Thằng Côn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13
hi những cây nêu vừa hạ và khi vôi bột rắc dưới cửa mỗi nhà vừa sạch dấu vết thì tỉnh lỵ chuyển mình. Dân thị xã ngủ vùi trong chăn ấm, sáng sau thức dậy mới biết có đảo chính. Nhật đã đảo chính Tây, Nhật chiếm tòa sứ, rút cờ tam tài xuống và kéo cờ mặt trời đỏ ối lên. Những nơi có Tây, Nhật chiếm hết. Ông Tây bà Đầm và Tây con bị Nhật bắt giam một chỗ. Trại lính khố xanh, Nhật chỉ canh giữ chung quanh. Thị xã Thái Bình được phen kinh ngạc. Mọi nhà đóng chặt cửa. Đường phố vắng hoe. Lính Nhật phóng xe khắp đường, súng chĩa vào hai bên để thị uy. Đến trưa, có lệnh dân chúng phải mở cửa, buôn bán như thường. Lệnh được những người thông ngôn bắc loa đi trên xe cam nhông kêu gọi. Lệnh còn nhắc đi nhắc lại câu “Quân đội Thiên Hoàng diệt thực dân Pháp và trao trả độc lập cho nước Việt Nam”.
Từ một khe cửa hở, Côn đã nhìn rõ người thông ngôn Việt Nam đứng bên viên sĩ quan Nhật đeo kiếm trên xe: Người thông ngôn đó tên là Ban, bố Côn quen biết. Ông ta được dân thị xã kính sợ từ ngày lính Nhật sang Thái Bình. Chính ông Ban nói lớn “Quân đội Thiên Hoàng diệt thực dân Pháp và trao trả độc lập cho nước Việt Nam”. Nước ta đã độc lập. Độc lập ra sao, Côn không hiểu nhưng nó mừng rỡ. Côn sẽ gặp lại thầy Đàn. Và chẳng bao giờ nó còn thấy lính sen đềm Tây vào trường bắt các thầy đem về sở mật thám.
Côn hỏi bố:
- Nước ta độc lập rồi hở, bố?
Bố nó mắng:
- Con là trẻ con, biết cái gì mà nói nhảm.
- Ông Ban nói.
- Kệ ông Ban. Con lo học hành đi. Không ôn bài vở, mai mốt đi học theo sao kịp bạn bè. Bố đã dặn chớ nói chuyện độc lập.
- Rồi thầy con có về Thái không?
- Bố không biết. Đêm qua lính Nhật nổ súng, con chớ ra đường sẽ bị lạc đạn đấy.
Dưới mắt người lớn, Côn vẫn chỉ là thằng con nít. Bố thằng Côn đâu biết thầy Đàn và thằng Vọng đã nhồi vào tâm hồn nó những danh từ không hề học ở trường. Và những danh từ ấy đã ám ảnh Côn. Nó chỉ quên khi ngồi gần Thúy. Và giá nếu cuộc sống cứ bình thản trùm kín dân tỉnh lỵ, ngày nào đó, Côn sẽ tưởng thầy Đàn là một nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhưng sự bình thản thật sự bị phá rối. Nhật đã nổ súng bắt Tây nhốt một chỗ! Mấy đời nay chưa xẩy ra chuyện lạ đó. Côn biết một vài điều mà bố nó không bao giờ tưởng rằng nó đã biết.
- Bố ơi, có phải Nhật là phát xít không?
Bố thằng Côn trợn mắt:
- Mày chết, ai bảo mày thế?
Chuyện quan trọng rồi. Đến nỗi bố nó gọi nó bằng “mày”. Côn không dám khai cho Vọng. Nó lấm lét:
- Ở trường mấy anh lớp nhất nói.
- Tao phải xích chân mày ở nhà. Nhật nó nghe thấy, nó rút kiếm chém mày làm hai.
Thằng Vọng đã nói đúng. Nhật hung ác lắm. Côn nín thinh, lỉnh xuống nhà. Trưa hôm sau, thằng Vọng tới tìm Côn. Nó hả hê khoe:
- Nước ta độc lập rồi.
Côn bịt miệng Vọng:
- Nói khẽ chứ, bố tao sợ. Độc lập là gì hở, mày?
- Là người mình cai trị người mình. Mày sang bên kia cầu Bo chơi không? Vui lắm. Nhật nó bắt Tây kéo xe bò chở đất.
- Có bố thằng Dương không?
- Thằng phó cẩm ấy à? Nó bị ông Ban tát hộc máu mồm giữa phố chính. Mày đi coi Tây kéo xe bò không? Tụi trường mình kéo nhau đi coi hết.
Côn theo Vọng đi. Hai đứa rủ thêm bọn thằng Luyến. Chúng nó chạy một mạch sang bên kia cầu Bo. Ở đó, những ông Tây mấy ngày trước còn khệnh khạng, hét ra lửa, mặt mày hốc hác, quần áo lôi thôi, chân đất, đang đào đất, xúc đất đổ lên xe bò. Những ông Tây sen đầm bị kéo và đẩy xe bò đất đem đổ trên đê. Bọn trẻ con đã ôm bụng cười thích chí. Lính Nhật cũng cười theo. Thỉnh thoảng, lính Nhật bắt Tây chạy thật nhanh. Mấy anh Tây đẩy xe ngã chúi mặt xuống đường. Quen đi giầy, nay mấy ông Tây đi đất, đá dăm đâm vào chân, chẩy máu, nhăn nhó. Nhiều anh chịu không thấu, cởi áo bó lấy chân. Các bà Đầm bồng bế Tây con, đứng một chỗ, nhìn chồng bị hành hạ, khóc như gi vỡ tổ. Thằng Vọng leo lên vồng cầu, hét lên:
“Ai sinh ra cái xe bò
Để cho Tây phải kéo gò lưng tôm”.
Bọn nhãi vỗ tay rào rào. Chúng nó bảo Vọng dạy hai câu đó. Thuộc rồi, chúng đến gần các ông Tây, lải nhải đọc. Nhiều ông Tây biết tiếng Việt Nam, xấu hổ cúi gầm mặt. Có ông khóc hu hu. Giữa trưa, Nhật bắt đào đất, đổ đất và không cho uống nước, các ông Tây khát lè lưỡi ra giống hệt những con chó khát. Nhật còn bắt bà Đầm ngồi trên xe tay, chĩa súng sai ông Tây kéo lên dốc cầu và xuống dốc cầu. Xuống dốc, xe có đà, ông Tây không biết kéo xe bị ngã nằm bất tỉnh. Xe lật xuống vệ đường, bà Đầm ngã nhào. Nhật cười ha hả. Thằng Vọng lại hét lớn:
“Ai sinh ra cái xe tay
Để Tây vất vả chân tay tối ngày”
Luyến rút súng cao su định “tia” thằng Tây nhà đoan chuyên môn đi bắt rượu lậu, Thằng Tây này đã có lần đến nhà nó, lấy cái que sắt nhọn chọc khắp chỗ. Nó còn sừng sộ với bố thằng Luyến, đòi bắt bố nó nữa. Luyến nạp đạn. Nó kéo căng hai sợi dây cao su. Nhưng khi sắp buông tay, Luyến lại thôi. Nó thấy thương hại bọn Tây. Một người lính Nhật dùng tay chỉ chỏ khuyến khích Luyến bắn. Nó lắc đầu. Côn đã không cười chế nhạo Tây nữa. Sự ghét bỏ của nó kể như hết. Nó bảo Luyến:
- Nhật nó đểu quá, mày nhỉ?
- Ừ.
- Nó không cho Tây uống nước, tao sợ Tây chết khát mất. Hay là tao với mày lấy nước cho tụi nó uống đi.
- Nhật nó giết, mày ạ!
Côn vẫy Vọng xuống. Nó hỏi Vọng:
- Mày có dám đem nước cho Tây uống không?
Vọng trề môi:
- Kệ mẹ chúng nó. Chúng nó có thương mình đâu. Thầy tao bảo vì Tây mà dân ta khổ sở.
Côn rũ Luyến và Lộc về. Vọng nói theo:
- Tây nó còn trốn một mớ, ông sẽ đi tìm bắt giao cho Nhật lấy tiền thưởng.
Chiều hôm ấy, lính Nhật giải các ông Tây bà Đầm thất thế đi bộ, áo quần lếch thếch, mặt mày phờ phạc diễu khắp phố. Dân thị xã kéo ra hai bên vỉa hè coi rất đông. Nhưng không ai nỡ ném trứng thối, cà chua ủng hay vỏ sữa bò vào đám người chiến bại. Lính Nhật kêu gọi dân chúng hãy chỉ chỗ Tây trốn tránh. Và dọa ai chứa chấp Tây sẽ bị xử tử. Mấy hôm sau, Nhật tóm cổ cả chục ông Tây mặc áo tơi, đội nón mê từ các làng xa thị xã về. Chẳng hiểu những người nông dân nào đã giúp Tây trốn tránh. Chỉ tiếc những cái mũi lõ không giấu nổi lính Nhật và thông ngôn người Việt Nam của họ. Những ông Tây trốn không thoát bị đánh đập tàn nhẫn. Côn nghĩ tới Vọng. Nó thấy hơi hơi giận Vọng.
Thằng Côn Thằng Côn - Duyên Anh Thằng Côn