Trò Chuyện Với S. E. Hilton
Khi bà viết Ngựa chứng đầu xanh bà hãy còn là một học sinh trung học mười sáu tuổi ở Oklahoma. Bà lấy ý tưởng cho câu chuyện từ đâu?
Thực ra ban đầu khi bắt tay vào viết tôi mới mười lăm tuổi. Đến năm tôi mười sáu và là nữ sinh năm hai trung học thì tôi mới viết phần lớn tác phẩm (đó là năm tôi bị điểm D trong môn viết sáng tạo). Một hôm một người bạn của tôi đang đi học về thì mấy đứa trẻ “tử tế” nhảy xổ ra khỏi xe mà đánh cậu ta tơi bời vì tụi nó không thích chuyện cậu ta là một thằng Mỡ. Chuyện này làm tôi nổi khùng lên, thế là tôi về nhà bắt đầu gõ lóc cóc một câu chuyện về cậu bé bị đánh đập trên đường đi xem phim về nhà - phần mở đầu của cuốn Ngựa chứng đầu xanh. Đó chỉ là cái gì đó để hả giận. Tôi không có dự định gì lớn lao. Tôi chỉ ngồi xuống bắt tay vào viết. Tôi hồi tưởng lại và tôi nghĩ nó được viết ra hoàn toàn trong vô thức tôi hay cái gì đại loại thế.
Vậy là có một Ponyboy đời thực? Một Johnny thực?
Băng của Ponyboy lấy cảm hứng từ một băng có trong đời thực, tôi rất yêu quý các thành viên của nhóm này. Về sau, tất cả các thành viên trong băng mà tôi chơi cùng đều tin chắc họ có mặt trong cuốn sách - nhưng không phải. Tôi nghĩ là vì các nhân vật này thực ra gần như phổ quát mà không mất đi cá tính của mình.
Bà đã biến nguồn cảm hứng cho câu chuyện đó thành những nhân vật đáng nhớ như vậy ra sao?
Khi tôi viết, một sự chuyển hóa thú vị diễn ra. Tôi đi từ chỗ nghĩ về người thuật chuyện của mình đến chỗ chính là cậu ta. Rất nhiều ý nghĩ của Ponyboy là ý nghĩ của tôi. Cậu ta có lẽ là người tôi đến gần nhất để đặt mình vào trong một nhân vật. Cậu ta có sự tự do, những người bạn trung thành, những người cậu ta yêu thương và người yêu thương cậu ta; những thứ quan trọng đối với cậu là những thứ quan trọng đối với tôi. Tôi nghĩ Ponyboy và Soda, Darry trở thành người tốt hơn những đứa khác trong bọn vì chúng yêu thương nhau.
Hồi còn là một thiếu niên bà ra sao? Bà là Mỡ hay Soc?
Tôi là một đứa con gái như con trai - tôi chơi đá banh; bạn thân của tôi là con trai. May mắn là, tôi sinh ra không có cái gene cần-phải-thuộc-về, cái gene luôn miệng nói rằng ta phải thuộc một nhóm nhỏ nhoi để cảm thấy an toàn.
Tôi chưa bao giờ muốn được xếp loại là cái gì cả, tôi cũng chưa hề tham gia vào bất cứ cái gì vì sợ đánh mất cá tính của mình. Tôi thậm chí còn không nhận ra là mấy cậu bé này, những người là bạn tốt của tôi, là Mỡ mãi cho đến một hôm bọn tôi đang đi trên đường thì có mấy thằng đi qua thét lên “Mỡ!” Thật nực cười khi nhìn, những người ta quen biết bấy lâu nay, đột nhiên ta thấy họ như bất cứ ai thấy họ, với mái tóc chải mượt ra sau, điếu thuốc trễ trên môi và áo khoác da đen, và nói, “Chúa ơi, tụi nó là du côn.” Ta quen chúng và biết chúng không phải là du côn, chúng chỉ trông như du côn thôi. Tôi cũng có bạn bè sống ở khu nhà giàu của thị trấn, và thấy về phần họ cũng có những vấn đề.
Bà đã theo đuổi việc xuất bản Ngựa chứng đầu xanh ra sao?
Khi tôi viết, tôi không nghĩ đến chuyện xuất bản. Nhưng ở trường một hôm tôi nói với một người bạn là tôi đang viết sách, và mẹ cô ta tình cờ lại viết sách cho trẻ em. Tôi đưa cho bà một bản cuốn Ngựa chứng đầu xanh, và bà này cho một người bạn có một người đại diện ở New York xem. Người đại diện này thích cuốn sách và bán cho một nhà xuất bản khác, nhà xuất bản này đọc nó. Từ đó bà trở thành đại diện của tôi. Tôi đã nhận được hợp đồng nhà xuất bản gửi vào ngày tốt nghiệp của mình đấy!
Điều gì khiến bà muốn trở thành một nhà văn?
Ảnh hưởng chính đối với việc viết lách của tôi là đọc sách. Hồi còn nhỏ, tôi đọc mọi thứ, kể cả hộp ngũ cốc và nhãn cà phê. Đọc sách dạy cho tôi cấu trúc câu, phân đoạn, làm sao để hình thành một chương. Thật kỳ lạ là nó lại chưa bao giờ dạy tôi chính tả.
Tôi luôn thích viết, cũng nhiều gần như thích đọc. Tôi bắt đầu nghịch cái máy chữ hồi tôi độ mười hai tuổi. Tôi luôn viết về những thứ làm tôi quan tâm, vậy nên những năm đầu viết lách của tôi (từ lớp ba đến lớp mười), tôi viết về mấy chàng cao bồi và ngựa. Tôi muốn trở thành một tay cao bồi và có một con ngựa.
Tôi viết lách dễ dàng vì tôi không bao giờ bắt tay vào viết trừ khi có điều gì muốn nói. Tôi là nhà văn có sở trường về nhân vật. Một số nhà văn là nhà văn có sở trường về cốt truyện... Tôi phải bắt đầu từ con người. Tôi luôn biết rõ nhân vật của mình, chính xác họ trông ra sao, ngày sinh của họ, họ thích ăn gì trong bữa điểm tâm. Không cần biết những thứ này có xuất hiện trong sách hay không. Tôi vẫn phải biết. Tôi lấy ý tưởng cho các nhân vật từ người thật, nhưng nhìn chung thì họ là hư cấu; các nhân vật của tôi chỉ tồn tại trong đầu tôi thôi.
Những sách và tác giả nào truyền cảm hứng và có ảnh hưởng đến bà?
À, với tư cách là một người trưởng thành thì tôi có thể chọn ra rất nhiều tác giả có ảnh hưởng đến tôi. Các tác giả tôi ưa thích nhất là Jane Austen, Mary Renault, F. Scott Fitzgerald và Shirley Jackson. Những cuốn sách tôi ưa thích nhất là The Haunting of Hill House, Fire from Heaven, Emma và Tender is the Night. Tôi thích tiểu thuyết của Kurt Vonnegut Con, nhưng không thích truyện ngắn của ông, và ngược lại thích truyện ngắn của J. D. Salinger mà không thích tiểu thuyết của ông.
Nhưng người ta muốn biết những ảnh hưởng trong thời thơ ấu của ta, và tôi sẽ phải nói nói chung là sách thôi. Tôi thích đọc, và ngay từ khi biết đọc tôi đã đọc mọi thứ tôi có thể sờ đến. Tôi là một kẻ mê ngựa, và Peanuts the Pony là cuốn sách đầu tiên tôi mượn ở thư viện. Tôi vẫn còn nhớ cuốn sách đó. Với tôi thì việc đọc rất lý thú. Đối với một đứa trẻ hướng nội, đó là một phương tiện giao tiếp, vì ta tương tác với tác giả ngay cả khi ta không ngồi đó trò chuyện với bà ta.
Vì sao bà dùng tên họ viết tắt thay vì tên đầy đủ?
Nhà xuất bản của tôi sợ rằng các nhà phê bình sẽ cho là một đứa con gái không thể viết một cuốn sách như Ngựa chứng đầu xanh được. Về sau, khi sách của tôi trở nên nổi tiếng, tôi thấy là mình thích sự riêng tư khi có một cái tên “công chúng” và một cái tên riêng tư, vậy nên chuyện đó ổn cả thôi.
Lần đầu tiên được xuất bản, tính hiện thực của Ngựa chứng đầu xanh đã làm choáng váng rất nhiều nhà phê bình, nhưng độc giả lại đón nhận cuốn sách. Điều đó có làm bà ngạc nhiên không?
Không, tôi hài lòng vì mọi người sốc khi Ngựa chứng đầu xanh ra đời. Một trong các lý do tôi viết cuốn sách này là tôi muốn viết một cái gì đó hiện thực về thanh thiếu niên. Vào thời đó hư cấu hiện thực về thanh thiếu niên không tồn tại. Nếu bạn không muốn đọc Mary Jane Goes to the Prom và bạn đã đọc hết cả sách về ngựa rồi thì chẳng còn gì để đọc cả. Tôi chỉ muốn viết cái gì đó có quan hệ với điều tôi thấy bọn trẻ đang thực sự làm.
Bà nghĩ vì sao cuốn sách vẫn còn được nhiều người ưa chuộng như vậy qua nhiều năm?
Mỗi thanh thiếu niên đều cảm thấy là người lớn không biết chuyện gì đang diễn ra. Đó chính là cách tôi cảm thấy khi tôi viết Ngựa chứng đầu xanh. Ngay cả hôm nay, khái niệm trong-nhóm và ngoài-nhóm vẫn như vậy. Bọn trẻ nói, “Được đấy, truyện này giống như con nhà giàu và dân bụi”, hay bất cứ gì chúng tự gọi mình. Đồng phục thay đổi, và tên của các nhóm thay đổi, nhưng bọn trẻ lại thực sự hiểu được hoàn cảnh của mình tương đồng với hoàn cảnh của Ponyboy ra sao.
Ngựa Chứng Đầu Xanh Ngựa Chứng Đầu Xanh - S.e. Hinton Ngựa Chứng Đầu Xanh