Chương 14 : Hòa Bình
rong khi gia nhân của cố Đại tướng Anami chuẩn bị lễ hỏa táng thì ở bán cầu bên kia Tổng thống Truman của Hoa Kỳ đứng trong căn phòng bầu dục của Bạch cung đầy nhóc ký giả và nhiếp ảnh viên. Với đầy đủ những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đứng quanh, Truman tươi mát trong bộ đồ mùa hè căm một tờ giấy đọc: «Tôi vừa mới nhận đượcmột thông điệp của Chính phủ Nhật trả lời thông điệp đề ngày 11 tháng Tám của Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Tôi nhận định rằng thông điệp trả lời này là sự chấp nhận toàn bộ Tuyên ngôn Potsdam đòi hỏi Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện. Trong thông điệp trả lời này không thấy có điều kiện nào...».
Không có, là bởi vì con người đòi hỏi điều kiện đã mổ bụng tự sát ở Đông Kinh, và lúc này đang chờ đưa vào lò thiêu. Trong khi gia nhân và phụ tá của Anami than khóc thì toàn thể Hoa Kỳ nổi điên vì chiến tranh kết liễu. Điên đến cái độ riêng thành phố Cựu Kim Sơn trong đêm hôm đó có tới mười hai người chết vì bạo hành.
Tại Manila, dân chúng Phi Luật Tân đón tin hòa bình giữa những đổ nát của một thành phố mấy tháng trước là chiến trường của một trận đánh khốc liệt. Giữa những hò reo vui mừng người ta vẫn nghe thấy tiếng khóc cho thân nhân bị vùi xác dưới những căn nhà xập đổ.
Ở vùng ngoại ô Manila, trại giam Bilibid giam giữ tù binh Đồng minh trong thời Nhật chiếm đóng, lúc đó giam giữ tù binh Nhật của Đại tướng Yamashi-ta, tổng tư lệnh quân đội Nhật ở Phi Luật Tân. Tuy mừng được sống sót, được ăn uống đầy đủ hơn, nhưng họ thâm cảm họ đã đoạn tuyệt với quê hương. Coi sự bị bắt làm tù binh là một điều sỉ nhục, đa số nghĩ gia đình, bè bạn, đồng bào sẽ khinh bỉ họ nếu họ trở vê nước. Họ tự coi như đang chết trong cuộc sống.
Tin đầu hàng đến với họ qua một tờ báo được đưa vào nhà giam. Tù binh Nhật vây quanh viên thông ngôn dịch cho họ nghe cái chuyện mà họ không thể ngờ đến. Nhiều người bật tiếng khóc nức nở, rồi họ ngẩn ngơ đứngngồi ở những chỗ có bóng mát. Họ lại càng không thiết trở về quê hương, xứ sở.
Về phía Bắc trại giam, ở vùng hẻo lánh đảo Luzon, lính Hoa Kỳ vẫn còn phải cầm súng sẵn sàng ứng chiến. Sư đoàn 32 Hoa Kỳ, giao phong với lính Nhật gần ba năm nay, mấy tháng qua vẫn tiếp tục truy kích tàn quân Nhật qua những vùng rừng núi Luzon. Vào tháng Tám 1945, hòa bình tuy đã ló dạng nhưng bắn giết vẫn hãy còn.
8 giờ sáng ngày 15, tin địch đầu hàng của Truman đã tới binh sĩ Hoa Kỳ ở Luzon. Hai tiếng đồng sau họ phải đối phó với một trận tấn công quyết liệt của Nhật vào bộ chỉ huy Trung đoàn 128, khiến cho máu hai bên phải đổ thêm.
Ngoài khơi Nhật Bản, hạm đội của Đô đốc Halsey sáng ngày 15 tháng Tám chuẩn bị để tái tục đánh phá Nhật Bản. Lệnh tạm ngưng hoạt động đã mãn hạn. Vào lúc 6 giờ 15, toàn thể một trăm bảy mươi sáu phóng pháo cơ đều đã cất cánh đánh phá những mục tiêu ở Đông Kinh.
Rồi phòng thâu tin của hạm đội nhận được khẩn lệnh từ Hoa Thịnh Đốn: Đình chỉ tấn công địch bằng không quân.
