Chương 14
hững cô gái của Lunel, như người ta thường gọi các cô người mẫu của hãng Lunel, thật tuyệt diệu. Duyên dáng như những con bướm, không màu mè giả tạo như những địch thủ của họ ở hãng Powers là hãng chuyên tuyển loại "thân dài nuôi bằng ngũ cốc".
Những cô gái của Lunel đã qua những năm 30 mà tưởng như không có cuộc khủng hoảng. Khi người ta trông thấy các cô đi vào Câu lạc bộ Sfork hay El Morocco, mỗi bên cánh tay có hai người đàn ông bám, một bông hoa lan đính ở ngực áo dài không có giây đeo, người ta lập tức quên thực tế đáng buồn hàng ngày. Các cô được coi như sự thoát ra để tìm thú tiêu khiển của hàng triệu người Mỹ đến chật các rạp chiếu bóng để xem những bộ phim trong đó tất cả các nhân vật đều giàu có và các máy điện thoại đều trắng. Tờ báo Vogue mới đây đã viết một bài nghiêm chỉnh: Sao có thể quan tâm đến thị giá chứng khoán hay sự nổi tiếng của Hitler được, khi mà người ta nhìn thấy những chiếc mũ nhỏ rất vui mắt ở ngoài phố? Mọi người thấy cần được giải trí, cho dẫu chỉ là ủy quyền. Tờ Tin tức hàng ngày ở New York đã mở cuộc điều tra, hỏi phụ nữ xem họ thích là diễn viên điện ảnh, người mới bước vào cuộc đời hoa lệ hay cô người mẫu của hãng Lunel. Bốn mươi hai phần trăm đã muốn làm việc cho Maggy.
Trong khi Maggy làm ăn phát đạt ở New York thì Julien Mercuès làm việc hăng say ở Felice. Ông không còn vẽ như hồi còn trẻ, đã vẽ những cảnh sinh hoạt hay những đồ vật khác nhau. Bây giờ, ông chuyên về một đề tài liền trong hai hay ba năm. Từ hàng nghìn hình nghiên cứu ông đã hình thành một số bộ tác phẩm: không bao giờ dưới một tá nhưng cũng không vượt quá ba mươi.
Mercuès vào xưởng vẽ của ông sau bữa điểm tâm và chỉ ra khỏi đó vào giờ ăn tối. Vào khoảng một giờ, người ta mang đến cho ông thịt nguội, bánh mỳ và một chai vang. Đứng trước bức tranh, ông ăn ngốn ngấu, chẳng kể gì đến ngon hay không. Ngoài vẽ, ông bỏ mặc hết thảy. Kate thừa cơ, thảo thuận về các hợp đồng với Avigdor, quan hệ thường xuyên với các phòng tranh ở nước ngoài và quyết định mọi thứ trong trang trại.
Mỗi năm một lần, vào mùa nho chín, ông rời xưởng vẽ đi làm việc với những người hái nho. Những thì giờ khác, ông sống trong một thế giới riêng biệt. Ông không có thì giờ để đọc báo. Ông chẳng hề quan tâm đến những sự kiện chính trị ở Châu Âu, cũng như mốt cắm lông gà trên áo dài dự dạ hội của những phụ nữ Paris. Những cuộc thi ném còn hấp dẫn ông hơn là đám cháy nhà quốc hội Đức.
Kate, trái lại, tiếp tục tham gia đời sống ở ngoài Felice. Cô ta đi Paris nhiều lần mỗi năm để giữ quan hệ với giới nghệ thuật và để đặt may quần áo. Mặc dầu sống ở nông thôn, cô vẫn giữ nếp ăn mặc lịch sự, tuy có giản dị hơn. Cùng Avigdor cô tổ chức mọi cuộc triển lãm tranh của Mercuès và vì ông từ chối không dự các cuộc khai mạc nên Kate luôn luôn đại diện ông trong các dịp ấy. Đôi khi Kate đi vắng hẳn một tháng để về thăm gia đình ở New York. Ông hầu như không để ý đến sự vắng mặt của vợ.
Cuộc khủng hoảng đã chạm vào gia tài của Kate khá nghiêm trọng. Kate không giàu nữa. Cũng may là cô đã đầu tư một phần vốn liếng vào việc mua trại La Tourrello. Mặc dầu đã thực hiện lời hứa với Mercuès và coi căn trại là của hồi môn của mình, nhưng dù sao đấy cũng là một việc đầu tư tốt. Mercuès chỉ biết lơ mơ về sự phát đạt tài chính của họ. Nhiều hécta đất tốt quanh trại trĩu trịt các loại rau, quả để bán. Họ cũng nuôi lợn, gà, vịt và mấy con ngựa. Họ có những trang thiết bị hiện đại nhất và đã thuê mướn một số người thạo việc để nuôi trồng. Mỗi khi có một khu đất mới nào rao bán, Kate lại vội vàng tìm mua. Nếu chỉ có căn trại không thôi, họ sống cũng đã rất khá rồi, Kate hài lòng nghĩ và đếm đi đếm lại những món tiền quan trọng thu được do việc bán tranh, mà Kate gửi tại ngân hàng ở Avignon.
Sự quan tâm của Kate đặt vào mặt thương mại của nghề nghiệp của chồng đã bù lại sự thiếu hòa hợp giữa hai người mà Kate chỉ ý thức được phần nào. Ông ít khi nói về công việc của mình với vợ và không bao giờ yêu cầu vợ làm mẫu vì theo ông nói da Kate mờ, không bắt ánh sáng. Ông cũng không bao giờ mời vợ vào thăm xưởng vẽ của mình. Kate bây giờ đã nổi tiếng là một bà chủ hiếu khách. Khu trại có những phòng ở rất tiện nghi và tất cả những người mà vợ chồng Mercuès quen ở Paris đều đã được mời đến chơi.
Mercuès cũng hay đến chơi ném còn ở sau quán cà phê và chỉ về nhà vào giờ ăn tối, khi ván chơi cuối cùng chấm dứt. Mùa đông, khi trời quá lạnh, không chơi ném còn được thì ông làm việc suốt ngày và ngủ sớm chẳng khác gì một người chủ trại mệt đừ. Nhưng cơ thể ông, cái cơ thể rất hay chiếm lấy cơ thể Kate, mà Kate không bao giờ thấy đủ ấy, là của Kate. Chỉ cần ông thì thầm: "Nào! Kate" và mơn trớn nàng là Kate lập tức cuống lên.
Julien Mercuès như là một thứ ma túy đối với Kate. Cô không thể từ bỏ được, Kate nghĩ khi ngồi một mình ở trước lò sưởi lớn trong phòng khách. Kate không tiếc cuộc sống giao du trong giới thượng lưu trước kia khi chưa gặp ông. Tất cả những gì trong cuộc sống của Julien mà không thuộc về nghề nghiệp của ông đều là của Kate, cô biết chắc như vậy.
Ngày 29 tháng Chín năm 1938, hiệp định Munich được ký kết và hàng triệu người Anh, người Pháp và người Đức thở phào, nhẹ nhõm. Có lẽ sẽ không có chiến tranh.
Mùa hè năm 1939, Kate đi New York vì đã hai năm qua chưa gặp lại gia đình. Thành phố quê hương của Kate đặc biệt tấp nập vì cuộc triển lãm thế giới mà chủ đề là: Thế giới ngày mai.
Hitler đã chiếm Tiệp Khắc hai tháng trước đây, nhưng mỗi ngày, hai mươi tám nghìn người, mà sự kiện đó chẳng có ý nghĩa đặc biệt gì, đã nối đuôi nhau vào xem gian "Futurana", nơi hãng General Motor's hiến cho họ một hình ảnh tình tứ của những năm 60. Người ta sẽ xây dựng những chiếc xe ô tô khí động lực học trị giá hai trăm đô la và những con đường cao tốc rất bảo đảm. Người ta sẽ chữa được bệnh ung thư. Những đạo luật Liên bang sẽ bảo vệ các rừng, hồ và thung lũng. Mỗi người sẽ được nghỉ hai tháng mỗi năm và phụ nữ vẫn giữ được làn da mơn mởn ở tuổi sáu mươi nhăm.
- Kate, nhất định cháu sẽ phải về Mỹ thôi - Maxwell Woodson Browning, ông chú mà nàng ưa thích, nhà ngoại giao đã về hưu, bảo nàng - Ở lại Châu Âu là rất nguy hiểm.
- Chú Max, sao chú bi quan đến thế? Có hiệp ước Munich để làm gì? Hitler đã được cái mà hắn muốn, có họa là điên hắn mới động đến nước Pháp. Pháp có chiến lũy Maginot và ai cũng biết là quân đội Hitler là những con quỷ khốn khổ trang bị chẳng ra gì. Bọn Đức thiếu vũ khí và quân phục của chúng thậm chí rất tồi.
- Tuyên truyền láo toét! Đừng có tin một tí gì về những cái ấy.
- Thật phi lý! Tại sao chú lại bảo các báo chí và đài Pháp làm việc tuyên truyền? Họ hoàn toàn tự do để nói sự thật.
- Kate, tình hình đã gấp lắm rồi. Chú có quan hệ với những người, như chú, tin rằng Hitler chẳng mấy nữa sẽ chiếm phần còn lại của Châu Âu. Cháu có nguy cơ bị kẹt lại bên đó vì chiến tranh.
- Nhưng, thưa chú Max, không ai muốn có chiến tranh. Đúng là chú đã nhìn sự vật bằng con mắt bi quan của chú.
- Cháu có ngu ngốc không đấy, Kate?
Những từ ấy, thốt ra với một giọng ráo hoảnh bởi một người mà Kate ngưỡng mộ và tôn kính ngay từ hồi còn nhỏ, đã lay chuyển cô. Vào cuối buổi tối, chịu là ông chú nói đúng, Kate vội viết ngay thư cho Julien giục ông sang Mỹ.
Khi Mercuès nhận được bức thư đó, ông đọc lướt qua rồi vứt nó vào sọt giấy. Một sự lệch lạc như thế không cả đáng giá bằng chiếc tem dán phong bì. Ông đang đi sâu thể hiện vườn cây ô liu. Không cái gì có thể làm ngừng sự thai nghén ấy. Cuối cùng, nhận được lá thư thứ ba, ông đã trả lời ngắn ngủi, bảo đảm với vợ là không ai trong làng nghĩ là sẽ có chiến tranh.
