Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Salim
ột nhiên, trong bóng tối, tôi nhìn thấy hai đốm sáng chói lòa. Chúng ở xa và chuyển động rất nhanh, tựa như đôi mắt của một con thú đang lồng lộn trong cái lồng đêm tối. Tôi ngồi trên tảng đá, bên rìa ốc đảo Ouadane ở sa mạc Sahara, phía Đông Bắc Nouakchott – thủ đô Mauritania. Cả tuần nay tôi cố gắng đi khỏi đây. Vô ích. Bởi vì đến được Ouadane rất khó, nhưng đi khỏi còn khó hơn. Không có sẵn con đường nào đi tới đây, cũng không có các chuyến xe thường xuyên. Vài ngày hoặc vài tuần, một chiếc xe tải đi qua đây. Nếu người tài xế chở anh, thì anh đi. Nếu không, anh tiếp tục ở lại, trông chờ dịp may tiếp theo chẳng biết bao giờ mới đến.
Những người Mauritania ngồi cạnh tôi rục rịch. Bắt đầu cảm thấy hơi lạnh của đêm. Ở đây, cái lạnh đến đột ngột và sau một ngày nắng như đổ lửa, nó thấm vào người ta đau buốt. Không có áo da cừu hay tấm chăn nào có thể bảo vệ được anh trước cái lạnh này. Mấy người Mauritania chỉ có những tấm mền rách rưới, họ dùng chúng cuốn mình thật chặt, bất động như các pho tượng.
Không xa, một đường ống từ đất chui lên, đầu chót là cái máy bơm nén phủ đầy bụi và muối. Đây là chạm xăng duy nhất trong vùng. Nếu ô tô chạy đường này thì phải dừng lại ở đây. Trong ốc đảo chẳng có thứ gì khác hay ho. Thường thường, nơi đây, ngày trôi qua phẳng lặng và bất biến, giống như sự đơn điệu của khí hậu sa mạc: lúc nào cũng là vầng mặt trời ấy tỏa sáng, rừng rực và cô độc trên bầu trời chết, không một bóng mây.
Khi thấy các đốm sáng vẫn còn đang ở xa, những người Mauritania bắt đầu trao đổi với nhau điều gì đó. Tôi không hiểu một từ nào trong ngôn ngữ của họ. Có thể họ nói với nhau: “Kia rồi, cuối cùng thì xe cũng đến! Chúng ta đã đợi được!”
Đó là sự bù đắp cho những ngày dài chờ đợi, kiên nhẫn nhìn đăm đắm vào chân trời trơ lì, bất động, nơi đã từ lâu không một hình hài chuyển động nào xuất hiện, không có gì sống động có thể gây chú ý và bứt người ta ra khỏi tình trạng tê liệt của tuyệt vọng đợi chờ. Hơn nữa, nếu xe tải có đến – xe con quá yếu, không thể đi tuyến này – thì nó cũng không thay đổi được gì trong cuộc đời những con người này. Chiếc xe thường dừng một lát rồi lại đi ngay. Tuy vậy, ngay cả một lần dừng ngắn ngủi đối với họ cũng vô cùng cần thiết và quan trọng: nó làm phong phú cuộc sống, mang đến đề tài để trò chuyện; nhưng trước hết, nó là bằng chứng rành rành về sự hiện hữu của một thế giới khác và là sự khẳng định chắc nịch rằng cái thế giới ấy hẳn phải biết họ đang sống ở đây, một khi nó cử phái viên cơ giới của mình đến với họ.
Cũng có thể họ đang có cuộc tranh luận thường tình: xe sẽ đến – hay không đến? Di chuyển trong các vùng này của sa mạc Sahara là một chuyến phiêu lưu mạo hiểm, là trò may rủi vô tận, sự bất ổn thường xuyên. Sau bao nhiêu sống trâu, ổ gà, hố voi, đá lớn đá nhỏ lô nhô, những đụn cát và mô đất, đá vụn và sỏi trơn trượt, chiếc xe tiến lên với tốc độ sên bò vài cây số một giờ. Trong một chiếc xe tải như thế này, từng bánh xe đều có bộ phận truyền động riêng và mỗi cái, từng mét một, lúc quay lúc dừng trên những lồi lõm gãy đứt, tự tìm cho mình cái gì đó để bấu víu. Để rồi tổng hợp của những nỗ lực và gắng sức bền bỉ ấy – luôn luôn đồng hành cùng tiếng rú của cái máy quá căng và quá nóng cũng như tiếng răng rắc của thân xe lắc lư – mới khiến cho chiếc xe tải tiến lên phía trước.
Nhưng người Mauritania cũng biết rằng đôi khi chiếc xe tải bị mắc kẹt một cách vô vọng ở ngay bên rìa, khi chỉ còn một bước nữa là tới ốc đảo. Chuyện đó xảy ra nếu bão mang những núi cát đổ lên đường, cản trở xe đi tiếp. Lúc ấy, hoặc người ta mở lại đường, hoặc tài xế phải tìm đường vòng, hoặc đơn giản là anh ta quay về nơi xuất phát. Phải đợi cho đến khi có cơn bão mới dịch các đụn cát ra xa và dọn sạch đường.
Nhưng lần này, các đốm sáng tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Rồi ánh sáng của chúng bắt đầu làm hé lộ những ngọn chà là đang ẩn mình trong bóng tối, những vách lều đất tồi tàn và đám dê, cừu ngái ngủ bên đường, cho đến khi rốt cuộc, chiếc xe Berliet đồ sộ kéo theo sau từng đám bụi dừng lại trước mặt chúng tôi trong tiếng rầm rầm leng keng của kim loại. Berliet là loại xe tải của Pháp được cải tiến để đi trên những vùng sa mạc không có đường. Chúng có bánh xe và lốp lớn, trên mui gắn tấm lưới lọc không khí dựng đứng lên cao. Kích thước lớn và hình dạng nhô lên của tấm lọc khiến nhìn từ xa những chiếc xe này trông như đầu máy hơi nước cổ.
Từ buồng lái, anh tài xế – một người Mauritania da đen, chân đất mặc bộ djellabah màu chàm dài chấm mắt cá chân – leo thang xuống. Anh cao to, giống như phần lớn đồng hương của mình. Người và động vật có trọng lượng cơ thể lớn chịu được cái nóng nhiệt đới tốt hơn, do đó cư dân vùng Sahara thường có thân hình to lớn. Luật chọn lọc tự nhiên cũng chi phối ở đây – trong các điều kiện cực kỳ khó khăn như trên sa mạc, chỉ những người khỏe mạnh nhất mới sống được đến tuổi trưởng thành.
Những người Mauritania ở ốc đảo lập tức vây lấy anh tài xế. Một tràng lời chào mừng, thăm hỏi, chúc tụng ồn ào bắt đầu. Rồi cứ thế tuôn và tuôn. Ai cũng hò hét và khoa tay múa chân như thể đang tham dự một phiên chợ ầm ĩ. Lát sau, trong cuộc trò chuyện, họ bắt đầu chỉ tôi cho anh tài xế. Trông tôi rất tiều tụy. Khi đó tôi bẩn thỉu, râu tóc lởm chởm và trước hết là kiệt sức vì những cơn nóng kinh hoàng của mùa hè Sahara. “Sẽ như có ai lấy dao đâm vào anh ấy” – một người Pháp dày dạn kinh nghiệm đã cảnh báo trước với tôi như vậy. Đâm vào lưng, vào đầu. Các tia nắng cuối buổi trưa giáng xuống bằng sức mạnh của lưỡi dao.
Người tài xế nhìn tôi và thoạt đầu không nói năng gì. Nhưng rồi anh chỉ tay ra xe và gọi tôi: “Yalla!” (Đi thôi? Lên đường!) Tôi leo vào buồng lái và sập cửa. Chúng tôi lên đường ngay.
Thực tình tôi không biết mình đang đi đâu. Trong ánh đèn pha, cát trôi qua trước mặt chúng tôi, lúc nào cũng vẫn là cát ấy, ánh lên với những sắc thái khác nhau, xen lẫn những dải sỏi và đá mảnh. Bánh xe thỉnh thoảng lại nảy lên những gờ đá granit hoặc rơi vào các ổ gà, rãnh đá. Trong đêm đen sâu thẳm chỉ nhìn thấy hai vệt ánh sáng lướt trên bề mặt sa mạc, hai con mắt sáng lóa, sắc nét. Ngoài ra không trông thấy gì hết – hoàn toàn không.
Hồi lâu sau, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng chúng tôi đang nhắm mắt đi bừa, cứ nhắm thẳng phía trước mà tiến, vì chẳng thấy ở đâu một điểm định hướng nào, một dấu hiệu, cột mốc hay dấu vết nào khác của con đường. Tôi thử hỏi anh tài xế. Tôi chỉ vào màn đêm trước mặt và hỏi: “Nouakchott?”
Anh nhìn tôi và phá lên cười: “Nouakchott?” Anh nhắc lại với vẻ mơ màng như thể nói về vườn treo của Semiramis, thật diễm lệ, nhưng đối với chúng ta, những người bé mọn, thì chúng được treo quá cao. Từ đó tôi kết luận rằng chúng tôi đang đi không theo hướng tôi cần, nhưng tôi không biết làm sao để hỏi anh thực sự là đang đi đâu. Tôi rất muốn trò chuyện và làm thân hơn với anh. “Ryszard” – tôi nói và chỉ vào mình. Rồi tôi lại chỉ anh. Anh hiểu. “Salim” – anh đáp và lại cười lớn. Chúng tôi rơi vào im lặng. Chắc hẳn chúng tôi đang gặp một vùng sa mạc bằng phẳng, vì chiếc xe Berliet bắt đầu chạy êm và nhanh hơn (chính xác nhanh chừng nào thì tôi không biết, vì tất cả các đồng hồ trong xe đều hỏng). Chúng tôi đi thêm một lúc không nói năng gì, cho đến khi rốt cuộc tôi thiếp đi.
Sự im lặng đột ngột làm tôi tỉnh giấc. Máy tắt và ngay sau đó, chiếc xe tải dừng lại. Salim bắt đầu nhấn bàn đạp ga và chốc chốc lại vặn chìa khóa nổ máy. Ắc quy vẫn hoạt động, hệ thống khởi động cũng vậy, nhưng máy thì im bặt. Ngày sang và trời đã sáng. Anh chàng người Mauritania lục tìm trong buồng lái cái đòn bẩy để mở mui xe. Điều đó khiến tôi thấy lạ và nghi ngờ ngay: thế này là thế nào, lái xe mà không biết mở mui xe? Cuối cùng anh hiểu ra là phải nhả cái tay cầm phía bên ngoài xuống để mở. Anh đạp lên cái chắn bùn và bắt đầu xem xét máy xe, nhưng anh nhìn vào cấu trúc rối rắm ấy như thể lần đầu tiên thấy nó trong đời. Anh chạm vào cái này, thử động đậy cái kia, nhưng tất cả đều với một vẻ rất không chuyên nghiệp. Anh vặn chìa khóa khởi động, nhưng cái máy im lặng như một nấm mồ. Anh tìm thấy thùng dụng cụ, nhưng trong đó chẳng có mấy thứ. Anh lôi ra cái búa, có vài cái cờ lê và tuốc nơ vít. Sau đó, anh bắt đầu tháo máy ra.
Tôi ra khỏi buồng lái. Xung quanh chúng tôi, hết tầm mắt, là sa mạc. Cát, với những tảng đá sẫm màu rải rác. Gần đó, một tảng đá đen to tròn nhô lên khỏi mặt đất. Buổi chiều, khi bị mặt trời nung, nó sẽ phát ra cái nóng như từ lò nấu kim loại. Quang cảnh như trên mặt trăng chấm dứt bằng đường chân trời nằm ngang, bằng phẳng tuyệt đối: mặt đất kết thúc, rồi sau đó chỉ có trời và trời. Không một ngọn núi. Không một đụn cát. Không một chiếc lá. Và tất nhiên, không một chút nước. Nước! Đó là thứ người ta nghĩ đến đầu tiên trong các tình huống như thế này. Bởi trên sa mạc, thứ con người nhìn thấy đầu tiên khi buổi sáng mở mắt ra là gương mặt kẻ thù của anh ta – gương mặt rực cháy của mặt trời. Cảnh tượng ấy ngay lập tức đánh thức phản xạ tự vệ: tìm nước. Uống! Uống! Chỉ có bằng cách ấy anh ta mới có thể tăng thêm cho mình dù chỉ một chút cơ hội trong cuộc vật lộn vĩnh cửu với sa mạc – cuộc đọ sức tuyệt vọng với mặt trời.
Tôi quyết định nhìn quanh tìm nước vì tôi không mang gì theo hết, cả nước lẫn thức ăn. Tôi không tìm thấy gì trong buồng lái. Nhưng có một chút nước: phía dưới gầm xe, bên trái và bên phải, mỗi bên có hai bầu nước được buộc vào thùng xe. Mỗi bầu đều được làm từ da dê thuộc rồi may lại, sơ sài đến mức vẫn giữ nguyên hình thù con vật. Một trong các chân dê được dùng làm vòi để uống.
Tôi thở phào nhẹ nhõm được một chút, nhưng chỉ một chút thôi. Tôi bắt đầu tính toán ngay. Không có nước, người ta chỉ có thể sống sót trên sa mạc một ngày, chật vật lắm thì là hai, và không phải lúc nào cũng được như vậy. Bài toán thật đơn giản: trong các điều kiện như thế con người có thể mất gần mười lít mồ hôi một ngày và để sống, anh ta phải uống một lượng nước tương tự. Không có nước, anh ta sẽ thấy khát ngay. Cơn khát kéo dài trong cái khí hậu nhiệt đới khô nóng là cảm giác hủy hoại và làm kiệt sức, là thứ khó chế ngự hơn cả cái đói. Sau vài giờ đồng hồ bị khát con người trở nên hôn mê và mềm nhũn, bắt đầu yếu đi và mất định hướng. Thay vì nói, anh ta sẽ lảm nhảm, càng lúc càng không rõ ràng. Ngay trong tối hôm đó, hay là ngày hôm sau, anh ta sẽ sốt cao và chết rất nhanh.
Nếu Salim không chia nước cho mình, tôi nghĩ, mình sẽ chết ngay trong hôm nay. Nếu anh cho tôi một phần, chúng tôi chỉ đủ nước dự trữ cho thêm một ngày – có nghĩa là ngày mai chúng tôi sẽ chết, muộn nhất là ngày kia.
Tôi cố gắng ngừng dòng suy nghĩ và quyết định quan sát xem anh tài xế làm gì. Lấm lem vì dầu mỡ và nhễ nhại mồ hôi, Salim tháo cái máy ra, vặn ốc và tháo dây điện, nhưng tất cả chẳng có chút trật tự hay ý nghĩa gì hết, giống như đứa trẻ đang giận dữ đập vỡ món đồ chơi khi nó không chạy nữa. Trên những tấm chắn bùn, trên cái hãm xung, la liệt lò xo, van, vòng đệm và dây thép, một số đã bị rơi xuống đất. Tôi để mặc anh và đi xuống cuối xe, bên phía còn có bóng râm. Tôi ngồi xuống đất và tựa vào bánh xe.
Salim.
Tôi chẳng biết gì về con người đang nắm trong tay sinh mệnh của mình. Ít nhất cũng là nắm nó trong ngày hôm ấy. Nếu Salim đuổi tôi đi khỏi xe và chỗ nước kia – anh có búa trong tay và hẳn là cả con dao trong túi, hơn nữa anh có lợi thế hơn nhiều về sức lực – nếu anh bắt tôi đi khỏi đây và cứ thẳng tiến, vào lòng sa mạc, tôi chậm chí sẽ không sống được đến đêm. Mà tôi cảm tưởng rằng đó chính là điều có thể xảy ra. Dẫu sao thì bằng cách ấy anh sẽ kéo dài được sinh mạng của mình hoặc thậm chí cứu được nó, nếu có người đến giúp kịp thời.
Rõ ràng Salim không phải tài xế chuyên nghiệp, hay ít ra, anh không phải là tài xế xe Berliet. Anh cũng chẳng rành rẽ vùng này. Mà hơn nữa, làm sao có thể biết rõ sa mạc, nơi các cơn bão và gió lốc không ngừng thay đổi quang cảnh, dịch chuyển các núi cát mỗi lúc vào một chỗ khác nhau, tùy tiện thay đổi các dấu hiệu? Ở đây, nếu ai đó có chút tiền, họ thường thuê ngay một người có ít tiền hơn làm công chuyện cho mình. Chắc hẳn tài xế của chiếc xe này đã thuê Salim lái xe đến ốc đảo. Tuy nhiên, ở đây người ta không bao giờ thú nhận rằng mình không biết hay không làm được điều gì đó. Nếu ta gặp người tài xế taxi, cho anh ta xem địa chỉ và hỏi anh có biết nó ở đâu không, anh ta sẽ trả lời là mình biết không chút lưỡng lự. Thế rồi bắt đầu chuyến đi khắp cả thành phố, loanh qua loanh quanh, vì tất nhiên là anh ta không có khái niệm phải đi đường nào.
Mặt trời lên mỗi lúc một cao hơn. Biển sa mạc bất động như hóa thạch hút những tia nắng mặt trời, nóng lên và bắt đầu cháy. Dần đến thời khắc khi tất cả trở thành địa ngục – mặt đất, bầu trời, chính chúng ta. Người Yoruba tin rằng nếu cái bóng rời bỏ con người, anh ta sẽ chết. Vậy mà ở đây, mọi cái bóng đang bắt đầu thu vào, nhỏ lại, mờ đi. Chúng bắt đầu biến mất. Những giờ buổi trưa kinh hoàng đang đến gần, thời khắc khi trong vũ trụ người và vật không có bóng, tồn tại mà không tồn tại, chỉ còn là màu trắng sáng rực, chói lòa.
Tôi nghĩ thời khắc ấy đã đến, nhưng đột nhiên, tôi nhìn thấy trước mặt một quang cảnh hoàn toàn khác. Chân trời chết, bất động, bị cái nóng đè nặng đến mức cảm giác như không gì có thể hiện lên và xảy ra ở đó nữa, bỗng sống dậy, xanh mướt. Hút tầm mắt, ở đằng xa, có thể nhìn thấy những cây cọ cao, tráng kiện, cả rừng cọ mọc dọc theo đường chân trời, rậm rạp, không đứt quãng. Thấy cả một hồ nước, đúng thế, hồ nước rộng và xanh biếc, mặt hồ gợn sóng sinh động. Ở đó cũng có những bụi cây lớn, cành chằng chịt, xanh đậm, tươi roi rói. Và tất cả không ngừng lung linh, biến đổi, bập bềnh như sau làn sương mù, mờ mờ ảo ảo. Trong không khí – ở đây, quanh chúng tôi và đằng kia, nơi chân trời – một sự tĩnh lặng sâu thẳm không chút gợn bao trùm: gió không thổi, những cánh rừng kia không chim chóc.
- Salim! – tôi gọi. Salim!
Cái đầu thò ra dưới tấm mui xe đang mở. Anh nhìn tôi.
- Salim! – tôi lại gọi lần nữa rồi chỉ cái hồ và những cánh rừng, cả một khu vườn tươi ngon của sa mạc, thiên đường Sahara.
Salim liếc mắt về hướng đó – chẳng có biểu hiện gì hết. Chắc hẳn anh phải nhìn thấy trên gương mặt bẩn thỉu tràn mồ hôi của tôi nỗi phân vân, hoang mang và sung sướng vô ngần, nhưng cả một cái gì đó nữa, điều rõ ràng khiến anh không an lòng, vì anh đi ra sau xe, tháo bầu nước ra, uống một chút rồi đưa hết cho tôi không nói một lời. Tôi vồ lấy cái bọc da xù xì và bắt đầu uống. Tôi chóng mặt và để khỏi ngã, tôi dựa vai vào thùng xe Berliet. Tôi mút nước từ cái chân dê, vẫn nhìn chằm chằm vào chân trời. Song càng thấy đỡ khát, sự điên rồ nào đó trong tôi càng lắng xuống, thì quang cảnh xanh tươi trước mắt bắt đầu biến mất. Màu sắc của nó nhạt dần và phai đi, hình hài nó co lại và nhòa ra. Khi tôi uống cạn khô bầu nước, chân trời lại bằng phẳng, trống trải và không sự sống. Nước, thứ nước kinh tởm của Sahara, ấm, bẩn, đặc cát và bùn, cho phép tôi sống thêm nhưng lại tước mất của tôi khung cảnh thiên đường. Tuy nhiên, điều lớn lao nhất trong ngày hôm ấy là Salim đã tự đưa cho tôi uống. Tôi không còn sợ anh nữa. Tôi cảm thấy mình an toàn, ít ra là cho đến khi chúng tôi còn ngụm nước cuối cùng.
Suốt nửa ngày sau chúng tôi nằm dưới xe tải, trong cái bóng hẹp và nhợt nhạt của nó. Trong thế giới được bao quanh bằng những đường chân trời cháy rực ấy, tôi và Salim là sự sống duy nhất. Tôi ngắm nghía mặt đất trong tầm tay mình, những tảng đá gần nhất. Tôi tìm một sinh vật sống nào đấy, một cái gì đó rung rinh, động đậy, bò trườn. Tôi nhớ lại rằng ở đâu đó trên Sahara có loài bọ nhỏ mà người Tuareg gọi là Ngubi sinh sống. Khi trời rất nóng, Ngubi bị cơn khát hành hạ, nó muốn uống nước. Nhưng không ở đâu có nước, xung quanh chỉ là cát bỏng. Vậy là để uống, con bọ chọn một chỗ dốc, có thể là cát nghiêng, rồi bắt đầu cần mẫn leo lên đỉnh. Đây là một gắng sức lớn, khó khăn như Dã Tràng xe cát, vì cát luôn trượt đi, đẩy con bọ xuống dưới, xuống điểm khởi đầu con đường khổ cực của nó. Bởi vậy không lâu sau, con bọ bắt đầu đổ mồ hôi. Cuối bụng nó ứa ra một giọt mồ hôi lớn. Khi đó, Ngubi ngừng trèo, co người lại và vục miệng vào giọt mồ hôi ấy.
Nó uống.
Salim có mấy chiếc bánh bích quy để trong túi giấy. Chúng tôi đã uống hết bầu nước thứ hai. Còn hai bầu nữa. Tôi nghĩ mình phải viết gì đó. Tôi nhớ ra đôi lúc người ta viết gì đó trong những thời khắc thế này. Nhưng tôi không còn hơi sức nữa. Thực ra tôi không đau đớn gì cả. Chỉ là mỗi lúc một trống rỗng hơn. Trong sự trống rỗng này lại có một sự trống rỗng khác lớn lên.
Rồi đột nhiên, trong bóng tối, tôi nhìn thấy hai đốm sáng chói lòa. Chúng ở xa và chuyển động rất nhanh. Sau đó tiếng ầm ào của động cơ kéo đến, tôi nhìn thấy cái xe tải, nghe những tiếng nói bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu. “Salim!” – tôi gọi. Mấy khuôn mặt da đen giống mặt anh cúi xuống trên người tôi.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun