C
hiến công của anh lính Pôt-ni-côp ngấm ngầm lan truyền ra khắp mọi khu vực Kinh thành, khi đó báo chí chưa phát triển, đã tạo thành cả một bầu không khí đặc sệt đủ loại tin đồn, tin bầy đặt và các kiểu bình phẩm. Tên tuổi người anh hùng đích thực, anh lính Pôt-ni-côp được truyền từ miệng người này qua miệng người khác. Bản anh hùng ca càng lan rộng càng nhuốm mầu sắc lãng mạn.
Người ta kháo nhau, có một kẻ bí mật bơi từ phía pháo đài Pi-ốt và Pa-ven về hướng Cung điện Mùa Đông. Nhìn thấy hắn, một người lính canh đã bắn và làm kẻ bí mật kia bị thương. Một sĩ quan đại đội Phế binh đi ngang qua đó đã nhậy xuống nước cứu hắn. Kết quả là viên sĩ quan được thưởng xứng đáng và tên bơi bí mật kia bị xử tội. Lời đồn đại quái gở kia lan đến tận ngôi nhà trong tu viện, đến tai một vị chức sắc trong Giáo hội, vốn có tính đa nghi và tò mò ham nghe những chuyện lạ ngoài đời. Vị chức sắc này vốn rất mến gia đình mộ đạo Xvi-nin cư trú ở Mát-xcơ-va.
Vị chức sắc kia thấy câu chuyện về phát súng chưa rõ ràng, cái kẻ bí mật bơi ban đêm kia là loại nào? Nếu là một tù nhân bị giam trong pháo đài vượt ngục thì tại sao lại trừng phạt người lính canh? Bởi vì anh ta làm thế là đúng: bắn vào kẻ kia lúc hắn tìm cách vượt qua sông Nê-va. Nếu kẻ ấy không phải tù nhân mà chỉ là một kẻ bí mật cần được cứu khỏi chết đuối thì làm sao người lính canh kia lại biết được? Cả hai trường hợp lời đồn đại đều có chỗ vô lý. Trong xã hội nhiều khi người ta dễ tin những điều vô lý và thích "bàn tán". Nhưng những người đã vào sống trong tu viện thì nhìn mọi việc nghiêm túc hơn và biết cách chọn thái độ đúng đắn với những việc ngoài đời.