Ngỡ Đã Là Yêu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 11: Anh Cần Một Bác Sĩ Tâm Lý, Chứ Không Phải Một Vị Thầy Cả Tinh Thần.
im lao ra cửa khi nghe thấy tiếng chuông reo. Cô vội vàng mở cửa mà không hỏi ai nhấn chuông.
- Thánh thần ơi! - cô thốt lên. - Anh đã đi đâu thế?
Cô phải chắc là tôi vẫn trụ vững trên đôi chân mình, cả quần áo lẫn mặt mũi đều không có dấu vết nào của bạo lực rồi mới chìa mu bàn tay về phía tôi:
- Hoan hô anh! Nhờ có anh mà em lại trở về với những thói quen tốt đẹp ngày xưa đấy: em đã gặm móng tay.
- Anh không tìm được taxi ở Bethléem, và vì có các trạm kiểm soát nên không một tài xế chui nào dám chở anh.
- Đáng lẽ anh phải gọi em. Em sẽ đi đón anh.
- Em sẽ không tìm được đường đâu. Bethléem là một thị trấn rộng lớn lộn xộn. Một kiểu lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay khi đêm xuống. Anh không biết hẹn gặp em ở đâu.
- Được rồi, - cô vừa nói vừa né sang một bên để tôi đi qua, - anh vẫn còn nguyên vẹn, thế đã là tốt lắm rồi.
Cô đã kê một bộ bàn ghế ngoài hiên và dọn lên đó bộ đồ ăn.
- Em đã mua một số thứ lúc anh vắng mặt. Anh chưa ăn bữa tối, em hy vọng thế. Em đã chuẩn bị cho anh một bữa tiệc nho nhỏ.
- Anh đói chết được.
- Tin hay đấy, - cô nói.
- Hôm nay anh vã hết cả mồ hôi.
- Em hơi nghi ngờ điều đó đấy... Phòng tắm đã sẵn sàng.
Tôi vào phòng mình lấy túi đựng đồ cá nhân.
Tôi tắm khoảng hai mươi phút dưới tia nước nóng rãy của vòi hoa sen, hai tay chống tường, lưng cong lại và cằm tỳ vào cổ. Làn nước chảy lăn tăn trên cơ thể giúp tôi thư giãn. Tôi cảm thấy các cơ của mình dãn ra và hơi thở nhẹ đi. Kim đứng sau chiếc màn gió đưa cho tôi chiếc áo choàng bông. Vẻ thẹn thùng quá mức của cô khiến tôi mỉm cười. Tôi lau người trong chiếc khăn to bản, chà thật mạnh hai cánh tay và chân, rồi chui vào chiếc áo choàng bông thùng thình của Benjamin và ra gặp cô ở hiên.
Tôi vừa ngồi xuống thì có ai đó ấn chuông cửa. Kim và tôi, nhìn nhau, tò mò.
- Em đang đợi ai à? - tôi hỏi
- Không phải người quen, - cô vừa nói vừa đi ra mở cửa.
Một người đàn ông cao lớn, đầu đội kippa và mặc áo len, gần như phải xô lấn Kim để bước vào. Ông ta lia nhanh mắt lên trên, nhìn tôi chằm chằm và nói:
- Tôi là hàng xóm ở nhà số 38. Tôi thấy có ánh sáng nên đến để chào Benjamin.
- Benjamin không ở đây, - Kim nói, vẻ bực bội vì thái độ trâng tráo của ông ta. - Tôi là em gái anh ấy, bác sĩ Kim Yehuda.
- Em gái cậu ấy ư? Tôi chưa bao giờ gặp cô.
- Giờ thì ông gặp tôi rồi đấy.
Ông ta gật đầu ra hiệu đồng ý, lại hướng ánh mắt về phía tôi.
- Vâng, - ông ta nói, - tôi hy vọng mình không làm phiền quý vị.
- Không sao cả.
Ông ta đưa một ngón tay lên thái dương như có vẻ để chào rồi rút lui. Kim đi ra nhìn ông ta khuất dạng rồi mới đóng cửa lại.
- Ông ta thật trơ tráo, - Kim vừa càu nhàu vừa quay lại bàn.
Chúng tôi bắt đầu ăn. Tiếng côn trùng về đêm mỗi lúc càng thêm ri rỉ quanh chúng tôi. Một con bướm sâu đo khổng lồ điên cuồng quay quanh bóng đèn treo chỗ trán tường ngôi nhà. Trên bầu trời, nơi biết bao điều lãng mạn đã phai mờ từ lâu, một vầng trăng lưỡi liềm lấp ló trong một đám mây. Qua phía trên bức tường nhỏ của tòa nhà, có thể thấy được ánh sáng thành Jérusalem, với những ngọn tháp giáo đường và chuông của các nhà thờ, từ nay sẽ bị giằng xé bởi thành lũy ấy, một thành lũy báng bổ thánh thần, thảm hại và xấu xí, bắt nguồn từ tính không kiên định của loài người và những yếu hèn khó sửa của họ. Thế nhưng, bất chấp sự lăng nhục mà Bức tường của mọi bất hòa này gây ra cho mình, Jérusalem, kẻ bị thay hình đổi dạng, vẫn không để bị đánh gục. Nó vẫn luôn ở đó, ẩn mình giữa vẻ ôn hòa của những bình nguyên và vẻ khắc nghiệt của sa mạc Judée, sống hết mình nhờ những suối nguồn thiên định bất diệt mà cả các bậc vua chúa thời xưa lẫn những kẻ lang băm ngày nay đều không thể xâm nhập. Mặc dù đã phải chịu quá nhiều những lợi dụng của kẻ này và mấy chuyện tử vì đạo của kẻ khác, nhưng nó vẫn tiếp tục giữ vững lòng tin - nhất là trong đêm nay. Có thể nói, nó trở nên trầm mặc hơn giữa những ánh nến thờ, nó tìm lại được toàn bộ uy quyền của mình khi lúc này mọi người đang chuẩn bị đi ngủ. Không gian tĩnh lặng giống như một chỗ ẩn náu yên bình. Cơn gió nhẹ đung đưa lá cây xào xạc, mang theo mình mùi hương trầm và những hương vị thế gian. Chỉ cần lắng tai là đủ để nhận thấy mạch đập của các thánh thần, chỉ cần chìa tay ra là đủ để hái được lòng khoan dung của họ, và chỉ cần sự hiện hữu của linh hồn là đủ để nhập mình vào với họ.
Thuở niên thiếu, tôi từng rất yêu Jérusalem. Tôi cảm thấy cùng một sự rung động khi đứng trước Nhà Thờ Đá cũng như khi đứng dưới chân bức tường Than Thở và tôi không thể thờ ơ được trước vẻ yên bình toát ra từ Nhà Thờ Lớn Saint-Sépulcre. Tôi lang thang từ khu phố này sang khu phố khác như đọc từ truyện ngụ ngôn của người Do Thái ở châu Âu đến truyện của người du cư Ả rập, với cùng một niềm hạnh phúc, và tôi không cần phải là một người phản đối cầm súng vì thấy trái lương tâm mới từ chối tin tưởng vào các luận điệu của vũ khí hay những bài giảng đạo độc hại. Tôi chỉ cần ngước mắt nhìn lên những mặt tiền xung quanh là đủ để phản đối tất cả những gì đụng chạm tới vẻ uy nghi bất diệt của chúng. Ngày nay vẫn vậy, bị giằng xé giữa nỗi cực khoái thị tỳ và vẻ ý tứ giữ gìn của một nữ thánh, Jérusalem khát khao được say và được đeo đuổi, khổ sở chịu đựng cảnh huyên náo của hậu thế và bất chấp mọi trở ngại để hy vọng rằng một chuyển biến thuận lợi sẽ giải thoát mọi tư tưởng khỏi nguồn khổ đau tăm tối. Hết là nơi hội tụ của các vị thần đến khu biệt cư, hết nữ mưu sĩ đến vợ ngoài giá thú, hết đền đài đến đấu trường, Jérusalem đau khổ vì không thể tạo được cảm hứng cho các nhà thơ mà không khiến những đam mê bị suy đồi, và thành phố, với tâm hồn chết chóc, đang dần suy kiệt tùy theo tâm trạng giống như những lời nguyện cầu của nó đang dần tan tác trong lời lẽ báng bổ các quy tắc tôn giáo...
- Thế nào rồi? - Kim ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Gì cơ?
- Ngày hôm nay của anh ấy?
Tôi lau miệng vào chiếc khăn ăn.
- Họ không ngờ là anh đến, - tôi nói. - Bây giờ mắc phải anh, họ không biết xử trí thế nào.
- Đến thế kia à?... Vậy thì chiến thuật của anh chính xác là gì?
- Anh không có chiến thuật. Không biết phải bắt đầu từ đâu, anh đang vướng vào một mớ bòng bong.
Cô rót nước có ga cho tôi. Bàn tay cô không được tĩnh cho lắm.
- Anh nghĩ là họ sẽ để mặc anh hành động à?
- Anh không có chút ý tưởng gì về chuyện đó.
- Nếu vậy, anh muốn dẫn mọi chuyện đến đâu?
- Họ mới là người nói điều đó cho anh, Kim ạ. Anh không phải cảnh sát cũng không phải phóng viên điều tra. Anh đang tức giận và nỗi giận dữ sẽ nuốt sống anh mất nếu anh khoanh tay đứng nhìn. Nói thẳng ra thì anh cũng không biết chính xác mình muốn gì. Anh làm theo điều gì đó ở trong anh và dẫn lối anh theo ý nó. Anh không biết mình đang đi đâu và anh không quan tâm. Nhưng anh đảm bảo với em, anh cảm thấy mình ổn hơn khi giờ đây mình đã động đến ổ kiến lửa. Em phải thấy họ lúc họ gặp lại anh giữa đường ấy... Em có hiểu điều anh muốn nói không?
- Không thực sự hiểu, Amine ạ. Ý đồ của anh chẳng báo hiệu chút điềm lành nào. Theo em, anh đang tìm lầm người đấy. Anh cần một bác sĩ tâm lý, chứ không phải một vị thầy cả tinh thần. Những người đó không nợ nần gì anh hết.
- Họ đã giết vợ anh.
- Sihem đã tự giết mình, Amine ạ, - cô nhẹ nhàng nói như thể cô sợ làm thức dậy những ác mộng cũ trong tôi. - Chị ấy biết điều mình làm. Chị ấy đã lựa chọn số phận của mình. Hai điều đó khác nhau đấy.
Những lời lẽ của Kim khiến tôi bực bội.
Cô cầm lấy tay tôi.
- Nếu không biết mình muốn gì, thì tại sao anh vẫn cố chấp đâm đầu vào mớ bòng bong? Đấy không phải hướng đi đúng. Cứ cho là những người đó hạ cố đến gặp anh đi, thì anh định moi điều gì từ họ chứ? Họ sẽ nói với anh rằng vợ anh chết vì sự nghiệp chính nghĩa và sẽ động viên anh làm chuyện tương tự. Đó là những người đã chối bỏ thế giới này, Amine ạ. Hãy nhớ lại những gì Naveed đã nói với anh; đó là những kẻ sẵn sàng tử vì đạo, họ đợi thời cơ thuận lợi để tan thành mây khói. Em cam đoan với anh là anh đang đi lầm đường. Chúng ta hãy về nhà và để cảnh sát can thiệp.
Tôi rút tay mình ra khỏi tay cô.
- Anh không biết điều gì đang xảy đến với mình, Kim ạ. Anh hoàn toàn minh mẫn, nhưng anh cảm thấy rất cần phải làm những gì anh cho là đúng. Anh cảm giác rằng anh chỉ có thể để tang vợ anh sau khi đối mặt với tên khốn kiếp đã khiến cô ấy mất trí. Còn chuyện phải nói gì hay quẳng cái gì vào mặt hắn không làm anh bận tâm lắm. Anh chỉ muốn xem hình dạng hắn ra sao, hiểu xem hắn có gì hơn anh... Rất khó giải thích, Kim ạ. Có rất nhiều điều diễn ra trong đầu anh. Có những lúc, anh oán hận mình đáng chết. Có những lúc, dường như với anh, Sihem còn tệ hại hơn mọi thứ nhơ bẩn gộp lại. Anh cần phải biết, ai trong số hai bọn anh là kẻ có lỗi với người còn lại.
- Và anh nghĩ là sẽ tìm được câu trả lời ở những người kia.
- Anh không biết gì hết!
Tiếng kêu của tôi vang lên trong bầu không khí im lặng như một tiếng nổ. Kim cứng đờ người lại trên ghế, chiếc khăn ăn để bên miệng, đôi mắt mở to.
Tôi giơ hai tay lên ngang vai để trấn tĩnh lại:
- Anh xin lỗi... Rõ ràng là toàn bộ chuyện này vượt khỏi tầm kiểm soát của anh. Nhưng phải để anh làm những gì anh muốn làm. Nếu có chuyện gì xảy đến với anh, thì có lẽ đó chính là điều anh đang tìm kiếm.
- Em lo cho anh.
- Anh không lúc nào nghi ngờ điều đó, Kim ạ. Đôi khi anh xấu hổ vì cư xử như vậy, nhưng anh lại từ chối khôn lên. Và người ta càng cố thuyết phục anh thì anh càng không muốn trấn tĩnh lại... Em có hiểu anh không?
Kim đặt chiếc khăn ăn của mình sang bên cạnh và không trả lời. Đôi môi cô mấp máy một lúc lâu rồi mới thốt được thành lời. Cô thở sâu, nhìn tôi bằng ánh mắt đau đớn và nói:
- Em có quen một người, cách đây lâu rồi. Đó là một anh chàng bình thường, có điều anh ta khiến em ấn tượng ngay khi nhìn thấy. Anh ta dễ mến, và dịu dàng. Em không biết anh ta làm thế nào, nhưng chỉ sau một lời tán tỉnh, anh ta đã trở thành trung tâm vũ trụ đối với em. Em như bị sét đánh mỗi lần anh ta mỉm cười với em, đến nỗi mà đôi khi anh ta hờn dỗi, em phải bật toàn bộ đèn giữa ban ngày mới nhìn rõ được xung quanh mình. Em đã yêu anh ta như chưa từng yêu. Đôi lúc, giữa ngập tràn hạnh phúc, em tự đặt ra cho mình câu hỏi khủng khiếp này: thế nếu anh ta rời bỏ mình? Ngay lập tức, em thấy linh hồn rời bỏ thể xác mình. Nếu không có anh ta, đời em thế là hết. Thế nhưng, một tối nọ, không báo trước, anh ta quẳng đồ vào va li và bước khỏi cuộc đời em. Suốt nhiều năm ròng, em có cảm giác như mình là một cái xác bỏ lại sau khi lột. Một cái xác trong suốt lơ lửng giữa hư không. Rồi năm tháng trôi qua, và em nhận ra rằng mình vẫn ở đó, rằng tâm hồn mình chưa bao giờ rời xa thể xác mình, và đột nhiên, em lấy lại được tinh thần...
Tay cô nắm lấy tay tôi, siết chặt chúng lại.
- Điều em muốn nói rất đơn giản, Amine à. Chúng ta cứ đợi điều tồi tệ nhất nhưng vô ích, nó vẫn luôn ập đến bất thình lình. Và nếu chẳng may chúng ta phải đối mặt với cùng cực bất hạnh, thì việc cứ chìm đắm vào đó hay vùng thoát ra sẽ phụ thuộc vào chúng ta, chỉ chúng ta mà thôi. Giữa đúng và sai, chỉ là một khoảng cách ngắn. Vấn đề là phải biết đặt chân ở đâu. Rất dễ bị trệch bước. Một hành động vội vã, và thế là ta ngã chúi mặt xuống hố sâu. Nhưng liệu đó có phải tận cùng thế giới? Em không nghĩ thế. Để vượt qua, thì chỉ cần biết cam chịu là đủ.
Bên ngoài, một chiếc ô tô dừng lại trong tiếng phanh xe kin kít; cửa xe bật mở và tiếng bước chân át cả tiếng côn trùng ra rả. Có tiếng gõ cửa; tiếp đến là tiếng chuông. Kim đi ra mở cửa. Là cảnh sát và gã hàng xóm ở nhà số 38. Viên sĩ quan là một người đứng tuổi tóc vàng, mảnh khảnh và lịch thiệp; ba cảnh sát khác đi theo hộ tống ông ta, trang bị vũ khí đến tận răng. Ông ta xin lỗi vì đã làm phiền chúng tôi và yêu cầu chúng tôi cho xem giấy tờ. Chúng tôi ai nấy đi vào phòng ngủ của mình để lấy giấy tờ được hỏi, đám cảnh sát theo sau.
Viên sĩ quan kiểm tra thẻ căn cước và thẻ hành nghề của chúng tôi, xem rất kỹ giấy tờ của tôi.
- Ông là người Isral phải không, thưa ông Jaafari?
- Điều đó gây phiền toái gì cho ông sao?
Ông ta nhìn tôi khinh khỉnh, khó chịu với câu hỏi của tôi, trả giấy tờ cho chúng tôi và quay sang nói với Kim.
- Bà là em gái của Benjamin Yehuda phải không, thưa bà?
- Phải.
- Anh trai bà là chỗ quen biết cũ. Ông ấy vẫn chưa ở Mỹ về sao?
- Anh ấy hiện ở Tel-Aviv. Để chuẩn bị cho một diễn đàn.
- Đúng vậy, tôi quên mất. Tôi có nghe nói rằng thời gian qua ông ấy phải phẫu thuật. Tôi hy vọng bây giờ ông ấy đã khá hơn...
- Anh trai tôi chưa bao giờ phải đặt chân đến một khu phẫu thuật nào cả, thưa ngài sĩ quan.
Ông ta gật đầu đồng ý, chào Kim và ra dấu cho những người còn lại đi theo ông ta ra phố. Trước khi đóng lại cửa, chúng tôi nghe thấy gã hàng xóm nhà số 38 nói rằng gã chưa bao giờ nghe Benjamin nói với gã về một cô em gái nào. Cánh cửa xe sập lại và ô tô lao vút đi.
- Niềm tin vẫn ngự trị, - tôi nói với Kim.
- Tất nhiên là thế! - Kim vừa nói vừa quay lại bàn.
Tôi không chợp mắt suốt đêm. Lúc thì nhìn chằm chằm lên trần nhà như muốn xuyên thủng nó, lúc thì rít điếu thuốc không biết thứ bao nhiêu, tôi nghiền ngẫm lại những lời nói của Kim đến mức bão hòa mà không tìm nổi đâu là ý nghĩa của chúng. Kim không hiểu tôi; nghiêm trọng hơn, tôi cũng chẳng khá khẩm gì hơn cô. Thế nhưng, tôi không chịu nổi chuyện người ta lên lớp tôi nữa. Tôi chỉ muốn lắng nghe cái điều đang lởn vởn trong đầu tôi và bất chấp bản thân tôi, đang dẫn lối tôi về phía đường hầm duy nhất có thể cho tôi thấy le lói chút ánh sáng vào đúng lúc mọi ngả đường khác đều chối từ tôi.
Từ tinh mơ, tôi tranh thủ lúc Kim đang ngủ, nhón chân bước ra khỏi nhà và đi taxi đến Bethléem. Nhà Thờ Lớn gần như vắng tanh. Một tín đồ, người đang sắp xếp sách vở trong một thư viện tạm bợ, không có thời gian đuổi kịp tôi. Tôi đi qua phòng cầu nguyện nhanh như gió, vén bức trướng phủ tường phía sau giảng đài lên và bước vào một căn phòng bài trí sơ sài, ở đó, một gã đàn ông trẻ mặc áo kamis trắng và đầu đội chiếc mũ chụp đang đọc kinh Coran. Hắn ngồi trong thế thầy tu khổ hạnh trên một chiếc gối nhỏ, trước mặt có một cái bàn thấp. Gã tín đồ lao theo tôi, rồi túm được vai tôi; tôi đẩy hắn lùi lại và đối mặt với imam, người này, bực bội trước sự đột nhập của tôi, yêu cầu đệ tử của mình không can thiệp. Gã tín đồ ấy vừa lui ra vừa làu bàu. Imam đóng cuốn sách lại và nhìn tôi chằm chằm. Ánh mắt hắn chất đầy vẻ giận dữ.
- Đây không phải một cái cối xay.
- Tôi xin lỗi, nhưng đây là cách duy nhất để lại gần ông.
- Đó không phải là một lý do.
- Tôi cần nói chuyện với ông.
- Về vấn đề gì?
- Tôi là bác sĩ...
- Tôi biết ông là ai. Tôi là người đã yêu cầu người ta ngăn không cho ông đến gần nhà thờ. Tôi không hiểu điều mà ông hy vọng tìm được ở Bethléem, và tôi không nghĩ rằng sự hiện diện của ông ở chỗ chúng tôi là một ý hay.
Hắn đặt cuốn kinh Coran lên một cái giá nhỏ bên cạnh và đứng dậy. Hắn nhỏ bé, khắc khổ, nhưng toát lên một nghị lực và một quyết tâm sắt đá.
Đôi mắt đen ấn tượng của hắn xoáy vào mắt tôi.
- Ông không phải người được chào đón ở chỗ chúng tôi, bác sĩ Jaafari ạ. Ông lại càng không có quyền bước vào thánh đường này khi chưa được rửa tội và chưa cởi giày, - hắn vừa nói thêm vừa đưa ngón tay lên lau khóe miệng. - Nếu ông mất trí, thì ít nhất cũng phải giữ lại vẻ ngoài đứng đắn chứ. Đây là chốn linh thiêng. Và chúng tôi biết rằng ông là một tín đồ nổi loạn, gần như chối bỏ tôn giáo, rằng ông không đi cùng con đường với tổ tiên mình cũng chẳng tuân thủ những nguyên tắc của họ, và đã từ lâu ông tách mình ra khỏi Sự nghiệp của họ bằng cách chọn một quốc tịch khác... Tôi không lầm chứ?
Trước thái độ im lặng của tôi, hắn khẽ nhăn mặt vẻ coi thường và hống hách tuyên bố:
- Do vậy, tôi thấy chúng ta không có gì phải tranh luận với nhau.
- Có đấy, vợ tôi!
- Bà ấy chết rồi, - hắn xẵng giọng đáp.
- Nhưng tôi còn chưa để tang cô ấy.
- Đấy là chuyện của ông, bác sĩ ạ.
Giọng nói lạnh lùng, cộng thêm vẻ hoạt bát của hắn khiến tôi thấy bất ổn. Tôi không thể tin rằng một người tự cho là gần gũi với Đấng Tối cao lại có thể xa cách với con người, dửng dưng với nỗi đau của họ đến vậy.
- Tôi không thích cái cách ông nói với tôi.
- Có vô khối điều mà ông không thích, bác sĩ ạ, và tôi không nghĩ rằng chuyện đó sẽ miễn cho ông khỏi bất kỳ điều gì. Tôi không biết ai chịu trách nhiệm giáo dục ông; nhưng có một điều chắc chắn: ông không được dạy bảo tốt. Mặt khác, không điều gì cho phép ông được ra cái vẻ bực tức thế này hay đặt mình lên trên đại đa số; nhân tiện, sự thành đạt của ông hay lòng dũng cảm của vợ ông cũng không khiến chúng tôi đánh giá ông cao hơn. Đối với tôi, ông chỉ là một kẻ nghèo hèn bất hạnh, một đứa trẻ mồ côi khốn khổ không đức tin không sự cứu rỗi, lang thang như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Dù ông có bước đi trên nước thì điều đó cũng chẳng giúp ông rửa sạch được sự hèn hạ mà ông là hiện thân. Bởi đứa con hoang, đứa con hoang thực sự, không phải là người không biết mặt cha mà là kẻ không chịu thừa nhận nguồn gốc của mình. Trong số tất cả những phần tử xấu thì đó là kẻ đáng bị khiển trách nhất và là kẻ không đáng được khóc nhất.
Hắn nhìn tôi vẻ thách thức, cái miệng như chực cắn:
- Giờ thì ông đi đi. Ông khiến người ta nghĩ xấu về chỗ chúng tôi.
- Tôi cấm ông...
- Đi ngay!
Cánh tay hắn giơ về phía bức trướng, sắc lẹm như thanh đoản kiếm.
- Còn điều này nữa, bác sĩ ạ: giữa việc hòa nhập và hòa tan, biên độ hành động hạn hẹp đến nỗi chỉ một việc làm quá đáng dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến mọi thứ đổ vỡ.
- Đồ cuồng tưởng!
- Sáng suốt chứ, - hắn nhấn mạnh.
- Ông tự cho là mình được trao một sứ mệnh thần thánh cơ đấy.
- Tất cả những người quả cảm đều được trao một sứ mệnh thần thánh. Còn lại, chỉ là những kẻ kiêu ngạo, ích kỷ và bất công.
Hắn vỗ tay. Gã tín đồ, rõ ràng vẫn đứng nghe ngóng ngoài cửa, quay lại túm lấy vai tôi. Tôi ghê tởm đẩy hắn lùi lại và quay về phía imam.
- Tôi sẽ không rời Bethléem trước khi gặp được người phụ trách phong trào của các vị.
- Làm ơn hãy rời khỏi chỗ chúng tôi, - imam vừa nói vừa lượm lại cuốn sách của mình trên cái giá nhỏ.
Hắn ngồi lại lên chiếc gối và làm như thể tôi không ở đó.
Kim gọi vào máy cầm tay của tôi. Cô rất phật ý với cái cách tôi bỏ cô ra đi. Để chuộc lỗi, tôi đồng ý để cô đến Bethléem gặp tôi và hẹn cô ở trạm xăng lối vào thành phố. Sau đó, chúng tôi đến nhà người chị cùng sữa của tôi, chị vẫn chưa gượng được dậy sau cơn tái phát vừa rồi.
Tin chắc rằng người của imam sẽ lại xuất đầu lộ diện nên chúng tôi ở lại nhà Leila. Yasser gặp chúng tôi muộn hơn một chút. Anh thấy Kim đang chăm sóc vợ mình nhưng không tìm hiểu xem cô ấy là bạn tôi hay là bác sĩ được gọi đến khẩn cấp. Chúng tôi lui vào một căn phòng để nói chuyện. Để ngăn không cho tôi làm hỏng thời gian cuối ngày của mình, anh kể lể những mối nguy đang đe dọa xưởng ép, những món nợ chất chồng, những lời đe nẹt từ phía chủ nợ. Tôi lắng nghe đến lúc anh mệt đứt hơi. Đến lượt mình, tôi thông báo cho anh biết cuộc trò chuyện chóng vánh giữa tôi và imam. Anh chỉ gật gật đầu, trán hằn lên một nếp nhăn sâu. Thận trọng, anh không liều lĩnh đưa ra lời bình luận nào, nhưng thái độ phản đối tôi của imam khiến anh thực sự lo lắng.
Buổi tối, thấy không có vấn đề gì, tôi quyết định quay lại nhà thờ. Hai gã đàn ông đón đường tôi trong một con hẻm. Gã thứ nhất tóm lấy cổ áo tôi và ngáng chân tôi; gã thứ hai thúc đầu gối vào háng tôi trước khi tôi ngã rạp xuống đất. Tôi kẹp cổ tay bị thương xuống một bên nách và, mặt gục vào một cánh tay, tôi co quắp người lại để tránh những cú đấm đá bắt đầu đổ xuống người tôi từ tứ phía. Hai gã đàn ông vừa lao vào tôi vừa thề thốt là sẽ xử tử tôi ngay tại chỗ nếu chúng bắt quả tang tôi lởn vởn quanh nhà thờ. Tôi cố thử gượng dậy hoặc lết về phía một chiếc cổng xe; chúng cầm chân tôi lôi ra giữa lòng đường và đá vào lưng, vào chân tôi. Vài kẻ hiếu kỳ có mặt trong con hẻm vội rút lui, bỏ mặc tôi lại với cơn giận dữ của những kẻ tấn công tôi. Giữa những cơn co thắt và những tiếng kêu thét, có điều gì đó vụt sáng trong tâm trí tôi và tôi ngất đi...
Lúc hồi tỉnh, tôi phát hiện ra một lũ nhóc vây quanh mình. Một đứa trong bọn hỏi liệu tôi đã chết chưa, một đứa khác trả lời chắc là tôi say rượu - tất cả chúng nó đều bật lùi lại khi tôi ngồi dậy.
Màn đêm đã buông xuống. Tôi dựa vào tường bước đi loạng choạng, hai chân run rẩy còn đầu óc thì quay cuồng. Phải mất cả nghìn lần ngã lên ngã xuống tôi mới tới được nhà anh rể mình.
- Ôi Thánh thần ơi! - Kim thốt lên.
Cùng Yasser, cô giúp tôi nằm lên một chiếc ghế băng nhồi nệm và cố cởi áo sơ mi cho tôi. Cô thở phào nhẹ nhõm khi thấy ngoài những vết bầm giập và xước xát ra, cơ thể tôi không có vết dao hay vết đạn nào. Sau khi sơ cứu cho tôi cẩn thận, cô giằng lấy điện thoại để gọi cảnh sát - Yasser suýt nữa thì lên cơn nhồi máu cơ tim vì hành động ấy. Tôi nói với Kim rằng không có vấn đề gì cả và rằng tôi không có ý định ra đi, nhất là sau trận đòn người ta trút lên người tôi. Cô phản đối, cho tôi là kẻ điên khùng và van xin tôi nhanh chóng theo cô về Jérusalem; tôi một mực từ chối rời Bethléem. Kim biết rằng tôi đã trở nên hoàn toàn mù quáng bởi thù hận và sẽ không có gì khiến được tôi từ bỏ ý nghĩ kiên quyết của mình.
Ngày hôm sau, cơ thể bầm giập còn chân cẳng thì lê lết, tôi quay trở lại nhà thờ. Không ai đến quẳng tôi ra ngoài. Một vài tín đồ không trông thấy tôi đứng cầu nguyện nên nghĩ tôi là người chậm phát triển.
Buổi tối, ai đó gọi đến nhà Yasser để báo với anh là họ sẽ qua đón tôi trong nửa tiếng nữa. Kim cảnh báo tôi rằng đây chắc chắn là một cái bẫy; tôi không quan tâm. Tôi đã mệt mỏi khi cứ phải thách thức quỷ sứ rồi chỉ toàn đối mặt với những cuộc tấn công đột ngột của chúng; tôi muốn được thấy chúng trọn vẹn, ngay cả khi phải đau khổ suốt quãng đời còn lại.
Thoạt tiên là một thằng nhóc xuất hiện trước nhà Yasser. Nó yêu cầu tôi đi theo nó đến chỗ có gã thanh niên thay phiên. Gã này dẫn tôi khá lâu qua thị trấn đang chìm vào đêm tối; tôi ngờ hắn đưa tôi đi lòng vòng để đánh lạc hướng tôi. Cuối cùng, chúng tôi đến một cửa hàng xập xệ. Một người đàn ông đang đợi chúng tôi bên tấm cửa cuốn đã được kéo xuống một nửa. Ông ta cho gã trai kia lui ra và mời tôi đi theo ông ta vào bên trong ngôi nhà. Cuối một cái hành lang chất đầy những hòm rỗng và hộp bìa bị rạch, một người đàn ông khác đón tôi. Chúng tôi đi qua một cái sân nhỏ rồi vào đến một cái sân trong le lói sáng. Trong một căn phòng trống trơn, người ta yêu cầu tôi cởi đồ, mặc một chiếc áo khoác và xỏ một đôi giày vải mới vào. Người đàn ông đó giải thích với tôi rằng đây là những biện pháp an ninh và rằng Shin Beth có thể đã gắn một con chip điện tử vào người tôi để nắm được vị trí của tôi ở bất kỳ thời điểm nào; nhưng ông ta yên tâm vì tôi không mang theo micro hay vật thể gì tương tự trên mình. Một tiếng sau, một chiếc cam nhông nhỏ đến đón tôi. Người ta bịt mắt tôi lại và để tôi nằm sấp xuống sàn xe. Sau một hồi vòng vèo, rồi tôi cũng nghe thấy tiếng cửa rít lên và lại sập xuống phía sau chiếc xe. Một con chó cất tiếng sủa, và nhanh chóng bị một giọng đàn ông bắt im miệng. Những cánh tay dựng tôi dậy, tháo dải băng bịt mắt cho tôi. Tôi đang đứng trong một cái sân rộng, phía cuối sân có những bóng người mang vũ khí đang đứng nghiêm đợi tôi. Trong thoáng chốc, một cơn rùng mình nổi da gà cứa dọc sống lưng tôi; bỗng nhiên tôi thấy sợ và tôi cảm thấy mình bị mắc bẫy.
