Mạt Lộ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13: Dòng Sông Sẽ Đi Về Đâu?
ượu làm cho tròng mắt đỏ, nhưng cũng có thể là nắng xế. Khi nhậu một mình, đại úy Quỳnh thường ngồi trên bộ ván kê trước bàn thờ. Nhậu mà không biết mình đang nhậu cái gì. Mơ hồ thấy có một thứ gì đó trên cái đĩa nhôm móp méo. Một thứ gì mặn mặn, chát chát, chỉ để làm cho rượu đỡ đắng.
Cái chung nhỏ như vỏ trứng, cứ rót đầy, đưa cay xuống cổ họng, nghe rượu lan tỏa trong ngực, trong gan ruột, trong tứ chi, rồi uống tiếp.
Hình như trên sông có tiếng động mơ hồ. Rồi nó tạo ra tiếng rầm rì bất tận trong bờ cỏ. Hình như trong tiếng lách tách của sóng có tiếng nói yếu ớt của quá khứ.
Cái chòi trống trơn. Và bóng tối đã mon men tới. Nắng xế còn đọng một chút trên sóng và ánh lên tròng mắt.
Im lặng. Ông nghe tiếng mình thở, nghe mùi rượu cay cay đầu lưỡi, bốc lên mắt. Nếu không có rượu, nỗi buồn sẽ khô cứng lại, sắc như miếng mẻ sành, cứa những nhát rỉ máu. Không có rượu thì nỗi buồn nó sẽ làm cho mình chết. Cõi lòng bị rạch nát, đau thắt. Nên phải uống cho buồn tan loãng ra, bốc thành hơi, bay ra từ hai tròng mắt, làm cho nó đỏ ngầu lên.
Ông uống từ xế chiều cho tới khi hàng xóm lên đèn.
Và trong cái mờ mịt của lúc chạng vạng, ông nhìn thấy một cái bóng mảnh khảnh, nhẹ tênh như một linh hồn vất vưởng đâu đó vừa chợt ghé lại. Cái bóng đến gần và ngồi ở đầu kia tấm ván. Ông không nhìn thấy mặt. Ông không nhìn thấy màu sắc của quần áo. Cũng không nghe tiếng nói. Nhưng ông biết đó là ai.
Và ông cũng biết tại sao nó trở về căn nhà rách nát này vào lúc chạng vạng tối.
Trúc cũng im lặng. Trúc trở về như một giấc chiêm bao. Như linh hồn đã chết, đã phiêu hốt, nương theo ngọn gió mà trôi dạt về.
Ông vẫn tiếp tục uống. Và cái bóng vẫn ngồi ở mép ván, bất động.
Rồi có một lúc ông mơ hồ nghe tiếng kêu:
-Bác ơi!
Lúc ấy ông đặt ly rượu xuống. Cô gái nhỏ gục trên vai ông và khóc. Lúc ấy nước mắt ông, từ cõi mang mang thiên địa sầu, mới chảy xuống mái tóc khô cháy của cô gái nhỏ.
-Bác ơi!
-Đừng nói. Đừng nói gì cả con ạ. Bác đã biết hết rồi. Chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi kiếp nghèo đâu con. Thành phố là của người khác. Đất nước này là của người khác. Không bao giờ là của mình. Của mình chỉ có túp lều tranh này, cái chuồng heo và mấy con cá khô phơi ở chái nhà. Đất nước này không phải của mình đâu con. Cả trái đất này cũng không phải của mình. Mình chỉ là lũ ăn theo, lũ đi lượm mót một chút tiện nghi rơi rớt của chốn phồn hoa. Giống như bác cháu mình từng đi mót lúa ngoài đồng. Thôi, con đừng khóc nữa. Và cũng đừng kể lại những gì đã xảy đến cho con.
Quỳnh đỡ đứa cháu nằm xuống, lấy gối kê đầu cho nó. Rồi ông vuốt tóc cho nó ngủ.
Cuộc hành trình từ thành phố về quê của Trúc không phải một buổi, không phải một ngày, mà nhiều ngày.
Cô đã không trở lại căn phòng mà giám đốc Minh đã thuê cho cô. Cô đã không trở lại công ty. Cô đi thẳng từ nơi cô bị hãm hiếp, từ nơi cô bị bán, từ nơi có biển xanh và những cây bàng cổ thụ…
Cô đi với vài trăm ngàn trong túi. Vất vưởng như kẻ ăn mày. Vô định như chiếc lá đã chết, đã trôi dạt trong cơn gió…Cô đã nghĩ rằng mình sẽ đi cho đến khi nào gục chết, nhưng bàn chân lại dẫn cô về nhà. Đói khát, tả tơi, kiệt sức.
o O o
Trúc hồi sinh nhờ nước và nắng. Nước gột sạch bụi đường và những thương tích của cuộc hành trình mười ngày đêm.
Và nắng sớm của một ngày mới đã xua đuổi bóng tối của quá khứ.
Sau một năm, đám lục bình đã tụ lại nơi bến cũ. Dưới đáy sông cá đã về làm tổ trong những nhánh chà. Và cô gái nhỏ của làng Vị Thủy cũng trở lại.
Cô đẩy chiếc xuống nhỏ ra giữa dòng. Nước biếng chảy. Lờ lững. Trúc bơi chèo dọc theo bờ và ghé vào một bến nước.
-Chào bà Tư.
Bà lão mù nghiêng tai nghe ngóng:
-Đứa nào đó?
-Con, Trúc đây.
-Trúc nào? Sao nghe tiếng quen vậy?
-Con là Ba Khùng nè.
-A, con nhỏ khóc nhè. Mày đi đâu cả năm nay?
Chiếc xuồng nhỏ lại đi tiếp. Lại ghé một bến nước:
-Ủa, nhỏ Trúc nè. Về hồi nào vậy con?
-Mới về. Chị Trinh đi Hàn quốc sao rồi?
-Cũng ổn. Bữa trước nó gởi về được ba trăm đô.
Chiếc xuồng lại đi. Đám lục bình ở đâu trôi về tràn cả mặt sông. Xuồng của Trúc bị mắc kẹt. Có ai đó nói:
-Muốn giúp không?
Trúc nhìn xuống nước, thấy một cái đầu nhô lên khỏi những lá lục bình.
-Anh Sen hả. Giúp em một tay đi.
-Nhưng tui có biết cô là ai đâu.
-Thôi, đừng làm bộ. Ba Khùng nè.
-Không tin. Ba Khùng sao đẹp quá vậy.
-Ba Khùng đẹp là chuyện bình thường. Hồi nhỏ đã đẹp rồi.
Sen bơi đến mũi xuồng, vẹt lục bình ra hai bên.
-Trúc nè! Về chơi hay về luôn vậy?
-Về chơi. Lát nữa đi.
-Trời ơi. Thấy về, mừng muốn chết. Sao đi gấp vậy?
Trúc quẫy mạnh mái chèo. Chiếc xuồng lướt đi, bỏ lại chàng trai ngẩn ngơ giữa dòng sông.
Qua khỏi đám lục bình, dòng sông lại trải mình ra dưới nắng. Trúc bơi sát bờ, muốn nhìn lại những lá bạc hà xanh non, những khóm rễ cây tràm bông vàng bò ra mé nước, ở đó bám đầy những chùm trứng ốc màu hoa cà. Và đàn cá thòi lòi nhảy loi choi trên bãi sình màu vàng xỉn. Tất cả giống hệt như ngày xưa. Dường như những lá bạc hà này, những chùm trứng ốc, những con cá thòi lòi này vẫn ở đây chờ cô trong suốt một năm qua. Trúc thấy như mình đã phản bội chúng, đã để chúng ngóng đợi suốt một thời gian quá dài…
Rồi có tiếng vịt kêu. Đó là đàn vịt của bác. Quỳnh đang ngồi trên bờ sông vấn điếu thuốc rê. Trúc cho xuồng vô chỗ bóng mát và cập bến.
-Bác ơi! Về ăn cơm.
-Hãy để lũ vịt kiếm ăn một lúc nữa đã. Chỗ này nhiều ốc.
Trúc ngồi xuống cạnh Quỳnh. Hai bác cháu nhìn mặt sông đầy nắng. Trúc hỏi:
-Bác ơi! Dòng sông này sẽ chảy đến đâu thì dừng lại?
-Đến biển thì dừng lại.
-Có phải tất cả các dòng sông đều chảy về biển không?
-Phải.
-Sao chúng không chảy về rừng?
-Vì rừng ở chỗ cao hơn, còn biển bao giờ cũng ở chỗ thấp nhất.
-Nhưng rừng lấy nước ở đâu mà đổ về biển vậy?
-Lấy nước từ trời.
-Thế trời lấy nước từ đâu?
-Từ biển. Hồi nhỏ con cũng đã từng hỏi bác những điều đó rồi mà. Còn đã quên rồi sao?
-Con đã quên. Nhưng bây giờ thì con nhớ lại. Con đang nhớ lại. Từng bến sông, gốc cây, từng tiếng mái chèo. Con nhớ cả mùi thuốc rê quen thuộc …
Mạt Lộ Mạt Lộ - Đào Hiếu Mạt Lộ