Hoa Vàng Mấy Độ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 14 -
ưng ngạc nhiên nhìn người đàn bà đang nở nụ cười thân thiện với mình. Anh chưa kịp hỏi, bà ta đã lên tiếng trước:
- Cháu là Hưng phải không?
Gật đầu, Hưng bối rối không biết nên xưng hô thế nào cho tiện:
- A! Cô là mợ của Tường Duy.
Ngần ngừ một chút, Hưng bảo:
- Mời cô vào nhà.
Bà Thanh tự nhiên ngồi xuống salon, rồi hỏi:
- Chắc cháu đang thắc mắc không biết tôi đến đây làm gì?
- Cháu có đoán, nhưng biết đâu không chính xác. Anh em cháu đều là bạn bè của Duy, khoảng thời gian sau nầy vì công việc tụi cháu phải bươn chải kiếm sống nên ít gặp Duy. Dạo nầy chắc nó cũng bận rộn với chức vụ giám đốc.
Mỉm cười trước lời rào đón của Hưng, bà Thanh thêm vào:
- Dù ít gặp nhưng tụi cháu vẫn là bạn tốt phải không.
Hưng nhếch môi:
- Cháu chưa là bạn xấu của ai bao giờ.
- Tôi cũng nghĩ thế.
Hưng nghiêm giọng:
- Chỉ mới trao đổi vài ba câu xã giao, căn cứ vào đâu cô lại tin cháu?
- Căn cứ vào cái nhìn đầu tiên, với tôi, giây phút đầu tiên rất quan trọng. Chắc cháu và Duy cùng một tuổi.
- Vâng.
- Và cùng một mộng ước.
- Ồ không, cháu nhiều mộng ước lắm. Nói thế chắc cô nghĩ là cháu tham lam, nhưng nếu chỉ có một mộng ước như Duy, lỡ mộng ước ấy vỡ tan, cháu sẽ trắng… cả nhiệt tình, lấy đâu ra động lực để làm việc mà sống chứ.
Bà Thanh chớp mắt trước nụ cười có vẻ cao ngạo của Hưng. Cách nói và nụ cười ấy làm bà nhớ tới một người ngày xưa….
- Xin lỗi! Để cháu rót nước mời cô. Hôm nay nhà không có ai hết.
Nhìn dáng Hưng nhanh nhẹn bước vào nhà trong, bà Thanh bàng hoàng vì một linh cảm khác thường. Bà lẩm bẩm:
- Trời ơi! Sao trông nó giống anh ấy đến thế! Lẽ nào….
Ôm đầu không dám suy nghĩ tiếp, bà Thanh lắng nghe tiếng tích tắc đều đặn của kim đồng hồ vang lên trong sự yên lặng của căn phòng….
Mười mấy năm rồi chớ ít gì, kể từ ngày bỏ xứ ra đi. Bây giờ trở lại, những người thân yêu ruột thịt không còn ai. Họ đã chết hết! Người ta đã nói lại với bà như thế bằng một giọng hết sức dửng dưng.
Bà Thanh đan hai tay vào nhau cố dằn thổn thức. Hồi đó, bỏ quê vượt biên ra đi là điều thôi thúc trong lòng nhiều người. Riêng bà không đời nào nghĩ tới chuyện ấy, nhưng vì là con duy nhất trong gia đình, bà phải đi theo để phụng dưỡng cha mẹ và cũng để lo tương lai cho chồng con. Ai ngờ tất cả chỉ là cơn mộng dữ. Bà không còn gì hết. Giờ đây một thân một mình với nỗi tiếc thương vô hạn, hối hận khôn cùng, bà nhìn những người trạc tuổi con mình và khao khát…. Ước chi tất cả chỉ là giấc mơ nhỉ?
Hưng bưng ra một cái khay nhỏ, trên có ấm trà và hai cái tách, anh nói:
- Nhà cháu lúc nào cũng có trà sen. Ba cháu ghiền trà lắm, và phải trà thật đậm kìa.
Bà Thanh nhìn Hưng không chớp mắt:
- Tôi cũng có thói quen uống trà đậm. Và cũng là trà sen.
- Vậy thì hay quá! Mời cô dùng thử…
Dứt lời anh chợt lúng túng vì không biết sẽ nói chuyện gì với người đàn bà xa lạ nầy.
Bà Thanh bưng tách trà lên và nhận thấy tay mình run run.
- Chắc cháu không phải người gốc Sài Gòn?
- Dạ đúng!
- Vậy trước khi đến đây, gia đình cháu ở đâu?
Hưng ngạc nhiên vì sự căng thẳng không giấu được của bà Thanh, khi bà chờ nghe anh trả lời. Ba anh từng dặn dò không nên nói thật về gia đình với ai. Đợi bà uống xong ngụm trà, Hưng từ tốn đáp.
- Trước đây gia đình cháu ở Long Khánh.
Giọng bà Thanh thất vọng:
- Thế à?
Rồi bà ngồi thừ ra, đến khi nghe Hưng nhỏ nhẹ hỏi:
- Có chuyện gì mà cô tìm cháu vậy?
Bà mới hoàn hồn cười gượng:
- À! Tôi có nghe Duy nói cháu là một chuyên viên xử lý phần mềm rất giỏi. Duy đã đề cử cháu phụ trách phần nghiệp vụ cho Trung Tâm Đông Phương.
- Nhưng sau đó cũng chính Duy đưa công việc nầy cho người khác. Cháu không trách nó.
(mất trang 184)
... nằm sẵn chờ mình đâu.
Hưng hơi ngượng vì bà Thanh cứ nhìn anh chăm chú. Cái nhìn của bà như chất chứa một tình cảm riêng tư nào đó, khiến Hưng liên tưởng đến những lời Lam Uyên nói với anh trước đây.
Con bé… độc miệng cho rằng hình như bà mợ của Duy rất thích đàn ông trẻ. Lần ấy anh cực lực lên án cái… mép Hoạn Thư của Uyên. Em gái anh là chúa ích kỷ, nó từng ganh với Vi Lan khi anh chăm sóc cho cô dĩ nhiên không đời nào có cảm tình với người đàn bà đẹp sắc sảo, ăn nói hoạt bát, rất giàu có nầy khi ngày ngày bà ta vẫn luôn gặp Duy. Con bé ghen! Mặc dù bà Thanh lớn tuổi, nhưng Lam Uyên đã nhún vai thảy cho Hưng tờ báo Lao Động kèm theo lời khinh bỉ:
- Báo đăng ở Ý, bà già chín mươi ba tuổi còn được… thằng nhỏ hai mươi bốn tuổi cầu hôn. Bà Thanh độ năm mươi, còn trẻ quá so với cụ bà sắp làm cô dâu trong ảnh.
Với tuổi năm mươi, bà Thanh vẫn còn quá trẻ, Hưng lấy làm lạ khi nhận ra, đáng lẽ anh phải thắc mắc tại sao bà ta tìm đến tận nhà, và… năn nỉ anh vào làm việc cho bà, đàng nầy anh lại đi thắc mắc những chuyện hết sức vớ vẩn. Có lẽ những lời Lam Uyên đã làm rối tâm trí anh. Hưng bối rối lảng sang chuyện khác:
- Trước đây cháu nghe Duy nói cô đề nghị giúp vốn cho nó…
- Tôi có đề nghị, nhưng ông ngoại Duy, tức là bố chồng tôi không đồng ý. Ông muốn chính ông bỏ vốn ra cho cháu cưng của mình. Điều đó đúng thôi! Tiền của nhiều, không cho con cháu, nhắm chết có đem theo được đâu.
Bà Thanh nhìn lên trần nhà, giọng mơ màng:
- Một thân một mình đúng là bất hạnh. Tôi làm việc để giết thời gian, để tìm vui, và có lẽ để giúp đỡ người khác.
- Cô không còn người thân nào hết sao?
Bà Thanh cười buồn:
- Nếu còn, cuộc sống của tôi đâu tẻ nhạt như vậy. Tất cả là do sai lầm của tôi trong quá khứ. Lẽ ra tôi cũng có những đứa con xinh đẹp, thông minh như... cháu và Lam Uyên. Mà thôi! Sao lại nhắc đến quá khứ đau buồn ấy nhỉ! Thật tiếc, khi tới đây mà không gặp Lam Uyên.
- Uyên cũng sắp về rồi, nó đưa ba cháu vào bệnh viện để tái khám theo định kỳ/
- Lam Uyên là cô bé có cá tính mạnh mẽ. Tôi có gặp Uyên, nhưng lần đó Duy không giới thiệu vì hai đứa đang giận nhau.
Rồi bà chợt nói bằng giọng hơi lạc vì xúc động:
- Lần đầu nghe Duy nhắc tên Lam Uyên tôi có cảm giác mình và con bé rất thân quen. Tôi vẫn mong Duy đưa Uyên đến chơi, không ngờ hai đứa cứ vì tự ái hục hặc mãi. Đến nay tôi vẫn chưa được nói chuyện với con bé.
- Cô sẽ nói gì khi gặp em cháu?
- Làm sao tôi trả lời được. Cũng như khi đến đây, dầu có mục đích rõ ràng, tôi vẫn chưa chuẩn bị để biết mình sẽ nói gì và sẽ gặt hái được những gì. Trong đời, tôi đã chuẩn bị cho mình nhiều lần, rốt cuộc không lần nào được gì cả, đã vậy còn mất mát cho nên bây giờ tôi hay tin vào may rủi hơn.
- Vậy…. cô gặp may nhiều, hay rủi nhiều?
Bà Thanh mỉm cười trước câu hỏi cắc cớ của Hưng – Phải chi thằng bé là con trai mình nhỉ? Lòng bà xao động với ý nghĩ thoáng qua.
Vừa lúc ấy có tiếng tằng hắng ngoài cửa, bà nhìn ra, và thấy một người đàn ông đang hơi khom người chùi giầy lên thảm.
Khi ông ta ngước lên và nhìn về phía bà với đôi mắt tò mò lẫn ngạc nhiên, bà đã thoắt rùng mình:
- Anh Trị!
Ông Trí ngớ người ra, rồi hấp tấp lắc đầu:
- Bà lầm rồi. Tôi tên Trí.
Quay sang Hưng, ông hỏi:
- Ai vậy con?
- Dạ… cô Thanh, mợ của Duy.
Bà Thanh lắp bắp đứng dậy:
- Em không lầm. Anh là Trị, là chồng…
- Xin lỗi! Tôi không hiểu bà muốn gì, bà Thanh ạ!
Nghe ông Trí nhấn mạnh tên mình, bà Thanh sựng lại. Giọng bà nghẹn ngào:
- Thì ra anh cố tình không tìm đến em dù em đã nhắn tin, tìm người hàng tháng trời trên truyền hình và báo chí. Anh biết rất rõ em muốn gì mà! Với anh, em có lỗi nhưng em vẫn là mẹ của thằng Hùng và Bích Uyên. Em muốn được nghe nó gọi mẹ, em muốn được lo tương lai cho chúng.
Hưng ngơ ngác nhìn hai người, vừa lúc đó Lam Uyên bước vào với bà Mười.
Thấy bà Thanh đứng trước mặt ba mình với gương mặt tái xanh đầy căng thẳng, Uyên lao tới chen vào giữa hai người. Lưỡi cô líu lại vì giận:
- Tôi và Duy đã không còn gì nữa, nếu bà đến đây theo yêu cầu của bác Trầm nhục mạ cha tôi, tôi sẽ không tha thứ cho bà đâu. Xin mời bà ra khỏi nhà tôi ngay cho.
Bà Thanh lắc đầu, cố lắm bà mới nói:
- Kh…ô…ng… ph….a?…i….
Bà Mười chợt bước vội tới la lên:
- Bích Quỳnh! Trời ơi! Đúng là cô rồi!
Quay về phía Lam Uyên vẫn còn… đằng đằng sát khí, bà hối hả bảo:
- Mẹ của tụi bay đây nè, Lam Uyên, sao con nói cái gì hỗn ẩu thế? Không chạy tới mẹ con đi! Thằng Hưng nữa.
Mặc cho bà Mười giục giã, hai anh em Lam Uyên đứng sững sờ.
Ông Trí buông lời lạnh lùng, độc ác:
- Trong thâm tâm chúng nó, bà chết mười mấy năm rồi. Nêu bà chết thật vẫn hay hơn là làm hồn ma dĩ vãng đội mồ sống lại. Với tôi, quá khứ đó vẫn là món nợ cần phải trả. Mười mấy năm trước bà đã nhẫn tâm bán rẻ sinh mạng chồng con, để theo nhân tình ra nước ngoài. Thằng Hùng, con Bích Uyên và cả gã khờ tên Trị đã chết ngoài biển vì bàn tay của bà rồi. Bây giờ bà đi đi, cha con tôi không cần tới bà đâu. Và bà vẫn còn thiếu chúng tôi một món nợ.... Hãy nhớ như vậy.
Bà Mười nghiêm giọng:
- Cậu Trị, bữa nay chị gọi tên thật của cậu với mong muốn cậu cởi bỏ những chuyện xưa đi. Mẹ tụi nhỏ đã về, sao cậu lại nỡ nói những lời đoạn tình như vậy. Bích Quỳnh vẫn chưa lên tiếng tự bào chữa, chắc gì lời buộc tội của cậu là đúng kia chớ.
Ông Trí cười khổ:
- Với tôi, cô ta bây giờ là bà Thanh, vợ người khác, bao nhiêu đó đủ dứt tình xưa nghĩa cũ rồi, nói chi chuyện khác. Bây giờ tôi là kẻ trắng tay, tụi nhỏ nay đã lớn, tùy ý chúng lựa chọn giữa mẹ và cha. Tôi không trách cứ đứa nào đâu.
Dứt lời ông loạng choạng bước về phòng mình. Căn phòng hoàn toàn chìm trong im lặng.
Bà Mười bứt rứt xốn xang:
- Bích Quỳnh! Cô phải nói gì về mình đi chứ? Mười mấy năm nay cô sống ra sao?
- Em sống khổ, sống rất khổ chị Mười ơi!
Bà Thanh ôm chầm lấy bà Mười rồi òa lên nức nở.
Lam Uyên thụt lùi sát tường và la to:
- Bà nói dối!
La xong, cô vụt chạy ra ngoài mặc bà Thanh gào lên:
- Lam Uyên! Lam Uyên!
Hưng vội cản khi thấy bà định chạy theo.
- Tính nó là như vậy… mẹ đừng lo.
Nghe Hưng gọi mình là mẹ, bà Thanh ngồi phịch xuống ghế, môi nở nụ cười dù trên mặt bà, nước mắt vẫn còn ràn rụa.
Giọng Hưng thôi thúc:
- Con muốn biết sự thật. Con muốn biết tại sao chúng ta phải xa nhau mười mấy năm ròng rã. Con muốn biết tại sao ba lại buộc tội mẹ như vậy? Mẹ hãy nói đi.
Bà Thanh thẫn thờ lắc đầu. Bà Mười xen vào:
- Ba thằng Hưng nghĩ cô chê nó nghèo, nên bày mưu hại cha con nó, để vượt biên với người khác.
- Tại sao anh nghĩ vậy? Anh muốn nói người khác nào? Nhân tình nào chớ?
- Chậc! Thì thằng Tư Lân chớ ai. Lần đó nó đi chung tàu với cô mà.
Bà Thanh đưa tay quẹt mồ hôi vừa rịn ra trên trán, đôi chân mầy nhíu lại như cố nhớ chuyện mười mấy năm trước. Hưng đưa cho mẹ tách trà anh mới rót, và lặng im nghe bà kể:
- Tôi còn nhớ rõ, đêm đó người ta bảo đúng mười giờ sẽ tập trung ra bãi, mười hai giờ xuất phát. Tôi sẽ đi với anh Trị và hai đứa nhỏ ở tàu do anh Trị chịu trách nhiệm. Gia đình tôi đã chuẩn bị đâu đó, nhưng khoảng tám giờ có người đến gọi tôi qua bên nhà cha mẹ có chuyện cần gấp. Anh Trị không muốn tôi đi, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi đã cãi lời anh, khăng khăng theo người ta. Qua bên ấy, tôi được ông ngoại thằng Hùng đưa thêm môt trăm lượng vàng để phòng thân. Trên đường về nhà, tôi bị anh em Tư Lân chận lại với lý do giờ xuất phát đã thay đổi vì bị lộ. Tôi phải đi chung tàu với ba mẹ và anh em hắn, chớ không đi chung với anh Trị và hai đứa nhỏ nữa.
Bà Thanh mím môi căm hận:
- Mặc cho tôi phản đối, Tư Lân uy hiếp buộc tôi xuống tàu trước, rồi nhốt dưới hầm. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, mãi tới khi hắn cho lên khoang tàu, tôi mới hiểu anh em Tư Lân đã trấn lột cướp hết vàng bạc của những người đi cùng rồi thảy họ xuống biển. Tư Lân đem tôi lên để chứng kiến cảnh hắn thảy người sau cùng là ba mẹ tôi. Hắn muốn rửa cái nhục trước đây tôi đã từ hôn để theo anh Trị. Lúc đó tôi ngất đi, khi tỉnh dậy thì thấy những người còn lại trên tàu toàn là dòng họ, bà con của Tư Lân. Ai cũng tỏ vẻ sợ hắn, kẻ giết người không gớm tay, kẻ không còn chút nhân tính nào hết. Tư Lân cho biết, những người đi trên tàu có anh Trị cũng sẽ bị giết sạch, sau khi đồng bọn hắn cướp hết tài sản.
Giọng bà Thanh nghẹn lại:
- Khi ấy tôi muốn nhảy xuống biển cho xong, nhưng nhớ tới đứa nhỏ còn trong bụng, tôi không đành lòng. Tàu đi được một ngày thì gặp bão, bão đánh tan tành mọi thứ, tôi vớ được miếng ván, rồi cứ bám vào nó mà trôi đến khi được một tàu nước ngoài cứu. Họ đưa tôi vào một trại tị nạn ở Thái. Đời sống ở đấy thật khủng khiếp. Tôi ốm liệt giường liệt chiếu và không bao giờ nghĩ mình sẽ ngồi dậy nổi. May nhờ anh Thanh, cậu ruột của Duy bảo bọc, tôi đã theo anh qua nước thứ ba. Tôi cần một người cha cho con mình. Nhưng con bé sanh ra chỉ sống được vài ngày.
Bà Mười nóng nảy:
- Còn thằng Tư Lân thì sao?
Nhè nhẹ lắc đầu, bà Thanh nói:
- Không biết! Chắc nó chết rồi!
Hưng nhìn mẹ mình, trong chốc lát anh có cảm giác bà già đi hàng chục tuổi. Hưng xót xa nhận ra đàng sau những nét đẹp nhờ son phấn của mẹ, là gương mặt của người từng chịu đựng nhiều đau khổ, tủi nhục.
Bất chợt hồi ức mỏng manh về mẹ sống lại trong tâm hồn Hưng. Anh mơ hồ thấy mình chạy tung tăng với mẹ trên những triền cát trắng, thuở ấy anh sáu bảy tuổi, mười mấy năm qua rồi, trí nhớ của Hưng chỉ còn ghi lại được ngần ấy kỷ niệm về mẹ. Anh đúng là đứa con vô tâm.
Hưng nắm lấy đôi tay lạnh ngắt của bà, giọng xúc động:
- Rồi ba sẽ hiểu mẹ. Tất cả là lầm lẫn. Mười mấy năm qua ba đau khổ vì những lầm lẫn đó, bây giờ ba phải tin mẹ, phải tin vào sự thật để tụi con có cha có mẹ như mọi người.
Bà Thanh buồn rầu:
- Mẹ đã có người đàn ông khác. Dầu ông ta đã chết, nhưng ba con sẽ không tha thứ.
- Ba cũng có người đàn bà khác, chính bà ta làm tiêu tan sự nghiệp của ba thì sao?
Bà Thanh gượng cười. Chồng bà là người cố chấp, bảo thủ. Bà biết dù bất cứ lý do gì ông cũng không bao giờ tha thứ cho những điều đã xảy ra trong quá khứ của bà. Hưng còn trẻ, chưa từng bước qua những ải đoạn trường, chưa từng đối mặt với sống và chết, chưa từng nuôi mối hận hàng mười mấy năm, nên Hưng chủ quan khi nghĩ rằng bà sẽ trở về sống êm đềm bên chồng bên con, như trong phần kết của một vở cải lương hay một cuốn tiểu thuyết nào đó.
Hoa Vàng Mấy Độ Hoa Vàng Mấy Độ - Trần Thị Bảo Châu