Kate thu xếp mọi việc, cô đi tìm ở phía bắc Panbury một trang trại hợp với Mercuès. Tình hình ngày càng đe dọa, Kate tin chắc là sẽ làm được cho ông hiểu. Biết tính Julien, cô thấy rằng thúc giục ông cũng vô ích nếu chưa tìm được một xưởng vẽ tiện nghi. Lúc bấy giờ ông sẽ sang với Kate. Hoặc Kate sẽ về tìm ông.
Ngày 1 tháng Chín năm 1939, Đức xâm chiếm Ba Lan. Hai ngày sau, vì đã ký kết với Ba Lan, Anh và Pháp tuyên bố chiến tranh với Đức.
Hồi ấy, nếu muốn, Mercuès vẫn có thể rời Pháp, nhưng ông đã bắt đầu vẽ loạt tranh Những cây ô liu. Những cây nho cháy sém, bao một vầng sáng dịu. Mùa hè đi qua, Mercuès, như một người đàn bà sắp đẻ, không thể rời trang trại.
Ở Felice, mọi người đều bình tĩnh. Ai cũng nghĩ rằng chắc sẽ phải có một phương sách ngoại giao để ra khỏi cuộc chiến tranh kỳ quặc, cuộc "chiến tranh chớp nhoáng" như người Đức gọi. Nhưng, trong khi Mercuès vẫn nghĩ đến những cây ô liu của mình thì bọn Đức xâm chiếm nước Pháp. Ngày 17 tháng Sáu năm 1940, Petain đề nghị đình chiến, thực ra là đầu hàng. Cái bẫy đã sập.
Tại sao lại lúc này? Mercuès cáu kỉnh, nguyền rủa cái không may của mình. Tại sao lúc này, trong khi mình có bao nhiêu việc phải làm, mình vẽ như chưa bao giờ mình đã vẽ trong đời? Mình sẽ ra thế nào khi không còn mua được các vật dụng từ Paris về nữa? chẳng có một cửa hàng nào ra hồn ở Avignon. Và làm thế nào để có vải vẻ?
Ông đi vòng quanh xưởng vẽ như một con gấu trong lồng. Ông đếm số ít khung vải chưa vẽ còn lại, và xếp chồng chúng vào một góc. Từ nhiều tháng nay ông không nhận được gì từ Paris. Như mọi họa sĩ, ông cũng có một kho tuýp màu dự trữ, ông lo lắng cho trang trại. Từ ngày Kate đi vắng, công việc không chạy mấy nữa.
Jeah Brunel, người chủ trại trẻ tuổi mà Kate đã thuê trước khi họ lấy nhau, vẫn mướn thêm người trong những thời kỳ nhiều việc về mùa xuân và mùa thu. Nhưng từ mùa xuân vừa qua, không còn người để mướn. Nếu họ không bị Đức bắt làm tù binh thì họ lại trở nên cần thiết trong chính những trang trại của họ, để làm thay cho những người phải đi chiến đấu. Bằng những thiết bị hết sức tốt Kate đã mua sắm cho, mà tất cả những người chủ trại trong vùng đều thèm muốn, Brunel đã cố hết sức mình. Sáng hôm sau anh đã đến gặp Mercuès, đã quấy rầy trong công việc của ông, để nói rằng anh sợ sẽ thiếu xăng cho những chiếc máy cày đẩy tay. Chính phủ mới của Vichy đã bắt đầu áp dụng chế độ phân phối hạn định.
- Cứt, Brunel! - Mercuès nổi cơn thịnh nộ - Anh bảo tôi phải làm gì?
- Tôi rất tiếc, thưa ông Mercuès nhưng vì bà không có ở đây nên tôi nghĩ là phải báo với ông.
- Brunel, hãy cố sức làm cho tốt nhất nhưng đừng làm phiền tôi vì những chuyện ấy. Tôi không muốn ai quấy rầy trong lúc tôi làm việc.
Năm ngày sau khi ngừng bắn, ngày 22 tháng Sáu, Marther Brunel e dè gõ cửa xưởng vẽ vào cuối buổi chiều. Thường kệ chị không bao giờ vào ngôi đền của sự sáng tạo ấy, chỉ đặt một cái khay ở trước cửa vào giờ ăn trưa. Rất sợ Mercuès nhưng hôm nay chị vẫn phải đánh liều.
- Gì thế này? - Ông hỏi, giọng sốt ruột.
- Thưa ông Mercuès, tôi cần được nói với ông.
- Vậy thì vào đi. Trời! Có việc gì?
- Thưa ông Mercuès, nhiều người đến trong một cái xe đầy hành lý. Họ hỏi họ có thể ở đây qua đêm không. Đó là ông, bà Berhman và ba đứa con. Tôi đã bảo họ đợi ở ngoài để đi hỏi ông. Họ định sang Tây Ban Nha. Họ chi là những người Do Thái không còn được yên ổn ở Pháp.
Mercuès đấm mạnh nắm tay vào lòng bàn tay kia. Charles Behrman và vợ là Toupette là những bạn cũ. Ông đã quen Behrman, một nhà điêu khắc, nhiều năm trước đây ở Montparnasse. Ông ta đã thuê xưởng vẽ ở cạnh xưởng vẽ của Mercuès, phố Arago và thường đã nuôi ông khi ông cháy túi. Nhưng bây giờ, họ có ba đứa con, những đứa nghịch như quỷ sứ. Họ đã đến đây một dịp cuối tuần, cách đây không lâu và Mercuès tưởng đã phát điên. Behrman có quyền gì mà đâm đổ về đây với lũ nhóc đáng ghét của ông ta? Thật không thể tha thứ được. Và ai biết được là họ sẽ ở bao lâu, một khi được ở thuận tiện? Nếu ông ta định đi Tây Ban Nha với lý do là người Do Thái, thì đấy là việc của ông ta. Dù sao, chiến tranh cũng đã hết rồi, ngừng bắn đã được tuyên bố.
- Chị đã nói với ông ấy là tôi ở đây à? - Ông hỏi Marthe Brunel.
- Không hẳn thế, tôi chỉ nói là phải đi tìm ông để xin phép cho họ vào.
- Báo với ông ta là không tìm thấy tôi, rằng tôi đã đi đâu đó và chị không biết chính xác giờ nào tôi về. Bảo họ là chị không thể để họ ngủ ở đây mà không có phép của tôi. Tống khứ họ đi bằng cách này hay cách khác. Chị không mở cổng cho họ đấy chứ?
- Không, không, thưa ông.
- Được. Phải bảo đảm là họ đi hẳn. Nhìn theo cho tới tận dãy cây sồi bần ấy.
- Vâng, thưa ông Mercuès.
Hôm sau, Mercuès đi Felice khao các bạn ông một chầu rượu hồi. Ông nghe những lời bàn tán của họ, chú ý hơn mọi ngày. Những người đàn ông ấy bản tính vui vẻ và thường đàm luận về chính trị mà không hề giận dữ nhau thì hôm nay đã chia rẽ nhau sâu sắc. Một số cho là Petain đã cứu nước Pháp, số khác coi ông ta là phản bội.
Tuy nhiên, họ đồng loạt không hài lòng về những người ở phía bắc vượt con đường giới tuyến để tị nạn ở miền Nam. Những người ấy ở khắp nơi, xơ xác, điên cuồng, đi đâu cũng hỏi thức ăn và ét xăng. Họ quấy rầy nhà chức trách địa phương, là một tai nạn thực sự cho các trang trại và làng mạc.
Mercuès trở về nhà, suy nghĩ. Ông quen biết quá nhiều người ở Paris và nhất là quá nhiều người Do Thái. Chỉ vì Kate và tính hiếu khách quá đáng của cô ta, tất cả những bạn bè của họ đều biết đường đến La Tourrello. Họ biết trại có bao nhiêu buồng dành cho bạn bè, và đất đai màu mỡ đến mức hầu như có thể tự cấp tự túc. Ông sẽ có cơ nguy là nhiều bạn bè, chẳng hạn, như gia đình Behrman, sẽ tìm đến.
Ông triệu tập hai vợ chồng Marthe và Jean Brunel vào bếp.
- Brunel - ông bảo người chồng - anh sẽ dựng cho tôi một hàng rào ở chỗ con đường rẽ vào trại. Vùng này bây giờ đầy những người tìm chỗ lánh nạn. Và tôi không muốn họ đến quấy rầy, không cho tôi làm việc.
- Được ạ, thưa ông.
- Còn chị, tôi tin ở chị đã không cho ai xông vào xưởng vẽ của tôi. Nếu ai đến bằng lối rừng thì đừng tìm tôi để hỏi. Cứ bảo họ là tôi đi vắng và chị không thể tiếp ai. Đừng mở cửa, chỉ hé lỗ cửa thôi. Nghe không?
- Vâng, thưa ông.
Trong hai năm tiếp theo, một số những người bạn cũ và người quen của Mercuès đã tìm đến trại La Tourrello. Phần lớn chỉ là để ngủ qua đêm, nhưng cái cổng gỗ của trại luôn luôn đóng.
Những người khách điên cuồng ấy hầu hết là người Do Thái. Ít người trong số họ đã sống sót khi chiến tranh kết thúc.
Tháng Sáu năm 1942, trong khi chôn mẹ, Adrien chợt nghĩ là đã đến lúc phải rời Paris và từ nay ông được tự do làm việc này. Ông kiểm lại xem ngôi sao vàng với chữ Do Thái viết bằng chữ hoa có rõ trên áo vét của ông không. Ở Paris, người ta đã bắt những người đàn bà Do Thái với cái cớ là họ che hình những ngôi sao vàng bằng túi xách của họ. Mới vừa hôm qua, một người đàn ông đã bị bắt vì ngôi sao của ông ta tuột chỉ. Tuần lễ trước, một bà già ở gần nhà ông đã bị dẫn đi trong một cuộc vây ráp, khi bà ta ra cổng để mở hòm thư. Bà đã quên không khâu một ngôi sao vàng lên áo dài mặc trong nhà.
