Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9: Tháng Mười Đỏ
oel năm 1989, Lucien bị ốm nặng. Mặc dù chưa biết chính xác khi nào cái chết tới, nhưng chúng tôi đều tin rằng nó sắp tới, chúng tôi tự bó chặt bản thân mình và buộc lại với nhau bằng mối liên hệ vô hình đó. Khi bệnh tật bước vào một gia đình, nó không chỉ xâm chiếm một cơ thể, mà còn dệt nên giữa các trái tim một tấm vải ảm đạm để liệm hy vọng. Giống như một sợi tơ nhện quấn quanh các dự định và cả hơi thở của chúng tôi, căn bệnh nuốt dần từng ngày cuộc sống của chúng tôi. Khi từ bên ngoài trở về nhà, tôi cảm thấy như đi vào một hầm mộ và tôi luôn thấy lạnh, cái lạnh mà không gì có thể làm dịu bớt, đến mức vào những ngày cuối cùng, khi tôi nằm ngủ cạnh Lucien, tôi cảm thấy cơ thể của ông ấy hút hết tất cả hơi ấm mà cơ thể tôi giấu ở đâu đó.
Căn bệnh được chuẩn đoán từ mùa xuân năm 1988, nó gặm nhấm Lucien trong mười bảy tháng và cuối cùng mang ông ấy đi vào đêm trước Noel. Bà cụ mẹ ông Meurisse đã tổ chức quyên góp trong các gia đình sống ở tòa nhà và người ta đặt ở phòng tôi một vòng hoa đẹp, quấn một dải ruy băng không có dòng chữ nào cả. Chỉ một mình bà ấy đến dự đám tang. Đó là một phụ nữ sùng đạo, lạnh lùng và cách biệt, nhưng trong kiểu cách khô khan và hơi cục cằn của bà ấy có cái gì đó chân thật, và khi bà ấy mất sau Lucien một năm, tôi nghĩ rằng đó là một phụ nữ tốt và tôi rất nhớ bà ấy, mặc dù trong mười lăm năm, chúng tôi hầu như không nói với nhau lời nào.
- Bà ấy đã làm hỏng cả cuộc đời của con dâu mình. Cầu cho linh hồn bà ấy được bình yên, đó là một người đàn bà thánh thiện, - Manuela nói thêm thay cho lời điếu văn; cô có mối thù truyền kiếp với vợ ông Meurisse.
Ngoài Cornélia Meurisse, cái mạng che mặt và chuỗi hạt của bà ấy, hình như không một ai thấy căn bệnh của Lucien là điều gì đó đáng quan tâm. Với người giàu, có lẽ bởi cuộc sống của người nghèo đang ít dần đi, thiếu oxy từ tiền và từ tài quan hệ khéo léo nên hình như họ cảm nhận các cảm xúc con người với một cường độ nhẹ hơn và thái độ dửng dưng mạnh mẽ hơn. Vì chúng tôi là những người gác cổng, nên dường như người ta cho rằng cái chết đối với chúng tôi là một điều hiển nhiên trong diễn biến của các sự việc, trong khi đối với những kẻ giàu có, cái chết lại được khoác lên tấm áo bất công và thảm kịch. Một người gác cổng qua đời, đó là vết lõm nhẹ trong cuộc sống hàng ngày, một sự xác thực sinh học không liên quan đến bất cứ thảm kịch nào, và đối với những người chủ nhà vẫn gặp ông ấy hàng ngày trên cầu thang hay ở cửa phòng thường trực, Lucien là một sự không tồn tại trở về với hư vô và không bao giờ thoát ra khỏi đó được nữa, một con vật chỉ sống nửa quãng đời, không xa hoa, không giả tạo, nên khi chết chắc chắn cũng chỉ phải trải qua một nửa sự phản kháng. Cho dù cũng như mọi người, chúng tôi có thể chịu đựng được địa ngục và trái tim thắt lại vì tức giận khi đau khổ phá hỏng sự tồn tại của chúng tôi, thì chúng tôi vẫn phân hủy trong chính bản thân mình, trong mớ hỗn độn của sợ hãi và kinh hoàng mà cái chết đem lại cho mỗi người, không làm sây sát trí óc của ai ở nơi đây.
