Lâu Đài Cát epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13
Một bà
Thử
Lấy cắp một chiếc bánh
Của một bà
Giữa ban ngày
Ăn trái anh đào
Bên chiếc bàn ấy
Có hai bộ đồ ăn
Chiếc bánh quá nhỏ cho ba người
b###Maryla Rodowicz “Khỉ gió”
o O o
Vào cuối tháng mười một, con gái Eva bị ốm. Eva phải khó khăn lắm mới xoay sở được. Nó không nhờ ai giúp, nhưng khi nghe nó nói trong điện thoại, tôi lên xe và phóng đến nhà nó ngay.
Emilka nôn suốt một ngày. Con bé không ăn uống được gì. Nó mệt lả và rầu rĩ. Eva gần như không đủ sức để đứng nữa. Jacek lại đi công tác, còn bà ngoại cũng đang ốm.
— Cảm tả – Eva thở dài. – Chắc là con bé bị lây từ bà ngoại. Dở nhất là nó không chịu uống gì – nó lo lắng. – Với một đứa trẻ còn nhỏ như vậy rất dễ bị mất nước.
— Có lẽ tụi mình phải đưa con bé đến bệnh viện? – Tôi để Emilka ngồi trên đùi mình. Con bé gần như đã thiu thiu ngủ.
— Tao không biết, Verka, tao không biết. Bà ngoại ốm, Jacek không có nhà. Mày có thấy như thế là như thế nào không? Có lạ không, khi anh ấy nói yêu con mà không bao giờ ở nhà với mấy mẹ con.
— Evcia, bình tĩnh nào. Hay là tao đưa con bé đến bác sĩ? – tôi hỏi.
Tôi biết Emilka từ khi mới đẻ, con bé sẵn sàng ở lại với tôi, nên không có vấn đề gì cả, nếu tôi đi với con bé đến bệnh viện.
— Mày đi được chứ? – nó hỏi tràn trề hy vọng.
— Tất nhiên rồi. Chỉ có điều... Có thể họ sẽ giữ nó nằm viện... Đề phòng trường hợp xấu nhất, tao gói theo bộ đồ ngủ và tất cả những thứ cần thiết.
Eva nhìn tôi sợ hãi.
— Mày bình tĩnh đi, họ sẽ điều trị cho con bé. Một đứa bé như thế này rất dễ bị mất nước, ai thì ai chứ mày nhất định phải biết điều đó.
— Tao biết, tao biết... Về lý thuyết thì tao biết cả, nhưng khi đó là con mình thì tao thật bất lực. Và thậm chí tao không nghĩ được cái gì nữa. Tao rất muốn đi với con bé, nhưng còn Marika... Mày thì không cho nó bú được rồi... Chúa ơi... Tao không biết phải làm gì nữa.
— Cưng à – tôi lên kế hoạch – mày ở nhà với Marika, tao đi với Emilka đến bệnh viện.
— Mày lấy xe tao ấy, trong xe có ghế cho trẻ em...
— Không, tao chỉ lấy cái ghế thôi. Mày mở cửa xe cho tao qua cửa sổ nhé.
Tôi mặc thêm áo cho Emilka, con bé vẫn khóc, và ra khỏi nhà. Trông một đứa trẻ khỏe mạnh đã khó, nhưng với một đứa trẻ đang ốm mà lại không phải là con mình, thì quả là một thử thách. Chúng ta không hiểu tiếng khóc của nó, chúng ta không biết con người bé bỏng ấy muốn gì ở chúng ta, khi nó đang ngồi cạnh và cứ khóc thét lên. Tôi đến bệnh viện, đi vào chỗ mà chỉ có xe cứu thương mới được đậu, vội vàng cho xe vào bãi, lệch lạc, cho xong việc, rồi ôm vai Emilka và chạy đến phòng đón tiếp.
Phải điền đến hàng ti tỉ thứ giấy...
— Chị có phải là mẹ cháu bé không?
— Phải, à không, là cô.
— Tóm lại là thế nào?
— Là cô, thưa chị. Liệu có ai đó khám ngay cho cháu được không? – Tôi chỉ vào Emilka. Tôi đã đưa ra câu hỏi mà chắc là tất cả những người đang đứng xếp hàng đều muốn thốt ra.
Cô nhận hồ sơ nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng. Cô vừa nhận được hoa từ đồng nghiệp, hôm nay là sinh nhật cô. Những bông hoa đứng cạnh bàn phím, cô gõ họ tên, ngày sinh và những thông tin cần thiết khác trên bàn phím ấy.
Cuối cùng cô ấy đưa cho tôi một dải băng, trên đó có họ tên và tôi quấn dải băng ấy lên tay Emilka. Cô nhân viên bảo tôi vào phòng khám. Không có bác sĩ. Tôi vào hết phòng này đến phòng khác dọc theo hành lang, trong lòng cảm thấy rất bực bội.
Mẹ, phiên bản demo.
Nếu như tôi, vì stress mà không thể ngồi và chỉ muốn giục giã tất cả những ai mặc áo choàng trắng, thì Eva còn cảm thấy như thế nào?
— Chị gặp tôi à? – chị bác sĩ mời vào phòng khám.
Tôi gật đầu và bế Emilka vào trong. Có lẽ con bé đã ngủ thiếp đi được một lúc. Nó không nôn nữa, nhưng mặt tái nhợt.
— Cháu nôn từ bao giờ? - bác sĩ vừa khám bụng con bé vừa hỏi.
Tôi kể tất cả những gì tôi đã chứng kiến và tất cả những gì Eva dặn tôi.
— Chúng ta phải để con gái nằm lại bệnh viện thôi.
Tôi nghe thấy hai từ “con gái” và “bệnh viện”.
Chúa ơi.
— Cần phải tiếp nước cho cháu. Theo tôi những gì tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta. Chị đừng quá lo lắng. Chỉ một đêm, mai cháu ra viện lại tươi như vừa mới sinh ra ấy mà. – Chị cười. – Tất nhiên chị có thể ở lại với cháu.
Chúa ơi, bệnh viện.
Eva.
Tôi cần phải gọi điện báo cho nó biết.
Đứa bé là quan trọng nhất. Đầu tiên phải nhận phòng, sau đấy sẽ gọi.
Chúng tôi đi thang máy lên tầng trên. Emilka được nhận một giường người lớn.
— May mà giường to như thế này – một chị ngồi ở giường bên cạnh nói, trên giường có một cậu bé đang ngủ. – Đêm có thể nằm chung với cháu. Họ không đuổi đâu. Mà sẽ tốt cho đứa trẻ hơn khi có mẹ bên cạnh.
Ôi, Chúa ơi. Emilka sẽ không có mẹ. Chỉ có cô. Không sao. Tôi sẽ cố gắng là một bà cô tốt nhất dưới bầu trời này. Một người bạn tốt nhất. Điện thoại cho Eva.
— Chào cưng...
— Mày nói đi – tôi nghe thấy. Một câu hỏi như kiểu sống hay là chết đây.
— Hai cô cháu sẽ ở lại bệnh viện một đêm. Emilka bị mất nước.
— Ôi, Chúa ơi... - nó thở dài. – Mày nghe này, tao sẽ đến cùng với Marika, rồi mày sẽ đưa cháu về nhà... - Eva cố sắp đặt.
— Evcia, đừng có sốt ruột. Hai cô cháu đã đăng ký xong xuôi rồi – tôi bình tĩnh nói. – Giống như ở khách sạn ấy – tôi nói thêm, khi nhìn lên những bức tường trắng. – Có giường này, Emilka ngủ rồi, ngay bây giờ họ sẽ làm xét nghiệm cho con bé. Mọi chuyện ổn cả. Thỉnh thoảng tao sẽ gọi về. Hai mẹ con ngủ ngon đi. Tao sẽ lo mọi việc.
Bản thân tôi không biết liệu mình có lo được không, nhưng đơn giản là tôi phải lo được. Hẳn không chỉ một bà mẹ phải đứng trước thử thách “tôi phải”. Thế thì cả tôi cũng phải đối mặt.
Một cô hộ lý bước vào phòng. Dễ thương, một cô gái tóc vàng mảnh dẻ. Tóc được uốn thành từng lọn, những dải tóc xòa lộn xộn lên trán, còn đôi mắt rất xanh thì như biết cười. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đôi mắt nào như thế.
— Xin chào – cô ta cười nói. Cô ta nhìn lên tờ giấy. – Chào Emilka. – Cô vuốt vuốt đầu con bé đang ngủ. – Con phải dậy thôi, để cô còn cho con uống thuốc – cô ta nói bằng một giọng ngọt ngào. – Đầu tiên cô sẽ châm một cái rất nhẹ thôi – cô ta báo trước khi đang chuẩn bị kim. – Và sau đấy con sẽ được nhận phần thưởng – cô ta tiếp tục bằng một giọng nhẹ như đang hát.
Tôi cười với cô ta, không tự tin lắm.