Avigdor đã không ngờ tới điều ấy - không ai ngờ tới điều ấy - khi ông quyết định ở lại Paris. Mẹ ông, hầu như tàn tật do bệnh viêm khớp, không thể đi đâu, và cả hai người, trong những tuần lễ nóng bức tháng Sáu ấy, hai năm trước đây, đã theo dõi cuộc tản cư sau những cánh cửa mở hé của căn hộ ở phố Saint Germain.
Hàng giờ liền họ nhìn đoàn người câm lặng và hoảng sợ tìm cách đi về phương Nam. Một phần lớn thành phố Paris, toàn bộ nhiều làng và hàng trăm cây số vuông ở nông thôn bị bỏ lại cho quân địch đang tiến đến. Những người chạy trốn trên đường, trong những chiếc xe, chẳng bao lâu cũng bị bỏ lại vì hết xăng. Họ tiếp tục đi bộ, bồng bế những đứa trẻ con tay cầm ô và đội những chiếc mũ ngày chủ nhật, đẩy trước họ những chiếc xe trẻ con có mui chất đầy những của cải, rất linh tinh. Những người chủ trại khệ nệ bê theo những chiếc chuồng gà và kéo họ những con bò cái rạc đi vì khát.
- Đi đi, Adrien, mẹ van con đấy, đi đi - bà cụ Avigdor nài nỉ ông - Mẹ đã già rồi. Con không nên ở lại với mẹ. Bà Blanchet bên hàng xóm đã hứa sẽ mua các thứ giúp mẹ. Đi bây giờ đi, Adrien. Khi còn chưa muộn!
- Mẹ đừng nói vô lý thế. Con bỏ sao được các họa sĩ và phòng tranh của con.
Ông không nói thêm là ông chẳng tin gì vào lời hứa của những người hàng xóm và ông không thể để mẹ ông một mình đương đầu với quân Đức khi chúng kéo đến. Ngoài ra, ông chịu trách nhiệm về mấy trăm bức tranh mà những người trốn khỏi Paris gửi lại. Thường lại là những bức đẹp nhất cả các họa sĩ. Ai biết bọn Đức sẽ làm gì khi chúng vào thành phố. Hitler rất ghét nghệ thuật hiện đại. Ngay cả ông già khổng lồ Picasso cũng là một người thoái hóa trước con mắt bọn chúng. Rõ ràng là phải có một người nào đó ở lại.
Bây giờ, hai năm sau, ông không thể không mỉm một nụ cười buồn khi nhớ lại cái quyết định đó. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn làm như thế, hôm nay. Nhờ có ông, những năm cuối cùng của mẹ ông tạm gọi là chịu đựng được. May thay cụ đã mất trước khi việc đeo ngôi sao của David là bắt buộc đối với những trẻ em từ sáu tuổi trở lên.
Cụ đã sống khá lâu rồi, song vẫn phải đến sở cảnh sát quận để đăng ký là người Do Thái. Ông đã phải dìu cụ vì đôi chân không còn mang nổi cụ nữa. Cụ đã sống khá lâu rồi mà vẫn phải mang chữ "Do Thái" viết hoa trên giấy căn cước. Cụ biết tất cả những người Do Thái nước ngoài đều đã bị đưa đi trại tập trung. Nhưng cụ không hề biết là những người Do Thái Pháp, ngay cả những người đã sống ở đây hàng nhiều thế kỷ, từ nay cũng không có quyền được làm việc, được có dây nói, được mua tem, được đi hiệu ăn, tiệm uống, được vào các hiệu sách hay đi xem chiếu bóng. Cả đến quyền ngồi trong một công viên. Tuy vậy chúng đã để cho bọn mình một giờ mỗi ngày để đi mua sắm, Avigdor nghĩ tới một thoáng châm biếm buồn rầu, khi tất cả hay hầu hết các cửa hiệu đều đã đóng cửa.
Xe lửa vẫn tiếp tục chạy, mặc dầu là không đều đặn và mọi người vẫn có thể đi chơi, ít nhất là những người có một cái Ausweis. Avigdor suy nghĩ về những khả năng trước mắt.
Soutine, ông biết thế, đã lánh về Touraine, Max Jacob về Saint Beuvit trên sông Loire, Braque về Isle trên sông Sorgue và bạn ông, nhà buôn tranh lớn Kabinweiler thì sống ở vùng Limousin với cái tên là Kersaint. Picasso vẫn làm việc ở Paris, cũng như Vlaminxk và Cocteit.
Phòng tranh của Avigdor đã bị tịch thu, chuyển cho một người bán tranh Aryen làm ăn phát đạt với quân chiếm đóng bằng việc bán những tranh hạng bét. Mấy tháng trước, Avigdor đã hỏi Paula Deslandes về những tuy-ô để rời khỏi Paris nhưng sau đó ít ngày Paula đã chết vì một cơn đau tim và tiệm Quả Táo Vàng từ bấy đóng cửa.
Từ khi cuộc kháng chiến được tổ chức ở Pháp, Paula đã không ngừng giúp đỡ những người nguy khốn. "Tôi đã được đào luyện trong việc ấy suốt đời tôi - ả vui vẻ nói với Avigdor - tôi đã có không biết bao nhiêu lý do để ở lại Paris nhưng nay thì tôi có một lý do tuyệt vời: tôi ở lại để giúp cho những người khác ra đi".
Những ngày đầu hoảng loạn đã qua, những người Paris lại trở về thành phố của họ. Những phụ nữ xinh đẹp lại đội những kiểu mũ mới và những người có tiền vẫn có thể đường hoàng vào ăn ở các cửa hiệu tự chạy lấy được các vật phẩm bằng giá chợ đen, mà không thấy là mình có tội vì mười phần trăm tiền họ trả sẽ được góp cho các việc từ thiện. Những người trí thức lại bàn cãi trong các tiệm cà phê. Mọi người lại yêu nhau và đi nhà thờ. Và những người đàn bà lại đẻ con. Tuy nhiên, trong đời mỗi người đều có những thay đổi sâu sắc.
Mọi người Pháp đều không phản ứng như nhau trước sự có mặt của người Đức. Avigdor biết tìm người nhờ cậy mà không gặp nguy hiểm, để có những giấy tờ giả hay một Auswis. Người ta có thể có mọi cái, từ chiếc căn cước giả bằng những giấy tờ "thật" lấy ở cơ quan quận, cho đến những giấy tờ giả mạo tồi tệ khác.
Ông có những nguồn riêng của ông, những người bạn có thể tin cậy và may thay, cả tiền, để rời khỏi Paris.
Hai tuần lễ sau, mang theo một giấy căn cước không ghi chữ Do Thái, những phiếu thực phẩm cần thiết và một Auswis, và mặc một chiếc quần yếm xanh, Adrien Avigdor lên xe lửa đi xuống phía Nam cùng với chiếc xe đạp quý báu của mình. Ông đi hết ngày này sang ngày khác, đôi khi đợi một chuyến xe lửa hàng nhiều giờ trong những nhà ga bẩn thỉu và đầy người. Chung quanh ông, nhiều người mệt mỏi ngồi trên va li của mình và đợi suốt đêm. Ngay từ chín giờ, lệnh giới nghiêm nhốt họ ở trong ga cho tới sáng hôm sau.
Nhiều lần, trên xe lửa, bọn Đức đã kiểm tra những giấy tờ của ông, so sáng mặt ông với ảnh. Nhưng khuôn mặt dễ mến và thực thà, khuôn mặt nông dân chất phác của ông đã làm thất bại mọi nghi ngờ và tấm các mới, được làm cũ đi một cách khéo léo mà ông phải trả bằng giá gần như một cơ nghiệp ở nông thôn, thì không gì sai sót. Avigdor đã quyết định bắt liên lạc với một cơ sở kháng chiến ẩn ở trong núi gần Aix-en-provence nhưng đầu tiên là ông muốn ghé thăm Mercuès xem sức khỏe ra sao.
Đoạn đường từ Avignon về đến Felice đối với ông thật vất vả nhưng Adrien Avigdor sung sướng. Được trở lại vùng nông thôn tuyệt diệu này sau bao năm đen tối, trong một Paris đầy chật người Đức, đối với ông thật là tuyệt diệu. Ông biết là phải đạp dấn để có thể đến La Tourrello trước giờ giới nghiêm.
Thở dốc, ông xuống xe và đẩy xe ngược dốc, qua khu rừng sồi bần. Năm phút sau, ông gõ vào chiếc cổng lớn quen thuộc. Sau một lúc lâu chị Brunel mở lỗ cổng và nhìn ra, ngờ vực.
Avigdor mỉm cười khi nhìn thấy gương mặt quen thuộc ấy.
- Không, không phải một bóng ma đâu, chị Brunel ạ. Tôi đây mà, tôi rất vui được gặp lại chị, chị Brunel, rất vui. Tôi hy vọng là chị còn dành một chai rượu ngon cho tôi? Nào, chị mở cổng cho. Ông Mercuès có nhà đấy chứ?
- Ông không vào được đâu, ông Avigdor ạ - người đàn bà nói.
- Có việc gì xảy ra vậy? - Ông hỏi, lo âu.
- Không ai vào được, ông ạ.
- Nhưng... Chuyện gì thế này? Tôi từ Avignon đi xe đạp đến. Chị có làm sao không, chị Brunel?
- Không, thưa ông. Nhưng tôi đã nhận được lệnh. Chúng tôi không thể tiếp ai cả.
- Nhưng tôi cần gặp ông Mercuès.
- Ông ấy đi vắng.
- Nhưng, cuối cùng, chị Brunel ạ, chị biết tôi cơ mà! Bao nhiêu lần tôi đến đây rồi? Tôi là một người bạn, một người bạn thân. Nào, mở cho tôi vào.
- Đấy là trước kia. Ông Mercuès không có nhà và tôi không thể để ông vào.
- Ông ấy đâu? Bà ấy đâu?
- Tôi đã nói rồi: ông lúc này không có ở nhà, bà thì về nước của bà ấy rồi. Chào tạm biệt ông Avigdor - Người giữ cổng đóng sập lỗ cửa lại.
Avigdor đứng thần ra một lúc, không thể hiểu. Căn trại cũng đóng kín như một ngôi làng được vẽ trong thời Trung cổ? Ông nhìn trời. Hãy còn sáng nhưng ông chỉ còn vừa đủ thì giờ trở lại Beaumettes với quán trọ duy nhất của nó trước giờ giới nghiêm.
