. Anh buồn chán, và đi lang thang trong phố phường đổ nát.
Ngôi nhà kính bốn mặt bị vỡ như một đống thủy tinh vụn, ngôi nhà thờ cổ kính nhỏ bé nhưng tôn nghiêm cũng bị sứt mẻ và lỗ chỗ vết bom, những cây thông cao vút những cây đào xum xuê bị đổ ngổn ngang, đường lát đá tảng, đường lát nhựa đều bị cày sới. Nhân dân đã tản cư đi xa, thị trấn như một thành phố chết.
Anh len lỏi trong đám rừng đào trĩu quả, mỗi bước đi lại nhớ đến những kỷ niệm về em. Nơi cây đào nhỏ này em đã cùng anh bắt bướm, những con bướm vàng đậu trên những bông hoa thuốc phiện trông như những cây rau cải nhưng nhiều màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng...
Chỗ cây đào có tán lá như một cái dù lớn này, em đã hôn anh, một cái hôn đầu tiên rồi xấu hổ quá, bỏ chạy đi xa, làm anh đuổi mãi mới bắt được. Còn chỗ kia, nơi có hòn đá phẳng, hai đứa chúng mình đã ngồi với nhau, nhìn lên đỉnh Phanxipăng quanh năm mây phủ mà nói chuyện những điều mong ước. Ôi còn đâu nữa? Nếu như những ngày hôm qua và nhiều ngày trước nữa, anh nhớ về Sa Pa, muốn về Sa Pa càng nhanh càng tốt, thì hôm nay anh lại thấy sai lầm. Giá như anh còn ở trong mặt trận, giá như anh chưa về tới Sa Pa thì chưa biết tin em đã mất, hẳn anh vẫn còn nuôi nhiều hy vọng và những hy vọng đó cứ nhân lên, to hơn, cao hơn, nhiều hơn mãi và nó động viên an ủi anh trên những nẻo đường ra trận, trong những lần giáp mặt với bom đạn và cái chết. Thế mà bây giờ mọi cái đều như đổ vỡ tan tành...
Đen ngồi lặng trong rừng đào khá lâu, bên một nấm mồ mà anh vừa phủ lên đó những nắm hoa rừng, hoa hồng, hoa anh túc, hoa chiêng chiếng, màu đỏ tươi rực rỡ, như đôi má và nụ cười thơ ngây của em.
Rồi anh vụt đứng lên, trời đã gần tối, đáng lẽ anh định ngủ lại đây, nhưng bây giờ, nhà cửa tan hoang, phố phường chỉ còn những ngôi nhà đổ nát hiu quạnh. Anh không thể ở lại đây được. Anh phải đi, tránh xa nơi đau buồn thương nhớ, tránh xa nơi nhức nhói trái tim anh, anh cần phải về Lào Cai trong đêm nay, để sáng mai có thể về báo cáo với tỉnh uỷ theo lời dặn của anh Quang Lôi. Anh vội vàng ngắt một ít đào chín cho vào túi bao gạo khoác lên vai, rồi nhảy lên ngựa. "Vĩnh biệt em, nỗi đau sót của anh"!.
Đen một mình phóng ngựa lao vào trong đêm tối, lòng nặng trĩu đau buồn, anh cứ cho ngựa đi lững thững mãi cho đến khi trời tối hẳn mới vội vàng thúc ngựa đi nhanh hơn. Những đốm lửa trong rừng xa cũng làm anh thấy vui vui, anh định đi suốt đêm vượt qua đoạn đường bốn mươi cây số này. Càng khuya anh càng thúc ngựa đi nhanh hơn.
Mới đi được khoảng trên chục cây số, bỗng nhiên con ngựa bị vấp một cái, ngã bổ nhào về phía trước, hất người anh lộn một vòng xuống đường. Thôi chết, bị phục kích rồi, anh chợt nhớ có thông báo bọn phỉ hay phục kích ở vùng này mà anh quên khuấy đi mất. Cách đây ít lâu chúng đã phục kích đoàn chiến sỹ thi đua của huyện Phòng Tô về họp tỉnh, giết chết năm người, ba nam, hai nữ. Lại một lần chúng phục cướp hết một đoàn ngựa thồ của mậu dịch chở muối lên vùng cao... Ôi, thế mà anh quên khuấy đi mất, cứ liều đi chẳng đề phòng gì cả. Chúng đã phóng lao làm cho ngựa ngã, rồi một loạt súng tiểu liên nổ chùm lên đầu anh, làm anh không ngóc đầu lên được, anh vội vàng rút súng ra và nằm im nghe ngóng, trong bóng sao đêm anh xác định chúng chỉ có ba thằng, một ánh đèn pin loé lên: "Pằng", anh nổ một phát súng, đèn tắt ngấm "Pằng" một phát nữa nhằm vào cái bóng đen gần nhất, loạt súng lại nổ vào đúng chỗ anh nằm, nhưng anh đã lăn được hai vòng xuống rãnh đường. Súng nổ găm xuống mặt đường để chặn không cho anh đứng lên hoặc chạy thoát, một tên đã dắt được ngựa định kéo vào rừng ở phía trong có nhiều ánh đuốc đang chạy ra, nguy cơ khó thoát, anh liền bắn vào chỗ chân ngựa một phát, làm nó quỵ xuống rồi lăn thêm mấy vòng theo rãnh đường nhảy xuống đám bờ suối um tùm, rồi vội vàng lẩn ngược lên thượng lưu. Bọn ba tên, một tên bị thương còn hai tên không dám đuổi, mà chỉ đứng đó bắn đuổi theo.
Anh lo bọn trong rừng lao ra sẽ đuổi theo anh trên đường cái, nên anh cứ chạy ngược lên núi cao để tránh và quan sát chúng. Bọn cầm đuốc chạy ra, chúng hò nhau khiêng ngựa vào rừng, mà không thấy đuổi theo nữa, chắc chúng bỏ cuộc. Lúc đó anh mới lại từ trên núi xuống đường và tiếp tục đi. Lúc này anh mới thấy ân hận vì đã chủ quan, nên mất ngựa mà tý nữa bị chúng bắt hoặc bắn chết. Anh vừa đi vừa nghe ngóng trên đường, đề phòng bọn khác lại phục kích nữa. Lúc này mới thấy đói, anh liền móc đào trong túi ra ăn.
Đến gần sáng không thể đi được nữa, vừa mệt vừa buồn ngủ, anh chui xuống gầm một cái cầu xi măng khá kín đáo rồi nằm ngủ.
Anh tỉnh dậy khi một đàn trâu kéo xe quệt trên đường, dân địa phương chở củi ra phố bán. Lúc đó mặt trời đã lên cao, anh vội vàng lên đường và nhờ được những người đánh xe cho ngồi nhờ chiếc xe quệt một đoạn, làm anh đỡ mệt mỏi. Mãi chiều tối, Đen mới về được tới Lào Cai, anh vào cơ quan tỉnh uỷ, và báo cáo tình hình ngay. Bí thư tỉnh uỷ lúc bấy giờ là anh Hoàng Quy, nghe xong tình hình anh đứng lên nắm tay Đen cảm ơn, và mời Đen ở lại nghỉ vài ngày cho đỡ mệt rồi hãy về, anh sẽ điện báo cáo về quân khu. Nhưng Đen gạt đi và xin phép sáng mai về sớm.
Tình hình chuẩn bị chiến dịch đang khẩn trương, chậm ngày nào thêm khó khăn cho ta ngày ấy.
Đêm hôm ấy Đen được tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi một cách thoải mái tại nhà khách tỉnh ủy, anh còn ra phố ghé thăm bà Cắm người Hoa kiều ở phố Tèo, cơ sở tình báo của ta trong vùng địch hậu trước khi giải phóng thị xã Lào Cai và sau đó trong đợt tiểu phỉ Châu Quang Lồ - Bà Cắm sau này còn là bà mẹ vợ hụt của anh nữa. Anh được biết tin thêm về bọn phỉ Vàng Pao kết hợp với bọn phỉ tàn quân Quốc dân đảng bên Trung Quốc, được bọn Pháp và bọn Mỹ chi viện đang tích cực chuẩn bị lực lượng đánh chiếm lại các vùng biên giới Tây Bắc này. Trong đó có thị xã Lào Cai - mà chỉ sau đó mấy tháng chúng đã nổi dậy và anh cũng đã phải lao vào chiến dịch tiểu phỉ khá gay go gian khổ này hàng năm trời.
Sáng hôm sau anh được tin điện anh Quang Lôi đã hy sinh, tuy nhiên anh đã giải vây được cho đoàn cán bộ mặt trận mà anh là chỉ huy trưởng. Nỗi thương tiếc đồng đội, và trước tình hình nước sôi lửa bỏng, càng thúc giục Đen phải nhanh chóng trở về quân khu.
* * *
Tên em là gì
Trên con đường sắt Lào Cai - Yên Bái lúc đó đã trở thành đường bộ "Đường kháng chiến" ở biên giới phía Bắc này. Một chàng trai vừa đi vừa khoác một tấm chăn chiên - loại chăn tiết kiệm gồm nhiều mảnh ghép lại, dạo đó một cái chăn chiên của nước bạn chi viện to quá, quân nhu ta phải cắt ra hai mươi phân, ghép năm mảnh lại thành một chiếc tiết kiệm. Vừa đi vừa run lập cập. Đến một đoạn rét quá anh ta không thể đi được nữa, anh đành phải nằm ngay trên đường mà run mà rét. Mấy bà đi chợ về thấy anh bộ đội nằm đó, thương hại liền dìu anh ta vào cái quán nước bên đường còn bỏ trống. Anh ta nằm đó khá lâu, như một kẻ ăn mày ăn xin dọc đường không người thương sót.
Đã sốt rét run như cầy xấy, lại thêm cái lo, lo không về được đơn vị, lo mất tài liệu và lo chết dọc đường, càng làm cho Đen thêm mệt mỏi hơn. Nắm cơm mà nhà khách tỉnh uỷ nắm cho từ tối hôm qua vẫn còn nguyên chưa đụng đến, anh cứ nằm một mình trong cái xó lều đó. Mãi đến trưa anh mới dứt cơn sốt, và đầu óc lại trở lại bình thường, duy chỉ có thân thể mệt mỏi, không muốn bước nữa. Anh bỗng nhìn thấy một chiếc mảng con đi trên sông và lại nảy ra ý định đi mảng một lần nữa. Nhưng lần này con sông Hồng rộng lớn và nước êm trôi, chắc hẳn mình có thể nằm trên mảng mà đi được. Thế là anh vào xóm bờ sông gần đó hỏi mua một chiếc mảng con. Chiếc mảng có chín cây nứa, chỉ đủ sức chở một người, anh làm thêm xạp để nằm trên mảng.
Rút kinh nghiệm lần trước trên sông Nậm Na, anh cũng gói quần áo trang bị vào túi ni lông buộc kín, và chỉ mặc một chiếc quần đùi cho mát và dễ bơi. Rồi yên trí nằm trên bè, úp mũ lên che mặt cho khỏi nắng, và ngủ, mặc cho bè muốn trôi đi đâu thì đi.
Nhưng anh không được ngủ yên, tiếng máy bay bỗng gầm rít ngay trên mặt nước, làm cho sóng nước toé lên, anh vội vàng lặn xuống nước, hai chiếc máy bay vòng lại bắn vào cái mảng, nhưng không trúng, những viên đạn rơi xuống nước lõm bõm như mưa rào. Chúng lại quay lại và thêm hai tràng liên thanh nữa, một số viên đã bắn trúng mảng. Nếu cứ như thế này chúng sẽ bắn vỡ mảng và chết người mới thôi. Bỗng anh nảy ra sáng kiến, ném cái mũ đang đội trên đầu ra phía trước mảng, còn anh lặn chìm dưới đuôi mảng. Quả nhiên khi vòng quay lại chúng chỉ bắn vào cái mũ, vì cho đó là người đang bơi ở phía trước, cho đến khi cái mũ thủng nát bét và chìm mới bỏ đi.
Thật là hú vía, thế là anh mất cái mũ nan vải và bọc lưới nguỵ trang rất đẹp và nhiều cậu lính cứ muốn đổi không được. Anh lại lên mảng nằm, và rút kinh nghiệm chỉ cho mảng đi sát bờ, hễ thấy máy bay là có thể rạt vào bờ để tránh cũng có thể kịp.
