Chương 9
áng hôm sau, mở mắt ra tôi bàng hoàng, tâm tư quay cuồng hồi lâu tôi mới lấy lại sự bình thường.
Một cái tin không vui đến ngay với chúng tôi trong buổi sáng đó. Kẹt đường! Kẹt đường nghĩa là cuộc hành trình không tiếp tục được nữa. Đó là một đại họa.
Hôm qua khi tới đây thì tôi tưởng chỉ leo heo có mấy đứa sứt tay gãy gọng của chúng tôi chẳng ngờ sáng nay tôi thấy dầy đặc trong rừng nhung nhúc những người là người.
Có lẽ những chuyến trước tới đây rồi cũng nằm ỳ tại đây chớ không đi vô được nữa cho nên người mới đông đúc đến thế.
Tấn lân la đến chỗ chúng tôi chơi. Tôi bèn hỏi chuyện kẹt đường thử xem ra sao. Bởi vì chúng tôi đã từng bị kẹt nhiều lần rồi, kẹt vì mưa suối to, vì biệt kích. Không rõ lần này kẹt vì lý do gì.
Tấn nói:
- Kỳ này chắc nguy hiểm lắm. Vì nó nhảy dù xuống Bùi Gia Mập đến mười ngàn quân và nằm giăng ngang một tuyến dày đặc chặn ngang đường mình đi. Thế mới chết.
- Cha chả! Chắc kế hoạch mình bị lộ quá!
Tấn nói:
- Vừa rồi có một đội tiền tiêu của một trung đoàn bị biệt kích Úc giết hết phân nửa. Trong đó có cả một ông trung đoàn phó, ông này bị mất tích. Ông ta mang cả kế hoạch và tiền ăn của đơn vị. Thế mới nguy. Có lẽ nó nhặt được tài liệu cho nên hôm sau đồ quân xuống ngay ở vùng này.
- Thế thì làm sao? Tôi hỏi với sự sốt ruột lộ hẳn ra ngoài.
- Ai biết làm sao!
Tòi hỏi tiếp:
- Hồi đó tới giờ có khi nào đoàn bị nghẽn đường rồi trở ra không cậu?
- Trở ra thì chưa thấy, nhưng thỉnh thoảng có một đoàn bị nghẽn nằm lại cả tháng trời không nhích được vào một bước.
- Thế làm sao?
- Làm sao ai biết làm sao?
Trời ơi, nếu phải nằm như vầy thì chết còn sướng hơn.
- Sao vậy, nằm nghỉ dưỡng sức chứ!
- Dường với cái gì hở cậu; Với nấm độcc và vắt muỗi à? Muối hết rồi. Lấy gì tẩm gân?
- Sao anh hết sớm vậy? Người ta phát cho ăn ba tháng mà.
- Đáng lý ra thì chưa hết, nhưng vì ngâm mình dưới suối đó nước vô, chảy trôi hết. Tôi còn giữ lại một ít trong hộp lon kia.
- Cha chả! Tai hại quá!
- Ở trạm này có phát muối không?
- Có. Nhưng không biết có hay không?
- “Có nhưng không biết có hay không” là sao?
- Nghĩa là đúng lý thì đến trạm này các anh được lãnh gạo và muối. Có cả khô, mỡ và đường nữa.
- Trời đất, ngon vậy à?
Tấn cười:
- Nhưng đó chỉ là “trên nguyên tắc” thôi? Còn thực tế là một chuyện khác. Có khi nguyên tắc và thực tế chỏi ngược nhau!
Năm Cà Dom xách cái bi đông sang, ngồi cùng với chúng tôi và nói:
- Uống bậy miếng trà chơi cho ấm bụng… khà khà… khà, văn sĩ còn nhớ hai câu đối rất phổ biến ở ngoài Bắc không?
- Đối Tết hay đối gì?
- Đối dán ở câu lạc bộ ấy mà!
- Nhiều quá biết câu nào mà nhớ!
- Tôi muốn nói hai câu này: “Sáng sáng trụn lòng trà giả tạo, chiều chiều súc miệng rượu khoai lang!” Nhớ chưa nào?
- Tôi còn nhớ mang máng thôi!
- Anh viết văn mà anh không nhớ câu đó à? Vậy thì chết một cửa tứ rồi!
Năm lấy mấy cái nắp gà mèn rót trà ra và mời mọi người.
Tấn hỏi:
- Nhưng tôi thắc mắc quá!
- Thắc mắc gì? Sáng trong rừng được một bình trà vậy mà còn bất mãn cái nỗi gì nữa chớ.
Tấn nâng cái nắp gà mèn trà lên và hỏi:
- Trà giả tạo là trà gì 1 Có phải trà này không?
Năm hớp một ngụm và xua xua tay:
- Không! Không đâu. Trà này là trà Chính Xuân chánh hiệu con nai chà. Trà ngon nhất miền Bắc đấy.
- Vậy trà giả tạo là trà gì?
- Là trà không đúng là trà... nhưng đó là tôi nói chuyện uống trà hồi thời 1957-58-59 kìa.
Tôi biết Năm Cà Dom sắp nói chuyện linh tinh, nên tôi nhìn Năm và nháy mắt. Năm cũng nhận thấy cái nháy mắt của tôi nhưng Năm vẫn vui vẻ kể tiếp sau khi hớp cạn cái nắp gà mèn.
- Trà giả tạo là xác trà ướp nước cau khô!
- Hả, cái gì? Tấn nhìn Năm Cà Dom, rất đỗi ngạc nhiên.
- Thì nó vậy thật đó, chớ hả hừ cái gì?
Tấn hỏi:
- Nhưng tại sao như vậy chớ?
- Thì không có đủ trà uống, phải làm cái kiểu đó chớ sao?
- Vậy sao bảo ngoài Bắc sướng lắm. Không thiếu món gì?
- Ai bảo?
Tấn lúng túng không biết là ai đã bảo Tấn như thế. Sự thực thì có ai bảo như vậy đâu. Nhất là những người từ miền Bắc về thì họ không bao giờ nói như thế!
Vậy đó chỉ là do tư tưởng tượng của Tấn mà thôi. Và đó là kết quả của sự tuyền truyền của đài Hà Nội.
Năm Cà Dom say sưa nói tiếp:
- Sở dĩ tôi biết cái trà này là do một sự tình cờ. Một hôm tôi vào một quán trà ở Hà Nội, tôi cùng một thằng bạn kêu một bình trà ba hào. Hủ ki đem ra cho tôi một gói trà, một bộ bình và chung, và một “phích” nước sôi.
- Phích là cái gì?
-Trời đất, cái phích mà cậu không biết là cái gì sao?
- Ai mà biết!
- Là cái bình đựng nước nóng hoài không nguội hiểu chưa?
- À, cái bình “thỉ”!
- Bình thủy chớ bình thỉ gì!
- Sửa lưng tôi hả cha nội! Cha đi khỏi xứ mười mấy năm bây giờ trở về nói tiếng gì đâu đâu mà còn sửa mũi mấn người ở lại bám gốc cây vườn nhà?
- Cậu nói tôi mới nhớ ra rồi. Đúng là cái bình thủy. Đó mới đúng là tiếng nói của xứ mình. Ra Bắc, không hiểu tôi đã xài cái tiếng đó từ lúc nào, tôi cũng không hiểu nữa. Mà chính tôi không hiểu cái tiếng “phích” là cái nghĩa quái gì? Năm Cà Dom tiếp: Đúng ra thì người ta kêu là cái “phuých”.
- Nhưng “phuých” thì nghĩa gì?
- Tôi cũng không rõ nghĩa gì. Có khi ông nhà văn này giải đápđược cho chúng ta.
Tôi lắc đầu:
- Tôi cũng chịu thôi? Có những tiếng mình xài mãi rồi thành thói quen theo ước lệ chớ không chính xác nữa. Ví dụ như tiếng “kẻng”. Anh đó ăn diện “kẻng” lắm. Kẻng nghĩa là gì?
Năm Cà Dom nói:
- Đúng lắm? Có những chữ mình dùng sai mà mình không biết. Nhưng cứ tạm cho cái “phích” của miền Bắc là cái bình thủy của miền Nam đi! Cũng như ở ngoài Bắc mà kêu “cái ghe” là không có được đấy!
- Sụyt!
Tôi lại nháy Năm ý bảo có Thu ngồi bên cạnh. Năm Cà Dom trở lại câu chuyện vô quán trà:
- Được phục vụ đầy đủ rồi, tôi bèn cầm gói trà lên ngửi ngửi! Ngửi khá mạnh, nhưng không thấy mùi hương chi cả. Đến chừng rót ra chung, nước đen xậm mà không bốc lên một tí hương trà. Thằng bạn tôi kêu lên ngay:
“Nước cau khô, nước cau khô!”
“Thật à?”
“Xem đó thì biết.”
Nếu gặp ông văn sĩ thì ổng có thể làm một bài phóng sự được, còn tôi thì chỉ kể tắt như thế này là sau khi xác trà đã phơi khô thì họ đem tẩm bằng nước cau khô, đem phơi, lại đem tẩm, rồi lại đem phơi vài lần nữa. Thế cũng chưa xong, họ bỏ lên chảo rang cho dòn rồi trút vào hộp trong đó có một ít trà nguyên chất và hoa nhài. Độ một hôm thì họ lại sớt ra, gói đem bán cho khách. Đó, đại khái là trà giả tạo.
Tôi lắc đầu:
- Tôi ớn ông bác sĩ Cà Dom quá!
- Ớn gì?
- Cái gì ông cũng biết mà toàn là những chuyện không ai biết.
- Ừ’ đúng toàn những chuyện của lớp hạ tàng cơ sở không thôi. Nghĩa là tui ăn no, uống đậm, đi chậm làm việc chẳng ra cái nước mã gì cả.
Tấn lại hỏi:
- Còn rượu khoai lang?
- Cái đó thì rõ ràng như tôi nói đó. Nghĩa là rượu nấu bằng khoai lang uống nhức đầu bỏ mẹ!
Tấn lại tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Rượu nấu bằng khoai lang thì nấu làm sao kia chứ!
Năm chậm rãi rót trà và nói tiếp:
- Nhưng nấu với khoai lang hãy còn khá lắm! Người ta nấu với cùi bắp kìa.
Tấn kêu lên:
- Nấu với bắp hả.
Năm Cà Dom gầm lên:
- Khờ… ông! Nấu với cùi bắp, cùi bắp, cậu nghe chưa?
- Thế à?
- Chớ sao!
- Cùi bắp mà nấu rượu là nấu làm sao?
- Làm sao ai biết làm sao?
- Uống có bổ khỏe gì, cái thứ rượu nấu bằng cùi bắp?
- Dẫu có bề nào cũng chẳng làm chi. Làm chi cũng chằng làm chi. Dẫu có bề gì cũng chẳng làm sao!
Năm Có Dom nói xong, nhướng nhướng mắt nhìn mọi người. Cái bi đông trà của Năm Cà Dom trở nên đậm đà nhờ câu chuyện của chủ nó.
Tôi ngồi uống trà mà nghe chuyện rượu khoai lang của Năm Cà Dom bỗng nhiên tôi thấy thèm rượu, thèm một cách đột biến và gay gắt vô cùng.
Năm Cà Dom vẫn chưa buông tha cái tiết mục uống trà của anh. Năm Cà Dom nói:
- Cái nghệ thuật uống trà kể cũng hay hay. Có nhiều lúc chính trị bị người ta cho xen vào cái chuyện vui thú riêng tư ấy.
Ông Chín thấy Năm nói chuyện rào rào, vừa có duyên lại vừa không ai bắt bẻ được, nhất là Năm lại nói những chuyện mà ông Chín cho rằng “mất lập trường”, ông Chín muốn rỉ tai hoặc sửa lưng anh ta một cái, nhưng lối nào cũng không tiện cả, bởi vì xem cái tính khí của thằng cha bác sĩ này, nói là nói làm là làm không ai can được, cho nên ông già đành ngồi nghe cũng gật gù như cũng hưởng ứng cùng với những người khác.
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Có một lần tôi đi xuống Hải Phòng, lại nhà một thằng bạn làm thuyền trưởng chơi. Nhằm ngày chủ nhật, cho nên bạn bè đến khá đông. Ở ngoài đó thì các bạn cũng biết rồi, thăng Nam Bộ ở chỗ nào cũng có bạn, hang cùng ngõ tận nào cũng tìm tới mà. Cùng dòng máu dễ tìm nhau. – Năm Cà Dom hớp chung trà rồi vui vẻ tiếp- Bữa sáng nào cũng uống trà nhưng trà khá cái là không phải uống trà cau khô, mà trà thật nhờ có thằng mua chợ đen ở đâu đó được một nhúm.
Ông Chín gầm lên:
- Đồng chí nói láo bỏ hết sách vở. Ngoài Bắc có xưởng chè Phú Thọ, có cả trăm ngàn mẫu chè, uống không hết đem bán ra nước ngoài, làm gì có trà cau khô với trà chợ đen? Mình là cán bộ, ăn phải coi nồi, ngồi phải coi hướng, trước khi nói phải uốn lưỡi ba lần. Đồng chí có làm như vậy không? Có uốn lưới trước không?
Năm Cà Dom cười. Tuy hơi quạu. nhưng Năm cố nén cơn giận xuống.
Năm Cà Dom nói:
- Dạ vâng, cháu biết rõ là mình có nhà máy chè Phú Thọ, có những đồi chè Phú Thọ rộng bạt ngàn… nhưng …
Ông Chín được thế cắt ngang:
- Đồng chí biết vậy mà còn ăn nói vậy thì thiệt là không biết uốn lưỡi trước khi nói.
Năm Cà Dom thấy ông già khăng khăng bắt “phốt” mình, nhưng chỉ trong một cuộc giao tranh luận về “phạm trù” lần ở ven suối Năm cũng đoán được cái tính của ông già, nên Năm vẫn vui vẻ:
- Thưa cụ cháu nói không cần đánh lưỡi, nhưng cháu nói cái gì cũng có cân tiểu ly cân đo cả, cháu là thầy thuốc mà, một chữ sai, một mi li khối sai cũng đủ giết người rồi, huống chi cả cái nhà máy mà cháu không biết.
- Tôi không nói với đám các anh nữa, các anh toàn kiếm chuyện không hay... Lập trường của các đồng chí để ở đâu kia chứ?
- Ơ hay, ông Chín nói vậy, thì chuyện trà cau khô là chuyện không nên nói ra à? Vậy để cho cái bọn con buôn đó lột da mình à? Lấp trường của tôi ở chỗ là không để cho nó cho mình uống nước cau khô mà móc túi lấy giấy bạc cụ Hồ một cách ngang nhiên!
- Thôi tôi không nói với đồng chí nữa!
- Thì thôi. Tôi nói một mình tôi. Rồi Năm Cà Dom thản nhiên kể tiếp. Buổi sáng hôm đó, có bình trà ngon uống thiệt là đã vô cùng Vi lâu lâu mới có trà thiệt. Đang uống thì bỗng có một anh ba xạo tới. Anh ta không thân, nhưng nghe hơi trà thì xông vào chắt hết nước cốt uống rồi khen trà ngon nhưng lại bảo “trà mua chợ đen phạm chánh sách”. Mẹ nó cái thằng vô duyên quá. Trà của người ta nhảy vô uống càn mà lại còn lên lớp người ta. Mấy cái thằng như vậy, không nhiều chớ phải lúc nhúc như giòi thì mình sống sao nổi. Đó là cái chuyện uống trà hồi thuở 1956, hồi cái xưởng chè Phú Thọ hãy còn nằm trong kế hoạch của Bộ Công nghiệp. Hồi đó khác bây giờ ông Chín ạ! Cháu nói chuyện gì cũng có dẫn chứng cụ thể.
Năm Cà Dom lại tiếp:
- Nhưng bây giờ lại có chuyện bây giờ.
Ông Chín thấy như khỏe nhẹ vì Năm Cà Dom đã kể dứt chuyện uống trà, nhưng ông lại tức giận cho cái thằng cha bác sĩ Cà Dom này, không biết chuyện ở đâu mà nó cứ lôi ra lằng nhẳng như thế, ông Chín hỏi:
- Chuyện bây giờ là chuyện gì chớ?
- Đâu có chuyện gì đâu ông Chín.
- Ờ đâu có chuyện gì đâu mà nói. -ông Chín tằng hắng một cách sảng khoái rồi tiếp – Bây giờ thì nhà máy chè của mình sản xuất đều đều. Trà của mình ngon nhất thế giới rồi phải không các đồng chí? Mỗi cán bộ hàng tháng được mua hai người một gói.
Năm Cà Dom xen vô:
- Đó là cán bộ lèm nhèm. Còn cán bộ khá khá mỗi người ít nhất được một gói chứ ông Chín. Riêng các anh lớn thì tha hồ mua...
Ông Chín lại tỏ vẻ bất bình.
- Lại móc lò hả?
- Đúng thật chứ. Ai ở miền Bắc mà không công nhận như vậy Chính tôi đây tháng nào cũng chạy sấp chạy ngửa năn nỉ người này người nọ để xin phiếu mua trà. Tôi ghiền thuốc lẫn ghiền trà. Đó là hai nỗi khổ của tôi mà. Sao tôi quên được. Trà tiêu chuẩn của tôi chỉ uống được sáu ấm. Đó là gói trà Chính Xuân phân ra thật đều. Uống nhín nhín thì được một ngày... Mẹ kiếp cái trà Tàu thiệt là gây cho mình nhiều khốn khổ.
- Ấy đã đồng chí lại mất lập trường nữa. Đồng chf thiệt lôi thôi quá! Đồng chí không có học lớp chánh trị nào sao đồng chí.
- Không!
-Ít ra trước khi về Nam đồng chí cũng phải học một lớp ba tháng chớ. Có lý nào không ngơ.
- Có học nhưng tôi thích vác gạch đi bộ hơn là vô lớp ngồi như tượng gỗ. Vô ngồi mà bụng tưởng đâu đâu! Nghe lỗ bên này qua lỗ bên kia ráo trơn.
- Vì thế đồng chí mới dễ mất lập trường!
- Mất gì đâu ông Chín!
- Trà Tàu! Đồng chí nói là trà Tàu. Tiếng Tàu là cái tiếng của thời đế quốc nô lệ để lại cho mình. Nó là dấu vết của sự bất bình đẳng và mất đoàn kết.
Năm Cà Dom cười khè khè. Có lẽ Năm Cà Dom cũng biết lão già này quá gàn. Còn tôi thì tôi càng nực cười. Lúc nào cũng lắng tai nghe chung quanh xem có ai nói cái gì “mất lập trường” không? Giống in như ông ta là cân tiểu ly chỉ để dùng trong cái việc độc nhất ấy vậy Cho nên tôi cứ để cho ông phân tích cái tiếng “trà’Tàu” nghe chơi.
Năm Cà Dom hỏi:.
- Theo ông thì ông nói là trà gì nào?
- Tất nhiên là trà Trung Quốc.
- Vậy nếu trà đó sản xuất ở Đài Loan thì gọi là trà gì?
Ông già hơi bí, nhưng lại tìm cách giải đáp:
- Đại khái là trà Quốc dân đảng.
- Vậy thì phải gọi trà Trung Quốc là trà Cộng sản mới cân xứng và rõ nghĩa hơn. Năm Cà Dom vui vẻ nói tiếp. Theo tôi thì trà Tàu hay trà Anh Quốc, trà gì gì cũng không có lập trường ở bông trà. Cũng như uống trà không có lập trường gì cả. Uống trà là một thú vui thế thôi!
Ông Chín nói:
- Nhưng mà không thể gọi là trà Tàu được!
Năm Cà Dom cười:
- Cái đó tùy. Ai muốn gọi gì thì gọi, còn tôi thì cứ “trà Tàu”!
- Hừm! Đâu có được! Phải thống nhất ý chí chớ! Đồng chí nói ngang như cua vậy mà nghe được à?
Tôi không ngờ ở đây lại cũng có một người kiêng cái tiếng “Tàu”. Tôi đã từng dùng tiếng “Tàu” và cũng đã từng bị sửa lưng một cách ngon lành như thế nhưng khác trường hợp này là trên giấy trắng mực đen.
Số là hồi thuở đó tôi làm ở Bộ biên tập báo Văn Học, tuần báo của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Miền Bắc. Tôi có viết một bài, trong đó tôi có dùng hai tiếng “truyện Tàu“. Ông thư ký tòa soạn gạch đít và ngoéo ra ngoài lề sửa lại là “truyện cổ Trung Quốc” khi bản thảo sắp đưa đi nhà in, tôi trông thấy việc “sửa” văn đó. Tôi bèn lên gặp đồng chí thư ký tòa soạn. Ông bảo là chữ “Tàu” ở đây không ổn cho nên phải thay bằng chữ khác. Tôi nhận và cứ để in theo những chữ ngoài lề. Tôi nghĩ. Truyện Tàu là truyện Tàu chứ không phải là truyện cổ Trung Quốc. Vả lại Tàu và Trung Quốc là mấy thứ? Chằng có lẽ “Tàu” là Đài Loan còn Trung Quốc là Trung Hoa lục địa. Hơn nữa, là một người cầm bút, tôi có sự suy nghĩ và có tình cảm của tôi khi tôi ngồi trước trang giấy. Cho nên khi tôi viết hai tiếng “truyện Tàu” là tôi nghĩ ngay đến những quyền truyện với những cái góc cuốn tròn, nhũng trang rách mướp và đẫm mồ hôi, với những hàng chứ lu mờ chỉ vừa đủ trông thấy và với những cái nẹp tre vàng thô kệch cũng cũ nát cặp ở lưng sách. Tôi nghĩ đền những cặp mắt kính yếu nom vào những dòng chứ kê sát bên chiếc đèn dầu hỏa mập mờ với giọng đọc ê a ngập ngừng, với những thính giả nằm im lắng nghe, hưởng ứng từng đoạn truyện với những tình tiết vui buồn mà khóc mà cười với nhân vật trong truyện. Tôi nghĩ đến ông tôi, đầu bạc phơ nằm lim dim trên bộ ván gõ lắng nghe đứa cháu đọc và đến một..trang đã được đánh dấu trước thì sẽ đưa thưởng cho nó một đồng nửa xu. Tôi nghĩ tới tôi, cậu bé nằm sấp trên đầu ván đọc mà bụng..nghĩ tới những cuộc vui chơi rộn rực ngoài kia của chúng bạn, vì thế cho nên hễ thấy ông có vẻ ngủ thì lập tức đọc nhảy trang để mau hoàn thành nghĩa vụ, lãnh thưởng và vọt đi chơi ngay...
Ấy đó khi tôi viết hai tiếng “truyện Tàu” thì tôi nghĩ đến bao nhiêu việc, bấy nhiêu người đó, và tình cảm của tôi quyện lấy ý nghĩ đó trộn vào máu tim tôi mà chảy xuống ngòi bút nên hai chữ đó. Và đó, nói theo trong nghề văn là sáng tạo. Mà trong văn học nghệ thuật thì sự sáng tạo lớn nhất là thuộc về cá nhân chứ không phải thuộc về tập thể. Ngay như tiếng “Nga” và “Liên Xô” cũng vậy.
Hay tiếng “Pháp“, “Tây“, “Lang Sa” cũng vậy nốt. Phải biết dùng nó cho đúng chỗ, chứ không nên lệ thuộc vào tình cảm chủ quan mà bắt người khác sửa theo mình.
Ấy vậy, mà cái anh thư ký tòa soạn vốn là một nhà thơ không làm đến ba câu thợ, đã ngang nhiên chữa văn của một người khác như một ông thầy lớp dự bị chữa lỗi “đích tê” cho cậu học trò đầu trọc.
Tôi không phản đối, nhưng tôi không chấp nhận. Đó là vấn đề. Và hôm nay gặp ông bác sĩ Năm Cà Dom người cũng bị “quy kết” như tôi cho nên tôi mới nói ra.
Mà quả thật, Năm Cà Dom cũng như tôi, anh ta không chịu thua ông già lập trường. Năm Cà Dom nói:
- Ông Chín ạ!
-Có tôi!
- Cháu hỏi thật ông Chín nhé!
- Cứ hỏi, tôi sẵn sàng đáp lại.
- Cháu xin hỏi ông Chín, là một năm ông Chín sửa lưng những người khác chừng độ mấy lần, như vừa sửa lưng tôi đây?
Ông Chín không nổi cáu được mà vui vẻ.
- Có nhiều, sửa nhiều, có ít sửa ít.
- Nếu như người ta cãi lại ông thì ông làm sao?
Ông Chín cười, cái cười tự tin rằng không ai cãi thắng mình, ông Chín nói:
- Thì đồng chí cứ cãi thử xem.
Năm Cà Dom đứng dậy và nói:
- Xin lỗi các đồng chí, tôi ra ngoài một chút.
Tôi thì thích thú vì thấy trận đấu sắp nổ ra vui vẻ, còn Thu thì càng thích thú hơn vì thấy rằng trên trận tuyến chống ông già gân, mình có thềm đồng minh tích cực (Thu đã cãi nhau với ông Chín nảy lửa cũng vì “lập trường“).
Năm Cà Dom trở lại với điếu thuốc trên môi, trông gương mặt của Năm phấn chấn hằn lên.
Năm ngồi vào chỗ cũ và nói ngay:
- Đây, vấn đề của tôi, tức bác sĩ Năm Cà Dom nêu ra như thế này. Tôi đồng ý với ông Chín rằng Truyện Tàu phải sửa lại kêu bằng Truyện Cổ Trung Quốc như anh bạn đây vừa nêu. Và Trà Tàu cũng phải sửa lại là Trà Trung Quốc, ví dụ như Trung Quốc Kỳ Chưởng… Nhưng có những chỗ chữ Trung Quốc không thay được chữ Tàu, mà nếu cố gắn bừa chữ này vào chữ kia thì thành ra thất chánh trị!
- Ví dụ! Ví dụ xem! ông Chín thách thức.
Năm gạt nhẹ cái tàn thuốc vào cạnh hòn đá và nói:
- Ví dụ như ghẻ Tàu!
Mọi người ngả ngửa, nhảy dựng lên mà cười như ở dưới đít và ở trước ngực có gắn lò xo bị bấm nút bật tung ra, làm cho ông Chín như người bị tấn công bằng võ lực thật sự.
- Cái gì mà cười dữ vậy t Cứ đơn cử ví dụ xem sao nào
- Ví dụ như ghẻ Tàu là ghẻ Tàu chứ không thể kêu là ghẻ Cổ Trung Quốc được!
Ông Chín lúng túng, không biết quơ quào câu đáp ở đâu. Năm Cà Dom lại tiếp tục pha trò:
- Đứng về mặt y học mà nói thì ghẻ Tàu là một thứ ghẻ vô cùng lợi hại, rất nguy hiểm khè khè... trong các thứ ghẻ có vi trùng Sta phi lô cốc, gô nô cốc…, (Năm nếu hai ba thứ vi trùng “cốc, cốc” gì nữa tôi không nhớ hết).
Một anh bạn nhạy miếng tiếp ứng ngay:
- Ba-xi-đờ-cốc!
- Không phải đâu. Năm Cà Dom tiếp. Đấy trong trường hợp đó mà thay cho “Tàu” bằng chứ “Trung quốc Cổ ” thì nguy hiểm vô cùng ông Chín nghĩ sao!
Ông Chín lắc đầu. Mồ hôi rịn ra ở từng nếp nhăn trên trán lão già lập trường.
Lão cố chống đỡ miễn cường:
- Tôi không biết y học, tôi chỉ biết cái tiếng “Tàu” là cái tiếng của thời nô lệ. Ở chế độ tốt đẹp của ta không thể để cho nó tồn tại được.
Tôi chen vào:
- Thế thì đem nó bỏ vào chặng đường vắt này cho vắt cắn nó toi mạng đi!.
Mỗi người góp vào một câu, nhưng vì đối tượng chính là ông Chín, mà ông Chín lại xụi lơ cán cuốc rồi, cho nên ý kiến của ai nấy đều trở thành những quả đấm nện vào không khí cho nên câu chuyện cũng nhạt dần theo cái bi đông trà của Năm Cà Dom đã châm nước sôi đến lần thứ mười tám.
Và mục đích của thiên hạ đến đây cũng đều để một là uống trà, hai là tán chuyện. Mà trà thì đã nhạt, chuyện lại càng nhạt hơn, cho nên ai nấy đều từ từ rút lui có trật tự. Còn tôi thì đi về võng nằm nói chuyện với Năm Cà Dom. Võng của hai đứa mắc giao đầu với nhau. Chả là cái con người của Năm cũng hợp với tôi mà!
Vừa mắc bi đông lên đầu võng, Năm đã nói ngay:
- Tôi chắc ông văn sĩ chê tôi kém xã giao lắm phải không?
- Sao?
- Còn sao nữa, văn sĩ mà đóng kịch cũng tài thế à?
- Thật mà! Công bình mà nói thì không biết toàn bộ con người cậu như thế nào, chứ còn từ lúc gặp tới giờ thấy có nhiều cử chỉ tốt có “tính chất lương tâm nhà nghề”. Đặc biệt trong lúc này mà còn dám mời thiên hạ uống một bi đông trà Chính Xuân thì thiệt là “một con người không phải như những người khác”.
- Thôi mà, tô vẽ mãi.
- Thiệt mà. Còn cái việc cậu lội suối băng bó cho tụi nó.
Câu chuyện giữa tôi và Năm Cà Dom còn đang tương đối vui vẻ thì giao liên tới gọi đi lãnh gạo.
Xương Trắng Trường Sơn Xương Trắng Trường Sơn - Xuân Vũ Xương Trắng Trường Sơn