Thằng Luyến epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 14
háng 2, 1952, thị xã có điện. Mọi người thích thú. Không có công tơ riêng. Nhà máy điện cấp cho mỗi gia đình một ngọn 60 watts. Ai muốn dùng máy vô tuyến truyền thanh, báo cho nhà máy điện hay, nhà máy điện sẽ gắn thêm chỗ cắm điện. Nhà máy điện mở đèn lúc 7 giờ tối và tắt đèn lúc 11 giờ 30 đêm, vào lúc giới nghiêm. Dân thị xã bằng lòng lắm. Cái gì nó cũng từ từ đến. Mai này, gắn công tơ riêng, muốn thắp bao nhiêu ngọn đèn thì thắp, miễn là đủ tiền nộp nhà máy điện.
Nước máy còn lâu mới có. Phải ăn uống nước sông Trà Lý vài chục năm nữa. Nhà cửa đã bắt đầu xây dựng lại. Phố chính nhà gác hai ba tầng mọc lên nhiều. Tình hình an ninh đã sáng sủa. Những cuộc hành quân Trái Chanhm, Trái Quít thắng lợi lớn. Bên kia sông ổn định xong cả. Chỉ còn những trận đánh lác đác. Cách mạng thất bại. Quân Pháp thành công. Mười hai phủ, huyện đã đổ về thị xã buôn bán tấp nập. Dân thị xã vẫn để ước mơ vào kháng chiến, tuy kháng chiến đã chừng bước ở khắp nơi, thua lả tả. Lính Pháp, lính lê dương đã tung tăng ngoài phố. Lính da đen vẫn đông hơn, đi tìm y tá tiêm pê ni xi lin, chữa bệnh lậu, bệnh giang mai. lính Bùi Chu - Phát Diệm đã hồi hương nên chấm dứt cảnh lính đánh nhau giữa phố. Sĩ quan và hạ sĩ quan pác ti dăng do Pháp động viên, ở Hà Nội, Quân khu 4 của tướng Nguyễn Văn Vận, điều về Thái Bình khá đông. Ban tác động tinh thần của Quân khu 4 được ghé thị xã, đàn đúm, xướng ca cho lính pác ti dăng nghe. Nhìn bề ngoài, người ta thấy vùng tự do mờ dần, vùng tạm chiếm sáng lên, và thị xã Thái Bình khởi sắc. Ô tô Con Voi của ông Lê Văn Định, chạy đường Thái Bình-Hải Phòng, đã đến Đống Năm rồi; chạy đường Thái Bình-Tân Đệ không bị ăn trái mìn nào. Cứ xem hành trình ô tô hàng là biết rõ an ninh vùng tạm chiếm.
Đọc thông cáo của nhà máy điện, những hiệu buôn ở phố Lê Lợi sang Nam Định ồn ào, chở máy truyền thanh về thị xã để nghe nhạc và tin tức. Ném những máy hát quay cót đi. Cứ phải thay kim, trở mặt đĩa luôn, thấy mệt. Máy vô tuyến truyền thanh bắt được các Đài Sàigòn, Đài Pháp Á, Đài Hà Nội, và cả Đài Cách Mạng nữa. Đài Hà Nội phát thanh tin tức, bình luận trực tiếp Đài Sàigòn, chỉ các chương trình văn nghệ mới tự do.
Luyến đã nghe hết các đài phát thanh. Về tin tức quân sự, hầu như không có gì. Mặt trận Thái Bình nặng hay nhẹ, chỉ người Thái Bình biết, dân torng nước ù ù cạc cạc. Báo chí thì đăng Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp. Vô tuyến truyền thanh thì đọc Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp. Chính phủ Bảo Hoàng không được phép loan tin chiến sự, dẫu là quân Bảo Chính!
Về văn nghệ, yếu ớt, chỉ chơi những vở kịch của các tác giả viết trước 1945. Hôm qua, gần tết, Đài Hà Nội diễn vở Lên đường của Hoàng Cầm. Nếu Pháp biết Bên kia sông Đuống, Đêm liên hoan của Hoàng Cầm, chắc đóng cửa Đài Phát Thanh Hà Nội! Về âm nhạc, toàn hát những bài lãng mạn tiền chiến. Những Văn Cao, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương, Dzoãn Mẫn... bê ra dùng liên tiếp, chán tai thính giả. Những bản nhạc kháng chiến, tác giả vào tề, đổi hết lời ngay. Rõ ràng, họ phản bội kháng chiến 1946-1950. Phản bội có mầu sắc tuyên truyền không công cho cách mạng. Nghe nhạc cũ, lời mới, dân chúng vẫn nhớ lời cũ chống Pháp tưng bừng. Và, dân chúng vẫn vọng về cách mạng mùa Thu. Nhạc mới lời mới thì quê hương cháy ngút trời. Ai làm cho quê hương mình cháy? Nhạc sĩ vùng tề sợ Pháp, không dám nói.
Ai qua miền quê binh khói
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi
Tôi vẫn mơ tùm tre xanh ngát
Tim sắt se cảnh xưa hoang tàn
Bao nhiêu ngày vui thơ ấu
Bao nhiêu lều tranh yêu dấu
Theo khói binh lều tan tre nát
Theo khói binh lòng quê héo tàn
Ôi quạnh hiu ôi quạnh hiu
Làng quê khô héo
Luyến tình quê luyến tình quê hẹn sẽ trở về
Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua
Và say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre
Xa lánh cuộc đời khắt khe
trăm đau ngàn thương
Nhạc mới lời mới cũng học lãng mạn. Thời tiết, khí hậu, không gian, thời gian, con người không lãng mạn, nhạc khó mà lãng mạn.
Ngày nào một giấc mơ
Đây những đêm trăng mờ ai ngóng chờ
Khi áng mây thành thơ nhẹ gió đưa
Theo tiếng đàn thuyền mơ tìm bến xưa
Một chiều thu chiến chinh
Xuân ngát hương thanh bình say mối tình
Khi ánh trăng về vui đời thắm xinh
Bên dáng huyền thầm mơ lúc tuổi xanh
Nhớ những phút sống say sưa đêm nào
Trăng quyến đôi tâm hồn dìu về đâu
Nhớ những tiếng hát say sưa êm đềm
tuy vắng xa nhưng lòng còn xao xuyến
Nghẹn ngào niềm nhớ nhau
thương xót ai trăng sầu bên mái lầu
Hay đớn đau vì câu chờ kiếp sau
Trăng úa mầu lệ dang ướt ngàn sao
Ta đã có lãng mạn tiền chiến, lãng mạn cách mạng, lãng mạn kháng chiến. Mỗi thời đại, lãng mạn nó tỏa ra, bốc lên lãng đãng trên trời, dưới đất. Văn nghệ phản ảnh chính xác. Lãng mạn vùng tề là giả vờ lãng mạn. Luyến không chịu nổi văn nghệ vùng tề, cái thứ văn nghệ sợ hãi, khiếp nhược. Thì đành vặn Đài Pháp Á, nghe ca sĩ Ngọc Hà hát tiếng Nam, cũng như đọc văn sĩ Thanh Thủy viết văn giọng Nam.
-... Mùa thu dzàng rơi là mùa lá dzàng tới
Mà lá dzàng tới khi tình thu dzừa khơi
'story_poem'>Nhặt lá dzàng rơi
xem màu lá coòng tươi
Nghe chừng như đây màu tê tái...
