Chương 13
ời kể của Colin Lamb
Tôi đi bộ ngược lên phía trên đường Charing Cross rồi rẽ vào một mê cung gồm những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn giữa đường New Oxford và Vườn hoa Covent. Đủ thứ cửa hàng không ngờ tới đang kinh doanh ở đó, những cửa hàng cổ kính, một bệnh viện dành cho búp bê, những đôi giày múa balê, những tiệm bán các món ăn ngon nước ngoài.
Tôi cưỡng lại sự quyến rũ của bệnh viện búp bê với nhiều cặp mắt thủy tinh màu xanh và nâu khác nhau, rồi cuối cùng cũng đến được mục tiêu của mình. Đó là một hiệu sách nhỏ nhếch nhác trong một đường hẻm không xa Viện Bảo tàng Anh Quốc. Có những khay sách thông thường bên ngoài. Tiểu thuyết xưa, sách giáo khoa cũ, sách linh tinh đủ loại, dán nhãn 3d., 6d., ls., thậm chí một số sách của quý tộc được đóng bìa thậm chí vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi bước xéo qua ngưỡng cửa. Cần phải đi xéo qua vì sách được tạm xếp đặt trên hành lang từ ngoài đường vào ngày một va đụng vào người càng nhiều hơn. Bên trong rõ ràng là sách làm chủ cửa hiệu chứ chẳng còn cách mô tả nào khác. Sách lan tràn và chiếm hữu môi trường sống, sinh sôi nảy nở, nhân lên gấp bội và rõ ràng thiếu sự bạo tay kiềm chế chúng lại. Khoảng cách giữa các kệ sách quá chật hẹp nên phải khó khăn lắm lắm mới quản lý nổi. Có hàng đống sách chễm chệ ngự trên khắp các kệ, cũng y như thế trên khắp các bàn.
Ngồi trên cái ghế đẩu trong một góc bị sách bao vây là ông già đội mũ chỏm tròn, cong vành, với bộ mặt bự bèn bẹt giống y một con cá đã dồn thịt. Ông có cái dáng vẻ của kẻ đã từ bỏ một cuộc đấu tranh không cân sức. Ông đã thử làm chủ những quyển sách, nhưng hiển nhiên chúng đã thành công trong việc làm chủ ông ta. Ông là một kiểu Vua Canute của thế giới sách, rút lui trước những quyển sách ào ạt tiến lên như thủy triều dâng. Nếu ông ra lệnh cho chúng rút lui, chắc chắn trong cơn tuyệt vọng chúng sẽ chẳng chịu làm như thế. Đó là ông Solomon, chủ hiệu sách. Ông nhận ra tôi, cái nhìn chằm chặp như con cá dịu xuống trong chốc lát và ông gật đầu.
“Chuyên ngành của tôi có gì không?” tôi hỏi.
“Ông phải lên trên ấy mà xem, ông Lamb à. Vẫn rong biển và các thứ chứ gì?”
“Đúng thế.”
“À, ông biết chúng ở đâu rồi đó. Hải dương học, hóa thạch, châu Nam cực — tầng hai. Tôi vừa có một gói sách mới hôm kia. Đã bắt đầu mở ra rồi nhưng chưa xem kỹ. Ông có thể tìm thấy chúng ở một góc trên ấy.”
Tôi gật đầu rồi đi xiên đi xéo lần bước tới chỗ cái cầu thang khá ọp ẹp và dơ bẩn dẫn lên lầu ở đằng sau cửa hiệu. Trên tầng một là Mỹ nghệ Đông phương, các sách mỹ thuật, y học và tác phẩm cổ điển Pháp. Trong phòng này có một góc nhỏ che màn khá thú vị mà công chúng nói chung không biết đến nhưng các chuyên gia có thể hiểu được, nơi các tập sách gọi là ‘kỳ dị’ hay ‘kỳ lạ’ chiếm chỗ. Tôi đi ngang qua chúng và lên tầng hai.
Ở đây các sách khảo cổ, lịch sử tự nhiên và các tập sách khả kính khác được sắp xếp phân loại không thỏa đáng lắm. Tôi luồn lách qua các sinh viên, các đại tá đã có tuổi và nhà tu hành, vòng qua góc của một kệ sách, bước qua nhiều gói sách khác nhau đang há hốc miệng trên sàn nhà và thấy con đường tiến bước xa hơn của mình bị chắn ngang bởi hai sinh viên thuộc hai giới tính trái ngược đang lạc lõng giữa cõi trần đời trong vòng tay ôm nhau xà nẹo.
Họ đứng đó, cứ xàng xê qua qua lại lại mãi. Tôi nói: “Xin thứ lỗi,” kiên quyết đẩy họ sang một bên, vén tấm màn che kín một cánh cửa lên và rút nhẹ từ trong túi ra một chiếc chìa khóa, tra vào ổ khóa rồi bước qua. Thật phi lý, tôi thấy mình đang ở trong một kiểu tiền sảnh có những bức tường sơn màu keo đều đặn, treo những bức ảnh các giống bò trên cao nguyên, và một cánh cửa trên đó treo cái búa gõ cửa bóng loáng.
Tôi dè dặt gõ nhẹ, và cửa được mở ra bởi một phụ nữ đã có tuổi với mái tóc hoa râm, cặp mắt kính kiểu đặc biệt cổ xưa, mặc cái váy màu đen và khá bất ngờ, bà ta khoác một cái áo tròng đầu có sọc màu xanh bạc hà.
“Cậu đấy à?” bà ta hỏi, không có bất cứ hình thức chào hỏi nào khác. “Ông ấy mới hỏi cậu hôm qua đây thôi. Ông ấy không hài lòng.” Bà lắc đầu nhìn tôi, gần giống một nữ gia sư có tuổi có lẽ đã làm như vậy với một đứa bé khiến bà ta thất vọng. “Cậu phải cố làm tốt hơn nhá,” bà bảo.
“Ôi thôi đi, vú ơi,” tôi đáp.
“Này, đừng có gọi tôi là vú này vú nọ nhá! Thế là vô lễ đấy. Tôi đã bảo cậu rồi cơ mà.”
“Đó là lỗi của bà. Bà không nên nói với tôi như thể tôi là một thằng nhóc con.”
“Thời gian qua cậu đã trưởng thành rồi. Cậu nên vào trong làm cho xong việc đi.”
Bà ấn cái nút kêu vo ve rồi nhấc điện thoại để trên bàn giấy lên và nói: “Cậu Colin… Vâng, tôi đang cho cậu ấy vào đây.” Bà đặt máy xuống rồi gật đầu với tôi.
Tôi đi qua cánh cửa cuối phòng sang một phòng khác mịt mù khói xì gà tới nỗi rất khó nhìn thấy bất cứ thứ gì.
Sau khi cặp mắt cay xè của tôi sáng tỏ trở lại, tôi mới thấy được những phần cơ thể phì nhiêu của sếp tôi đang ngồi dựa ngửa trên một cái ghế già cỗi nhếch nhác, cạnh tay vịn của nó là một bàn giấy có đế xoay để đọc hay viết.
Đại tá Beck gỡ cặp mắt kính ra, đẩy sang một bên cái bàn đọc có một quyển sách to tướng bên trên và ngó tôi vẻ thất vọng.
“Cuối cùng là cậu đấy ư?”
“Vâng, thưa sếp.”
“Có được gì không?”
“Không, thưa sếp.”
“Thôi được, chả sao cả, Colin ạ, cậu biết rồi hử? Chả sao. Đúng là các vầng trăng khuyết thật rồi!”
“Tôi vẫn còn suy nghĩ,” tôi mở đầu.
“Được. Cậu vẫn còn suy nghĩ. Nhưng chúng tôi chẳng thể chờ mãi trong lúc cậu vẫn đang suy nghĩ.”
“Tôi xin thừa nhận đó chỉ là linh cảm mà thôi.”
“Thế cũng chẳng hại gì,” đại tá Beck nói.
Ông ta là một người mâu thuẫn.
“Những việc tốt nhất tôi từng làm là linh cảm. Có điều linh cảm này của cậu dường như chả đi đến đâu. Kết thúc với các quán nhậu rồi chứ?”
“Vâng, thưa sếp. Như đã nói với sếp, tôi bắt đầu với các trăng lưỡi liềm. Những căn nhà xây theo kiểu trăng lưỡi liềm là điều tôi muốn nói.”
“Chắc cậu không có ý muốn nói đến các cửa hàng bán bánh mì có những ổ bánh mì tròn kiểu Pháp, dù sao cũng nghĩ đến điều ấy đi nhá, chẳng có lý do gì lại không nghĩ thế. Một số cửa hàng đó làm người ta tuyệt đối cả tin, cứ tưởng họ sản xuất loại bánh mì sừng trâu của Pháp, đấy thực ra không phải của Pháp. Ngày nay như với mọi thực phẩm khác, người ta cho đông lạnh hết. Chính vì thế mà bây giờ chả có cái gì có mùi vị ra làm sao cả.”
