Sau Ðêm Bố Ráp epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13
gôi nhà đồ sộ ở đường Trương Minh Ký vắng hoe. Ở đây là xóm Tây, hơn thế lại là giờ ngủ trưa, giờ yên tịnh, bởi bọn có tiền có tật ngủ trưa chớ không làm ồn suốt ngày như ở các xóm bình dân.
Kim Thúy thấy ngôi nhà nầy nặc danh như bao nhiêu ngôi nhà lớn khác của các xóm giàu sang. Đã nhận được số nhà rồi mà nàng còn hồ nghi là mình lầm địa chỉ, do dự không dám vào.
Khi nãy, lúc trả tiền tắc xi, nàng muốn hỏi người tài xế lắm, nhưng sợ hắn cười chê nên lại thôi.
Ngôi nhà có sân hẹp phía trước, rào bằng một thứ tường thưa và thấp ngang rún người.
Kim Thúy dòm qua cổng thì thấy một cái cửa lớn, chỉ độc một cái cửa ấy thôi, còn bao nhiêu là cửa sổ cả.
Phân vân một lát, nàng bước đại vào cái sân hẹp trải đá đỏ, cẩn những tấm thảm cỏ bé tí tẹo.
Đường đi trên sân là một con đường lót những tấm xi măng không đều cạnh, giả làm những tảng đá dẻo phẳng mặt. Những tảng đá giả nầy cũng không lót khít lại với nhau mà đặt cách xa nhau độ vài phân, và một thứ cỏ non mởn như rêu, mọc lên nơi những kẽ hở ấy.
Kim Thúy bước lên thềm nhà bằng đá hoa, vào cái phòng trong mà Ngân đã tả và thấy ở trong cùng một thằng bé trạc mười bốn tuổi, mặc âu phục trắng, áo ngắn, cổ cao, quần viền hai lằn vải đỏ chạy dài từ eo ếch xuống tới chơn, đầu đội kê-bi téc-ni-cô-lo, mang đủ cả các màu sắc: xanh, trắng, đỏ, vàng, tím, đang đứng bên cạnh một cái lồng sắt trông như cái rọ bẫy cọp.
Kim Thúy lại do dự nữa. Nàng đã hồi hộp vì cái nơi trang trọng nầy, rồi lại phát sợ lên vì thằng bé nhìn nàng trừng trừng. Khi nó rời chỗ đứng để đi ra cửa, nàng nửa mừng lại nửa lo.
Nó nhe răng ra mà cười, đôi má phính của nó làm căng thẳng hai sợi dây cột kê-bi từ thái dương của nó vòng xuống càm. Nó hỏi:
- Chị Kim Thúy hả?
Kim Thúy nghe nhẹ cả người, cười lại với thằng bé dễ thương nầy và đáp:
- Phải đa em.
- Chị theo em.
Nói rồi nó đi vào trong và Kim Thúy nối gót theo nó liền. Thằng bé nhận một cái nút, tức thì từ đâu trên trời rơi xuống một chiếc hộp vuông bằng sắt, cỡ to hơn chiếc hòm đựng người một tí, nhưng để dựng đứng chớ không phải để nằm, cho vừa với khuôn khổ của cái rọ.
Thùng xuống tới dưới nhà thì ngừng lại. Thằng bé mở cửa ra rồi lại bấm nút nữa thì cửa thùng cũng mở ra. Nó bước vào trong ấy và ra hiệu cho Kim Thúy bước theo.
Thằng bé đóng cửa rọ bằng tay và đóng cửa thùng bằng một cái bấm nút. Rồi nó lại bấm một cái nút khác, và hồn vía Kim Thúy thình lình bay bổng lên mây xanh vì thình lình chiếc thùng vụt bay bổng lên.
Thằng bé nhìn nàng cười một cái cười khó hiểu rồi hỏi:
- Chị ở tỉnh lên hả?
- Ừ.
Kim Thúy đoán rằng đây là chiếc thang máy mà nàng thường nghe đến, nhưng cứ đinh ninh rằng thang máy là thứ thang leo của rạp chiếu bóng Rex mà nàng đã có dùng, chớ không dè là nó kỳ cục như thế nầy.
Trong nháy mắt, Kim Thúy đã lên tận Thiên Đình. Khi thang ngừng thăng thiên thì cửa thang mở ra một hành lang có trải thảm giả bằng cao su màu xanh lợt.
Thằng bé vào hành lang, quẹo tay trái. Thúy đi theo nó và thấy tối om. Hai bên hành lang là mấy mươi cánh cửa đóng kín. Thằng bé dừng trước một cánh cửa kia, đưa hàm cho nàng hiểu là đã đến nơi rồi.
Nhớ lại chỉ thị của Ngân, nàng lấy mười đồng bạc biếu đứa dẫn đường. Thằng bé cười, nhận tiền, nói cám ơn rồi bỏ đi.
Đứng một mình, Kim Thúy lại hồi hộp mấy giây nữa mới dám gõ cửa.
Nàng nghe tiếng guốc và cửa mở ra sau đó. Một thiếu nữ trạc mười tám thoạt tiên hơi ngạc nhiên, nhưng chợt hiểu cái gì, nhoẻn miệng cười rồi hỏi:
- Chị Kim Thúy hả?
- Dạ.
- Dạ cái khỉ khô. Sao lại dạ với em. Chị cứ vào.
Cửa khép lại liền sau lưng hai nàng và cô gái nói:
- Nghe tiếng chị mà mãi tới nay mới gặp mặt. Đẹp quá. Em là Ngọc Nga.
- Chào.
- Đồ mát của chị trong tủ đó, lấy mà thay ngay đi. Thôi, em đi nhé!
- Mặc bi-da-ma nhầu nát như thế nầy mà đi à? Kim Thúy kinh ngạc hỏi.
Ngọc Nga cười dòn lên mà rằng:
- Chị nầy gàn. Đi qua buồng bên kia chớ đi dạo phố hay sao mà...
- Buồng bên nào?
- Chớ thằng dịch Ngân không có cho chị biết hay sao?
- Không.
- Thằng khốn nạn. Tụi tôi ở cái buồng đối diện với buồng nầy. Chị không ở chung với tụi tôi sao?
- Tôi ở nhà dì tôi ở ngoài. À, nghe thằng Ngân nó nói có mướn hai buồng. Té ra...
- Nhưng nó mướn buồng bên ấy bằng tiền của tụi tôi.
- Sao lạ vậy?
- Điều kiện bắt buộc. Để kiểm soát.
- Ai kiểm soát ai và kiểm soát cái gì?
- Rõ là gà mờ. Chị ở xó nào mà chui ra đây?
- Tôi ở trong xóm Cây Điệp.
- Mới làm luýt lần đầu à?
- Ừ.
- Ta kiểm soát lẫn nhau chớ kiểm soát cái gì.
- Sao lại kiểm soát lẫn nhau?
- Có phải chăng là ta phải chia cho nó 60 phần trăm?
- Ừ.
- Như vậy, nó phải biết mỗi đứa chúng ta kiếm được bao nhiêu trong một phiên gác.
- Ừ. Nhưng như vậy thì chính nó phải kiểm soát lấy chớ...
- Nó bận đi nhậu nhẹt.
- Vậy ta về phe với nhau, nó làm sao biết được sự thật?
- Ai lại không làm như vậy. Nhưng nó lại khôn hơn cha mình. Nó chia lại cho tụi bên kia mười phần trăm để kiểm soát đứa làm phiên thường trực.
- Nếu ta không thèm ở trong buồng đó.
- Thì nó để bồ nó làm công việc kiểm soát. Nhưng thế nào cũng có một đứa không nhà, muốn ở đây.
- Nhưng nếu ta về phe với nhau, thì hưởng nhiều hơn cái chỗ 10 phần trăm ấy.
- Cũng không được. Vì còn thằng bé coi thang máy. Thằng bé ấy kiểm soát lại ta vì chính nó đưa người lên đây nên biết cả. Thằng bé cũng hưởng 10 phần trăm.
Kim Thúy gật đầu mà rằng:
- Nó tổn phí nhiều, hèn chi nó đòi hỏi nhiều.
- Chị ngu lắm, không biết rằng tụi mình bị bóc lột tận xương tủy: Nó mua bom mua nho cho tụi mình ăn, bắt buộc phải luôn luôn có mấy thứ quà xa xí ấy trên tủ đầu giường cho có vẻ sang trọng. Nhưng mua một, nó tính mười.
� Đã vậy thỉnh thoảng nó hô hoảng lên là kiểm tục đã biết chỗ làm ăn của ta, và muốn khỏi hôi ổ, ta phải đóng góp với nó để đút nhét đầu nầy đầu nọ. Nhưng nếu rủi ro bể ổ thật, thì ta lãnh đủ, không có ông bự nào bảo vệ ta cả.
� Thôi, tôi đi đây. Nên nhớ rằng cửa buồng bên kia có xoi lỗ nhỏ để rình bên nầy, chị đừng có ăn gian đa nhé!
Ngọc Nga nói nửa đùa nửa thật, mở cửa thoát vội ra ngoài rồi khép cửa lại ngay, một cách máy móc mà phải là người quen ở đây lâu ngày mới nhớ điều đó chớ như nàng thì đã quên khép cửa lại rồi.
Kim Thúy không vội thay y phục vì nàng còn bận xem lại căn nhà mới tạm bợ nầy:
Ở đây không có cái gì quí giá cho lắm. Giường tủ bàn đều đóng bằng gỗ thường mà lớp vẹc-ni bên ngoài đã bị nhiều lớp người thuê buồng làm trầy trụa cả. Tuy nhiên phòng nầy vẫn một trăm lần sạch và tiện nghi hơn ở nhà nàng trong xóm. Phòng có bồn rửa mặt, có buồng tắm, buồng vệ sinh riêng.
Kim Thúy không nghe mình lạc hướng cho lắm vì đôi khi, mỗi lần đi Đà lạt, đi Long Hải với một người khách, nàng vẫn có ở qua vài ngày một căn phòng như thế nầy.
Nhưng những lần đó, nàng không bị bắt buộc phải hòa mình với nơi chốn, cứ việc ma-ri-sến như thường. Lần nầy chỉ thị rất rõ rệt mà nàng phải lấy phong cách tiểu thơ.
Vì thế mà không lạc hướng, nàng vẫn nghe không được dễ chịu lắm. Có cái gì so le, cồm cộm. Có lẽ đó là sự chênh lệch giữa tâm hồn thật của nàng và tâm hồn giả phải có để cho các vở kịch được hoan nghinh.
Người ta đã huấn luyện nàng và bảo rằng đã được rồi. Nhưng nàng lại nghe rằng cái phong cách học tốc hành ấy dường như một chiếc áo mượn, mà lại nhún hồ, ủi cứng quá nàng mặc lên người cứ nghe nhột nhạt, ngượng nghịu làm sao ấy.
Cái tên Kim Thúy, nàng cũng chưa thật quen, và mỗi lần nghe ai gọi như vậy, nàng phải để ra nửa giây đồng hồ mới nhận được rằng họ gọi nàng.
Không, Quít chưa thoát xác được. Nó vẫn cứ còn là con Bảy Lé ở xóm Cây Điệp phần nào. Và còn là thế, nó vẫn băn khoăn mà nó mang từ xóm nghèo ấy ra đây.
Tệ hơn nữa, nó thấy tình cảnh nó ở đây sao mà như là bi đát hơn. Con Bảy Lé bắt đầu nghe lòng nó trơ trọi lại như ở xóm cũ. Tuy nhiên, ở xóm cũ chung quanh nó còn có người, có tiếng trẻ nô đùa, tiếng chưởi lộn của mấy chị hàng xóm, tiếng chó sủa.
Ở đây, nó hoàn toàn bị cô lập. Buồng bên trái ai ở? Buồng bên mặt do người nào chiếm ngụ? Ngoài hành lang đang xảy ra chuyện gì? Nó như một kẻ điếc, kẻ mù.
Hai cánh cửa buồng nầy giống hệt hai cánh cửa ngục làm cho nó cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Cửa sổ lớn trổ ra sân sau, mà sân sau còn vắng lặng hơn sân trước cửa. Kim Thúy bước ra đó nhìn xuống thì thấy sân như cái giếng. Thảm cỏ xanh con con điểm hoa đỏ trên sân nầy, đẹp như một bức tranh vẽ và không có cái gì động đậy nơi đó cả.
Kim Thúy nghe bơ vơ lạ kỳ và muốn mở cửa phòng để đi qua bên kia tìm Ngọc Nga và Cẩm Lệ. Nhưng nhớ lại lời căn dặn của Thu Hà, nàng lại thôi.
Thu Hà đã nhấn mạnh nhiều lần ở cái điểm không bao giờ nên bỏ buồng cả. Có xả nước để tắm thì vài phút cũng phải tắt vòi để nghe ngóng, không được để khách hiểu lầm rằng buồng vắng chủ, hoặc chủ đang bận, khách hàng dạo nầy cuối tháng nên hiếm hoi lắm.
Kim Thúy có cảm giác rằng Ngân là chủ một gánh xiếc còn Ngọc Nga, Cẩm Lệ và nàng là ba con thú rừng được luyện đóng trò, nhốt trong lồng sắt để biểu diễn cho hắn bán vé thu tiền.
Sau Ðêm Bố Ráp Sau Ðêm Bố Ráp - Bình Nguyên Lộc Sau Ðêm Bố Ráp