Sống Trên Đá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Cái Mương Dẫn Nước -
rên một thung lũng rộng rãi nằm giữa lòng của bốn bề là núi đá cao ngất đến tận trời xanh. Buổi sáng, mặt trời như hòn than hồng tròn trịa nằm giữa khe hai sườn núi giáp nhau, mặt trời như rơi vào khoảng lõm trên khuôn ngực người con gái, mặt trời nằm ngủ ở đó rồi đi ngủ sau đỉnh núi, phải rất lâu sau, khoảng nửa buổi sáng mới thấy lại mặt trời, lúc này không còn đỏ nữa mà sáng chói loá, ban phát xuống thung lũng một sức nóng xua đi làn khói nhẹ mỏng tang vẫn đang cố bám lấy hàng cây.
Chiều về, chiều ở đây tàn sớm lắm, chẳng bao giờ đơược nhìn thấy màu đỏ của trời chiều như nơi khác. Cũng chỉ khoảng nửa buổi chiều là dãy núi đã giấu biệt mặt trời đi nơi nào rồi. Thung lũng chỉ còn một thứ ánh sáng mờ đục màu sương. Đêm xuống, ánh trăng cũng như mặt trời, không trọn vẹn dài lâu, và đẹp nhất có lẽ là lúc trăng lên treo lơ lửng bên sườn núi.
Nương ngô ở nơi đây chỉ trồng được một vụ, còn lại để cho cỏ mọc vì thiếu nước. Một hôm người ta quyết định xây một cái mương dẫn nước về tưới cho thung lũng. Nâng việc gieo trồng lên hai, ba vụ. Con mương được làm song song với con đường chạy dọc thung lũng. Mương làm xong, nước được dẫn từ chân núi Ba Tiên về tràn vào thung lũng, tràn vào những mảnh nương khô hạn. Cây ngô nhờ đó lại có đất sống, lại cho đời màu xanh.
Chiều hôm ấy tôi đi dạo dọc bờ mương về nơi đầu nguồn. Dưới mương, dòng nước chảy xiết phát ra tiếng róc rách, có đoạn ầm ào như tiếng thác. Nắng đã không còn nữa, một làn sương xanh mờ xen lẫn làn khói bếp tạo thành một dải dài vắt ngang thung lũng. Tôi thả bộ từng bước một, thỉnh thoảng lại gặp ngơười gùi củi, gùi cỏ đi ngược chiều, họ đi nhanh lắm, họ đang vội vã về nhà. Tự nhiên tôi thấy lòng mình lẻ loi, một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm. Tôi đi tiếp, càng cảm thấy cảnh vật êm đềm tĩnh lặng, không một làn gió, không một tiếng động, xóm làng yên ắng lạ thường, người đi về cũng lặng lẽ bước.
Tôi đã gặp một bé gái đang giặt áo váy của mình nơi mương nước, em đứng chỉ cao hơn bờ mương nửa cái đầu. Em đặt cái váy xuống nền mương và lấy đôi chân nhỏ xíu vừa dận vừa vò, đôi tay vịn vào hai bên thành mương. Trên bờ mương là cái áo đã được vắt nước cẩn thận lót trong cái lá. Tôi đã đứng nhìn em rất lâu. Em còn quá nhỏ để làm công việc đang làm. Tôi đoán chừng tuổi em chỉ lên ba hoặc lên bốn là cùng. Khi phát hiện ra tôi em bé dừng lại. Một lúc sau em lại tiếp tục công việc của mình.
Tôi đi tiếp một đoạn nữa gặp một cụ bà đang thu sợi lanh phơi ở đầu ngõ. Cụ cẩn thận thả theo nếp sợi lanh đã được nối dài từ con khau ly vào trong cái quẩy tấu, đoạn bị đứt cụ nối cho liền thành một sợi dài, kiểm tra một lần nữa độ bền chắc của nó rồi mới tiếp tục thả vào chiếc quẩy tấu. Cụ làm cẩn thận từng tí một, sợi lanh trên con khau ly còn rất nhiều, từng vòng quay kêu cót két, đều đều chậm rãi theo từng nếp dây thả vào trong quẩy tấu.
Bước chân lại đưa tôi đi tiếp. Tiếng xay ngô bằng cối đá ù ì vọng vào chiều, tôi ngạc nhiên đứng lại nghe bởi rất ít ngươời còn dùng cối để xay ngô khi cái máy xay ngô đã trở thành thân thiết với xóm làng. Một lúc sau tôi quyết định đi vào nhà có người đang xay ngô. Trước cửa có một đứa bé chừng bốn tuổi chơi quay một mình. Tôi vào trong nhà thấy người đàn ông còn rất trẻ, chỉ độ hai mốt hai hai là cùng, anh ta đang xỏ khung cho chiếc quẩy tấu mới đan. Phía trong có ngơười phụ nữ đang xay ngô, tôi đoán đó là vợ của anh ta. Tôi ngồi xuống gần bếp lửa xem anh ta hoàn thiện nốt chi tiết cuối cùng của chiếc quẩy tấu. Ba bốn đứa trẻ chạy vào nhà, chẳng biết đứa nào là con anh ta, đứa nào là con hàng xóm. Anh ta làm xong chiếc quẩy tấu, đặt ra bên, anh ta nói bằng tiếng Mông với đứa trẻ, tôi không hiểu anh ta nói gì. Một đứa trẻ chừng ba tuổi khoác chiếc quẩy tấu lên vai. Nó nhấc lên đi được hai ba bước chiếc quẩy tấu đã chạm xuống đất. Nó lại nhấc lên đi tiếp, hai ba bước nữa lại chạm xuống đất. Chị chủ nhà đã ngừng tay xay ngô từ lúc nào đứng gần đó lấy một cái áo cũ bỏ vào trong chiếc quẩy tấu. Chị gỡ chiếc quẩy tấu khỏi vai đứa trẻ để xuống đất, sau đó bế đứa trẻ thả vào trong quẩy tấu rồi khoác lên vai đi đi lại lại trong nhà. Đứa trẻ toét miệng cười, chị ta quay lại nhìn con, hai mẹ con cùng cười. Anh chủ nhà chuẩn bị châm lửa vào nõ điếu thuốc lào dừng tay lại nhìn hai mẹ con khuôn mặt rạng rỡ. Tôi nhìn mà thèm khát có được cái hạnh phúc nho nhỏ như của họ.
Tôi gặp lại cái mương dẫn nước, ngước mắt nhìn lên núi Ba Tiên cao ngất có làn mây trắng sà xuống đậu trên đỉnh núi. Tôi nhìn lên đầu nguồn nước, còn một đoạn đường nữa mới đến được chân núi. Tôi tiếp tục bước, hai bên bờ mương từng đám cỏ đan dày, xen lẫn vào đó có những bông bạc hà tim tím thẹn thùng hé nụ, từng cây ngải cứu dại ngọn to gần bằng ngón tay út, vài dây tơ hồng bám từ cây nọ sang cây kia, bám cả vào những hòn đá đen nhẻm. Xa hơn là nương ngô, giữa nương ngô có rất nhiều những ngọn núi nhỏ, những hòn đá được gom lại thành núi. Rồi đến một đoạn, đã lên khá cao so với đoạn dưới, từng hòn đá đen nhẻm xếp chồng lên nhau dày đặc, cây cỏ phải lách mình qua khe đá mà vươn lên. Đã gần đến chân núi Ba Tiên, sắp gần đến đầu nguồn mương nước, tiếng nước đổ từ trên cao xuống nghe như rất gần. Tôi tiếp tục bước, bàn chân vẫn đi trên bờ mương bằng bê tông.
Tôi đến đầu nguồn nước. Nước được chảy từ khe của hai dãy núi dội xuống thành dải, phía dưới là chân của dải nước có một khoảng rộng ăm ắp nước đầy. Cây cối mọc bao lấy xung quanh. Nước được dồn về gần nơi tôi đứng rồi chia làm hai ngả, một chảy vào cái mương dẫn về thung lũng, một chảy vào khe núi theo dòng xuống một thung lũng khác. Tôi cởi dép lội xuống hòn đá khá to nổi gần lên mặt nước, dòng nước tràn qua bàn chân, mát rười rượi. Tôi thò tay xuống vục nước ấp lên mặt, một cảm giác tê lạnh chạy khắp cơ thể. Tôi đã đứng ở nơi đó khá lâu.
Trời chiều xậm lại, bóng đêm đang trườn về, tôi lại dẫm lên bờ mương để trở lại trụ sở Uỷ ban xã. Xóm làng đang chìm trong màu xanh xám. Tôi đi khá nhanh. Tôi đi để chạy đua với trời chiều, để khoả lấp nỗi cô đơn của chính mình. Một cảm giác thật lạ, tôi cảm thấy rất rõ nhưng không thể nói được nên lời.
Nhìn về phía trước, cái mương dẫn nước như dài ra, xa tít tắp!
Sống Trên Đá Sống Trên Đá - Nguyễn Bính