Đến tối trời lại đổ mưa, mảng đi vào thác vào ghềnh, trời tối anh phải nằm bò trên mặt nước để nhìn sóng, từ xa bên nào nhiều bọt trắng tung lên thì tránh, chỗ nào êm êm thì lái mảng sang. Nhưng có chỗ anh không phát hiện kịp, thế là mảng rơi vào thác lao xuống xuýt tan, còn người thì bắn đi một nơi khác, trời tối tìm được mảng trôi trên sông tưởng đến đứt hơi và chết chìm. Tối quá anh không thể đi được nữa, nguy hiểm lắm, anh đành phải ghé lên bờ nghỉ.
Bờ anh ghé lên là một bãi chuối rừng ven sông. Không thể ngồi ngoài mưa mà ngủ được, anh phải tìm cách làm lán. Anh tìm dao không thấy và chợt nhớ hôm trước dùng dao phóng diệt tên phỉ, rồi bỏ chạy không thể lấy lại được, tiếc quá con dao của cụ Ma Li mà anh đã giữ bao năm nay, không có dao thì phải lấy tay, anh đi bẻ từng cành cây để cắm làm cột và để gác làm mái, nhưng đến lúc lấy lá chuối lợp thì gay go, không thể bẻ, không thể dứt được, anh phải cắn bằng răng và chợt nhớ ra còn một lưỡi dao cạo râu mỏng, anh liền lục túi và tìm thấy trong một cuốn sổ tay. Thế là bằng một lưỡi dao cạo anh đã làm xong một lán che mưa. Anh trải lá để nằm và mắc màn để ngủ. Và anh ngủ được một giấc ngon lành.
Khoảng nửa đêm về sáng, anh đang ngủ say bỗng giật mình tỉnh dậy vì có ai đó đang đụng vào màn và vào chân anh, làm anh co chân lại. Anh cố mở mắt to để nhìn xuyên qua lần vải màn. Trời tạnh mưa từ lâu, anh trăng về sáng soi vằng vặc. Có mùi thôi thối như mùi hổ, khứu giác của anh linh cảm thấy vậy. Anh hít hơi và căng mắt ra nhìn. Anh bỗng giật thót mình, một con hổ vằn đang ngồi chồm hỗm lấp trong bóng cây phía đằng chân của anh, hai mắt to rực lửa.
Thì ra con hổ đã thò tay vào kéo màn và động vào chân anh, cũng may là anh có chiếc màn trắng, nên nó sợ màu vải trắng và nghi ngại chưa dám tấn công, hơn nữa anh giắt màn cẩn thận nên không thò chân tay ra ngoài, chỉ cần thò ra một chút là nó có thể kéo được rồi. Đây chắc là một con hổ đói? Hay là nó đã quen ăn thịt người? Anh vốn đã có lần đi săn hổ, nhưng lúc đó có súng trường, súng săn có thể bắn xa hàng chục mét, chưa lần nào anh gần hổ như thế này, chỉ có cách một tấm vải màn, và lại chỉ có súng ngắn. Anh phải bắn làm sao cho nó chết ngay thì mới hòng thoát được. Thế là anh vẫn nằm yên trong màn và giương súng, hết sức khẽ không được phát ra tiếng động cả hai tay cầm súng nhằm vào đúng giữa khoảng cách của hai mắt con hổ và bóp cò, hai phát liền "Pằng pằng"! Con hổ tức thì nhảy chồm lên vọt qua chiếc lán, làm chiếc lán đổ ụp đè cả lên người anh. Con hổ gục cắm đầu xuống đất ngay đầu lán và đang dẫy chết. Anh phải nằm im nghe ngóng, một lúc lâu, chờ cho nó chết hẳn, mới lóp ngóp dỡ màn bò ra ngoài, nhưng tay vẫn cầm súng đề phòng nó tỉnh dậy vồ anh. Nhưng nó đã chết hẳn. Anh dậy dỡ lán và bẻ cành cây lấp phủ kín con hổ lại, và đánh dấu trên bờ sông, để hôm sau lên lấy. Rồi vội vàng xuống mảng ngồi chờ sáng, không dám ngủ lại nữa.