Tôi chờ xem ông trai già ấy có mở rộng chủ đề này hay không. Đó là chủ đề ông ưa thích nhất. Nhưng thấy tôi đang mong đợi ông làm như thế, đại tá Beck kìm lại.
“Đi loanh quanh vậy đủ chưa?” ông hạch hỏi.
“Sắp rồi. Tôi còn phải đi một quãng ngắn nữa thôi.”
“Cậu còn muốn có thêm thời gian nữa ư?”
“Tôi muốn có thêm thời gian, đúng vậy,” tôi đáp. “Nhưng lúc này thì tôi không muốn dời đi nơi khác. Đã có một sự trùng hợp và có thể — chỉ là có thể thôi — có ý nghĩa gì đó.”
“Đừng dông dài nữa! Hãy cho tôi biết các sự kiện!”
“Đối tượng điều tra là Wilbraham Crescent.”
“Và cậu chẳng tìm thấy gì! Hay là có?”
“Tôi không chắc.”
“Nói rõ đi, nói rõ đi, cậu bé!”
“Trùng hợp ở chỗ có một người đàn ông bị sát hại ở Wilbraham Crescent.”
“Ai bị sát hại?”
“Chưa biết là ai. Trong túi có một tấm thiếp đề tên và địa chỉ nhưng đều là giả cả.”
“Hừm. Phải rồi. Có gợi ý đấy. Đã kết hôn chưa?”
“Chuyện đó tôi không biết được, thưa sếp, nhưng mà cũng vậy thôi…
“Tôi biết, tôi biết. Cũng vậy thôi… À, cậu đến để làm gì? Để xin phép tiếp tục sục sạo Wilbraham Crescent — cái nơi nghe buồn cười ấy ở đâu thế?”
“Nơi đó gọi là Crowdean. Cách Portlebury mười dặm.”
“Phải, phải. Một nơi rất tốt. Nhưng cậu đến đây làm gì? Cậu thường không xin phép mà. Cậu vẫn làm kiểu ương bướng của riêng mình, đúng không?
“Đúng vậy, thưa sếp, tôi e là vậy.”
“À, rồi sao nữa?”
“Có hai người tôi muốn sưu tra kỹ.”
Với một tiếng thở dài đại tá Beck kéo cái bàn đọc trở về vị trí cũ, lấy từ trong túi áo ra một chiếc bút bi, thổi vào nó rồi nhìn tôi.
“Gì nào?”
“Ngôi nhà gọi là Diana Lodge. Đúng ra là số 20, Wilbraham Crescent. Người đàn bà gọi là bà Hemming và chừng mười tám con mèo sống ở đó.”
“Diana à? Hừm,” đại tá Beck nói. “Nữ thần Mặt Trăng. Diana Lodge. Đúng. Bà ta làm gì, cái bà Hemming ấy?”
“Không gì hết. Bà ta chỉ chăm chăm vào bầy mèo của mình thôi.”
“Vỏ bọc tuyệt hảo, tôi dám nói thế đấy,” đại tá đánh giá. “Chắc chắn có thể thế. Chỉ thế thôi sao?”
“Còn nữa ạ. Một người đàn ông tên là Ramsay. Sống ở số 62, Wilbraham Crescent. Nghe nói là kỹ sư xây dựng, là gì cũng vậy thôi. Ra nước ngoài rất nhiều.”
“Tôi thích cái tên nghe hay ho này. Tôi thích lắm đấy. Cậu muốn biết về anh ta, phải không? Được.”
“Ông ấy có một bà vợ. Một bà vợ cực kỳ tử tế, và hai thằng nhóc con quậy phá.”
“À, anh ta có thể có vợ con chứ,” đại tá Beck nói. “Chuyện như thế đã được biết đến rồi. Cậu nhớ Pendleton chứ? Hắn cũng có vợ con. Vợ hắn rất tử tế. Một người đàn bà ngu đần nhất tôi từng gặp phải. Chị ta chả biết gì về việc thằng chồng không phải là kẻ buôn sách phương Đông đáng kính. Nghĩ đến điều ấy đi nhé, bây giờ tôi nhớ ra Pendleton có một cô vợ người Đức và hai đứa con gái. Hắn còn có một cô vợ ở Thụy Sĩ nữa. Tôi chả biết mấy người vợ của hắn là gì — là những mối quan hệ riêng tư quá mức của hắn hay vỏ bọc cho hắn. Tất nhiên hắn sẽ nói đấy là ngụy trang. À, dù sao cậu cũng muốn biết về Ramsay. Còn gì nữa không?”
“Tôi không chắc. Có một cặp vợ chồng ở nhà số 63. Giáo sư về hưu. Tên McNaughton. Người Scotland. Đã có tuổi. Dành thời gian của mình để làm vườn. Không có lý do để nghĩ ông ta và vợ không ổn… nhưng…”
“Được. Chúng tôi sẽ kiểm tra. Sẽ soát họ qua hệ thống để biết chắc. Mà này, tất cả những người này là sao đây?”
“Nhà của những người này đều có vườn liền kề hay tiếp giáp với vườn nhà xảy ra án mạng.”
“Nghe giống tác phẩm của người Pháp,” Beck nói. “Xác của chú tôi ở đâu? Trong vườn nhà anh họ của thím tôi. Vậy còn chính nhà số 19 thì sao?”
“Một bà mù, từng là giáo viên, sống ở đó. Hiện bà làm cho một học viện dành cho người khiếm thị và đã được cảnh sát địa phương điều tra rất kỹ rồi.”
“Sống một mình à?”
“Vâng.”
“Và cậu có ý kiến gì về tất cả những người kia?”
“Ý kiến của tôi là,” tôi nói, “nếu bất cứ ai trong những người này phạm tội giết người ở bất cứ nhà nào trong những nhà mà tôi đã đề cập với ông, mặc dù mạo hiểm nhưng chuyển cái xác vào trong nhà số 19 vào một thời điểm thích hợp trong ngày là hoàn toàn dễ dàng. Đó là một khả năng, chỉ có vậy thôi. Và có một điều tôi muốn trình cho sếp xem. Cái này đây.”
Đại tá cầm lấy đồng tiền kim loại dính đất tôi chìa ra cho ông.
“Tiền Tiệp Khắc. Cậu tìm thấy ở đâu thế?”
“Không phải tôi. Mà nó đã được tìm thấy trong vườn sau nhà số 19.”
“Thú vị thật. Rốt cuộc cậu có thể có cái gì đấy để kiên trì xác định về những vầng trăng khuyết và trăng tròn rồi.” Ông nói thêm với vẻ đăm chiêu, “Có một quán nhậu tên là Trăng Lên ở đường kế bên con đường này. Sao cậu không đi thử vận may của mình ở đấy?”
“Tôi đã tới đó rồi.”
“Lúc nào cậu cũng có sẵn câu trả lời, phải không?” đại tá Beck nói. “Hút một điếu xì gà nhá!”
Tôi lắc đầu. “Cám ơn sếp—hôm nay không có thời gian.”
“Quay về Crowdean à?”
“Vâng. Có một buổi sơ thẩm phải tham dự ạ.”
“Cái đó thì chỉ là thủ tục thôi. Chắc chắn không phải cậu đang đeo đuổi cô gái nào đó ở Crowdean đấy chứ?”
“Chắc chắn không phải,” tôi đáp cộc lốc.
Bất ngờ ông đại tá bật cười khúc khích.
“Coi chừng vấp ngã đấy, cậu bé của tôi! Tình dục ngẩng cái đầu xấu xí của nó lên như thường lệ rồi. Cậu quen cô ta bao lâu rồi?”
“Không có cô nào hết — tôi muốn nói… à, cô gái đã phát hiện cái xác.”
“Cô ấy đã làm gì khi phát hiện cái xác?”
“La hét.”
“Cũng rất tuyệt đấy,” đại tá nhận xét. “Cô ấy đã lao vào người cậu, khóc trên vai cậu rồi kể cậu nghe chuyện ấy. Phải thế không?”
“Tôi không biết sếp đang nói gì,” tôi lạnh lùng đáp lại. “Hãy xem qua mấy cái này!”
Tôi đưa cho ông xấp hình cảnh sát đã chụp và tuyển chọn.
“Ai đây?” đại tá gặng hỏi.
“Người chết.”
“Cá mười ăn một là cô gái mà cậu quá si tình đã giết người này. Với tôi toàn bộ câu chuyện nghe có vẻ rất ám muội.”
“Sếp còn chưa nghe kể chuyện mà. Tôi vẫn chưa kể cho sếp nghe.”
“Tôi chả cần nghe kể,” đại tá vung vẩy điếu xì gà. “Thôi, đi mà dự buổi sơ thẩm của cậu đi, cậu bé của tôi, và tìm cho ra cô gái ấy nhá! Cô ta tên là Diana, Artemis hay tên gì đấy liên quan đến trăng khuyết hay ánh trăng?”
“Không, không phải vậy.”
“À, hãy nhớ là có thể đấy!”
Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ - Agatha Christie Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