Bóng Cả
gày xưa... những gì xẩy ra ngày hôm qua đối với tôi đều là ngày xưa... Khi được các hãng sản xuất băng đĩa gọi tới, chúng tôi coi như 50% đạt được giấc mơ trở thành ca sĩ của mình. Tại sao lại 50%? Tại còn chờ đợi nữa! Cái phần còn lại này mới quan trọng vì từ đó, tiếng hát đó, con người đó mới được định vị. Phần này quan trọng lắm vì đó là sự lựa chọn từ thính giả.
Qua lịch sử từ Đông sang Tây nhiều thiên tài được sinh ra từ những nghịch cảnh và trầm luân của cuộc sống. Phải đến khi họ đi ra khỏi cuộc sống thì người ta mới tiếc ngẩn ngơ và vội vàng đội cho họ những vương miện hào quang muộn màng. Chính họ lúc còn quay cuồng khổ ải với cuộc sống nghiệt ngã và với con người tàn ác lạnh lùng, họ không hề nghĩ đến. Tất cả những đóng góp của thiên tài cho đời sống này rất tự nhiên và rất vô tư vì họ được sinh ra như thế. Những thiên tài hiện diện trong mọi lãnh vực. Tôi xưng tụng những con người đối với tôi là thiên tài bởi tôi thấy chẳng có cách nào khác khi được nghĩ và được nhắc đến họ. Chúng ta không có nhiều người được xưng tụng như thế. Chúng ta không muốn xưng tụng những người đáng được xưng tụng. Chúng ta không quen nhìn cái hay cái đẹp của người khác. Chúng ta chỉ có thói quen hủy diệt. Thói quen này lâu dần thành “mãn tính”.
Tôi thường tự hỏi vì sao trong những nghiệt ngã của cuộc đời mà cụ Phan Khôi vẫn nhận ra... con mắt còn có đuôi? Làm thế nào mà các cụ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh, Đặng Thế Phong, Văn Cao... lại có thể gửi lại người đời sau những tình khúc đẹp đến muôn đời sau mà ngàn năm trước không có và ngàn năm sau cũng không?
Tôi cũng rất muốn trân trọng bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đến Ông Anh Bằng, Ông Lam Phương, Ông Phạm Duy, Ông Trầm Tử Thiêng, Ông Phú Quang, Ông Dương Thụ, Ông Nguyễn Văn Tý, Ông Phan Huỳnh Điểu, Ông Thanh Tùng, Ông Đỗ Trung Quân, Ông Trịnh Công Sơn và rất nhiều người khác nữa.
Tôi không cần đắn đo dò hỏi các ông là ai hay các ông từ đâu đến. Đó là chuyện của các ông. Tôi cứ yêu những gì các ông để lại cho đời dù trong bất cứ hoàn cảnh và thời gian nào. Chính vì trái tim, tấm lòng, ước mơ và niềm hy vọng với âm nhạc mà mọi người sẽ nhìn và sẽ tìm ra con đường ngắn nhất đưa mọi người đến và cùng ngồi với nhau.
Chúng tôi ở hải ngoại không còn được mấy người suốt cả một đời cống hiến và tận tụy. Cuộc sống mới nơi xứ người thật muôn ngàn khó khăn. Đời có đổi nhưng chúng tôi thì không. Các tên tuổi lớn vẫn là bóng mát cho chúng ta giữa muôn ngàn khó khăn vất vả. Tôi lại luôn tự hỏi làm thế nào sau khi trải qua gần nửa thế kỷ gian nan, ngược xuôi mà trái tim người nhạc sĩ vẫn tiếp tục đập? Ở cái tuổi lúc nào cũng sẵn sàng vẫy tay chào cuộc đời mà lại có thể nhắc nhở chúng ta rằng trong mỗi nhịp đập của đời sống vẫn còn nợ nhau một nhịp đập ân tình. “Anh còn nợ em một buổi chiều, một lời thề trong công viên ghế đá.” Trái tim chân chính của người nhạc sĩ vẫn chỉ đập một nhịp thủy chung cho dẫu đó là nhịp đập
cuối cùng gửi lại cho đời. Làm thế nào mà trái tim vẫn rộn ràng chờ đợi và vẫn hân hoan nâng niu cái phút giây... “từ ngày có em về...” Những đớn đau bầm giập, những khắc khoải chờ mong, những tủi hận ê chề sẽ tan biến hết bởi chỉ từ ngày có em về mà trái tim vốn cất giữ những tiếng cười rộn rã niềm vui và tràn trề hạnh phúc. Ông Lam Phương không giữ cho riêng mình. Ông trải ra gửi đến mọi người. Nghìn năm trước. Nghìn năm sau. Tình yêu rực rỡ mà dịu dàng theo ta đến muôn đời sau.
Cái nghĩa Thiên Tài với tôi như số mệnh được sinh ra và vào đời, nay chỉ để như thế dù một ngày không còn xa nữa. Ông Anh Bằng hay ông Lam Phương sẽ cười mà bảo chúng ta rằng... “... nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên...” Điều rất giản dị nhưng không phải ai cũng có thể nói. Chỉ có những người quên niềm đau của riêng mình và đi khâu vá những vết thương của thế nhân. Chúng ta không có nhiều và không còn nhiều nữa.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười