Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 14/27
rời bớt lạnh từ hôm nào, tôi chẳng biết. Mùa đông năm nay tôi không thấy cảnh tượng tiêu điều của những ngày mưa dầm dề. Khi lòng ta rộn rã một niềm vui, ta quên hết cảnh vật chung quanh ta. Ðêm lạnh, nằm trên giường đắp chăn nhớ Phượng, tưởng đến Phượng, cái lạnh trốn đâu mất. Sau ba tháng hè ở quê ngoại, tôi đã đọc thêm thật nhiều tiểu thuyết vài thi ca. Tôi đi tìm tôi. Tôi không hề thấy tôi giống một nhân vật tiểu thuyết nào. Hình ảnh cậu học trò vừa lớn, tâm sự yêu đương của cậu ta bị các nhà văn bỏ quên. Hình ảnh ấy, tâm sự ấy, chắc chắn, những người đã trải qua đoạn đời niên thiếu và leo lên một địa vị xã hội thường không thích hoặc thích kết tội. Nhưng người niên thiếu phải sống đầy đủ thời của họ. Ðã đến lúc tôi ghét một bài đạo đức ca của ông Tú Mỡ:
Tuổi niên thiếu sức dài vai rộng
Ví bằng ta chỉ sống mà chơi
Nay mai đến lúc lão thời
Nhìn trang sử sách thấy đời rỗng tuyênh
Chi bằng lúc đầu xanh tuổi trẻ
Trời phú cho mạnh khỏe tay chân
Việc ta ta hãy chuyên cần
Quyết đem tài chí lập thân sau này
Rồi vùn vụt tới ngày tuổi tác
Tới khi ta tóc bạc da mồi
Vuốt râu ôn lại sự đời
Ðời ta đầy đủ thảnh thơi tự hào
Có nghe tác giả Phấn thông vàng giã từ tuổi vừa lớn? Có nghe tác giả Ðiêu tàn vĩnh biệt trường lớp? Ôi những tiếng buồn của một thời đã mất, tưởng chừng níu kéo lại, trở về được ta sẽ sống thêm một lần. Thời đáng sống nhất của ta là thời niên thiếu. Ðó là thời để yêu. Không bao giờ là thời để ước ao phú quý vinh hoa. Càng không bao giờ là thời của hô hoán thù hận. Cái thế giới niên thiếu thật kỳ diệu, thật rực rỡ. Và bí mật. Người ta không thể nói về nó khi đang sống với nói. Người ta chỉ nhắc tới nó bằng hồi tưởng đứt rời, phản phúc. Hay bằng những tiếc nuối vô vàn. Thời niên thiếu của ta là thời ta sống cho ta, sống theo ý riêng ta, sống trọn vẹn với ta. Ta bất cần, ta bất chấp tất cả, kể luôn bổn phận. Bởi vì, dẫu ta không "ngại núi e sông", ta thừa chí mạo hiểm, ta can đảm phi thường, một con đường ta vẫn bị khuất phục là con đường trở về niên thiếu, con đường trở về thời để mơ mộng, để yêu say đắm, để nhớ vu vơ, để buồn vớ vẩn... Và không hiểu nổi mình.
Tôi không hiểu nổi tôi. Tôi đi tìm tôi qua những nhân vật sáng tạo của nhà văn. Tuyệt nhiên không thấy. Hình ảnh người thiếu niên đã mơ hồ, tâm sự người thiếu niên còn mơ hồ hơn. Mơ hồ quá nên trở thành xa lạ trong tác phẩm văn chương thời vừa lớn của tôi chăng? Tôi nằm trong chăn nhớ Phượng. Nhớ thiết tha. Tôi nằm trong chăn tơ tưởng tình yêu. Tình yêu nồng nàn. Nhưng tôi vẫn sợ hãi ngày tình yêu bỏ tôi ra đi, vẫn sợ hãi ngày Phượng giã từ cái không gian êm đềm này. Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết. Nghĩ tới nỗi buồn ấy, tôi cảm như mình là gã học trò của Bồ Tùng Linh. Và tôi đang gục trên bàn rượu mà lửa hâm rượu đã khô, bình rượu đã cạn. Tôi học đòi Vũ Hoàng Chương thất tình:
Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu Trai
Ra đi chẳng hẹn một ngày mai
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai
Ðời vắng Phượng, tôi sẽ say với ai? Không, không thể vắng Phượng. Tháng mười hai có ngày Giáng Sinh. Tháng mười hai yêu dấu. Ngày Giáng Sinh yêu dấu, ngày ấy Phượng hẹn rằng sẽ cùng tôi đến nhà thờ dự thánh lễ nửa đêm. Ngày ấy Chúa Giê xu ra đời vì tình yêu của loài người. Ngày ấy, tôi sẽ nói tôi yêu Phượng. Tôi bỗng hết buồn vớ vẩn. Tung chăn dậy ra bàn viết, tôi loay hoay ghi nhật ký. Và tôi làm thơ...
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