Chương 14
ùa thu năm ấy đã trôi qua như thế. Ngoài vụ trăn mốc ra, mọi việc đều bình thường. Tôi vẫn miệt mài đào bới sàng đãi hết ngày này qua ngày khác. Tôi còn làm thêm chiếc đục và gặp tảng đá nào cũng đục thử một miếng. Chẳng qua là để ngắm nghía rồi vứt đi chứ đâu nhìn thấy chút vàng nào.
Mùa đông ở đây thật lạ! Những ngày nắng thì ban ngày mặt trời đổ lửa và đêm đến lạnh buốt da thịt, còn lúc mưa lại mưa tầm tã, chẳng có chút mưa phùn nào. Đôi khi tôi chợt nhớ cồn cào làn gió heo may se lạnh thổi lăn tăn mặt nước ao bèo, hay một buổi sáng mai thức dậy thấy gió mùa đông bắc về đêm qua rung lá vàng rơi đầy ngõ, mưa phùn lấm tấm nền trời. Mỗi khi tiết trời thay đổi, lòng người thường chạnh nhớ tới bao điều...
Ngày tháng cứ nối nhau trôi đi. Tôi biết mùa xuân tới khi nhìn thấy cây rừng trổ lộc mơn mởn. Mấy loài cây rụng lá trơ trụi trong suốt mùa đông giờ đang nhú những búp chồi non tơ. Cỏ mọc xanh rì ngoài đồi. Buổi sớm, khi mặt trời vừa lên và sương còn chưa tan, đã thấy từng đàn thú ra đồi gặm cỏ. Hoa dại thi nhau nở rộ làm ong bướm dập dìu suốt ngày. Mùa xuân đem sức sống mới cho muôn loài trong rừng. Chẳng biết ngày tết trôi qua khi nào nữa! Mà tôi cũng cố tình không nghĩ tới. Càng nghĩ càng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đồng đội, nỗi nhớ nhiều lúc da diết đến rưng rưng nước mắt. Những ngày cô đơn lủi thủi trong rừng càng làm tôi thèm được nghe một tiếng nói, một giọng cười. Rừng dù đẹp đến đâu cũng không làm nguôi được nỗi khao khát tình người.
Bầy khỉ ngày nào cũng kéo nhau đi từ sáng sớm. Chúng vừa đi kiếm ăn vừa rong chơi cho thỏa những ngày mưa rét phải nằm chúi đầu trong hốc cây. Báo con lớn nhanh như thổi. Bộ lông nó mượt mà hẳn lên, những chấm đen đều đặn nổi bật trên nền vàng tươi óng ả. Đến giữa rùa xuân thì nó biết tự kiếm ăn. Lần dầu tiên tôi thấy nó tha về một con chim lớn đã ăn hết một nửa, nửa còn lại nó để ở đầu sàn, chắc có ý dành cho tôi. Tôi đem con chim đó ra treo trên cây, đến chiều lại ném cho nó ăn. Thấy báo con tự lập được là mừng rồi, chứ tôi nào trông nó trả ơn.
Tôi vẫn để con báo ngủ ở ngoài hiên, nơi lúc trước đặt cái cũi. Nhưng vào mùa này, nó thường leo lên nằm trên nhánh cây trước nhà. Con báo không chịu được mùi khói, tuy rằng nó rất mê món cá nướng. Nhiều hôm nó mò ra suối bắt cá nhưng chỉ đứng trên bờ hoặc lội xuống quãng nước nông dùng chân trước chộp những con cá ngây ngô bơi lên chỗ cạn. Loài báo vốn không thích nước. Mấy lần tôi phải ôm báo con vứt xuống suối và tắm cho nó. Về sau nó cũng quen dần.