Cáu giận, chửi thầm trong bụng, ông nhấc xe đạp và xuống dốc đồi. Trước khi đi vào khu rừng, ông dừng lại và nhìn lại một lần nữa căn trại.
Kìa, ở đằng sau cái cửa sổ chuồng cu, ông thấy một cái đầu to lớn rất dễ nhận ra, Julien Mercuès nhìn ông rời đi. Avigdor tưởng như nhìn thấy mắt họa sĩ chăm chăm nhìn mình. Mercuès rời khỏi cửa sổ. Hồi hộp, Avigdor vội trở lại, tin rằng đích thân Mercuès sẽ ra mở cổng. Tất cả lỗi là ở chị giữ cổng ngu ngốc kia. Chị ta đã hành động mà không hỏi ý kiến Mercuès.
Nhiều phút dài trôi qua, trong yên lặng hoàn toàn. Adrien hiểu và lại trèo lên xe đạp. Ông chưa từng khóc khi quân Đức đi ngược lên Champs - Elysees và khi mẹ ông chết, thì nay nước mắt ông nhỏ ròng ròng.
Năm tháng sau khi Avigdor gia nhập du kích, quân đồng minh đổ bộ ở Bắc Phi và quân Đức chiếm đóng miền Nam. Một trại lính Đức quan trọng và cơ quan Gestapo không thể tránh khỏi đóng ở Avignon và một toán quân đóng cách Felice năm cây số, ở Notre - Dame des Lumie res.
Trong gần hai năm, để khỏi bị cơ quan Lao Động bắt buộc trưng tập, Julien Mercuès đã làm các việc đồng áng. Dẫu sao cũng phải làm thế nào muốn có cái ăn. Người ta hầu như không còn thấy các cửa hiệu ở Felice bán gì.
Nhưng, đêm đến, ông khép kín các cửa để che luồng ánh sáng dịu ông tạo ra được bằng những cây nến của Kate đã dự trữ từ trước chiến tranh, và vẽ. Vì không còn vải vẽ nên ông lấy những mảnh vải trải giường còn xếp rất nhiều trong kho và hồ bằng thứ keo nấu từ xương thỏ. Số vải ấy là của cải vô cùng quý báu của ông. Ông cay đắng tiếc là đã đốt cháy không biết bao nhiêu bức tranh. Giá còn chúng, chắc chắn ông sẽ dùng lại. Ông thất vọng thấy thuốc vẽ ngày càng vơi dần mặc dầu ông đã dùng rất hạn chế. Đôi khi, trong cơn hứng sáng tác, ông đã quên tình trạng khan hiếm và vẫn phóng tay y như trước kia. Thế là, nhìn những tuýp màu với quá nửa, Mercuès cảm thấy xót xa.
Vài tuần lễ sau khi bọn Đức đến Avignon, một chiếc xe Citroen đen đỗ trước trang trại. Một sĩ quan Đức đồng phục màu xanh lục xuống xe, theo sau là hai tên lính mang tiểu liên. Xanh xám, Marthe Brunel vội mở ngay cổng.
- Nhà ông Julien Mercuès đây phải không? - Viên sĩ quan hỏi bằng thứ tiếng Pháp rất sõi.
- Thưa ông, vâng.
- Tìm ông ấy đến đây.
Không một người Pháp nào tuân lệnh một tên Đức mà không có cảm tưởng sợ hãi, ngay cả đến Mercuès tuy ông đã không nghe đài BBC, đã không có một quan hệ nào với kháng chiến và đã tuân thủ mọi luật lệ của chính phủ Vichy.
- Đại úy Schmid - viên sĩ quan nói và giơ tay cho ông. Mercuès bắt tay gã - Tôi ngưỡng mộ những tác phẩm của ông từ lâu. Thật ra, tôi cũng có vẽ trong những giờ nhàn rỗi... Kiểu tài tử, tất nhiên là thế, nhưng tôi rất yêu hội họa.
- Cám ơn - Mercuès trả lời dè dặt.
Viên sĩ quan chắc là cũng ở trong đám những kẻ vẽ nhăng nhít mà ông thường cẩn thận tránh xa. Thêm nữa, bộ quân phục gã bận chẳng đi đôi với những lời lẽ thân mật của gã chút nào.
- Tôi đã ở Paris cho đến mới đây và tôi đã có dịp tới thăm Picasso tại xưởng vẽ của ông ta. Nếu không là quá tò mò, ông có thể cho tôi xem xưởng của ông không? Tôi đã nghe nói nhiều về nó!
- Sẵn sàng thôi - Mercuès trả lời.
Ông đưa gã vào trong xưởng vẽ. Schmid xem rất kỹ tất cả các bức tranh mà Mercuès xếp cạnh tường. Những tiếng kêu vui thích và những lời bình luận của gã chứng tỏ gã thực sự thích hội họa và có một sự hiểu biết sâu sắc về các tác phẩm của họa sĩ.
Viên sĩ quan ra một lệnh gì đó cho hai tên lính. Một tên chạy ra xe mang vào một chai cô-nhắc.
- Tôi đã nghĩ rằng... - viên sĩ quan nói với vẻ hơi chút dè dặt bất thường - tôi đề nghị ông, cho phép tôi... Tôi rất hân hạnh.
Mercuès nhìn con người lễ phép, phấn khởi và có văn hóa đó, người duy nhất đã xem tranh của ông từ hai năm rưỡi nay.
- Mời ông ngồi, để tôi đi tìm cốc.
Sau chuyến thăm đầu tiên ấy, Schmid thường quay lại luôn. Cứ khoảng hai hay ba tuần, gã lại đến thăm Mercuès một lần và mang cho ông những ống tuýp màu.
Sau đó, cũng năm ấy, khi chiến dịch Todt càn quét khắp vùng Luberon để bắt hàng nghìn chủ trại đi xây dựng những sây bay và lô cốt trên bờ biển, Schmid nắm trong tay hồ sơ của Mercuès và thu xếp để ông khỏi phải rơi vào cảnh ngộ ấy.
Tuy những người hàng xóm nhìn tình bạn của Mercuès với một sĩ quan Đức bằng con mắt không thiện cảm, ông cũng không biết, vì đã lâu không còn đặt chân đến quán cà phê ở Felice. Không khí ở đấy căng thẳng, nặng nề và ở đấy không có gì để uống. Còn trò ném còn thì chỉ còn vài đứa trẻ con hay hai, ba ông già chơi thôi.
Một hôm, khi ở ngoài đồng về, Mercuès thấy chị Brunel run lên vì giận dữ.
- Chúng đã đến và đã lấy đi tất cả. Tất cả! Con gà cuối cùng, củ cải, mứt, phiếu thực phẩm... Chúng đã lục soát khắp nhà, chúng đã lục soát cả tôi nữa, cả tôi! Ôi, ông Mercuès nếu lúc ấy ông có ở nhà...
- Ai đã đến? - Mercuès quát hỏi.
- Tôi không biết. Tôi chẳng thấy chúng bao giờ, trước kia, chúng không phải người ở đây, những thằng dã man trẻ tuổi, quân cướp, quân giết người... Chúng đã theo đường rừng cuốn xéo về hướng Lacoste cả rồi.
- Chúng có vào xưởng vẽ của tôi không?
- Chúng vào tất cả mọi nơi, chúng mở tất cả các cửa...
Mercuès chạy vội vào xưởng và gần như lập tức chạy ra và kêu lên: "Những tấm vải dra của tôi đâu?"
- Chúng đã lấy tất, cả những tấm ở trong nhà và cả chăn nữa.
- Tất cả các tấm dra?
- Thì tôi biết làm thế nào, thưa ông Mercuès, tôi hỏi ông đấy? - Chị gào lên giận dữ - Tôi đã nói với ông, đấy là bọn kẻ cướp.
Hôm sau, khi viên đại úy trở lại và mang theo như thường lệ những bức tranh của chính gã để hỏi ý kiến Mercuès, gã thấy chủ nhà đang ở trong tình trạng bất ổn định.
- Có chuyện gì đấy? Chuyện gì đã xảy ra cho ông?
- Người ta đã ăn cắp của tôi - Mercuès trả lời, vẻ sầu não.
- Những người Đức à? Nếu là thế thì để tôi đích thân tìm cho, hãy yên tâm.
- Không... tôi không biết là ai. Những tên trẻ tuổi mất dạy, người giữ cổng bảo tôi thế. Một lũ vô lại.
- Du kích à?
- Tôi không biết. Nhưng là những người lạ chưa từng trông thấy trước đây.
- Chúng đã lấy gì của ông? - Schmid hỏi, lo lắng vì vẻ khổ sở của Mercuès.
- Nhiều thứ không quan trọng, nhưng chúng đã lấy đi những tấm dra của tôi. Tôi không còn có thể làm việc được nữa, ông hiểu không? Tôi không còn một mảnh vải nào. Tôi giận đến muốn giết chúng, những tên đểu giả ấy.
- Chúng đã đi về hướng nào?
- Tôi không biết... Về phía Lacoste, theo như bà giữ cổng nói, xuyên rừng, nhưng ông cũng biết rằng bây giờ thì chúng đã đi xa rồi.
- Tôi sẽ xem có thể làm gì để cung cấp vải vẽ cho ông. Thật không dễ, gần như chẳng ở đâu còn nữa, nhưng tôi sẽ cố gắng.
Hai hôm sau, Schimid trở lại với một chiếc xe đầy những tấm dra.
- Tôi không tìm thấy vải vẽ, chỉ có những thứ này đây - gã nói.
- Nhưng bằng cách nào?
- Chúng tôi đã bắt được bọn ăn cắp ở trong rừng, phía Lacoste. Chúng đã thu được cả một chuyến đấy. Bọn du kích.
- Không phải những tên du kích đâu!
- Ồ, Julien, bọn ấy đấy, chắc chắn. Nhưng ông đừng lo, những tên đểu cáng ấy sẽ không làm phiền ông được nữa.
Người Đàn Bà Vùng Gió Người Đàn Bà Vùng Gió - Judith Krantz Người Đàn Bà Vùng Gió