Chương 13
hành công của Lavinia Longbridge trong số những người trẻ tuổi của xã hội giàu có ở New York do ở đâu mà ra?
Trước ngày cưới, khi còn mang tên là Lavinia Pendennis, bà đã là cô gái bước vào đời sống hoa lệ được chào đón nhiều nhất.
Sau khi lấy Cornwallis Longbridge, người ta tưởng bà sẽ giữ vai trò truyền thống của một bà vợ trẻ và giàu, nhưng bà đã không làm thế, vì vẫn muốn giữ được bản sắc của mình trong cái thời đại mà người đàn bà thường chỉ là cái ánh phản chiếu mờ nhạt của người chồng, Cornwallis Longbridge đã giản đơn chỉ là ở trong số những người ngưỡng mộ bà, tuy vẫn là, từ xa, người đàn bà ưa thích nhất.
Lally là một tóc nâu nhỏ có đôi mắt đen, nước da sáng và đường nét thanh nhã tuyệt vời. Bà rất ít trang điểm trừ tô lên đôi môi màu son đỏ tươi.
Nhưng xã hội giàu có ở New York đã có nhiều cô gái đẹp. Không, không phải chỉ riêng sắc đẹp đã làm cho Lally được bạn bè mến chuộng. Chính là tính mê thích bày đặt những trò vui chơi mà bà vẫn làm cho mọi người được hưởng một cách rộng rãi.
Ở tuổi ba mươi, bà vẫn giữ được tính vui vẻ vô tư của thời niên thiếu. Sự giàu có của Cornwallis Longbridge là vững chắc và cuộc sống của vợ ông là hoàn toàn hướng về những niềm vui thú. Nhà bà giống như một đêm lửa trại: ai đến gần đó cũng được sưởi ấm tự do. Ở nhà Lally có nhiều cái uống vì bà hay mở tất cả những bữa ăn đêm ở quầy. Và những bữa ăn tối ở nhà bà luôn luôn có cái hấp dẫn của bữa tiệc ngoài trời và cách thức mà bà hòa trộn những con người rất khác nhau làm cho các buổi tối ấy trở nên sinh động, vui nhộn. Bà mời những nhạc sĩ chơi Jazz, những nhà báo, những võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, những nghệ sĩ múa của các đoàn nhạc hài kịch ở Broadway và cả những trùm sỏ ăn cướp, như bọn ghen ghét vẫn thì thầm.
Luôn luôn, khi đêm hội đang ở đỉnh điểm, Lally liếc nhìn nhóm người hỗn tạp mà bà mời thất thường, ít khi được chuẩn bị trước quá một hay hai ngày. Quen với tính hiếu khách của chủ, bọn người hầu của bà ứng phó với tất cả các vấn đề mà bà gợi ra một cách vui vẻ.
Lally Longbridge may mặc ở cửa hiệu của Bianchi đã lâu năm. Bà có cái tài hiếm có ở những phụ nữ người bé nhỏ là làm quên đi vóc dáng của mình một cách khéo léo. Thật ra Lally không tự cho mình là bé nhỏ. Những người khác quá lớn, thế thôi. Maggy cũng đã hiểu điều ấy và nàng sẵn sàng giới thiệu cho bà những mẫu quần áo, về nguyên tắc, dành cho những phụ nữ cao lớn.
Từ ít lâu nay, Lally ngày càng quan tâm đến Maggy. Bà Lunel không giống với những người mẫu khác. Cái bí mật của người đàn bà góa Pháp, mà người ta không thể gợi để nói về đời riêng này, là như thế nào? Thái độ dè dặt của nàng đối với Lally, vốn rất thân tình, là lạ lùng, gần như làm phật ý.
Một ngày xuân năm 1931, bà Lally mời Maggy dự một tối vui.
- Hãy bảo với mình là Maggy sẽ đến, nhé! Sau bữa tối, chúng mình sẽ tổ chức một cuộc thi tìm kho báu. Sẽ có một giải thưởng ra trò cho nhóm thắng cuộc.
Maggy lưỡng lự. Những người mẫu không đến nhà khách hàng bao giờ. Họ không cùng chung một giới xã hội. Đó là một điều không ai nói ra bao giờ nhưng vẫn được chấp nhận ngầm.
- Ôi! Maggy, đừng có buồn cười thế. Mình biết Maggy nghĩ gì, nhưng thật vô lý. Tất cả phụ nữ hiện nay đều làm việc. Cái đó đã trở thành rất đúng mốt. Đấy không phải là một cái cớ để không vui chơi.
- Đồng ý, tôi vui lòng đến - Maggy đáp.
Dù sao, nàng cũng xứng đáng được vui chơi một chút. Từ một năm rưỡi nay, nàng đã có một cuộc sống rất vất vả, làm việc đôi khi tới mười giờ một ngày.
Nhưng cái công việc mệt nhọc ấy ngăn không cho nàng nghĩ đến quá khứ và đã làm cho nàng tối nào cũng vùi vào trong một giấc ngủ mê mệt. Đôi khi nàng mơ tới Perry và khóc khi thức dậy. Nhưng thường là nàng thấy Julien Mercuès trong giấc mơ. Làm sao con người mà nàng căm ghét ấy vẫn có thể ám ảnh những giấc mơ của nàng? Những buổi sáng đó, nàng ra đi làm việc một cách khoan khoái.
Maggy hiện giờ đã trở thành người mẫu ngôi sao của Alberto Bianchi. Tất cả các cô khác cố gắng bắt chước phong cách của nàng. Ngay cả đến Patricia Falklan cũng phải công nhận, từ đáy sâu lòng mình, là không ai biết cách làm tôn giá trị và làm cho một cái áo dài bán được bằng Maggy. Khi tập trung ở phòng thay áo, các cô thường luôn luôn hỏi ý kiến Maggy và không về việc gì mà Maggy không có ý kiến vững chắc, hoặc tán thành hoặc không tán thành ngay tức khắc, dẫu là về một kiểu tóc mới hay về màu một đôi tất. Các cô đã thổ lộ với nàng nhiều chuyện tâm tình và Maggy đã góp những lời khuyên đầy khôn ngoan do gian nan từng trải mới có được.
Những buổi trình diễn mốt để gây quỹ từ thiện đã thành phong trào và người ta luôn luôn mời tiệm Bianchi tham gia.
Chẳng mấy lúc mà những người tổ chức - thường là những người không chuyên - thường nhờ Maggy chỉ huy những cô người mẫu phần lớn còn chưa có kinh nghiệm và hoảng sợ khi nghĩ đến phải trình diễn trên bục gỗ.
Maggy bây giờ lĩnh một tuần năm mươi đô la. Nàng sống với con gái và Nanny Butterfield trong một căn hộ chật hẹp ở phố 63.
Tuy đã tăng, lương của Maggy chỉ đủ để trả tiền nhà, những tốn phí cho Teddy và tiền công của Nanny Butterfield. Có cái may là những quần áo may ở Paris của nàng là những mốt mới nhất ở đây, nước Pháp vẫn luôn luôn đi trước nước Mỹ trong lĩnh vực này, vả lại, điều đó cũng không quan trọng vì nàng chẳng có dịp nào để mặc những quần áo lịch sự.
Những cô gái ở tiệm Bianchi, ngay những ngày đầu, thường đã mời nàng đến những hàng bán rượu lậu và những hộp đêm với họ nhưng nàng luôn luôn từ chối. Trong các bức thư gửi Paula, nàng không bao giờ nói đến nỗi cô đơn cố ý của mình, vì chắc Paula thế nào cũng quở? Sau công việc, Maggy thường về ngay nhà để ăn tối sớm với Teddy và ngâm chân nước nóng.
Nhưng lời mời cảm động của Lally Longbridge đã bỗng nhiên làm cho nàng muốn chấm dứt sự cô đơn ấy, dẫu chỉ là trong một buổi tối. Nàng muốn vui chơi, nàng vẫn còn mơ một tiếng xắcxôphôn hay đàn guitare. Giai điệu bài Sweet Georgia Brown quên đã sáu năm nay bỗng trở lại trên môi nàng. Trong lúc mặc quần áo để đi dự tối vui, nàng hiểu ra rằng, một tối tháng Năm, dẫu một thành phố toàn bằng kim loại và bê tông như New York, có thể trở thành niềm hứng khởi.
Sau khi lập xong danh sách khách mời, Lally Longbridge sắp xếp khách thành những đội đi tìm kho báu.
Maggy Lunel, bà nghĩ, thông minh đến mức nhất định phải xếp với Gay Barnes chẳng có gì trong cái đầu tóc vàng nhỏ xinh của nàng. Gay đã từng là nữ diễn viên múa nổi tiếng nhất đoàn Vanities, của Earl Carroll, trước khi lấy Henry Oliver Barnes hơn nàng ba mươi nhăm tuổi. Lally luôn luôn rất quan tâm đến thành công của những phụ nữ khác, cho rằng Gay đã chinh phục được xã hội giàu có ở New York là do sắc đẹp và cung cách chất phác của nàng khi nghe những lời trêu đùa hơi chút sỗ sàng của cánh đàn ông.
Xếp với ai hai người đàn bà này? Bà cắn ngón tay cái, vẻ suy nghĩ. Tại sao lại không Jerry Holt? Mọi người đều đọc trang sân khấu của chàng và chàng hào nhoáng bao nhiêu thì sự nổi tiếng của chàng đáng ngờ bấy nhiêu. Và rồi Darcy, Jason Darcy - mà mọi người đều gọi là Darcy - người được ưa chuộng trong giới xuất bản. Ông ta chắc phải thích thú hơn là bực mình vì xếp cùng đội với một nữ diễn viên múa và một cô người mẫu. Các loại đội này làm cho Lally vui thích.
Nhiều giờ sau, sau bữa ăn, mười đội thi tụ nhau trong căn phòng khách tối tân toàn bằng thép crom và bằng kính và đầy hoa tu líp trắng của Lally. Khi bà chìa những bản danh sách ra, những tiếng rì rầm ngạc nhiên nổi lên:
THI TÌM:
- Một cô gái mới bước vào đợi hoa lệ (điều kiện là phải đẹp).
- Một chiếc giày của Ether Barrymore
- Một con chó trắng tuyền.
- Một chương trình của Slimes, có chữ ký của Adele và Fred Astaire
- Một khăn trải bàn của tiệm ăn Colony
- Một người đầu bếp Anh đích thực
- Một bản in Vĩnh biệt vũ khí
- Một chiếc găng tay vàng
- Một chiếc mũ cát két của cảnh binh
- Áo vét của một người phục vụ ở tiệm Jack và Charlie
- Thật kỳ quái - Gay Barnes rên rỉ - Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thắng được.
- Chúng ta có bao nhiêu thì giờ? - Maggy hỏi.
- Hai giờ - Jerry Holt trả lời - Đội nào mang đến được nhiều thứ nhất trong hai giờ thì thắng.
- Tôi có một ý kiến - Gay Barnes thông báo - Chẳng thấy ghi ở đâu là chúng ta không được chia tách, phải không? Vậy chúng ta chia làm hai nhóm. Tất cả đều tìm một thứ thì được lợi gì? Jerry và tôi sẽ chịu trách nhiệm tìm năm thứ đầu và hai vị thì chỗ còn lại. Các vị nghĩ thế nào?
- Tất cả cái mà tôi biết, là chắc chắn ở nhà tôi có một chiếc găng tay vàng. Tôi có không biết bao nhiêu đôi găng tay - Maggy vui vẻ nói và kinh ngạc tự hỏi tại sao cô gái kia lại chọn vào nhóm với một tay pê đê như vậy.
- Tùy ý các bạn - Darcy nói - nhưng nhanh lên. Chúng ta đã năm phút rồi.
Ở Đại lộ Công viên, Darcy mời Maggy lên một xe hơi đồ sộ.
- 21, phố 52 Đông - anh bảo người lái xe - Tôi đoán là Lally sẽ tổ chức một cuộc thi tìm kho báu, nên tôi đã bảo lái xe ở lại - anh giải thích cho Maggy.
Chiếc xe Parkard lớn màu xanh nước biển là một trong những cách mà Jason Darcy làm cho khác biệt với những thanh niên trẻ tuổi thuộc thế hệ mình. Con một của chủ hãng bảo hiểm Hartford, Darcy đã được coi như một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Harvard. Tốt nghiệp năm mười tám tuổi, Darcy đã vay tiền của gia đình để ra ba tờ báo mà số lượng xuất bản ngày càng tăng.
Darcy hiện giờ đã trả xong hết các món nợ và sống như một ông hoàng. Người ta gặp anh cặp kè với những cô gái đẹp nhất ở New York. Anh chia họ ra làm hai loại: những cô gái con nhà giàu và những cô gái đồng ca. anh đối xử với các cô con nhà giàu như các cô gái đồng ca và ngược lại. Thái độ ấy hình như cũng hợp với họ. Chưa có người đàn bà nào đã thành công trong việc làm cho anh say mê mình và tất cả đều kết luận là anh ta chỉ say mê công việc của mình thôi.
Ở tuổi hai mươi tám Jason Darcy đã là một người có nhiều ảnh hưởng và đạt được mọi cái mong muốn. Trong lúc này, thứ đồ chơi mà anh đã quyết định tặng cho mình, đó là Maggy. Trong bữa ăn, anh đã hai lần gặp cặp mắt của nàng, tuy họ ngồi ở hai bàn khác nhau. Cái ả ngốc nghếch Gay Barnes ấy thế mà cũng đã một lần có cái ý kiến tài tình là chia đôi nhóm. Dù sao chăng nữa, dẫu không có cái cuộc thi tìm của báu, anh cũng sẽ tiến công bằng cách này hay cách khác.
Maggy lơ đãng nhìn Darcy: một gương mặt dài và thanh tú, vẻ vô cùng tao nhã, gương mặt của một nhà bác học hay của một học giả. Đôi mắt xám hơi chút giễu cợt, một cái miệng nghiêm khắc, đôi khi khinh khỉnh. Anh ta đi đứng có vẻ tiết kiệm các cử động và rất duyên dáng. Anh có mái tóc nâu gỉ và cao hơn nàng mười phân. Một gương mặt lý thú, nàng nghĩ, và nàng gạt cái hình ảnh ấy ra khỏi những ý nghĩ của mình. Chuyến đi bằng xa Limudin kích thích nàng nhiều hơn là bất cứ người đàn ông nào.
Họ vào tiệm Jack và Charlie, tiệm rượu lẩu nổi tiếng nhất ở New York, vẻ giống như một câu lạc bộ.
Người ta dẫn họ đến một chiếc bàn và Darcy gọi sâm banh. Maggy nhìn người phục vụ rót đầy hai cốc của họ.
- Thật lãng phí - nàng nói - Chúng ta sẽ không có thì giờ để uống hết chai. Anh nhìn bảng kê xem, đầu bếp người Anh, mũ cảnh sát... Mấy giờ rồi?
Tinh thần ganh đua bắt đầu làm nàng sốt ruột. Không phải lúc ngồi và uống rượu lậu, cho dầu là sâm banh Pháp thực sự đi nữa.
Darcy nhìn nàng, thú vị.
- Tôi đã thu xếp để thuê áo vét của người phục vụ. Tôi sẽ gọi dây nói về nhà bảo ông đầu bếp của tôi đến gặp chúng ta ở trước cửa nhà Lally mang theo cuốn Vĩnh biệt vũ khí. Ông đầu bếp Clarkson này đã từng làm việc cho công tước ở Sutherlanf và trên đường về chúng ta sẽ qua nhà để lấy găng tay và chị nói là có một chiếc.
- Anh chẳng có tinh thần thể thao gì cả - nàng nói cụt ngủn.
Vả tự mãn của người đàn ông này làm nàng mất hết hứng thú.
- Chúng ta có thề là phải thắng cuộc đâu. Chỉ tham gia thôi mà. Thành thật mà nói, chị chưa chán những cuộc săn tìm kho báu hay sao?
- Tôi chẳng mất gì, đây là lần đầu tiên tôi dự trò chơi này. Ai cho anh biến tối vui này thành một cuộc uống rượu tay đôi? - Nàng hỏi, bực tức.
Nàng ghét những người đàn ông tự tin quá như thế.
Anh chàng không trả lời, uống cốc sâm banh của mình và nhìn nàng, vẻ tò mò:
- Không hiểu cái bà Lally quái gở ấy đã moi chị ở đâu ra? Và không hiểu tại sao chúng ta không gặp nhau sớm hơn?
- Tôi làm việc ở tiệm Alberto Biancgi - nàng đáp gọn lỏn.
- Chị làm gì?
Như vậy, đây là một trong số đông phụ nữ đã bắt đầu đi làm việc sau cuộc khủng hoảng, đã nhận những "việc làm nhỏ bé kỳ cục" để tỏ ra là họ có nhiều khả năng.
- Tôi mang những chiếc áo mà những người khác mua.
- Tôi khó tin như vậy.
- Vậy mà đấy là sự thực.
- Chị muốn nói chị là nạn nhân thật sự của cuộc khủng hoảng, rằng chị làm việc để sống?
- Để lĩnh năm mươi đô la một tuần, nhưng tôi sống được rất tốt.
- Hãy nói cho tôi tất cả - anh gợi ý, tin rằng, như tất cả những người đàn bà khác, nàng cần kể lể tâm sự.
- Anh liều lĩnh thật! Tại sao tôi lại phải kể cho anh nghe tất cả. Tôi chưa biết tên anh. Anh đã làm hỏng cuộc thi săn tìm kho báu của tôi và bây giờ lại muốn tôi kể cho nghe cuộc đời mình! Nhưng anh cho tôi là con người thế nào mới được chứ? Và đáng lẽ anh có thể hỏi tôi có thích sâm banh không trước khi gọi.
- Chị có lý - anh trả lời, chưng hửng - Tôi rất tiếc. Chị có muốn uống thứ khác không?
- Không, tôi đã uống nhiều rồi, cám ơn!
Nàng nhìn chung quanh, không quan tâm đến anh ta nữa.
- Thưa bà Lunel, tôi là Jason Darcy và tôi hai mươi chín tuổi. Tôi xuất thân từ một gia đình đáng trọng ở bang Connecticut, nói chính xác, là ở Hartford. Tôi chưa bao giờ bị tù, tôi không gian lận khi chơi pô cơ, tôi rất mến súc vật, mẹ tôi khen tôi nhiều cái và tôi xử sự nói chung là tốt hơn tôi đã xử sự tối nay.
- Thế đã là "tất cả" chưa? - Maggy hỏi, tủm tỉm cười.
- Tôi xuất bản các tạp chí Mốt, Phụ nữ và Đời sống, Thành thị và Nông thôn.
- Lạ chưa kìa! Một mình anh mà những ba tờ báo! Việc của anh là như thế nào ngoài hỏi những phụ nữ không quen biết về cuộc đời họ?
- Tôi là ông chủ.
- Hơi mơ hồ đấy. Một ông chủ báo thì làm những gì? Xin nói cụ thể cho nghe nào.
Anh nhận thấy vẻ giễu cợt ở nàng:
- Điều đó hình như không gây ấn tượng nhiều lắm đối với chị thì phải?
- Không, vì tôi không có một ý niệm gì về công việc của một người xuất bản các tờ báo.
- Vậy thì, tôi là người hoàn toàn quyết định về khuôn khổ, nội dung... Các ông tổng biên tập báo cho tôi biết về mọi cái, cũng như các dịch vụ thương mại và nói chung tất cả những người công tác với tôi.
- Phải chăng như người ta gọi, đấy là một đế quốc của báo chí - nàng hỏi - Như đế quốc của Hearst?
- Vâng, nhưng khiêm tốn hơn - Darcy đáp - Chị có thích uống sâm banh với một ông trùm báo chí không?
- Tôi già quá rồi và chán chường quá rồi, không còn loại phản ứng ấy.
Jason Darcy không thể rời mắt khỏi Maggy. Nàng huyễn hoặc anh thật sự. Nhưng, trời ơi, Maggy Lunel là ai kia chứ? Không phải là một cô gái đồng ca, cũng không là một cô gái của xã hội giàu có. Thế mà vẫn tự hào là biết hết các cô gái đẹp ở New York!
- Ra rồi, tôi biết. Chị là người mẫu mới của Powers.
- Powers?
- Một hãng người mẫu. Xin đừng chối là chị không biết hãng John Robert Powers!
- Thực ra, đấy là một thế giới hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi chỉ làm cái việc trình diễn những mẫu quần áo mới nhất của Paris - đúng hơn, những bản sao chép của các mẫu này, và tôi cũng tổ chức những cuộc trình diễn mốt góp phần vào quỹ từ thiện. Tiệm Bianchi không bao giờ xử dụng những cô gái của Powers.
- Việc ấy rồi sẽ tới! Powers phát triển một cách hết sức nhanh chóng. Hãng này có cách đây hai năm, từ khi các hãng quảng cáo và báo chí bắt đầu dùng ảnh thay cho tranh vẽ.
- Lương các người mẫu ấy như thế nào?
- Lúc đầu họ được trả năm đô la một giờ, nhưng nay thì mười lăm.
- Mười lăm đô la! Cả một tài sản! - Maggy thốt lên, sửng sốt.
- Vâng, lương rất hậu. Ngoài ra, mặc dầu khủng hoảng, các cô ngày càng nhiều việc. Hiện nay, bất cứ một hội buôn nào nếu không quảng cáo sẽ sập tiệm nhanh chóng. Không ai khiến cho hàng hóa bán chạy bằng một cô gái đẹp.
- Còn John Robert Powers được lợi như thế nào?
- Mười phần trăm số tiền các cô gái lĩnh khi làm quảng cáo.
- Ông ta dùng bao nhiêu cô gái?
- Tôi không biết rõ lắm... Khoảng một trăm, tôi nghĩ thế. Kể cả đàn ông và trẻ con. Chị nên gặp ông ta.
- Vâng, có thể - nàng trả lời nước đôi.
Darcy ngạc nhiên. Maggy không hề tỏ ra làm duyên làm dáng trước anh, tuy anh là một trong đám tốt nhất ở bờ biển phía đông. Hai mươi chín tuổi, anh chàng đã khá có ảnh hưởng để được thèm muốn, dầu anh ta có lùn tịt và dị dạng chăng nữa, nhưng đây lại khác.
Vậy thì tại sao người đàn bà đó, ngồi trước mặt anh, lại hỏi anh một cách hững hờ, làm như anh chỉ được mỗi việc là cung cấp những chỉ dẫn nghề nghiệp.
Có thể, nàng đã có người tình chăng? Chỉ có thể giải thích bằng cách ấy. Ấy thế mà nàng đã một mình đến dự tối vui ở nhà Lally. Anh điên cuồng muốn biết nhiều hơn nữa về nàng.
- Có lẽ chúng ta đi khiêu vũ chăng? - Nàng bỗng hỏi, vẻ hơi long trọng
- Thế còn cuộc săn tìm kho báu ở nhà Lally?
- Đó là một trò chơi buồn cười và chán, có phải anh nghĩ thế không?
- Chị muốn đi đâu? Đến St.Regis Roof, đến Embassy hay Catton Club?
- Đến Jockey - Maggy thì thầm.
- Đến Jockey? - Darcy nhắc lại, ngạc nhiên.
- Tôi đã nói như thế ư? Xin đừng để ý. Tiệm đã đóng cửa từ lâu rồi. Ta đến Harlem.
Adrien Avigdor cuối cùng đã yên tâm. Từ khi Mercuès về ở Félice năm năm trước đây, từ sau đám cưới lạ lùng của chàng với Kate Browning, chàng đã triển lãm ba lần ở Paris và bán được tất cả các bức tranh trưng bày. Mỗi lần như thế là một thắng lợi.
Năm nay nhất thiết phải tổ chức một cuộc triển lãm ở New York. Mercuès đã vẽ rất nhiều nhưng ít trưng bày tác phẩm của mình. Theo hợp đồng đã ký với Avigdor, chỉ cần dán mảnh giấy nhỏ "Không bán" là Mercuès có thể rút một số tranh ra khỏi cuộc mua bán, kể cả cấm không được triển lãm. Đó là một quyền công nhận cho tất cả các họa sĩ Pháp.
Hàng năm, cứ bốn tháng trước cuộc triển lãm, Avigdor lại xuống ở La Tourello một tuần để thảo luận, nhiều khi rất gay go với Julien Mercuès về những tác phẩm sẽ đưa ra trưng bày. Năm 1928, Mercuès đã từ chối, không cho ông một bức tranh nào, bảo tất cả đều quá tồi. Mùa thu năm ấy, Avigdor đã không tổ chức được triển lãm. Mỗi năm một lần Mercuès đốt những bức tranh mà chàng không ưa. Chàng luôn luôn thu xếp để làm việc đó trước Avigdor. Cầm chiếc que cời lo, chàng khua múa trước lửa như mọt con quỷ từ một bức tranh của Hieronymux Bosch chạy ra, trong khi Avigdor, ngán ngẩm, nhìn hàng nghìn đồng phrăng ấy biến thành lửa khói.
- Trừ khi tôi nằm chết thẳng cẳng, Adrien ạ. Ông rất có thể ăn cắp những tác phẩm mà tôi không muốn triển lãm. Ai dám nói là ông không có gan bán chúng?
Mercuès cũng đa nghi chẳng khác những người nông dân sống chung quanh, kể cả với Kate... chàng không chắc là nàng sẽ làm theo ý muốn của mình.
Những cuộc thiêu hủy ấy làm cho Avigdor phát ốm, nhưng ông đã tự an ủi, tự bảo mình là mỗi kỳ triển lãm ông đều bán đến tác phẩm cuối cùng của Mercuès và hơn nữa, không một địch thủ nào của ông có được tranh của chàng.
Những người sưu tầm, may mắn có được một bức tranh của Mercuès đều không bán lại nó bao giờ. Còn Mercuès thì chỉ giữ lại cho mình những bức mà chàng thích.
Vì hiếm nên giá những tác phẩm của Mercuès tăng lên đến chóng mặt. Nhưng, dù sao, Avigdor nghĩ cũng chỉ có ba mươi sáu họa phẩm của Vermeer đã được xác định. Có thể, Mercuès biết việc mình làm. Cuối cùng chàng đã nhận triển lãm ở New York. Có lẽ sẽ có những tác phẩm mới của chàng và một số chọn lọc trong những tác phẩm cũ từ 1928. nhiều người Mỹ cho mượn những bức tranh mà họ đã mua. Cuộc triển lãm chắc là sẽ lý thú. Những nhà phê bình nghệ thuật của các tờ báo và tạp chí đã liên hệ với Avigdor. Tờ Vanity Fair đã dành một bài dài về Mercuès và Man Ray đã đến Felici để chụp ảnh Mercuès trong xưởng vẽ của chàng. Mark Nathen chủ của một trong những phòng trưng bày tranh nổi tiếng nhất ở Manhattan dự kiến sẽ thu hút toàn thể giới nghệ thuật và ăn chơi của New York đến dự buổi khai mạc. Mọi người trong giới nghệ thuật tạo hình đều hết sức tò mò muốn biết công việc của con người sống như một thày tu ở Luberon, thờ ơ với danh tiếng ngày càng lừng lẫy của mình ấy.
- Trước bữa ăn tối, có lẽ chúng ta nên tạt qua buổi khai mạc triển lãm mới của Nathen - Darcy đề nghị với Maggy trong dây nói.
- Triển lãm gì đấy? - Nàng lơ đãng hỏi.
Nàng đã không có thì giờ để theo dõi sát đời sống văn hóa ở New York.
- Mercuès, họa sĩ Pháp. Chắc chị cũng đã nghe nói rồi.
Maggy thấy tim mình đập thình thịch và sự sợ hãi làm co thắt cả bụng. Nhưng tại sao lại sợ? Nàng tự hỏi.
- Vâng, tôi biết là ai - nàng trả lời - nhưng tôi không muốn đi đâu tối nay.
- Sao vậy Maggy? Chị không khỏe à?
- Tôi mệt quá, không muốn động cựa gì cả... Tôi cho là tôi đang bị sổ mũi.
- Tôi rất tiếc - anh nói, nghiêm trang.
- Tôi cũng vậy, anh hãy tin như thế.
Từ hôm quen Maggy, cách đây ba tuần, Darcy thường nhiều lần đề nghị nàng cùng mình đi chơi, quá mức nàng muốn. Mỗi lần thấy nàng, anh lại ngạc nhiên về sự dè dặt của nàng, về sự cố tình từ chối không nói về bản thân nàng. Nàng thường chỉ nhận gặp anh ở một tiệm rượu hay một tiệm ăn. Nàng không bao giờ mời anh lên nhà nàng và khi anh chào từ biệt ở trước cửa buồng thang máy, nàng đã bắt tay anh với một vẻ cứng nhắc, như sợ anh ôm hôn nàng.
Sự tò mò muốn tìm hiểu về nàng đã trở thành một nỗi ám ảnh ở Darcy. Anh không biết một tý gì về đời nàng.
- Ngày mai tôi sẽ gọi dây nói cho chị. Xin chị giữ gìn sức khỏe. Chị có hứa với tôi là sẽ đi ngủ sớm không?
- Vâng, tôi hứa với anh như vậy.
Khi bước vào phòng tranh của Nathen, Darcy lẫn nữa lại bất chợt thấy mình đang nghĩ đến Maggy Lunel. Có điều gì khiến nàng không hài lòng về anh? Và, nếu không, tại sao nàng không muốn cho anh đến gần? Như để làm cho mình yên tâm, anh kiểm lại tất cả những con chủ bài của mình: giàu có, một nghề lý thú, một ngôi nhà đầy người hầu, một sức khỏe tốt, và một chồng những giấy mời từ tất cả những nước mà những tờ báo của anh đã phát hành tới. Anh có nhiều cái để dâng hiến. Tại sao Maggy vẫn khăng khăng không cho anh bước vào khu vườn riêng tư của nàng?
Anh lơ đãng nhìn đám đông chung quanh. Trong ấy là tất cả New York. Anh quen biết nhiều người. Anh cảm thấy như mình đang ở trong giờ nghỉ giữa hai buổi diễn ở nhà hát Opera quốc gia hơn là ở trong một buổi khai mạc triển lãm. Anh tưởng như triển lãm tổ chức để phục vụ một công việc từ thiện nào đó vì các bà trong giới thượng lưu có mặt rất đông. Hiếm khi được thấy những người họ Wlitney, Kilkullen, Gimbels, Rutherford và Vanderbilt hòa trộn với những người ở Greenwich và Southampton như thế.
Anh mê mải xem những bức tranh và dần dần bị xâm chiếm bởi một mối xúc động mãnh liệt. Mỗi bức tranh là một giai đoạn tiến tới một thế giới xa lạ, một thế giới rực rỡ, tuyệt vời.
Ấy thế mà, Darcy ngạc nhiên nghĩ, nghệ sĩ đã chọn gì để vẽ? Một chiếc bàn cà phê với các ghế tựa chung quanh, một rặng cây dương run run trong gió, một rổ thức ăn trong có một chiếc bánh mỳ và mớ củ cải và một bó hoa thược dược, một người đàn bà cúi xuống trong khu vườn lúc sáng tinh mơ - không một cái gì không được vẽ tới hàng trăm lần rồi.
Trong khi ấy, niềm xúc động của nghệ sĩ trước những vật giản dị ấy đã chuyển vào tranh với một sức mạnh đến mức người ta có chung cái nhìn với nghệ sĩ, người ta nhìn thế giới bằng con mắt của nghệ sĩ. Thán phục, có cảm tưởng như vừa rời New York để đi sâu vào cái vũ trụ đồng quê đầy ánh nắng ấy, Darcy bước sang một phòng khác. Lúc đầu anh không nhìn thấy rõ các bức tranh vì có nhiều người xúm xít chung quanh.
Maggy! Sững sờ, anh ngắm những bức tranh lớn vẽ Maggy trần truồng và buông thả, tự phô ra với một niềm vui trơ trẽn. Nàng ở kia, trước anh, khiêu dâm và ham mê nhục dục, mạnh mẽ hơn tất cả những người đàn bà mà anh đã gặp, cho đến ngày nay.
Maggy nằm dạng chân trên giường bừa bộn, một cánh tay đu đưa. Maggy, tóc ướt, đang tắm. Maggy nằm ngửa trên một đống gối dựa màu xanh lục, đám lông màu hung ngời lên trong ánh sáng. Vì Darcy đứng bất động, không thể rời mắt khỏi những bức tranh đó, anh nghe thấy câu được, câu mất, một cuộc chuyện trò sôi nổi:
- Bây giờ cô ta làm việc ở tiệm Bianchi, ông bạn quý ạ. Vâng, vâng, người Pháp... Perry Kilkullen... ông đã nói là Bianchi? God, mắt tôi... Làn da và đôi vú mới tuyệt sao! Họ có con không? Gặp ở nhà bà Lally... Vâng, một con. Ông có thấy chướng không? Đừng quê kệch như vậy... Maggy... Jane thật khốn khổ!... Kìa, giữa đôi đùi... Tuyệt...
Trời, tại sao không vẽ nàng bơi trong tinh dịch, Darcy nghĩ. Anh bỗng bật cười. Cuộc đời đã dành cho ta những nỗi ngạc nhiên đẹp đẽ! Cái cô công chúa không thể nắm bắt được ấy! Nàng thật đã huyễn hoặc mình. Người đàn bà sao mà tuyệt vời. Lòng ngưỡng mộ của anh đối với Maggy càng lớn. Anh nhận thấy những cái nhìn tà dâm của bọn đàn ông ở trong phòng. Tất cả họ đều kích động. Cả anh nữa. Ôi, Maggy, Maggy yêu quý, như thế là em đã biết Mercuès là ai, phải không? Và bao nhiêu lần anh ta ngừng vẽ để làm tình với em? Làm sao, chắc chắn như vậy, anh ta có thể để tâm vào bức vẽ và những cây bút vẽ của anh ta cho được! Những dây thần kinh của anh ta phải là thép, anh ta mới làm việc trong những điều kiện ấy được! Ôi, Maggy, chưa một người đàn bà nào gây ấn tượng cho anh đến thế. Anh cứ tưởng mình chỉ đang ở tuổi mười lăm và hãy còn là trai tân.
Hôm sau, vào giờ ăn sáng, Maggy mất việc làm. Nàng không thể oán Bianchi. Ông đã nhận được hàng chục cú điện thoại và nếu không ai dùng từ đĩ điếm thì bởi vì từ ấy quả thật đã không còn hợp thời. Maggy không còn có thể tổ chức những cuộc trình diễn về mốt cũng như làm việc ở tiệm Bianchi. Buồn rầu, Bianchi đưa cho nàng tấm séc tương đương với tiền công trong hai tuần lễ.
Khi rời triển lãm, Darcy cố gắng gọi điện cho Maggy ở tiệm Bianchi nhưng vô hiệu. Anh gọi đến nhà nàng. Nanny Butterfield nói là nàng đã đi nằm. Anh gọi điện nhiều lần nhưng Maggy từ chối không trả lời bất cứ ai, kể cả Lally cũng gọi đến nhiều lần. Nàng bảo Nanny trả lời là nàng đã đi du lịch và chỉ trở về sau một thời gian nào đó.
Khi Darcy hiểu là Maggy từ chối không chuyện trò với mình, anh đến nhà nàng. Người giữ cửa đã được lệnh là chỉ cho những người giao hàng lên thôi nên không cho anh vào. Anh gửi hoa đến mỗi ngày hai lần với những lời khẩn khoản gọi điện cho anh ở buồng giấy hay ở nhà. Anh đứng rình ở trước cửa nhà nàng trong nhiều giờ. Anh làm tất cả mọi cái, trừ hóa trang làm người giao hàng. Anh ngạc nhiên về chính thái độ của mình, nhưng anh không thể nào làm khác.
Bốn ngày sau buổi khai mạc triển lãm tranh của Mercuès, Darcy lại gọi điện lúc cuối buổi chiều, hi vọng rằng Maggy cuối cùng đã quyết định trả lời. Nàng đang ở trong buồng tắm khi chuông điện thoại reo vang. Nanny Butterfield đang bận chuẩn bị bữa tối trong bếp. Teddy đã nhấc ống nói mặc dầu mẹ em cấm ngặt.
Lên ba, Teddy đã quen với những lời trầm trồ khen ngợi mà em đã dấy lên trong phố hay trong công viên. Em đã hiểu rằng em có thể bỏ tất cả những người lớn vào túi và vi phạm một số luật lệ nào đó mà không bị mắng. Nhưng không phải là ở nhà. Nanny và Maggy, tin rằng không gì dễ dàng bằng làm hư hỏng em, nên cố gắng nghiêm khắc với em. Dây nói là một vật đáng kính đối với Teddy.
- Allo? - Em nói khẽ.
- Ai ở máy đấy? - Darcy hỏi, tin rằng mình đã nhầm số.
- Teddy Lunel. Còn bác, bác là ai?
- Một người bạn của mẹ cháu. Chào cháu Teddy.
- Chào bác. Bác biết không, cháu có đôi giày mới đỏ.
- Teddy, mẹ cháu có ở đấy không?
- Có. Tên bác là gì?
- Darcy.
- Bác mấy tuổi?
- Bác... Teddy này, cháu gọi mẹ cháu cho bác đi.
- Mẹ cháu ở trong nhà tắm. Mẹ cháu đây. Mẹ ơi, có một bác...
Em sợ hãi đưa ống nói cho mẹ em đang đảo mắt tìm Nanny, suýt trả ống nói vào chỗ cũ nhưng rồi lại trả lời:
- Vâng - nàng nói cụt ngủn.
- Maggy, rốt cuộc! Tại sao chị trốn đi như thế?
- Tôi có trốn đâu! - Nàng trả lời.
- Vậy là chị nghỉ đông à? Con gái chị thật ngoan, dễ thương hơn chị nhiều. Chị có muốn đi ăn với tôi tối nay không?
- Không, tôi không muốn đi đâu cả.
- Nhưng, tại sao? Chị đang được tất cả New York ưa chuộng đấy Maggy ạ.
- Darcy, xin đừng đùa tôi. Tôi không còn thích đùa nữa, những ngày gần đây.
- Nhưng tôi nói thực đấy. Phòng tranh đông nghịt những người, ai cũng ngây ngất trước sắc đẹp của chị.
- Một thành công nhục nhã. Anh tưởng tôi muốn thế à?
- Nhưng New York là thế đấy, Maggy ạ. Cái chủ yếu là phải thành công. Chẳng ai quan tâm đến nó hiện trên cái gì và người ta đã nói nhiều đến chị - anh nói, cố gắng làm cho nàng phấn khởi.
- Nếu đúng thế thì tôi đã không mất việc - nàng chua chát nói. Anh không hiểu là nàng đã lúng túng và nhục nhã đến mức nào ư?
- Cái ấy là chuyện khác. Bianchi phải chiều lòng những khách hàng của ông ta nhưng ngược lại với điều các bà này nghĩ, họ không thể làm mưa làm gió ở New York này.
- Có thể thế, nhưng tôi phụ thuộc vào họ...
- Maggy, hãy nhớ lại những gì tôi đã nói với chị về hãng Powers. Tại sao không đến hỏi hãng ấy?
- Không - Maggy trả lời dứt khoát - Tôi sẽ không bao giờ là người mẫu nữa. tôi đã là một người mẫu cho họa sĩ, rồi người mẫu cho cửa hàng may mặc. Tôi mười bảy tuổi khi vào nghề, nay đã hai mươi ba mà lại trở lại là không việc làm. Và tôi chưa bao giờ kiếm được quá năm mươi đô la một tuần. Không, cám ơn, rất ít đối với tôi. Tôi đã trình bày hết các vấn đề. Mặt khác... thế là... tôi cho rằng tôi đã ngốc nghếch... - Nàng ngừng lại.
- Nói đi, Maggy, nói hết cho tôi đi.
- Có thể là một ý nghĩ phi lý... cuối cùng, không hẳn thế. Anh bảo tôi là Powers có một trăm người mẫu và ông ta trích ra mười phần trăm số tiền họ lĩnh...
- Vâng, đúng thế.
- Tôi có thói quen hướng dẫn cho những người mẫu phải làm gì và làm như thế nào. Ở tiệm Bianchi tất cả các cô gái đều yêu cầu tôi khuyên bảo. Tôi không biết thế nào, chắc là tôi có, gần như là năng khiếu về các loại việc đó. Nhưng đòi hỏi của các họa sĩ chắc cũng gần giống như những đòi hỏi của các nhà nhiếp ảnh. Thế là tôi đã nghĩ... rằng tôi có thể thử... mở một hãng của riêng tôi...
- Cạnh tranh với John Robert Powers à? - Anh hỏi, kinh ngạc.
- Sao lại không? Chung quy, chẳng phải là cái gì ghê gớm. Chỉ cần một tổ chức tốt. Anh hiểu không, Darcy - nàng giải thích, bị kích thích về sự ngạc nhiên của anh - tôi có một số vốn nhỏ có thể đem ra liều thử xem.
- Maggy, chị thật là tuyệt vời! Chị có muốn làm việc với các báo Mốt, Phụ nữ và Đời sốngm Thành thị và Nông thôn không?
- Thế còn gì bằng! Darcy, anh nói nghiêm chỉnh đấy chứ? - Nàng vừa hỏi vừa cười.
- Tất nhiên là thế rồi - Anh nói, nghĩ đến đã lâu anh thiếu vắng tiếng cười của nàng - Maggy tối nay đi ăn với tôi nhé. Ta sẽ uống sâm banh mừng hãng mới.
- Với một điều kiện, là phải để tôi trả tiền!
- Ý kiến hay đấy!
- Hãng Lunel muốn mời ông khách đầu tiên của hãng uống sâm banh.
Người Đàn Bà Vùng Gió Người Đàn Bà Vùng Gió - Judith Krantz Người Đàn Bà Vùng Gió