Chán đài Bảo Hoàng, Luyến dò Đài Cách Mạng. Tin chiến sự thì ta thắng, địch thua. Không bao giờ ta thua, địch thắng. Thỉnh thoảng, địch rất đông, ta rút lui có trật tự. Pháp và cách mạng giống nhau. Nhạc chỉ rặt đấu tố địa chủ ác ôn, cường hào ác bá. Đâu rồi thuở lãng mạn kháng chiến, những bài hát như Quê hương anh bộ đội:
Nơi ấy có cánh đồng tắm nắng vàng tươi
bờ tre nhà tranh vách mới
Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương
mùa lúa chín ngất tiếng ca khắp đường
Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng
Những chiều cùng vui hát trên đường quê
em bé dắt trâu về
gia đình làng mạc yên ấm
tăng gia cầy cấy đời đời thanh bình
Nhà anh hai nếp vừa xinh
Đêm trăng lên cao và chiếu sáng mặt sân
góc vườn vẳng nghe tiếng hát vang lên
từ xóm giếng làng bên
vượt qua vườn dâu bãi mía
Em gái bên láng giềng đêm đêm kéo tơ
vụt nhớ đến phút mến thương
anh chàng xinh trai
Mùa thu một năm nào
em gái tiễn chàng trai ra đi
cầm tay mà không nói
Chân quay đi nhưng lòng vấn vương
nhìn xa xăm bao dặm đường
Ai đi lên đường
Ai ra sa trường
mắt quay về xóm cũ làng bên
chiều lên mờ trong khói súng
Nơi ấy nay vẫn còn mênh mông ngát hương
Đang chờ ngày về chiến thắng 1
Luyến nghĩ mình đã sống trong thời đại bất hạnh. Tin người? Không. Tin đời? Không. Tin báo chí? Không. Tin đài phát thanh? Không. Người nói dối, Đời nói dối. Báo chí nói dối. Đài phát thanh nói dối. Vì, chiến tranh. Chiến tranh là con thuồng luồng dữ dằn nhất. Nó đảo tung đất trời, làm thiện sang ác. Già cả bệnh hoạn, như cụ Hào Điển, còn bị tia sáng cực mạnh của thời đại khốn nạn nó chiếu vào, không từ một ai. Luyến mất một chân, chẳng hy vọng gì thời đại khốn nạn nó buông tha. Sống ngày nào, hãy biết ngày ấy. Như hôm nay, biết thị xã có điện, có vô tuyến truyền thanh, là mừng rồi. Ngay mai, có thể, thị xã có nước máy hay tiêu thổ kháng chiến lần nữa. Lại vui rồi lại buồn. Cứ như thế mà sống. Sống trong chiến tranh là sống tạm bợ. Cái cõi tạm không nói tương lai.
Luyến vừa hay tin gia đình Long hồi cư. Còn Long người bạn đá bóng của Luyến chết rồi. Long phá thối chết trận ở Duyên Hà. Nó gia nhập bộ đội năm 1949, đánh nhau hung hãn. Chỉ vì hung hãn, nó leo lên xe tăng bỏ lựu đạn xuống, bị ăn một tràng đại liên nát bét ngực. Hai tin chết chóc rủ nhau đến tìm Luyến. Một: Cụ Hào Điển, ông nội của Côn. Hai: Thằng Long. Cụ Hào Điển chết sầu thảm. Long chết vinh quang. Luyến an ủi phần nào, vì Long chết cho tổ quốc. Luyến có bạn đã hy sinh cho tổ quốc. Chết dần chết mòn, hòa bình còn những ai? Năm năm, biết bao thay đổi. Bạn bè Luyến bốn phương lưu lạc. Luyến què chân về thị xã, hứng cho bạn tất cả nỗi buồn trùm kín Thái Bình. Luyến đã ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ, hút thuốc lá, tưởng mộ Vũ Nhất Long. Con rồng thứ nhất bay vào hư vô rồi, con rồng tiếp nối là ai?
Luyến còn may chán. Ngọc yêu nó thuở nó không còn biết chờ đợi ai. Bất chợt, tình yêu tới. Như những câu thơ của cậu học trò Đào Sinh Sắc diễn tả:
Có một sớm con chim xanh tình ái
Vào hồn tôi trong giây phút đăm chiêu
Tôi cảm thấy lòng tôi đau tê tái
Vì từ nay tôi đã bắt đầu yêu
Luyến khác tâm sự Đào Sinh Sắc một chút. Lòng nó không đau tê tái, và nó cảm thấy lòng nó dạt dào thương mến.
- Anh Luyến, anh Luyến ơi!
Khoa tất tả bước vào, giọng nói ngập xúc động:
- Anh Côn đã... đã về...
Luyến ôm ghì lấy Khoa:
- Ở đâu, ở đâu?
Khoa cuống quýt:
- Ở nhà em. Anh Côn chờ anh đấy!
Chú thích
1 Tử Phác, bộ đội tiểu tư sản. Năm 1950 bị loại ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1956, Tử Phác gia nhập Nhân Văn giai Phẩm, chống Đảng và Nhà Nước cộng sản. Ông chết năm 1986.
Thằng Luyến Thằng Luyến - Duyên Anh Thằng Luyến