Một buổi sáng, ba tuần trước Noel, khi đi chợ về cùng với một túi đầy củ cải và phổi cho mèo, tôi thấy Lucien đã mặc quần áo tươm tất và chuẩn bị đi ra ngoài. Ông ấy còn quàng cả khăn và đang đứng chờ tôi. Sau những cuộc đi dạo mệt lử của ông chồng mà quãng đường từ phòng ngủ đến bếp đủ lấy đi hết sức lực và bao trùm một màu xám đáng sợ, sau hàng tuần liền không thấy ông ấy rời bộ pyjama mà tôi cảm thấy như chính là trang phục của cái chết, nay lại thấy ông ấy với ánh mắt long lanh và nét mặt tươi tắn, cổ áo khoác mùa đông dựng lên đến tận má, đôi má hồng một cách lạ thường, tôi suýt bị choáng.
- Lucien! - tôi thốt lên và định chạy đến đỡ ông ấy, giúp ông ấy ngồi xuống, cởi áo khoác hộ ông ấy, tôi còn biết làm gì nữa, căn bệnh đã dạy tôi những cử chỉ xa lạ và trong thời gian gần đây, đó là những cử chỉ duy nhất mà tôi làm, tôi sẽ đặt túi xuống, ôm chặt ông ấy, đỡ ông ấy và làm mọi việc, nhưng tôi thở dồn dập với cảm giác giãn ra rất lạ trong tim, tôi dừng lại.
- Vừa kịp giờ đấy, - Lucien nói với tôi, - buổi chiếu bắt đầu lúc một giờ.
Trong rạp chiếu phim nóng nực, nước mắt tôi chỉ chực trào ra, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi nắm lấy bàn tay ấm áp của ông ấy. Tôi biết rằng một luồng năng lượng ngoài sức tưởng tượng của đã kéo ông ra khỏi giường bệnh, cho ông sức lực để thay quần áo, cho ông sự khát khao được đi ra ngoài, mong muốn cả hai vợ chồng một lần nữa được chia sẻ với nhau sở thích này, và tôi cũng biết rằng đó là dấu hiệu cho thấy ông ấy không còn sống được lâu nữa, linh cảm trước khi ra đi, nhưng điều đó không quan trọng đối với tôi và tôi chỉ muốn tranh thủ nó, tận dụng những khoảnh khắc bị giấu kín dưới bệnh tật, tranh thủ nắm bàn tay ấm áp của ông ấy trong tay mình, tranh thủ tận hưởng những rung động của thú vui đối với cả hai chúng tôi vì ơn trời, đó là bộ phim mà chúng tôi có thể cùng chia sẻ cảm xúc.
Tôi nghĩ là ông ấy mất ngay sau đó. Cơ thể ông ấy còn kháng cự được thêm ba tuần nữa, nhưng trí óc đã ra đi sau khi buổi chiếu phim kết thúc, vì ông ấy biết rằng như thế tốt hơn, vì ông ấy đã nói vĩnh biệt tôi trong bóng tối của rạp chiếu phim, không tiếc nuối quá xót xa, vì như thế ông ấy đã tìm thấy sự bình yên, ông ấy đã luôn tin vào những gì chúng tôi đã nói với nhau mà không cần dùng lời, chỉ cùng nhìn lên màn ảnh đang kể về một câu chuyện.
Tôi chấp nhận.
Chúng tôi ôm nhau lần cuối trong khi xem phim Truy tìm Tháng Mười đỏ. Những ai muốn hiểu nghệ thuật kể chuyện, chỉ cần xem phim đó là đủ; tôi tự hỏi tại sao trường đại học cứ phải dạy những nguyên tắc tự sự của Propp, Greimas hay những bài văn chán ngắt khác thay vì đầu tư một phòng chiếu phim. Mở đầu, tình tiết, nhân vật chính, biến cố bất ngờ, tìm kiếm, vai chính và các vai bổ trợ khác: chỉ cần có một Sean Connery mặc đồng phục của thuỷ thủ trên tàu ngầm của Nga và một chiếc tàu bay đặt đúng chỗ.
Thế mà sáng nay, như tôi đã nói, tôi nghe thấy trên đài France Inter rằng việc các khát vọng vươn tới nền văn hoá hợp pháp của tôi bị lây nhiễm những ham muốn đối với nền văn hóa không hợp pháp không phải là nỗi ô nhục của nguồn gốc xuất thân hèn của tôi và của việc tôi đơn độc tiếp cận với ánh sáng của trí óc, mà là một đặc điểm thời nay của các giai cấp thống trị về mặt trí tuệ. Tại sao tôi lại biết điều đó? Từ miệng một nhà xã hội học mà tôi khao khát muốn biết liệu bản thân ông ấy có muốn biết rằng một bà gác cổng đi giày vải Scholl vừa mới biến ông ấy thành bức tranh thánh linh thiêng không. Khi nghiên cứu về qui trình phát triển của các sở thích văn hoá của giới trí thức vốn trước kia được đắm mình trong một nền giáo dục cao cấp từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ, còn nay là các cực hổ lốn qua đó ranh giới giữa những nền văn hoá thật và giả bị xoá mờ đến mức không thể cứu vãn nổi, ông ấy miêu tả một người có bằng thạc sĩ văn học cổ điển đã từng nghe nhạc của Bach, đọc tác phẩm của Mauriac và xem phim điện ảnh nghệ thuật, thì nay lại nghe Haendel và MC Solaar, đọc Flaubert và John Le Carré, đi xem phim của Visconti và xem phần mới nhất của Die Hard, buổi trưa ăn bánh hamburger, buổi tối ăn sashimi.
Thật luôn đáng lo ngại khi phát hiện ra một tập quán xã hội thống trị nơi mà người ta cho rằng nhìn thấy dấu ấn khác biệt của nó. Lo ngại và thậm chí có thể tức giận. Việc tôi, Renée, năm mươi tư tuổi, làm công việc gác cổng và tự học, mặc dù tự giam mình trong một căn phòng nhỏ thích hợp, mặc dù sống tách biệt và sự tách biệt đó lẽ ra phải bảo vệ tôi khỏi những tệ nạn xấu xa của xã hội, và mặc dù bị cách ly một cách đáng xấu hổ và mù quáng với những diễn biến của thế giới rộng lớn mà tôi đang sống, và việc tôi, Renée, là nhân chứng của sự biến đổi đang khuấy động tầng lớp ưu tú hiện nay - bao gồm những đứa con nhà Pallières đang học dự bị đại học sư phạm, chúng đọc sách của Marx và kéo nhau đi xem phim Terminator, hay lũ con gái nhà Badoise học luật ở Assas và khóc thổn thức trước phim Nothing Hill - là một cú sốc mà tôi khó vượt qua được. Bởi vì những ai để ý đến niên đại sẽ thấy rất rõ ràng rằng tôi không bắt chước đám thanh niên đó, mà trong các sở thích phong phú của mình, tôi vượt lên trên chúng.
Renée, nhà tiên tri của tầng lớp ưu tú hiện đại.
- Thế đấy, thế đấy, tại sao lại không, - tôi vừa tự nhủ vừa lấy miếng gan bê cho mèo ra khỏi túi, rồi moi từ bên dưới ra hai miếng philê cá hồng gói trong túi nhựa, tôi định đem ướp muối rồi nấu với nước cốt chanh và rau mùi.