Sáng hôm sau anh tưởng đã hết thác hết ghềnh, nên ung dung ngồi trên mảng mà đi, nhưng không ngờ chỉ một lúc sau, chiếc mảng bỗng lao vào một hòn núi nhấp nhô ở bên cạnh bờ sông, anh cố lái mảng để tránh từ xa mà không được. Mảng lao vào hòn rồi trôi vào một vùng xoáy làm cho cái mảng cứ quay tròn quanh vụng không sao thoát ra được, vòng xoáy cứ hút mảng cắm đầu xuống, anh chạy lại đuôi mảng cho nổi lên, thì đuôi mảng lại cắm xuống. Giữa lòng sông rộng mà lại có một hố sâu như một cái giếng do vùng xoáy tạo nên, anh phải ôm chặt lấy mảng, chiếc mảng như dựng đứng hẳn lên rồi tụt xuống đáy hồ nước hun hút. Anh đã toát cả mồ hôi, rồi mặt tái mét đi, suốt hai mươi phút trôi qua mà chiếc mảng vẫn không thoát ra được, cứ lộn lên lộn xuống, quay vòng trong hố nước xoáy và muốn bứt anh ra khỏi mảng, dìm anh xuống đáy sông. Mãi đến khi anh phải cầm khoát bơi thật mạnh lúc chiếc mảng nổi lên trên, mới bật ra khỏi vòng xoáy được. Thoát rồi mà anh vẫn còn run như cầy xấy, anh phải ghé vào bờ lên một nhà dân nghỉ, gặp một cụ già, anh mới kể cho cụ nghe, cụ già bỗng kêu lên:
- ối hòn Hồng đấy, hàng mấy chục chiếc thuyền đã bị vỡ ở đấy, huống chi là mảng, trong mùa nước này chẳng ai dám đi qua đấy đâu, thế mà anh dám qua thì liều thật đấy. Đúng là điếc chẳng sợ súng thật.
Nghe cụ già kể anh giật mình, thật hú vía!
Lại một ngày nữa trôi trên sông, lại hai, ba lần tránh máy bay, anh lại phải buộc một cái mũ giả để ném trên sông và bọn máy bay lại bị mắc lừa. Nhưng đến lượt sau thì nó không những bắn chìm chiếc mũ mà còn bắn nát chiếc mảng, anh phải bỏ mảng bơi cách một đoạn xa mới thoát chết. Rồi anh phải bơi vớt từng cây nứa đưa vào bờ để bó lại chiếc mảng. Nó chỉ còn một nửa và chỉ có thể ngồi nửa chìm nửa nổi mà thôi, chính vì thế bọn máy bay càng không phát hiện được. Buổi tối hôm đó anh lại phải ngủ trên rừng, rút kinh nghiệm, anh đã lấy những thanh nứa cắm vòng cung xung quanh lán. Quả nhiên sáng dậy thấy nhiều vết chân hổ, chỉ chạy vòng quanh mà không dám tấn công, giống hổ sợ nứa cọ sát và cắn đứt da thịt chúng là thế. Đến sáng ngày thứ ba anh đã về gần tới thị xã Yên Bái. Anh bị sốt run bắn người lên, không thể ngồi trên sông được nữa, anh phải lên bờ kẻo ngã xuống sông mất. Anh cố gắng lôi mảng vào một bến gần đó. Anh chỉ kịp áp mảng vào bờ sông, rồi lên vườn một nhà dân và ngã xuống nằm ngất lịm đi không biết gì nữa. Đó là hậu quả sau hai ngày đêm trên sông, tuy không phải đi bộ hàng trăm cây số, nhưng anh lại bị rã rời mệt mỏi vì bơi lội, vì nắng nóng, vì đói khát và bao nhiêu tình huống phức tạp mà anh những tưởng không thể vượt qua được.
Mãi đến chiều tối anh mới tỉnh dậy trong căn nhà xinh xắn, một cô gái người nhỏ nhắn kêu lên:
- Anh bị cảm bị sốt mê man bất tỉnh, làm cả nhà em sợ quá, tưởng anh đã chết nhưng thấy anh còn thở nên mới khiêng anh vào nhà cấp cứu. Mẹ em đánh gió cho anh suốt mấy tiếng liền đấy. Em đã đun nước nóng sẵn để anh tắm rửa, rồi ăn cháo, mẹ em bảo chỉ cho anh ăn cháo thôi không được ăn cơm đâu. Nào dậy đi, em dắt ra buồng tắm nào!.
