Chương 13 - Phong Trào Ở Trung Và Nam
húng tôi chưa kiếm được nhiều tài liệu về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Trung và Nam.
Có thể rằng công cuộc duy tân ở Trung xuất hiện sớm hơn ở Bắc nhờ cuộc Nam du của cụ Phan Châu Trinh năm 1904. Khi ghé Phan Thiết, cụ đã mở một thư xã, diễn thuyết nhiều lần (coi chương I); năm 1905 ông Nguyễn Trọng Lợi mở tư thục Dục Thanh để dạy thanh niên theo một lối mới. Trường có tiếng vang vào trong Nam và một gia đình ở Tân Thành (Đốc Vàng thượng) Long Xuyên, gởi một người con ra học, mặc dầu thời đó phương tiện giao thông rất khó khăn, phải đi bằng ghe bầu. Người đó hiện còn sống ở Bạc Liêu, họ Nguyễn tên Phán. Ông cho tôi hay rằng mỗi buổi sáng có một giờ thể dục rồi mới học các môn về sử ký, địa lý, chính trị... bằng Việt ngữ. Các bài ca ái quốc của các cụ Phan đều được học thuộc lòng; ngoài ra giáo sư, một cụ Tú (có lẽ là cụ Lương Thúc Kỳ 1 ) giảng thêm về các sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Nhưng chỉ được mấy tháng rồi trường bị đóng cửa.
Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị rút giấy phép, phong trào mới lan vào Bình Thuận, do một nhà cách mạng, cụ Nguyễn Hữu Hoàn, thân phụ nhà văn Nguyễn Hữu Ngư. Cụ sanh năm 1887 ở xã Phụng Hoàng (Hà Tĩnh), thi hương một kỳ rồi bỏ luôn khoa cử, hồi ở quê nhà đã chịu ảnh hưởng của cụ Tây Hồ, hoạt động ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, cho cả hai phong trào Đông du và Duy tân, liên lạc với cụ Thái Phiên ở Đà Nẵng, cũng hô hào đồng bào cắt tóc, theo cái học mới... Khi phong trào chống sưu thuế bị đàn áp dữ dội, cụ lại di cư xuống phía Nam, ghé Phan Thiết, gặp vài bạn đồng tâm, như cụ Hồ Tá Bang, phụ thân bác sĩ Hồ Tá Khanh, cuối cùng cụ định cư ở làng Tam Tân, huyện Hàm Tân, gần Kê Gà. Nơi này hồi đó rất hẻo lánh chỉ có một vài xóm nhà dựa lưng vào rừng và nhìn ra biển, không có trường học mà thiếu cả ông đồ. Cụ làm thuốc và mở lớp dạy học chữ Hán theo tinh thần Khang - Lương, rồi dạy chữ Việt theo tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục, cổ động tình đoàn kết, phổ biến những tư tưởng dân chủ, tự cường, bài trừ dị đoan... Được dân trong miền kính mến, nên cụ chọn ngay nơi đó làm quê hương thứ nhì. Nhờ cụ mười lăm năm sau những bài ca như Á Tế Á được thiếu phụ Hàm Tân dùng để ru con.
Năm 1917, cụ Nguyễn Đình Kiên tức Tú Kiên, một đồng chí mà cũng là đồng hương của cụ vượt ngục Côn Đảo mà tấp vào Tam Tân, cụ bảo lãnh với dân làng rồi cho người thân tín đưa lên ga Sông Phan trốn thoát. Vụ đó sau có người tố cáo, cụ Nguyễn Hữu Hoàn bị đày ra Lao Bảo hai năm, được ân xá, phát hồi nguyên quán (Hà Tĩnh). Ít năm sau cụ trốn về Tam Tân, lại bị tố cáo, lại bị phát hồi, cuối cùng cụ phải cải danh, vào Nam. ở tại miền Cần Đước, Cần Giờ, tới khi Nhật đảo chánh, mới trở về Tam Tân.
Trong cuộc cách mạng của toàn dân năm 1945, cụ cùng con trai và môn đệ hoạt động cho ủy ban trong miền, rồi ra Quảng Ngãi, Tuy Hòa, gặp lại bạn cũ là cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng thời đã khác mà lòng con người cũng khác, nên cụ hơi chán, lại trở về Tam Tân, mất tại đó năm 1953.
Như vậy thì ta có thể đoán rằng suốt giải Trường Sơn và bờ biển Trung Việt, còn nhiều nơi lẻ tẻ chịu ảnh hưởng của Nghĩa Thục, chúng ta hiện nay chưa thu thập được tài liệu đấy thôi.
Người có công nhất ở miền Trung là cụ Phan Châu Trinh. Ngoài những hoạt động năm 1905 ở Phan Thiết, cụ còn hô hào thành lập nhiều trường và nhiều cơ sở thương mại, tiểu công nghệ ở Quảng Nam. Chúng tôi mong rằng các nhà viết địa phương chí về xứ Quảng sẽ ra công tìm thêm nhiều tài liệu về công cuộc duy tân của cụ.
°
Tại Nam, như trong một chương trên tôi đã nói, ba chí sĩ đầu tiên hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục là các cụ Nguyễn An Khang, Nguyễn An Cư và Nguyễn Thần Hiến. Phải kể thêm cụ Trần Chánh Chiếu, tức Gilbert Chiếu.
Cụ Nguyễn An Khang 2 là một nhà văn danh tiếng ở Sài gòn thời đó, viết giúp tờ Nông cổ mín đàm và dịch nhiều truyện Tàu như Tam Quốc chí, Thủy hử, Phấn Trang lầu... Cụ lập một khách sạn đặt tên là Chiêu Nam lầu để đưa rước các thanh niên xuất dương.
Cụ Nguyễn Thần Hiến, quê ở Hà Tiên, lập nghiệp ở Cần Thơ, sau khi lập Khuyến du học hội, bị người Pháp dòm ngó, biết không thể hoạt động trong nước được nữa, năm 1908 lén qua Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, gặp cụ Phan Bội Châu ở Thái Lan, năm 1913 đem về nước một số tạc đạn mua ở Hương Cảng bị bắt giam ở Hà Nội, tuyệt thực và mất đúng ngày nguyên đán năm Giáp Dần (1914).
Cụ Trần Chánh Chiếu, tức Gilbert Chiếu, cũng gọi là Phủ Chiếu, vì cụ được chức phủ hàm, quê ở Rạch Giá, làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn, có lần bí mật qua Hương Cảng hội đàm với cụ Sào Nam, do con là Trần văn Tiết (tức Jules Tiết mà có sách chép là Jules Tuyết) du học ở Hương Cảng giới thiệu, rồi đem những bản hiệu triệu bằng Hán văn của cụ Sào Nam về nước. Cụ cùng với cụ Nguyễn Thành Út lập Minh Tân công nghệ xã để nấu xà bông ở Chợ Lớn và Minh Tân khách sạn ở trước ga xe lửa Sài Gòn để đón tiếp các đồng chí.
Ngoài ra, cụ Đặng Thúc Liêng ở Sa Đéc cũng hoạt động ít nhiều.
Nhờ các cụ ấy mà các sách cách mạng của cụ Sào Nam, những bài ái quốc của Nghĩa Thục được truyền vào Nam và một số đông thanh niên được đưa qua Nhật, như Trương Duy Toàn, Đỗ văn Y, Nguyễn Háo Vĩnh... 3
°
Năm 1910, các cụ ở Đông Kinh trừ cụ Lê Đại, bị đưa từ Côn Đảo về an trí tại Nam Việt. Tuy bị dò xét kỹ, các cụ không hoạt động được gì nữa, song nhờ tư cách cùng chí khí, các cụ cảm hóa được một số đồng bào. Nhiều gia đình ở Long Xuyên, Sa Đéc, Bến Tre ngưỡng mộ các cụ, cho con em lại học và một số đông nhà cách mạng lớp sau nay, nghĩa là từ 1925 trở đi, tự hào rằng đã được các cụ dạy bảo hồi còn nhỏ. Người Pháp đâu có ngờ rằng bắt các cụ biệt xứ lại là vô tình giúp các cụ cơ hội gieo mầm cách mạng ở những nơi xa xôi.
Tính tình ngang tàng của cụ Võ Hoành đã nhiều lần làm cho nhà cầm quyền ở Sa Đéc bực mình mà cứ phải nhắm mắt làm lơ. Từ chối số tài trợ 10đ. chính phủ tặng mỗi tháng, đó chỉ là việc thường, mặc dầu 10đ, hồi 1910 bằng vài ngàn đồng bây giờ; không chịu đóng thuế thân, lính hỏi thì bảo lính: “Lại đòi quan Chánh Tham biện, chính phủ thiếu tôi mỗi tháng 10đ, đã biết mấy năm rồi”, cũng chỉ là một việc thường nữa; đến như ngày lễ Cách mạng Pháp (14 tháng 7 D.L.) lính bảo treo cờ tam tài, cụ ừ ừ rồi bảo con gái thượng ngay một chiếc quần móc trên đầu sào ở gần cửa, thì quả thực đầu cụ là đầu “sọ gáo”, (coi Phụ lục II).
Thơ cụ không hay, nhưng luôn luôn có cái giọng hằn học, phẫn uất của một nhà cách mạng phải khoanh tay chờ thời. Gần sáu chục tuổi, cụ gởi cho bạn một bài:
Ngao ngán lòng tôi tối lại mai,
Lòng tôi, tôi biết giãi cùng ai?
Ngàn năm cố quốc hồn chưa tỉnh,
Hai chữ đồng tâm nét cũng sai!
Mài lệ chép thơ phơi trước mắt,
Coi tiền như mạng bỏ ngoài tai.
Thôi thôi biết nói chi cho hết,
Càng nói càng thêm nỗi thở dài.
Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng, tôi được gặp cụ tại một trụ sở thanh niên ở Sài Gòn. Tóc đã bạc nhiều, chân đã chậm nhưng lưng cụ vẫn thẳng như một cây cột. Nghe nói năm sau, cụ theo nghĩa quân vào Đồng Tháp Mười, bày mưu để tấn công địch, người ta không theo kế hoạch của cụ đến nỗi đại bại, cụ uất quá, hộc máu mà chết.
°
Cụ Phương Sơn họa lại bài thơ trên của cụ Võ Hoành như sau:
Khí phách thường như buổi sớm mai,
Đường văn minh đó, hẹp chi ai?
Đạp vòng tớì đất chân cho vững,
Vẽ mặt giang san, bút dám sai?
Cọp bắt tay không đừng nói khoác, 4
Rắn theo tàn đuốc cũng công tai. 5
Anh em giữ lấy niềm hòa hảo,
Nòi giống về sau phúc lộc dài.
Đọc hai bài thơ đó, ta thấy tính tình hai cụ trái hẳn nhau: một cụ thì nóng nẩy, một cụ thì ung dung, một cụ chỉ muốn vùng vẫy bứt xiềng, một cụ thì dưỡng tâm để đợi vận.
Sau khi cụ Chân Thiết qua Trung Hoa, cụ Phương Sơn vẫn ở lại Hà Nội hoạt động ngầm, nhưng khi thấy cụ Chân Thiết cuồng nhiệt, táo bạo quá, cụ đoán trước việc liệng tạc đạn vào nhà hàng Coq d’Or thế nào cũng có hậu quả tai hại cho nghĩa đảng, khuyên bạn mà không được, cụ giả câm, nhờ một người bồi tàu là Lý Tuệ 6 giấu cụ trong khoang chứa than của một chiếc tàu tây, lén vô Sài Gòn, tính ở Nam ít tháng để liên lạc với đồng chí rồi sẽ qua Xiêm, không ngờ tàu vô Vũng Tàu thì hay tin đêm trước Phan Xích Long một công phá khám lớn Sài Gòn (1913), mật thám đương canh gác, dò la rất gắt những kẻ lạ mặt. Cụ phải trốn lánh ở Sài Gòn trong một thời gian, không dám đi tìm thăm các cụ Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Dương Bá Trạc; sau lẻn về một miền hẻo lánh ở ven Đồng Tháp Mười, một miền hồi đó chưa có đồn bót của Pháp, mà sự giao thông với các nơi khác đều do ghe xuồng.
Tại đó cụ gặp hai đồng chí là cụ Hồ Nhựt Tân và cụ Ba Điền (tự là Hiện Long). Hồi mới hay tin Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập, hai cụ này mướn ghe bầu ra Hà Nội để nhập hội, nhưng tới nơi thì Nghĩa Thục đã bị đóng cửa. Hai cụ lạ xứ, bơ vơ, giọng nói làm cho mọi người để ý, sợ ở lại lâu tất bị bọn “trành” bắt, hỏi giấy thông hành, rồi tra xét, giam cầm, nên đành lại do đường biển mà về Nam. Năm 1915 cụ Phương Sơn khuyên cụ Hồ Nhựt Tân mở hiệu thuốc Tân Hợp Long ở Chợ Thủ làm nơi liên lạc các đồng chí. Cụ Lương văn Can lúc đó bị an trí ở Nam Vang, hay tin, mừng một bài thơ trong đó có hai câu:
Hóa hàng đủ cả Nam và Bắc,
Tư bản coi ra riêng cũng chung.
Cụ Phương Sơn lại liên lạc với cụ Nguyễn Quang Diêu (1880-1936), người Cao Lãnh. Cụ Nguyễn thông chữ Hán, có chí từ hồi trẻ, tiếp tay cụ Nguyễn Thần Hiến trong Khuyến du học hội, tiếp xúc với các cụ Dương Bá Trạc, Võ Hoành và có ý chờ cơ hội xuất dương. Năm 1913, cụ Huỳnh Hưng tên thực là Huỳnh văn Nghị, người Tam Bình - Vĩnh Long, đã qua Nhật từ 1906, được các cụ Cường Để, Phan Sào Nam phái về nước đón các đồng chí, cụ Nguyễn Quang Diêu nhân dịp cùng với mươi người nữa, lén qua Trung Hoa, tới Hương Cảng, chưa kịp đi Hàng Châu thì bị cảnh sát bắt cùng với Nguyễn Thần Hiến, Đinh Hữu Thuật, Huỳnh Hưng, và giải về Hà Nội, giam ở Hỏa Lò, tức Khám Lớn.
Cụ chép lại lần bị giam đó trong bài Hà Thành lâm nạn, một bài có giá trị về phương diện tài liệu lịch sử cách mạng Việt Nam, mà dưới đây tôi xin trích vài đoạn:...................................................
Thương ông Thần Hiến râu mày,
Cùng Đinh Hữu Thuật 7 đều đày mười năm.
Càng thương kẻ thiếu niên Nguyễn Truyện 8
Du học mà án biện chung thân.
Oan anh Trần Ngọ (?) quá chừng,
Tám năm tân khổ không phân lẽ nào....................
Còn một bác tên Bùi Chi Nhuận, 9
Xiêm giải về án luận chung thân.
Thảm cho Ba Phú (?) muôn phần,
Đi bồi mà cũng phong trần năm năm.....................
Còn ngoài Bắc hỏi ai chí sĩ,
Hiệp kể ra hơn bảy mươi người
Bảy ông xử tủ đã rồi, 10
Bao nhiêu đều phải lưu đồ phương xa.
Nghĩ thương cụ Cử già 11 tuổi tác,
Vì non sông phải bước tân toan
Trong lao lại có cô Hoàng, (?)
Vẩn (?) phường nhi nữ mà gan anh hùng........................
Năm 1914, cụ Nguyễn Quang Diêu bị đày qua đảo Guyane, năm 1917 cụ vượt ngục, trốn qua đảo Trinidad (tên Pháp là Trinité) của Anh, làm công cho một tiệm buôn Trung Hoa, học thêm tiếng Trung Hoa và học tiếng Anh, rồi cuối 1920 trốn về Hương Cảng, tìm gặp cụ Nguyễn Hải Thần, cuối 1926 mang quốc tịch Tàu, trở về Sài Gòn sau mười năm lưu lạc. Từ Sài Gòn, cụ về thẳng Sa Đéc, thăm cụ Võ Hoành, chỉ kịp giáp mặt vợ con một lần rồi lại hăng hái lo việc cách mạng, len lỏi ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Tân An, tìm đồng chí lập đảng; sau bị Pháp dò ra được tung tích và lùng bắt, cụ phải trốn ở làng Vĩnh Hòa, giáp biên giới Miên Việt, rồi mất tại đó. Sức vùng vẫy và tính mạo hiểm của cụ, ít ai bì kịp.
Nhân một dịp Tết, cụ ghé làng Đốc Vàng Thượng thăm cụ Phương Sơn, chán nản đọc cho bạn nghe bài thơ dưới đây:
Cày mòn tấc lưỡi mấy năm trời 12
Tuy chẳng giàu mà cũng đủ xơi.
Chồng thẻ tháng ngày thoi giục tuổi,
Đầy sân đào lý gấm thêu chồi.
Cây nêu tiếng pháo đâu như đấy,
Chén rượu câu thi ai với tôi?
Người khách cho hay xuân cũng khách,
Thôi ta cung hỉ lấy ta chơi! 13
Cụ Phương Sơn họa lại:
Đã từng vùng vẫy bốn phương trời,
Năm mới về đây nhậu lại xơi.
Tuyết trắng hao mòn gần hết lạnh,
Mai vàng rực rỡ muốn đâm chồi.
Gởi nhờ trời đất, ai không khách,
Mài miệt cầm thư thẹn cái tôi.
Gặp lúc thái bình mây gió tốt,
Nên chơi ta rủ bạn ta chơi.
Trong bài đó hai câu thực ám chỉ sự suy vi của thực dân da trắng và sự cường thạnh sẽ tới của giống da vàng; hai câu kết tiên đoán sẽ có cuộc đại chiến ở Thái Bình Dương.
--------------------------------
1 Lương Thúc Kỳ (1873-1947) đậu cử nhân năm 1900 cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh... tham gia phong trào duy tân, dạy tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết, bị bắt giam một thời gian ngắn. Sau về Huế làm việc ở Cổ học viện (BT).
2 Cụ là thân phụ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Khi Nguyễn An Ninh xin cụ qua Pháp học, cụ bảo: “Những người đi học bên Pháp về thường chỉ lo vinh thân phì gia, ăn chơi thỏa thích, cha không muốn cho con như vậy”. Nguyễn An Ninh xin thề rằng không bao giờ quên tổ quốc. Hai cha con bèn dắt nhau lại Lăng Ông ở Bà Chiểu. Ninh thề xong, cụ mới cấp tiền cho du học. Sau Ninh giữ trọn được tư cách một người yêu nước, Pháp dụ ra làm, ông từ chối, chịu sống trong cảnh nghèo, có lúc phải bán dầu cù là và suốt đời hi sinh cho chính nghĩa, mất ở Côn Đảo năm 1943, được toàn dân ngưỡng mộ.
3 Tài liệu của Phương Hữu trong cuốn Phong trào Đại Đông du - Nam Việt.
4 Chỉ phái bạo động.
5 Chỉ phái thân Pháp.
6 Cụ rất có công với phong trào cách mạng ở đầu thế kỷ. Cụ tên họ là Nguyễn Hữu Tuệ, thấp bé, mắt sáng, người Hải Phòng làm bồi tàu, nhiệt tâm ái quốc, che chở giúp đỡ các nhà cách mạng và các học sinh xuất ngoại. Pháp có lần giam cụ, cụ nhịn đói chứ không chịu khai gì cả.
Cụ Sào Nam rất trọng cụ, có viết:
“Nói sùng bái anh hùng, nên sùng bái cụ Lý Tuệ trước hết các cụ khác, vì cụ Lý là người không được cảnh may mắn học nhiều như các cụ mà được như thế, phỏng có học như các cụ khác thì cụ Lý đến bực nào!” Và làm bài thơ này:
Ai ngờ đầu bếp được như ngươi,
Giữa mặt trần gian khó thấy người.
Nô lệ xác nhưng thần thánh óc,
Hạ tầng đất vẫn thượng lưu Trời.
Liều cùng mưa nắng thi gan sắt,
Thề với non sông trả nợ đời.
Tức tối mình đây còn vậy vậy,
Tượng đồng bia đá sẽ rồi ai.
(Tiếng NGƯƠI trong câu phá là dịch tiếng QUÂN của Tàu, có nghĩa: kính trọng, chứ không có nghĩa như tiếng NGƯƠI ta thường dùng ngày nay)
Khi hay tin cụ Lý Tuệ mất (1938) ở Hải Phòng, cụ Sào Nam làm một vế câu đối điếu:
Thoát đời này sung sướng gì bằng, tức vì chú chẳng chờ mình, trơ trọi thân già ngồi vác mặt,
Không rõ vì lẽ gì cụ không làm nốt vế sau.
(Những tài liệu về đoạn phụ chú này đều của Anh Minh trong cuốn Dật sự của cụ Phan Sào Nam và cuốn Những chí sĩ cùng học sinh du học Nhật Bản)
7 Người ở Mỹ Xương.
8 Người ở Tam Bình (Vĩnh Long).
9 Người tỉnh Tân An.
10 Tức: Nguyễn Khắc Cần, Phan văn Tráng, Phan Đệ Quí, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoằng Quế, Phạm Hoằng Triết, Phạm Văn Tiết bị khép tội ám sát Tổng đốc Hà Đông và Thiếu tá Chapuis.
11 Tức cụ Lương văn Can lúc đó bị giam, rồi qua năm 1914 bị đày đi an trí ở Nam Vang.
12 Cụ dạy học ở làng Vĩnh Hòa.
13 Tài liệu về cụ Nguyễn Quang Diêu rút trong cuốn Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn văn Hầu - Xây Dựng - 1964.
Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê Đông Kinh Nghĩa Thục