Ngọc Phương Nam epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13 - Hành Trình Xuyên Transvaal
hi đến được Potchefstrom, bốn lữ khách nghe kể về một cậu bé nam Phi đã đi qua thành phố hôm trước - cậu bé có những dấu hiệu nhận dạng giống với Matakit. Đấy là cơ may cho sự thành công của chuyến đi của họ. Thế nhưng, điều làm hành trình dài hơn, hẳn nhiên chính là vì kẻ chạy trốn đã trang bị một cỗ xe đà điểu gọn nhẹ, vì vậy sẽ khó mà đuổi kịp hắn ta.
Thực vậy, không có loài đi bộ nào tốt hơn con vật ấy, cũng không có loài nào dai sức hơn cũng như nhanh nhẹn hơn nó. Phải thêm rằng đà điểu kéo xe rất hiếm, ngay cả ở vùng Griqualand, vì chúng không dễ huấn luyện. Bởi vậy Cyprien, cũng không hơn mấy anh bạn đi cùng chàng, đã không thể trang bị thứ ấy cho mình ở Potchefstrom.
Thế mà, chính trong những điều kiện ấy - điều này có thể nhận thấy được - Matakit vẫn tiếp tục lên đường đi phương Bắc, với một đoàn tùy tùng lẽ ra cần phải có mười con ngựa để thay phiên.
Vậy nên họ chỉ còn biết chuẩn bị để đuổi theo cậu ta càng nhanh càng tốt. Trên thực tế, kẻ chạy trốn, với đoạn đường đi trước khá xa, có lợi thế về tốc độ hơn nhiều so với tốc độ của phương tiện di chuyển mà các đối thủ của cậu ta sử dụng. Nhưng tóm lại, sức lực một chú đà điểu cũng có hạn. Matakit buộc sẽ phải dừng chân, và có thể bị mất thời gian. Giả sử xảy ra tình huống xấu nhất, họ sẽ bắt được hắn vào cuối chuyến đi.
Cyprien nhanh chóng lấy làm sung sướng vì đã đưa Lee và Bardik đi cùng khi thoạt tiên, việc chàng cần làm là trang bị cho chuyến đi. Trong trường hợp như thế này, chọn lựa kỹ những đồ sẽ có thể thực sự hữu dụng không hề là chuyện nhỏ. Không gì thay thế được kinh nghiệm về sa mạc. Cyprien dù có giỏi tính toán vi phân và tích phân đến đâu cũng không biết những điều sơ đẳng về cuộc sống ở Veld, về cuộc sống trên “cỗ xe bò” hay trên “Những vết xe lăn”, như người ta thường nói đến xứ ấy. Thế mà, không những mấy bạn đồng hành có vẻ không sẵn sàng giúp chàng bằng lời khuyên, mà họ có xu hướng lừa phỉnh chàng hơn.
Với xe chở bao phủ bằng bạt không thấm nước, việc mắc cỗ xe vào mấy con bò và chất những đồ dự trữ khác, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Lợi ích chung đòi hỏi phải lựa chọn đúng đắn, và James Hilton hoàn thành tuyệt vời. Nhưng việc của riêng cá nhân mỗi người lại không ổn như thế - chẳng hạn như mua một con ngựa.
Cyprien đã nhìn thấy, ngay ở chợ, một chú ngựa non ba tuổi thật dễ thương, mạnh mẽ, người ta bán lại với giá vừa phải; chàng đã thử leo lên yên và thấy nó đã được luyện rất kỹ, chàng đang chuẩn bị đếm tiền trả theo giá ông bán hàng đã rao thì Bardik kéo chàng ra rồi nói:
“Sao cơ, ông trẻ, ông sẽ mua con ngựa ấy ư?
“Tất nhiên rồi Bardik à! Đó là con đẹp nhất được bán với giá này mà ta từng thấy!
“Không nên mua nó, ngay cả khi người ta biếu không cho ông!” cậu bé nam Phi đáp. “Con ngựa ấy không chịu đựng nổi tám ngày du hành xuyên qua Transvaal đâu ạ!”
“Ý cậu muốn nói gì?” Cyprien đáp. “Cậu muốn chơi trò thầy bói với ta à?
“Không phải, ông trẻ à, nhưng vì Bardik biết vùng sa mạc và báo trước với ông rằng con ngựa ấy chưa ‘nhiễm muối’!”
“Chưa ‘nhiễm muối’ sao? Vậy cậu định khuyên ta mua một con ngựa to như cái thùng sao?”
“Không phải thưa ông trẻ, nhưng điều ấy nghĩa là nó chưa bị nhiễm thứ bệnh của xứ Veld. Rồi nó sẽ sớm mắc phải thôi, và thậm chí, nếu nó không chết vì bệnh ấy, nó sẽ trở nên vô dụng với ông!”
“Ra vậy!” Cyprien thốt lên, rất đỗi kinh ngạc vì lời cảnh báo của cậu bé giúp việc. “Vậy bệnh này là gì nhỉ?”
“Đấy là dạng sốt cao kèm theo ho,” Bardik đáp. “Nhất thiết chỉ nên mua những con ngựa đã từng nhiễm bệnh rồi, vốn rất dễ nhận biết qua dáng vẻ chúng - bởi vì, một khi đã lành khỏi bệnh ấy, hiếm khi chúng nhiễm bệnh lần thứ hai!”
Đứng trước tình huống bất trắc có thể xảy ra như thế, chàng chẳng cần do dự. Cyprien ngưng ngay lập tức thương lượng và đi tìm hiểu thông tin. Mọi người đều khẳng định điều Bardik đã nói. Đó là sự việc hoàn toàn hiển nhiên ở trong vùng, đến mức người ta thậm chí chẳng nhắc đến nó.
Vậy nên đề phòng sự thiếu kinh nghiệm của mình, chàng kỹ sư trẻ đâm ra cẩn trọng hơn và trấn an mình bằng cách nghe theo lời khuyên của một vị bác sĩ thú y ở Potchefstrom.
Nhờ vào sự trợ giúp của vị chuyên gia này, chàng có thể trang bị cho mình, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, con vật cưỡi thích hợp cho loại hành trình này. Đấy là một con ngựa già lông xám, chỉ có da bọc xương và thậm chí không có lấy một mẩu đuôi riêng. Nhưng chỉ cần nhìn nó thì bảo đảm rằng con ấy, ít nhất, đã “Nhiễm muối”, và mặc dù phi nước kiệu hơi cứng, nó đương nhiên khỏe khoắn hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó. Templar - chính là tên nó - thực sự có danh tiếng trong vùng, giống như ngựa lao dịch, và lúc nhìn thấy nó Bardik, vốn cũng được tham khảo ý kiến, tuyên bố hoàn toàn thỏa mãn.
Về phần cậu, cậu được giao đặc trách điều khiển hướng đi của toa xe và cỗ xe bò, và được anh bạn Lee của cậu giúp đỡ thêm.
Vậy là không phải lo lắng chuyện thắng cỗ xe, kể cả thùng xe lẫn xe bò, việc mà Cyprien có lẽ chẳng bao giờ làm được, vì số tiền phải bỏ ra để mua được con ngựa của riêng chàng.
Vấn đề vũ khí cũng không kém khó khăn. Cyprien đã chọn đúng các loại súng của chàng, một khẩu súng trường tuyệt vời thuộc hệ Martini-henry, và một súng cacbin Remington, không nổi bật bởi sự thanh lịch, nhưng đeo vừa vặn và tự nạp đạn nhanh. Thế nhưng điều chàng có lẽ chẳng bao giờ nghĩ đến nếu anh bạn người Hoa không gợi ý cho chàng, chính là dự trữ một số đầu đạn. Chàng cũng tưởng mang theo đạn dược với năm hay sáu trăm lần nạp thuốc súng và đạn chì đã là rất đầy đủ, và chàng rất ngạc nhiên khi biết rằng theo yêu cầu của sự thận trọng bốn nghìn phát đạn mỗi súng là con số tối thiểu ở cái xứ sở nhiều ác thú và dân bản địa không kém phần đáng gờm này.
Cyprien cũng phải trang bị hai súng lục dùng đạn nổ và mua một con dao đi săn tuyệt đẹp vốn đã được trưng bày năm năm nay trong tủ kính hiệu buôn vũ khí ở Potchefstrom mà không ai từng có ý định mua để bổ sung vào bộ vũ trang của chàng.
Lại chính là Lee đã cố nài nỉ để Cyprien mua nó, anh ta dám chắc rằng không gì có ích hơn con dao ấy. Mặt khác, sự chăm chút từ đấy anh ta dành để bảo dưỡng lưỡi dao và độ bóng của lưỡi dao ngắn và rộng bản ấy, khá giống thanh gươm lưỡi lê của bộ binh Pháp, chứng tỏ sự tin tưởng của anh dành cho các loại dao mác, sự tin tưởng mà anh có chung với những người cùng giống nòi anh.
Vả lại, chiếc rương đỏ trứ danh kia vẫn luôn theo anh chàng người Hoa cẩn thận. Trong đó anh ta để, kế bên một dãy hộp và nguyên liệu bí ẩn, sợi dây mềm và mảnh nhưng bện rất chặt dài khoảng sáu mươi mét, mà các lính thủy thường gọi “dây chão”. Và, khi người ta hỏi anh muốn làm gì với cái đó:
“Giữa sa mạc không phải phơi áo quần như ở nơi khác sao?” anh trả lời thoái thác.
Trong vòng mười hai tiếng đồng hồ, mọi sự sắm sửa đều đã xong. Nhiều tấm khăn trải không thấm nước, nhiều chăn len, nhiều đồ gia dụng, vô số thực phẩm đóng hộp, ách xe, dây nhợ, đai thay thế, biến thùng sau xe thành kho hàng của cửa hàng tổng hợp. Phần trước xe, đầy những rơm, dùng làm giường ngủ và chỗ trú cho Cyprien và những bạn đường của chàng.
James Hilton đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình và hình như chọn lựa rất phù hợp những thứ cần thiết cho cả hội. Anh ta khá kiêu ngạo về kinh nghiệm dân di cư của mình. Phải chăng, để chứng tỏ sự vượt trội của anh ta hơn là tinh thần bạn hữu, anh ta sẵn lòng cung cấp cho các bạn đường của mình những thông tin về các phong tục xứ Veld.
Nhưng Annibal Pantalacci không quên chen ngang và ngắt lời anh ta.
“Anh cần gì chia sẻ vốn kiến thức của anh cho anh chàng Pháp? gã nói với anh giọng khe khẽ. Anh muốn nhìn thấy anh ta thắng cuộc lắm sao? nếu là anh, tôi sẽ giữ cho tôi những gì mình biết và chẳng hề cho biết điều gì!”
Và James Hilton, để đáp lời, nhìn gã Napôli với vẻ ngưỡng mộ thật lòng:
“Thật táo bạo điều anh vừa nói với tôi... rất táo bạo!... Đấy là một ý mà tôi không nghĩ ra!”
Cyprien thì không quên trung thực thông báo cho Friedel điều chàng biết về vấn đề ngựa trong vùng, nhưng chàng vấp phải tính tự phụ và sự bướng bỉnh không giới hạn. Anh bạn Đức chẳng muốn nghe điều gì và chỉ hành động theo ý mình. Thế nên anh ta mua một con ngựa non nhất và hung hăng nhất anh ta tìm được - chính là con ngựa Cyprien đã từ chối - và anh ta lo nhất là trang bị dụng cụ đi câu, với lý do là rồi ta cũng sớm chán nản với thú săn thôi.
Cuối cùng, mọi việc chuẩn bị đã hoàn thành, họ có thể lên đường, và đoàn xe sẽ được hình thành theo trật tự chỉ định.
Toa xe được mười hai con bò đỏ và bò đen kéo thoạt đầu tiến lên dưới sự điều khiển cao tay của Bardik, cậu bé khi thì đi bên cạnh bọn thú mạnh mẽ ấy, tay cầm roi, khi thì, để nghỉ ngơi, nhảy lên đầu xe. Ở đấy, ngồi gần ghế, cậu chỉ cần thả mình theo sự gập ghềnh của đường đi, không lo nghĩ đến mọi thứ khác, và tỏ vẻ hân hoan vì cách di chuyển này. Bốn chàng cưỡi ngựa đi từ trước ra sau đoàn xe. Trừ trường hợp họ xét thấy cần tách ra xa để bắn một con gà gô hay phải thám sát, và cứ như vậy trật tự đoàn xe nhỏ gần như không đổi trong những ngày dài.