Đúng lúc đó thì xảy ra chuyện.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 4
Hãy chăm sóc
Cây cối
Trẻ em
Nhà tôi có một bà giúp việc đến làm ba giờ mỗi ngày, nhưng mẹ tôi tự tay chăm sóc cây cối. Đó là một tiết mục xiếc không thể tin được. Mẹ có hai bình tưới, một cái đựng nước pha phân bón, một cái đựng nước không có cặn vôi, và một bình phun có thể phun nhiều kiểu khác nhau như phun "một điểm", phun "mưa" hay phun "mù". Mỗi buổi sáng, mẹ kiểm tra hai mươi cây xanh trong căn hộ và đưa ra cách chăm sóc thích hợp cho từng cây. Mẹ tôi lẩm bẩm đủ thứ và hoàn toàn dửng dưng với phần còn lại của thế giới. Các bạn có thể nói bất cứ điều gì với mẹ tôi trong khi bà chăm sóc cây cối, nhưng bà chẳng hề để ý đâu. Ví dụ: "Hôm nay tôi định dùng ma túy và dùng quá liều" câu trả lời là: "Cây cọ bị vàng ở đầu lá, nhiều nước quá, không tốt tí nào."
Thế là đã có phần mở đầu của một câu mẫu: nếu bạn muốn phí hoài cuộc sống bằng cách không nghe thấy những gì người khác nói với mình, hãy chăm sóc cây xanh. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây. Khi mẹ tôi phun nước lên lá cây, tôi nhận thấy rõ niềm hy vọng đang thúc đẩy mẹ. Mẹ tôi nghĩ rằng đó là một dạng thuốc phiện sẽ ngấm vào cây và cung cấp thứ mà nó cần để phát triển tốt. Với phân bón cũng tương tự như vậy, mẹ tôi vùi những thanh phân bón nhỏ vào trong đất (thực ra là hỗn hợp đất-mùn-cát-bùn mà mẹ tôi đặt hàng riêng cho mỗi cây ở vườn cảnh ở cửa ô Auteuil). Vậy là mẹ tôi nuôi dưỡng cây xanh như đã nuôi dưỡng con cái của mình: nước và phân bón cho cây cọ, quả đậu và vitamin C cho chúng tôi. Đây chính là tâm điểm của câu mẫu: hãy tập trung vào sự vật, hãy cung cấp cho chúng các chất dinh dưỡng ngấm từ ngoài vào trong, và trong khi ngấm vào bên trong, chúng làm cho cây lớn lên và tốt hơn. Một nhát xịt lên lá, thế là cây đã được trang bị để đối mặt với sự tồn tại. Người ta nhìn nó với niềm lo lắng pha lẫn hy vọng, người ta ý thức được về sự mong manh của cuộc sống, lo lắng về các tai nạn có thể xảy ra, nhưng đồng thời cũng thoả mãn vì đã làm được cái cần phải làm, đã hoàn thành vai trò người nuôi dưỡng của mình: người ta cảm thấy yên tâm, được yên tâm, được an toàn trong một thời gian. Theo cách đó, mẹ tôi thấy cuộc sống là một chuỗi các hành động xua đuổi tà ma, cũng vô tác dụng như một nhát xịt, chỉ đem lại ảo tưởng ngắn ngủi về sự bình an.
Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ tình trạng mất an toàn, nếu chúng ta cùng đi vào bên trong chính bản thân mình, để tự nói với mình rằng quả đậu và vitamin C, mặc dù nuôi được loài vật, nhưng không thể cứu vãn được cuộc sống và không nuôi dưỡng được tâm hồn.
Chú thích
1.Trong tiếng Pháp, tên của Lev Tolstoi được viết thành Léon Tolstoĩ, còn tiểu thuyết "Anna Katerina" được viết thành Anna Karénine
2.Barbara Cartland (1901 - 2000): nữ nhà văn người Anh nổi tiếng với các tác tiểu thuyết tình cảm
3.Micheal Connelly và Henning Mankell: hai tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng. Harry Bosch là nhân vật chính trong loạt truyện của Micheal Connelly
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch