Lòng Mẹ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 13
au mấy ngày trông đợi, sáng hôm nay, Hùng và Minh, hai anh em dắt tay nhau ra trường Nguyễn Tri Phương xem kết quả kỳ thi Trung học. Sân trường đã chật ních học sinh, và một số phụ huynh cũng tới xem kết quả con mình. Vẻ mặt ai nấy đều lo âu, lẫn một cảm giác háo hức khó tả. Dưới hiên trường, các giáo viên chấm thi, thỉnh thoảng qua lại vội vàng. Hùng và Minh chen vào trong hiên, để nghe cho dễ.
Tám giờ, người gác trường điểm một hồi trống báo hiệu đến giờ tuyên bố kết quả. Tiếng cười nói đang huyên náo bỗng im bặt. Ông Giám khảo và các vị chấm thi tề tựu dưới mái hiên, gần bậc thang lên xuống. Ông Giám khảo nói vài lời khen ngợi các thì sinh trúng tuyển và khích lệ những thí sinh không may, đoạn một giáo sư trẻ tuổi cầm tập danh sách bước ra. Mọi người như nín thở, hồi hộp lắng tai nghe. Bảng danh sách sắp thứ tự số hiệu thi chứ không sắp theo thứ hạng. Giọng vị giáo sư xướng danh nghe sang sảng, người đứng cuối sân vẫn nghe rõ. Một số người cao tên, biết được kết quả trước. Kẻ thi đậu sung sướng chạy ra đường reo to lên, người hỏng thì ngậm ngùi lau nước mắt, miệng méo xệch cúi đầu buồn bã ra về. Bao nhiêu năm đèn sách, hy vọng hay ngã lòng ở giây phút quan trọng này! Kẻ biết được kết quả ra về dần. Sân trường thấy quang đi một chút, lúc này không được trật tự yên lặng như lúc đầu. Thỉnh thoảng vài tiếng cừơi sung sướng vang lên, và cũng có nhiều tiếng khóc nức nở lẫn tiếng nói xì xào…
Khi nghe gần đến số hiệu mình, Hùng cảm thấy hồi hộp lạ thường, tim đập mạnh, như muốn vọt ra ngoài lồng ngực! Số 190, 195,199 rồi số 200, Nguyễn Sĩ Hùng! Chao ôi! Hùng sung sướng quá, tưởng thét lên một tiếng thật to cho thỏa! Nhưng chàng nhìn sang Minh, thấy em đang há hốc miệng nhìn anh, Hùng lại giữ nét mặt bình thản nắm lấy tay em. Tay Minh ướt đẫm mồ hôi, Hùng nghĩ bụng, nếu Minh hỏng, thì thà mình đừng đậu thì hơn. Nhưng chàng lại tự bảo:
- Không có lẽ, bài vở Minh còn chắc hơn của mình nhiều.
Tiếng rao của vị giáo sư vẫn vang lên đều đều. Bây giờ đến lượt Minh hồi hộp lo sợ. Số 260, rồi cách quãng qua 270, Minh sợ hãi ôm lấy ngực nhưng rồi lại nghe số 271 và 272. Hoàng Trọng Minh! Minh mừng quá, ôm chầm lấy Hùng, reo to lên! Hùng vội vàng bịt miệng em dẫn ra cổng. Anh em nắm lấy tay nhau sung sướng đến chảy ra nước mắt!
Trên đường về, Hùng và Minh cười nói không ngớt. Anh em cùng kể cho nhau nghe giây phút hồi hộp lúc đợi chờ và nỗi sung sướng khi nghe xướng đến tên mình. Thỉng thoảng Minh lại nhảy cẩng lên như trẻ con. Đi về được một quãng, Minh đứng lại đề nghị:
- Anh Hùng ạ, chúng ta sang phố xem một chầu “Ciné” ăn mừng rồi hẵng về!
Hùng gạt đi:
- Về nhà cho cậu mợ biết đã, em ạ. Chắc cậu mợ đang mong chúng mình. Có khi tối nay cậu mợ lại cùng đi xem phim với chúng mình nữa!
Minh tán thành:
- Ờ phải, về nhà đã anh nhỉ! Rồi tối nay có cả cậu mợ cùng đi, vui quá, vui quá!
Minh vừa đi vừa nhảy, Hùng lúc này trầm ngâm, cúi đầu rảo buớc, chứ không háo hức như lúc mới ra khỏi cổng trường. Minh ngạc nhiên đứng lại hỏi:
- Anh Hùng nghĩ gì thế? Anh đang dự định học hè phải không anh?
Hùng đang mãi nghĩ chuyện gì, nghe không rõ, hỏi lại:
- Em nói cái gì? Học hè à?
- Phải, anh có định học hè để sang năm lên lớp cho vững không?
Hùng nhìn em:
- Có lẽ em nên học một ít. Phần anh, có lẽ anh sẽ thôi…
Minh cướp lời anh:
- Tại sao lại thôi? Cậu mợ hứa nếu anh em mình thi đậu sẽ cho tiếp tục học kia mà?
Hùng nghiêm trang bảo em:
- Anh cũng biết thế, nhưng anh thấy, được thụ ơn cậu mợ như thế này là quá lắm rồi. Anh không muốn làm phiền cậu mợ nữa. Nếu cậu mợ không thương cứu vớt, thì anh đâu còn đến hôm nay? Huống nữa, anh lại được cậu mợ coi như con đẻ, cho học hành, bây giờ được thành đạt như thế này, lòng anh đã mãn nguyện lắm!
Minh tỏ vẻ không bằng lòng:
- Mà bây giờ cậu mợ vẫn thương anh như trước. Còn em, em vẫn coi anh như anh ruột của em. Cậu mợ đã hứa cho đi học, thì anh cứ đi, tại sao anh lại có vẻ bi quan như thế?
- Không, anh có bi quan gì đâu em? Sở dĩ anh muốn thôi học là vì anh thấy độ rầy cậu mợ buôn bán không được như lúc trước. Anh định kiếm việc để thêm vào cho cậu mợ bớt vất vả.
Minh nóng nảy:
- Nếu thế thì em cũng thôi học. Chúng ta cùng đi làm.
Hùng phác một cử chỉ ngăn em:
- Không, em đừng nghĩ thế. Em cứ theo học cho đến nơi đến chốn, một mình anh đi làm đủ rồi. Với lại không phải vì lý do trên mà anh thôi học đâu, anh còn một vấn đề khác nữa. Em biết, anh lạc gia đình đến nay đã bảy năm. Bảy năm anh lo lắng tìm tòi, nhưng chưa được tung tích gì. May sao kỳ Tết vừa rồi, một người làng tin cho anh biết: Một hôm anh ấy đi xe đò qua cầu Tràng Tiền, tình cờ thấy ba của anh đang đi bộ trên cầu. Như thế có thể đoán được là gia đình anh đang ở đâu gần đây trong thành phố này. Anh ra đi làm, chắc có thể dò hỏi dễ dàng hơn.
Minh thấy anh nói có lý, không can nữa, nhưng hỏi thêm:
- Thế bây giờ anh định làm việc gì?
Hùng mỉm cười:
- Công việc gì làm cũng được. Nhưng theo sở thích anh, thì anh đi dạy học. Nghề dạy học ít được người ta chú ý đến và hình như bị khinh rẻ. Nhưng đó là một nghề cao quý nhất: đào tạo những mầm non cho đất nước. Nếu mình cố gắng làm trọn phận sự, thì giúp ích cho xã hội không phải nhỏ!
Trên con đường về, anh em lại vui vẻ, cùng nhau tính toán công việc ngày mai. Ông bà Hương khi biết quyết định của Hùng, ban đầu ông bà không bằng lòng nhưng thấy chàng nhất quyết, đành để tùy chàng. Một người bạn cùng thi đậu tới thăm Hùng và cho biết Nha Học chánh sắp mở một khóa sư phạm cấp tốc trong ba tháng hè, để tuyển dụng một số giáo viên cho niên học tới. Hùng vui mừng xin phép cậu mợ cho đi ghi tên. Suốt ba tháng học tập, Hùng tỏ ra rất xuất sắc. Mãn khóa chàng được tuyển dụng và được bổ về dạy lớp ba trường An Cựu, theo lời chàng yêu cầu. Hùng sung sướng về báo tin cho cậu mợ và em biết.
Ngày khai giảng, ông Hương cùng đi với Hùng xuống trường. Ông Hiệu trưởng và các giáo viên tiếp đón Hùng rất niềm nở. Mới bước chân vào giáo giới, Hùng bỡ ngỡ ngại ngùng. Các cô cậu học trò tụm năm tụm bảy tò mò nhìn thầy giáo mới. Một vài tuần sau, Hùng đã làm quen với các giáo viên cùng trường và học trò lớp ba đã bắt đầu mến thầy. Đến giờ chơi, Hùng thường đứng nói chuyện với ông Hiệu trưởng và các bạn giáo viên dưới hiên trường, hoặc đi bách bộ giữa sân xem học trò chơi.
Một buổi sáng, chưa đến giờ học, Hùng đang nói chuyện với các bạn, chợt thấy một thiếu nữ tay dắt em gái chừng 7, 8 tuổi bước vào văn phòng ông Hiệu trưởng, Hùng ngây người nhìn theo, vì nét mặt và dáng đi dịu dàng của người thiếu nữa lại giống hệt mẹ chàng khi trước. Hùng toan bước lại gần cửa văn phòng để xem cho rõ hơn, nhưng chợt nhớ mình đang nói chuyện với các bạn, Hùng thẹn thùng đỏ mặt, vờ quay về phía sau, ho lên vài tiếng. Chàng nói với các bạn:
- Xin lỗi các anh, không hiểu sao tôi thấy choáng váng trong người!
Thầy giáo lớp nhì thành thật:
- Chúng ta đứng chỗ này có ánh nắng chiếu vào, hay chúng ta lại đàng kia nói chuyện và xem học trò chơi luôn thể.
Hùng uể oải bước theo, một cảm giác lạ lùng xáo trộn đầu óc chàng. Các bạn nói chuyện mà Hùng chẳng nghe gì nữa. Lâu lâu, chàng lại liếc nhanh về phía phòng ông Hiệu trưởng. Chàng tự hỏi: Cô nào đó sao lại giống mẹ mình thế nhỉ? Có lẽ cô ta đem em đến xin vào học. Không biết còn trong văn phòng hay về rồi?
Đang phân vân bỗng nghe ba tiếng trống, Hùng vội vã đi về lớp. Chàng có ý đi ngang qua văn phòng để xem, nhưng cô gái đã ra về từ lúc nào, chỉ còn một mình ông Hiệu trưởng đang chăm chú ghi chép. Hùng thở dài giận mình đã bỏ lỡ một cơ hội tốt. Từ hôm ấy, Hùng mất bình tĩnh, không hoạt động như trước nữa. Hình ảnh người thiếu nữ và em bé luôn luôn hiện ra trong trí chàng. Đến giờ giải trí, chàng hay tản bộ vào giữa đám học trò lớp năm, lớp tư để dò xem em bé hôm trước. Nhưng vì học trò đông, một lớp học buổi mai, một lớp học buổi chiều, nên khó lòng mà tìm được. Ở nhà Hùng ngồi âm thầm, ít trò chuyện với cậu mợ và em Minh như mọi ngày. Ông bà Hương đều lấy làm lạ sự thay đổi bất ngờ của Hùng, nhưng họ lại nghĩ, có lẽ vì chàng quá lo lắng việc bổn phận.
Một hôm bãi học, Hùng lên xe đạp về nhà. Gần đến chợ An Cựu, chảng chợt thấy em bé hôm kia đang đi trước mặt. Chàng mừng quýnh, nhảy xuống xe, toan gọi lại hỏi thăm. Nhưng chỗ ấy gần chợ, người ta qua lại đông, em bé cũng đang đi với nhiều đứa khác, chàng sợ người ta để ý nên thôi. Chàng đẩy xe đạp thong thả theo sau. Đến cầu An Cựu, thấy em bé đi thẳng theo đường dọc bờ sông, chàng liền đem xe đạp gởi vào nhà quen bên cạnh, rồi rảo bước theo. Quá An Định Cung một quãng, Hùng thấy em bé đi vào trong sân đình Dương Phẩm, đến trước một túp nhà nhỏ, chàng vờ xem sách để nghe ngóng. Em bé đứng trước nhà gọi:
- Chị ơi! Em đi học về rồi, chị à!
Có tiếng dịu dàng ở dưới bếp nói vọng lên:
- Mai về đó à, để chị lên mở cửa cho em!
Hùng vội vã đi lui, sợ có người bắt gặp. Chàng phân vân:
- Mai! Mai! Đúng là tên em sau hết của mình. Hay chính đó là em Mai của mình?
Hùng ra về vừa sung sướng vừa lo. Trong đầu óc chàng rộn lên bao nhiêu ý nghĩ:
- Có phải em Mai của mình không, hay là con nhà ai trùng tên ấy. Sao người chị của em Mai lại giống mẹ mình thế?
Bỗng chàng reo lên một tiếng:
- À, mình cứ hỏi mẹ nuôi, xem nhà ấy là của ai, tự khắc sẽ ra manh mối!
Nghĩ thế, Hùng về nhà vui vẻ hơn mọi ngày. Cơm nước xong, ông Hương ngồi đọc báo, bà Hương đang nhẩm tính lại các món hàng bán trong ngày. Minh chăm chú ngồi học, Hùng ngồi chấm bài bên cạnh em, nhưng kỳ thực chàng đang nghĩ đến em bé hồi chiều. Lòng chàng háo hức muốn biết gấp manh mối túp nhà nhỏ bé ấy. Sau cùng chàng đánh bạo quay sang hỏi mẹ nuôi:
- Mợ à, cái nhà nhỏ ở sát phía dưới đình Dương Phẩm là của ai thế mợ?
Bà Hương ngẩng đầu lên, nheo mắt nhìn Hùng mỉm cười:
- Thầy giáo Hùng mà cũng biết nhà ấy à?
Hùng ngạc nhiên, chăm chú nhìn bà Hương. Minh đang mải học, nghe thế cũng ngẩng đầu lên nhìn mẹ như có ý hỏi.
Bà Hương chậm rãi:
- Nhà ấy của ông tên gì mợ không biết. Chỉ biết ông ta làm nghề thợ mộc, có hai cô con gái, cô gái đầu chừng 16, 17 tuổi. Nội xóm đó, ai cũng khen tính nết cô. Mợ có gặp cô ấy buôn bán ngoài chợ, người thùy mị đoan trang lắm. Nghe đâu đã có nhiều người đi nói mà cô không chịu, viện lẽ còn phải nuôi cha, nuôi em. Đứa em cô, mợ chưa thấy, người ta nói chừng 7, 8 tuổi. Thế anh Hùng đã gặp cô ấy rồi à?
Hùng thấy mợ nuôi hiểu lầm, nhưng chưa tiện nói ra ý mình, nên chàng nói quanh:
- Con cũng chưa gặp cô ấy lần nào, nhưng nghe người ta bàn tán, nên hỏi thăm mợ vậy thôi.
Ông Hương và Minh nhìn Hùng, cười hóm hỉnh. Liên tiếp mấy hôm sau, Hùng cố tìm dịp, nhưng lại ngại ngùng sợ rằng người ta tưởng lầm chàng muốn cầu thân với cô gái nhà ấy. Mợ nuôi chàng mà còn hiểu lầm như thế, huống là kẻ khác!
Lòng Mẹ Lòng Mẹ - Nhật Lệ Giang Lòng Mẹ