Anh đi theo sự hướng dẫn của cô, cô đã múc nước và kỳ cọ cho anh như một thương binh. Tắm táp xong, cô gái bưng cho anh bát cháo hành nóng bốc mùi thơm phức ăn xong anh thấy tỉnh táo hẳn lên. Buổi tối bà mẹ đi làm về, còn bắt cô gái nấu cháo gà cho anh ăn, và cho anh chén rượu mật gấu để uống và xoa bóp. Rượu uống đến đâu nóng ran lên đến đấy và sau khi xoa bóp thấy giãn xương giãn cốt. Sáng sau ngủ dậy anh thấy người khoan khoái, thoải mái nhẹ nhàng, hầu như chưa có đêm nào anh được ngủ ngon lành như đêm hôm đó.
Bà mẹ và cô gái cố giữ anh nghỉ lại cho khoẻ rồi hãy về đơn vị. Nhưng anh từ chối, xin phép về ngay:
- Xin cảm ơn mẹ - Xin cảm ơn em... tên em là gì?
- Tên em là gì!
- Anh hỏi thật mà!
- Thì em cũng nói thật mà - Tên em là Đào Thị Gì đấy!
- Có phải không mẹ?
- Đúng đấy tên em nó là Gì - Anh cứ nhìn cái bằng khen trên kia thì biết - Bà chỉ lên tường - Anh nhìn lên và đọc trong tấm bằng khen "Bộ tư lệnh quân khu cấp bằng khen cho Đào Thị Gì tiểu đội trưởng du kích xã Âu Lâu vì đã có công trong chiến dịch Lý Thường Kiệt..".
- Ôi, thế em cũng tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt à? Em ở bộ phận nào? Dẫn đường và phối hợp với bộ đội đánh đồn Ca Vịnh à? Anh cũng đánh đồn Ca Vịnh đấy ừ, đúng rồi anh ở đơn vị anh Tùng đây - Hả, em cũng có người nhà bị bắt trong trận ấy à? Tên là gì, anh họ tên là Bì à? - Anh cũng bị địch bắt trong trận ấy.
- Thế có biết anh Bì em không? - Chỉ có mấy người bị bắt thôi mà. nghe nói nó khiêng lên máy bay đưa về Hà Nội mà?
- Đúng đấy!.
Đen bỗng nghĩ đến những xác người bị hất từ máy bay xuống, những người bị thủ tiên ở Hoả lò và những người vượt ngục ở Côn Đảo, không biết anh Bì của cô gái có ở trong những đám người ấy không?.
- Lần sau về đây kể chuyện cho mẹ và em nghe tình hình bị bắt thế nào nhé, may ra anh có biết anh Bì em đấy.
- Được rồi anh sẽ về.
- Nhưng anh phải ghi địa chỉ đi, kẻo quên đấy. Nào em đọc cho nhé, ghi đi: "Xóm Nước Mắt, xã âu Sầu, huyện Chán Ngán, tỉnh Xin Bái" - Ghi xong chưa? - Cô gái liếc mắt nhìn Đen một cái rất sắc vẻ tinh nghịch - Gớm gì mà hỏi kỹ thế? Nếu có gửi thư cứ ghi tên em và địa chỉ như thế là khắc đến đấy, lạ lắm à, anh bộ đội ơi, không lạ đâu! Khớ khớ khớ!.
Cô cười, rất hóm hỉnh và thoải mái. Đen bỗng thấy mến cái cô gái nhỏ bé, có duyên và tinh nghịch như con trai này. Trên đường trở về đơn vị, anh cứ nghĩ mãi về cô gái có cái tên là lạ và những dòng địa chỉ đến là hay; mà ít lâu sau anh mới nhận ra - Chắc vì thế mà mấy năm sau đã trở thành địa chỉ gắn bó với đời anh!
Thời Sôi Nổi Thời Sôi Nổi - Nguyễn Lương Hiền Thời Sôi Nổi