Sau một cuộc hội ý nhanh, họ đồng ý đi thẳng về hướng thượng nguồn dòng Limpopo. Mọi chỉ dẫn đều cho thấy rằng Matakit hẳn đã đi đường này. Quả nhiên, cậu ta không thể đi một con đường nào khác nếu có ý đồ đi càng xa càng tốt các vùng thuộc địa Anh. Lợi thế mà cậu bé nam Phi có so với những kẻ đuổi theo cậu là vừa hiểu biết sâu sắc về vùng đất vừa có một phương tiện di chuyển giản tiện. Một mặt, cậu biết rõ mình đi đâu và chọn con đường trực tiếp nhất; mặt khác, cậu chắc chắn, nhờ vào những mối quen biết ở phương Bắc, tìm được khắp nơi sự giúp đỡ và sự che chở, thức ăn và chỗ trú - thậm chí những kẻ giúp việc, nếu cần thiết. Và ai có thể đảm bảo cậu ta không lợi dụng ảnh hưởng của mình với nhiều người bản xứ để quay lại chống những kẻ đang theo sát cậu và có thể để khiến họ tấn công bằng vũ khí? Thế nên Cyprien và bạn hữu của chàng càng lúc càng hiểu việc cần thiết phải cùng sát cánh và bổ trợ lẫn nhau trong cuộc hành trình này, nếu họ muốn một trong số họ gặt hái được thành quả.
Tỉnh Transvaal, trải dài từ phía nam đến mạn Bắc, là một vùng rộng lớn của nam Phi - ít nhất ba mươi nghìn héc ta - có diện tích trải rộng giữa tỉnh Vaal và tỉnh Limpopo, ở phía Tây dãy núi Drakenberg, của vùng thuộc địa Anh natal, của xứ người Zoulou và những khu thuộc địa Bồ Đào nha.
Hoàn toàn bị đô hộ bởi những người Boër, tức các cựu công dân hà Lan ở tỉnh Cap, vốn đã sản sinh, trong vòng mười lăm hay hai mươi năm, một lớp dân số theo nghề nông gồm hơn một trăm nghìn người da trắng, tỉnh Transvaal vốn dĩ đã khêu gợi sự thèm muốn của nước Anh. Thế nên năm 1877 tỉnh đã bị sáp nhập vào các khu đất thuộc địa ở tỉnh Cap. Thế nhưng những cuộc nổi dậy thường xuyên của người Boër, những người vốn khăng khăng muốn độc lập, càng làm cho số phận vùng đất tươi đẹp này trở nên đáng lo ngại.
Đây là một trong những vùng đẹp nhất, màu mỡ nhất của châu Phi, cũng là một trong những nơi trong lành nhất - và chính điều này giải thích không cần chứng minh cho sự hấp dẫn đến hoạt động chính trị của nước Anh với tỉnh Transvaal.
Về mặt địa lý, với chính những người dân Boër, thông thường người ta chia tỉnh thành ba vùng chính: vùng núi hay còn gọi là hooge-Veld, vùng đồi hay Banken-Veld, và vùng rừng hay Bush-Veld.
Vùng núi là nơi đậm nét phương nam nhất. Nơi ấy hình thành bởi nhiều dãy núi, ngăn cách với dãy Drakenberg về phía Tây và nam. Đó là khu mỏ của Transvaal nơi có khí hậu lạnh và khô như ở vùng oberland của thành phố Berne[19].
Vùng Banken-Veld là khu vực thuần nông nhất. Trải dài lên mạn Bắc của vùng núi cao, đây là nơi sinh sống đông đảo bộ phận dân cư hà Lan trong các thung lũng sâu, được tưới mát bởi nhiều dòng suối và rợp bóng cây cối luôn xanh tươi.
Sau cùng là vùng Bush-Veld hay vùng rừng rậm, và, tiêu biểu nhất cho vùng săn bắn, hình thành từ đồng bằng rộng lớn trải dài tận bờ Limpopo, về phía Bắc, để rồi kéo dài đến tận những vùng đất của người da đen nam Phi Betchouana, sang mạn Tây.
Khởi hành từ Potchefstrom, thuộc vùng Banken-Veld, ban đầu những lữ khách đi chéo xuyên qua phần rộng nhất của vùng này, trước khi đến Bush-Veld, và từ đây, gần về mạn Bắc, tới bờ sông Limpopo.
Phần thứ nhất này của Transvaal vốn dĩ là phần dễ đi nhất. Họ vẫn còn trong một vùng nửa văn minh. Những tai nạn lớn nhất chỉ là bánh xe lún dưới sình hoặc là một con bò ngã bệnh. Vịt trời, gà gô, hoẵng, nhan nhản trên đường đi hằng ngày đã cung cấp đồ ăn trưa và tối cho đoàn. Tối đến cả đoàn thường qua đêm trong một trang trại nào đó, người dân nơi ấy, vốn xa lánh với thế giới bên ngoài trong khoảng ba phần tư thời gian trong năm, đón tiếp khách khứa đến nhà họ với niềm vui chân thành.
Ở khắp nơi người dân Boër đều giống nhau, hiếu khách, của vùng đất đối với các vị láng giềng đáng gờm. Nhiều mỏ vàng vừa mới được tìm thấy cũng không phải là không ảnh hưởng ân cần, không vụ lợi. Thực ra, theo lễ nghi của vùng yêu cầu, người ta phải trả một khoản tiền để họ cho khách hoặc súc vật trú lại dọc hành trình. Nhưng khoản tiền trả ấy, họ luôn từ chối hầu hết, và thậm chí lúc khách khởi hành họ còn năn nỉ để khách nhận lấy bột, cam, đào sấy ép. Cho dù một chút của người ta để lại coi như để trao đổi giá trị không đáng kể, một món đồ trang thiết bị hay đồ săn bắn bất kỳ nào đó, một cái roi, dây hàm thiếc, một ống đựng thuốc súng hình quả lê, ấy vậy mà họ rất vui.
Những con người trung hậu ấy sống một cuộc sống nhẹ nhàng trong sự cô độc của mình; họ và gia đình họ, sống không nhọc sức bằng sản phẩm từ bầy gia súc, và trồng trọt vừa đủ đất, với sự giúp đỡ của người di cư hottentot hoặc người da đen nam Phi, để thu nhặt hạt và rau củ dự trữ.
Nhà cửa của họ xây dựng rất đơn giản bằng đất và lợp mái rạ dày. Khi trời mưa làm thủng tường - chuyện xảy ra khá thường xuyên - cách khắc phục trong tầm tay. Cả gia đình bắt tay vào nhào đất sét, vốn đã được chuẩn bị một đống lớn; sau đó, gái và trai, cầm từng nắm đất, trét dồn dập lên lỗ thủng cho đến khi nó bị lấp kín.
Bên trong những căn nhà ấy, ta chỉ thấy vài thứ đồ đạc, mấy cái ghế đẩu bằng gỗ, cái bàn thô kệch, vài cái giường lớn cho người lớn; bọn trẻ thì bằng lòng ngủ trên những tấm da cừu.
Tuy vậy, nghệ thuật cũng có chỗ đứng trong những đời sống nguyên thủy ấy. Hầu hết người dân Boër là nhạc công, chơi đàn vĩ cầm hoặc thổi sáo. Họ thích nhảy múa, và không gặp khó khăn cũng như mệt nhọc mỗi khi tụ họp - đôi khi họ tụ tập nối nhau thành vòng tròn hai mươi dặm để thực hiện thú tiêu khiển yêu thích của mình.
Những thiếu nữ của họ giản dị và thường rất đẹp với những món đồ trang sức đơn giản của nông dân hà Lan. Các cô lập gia đình sớm, chỉ cần mang theo một tá con bò hoặc dê, một chiếc xe rùa hay một vài của cải như thế làm của hồi môn cho vị hôn phu của mình. Người chồng đảm đương việc xây nhà, khai phá vài mẫu đất xung quanh, và như thế một gia đình hình thành.
Người Boër sống rất thọ, và không đâu trên thế giới, những cụ trăm tuổi nhiều như ở đây.
Một hiện tượng đặc biệt, chưa được giải thích, chính là hầu như tất cả họ đều béo phì ngay từ tuổi trưởng thành, và căn bệnh ấy tác động khiến cơ thể tất cả bọn họ có những tỉ lệ đáng kinh ngạc. Vả lại họ có thân hình rất cao lớn, và đặc điểm này cũng xuất hiện ở những người di cư gốc Pháp hoặc Đức, hệt như ở người thuần chủng hà Lan.
Tuy vậy chuyến du hành vẫn tiếp diễn không hề gặp sự cố. Cả đoàn hiếm khi không nghe thấy, ngay cả khi qua đêm ở một trang trại, những tin tức về Matakit. Người ta thấy cậu đi qua khắp nơi, chạy nhanh với cỗ xe đà điểu, lúc đầu là hai hay ba ngày đi trước, rồi đến năm hay sáu ngày, sau đó thì bảy hay tám. Lẽ đương nhiên, họ vẫn đi theo dấu vết cậu ta, nhưng hẳn nhiên, cậu ta ngày một đi xa hơn những kẻ đuổi theo cậu.
Bốn người truy đuổi không hề thôi tự coi mình như chắc chắn sẽ tóm được cậu. Kẻ trốn chạy rồi cũng dừng chân. Vậy thì việc tóm được hắn chỉ là vấn đề thời gian.
Thế nên, Cyprien và ba bạn đường của chàng thoải mái đón nhận điều ấy. Họ dần dần bắt đầu buông thả theo những thú vui riêng. Chàng kỹ sư trẻ thâu nhặt những mẫu đá. Friedel sưu tầm cây cỏ và vỗ ngực cho rằng anh ta nhận biết được, chỉ bằng những đặc điểm bên ngoài, những đặc tính của thứ cây cỏ đang sưu tầm. Annibal Pantalacci thì quấy rối Bardik hoặc Lee, và tự chuộc lỗi cho những trò xấu của mình bằng việc chế biến nhiều món mì ống ngon tuyệt ở mỗi trạm dừng chân. James Hilton đảm trách việc cung cấp thịt thú săn dự trữ; không một buổi nào anh ta không hạ được cả tá gà gô, vô số chim cút, thỉnh thoảng còn có cả một con lợn rừng hay một con linh dương.
Hết chặng này sang chặng khác, cuối cùng họ đến Bush- Veld. Chẳng bao lâu sau những trang trại thưa dần rồi biến mất. Họ đang ở chỗ tận cùng giáp ranh với thế giới văn minh.
Bắt đầu từ nơi này, họ phải cắm trại mỗi tối, nhóm lửa lớn để người và vật ngủ quanh đó nhưng không phải là không cần coi sóc cẩn thận xung quanh.
Cảnh quan càng lúc càng nhuốm màu hoang dã hơn. Những đụn cát nhuốm vàng, những bụi cây gai rậm rạp, cách quãng lại có một con suối bên bờ đầm lầy, hiện ra tiếp sau vẻ tươi xanh của những thung lũng ở Banken-Veld. Thỉnh thoảng, họ phải đi đường vòng để tránh một khu rừng thorn trees hay còn gọi là rừng cây gai góc thực sự. Đó là những bụi cây nhỡ, cao từ ba đến năm mét, với lượng lớn cành cây gần như chĩa ngang và tất cả đều có gai, cứng và sắc nhọn như dao găm, dài hai đến bốn lóng tay[20].
Khu vực bên ngoài ấy của Bush-Veld, thường được gọi Lion-Veld - Hay còn gọi khu Veld sư tử - có vẻ chẳng ăn khớp tí nào với cách gọi tên đáng gờm này, vì rằng sau ba ngày du hành, họ vẫn chưa nhìn thấy cũng không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của loài ác thú ấy.
“Chắc hẳn đây là chuyện đã xưa,” Cyprien tự nhủ, “và bọn sư tử chắc đã lui sâu trong sa mạc rồi!”
Nhưng cũng bởi chàng nói lên suy nghĩ này trước mặt James Hilton, anh chàng này bật cười.
“Anh tưởng không có sư tử sao?” anh ta nói. “Đơn giản là vì anh không biết cách nhìn thấy chúng!”
“Vậy sao! Không biết cách thấy một con sư tử ngay giữa đồng hoang!” Cyprien đáp giọng khá mỉa mai.
“Vậy thì, tôi cá với anh mười bảng,” James Hilton nói,” trong vòng một tiếng, tôi sẽ chỉ anh xem một con mà anh không nhìn thấy được!”
“Về nguyên tắc, tôi chẳng cá cược bao giờ,” Cyprien đáp, “nhưng tôi cũng không đòi hỏi gì hơn là được trải nghiệm!”
Họ đi tiếp khoảng hai lăm hay ba mươi phút, và không ai còn nghĩ đến sư tử nữa, bỗng James Hilton hét lên:
“Các anh, hãy nhìn cái tổ kiến xây phía bên phải đằng kia kìa!”
“Thắng cược nhé!” Friedel đáp. “Chúng ta chẳng thấy gì khác ngoài thứ ấy hai ba ngày qua!”
Thực vậy, ở Bush-Veld họ không thấy gì thường xuyên hơn những ụ đất lớn màu vàng, dựng lên bởi vô số kiến, vốn là những con vật duy nhất, cùng với một vài bụi cây hoặc một khóm hoa trinh nữ xơ xác, thi thoảng lại làm gián đoạn sự đơn điệu của vùng đồng bằng.
James Hilton lặng lẽ cười.
“Anh Méré này,” anh ta nói, “nếu anh muốn phi nước đại một lát, để đến gần cái tổ kiến kia - kia kìa, theo tay tôi chỉ - tôi hứa với anh rằng anh sẽ thấy điều anh muốn xem! Tuy nhiên, đừng đến gần nó quá, anh có thể hại thân mình đấy!”
Cyprien thúc mạnh ngựa rồi đi về nơi James Hilton gọi là tổ kiến.
“Ở đó là một gia đình sư tử đang trú ngụ! Một phần mười, trong những đống vàng nhạt mà các anh tưởng là ổ kiến, không phải là thứ gì khác đâu!” anh bạn Đức nói thêm ngay lúc Cyprien tách ra xa.
“Chết! Pantalacci hét lên, anh cần phải nhắc anh ta đừng tiến sát nó quá!”
Thế nhưng, vì thấy Bardik và Lee đang lắng nghe mình nói, hắn nói tiếp, xoay suy nghĩ của mình sang ý khác:
“Có lẽ anh bạn Pháp sẽ sợ phát khiếp, còn chúng ta sẽ được xem phim hài!”
Gã Napôli đã nhầm. Cyprien không phải loại đàn ông có thể sợ phát khiếp như lời gã nói. Cách đích chỉ khoảng hai trăm bước, chàng nhận thấy cái tổ kiến mà chàng phải đối mặt đáng gờm biết bao. Đấy là một con sư tử bố khổng lồ, một sư tử mẹ và ba sư tử con nằm xoài thành hình tròn trên đất, như lũ mèo, và đang ngủ yên lành dưới ánh mặt trời.
Vừa nghe tiếng móng guốc của con Templar, sư tử bố mở mắt, ngẩng chiếc đầu to bự của nó lên rồi ngáp, làm lộ rõ, giữa hai hàm răng rất lớn, một hố sâu ngòm có thể nuốt chửng một đứa trẻ mười tuổi. Sau đó, nó nhìn người cưỡi ngựa đang dừng cách nó hai mươi bước.
May mắn thay, con thú dữ không đói bụng, nếu không nó đã không nằm dửng dưng.
Cyprien, tay đặt lên khẩu cacbin của mình, chờ hai hay ba phút xem đức sư tử cha muốn gì. Nhưng vì thấy con thú ấy không sẵn sàng giao chiến, chàng không nỡ lòng phá vỡ hạnh phúc của gia đình thú vị kia, rồi chàng xoay dây cương, phi nước kiệu về phía các bạn hữu của mình.
Những anh bạn ấy miễn cưỡng công nhận sự điềm tĩnh và tính gan dạ của chàng, đón chàng bằng nhiều tràng vỗ tay.
“Tôi đã thua cược, anh Hilton à,” Cyprien trả lời khiêm tốn.
Cũng tối hôm ấy, họ dừng chân ở hữu ngạn sông Limpopo. Ở đây Friedel ngoan cố muốn câu cá để rán mặc cho James Hilton khuyên can.
“Rất nguy hiểm, anh bạn ạ!” James Hilton nói với anh bạn ấy. “Anh phải biết, ở vùng Bush-Veld, sau khi mặt trời lặn, không nên ở lại bên các dòng suối, cũng không nên...”
“Dào ôi! Dào ôi! Tôi chẳng thấy gì khác sất!” anh bạn Đức trả lời với sự bướng bỉnh đặc trưng của đất nước anh ta.
“Ê!” Annibal Pantalacci hét lên, “ngồi bên dòng nước một hay hai giờ thì có thể có hại gì? Chẳng phải tôi đã từng ở trong nước cả nửa ngày trời, ngâm mình đến tận nách, khi tôi đi săn vịt đó sao?”
“Hoàn toàn chẳng giống nhau!” James Hilton vừa nói tiếp vừa cố năn nỉ Friedel.
“Chỉ toàn lời hão!...” gã Napôli đáp. “Anh bạn Hilton thân mến, tốt nhất anh nên mang phô mai sợi đến cho món mì ống của tôi đây hơn là đi cản trở bạn hữu của chúng ta câu về cho chúng ta một món cá! Ít nhất thì việc đó làm phong phú bữa ăn thường ngày đấy!”
Friedel vẫn đi, không muốn nghe bất cứ điều gì nữa, và anh ta kề cà quăng lưới trễ đến mức khi anh ta về đến trại thì đêm đã buông.
Lúc đó, anh chàng cứng đầu ăn tối ngon lành, thưởng thức không chút khách sáo như mọi người món cá do mình câu được, nhưng khi anh chàng ngủ trong xe, bên cạnh những người bạn đường, anh than vãn vì những cơn run lẩy bẩy.
Hôm sau, lúc sáng sớm, khi mọi người thức dậy để khởi hành, Friedel bị một cơn sốt dữ dội hành hạ và cảm thấy không thể leo nổi lên mình ngựa. Tuy nhiên, anh vẫn yêu cầu mọi người lên đường, và khẳng định anh ta sẽ rất khỏe khi nằm trên lớp rơm ở cuối xe, họ làm theo ý anh.
Đến giữa trưa, anh ta mê sảng.
Đến ba giờ, anh ta chết.
Căn bệnh của anh ta là một cơn sốt ác tính gây chết người nhanh nhất.
Chứng kiến cái chết quá đỗi bất ngờ ấy, Cyprien không thể ngăn mình nghĩ rằng Annibal Pantalacci, chịu một phần trách nhiệm nặng nề nhất trong sự việc ấy, vì những lời khuyên tệ hại của gã. Nhưng dường như chẳng ai nghĩ đến việc nhận xét như vậy, ngoại trừ chàng.
“Các anh thấy tôi đã đúng khi bảo đừng đi lang thang dọc dòng nước khi đêm xuống chưa!” James Hilton đành nhắc lại một cách đầy triết lý.
Họ dừng chân chốc lát để hỏa táng cái xác mà họ không thể bỏ mặc cho thú dữ.
Đó là xác của một đối thủ, gần như là kẻ thù, ấy vậy nhưng Cyprien thấy mủi lòng sâu sắc khi tiến hành tang lễ cho anh ta. Bởi rằng cảnh tượng đưa tang, khắp nơi vốn đều uy nghiêm thế và cung kính thế, ở sa mạc lại mang một vẻ uy nghi mới. Đối diện với một thiên nhiên duy nhất, con người mới hiểu đây là thời điểm không tránh khỏi. Xa gia đình, xa tất cả những người chàng thương yêu, tâm tưởng chàng u sầu hướng về họ. Chàng tự nhủ, chàng cũng vậy, có thể mai đây chàng sẽ ngã quỵ trên đồng bằng bao la và không đứng dậy được nữa, và rằng, chàng cũng vậy, chàng sẽ bị chôn vùi dưới một tấc đất, bên trên đặt một phiến đá trống trơn, và để tiễn đưa chàng lần cuối, sẽ không có nước mắt của em gái hay của mẹ, sẽ không có sự nuối tiếc của bạn bè. Và khi liên tưởng hoàn cảnh riêng của mình với lòng xót thương gợi lên từ số phận của người bạn đường, chàng thấy như một phần nào đó của chính chàng cũng bị chôn vùi dưới mộ kia!
Một ngày sau nghi lễ tang thương ấy, con ngựa của Friedel, đi cùng họ, vốn được thắng ở phía sau toa xe, bị nhiễm bệnh Veld. Phải bỏ nó thôi.
Con vật đáng thương chỉ sống sót được vài giờ sau chủ của nó!
Ngọc Phương Nam Ngọc Phương Nam - Jules Verne Ngọc Phương Nam