Gã lái chiếc cam nhông nhỏ túm lấy khuỷu tay tôi và đẩy tôi về phía một ngôi nhà bên phải. Gã không đi cùng tôi xa hơn. Một gã vạm vỡ dáng dấp như một tay diễn trò ở chợ phiên mời tôi vào một phòng khách trải thảm len, ở đó, một người đàn ông trẻ mặc áo kamis đen có thêu hai bên tay áo và thêu trên cổ dang rộng cánh tay đón tôi.
- Người anh em Amine, thật là một ân huệ cho tôi được đón tiếp anh tại tệ xá của mình, - hắn nói bằng giọng thoáng âm sắc Liban.
Khuôn mặt hắn ta không gợi trong tôi điều gì. Tôi không nghĩ đã từng gặp hắn hay thấy hắn trước đây. Hắn đẹp trai, đôi mắt sáng và những đường nét thanh tú có thể bị bộ ria mép dày quá mức làm biến dạng; nom hắn không quá ba mươi tuổi.
Hắn lại gần tôi và vừa ôm siết lấy tôi vừa vỗ vỗ lưng tôi theo cách của những chiến binh giải phóng Hồi giáo.
- Người anh em Amine, người bạn của tôi, số phận của tôi. Anh không thể biết tôi thấy vinh hạnh thế nào đâu.
Tôi nhận thấy thật vô ích khi nhắc lại với hắn trận đòn mà hôm trước tay chân của hắn trút lên tôi.
- Lại đây nào, - hắn vừa nói vừa kéo tay tôi, - anh ngồi xuống chiếc ghế này gần tôi đi.
Tôi nhìn chằm chằm vào gã trai lực lưỡng đang đứng canh trước cửa. Bằng một cái gật đầu khe khẽ, vị chủ nhà của tôi ra hiệu cho hắn rời đi.
- Tôi rất lấy làm tiếc chuyện hôm qua, - hắn thú nhận, - nhưng hãy thừa nhận là anh cũng ít nhiều khiêu khích hắn đi.
- Nếu đó là cái giá phải trả để được gặp anh, thì tôi thấy nó hơi quá đấy.
Hắn bật cười.
- Trước anh có những người không thoát dễ dàng như vậy đâu, - hắn tâm sự với chút gì đó ngạo mạn. - Chúng tôi đang trải qua những thời điểm mà ở đó không được để lọt cái gì hết. Chỉ cần chút lơ là nhỏ nhất là tất cả đều có thể sụp đổ.
Hắn vén đuôi áo kamis của mình lên và ngồi xếp bằng trên một chiếc chiếu.
- Nỗi buồn của anh khiến tôi xúc động sâu sắc, người anh em Amine ạ. Đấng Tối cao chứng giám cho tôi, tôi cũng cảm thấy đau khổ như anh.
- Tôi nghi ngờ chuyện đó. Đó là những điều mà người ta không chia sẻ vô tư được.
- Tôi cũng vậy, tôi cũng bị mất người thân.
- Tôi không chịu đựng chuyện đó giống như anh đâu.
Hắn cắn môi:
- Tôi hiểu...
- Đây không phải một chuyến viếng thăm xã giao.
- Tôi biết... Tôi có thể làm gì cho anh?
- Vợ tôi đã chết. Nhưng trước khi tự làm mình nổ tung giữa một nhóm học sinh, cô ấy đã đến thành phố này gặp vị thầy tinh thần của mình. Tôi rất tức giận vì chuyện cô ấy thích những kẻ đòi hợp nhất hơn cả tôi, - tôi nói thêm, không thể kìm nén nổi cơn điên dại đang xâm chiếm mình như một đợt thủy triều tăm tối. - Và bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy là mình chẳng hiểu gì hết. Tôi phải thú nhận rằng mình còn tức giận nhiều hơn nữa khi không biết thêm gì khác. Người vợ Hồi giáo của tôi ư? Từ bao giờ chứ? Tôi vẫn chưa ngấm nổi điều đó. Đó là một phụ nữ hợp thời. Cô ấy thích du lịch và bơi lội, thích ngồi bên thềm các quán kem nhấm nháp nước chanh, và tự hào về mái tóc mình đến nỗi không thể để chiếc khăn choàng đầu che mất nó... Các người đã ba hoa những gì với cô ấy để biến cô ấy thành một con quỷ, một kẻ khủng bố, một phần tử cảm tử đòi hợp nhất chứ? Cô ấy, người vốn không cầm lòng nổi trước tiếng rên rỉ của một chú chó con?
Hắn ta tỏ ra thất vọng. Vẻ bặt thiệp mà hắn phải mất công trau chuốt trong suốt nhiều tiếng đồng hồ trước khi đón tiếp tôi dường như xìu xuống. Trước đó, hắn không ngờ đến phản ứng này của tôi và hy vọng, thông qua một vở diễn đầy biến cố kỳ diệu tiếp cận tôi rồi sau đó “bắt cóc” tôi với sự đồng thuận của tôi, sẽ phần nào làm cho tôi bối rối để dồn tôi vào thế yếu. Tự bản thân mình tôi cũng không hiểu nổi từ đâu ra cái thái độ xấc xược khiêu khích ấy khiến đôi tay tôi run rẩy nhưng lại không làm giọng tôi đứt quãng, não vào tim tôi nhưng không làm tôi chùn gối. Kẹt giữa một bên là tình cảnh bấp bênh và một bên là cơn cuồng nộ mà sự nhiệt thành cao độ của vị chủ nhà và vẻ vờ vĩnh xấu xa của hắn gây ra cho tôi, tôi chọn hành động liều lĩnh. Tôi cần phải chỉ rõ cho tên thủ lĩnh không đáng kính này thấy rằng tôi không sợ hắn, cần phải ném vào mặt hắn sự ghê tởm và căm hận mà những kẻ quá khích giống như hắn làm nảy sinh trong tôi.
Suốt một hồi lâu, tên thủ lĩnh vặn vẹo những ngón tay mình, không biết phải bắt đầu từ đâu.
- Tôi không thích thú gì những lời chê trách gay gắt của anh, người anh em Amine ạ, - cuối cùng hắn vừa thở dài vừa nói. - Nhưng tôi cho rằng đó là vì anh đang đau buồn.
- Anh có thể cho là vì sao tùy thích.
Khuôn mặt hắn lộ vẻ kích động.
- Tôi xin anh, đừng quá bất lịch sự. Tôi không chịu được điều đó. Nhất là khi nó được phát đi từ miệng một bác sĩ phẫu thuật tài ba. Tôi đồng ý gặp anh chỉ bởi một lý do đơn giản: giải thích cho anh một lần dứt khoát rằng sự hiện diện của anh trong thành phố này là vô ích. Ở đây chẳng có gì cho anh cả. Anh muốn gặp người đứng đầu phong trào của chúng tôi. Anh đã được gặp. Bây giờ, anh hãy trở lại Tel-Aviv và xóa sổ cuộc hội ngộ này đi. Còn điều này nữa: cá nhân tôi không quen vợ anh. Cô ấy không hoạt động cho phe chúng tôi, nhưng chúng tôi ngưỡng mộ hành động của cô ấy.
Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt dữ dội.
- Một lưu ý cuối cùng, bác sĩ ạ. Nếu anh cứ cố muốn giống như những người anh em mà anh tự nhận là của mình thì anh sẽ đánh mất sự trọng vọng của những người thân thuộc. Mỗi người Hồi giáo là một chiến binh chính trị. Anh ta chỉ có một tham vọng duy nhất: đó là thiết lập một Nhà nước thần trị tại đất nước mình và hưởng đầy đủ chủ quyền cũng như độc lập của mình... Một người Hồi giáo cực đoan cũng là một chiến binh thánh chiến cực đoan. Anh ta không tin vào chủ quyền của các Nhà nước Hồi giáo cũng không tin vào chế độ tự trị của họ. Đối với anh ta, chính các Nhà nước chư hầu mới phải giải tán để phục vụ lợi ích của một khalip duy nhất. Bởi người Hồi giáo cực đoan mơ tưởng về một đạo Hồi duy nhất và không thể chia rẽ trải rộng từ Indonesia đến Maroc để nếu không cải hóa được phương Tây theo đạo Hồi thì sẽ thuần phục nó và phá hủy nó... Chúng tôi không phải người Hồi giáo cũng không thuộc phe Hồi giáo cực đoan, bác sĩ Jaafari ạ. Chúng tôi chỉ là những đứa con của một dân tộc bị tước đoạt và bị nhạo báng đứng lên chiến đấu bằng những gì sẵn có trong tay để giành lại Tổ quốc mình và nhân phẩm của mình, không hơn không kém.
Hắn quan sát tôi một lát để xem liệu tôi đã ngấm hay chưa; tiếp đó, hắn vừa nói tiếp vừa mê mải ngắm nghía những móng tay sạch bóng không tì vết của mình:
- Tôi không biết vợ anh, và tôi rất tiếc vì điều đó. Vợ anh xứng đáng được hôn lên chân. Điều mà cô ấy dâng hiến chúng ta, bằng sự hy sinh bản thân mình, khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ và mang đến cho chúng ta những bài học. Tôi hiểu là anh cảm thấy như bị lừa gạt. Đó là bởi anh chưa nhận thức hết tầm ảnh hưởng trong hành động của cô ấy. Lúc này, niềm kiêu hãnh của người chồng đang lên tiếng trong anh. Nhưng một ngày nào đó, niềm kiêu hãnh đó rốt cuộc sẽ chịu nhún nhường và thế là, anh sẽ nhìn nhận mọi chuyện rõ hơn và xa hơn. Nếu vợ anh không nói gì với anh về cuộc chiến của cô ấy, thì điều đó không có nghĩa là cô ấy phản bội anh. Cô ấy không có gì để nói với anh cả. Cô ấy không có gì phải nói với ai hết cả. Bởi cô ấy phó thác mình cho Đấng Tối cao... Tôi không yêu cầu anh phải tha thứ cho cô ấy - sự thứ tha của người chồng là gì chứ khi mà người ta đã nhận được ân sủng của Đấng Tối cao? Tôi yêu cầu anh bước sang một trang mới. Cuộc sống vẫn tiếp tục.
- Tôi muốn biết tại sao, - tôi nói một cách xuẩn ngốc.
- Tại sao gì chứ? Đó là chuyện riêng của cô ấy; một câu chuyện không can hệ đến anh.
- Tôi là chồng cô ấy.
- Không phải cô ấy không biết điều đó. Nếu cô ấy không muốn thổ lộ gì với anh thì đó là bởi cô ấy có những lý do của mình. Bằng cách đó, cô ấy loại anh ra khỏi cuộc chơi.
- Thật vớ vẩn! Cô ấy có nghĩa vụ đối với tôi. Người ta không bỏ rơi người bạn đời của mình như thế. Dù thế nào thì cũng không phải là tôi. Tôi chưa bao giờ phạm lỗi với cô ấy cả. Nhưng cô ấy lại vừa khiến cuộc sống của tôi tan thành mây khói. Chứ không chỉ cuộc sống của riêng cô ấy. Cuộc sống của tôi và của mười bảy người mà cô ấy không hề quen biết. Và anh hỏi tôi tại sao tôi muốn biết ư? Thế đấy, tôi muốn biết tất cả, tất cả sự thật.
- Sự thật nào chứ? Sự thật về anh hay về cô ấy? Sự thật về một người phụ nữ đã nhận thức ra đâu là nghĩa vụ của mình hay sự thật về một người đàn ông tin rằng chỉ cần quay lưng lại với một thảm kịch là đủ để phủi tay? Anh muốn biết sự thật nào, hả bác sĩ Amine Jaafari? Sự thật về một người Ả rập nghĩ rằng có trong tay tấm hộ chiếu Isral là anh ta thoát khỏi cuộc sống khó khăn ư? Sự thật về một người Ả rập phục vụ xuất sắc được người ta vinh danh mọi lúc và được người ta mời đến những buổi chiêu đãi thượng lưu để chứng tỏ cho cả thế giới thấy họ khoan dung và tử tế biết bao ư? Sự thật về một người mà mới chuyển sang mặc áo vest thôi đã tưởng thay đổi được cả phẩm giá của mình và cho rằng mình đã thay đổi thành công tuyệt đối ư? Đây là sự thật mà anh đang kiếm tìm sao hay đó chính là điều anh đang trốn chạy?... Không, nhưng ngươi đang sống trên hành tinh nào chứ, hả quý ông? Chúng ta đang sống trong một thế giới xâu xé lẫn nhau mỗi ngày mà Đấng Tối cao đã tạo ra. Mỗi chiều tối chúng ta lại phải lượm những xác chết và mỗi sớm mai đem chúng đi chôn. Tổ quốc của chúng ta bị giày xéo, con cái chúng ta không nhớ nổi trường học nghĩa là gì, các bé gái của chúng ta không còn mơ mộng nữa kể từ khi những vị hoàng tử quyến rũ của chúng thích trò Intifida hơn thích chúng, các thành phố của chúng ta đổ nát dưới những cỗ xe tăng và các vị lãnh đạo của chúng ta không biết phải làm gì; còn ngươi, chỉ đơn giản bởi ngươi được sưởi ấm trong cái lồng sơn son thếp vàng của mình mà ngươi từ chối chứng kiến địa ngục của bọn ta. Nhưng dù sao đó cũng là quyền của ngươi. Mỗi người lèo lái con thuyền của mình như anh ta mong muốn. Nhưng làm ơn, đừng đến hỏi han này nọ khi xảy ra chuyện có những người, đau lòng trước sự lạnh lùng và thói ích kỷ của ngươi, đã không ngần ngại hy sinh cả mạng sống của mình để thức tỉnh ngươi... Vợ ngươi đã chết để cứu rỗi cho ngươi đấy, quý ông Jaafari ạ.
- Ngươi nói đến sự cứu rỗi ư! - đến lượt mình tôi cũng đổi cách xưng hô với hắn ta. - Chính ngươi mới cần đến sự cứu rỗi... Ngươi dám nói với ta về thói ích kỷ, ta, người đã bị cướp mất người yêu dấu nhất thế gian này?... Ngươi dám làm mờ mắt ta bằng những câu chuyện về lòng quả cảm và phẩm cách trong khi ngươi chỉ ngồi một xó điều phụ nữ và trẻ em ra chốn lửa đạn ư? Ngươi hãy tỉnh lại đi: chúng ta đang sống trên cùng một hành tinh, người anh em ạ, chỉ có điều chúng ta không ở chung hoàn cảnh. Ngươi chọn cách giết, còn ta chọn cách cứu. Thứ gì là kẻ thù đối với ngươi thì lại là bệnh nhân đối với ta. Ta không ích kỷ cũng không thờ ơ và ta có lòng tự ái như bất kỳ ai khác. Ta chỉ muốn sống phần đời của mình mà không bị ép phải nhúng mũi vào phần đời của người khác. Ta không tin vào những lời tiên tri vốn ưu ái nỗi nhục hình đến mức làm hại đến lương tri. Ta trần trụi đến với thế giới này, ta cũng sẽ trần trụi rời xa nó; những gì ta sở hữu không thuộc về ta. Cuộc sống của những người khác lại càng không. Mọi nỗi bất hạnh của loài người đều bắt nguồn từ sự hiểu lầm này: những gì Đấng Tối cao cho ngươi mượn, ngươi phải biết trả lại Người. Không có thứ gì trên trái đất này thực sự thuộc về ngươi. Không phải Tổ quốc mà ngươi nhắc đến, không phải nấm mồ sẽ biến ngươi cát bụi trở về với cát bụi.
Ngón tay tôi không ngừng xỉa vào hắn. Tên thủ lĩnh kháng chiến không phản ứng gì. Hắn lắng nghe tôi đến cùng, mắt nhìn vào những móng tay mình, không thèm lau cả những vết nước bọt của tôi bắn lên mặt hắn.
Sau hồi lâu im lặng, sự im lặng tôi tưởng như không hồi kết, lông mày hắn khẽ động đậy, hắn hít một hơi thật sâu và cuối cùng cũng nhìn về phía tôi.
- Tôi rất choáng váng trước những gì vừa được nghe, Amine ạ, và điều đó khiến trái tim lẫn tâm hồn tôi rạn nứt. Dù nỗi đau của anh có thế nào đi nữa, anh cũng không có quyền báng bổ như vậy. Anh nói với tôi về vợ anh nhưng lại không thèm nghe tôi nói với anh về Tổ quốc của anh. Nếu anh từ chối có một Tổ quốc, thì cũng đừng ép những người khác phải từ bỏ Tổ quốc của họ. Những người tha thiết đòi có Tổ quốc ngày cũng như đêm muốn được hy sinh cuộc đời mình. Đối với họ, không thể có chuyện chết dần chết mòn trong sự khinh bỉ của những người khác hay của chính bản thân mình. Hoặc là sống cho ra sống hoặc là cái chết, hoặc là tự do hoặc là mộ huyệt, hoặc là danh dự hoặc là áo quan. Và không một nỗi buồn nào, không một tang tóc nào ngăn nổi họ chiến đấu vì những gì họ coi là điều cốt yếu của cuộc sống: danh dự. “Hạnh phúc không phải phần thưởng của đức hạnh. Mà bản thân nó chính là đức hạnh.”
Hắn vỗ tay. Cánh cửa mở ra và gã trai lực lưỡng xuất hiện. Cuộc đàm đạo kết thúc.
Trước khi ra lệnh đưa tôi đi, hắn nói thêm:
- Tôi rất buồn cho anh, bác sĩ Amine Jaafari ạ. Rõ ràng chúng ta không đi cùng một con đường. Hẳn là chúng ta sẽ mất hàng tháng hàng năm trời ròng rã để cố hiểu ra rằng không ai trong hai chúng ta muốn lắng nghe lẫn nhau. Vì vậy có nói thêm gì cũng vô ích. Anh về đi. Chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa.
Ngỡ Đã Là Yêu Ngỡ Đã Là Yêu - Yasmina Khadra Ngỡ Đã Là Yêu