Chương 12 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Mở Mang Thành Thị
ước ta là một nước chuyên về nghề làm ruộng, cho nên dân cư phần nhiều ở nhà quê các thành phố mở mang chậm chạp.
Trước khi người Pháp đặt nền bảo hộ, thì chỉ chỗ nào có vua quan mới có thành thị. Nhưng cách xếp đặt rất là sơ sài: Vua, quan, quân lính ở trong thành, còn bên ngoài thì dân cư tụ tập trong những nhà tối tăm lụp sụp, ngổn ngang. Đường xá chật hẹp và dơ bẩn, mỗi khi có một trận mưa xuống, bùn lầy lên như ở các đường thôn quê. Trong thành ngoài thị đều có những hồ ao nước đọng nước tù hãm; đến mùa viêm nhiệt, uế khí bốc lên, rất hại vệ sinh.
Ông Nguyễn Trường Tộ đã từng đi qua những thành phố sáng sủa, sạch sẽ ở Âu Châu, nên ông muốn đem sự hiểu biết của ông giúp vào việc mở mang thành thị trong nước. Trong nhiều bản điều trần, ông có nhắc đến việc đó.
Trước hết ông khuyên nên trồng cây: ‘’Trong kinh thành, ở hai bên vệ đường, cứ cách mười thước ta lại trồng một cây; ở trong vườn các nhà, các dinh, thì cứ mỗi khoảng mười thước rưỡi một bề, lại trồng bốn góc bốn cây như sắp bàn cờ’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ nhất).
Ông là người yêu cây lắm, vì cây không những cho ta quả ăn, gỗ dùng, mà còn làm cho mưa gió thuận hòa: ‘’cây cối hút thấp khí trong đất, đến khi mặt trời nóng dội xuống, cây thở thấp khí ấy ra đầy trời; nó đọng lại làm mây, rồi rơi xuống làm mưa, thành ra thời thiết được điều hòa’’ (Điều trần ngày 28 tháng 8 năm Tự Đức 24-1871), nhất là những nơi đông đúc như thành thị, cây lại rất có ích cho vệ sinh: ‘’Vì chỗ khinh thành, nhân dân trù mật, thán khí và uế khí rất nhiều, dễ sinh ra tật bệnh. Nhờ có cây cối hút thán khí nhả ra dưỡng khí, khiến cho độc khí và sinh khí lẫn lộn và điều hòa nhau’’.
Muốn tránh hỏa hoạn và tiện việc binh bị, ông xin bắt các nhà cửa trong thành đều phải lợp bằng ngói: ‘’Xin sức cho các nhà trong thành, bất luận nhà quan hay nhà dân, đều phải làm bằng gạch ngói...Xin hiểu dụ cho các phú hộ được phép xuất tiền làm nhiều nhà ngói trong thành, nhưng phải nhờ quan trên chỉ cho nên làm chỗ nào và kiểu cách thế nào. Nếu ai làm được năm mươi gian trở lên thì xin ân thưởng cho họ; hoặc có người góp vốn mà làm nhiều hơn nữa cũng xin tùy theo từng người mà định thưởng. Số tiền thuê nhà đồng niên sẽ do Bộ định trước, bắt các gia chủ phải theo’’.
Ông lại xin Triều Đình đặt ra một chương trình chỉnh đốn thành thị: ‘’xin xét kỹ chỗ nào nên thay đổi, chỗ nào nên đắp cao hoặc đào sâu hoặc làm ruộng, làm hẹp, làm lớn, làm nhỏ thế nào, đều họa thành đồ bản, rồi cứ lần lần sửa sang’’.
Đường xá, hào rãnh, cầu cống, chợ búa, ông đều xin sắp đặt lại cho được khả quan và hợp vệ sinh.
Ông cũng không quên việc cảnh sát trong thành. Ông viết: ‘’Phàm những kẻ bần dân vô nghệ và các người ở nơi khác đến trú ngụ, không kể sĩ, nông, công, thương, hễ không có thực nghiệp vĩnh viễn, thì cấm không được nấn ná ở trong thành. Còn những người bán hàng giong như thuốc lá và bánh trái, thì xin sức cho họ được vào nửa giờ sau khi sáng tỏ, nhưng trước buổi tối nửa giờ phải ra hết cả’’.
Tuy trong việc sửa sang thành thị, ông chú ý đến việc phòng thủ hơn là mỹ thuật, nhưng nếu những lời đề nghị của ông được người ta nghe theo thì các thành thị của ta cũng không đến nỗi lộn xộn, dơ bẩn, ngay từ trước khi người Pháp để chân đến.
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