Báo con ngày càng mến tôi hơn, tuy nó không biết cách vẫy đuôi cuống quít hay vồ vập mừng rỡ như loài chó nuôi trong nhà. Cũng như những người ít nói thường thiên về đời sống nội tâm, tình cảm ít bộc lộ ra bên ngoài. Những lúc báo con tới dụi đầu vào người tôi, trong mắt nó thể hiện sự trìu mến chân thành và hình như có cả lòng biết ơn. Đôi tròng mắt nó có màu vàng chanh, đốm con ngươi đen tròn nhỏ xíu. Dù sao nó cũng có vẻ chín chắn già dặn hơn lũ khỉ. Không biết đó có phải là đặc tính của loài báo, hay dáng vẻ thường thấy ở những đứa trẻ sớm mồ côi?
Dạo này báo con thường theo tôi đi rừng. Trong lúc tôi cặm cụi đào đãi thì nó quanh quẩn săn mồi gần đó. Một hôm, khi đi ngang qua dải rừng non trước nhà, nó chợt nhảy ra trước tôi gầm gừ. Tôi nhìn lên và thấy một con rắn đang vắt vẻo trên nhánh cây đổ xuống chắn lối đi. Từ đó tôi biết mình đã có một vệ sĩ đáng tin cậy. Tôi đặt tên cho nó là Aga. Không Phải vì sính chữ Tây chữ Tàu gì đâu, chẳng qua tôi thấy vần A khi gọi trong rừng vang rất xa. Ai chưa tin, xin cứ vào giữa rừng sâu mà gọi thử: A... a... a... ga... a... a... a...
Thấm thoắt đã tới mùa hè. Đây đó thấp thoáng những trái cây chín ửng. Không khí thoảng thơm mùi mật ngọt. Ở lâu trong rừng, chỉ cần ngửi hương rừng, nghe chim hót là biết mùa hè tới. Đừng có tin lũ ve, chúng kêu ra rả ngay từ những ngày nắng nóng giữa mùa xuân. Tôi bỗng thấy nôn nao khi nghe tiếng chim cu quen thuộc. Tiếng chim gù đánh thức bao nỗi nhớ. Rồi còn tiếng gà rừng gáy te te mỗi buổi trưa...
Đến ngày giỗ anh Sơn, tôi ngậm ngùi đốt mấy khúc trầm tưởng nhớ tới anh. Dù không mê tín, nhưng tôi cũng khấn thầm mong anh phù hộ cho tôi tìm ra vỉa quặng. Giá như anh còn sống, công việc dễ dàng hơn biết bao!
Rồi tới ngày anh Đằng và anh Hùng ra đi, tôi lại về ngồi bên mộ. Mới đó mà đã một năm tròn. Những ngày đơn độc trong rừng thật dài, nhưng khi nghĩ tới chuyện cũ thì tưởng như nó vừa qua. Tôi nhớ lại lúc anh Hùng ngã gục trên người anh Đằng và nước mắt lại trào ra, trong tai như còn nghe tiếng đạn nổ, tiếng máy bay gầm rú... Cỏ đã mọc xanh trên những hố đạn nhưng nỗi đau vẫn chưa hề nguôi ngoai...
Thỉnh thoảng đi ngang qua chiếc trực thăng, tôi cũng ghé vào đốt mấy miếng trầm bên mộ viên phi công và hai người lính ngụy. Với tôi giờ đây họ không còn là kẻ thù. Chẳng phải tôi đã thay đổi cách nhìn nhận, đơn giản lúc này họ chỉ là những khúc xương khô dưới mộ. Tội nghiệp cho họ, những kẻ đã uổng phí cuộc sống của mình để giờ đây nắm xương tàn không ai biết đến... Mà cũng lạ! Từ đó đến nay chẳng có chiếc trực thăng nào tới đây. Lâu lâu mới nghe tiếng máy bay ù ù tít trên cao, đôi lúc chúng để lại một vệt khói thẳng băng, lát sau gió thổi hóa thành mây.
Ngày ngày tôi vẫn mỏi mắt ngóng về phía ngôi mộ, về cây thủy tùng, trông chờ một toán TK tiếp theo. Đôi lần nhìn thấy vài bóng đen di động xa xa, đưa ống nhòm lên lại chỉ có mấy con thú.
Tôi sẽ không nói nhiều về mùa hè năm ấy. Có gì đâu mà nói! Chẳng lẽ cứ tả mãi những cảnh vật đã có lần nói tới hay kể lể nhưng công việc lặp đi lặp lại hàng ngày: đào, đãi, đổ đi rồi lại đào đãi... Nhưng đến đầu tháng sáu thì tôi đào bới hết mọi suối, khe, chỗ trũng của cánh rừng phía bắc vùng đồi cỏ, vào tới chân dãy núi thấp. Nhiều lần tưởng đã nhìn thấy một vảy vàng lấp lánh trong đám cặn dưới cùng của mẻ đất, nhưng không phải. Đó chỉ là hạt cát bình thường lóe nắng. Đôi lúc tôi tần ngần hàng giờ với một khúc suối đầy đá cuội, nhặt lên ngắm nghía hết hòn này đến hòn khác, mài mài gõ gõ, rồi vứt đi, lại nhặt... Hòn nào trông cũng na ná cục vàng trong tưởng tượng, bỏ qua sợ sót. Nếu có ai thấy tôi nhưng lúc này, hẳn sẽ nghĩ đấy là một kẻ điên từ xã hội loài người lạc lối tới đây. Ngay cả chỗ ở lúc trước của trăn mốc tôi cũng không bỏ qua. Cái khe cạn âm u đến rùng rợn. Tôi phải ném xuống mấy quả lựu đạn mới dám đào đãi, nhưng vẫn chẳng thấy gì.
Tôi như con dã tràng núi ngày ngày làm mãi một công việc vô vọng. “Dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì..." Câu hát ru quen thuộc của thời thơ bé, giờ đây cứ văng vẳng trong đầu như một lời than thở.
Lại một mùa mưa nữa sắp tới. Nhưng đám mây mọng nước đã ngấp nghé trên cao và tiếng sấm ì ùng văng tới từ xa. Tôi phải ngừng việc mấy ngày để đi lấy củi dự trữ và bắn một con lợn rừng về xẻ thịt nướng sấy khô. Lương khô gạo sấy đã hết, chỉ còn một ít túi khẩu phần ăn. Muối cũng không còn nhiều nên bây giờ phải dùng hết sức tiết kiệm. Tôi cũng phơi được ít măng le. Còn mộc nhĩ thì khá nhiều, tôi xâu lại treo trên bếp. Những thức đó có thể để lâu được.
Mùa mưa thứ hai trong rừng trôi một cách chậm chạp và buồn bã. Ngoài cái buồn của những ngày mưa trắng trời trắng đất mà phải thui thủi một mình nơi rừng sâu, còn có sự thất vọng ngấp nghé trong tiềm thức. Tuy vậy lúc nào tạnh tôi lại vào rừng. (Ấy là nói văn vẻ thế thôi, chứ tôi đã ở giữa rừng rồi, còn vào, ra gì nữa!). Với niềm hy vọng ngày càng mong manh, tôi tiếp tục đào đãi những nơi nghi bỏ sót, chỉ thỉnh thoảng mới nghỉ một buổi để kiếm thức ăn. Lũ khỉ mùa này cũng đói. Nhiều lúc tôi phải chia cho chúng các thứ kiếm được trong rừng.
Những đêm không ngủ, nằm nghe tiếng mưa rơi triền miên ngoài rừng mà buồn đến nẫu ruột. Những lúc đó tôi nghĩ vẩn vơ đủ thứ chuyện, nhưng cuối cùng mọi ý nghĩ lại quay về với câu hỏi: "Phải chăng đã đến lúc trở về?"
Mới ba giờ chiều mà trời u ám như sắp tối. Những đám mây là là lướt qua ngọn thuỷ tùng. Từ bìa rừng, sương đang lan dần ra đồi cỏ. Tính theo ngày tháng thì bây giờ là mùa thu, nhưng cảnh vật ở đây ảm đạm như đang giữa đông.
Tôi ngồi dưới một gốc cây cổ thụ cụt ngọn mọc trên đỉnh dốc, buồn rầu nhìn về hướng đồi cỏ. Từ đây tới rìa đồi, chỗ cái khe cạn mà hơn năm trước tôi khởi sự việc đào đãi, chỉ cách vài trăm mét.
Từ sáng tới giờ tôi lang thang trong rừng, chốc chốc lại đào bới chỗ này chỗ khác đem đất đi đãi. Thực ra tôi làm mọi việc như một thói quen, như quán tính, chứ trong lòng không còn hy vọng gì nữa. Tôi cay đắng nghĩ tới sự bất lực của mình. Cũng tại tôi quá ngu dốt, không biết cách tình kiếm. Nhưng tôi nào có được học hành gì về việc này? Có ai chỉ bảo cho tôi đâu? Nếu là anh Sơn, anh sẽ làm gì nhỉ?
Thôi! Giờ phải tìm cách quay về. Tôi đã làm hết khả năng của mình. Dầu sao, việc tìm tới được đây cũng là tốt rồi. Anh Hai Nguyên chẳng đã nói "Sự trở về của các đồng chí là một thắng lợi đó sao? Phải về báo cáo với anh, và còn kể cho mọi người biết ba thành viên của TK1 đã hy sinh như thế nào. Mà chắc gì có mỏ vàng? Cái thứ máy móc bay trên độ cao mấy chục ngàn mét, cho dù nó hiện đại đến đâu hẳn cũng có lúc sai sót, nhầm lẫn gì đó...
Sự thất vọng làm tôi chán nản đến cực độ. Đúng là tôi đã làm hết sức, nhưng trong thâm tâm vẫn thấy mình có lỗi với các anh, những người đồng đội đã chết cho tôi được sống, những người mà trước lúc hy sinh đã gửi lại nơi tôi biết bao hy vọng... Chẳng lẽ bây giờ tay không trở về? Nhưng biết làm gì hơn? Sau này, chắc tổ chức còn cử người tới đây nữa, những người có kinh nghiệm và thạo việc, chứ tôi đành bó tay...
Tôi nhắm nghiền hai mắt lại cho nước mắt khỏi trào ra. Một con sóc chạy vụt qua chỗ tôi ngồi, lao tới bụi cây trước mặt. Nó leo lên mảnh vỏ cây quăn queo rồi dừng lại, quay mình đứng trên hai chân sau giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Nó rung rung mấy sợi ria mép như ngạc nhiên, như muốn hỏi rằng vì cớ gì mà một kẻ như tôi lại ngồi rầu rĩ ở đây? Tôi bứt cọng cỏ đưa lên miệng nhấm, lơ đãng nhìn con sóc rồi quay mặt đi nơi khác. Lúc này nó có hỏi bằng tiếng người tôi cũng chẳng buồn trả lời. Đầu óc tôi đờ đẫn, những ý nghĩ trôi qua một cách máy móc.
Một hơi thở nóng hổi phả vào gáy tôi. Báo Aga vừa đi đâu về. Nó nhìn tôi và xoài hai chân trước nằm xuống bên cạnh. Con báo biết tôi đang buồn.
Gió thổi mạnh hơn, những đám mây bay vùn vụt. Đêm nay trời sẽ mưa. Về nhà thôi, Aga! Tôi vuốt đầu nó, định đứng dậy. Nhưng có cái gì đó níu tôi lại. Không! Chẳng phải sức mạnh vô hình thần bí nào đâu, chỉ là một ý nghĩ vừa bật lên trong đầu báo rằng tôi đã nhìn thấy vật gì đó. Chưa nhớ được là vật gì, nhưng tôi có cảm giác lạ lắm Vật đó in vào mắt, bộ não thu nhận nhưng chưa xử lý. "Mà nãy giờ ngồi đây mình đâu thấy gì lạ? Xem nào...". Cố tập trung tư tưởng, tôi lướt nhanh một loạt những gì nhìn thấy từ lúc ngồi xuống đỉnh dốc này. "Cái cây cụt ngọn, mây... cây thủy tùng... những đồi cỏ... gió... cái khe cạn..., và con sóc nữa? - Tim tôi bỗng đập gấp - Con sóc? Nó chạy qua rồi đứng lại nhìn mình... Sóc thì đâu có gì lạ, ngày nào mà chẳng gặp? Không phải vì con sóc... Khoan đã! - Đầu tôi căng lên - đúng rồi, con sóc dừng trên mảnh vỏ cây!". Tôi lướt mắt tìm nhanh mảnh vỏ cây mốc meo nằm sát gốc lùm cây trước mặt, chỉ cách độ bảy mét. Và tôi từ từ đứng dậy, từ từ đi tới..., mắt nhìn chằm chằm như sợ nó biến mất. Mảnh "vỏ cây" này lạ lắm! Nó quăn queo không tự nhiên! Chẳng phải vỏ cây! Đây là sản phẩm do con người làm ra!
Tôi ngồi xuống bên nó, chưa dám sờ tay vào, sợ phải cầm lên đúng mảnh vỏ cây thật. Nhưng không! Một mảnh kim loại! Nó móp méo hoen rỉ nhiều chỗ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đây là mảnh xác máy bay. Nó có ở đây lâu lắm rồi, thời gian và mưa gió đã làm nó mục nát.
Cầm mảnh kim loại trong tay, người tôi run bắn lên. Bộ não vùn vụt hoạt động hết công suất. Nó tập hợp một loạt những thông tin có liên quan ghi nhận được từ trước đến giờ, rồi phân tích, sàng lọc, loại bỏ, tổng hợp lại: Vỉa quặng vàng... Tập trung một nơi... hàm lượng cao... Nhật thu giấu... xa đường giao thông... "Tôi rất ngạc nhiên khi có vỉa quặng vàng được phát hiện qua vệ tinh..." Tôi chợt nghĩ đến lời anh Sơn nói hôm nào.
Tôi vụt đứng dậy nhìn quanh, người bừng bừng như đang sốt cao độ. Trước mặt là vạt rừng rậm cây cối um tùng. Tôi đi qua đây nhiều lần nhưng chỉ chú ý cái khe cạn và những chỗ trũng. Vạt cây rậm này không rộng lắm, lại mọc trên đám đất nhô cao như mỏm đồi nên tôi chẳng vào đó làm gì. Nhưng bây giờ tôi tin chắc điều mình cần tìm dang ở trong đó. Lần này không phải là linh cảm. "Mảnh vỏ máy bay! Một chiếc máy bay rơi ở đây! Rơi đã từ lâu!" Đó là những gì mà bộ não đã xác định được. Và nó đưa ra dự đoán là chiếc máy bay này chở vàng.
Tay xách súng tay cầm dao, tôi hồi hộp vạch lá đi tới. Được mươi bước thì gặp những mảnh kim loại khác. Càng phấn chấn hơn, tôi vung dao chém cành lá hăm hở bươn lên. Lát sau tôi đã nhìn thấy toàn cảnh chiếc máy bay rơi: một đống kim loại nát vụn trên phủ đầy những cây dây leo, cùng nhiều mảnh vỡ văng rải rác xung quanh. Có cả chiếc chong chóng bốn cánh nhô ra bên ngoài đám lá rậm rạp và cái bánh máy bay bằng cao su, đạp lên thấy mủn tơi.
Đang tính leo vào giữa đống kim loại, chợt con Aga chồm tới trước nhe răng rít lên. Tôi nhìn tới và lạnh buốt xương sống: một con rắn đang ngóc cao đầu dừ dừ như định thốc tới mổ, chỉ cách có mấy bước. Thả rơi cây dao, tôi nâng súng bắn nhanh như máy. Loạt đạn găm trúng vào cổ con rắn làm phụt ra những tia máu. Nó từ từ tụt xuống, mất hút trong đống kim loại. Hú vía! Nếu không có con báo chắc tôi đã mất mạng một cách oan uổng vào giây phút quan trọng này.
Tôi nhặt đoạn thân cây to bằng cổ tay dài hai mét, rồi vừa chọc vừa bẩy những mảnh xác máy bay. Sau vài chục phút hì hục, tôi nhặt được một thỏi kim loại nặng trĩu hình khối chữ nhật, mặt trên hơi nhỏ hơn so với mặt dưới. Lau qua bụi đất, ánh vàng kim loại hiện ra mờ mờ. Tôi lùi lại một quãng, ngồi thụp xuống và hối hả dùng vạt áo cọ sạch. Đúng là vàng thật rồi! Không thể nhầm được! Rưng rưng nước mắt, tôi nhìn xoáy vào thỏi vàng trước mặt. Trên bề mặt của nó có những con số và dòng chữ lạ kiểu chữ tượng hình, nhưng lúc này tất cả nhòa đi trong mắt tôi. Tôi ngỡ mình nằm mơ, đầu óc tràn ngập một cảm giác kỳ lạ như đang bay bổng chơi vơi giữa bầu trời lóe sáng muôn ánh hào quang rực rỡ. Rồi mọi cực khổ đau đớn, mọi hy sinh mất mát trong cả quãng thời gian dài, nay hiện lên thành hình ảnh lướt vùn vụt trong đầu như những thước phim quay nhanh. "Các anh ơi, giờ đây các anh có thể yên lòng nhắm mắt..."
Một ngọn gió mang hơi lạnh thổi tới hun hút, kéo tôi ra khỏi trạng thái choáng ngợp. Trời sẩm tối rồi, lúc này chưa thể làm gì hơn được. Tôi bỏ thỏi vàng vào ba lô, luồn khỏi vạt rừng rậm, băng qua đồi cỏ để về nhà cho nhanh. Báo Aga sải bước đuổi theo.
Tối hôm ấy tôi không ăn được gì, và suốt đêm không hề chợp mắt. Sự phấn khích đến tột độ làm thần kinh căng thẳng, người lúc nào cũng ngây ngấy sốt. Tôi hết ngồi xuống lại đứng lên, bước tới bước lui trong căn nhà hẹp. Những thanh gỗ sàn kêu ken két dưới chân. Đêm dài quá, mãi chẳng thấy sáng. Mà hình như chiếc đồng hồ trục trặc làm sao ấy! Mấy cái kim quay chậm rì rì. Không tin nó nữa, lúc lúc tôi lại ghé mắt nhìn ra của. Ngoài trời tối om. Rừng khuya vẫn tiếng thú chạy sột soạt trong bụi cây, tiếng chim ăn đêm buồn bã kêu hết góc rừng này đến góc rừng khác và con thác nhỏ rì rào không dứt... Đã bao đêm nằm nghe những âm thanh ấy, nhưng đêm nay mỗi tiếng động đều làm tôi bồn chồn. Nỗi xúc động bùng lên rừng rực từng lúc khiến tôi ngây ngất như say. Hàng ngàn ý nghĩ quay cuồng trong đầu mà không có điều gì rõ nét. Mãi khuya lắm, tôi mới dần trấn tĩnh lại được để hướng những suy nghĩ về công việc cần làm ngày mai.
Chắc chắn trong đống xác máy bay còn có những thỏi vàng khác, nhưng muốn biết bao nhiêu thì phải lấy ra. Và rắn cũng thế, không chỉ có một con. Lạ thật! Hình như ở đâu có kho báu là ở đó có rắn. Có một cuốn truyện nào đó đã nói về đàn rắn thần giữ kho báu. Tôi không tin những chuyện thần bí, nhưng rắn ở đây thì có thật. "Hay cứ để nguyên mọi thứ như vậy? Mình phải mất hơn năm nay mới tìm thấy, kẻ khác dễ gì phát hiện ra được?...". Nhưng rồi tôi gạt phắt ngay ý nghĩ đó. Tôi đã tìm ra chiếc máy bay rơi một cách tình cờ, người khác cũng có thể gặp may mắn như thế. Hơn nữa, không có ai tìm được một kho báu lồ lộ như vậy mà lại chịu dừng ngang đó. Có điều đừng để rắn cắn. Bị một con rắn cỡ như con hôm qua mổ một cú thì mọi kho vàng trên thế gian này đều vô nghĩa. Có lẽ phải chất củi đốt. Mùa này không sợ cháy rừng, nếu cần cứ phát rộng xung quanh tạo khoảng trống. Không được! Làm thế dễ lộ quá. Lỡ trực thăng áp tới! Thôi, để mai tới đó hãy tính.
Nhưng lấy được vàng rồi thì dấu ở đâu? Đào hố chôn? Có thể chôn làm nhiều nơi. Tôi bỗng nhớ tới cái hang đá nhỏ hồi trước tìm thấy con mang bị bắn chui vào nằm chết trong đó. Phải rồi! Cái hang ấy rất hay, miệng hang hẹp lại kín đáo chỉ cần chặn một tảng đá là kín.
Cuối cùng rồi trời cũng chịu sáng. Tôi đến bên xác máy bay lúc mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu ngày. Việc đầu tiên là chặt bớt dây leo và kéo chúng ra khỏi đống sắt vụn. Chiếc máy bay không đến nỗi vỡ nát như tôi tưởng. Vẫn còn lại đoạn vòm thân cong cong gắn với chiếc cánh gãy một nửa, tất cả đều thủng lỗ chỗ. Thời gian đã xóa nhòa hết mọi dấu vết nên không biết được đây là kiểu máy bay gì và của nước nào, nhưng nhìn cái chong chóng động cơ cũng thấy nó thuộc loại cổ lỗ sĩ rồi.
Tôi không dám thò tay vào đống kim loại rỉ nát phủ đầy lá khô, cành mục và dây leo. Cả xác con rắn hôm qua cũng mất hút trong đó. Phải đốt thôi! Hôm nay trời u ám, mây bay thấp. Thời tiết này máy bay ít hoạt động.
Tôi kéo cành khô phủ kín thân máy bay rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa bốc cháy rừng rực mới chợt nghĩ không biết trong đó còn bom không? Vội vã rời đống lửa, tôi chạy nhanh đến chỗ cây cổ thụ cụt ngọn ngồi nấp. Hẳn cái cây này liên quan tới chiếc máy bay. Lúc lao xuống đất, nó va gãy ngọn cây. Từ đây tới đó hơn trăm mét. Nếu kẻ một đường thẳng giữa hai điểm. Như vậy có thể nghĩ chiếc máy bay này bay từ tây sang đông, hoặc chếch một chút: tây tây nam, đông đông bắc.
Nhưng máy bay của ai? Nhật? Pháp? Mỹ? Mỹ thì không phải rồi! Chưa nói đến mức độ mục nát của xác máy bay mà chỉ cần nghĩ nếu của Mỹ, không đời nào chúng chịu bỏ qua một chiếc máy bay chở vàng. Chúng có đủ phương tiện và thời gian để tìm kiếm. Pháp cũng vậy. Tôi không nhớ chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ năm nào, nhưng Pháp vào Việt Nam ngót nghét một thế kỷ, tính tới trận Điện Biên Phủ. Khi phải rút quân về nước, chúng còn có thời gian dùng dằng khá lâu. Có mất một đồng "phờ răng” chúng cũng tìm được, huống chi cả chiếc máy bay chở vàng. Vậy chỉ còn Nhật? Nhật chẳng phải rộng rãi gì và không đến nỗi "đãng trí”, nên nếu "bỏ quên" một chiếc máy bay như thế này, hẳn phải ở thế kẹt lắm, không thể có điều kiện để tìm...
Cứ suy nghĩ lung tung như vậy, cuối cùng tôi tạm kết luận chiếc máy bay này rơi vào khoảng nửa đầu năm 1945, khi Nhật đang bại trận. Mà thôi, tạm gác chuyện đó. Hình như lửa đã tắt nên không thấy khói bay lên nữa. Những đám khói lúc trước đã hòa lẫn vào tầng mây thấp. Không có trái bom nào nổ như tôi lo sợ.
Tôi trở lại, thấy trong đống xác máy bay lửa đang còn cháy âm ỉ, nhưng có thể bắt tay vào việc được rồi. Giờ khỏi lo rắn. Chẳng có con rắn nào trụ nổi với lửa. Tôi moi ra được những thỏi vàng nằm lẫn trong đống sắt vụn, bên dưới lớp tro còn đỏ hồng. Tất cả đều đúc cùng khuôn với thỏi vàng hôm qua, trên bề mặt có con số chỉ trọng lượng bốn kí rưỡi. Bỏ vào ba lô vừa đủ sức mang là tôi đi ngay. Đêm qua tôi đã trù tính con đường từ đây tới cái hang nhỏ bên bờ suối, giờ cứ thế mà đi, chỉ cần nhớ đừng giẫm lên cùng một lối để khỏi tạo ra đường mòn.
Ngày hôm ấy tôi đi được ba chuyến thì trời tối nên đành nghỉ. Đoạn đường chỉ chừng ba cây số nhưng luồn rừng nên không thể đi nhanh được. Vả lại khi cõng ba lô vàng trên lưng, cánh rừng quen thuộc bỗng trở nên xa lạ, đầy nguy hiểm. Lúc nào tôi cũng thấp thỏm, cứ nơm nớp như có ai đang rình mò mình. Lúc nào cũng lăm lăm súng trên tay chực nhả đạn và luôn ở trong tư thế sẵn sàng co cẳng chạy. Đúng là nỗi lo sợ bản năng mà chỉ con người mới có. Mấy ngày sau tôi phải cho con báo ăn no để nó đi cùng tôi suốt ngày. Ở trong rừng, con Aga còn tinh hơn chó săn. Chưa bao giờ tôi có tâm trạng như những ngày đó, vừa phấn chấn vừa phấp phỏng lo âu, người cứ rạc đi.
Phải hơn nửa tháng tôi mới hoàn tất công việc. Thực ra, chỉ có mấy ngày đầu là mọi việc thuận lợi. Những ngày còn lại tôi phải moi móc, nhặt nhạnh từng thỏi vàng một. Có thỏi bị kẹt, mất hàng giờ đồng hồ mới lấy ra được. Sau khi giấu hết số vàng vào hang, tôi đào đất nơi khác mang đến đổ vào lèn chặt, bưng những tảng đá nhỏ chất lên trên. Cuối cùng mới vần một hòn đá to chẹn cửa hang, kéo những dây leo quanh đó cho nó bò lên và xóa hết mọi dấu vết. Bây giờ, số vàng này thực sự là "của tôi".
Công việc cuối cùng là ngụy trang lại nơi máy bay rơi, việc này chẳng có khó khăn gì. Tôi đào hố, cẩn thận chôn những mảnh xương người tìm thấy trong đống xác máy bay. Có một số xương đầu lâu đã vỡ vụn, những đốt xương khác cũng không nguyên vẹn. Thì ra chỉ mỗi góc rừng hoang này, từ trước tới nay cũng đã có bao nhiêu người chết.
Mọi việc xong xuôi lúc chiều đã muộn, nhưng tôi chưa về nhà ngay mà đi thẳng đến bên ngôi mộ đá. Tôi đốt một đống lửa, gác lên đó mấy khúc trầm rồi im lặng ngồi nhìn làn khói xanh lơ lửng bay. Hôm nay trời nhẹ gió, mấy tia nắng cuối ngày le lói qua mây rọi xuống đồi cỏ trước mặt một màu vàng nhợt nhạt. Tôi sắp từ biệt nơi này! Tôi đã làm được những gì mà các anh tin cậy và bây giờ có thể yên tâm quay về, nhưng thật đau lòng khi chẳng có cách nào đưa các anh theo. “Mình sẽ mang về một nắm đất..."
Một mình trở về không phải là chuyện dễ dàng, nhưng tôi không ngờ được là còn có nhiều sự việc xảy ra ngoài dự tính. Hình như số tôi chưa hết "nạn" nên còn nặng nợ gian truân với rừng.
Đội Đặc Nhiệm Tk1 Đội Đặc Nhiệm Tk1 - Phan Văn Lợi Đội Đặc Nhiệm Tk1