— Chị đừng quá lo lắng. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi – cô ta quay lại phía tôi nói bằng đúng cái giọng đã nói với Emilka. – Con gái chị sẽ được truyền nước và chắc chắn sáng mai sẽ ra viện.
— Rất cám ơn ạ - tôi thì thầm.
Emilka thậm chí không khóc. Người phụ nữ có cách tiếp cận với trẻ con thật tuyệt vời.
Cô ta ngồi cạnh Emilka một lúc, vuốt ve hai má nó.
— Chị có cách tiếp cận với trẻ em thật tuyệt vời – tôi thở dài. – Giống như thể chúng là...
— Tôi không có con... - Người phụ nữ tóc vàng cười buồn. – Đây là những đứa con của tôi. Tôi yêu chúng như yêu con đẻ của mình... Thậm chí nhiều khi còn hơn. Tôi cố gắng giúp đỡ chúng bởi tôi biết rằng phải ở đây là quá đủ tồi tệ đối với chúng. – Cô ta đứng dậy khỏi ghế. – Tôi phải đi tiếp. – Cô ta cười. – Nhưng bệnh nhân nhí khác đang cần tôi. Nếu có chuyện gì đó xảy ra, hãy gọi điện cho tôi. Và chị hãy nằm cạnh Emilka. Chắc chắn chị cũng rất mệt. – Cô ta cười một lần nữa rồi đi ra.
Tôi ngồi trên giường. Emilka ngủ. Từng giọt, từng giọt sống chảy từ ống truyền.
Điện thoại cho Eva.
— Mọi việc ổn cả. Emilka được truyền dịch, bây giờ đang ngủ rồi... Cô y tá dễ thương lắm.
— Rất cám ơn mày... - Tôi thấy tiếng nói khẽ của Eva. Có thể nghe thấy nó khóc.
— Sáng mai tao gọi lại.
— Veronika, cám ơn mày.
— Không có cám ơn gì hết. Tao đã vào vai người mẹ. Phải nói với mày là còn khó hơn tao tưởng.
Tôi kết thúc cuộc nói chuyện và nằm xuống cạnh Emilka.
Tin nhắn của Kuba.
• Sau năm phút nữa anh sẽ đến chỗ em. Ania trực thay cô bạn.
• Em không thể. Em đang ở trong bệnh viện với con gái của Eva – tôi viết lại.
Một lát sau, điện thoại rung lên. Kuba.
— Có gì nghiêm trọng không?
— Không, em hy vọng là không... Có lẽ là cảm tả.
— Cháu nằm ở đâu?
— Ở Zaspa...
— Ồ... - Kuba lầu bầu. – Ania đang trực... và... - Chắc là anh muốn nói nếu có chuyện gì thì có thể nhờ chị ấy giúp đỡ. Nhưng sẽ như thế nào nhỉ?
— Có thể em sẽ gặp chị ấy... Cho dù có lẽ tốt hơn là không nên. – Tôi cười. – Tất cả vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thực sự là ở đây họ chăm sóc rất tốt.
— Anna Mickiewicz – Kuba nói. – Như trong tên Adam ấy. Hay là vì thế nên cô ấy không muốn lấy anh làm chồng nhỉ? – Anh cười to.
— Em nhớ rồi, nhưng chỉ mai là cháu ra viện thôi.
— Ngày mai anh phải gặp em. Cho dù chỉ chốc lát. Anh nhớ lắm... Anh sẽ viết thư. Anh còn lại được gì? – anh thở dài.
— Ra viện em sẽ báo cho anh biết ngay. Chúc ngủ ngon.
— Chúc ngủ ngon. Nếu em cần gì thì cứ gọi điện nhé.
— Tất nhiên rồi.
Tôi cất điện thoại. Ôm Emilka và thiếp đi.
Khi tỉnh giấc, tôi không biết mình đang ở đâu. Có ai đó đã đắp cho tôi chiếc chăn.
— Tôi đã thay ống truyền – cô y tá nói nhỏ. – Chị không đắp gì cả. Tôi đã mang đến cái chăn. Chị cứ ngủ thêm đi. Tôi thấy là Emilka đã khá hơn rồi đấy.
Tôi cười.
— Vâng, cháu đã khá hơn. – Tôi chỉ vào con bé đang ngủ ngon lành.
Một lát sau, nụ cười sững lại trên môi tôi.
Trên tấm biển hiệu của người phụ nữ có ghi “Anna Mickiewicz. Y tá trưởng”.
Lâu Đài Cát Lâu Đài Cát - Magdalena Witkiewicz Lâu Đài Cát