Phút Dành Cho Con epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Bi Kịch Và Nỗi Đau
rong cuộc sống, không phải lúc nào con cũng được hạnh phúc và yêu thương, sẽ có lúc những bi kịch và nỗi đau ập đến. Con không thể ngăn được chúng và cũng không có cách nào tránh được. Chúng sẽ đến với con vào một thời điểm nhất định.
Khi chúng đến, chúng sẽ lấn át và biến con thành kẻ thụ động. Nếu con thuộc kiểu người bi quan, luôn quan trọng hóa những đau khổ của mình, thì con sẽ có cảm giác rằng mình là kẻ đau khổ nhất mà không ai thấu hiểu được. Còn nếu con thuộc kiểu người lạc quan, con sẽ cảm thấy nỗi đau của mình thật tầm thường khi so sánh với những thống khổ mà người khác đã gặp.
Con đừng để bị những cảm xúc này đánh lừa. Bởi người bị bỏng vì một que diêm cũng sẽ cảm thấy đau đớn không kém gì người bị bỏng trong một trận hỏa hoạn. Điều này chẳng có gì lạ, nỗi đau của con dù lớn hay nhỏ đều có thật, bởi vì chính bản thân con cảm nhận chúng. Điều quan trọng là con phải chấp nhận những nỗi đau này và xem chúng cũng như một món quà của cuộc sống và nhờ có nó con có thể bước ra khỏi chính mình, cảm thông với những người đang chịu đau khổ khác.
Khi tất cả mọi điều trong cuộc sống đến với ta đều tốt đẹp, thế giới của ta sẽ tự mình thu hẹp lại. Rồi cũng có lúc những việc như đi đến cửa hàng, hoàn thành một bài viết, thay lốp xe ô tô, tự hỏi rằng cô gái cười với mình hôm qua có thích mình không… diễn ra thật thanh bình sẽ trở nên nhàm chán.
Chính lúc ấy, những bi kịch và đau thương bất ngờ ùa đến. Tùy vào cấp độ, chúng có thể phá vỡ những ranh giới mong manh trong ta và làm vỡ nát thế giới mà ta đang xây dựng. Những bi kịch và nỗi đau này sẽ làm ta thay đổi. Cuộc đời ta bắt đầu bước sang một chặng đường mới, hỗn loạn và không còn êm ả như trước. Vậy là ta ước ao giá như mình được trở lại cuộc sống cũ và giá như mình có cơ hội để làm lại từ đầu.
Nhưng không được. Cuộc sống không thể tránh khỏi những biến động, và nó không thể trở lại như lúc trước. Chúng ta bị đẩy vào một thế giới mới rộng lớn hơn, tại nơi này ta sẽ nhìn thấy được điều gì thật sự có ý nghĩa, và ta có trách nhiệm mang những điều ý nghĩa này vào trong cuộc sống thường ngày của ta. Đây là cơ hội cho ta làm tươi mới cuộc sống của mình.
Và cách chúng ta đối phó với những bi kịch và đau thương như thế nào chính là thước đo sự mạnh mẽ của ta.
Cha biết một người đã bị bạo hành từ nhỏ, anh ta từng bị xích vào giường và bị đánh đập khi còn là một đứa trẻ. Bây giờ lớn lên, anh dường như sống rất lặng lẽ và cách biệt với mọi người, có lẽ tuổi thơ hỗn loạn đã để lại trong anh nỗi ám ảnh khó xóa nhòa.
Cha lại có một người bạn khác đã sống sót được từ trại tập trung Auschwitz(1) trong khi cả cha mẹ anh đều thiệt mạng. Ông ấy bây giờ đang quần quật kiếm tiềm và sống theo cách mà ông gọi là “cuộc sống tươi đẹp”. “Tớ đã quá khổ rồi” – ông ấy nói – “vì vậy tớ có quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Cha cũng biết một người phụ nữ đã từng bị ép bỏ đi đứa con khi còn đang trong bụng mẹ trên một chiếc bàn làm bếp bẩn thỉu đầy máu. Bây giờ cô đang dành trọn cuộc đời mình để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư, như một sự chuộc lỗi cho những tội ác cô đã chứng kiến, có lẽ bởi hơn ai hết cô hiểu được những thống khổ của con người.
Cha không thể bình luận về bất kỳ ai trong số những người bạn này. Họ có những nỗi đau sâu xa và thảm thiết hơn nhiều lần nỗi đau của cha hay của con. Nhưng họ có một điểm giống nhau - đó là họ đã thay đổi cuộc sống của mình để đáp lại những đau khổ mà họ đã phải gánh chịu.
Có người quyết định chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ, có người quần quật kiếm tiền, những người này đã chọn cách đáp lại những bi kịch và đau khổ của họ bằng cách hành hạ bản thân mình nhiều hơn. Có lẽ họ phải làm vậy, họ phải trốn tránh chúng, có lẽ là sự tổn thương quá lớn trong quá khứ khiến họ không thể đối diện với chúng.
Nhưng cũng có người tiếp tục cuộc đời bằng cách giúp đỡ người khác, người phụ nữ chịu nhiều đau khổ đã vào làm việc ở khu bệnh nhân ung thư. Cô không lảng tránh nỗi đau của mình. Cô không trốn chạy khỏi nó. Cô chấp nhận nó, cưu mang nó, và nhờ đó cô có sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của những người khác. Vì chính cô đã từng cảm nhận được sự chết chóc của chính mình, nên cô chọn cách chia sẻ với những người cũng đang đau khổ cùng cực như cô.
Con ạ, trong cuộc đời, không ai là không từng trải qua đau khổ, tổn thương, nhưng cũng chính từ những hoàn cảnh ấy mới giúp chúng ta trưởng thành. Những người luôn tìm cách né tránh đau khổ sẽ mất đi một cơ hội lớn. Đó là cơ hội sử dụng nỗi đau để trưởng thành hơn, nhận ra những điều tốt đẹp hơn và chia sẻ chúng với mọi người.
Có thể bi kịch và nỗi đau của con chỉ là chia tay cô bạn gái hay cái chết của một con thú cưng. Hay lớn hơn đó là cha mẹ qua đời, hay một tai nạn khiến con tàn tật, hoặc cũng có thể con mắc một căn bệnh nan y... Nhưng dù đó là nỗi đau nào chăng nữa, con hãy xem nó như thước đo cho lòng can đảm của con, và xem nó như một món quà để giúp con nhận thức được những điều quan trọng trong cuộc đời mình.
Có những nỗi đau mà ban đầu con tưởng chừng mình không thể chịu đựng được, nhưng nó sẽ được chữa lành theo thời gian. Vì vậy câu hỏi con cần đặt ra cho bản thân mình không phải là con có chữa lành được nỗi đau hay không, mà là con phải chữa lành bằng cách nào. Đau thương cũng chỉ có lúc, và khi nó bắt đầu lành lặn, con cần phải chú ý đến con người mới của mình. Những bi kịch và đau khổ làm cuộc sống chúng ta đảo lộn, nhưng bù lại chúng cho ta cơ hội để tái xây dựng cảm giác của mình về những điều giá trị và ý nghĩa.
Vì vậy, con đừng nên e ngại những bi kịch và nỗi đau. Trong những hoàn cảnh ấy, rồi con sẽ có những hành động và suy nghĩ sáng tạo để vượt qua. Chúng ta không mong nếm trải đau thương, nhưng đã là điều không tránh được thì ta phải học cách chấp nhận và vượt qua chúng. Giống như tình yêu, những nỗi đau sẽ giúp con gắn bó với mọi người hơn. Hãy cảm nhận nó một cách thực tế, nhưng sử dụng nó theo cách có thể giúp ích cho mình.
Chúng là ngọn lửa để con tôi luyện.
Phút Dành Cho Con Phút Dành Cho Con - Kent Nerburn Phút Dành Cho Con