Đô đốc Halsey ra lệnh cho phòng thông tin liên lạc với phi đoàn đang trên đường tấn công đất Nhật. Bảy mươi ba chiếc nhận được lệnh và quay trở về căn cứ. Một trăm lẻ ba chiếc khác lúc đó đang nhào lộn trên vòm trời Nhật Bản để reo rắc chết chóc, hoang tàn, đổ nát, để giaophong với bốn mươi lăm phi cơ Nhật cất cánh đánh một trận cuối cùng.
Rồi một khẩn lệnh thứ hai được gửi cho Đô đốcHalsey đứng trên cầu soái hạm:
….«Đình chỉ hoạt động tấn công lực lượng Nhật Bản. Tiếp tục truy lùng và tuần phòng. Thi hành biện pháp phòng thủ và an ninh nội bộ đến mức tối đa. Tỉnh táo đề phòng sự gian trá và mọi cuộc tấn công của địch vào giờ phút cuối cùng…».
Binh sĩ thuộc Hạm đội 3 Hoa Kỳ bây giờ được biết chiến tranh thực sự đã kết liễu.
Khi những phi công trở về căn cứ sau trận đánh phá Đông Kinh họ vội vã mở cửa máy bay để đi kể cho chiến hữu nghe những chiến công của họ. Họ diễn tả bằng cách nào họ đã hạ được mười hai chiến đấu cơ địch. Câu chuyện của họ trở nên vô duyên, không ai buồn nghe vì chiến tranh đã kết liễu.
Tại Đông Kinh, vua Hirohito trù liệu triệu tập một hội nghị Hoàng cung vào lúc 10 giờ sáng, vì biến động đêm qua nên cuộc họp này được hoãn đến 11 giờ 15.
Đại tá kỵ binh Koga, con rể của cựu Thủ tướng Togo đi qua khu lâm viên để trở về bộ Tư lệnh Sư đoàn Ngự lâm quân. Thi hài tướng Mori bị loạn quân giết đêm trước đang được quàng tại đây, Koga đã phẫn uất khi được biết chính Hatanaka đã bắn chết cấp chỉ huy của anh là Tướng Mori. Trong quan niệm của anh về cuộc đảo chính không thể có cái việc bắn giết những nhân vật trung thành với nhà vua. Anh quả đã tham dự vào một công cuộc lầm lẫn.
Đại tá Koga đứng nhìn xác Mori được đặt trong chiếc quan tài bằng gỗ. Anh quì xuống phía chân Mori, đặt mũi súng sáu vào ngực, bấm cò và từ trần ngay bên cạnh cấp chỉ huy.
Vào lúc đó bên ngoài nội thành, hai người đang đi trao truyền đơn cho dân chúng. Một người đi mô tô và một người cưỡi ngựa. Họ là Đại tá Hatanaka và Trung tá Shizaki từ nơi lẩn trốn trong lâm viên trở về đây để giải thích hành động của họ cho đồng bào. Họ chặn người qua lại để nhét vào tay tờ truyền đơn. Khi truyền đơn hết hai người lại biến vào khu rừng phía xa.
Trung tá Shizaki quì xuống đất, rút thanh đoản kiếm cổ truyền của võ sĩ đạo. Hướng về phía Hoàng cung, anh dùng kiếm rạch một nhát sâu vào bụng, rồi gục đầu trên vũng máu.
Đứng cách đó vài thước, Đại tá Hatanaka biết nỗ lực của anh nhằm ngăn chặn cuộc đầu hàng nhục nhã đã bị thất bại thảm thương. Bản tính nổi tiếng nhã nhặn vậy mà anh đã phải giết một người đang được hàng ngàn binh sĩ khóc thương. Bây giờ đây quả anh không còn đường lối nào khác là đi theo Đại tướng Anami.
Hatanaka rút khẩu súng mà mới 9 tiếng đồng hồ trước đây anh đã dùng để bắn chết Mori. Anh đưa đầu súng lên đỉnh mũi giữa hai mắt, rồi bóp cò. Khuôn mặt thanh tú gây được cảm tình của tất cả mọi người, tan vỡ dưới làn máu chảy chan hòa.
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết