Chương 13
2.
Vào ngày hai nhăm tháng Chín bắt đầu công trình xây dựng mặt trước mới của hiệu Hạnh phúc các bà. Nam tước Hartmann giữ lời hứa, đã giành được sự tán đồng việc đó trong kỳ họp toàn ban vừa rồi của Ngân hàng bất động sản. Và rốt cuộc, Mouret sắp thực hiện được mơ ước của mình: cái mặt trước đó, mở rộng trên phố Mười tháng Chạp, có thể xem như bước phát đạt sự nghiệp của bản thân anh. Vì vậy anh muốn mừng việc đặt móng cho công trình. Anh tổ chúc cuộc lễ, chia phần thưởng cho nhân viên bán hàng, buổi chiều đãi thịt và champagne. Người ta nhận thấy tình hình vui vẻ của anh trên công trường, cử chỉ đắc thắng của anh khi cầm bay trát viên đá đầu tiên. Từ nhiều tuần nay, anh lo lắng, day dứt vì một nỗi bực bội tâm thần mà anh không thể luôn luôn che giấu; và sự đắc thắng kia tạm làm nguôi mối đau khổ của anh. Suốt buổi quá trưa anh có vẻ trở lại với niềm vui của người khỏe mạnh. Nhưng, ngay từ bữa ăn chiều, khi anh tới buồng ăn để uống cốc champagne với nhân viên, anh lại đâm nóng nảy, mỉm cười một cách khó nhọc, nét mặt tiều tụy vì nỗi đau âm thầm làm anh mòn mỏi. Anh bị trở lại.
Ngày hôm sau, ở gian may sẵn, Clara Prunaire lại định xấu chơi với Denise. Cô ta đã nhận thấy mối tình si mê của Colomban, cô ta có ý định trêu chọc nhà Baudu. Trong khi Marguerite gọt bút chì để chờ khách, cô ta nói thật to với cô này.
- Cậu biết không, cái anh chàng phải lòng mình phía trước cửa... Rốt cuộc hắn làm mình ngán vì cái cửa hiệu tối om chẳng có ma nào tới.
- Hẳn chẳng khổ sở đến thế đâu - Margorrit đáp - hắn sẽ lấy con gái ông chủ.
- Ủa! - Clara lại nói - Nếu thế bắt cóc hắn đi thì cũng ngộ đấy!... Mình sẽ chơi khăm một vố, lời danh dự!
Và cô ta tiếp tục nói, hớn hở vì thấy Denise bất bình. Denise tha thứ cho cô ta hết, nhưng nghĩ đến cô em họ Geneviève đang hấp hối mà bị ngón chơi ác đó kết liễu thì cô đâm giận dữ. Vừa lúc đó, một bà khách đến; và vì bà Aurélie vừa đi xuống hầm, Denise liền chỉ huy quầy hàng, cô gọi Clara:
- Cô Prunaire, cô hãy quan tâm đến bà khách này tốt hơn là nói chuyện.
- Tôi nói chuyện đâu!
- Xin cô im đi. Và ra ngay với bà khách.
Clara bị khuất phục, chịu nhịn. Khi nào Denise dùng uy quyền mà không lớn tiếng, thì không cô nào cưỡng lại được. Cô đã chiếm được uy tín tuyệt đối, chính vì tính dịu dàng của cô. Một lúc cô im lặng đi lại, giữa những cô bán hằng trở thành nghiêm chỉnh Marguerite lại gọt bút chì, vì chì gẫy luôn. Duy cô ta là vẫn tán thành việc cô quầy hàng phó cưỡng lại Mouret, cô ta lắc đầu mà tuyên bố, nếu người ta biết rằng làm điều ngu xuẩn sẽ gây rắc rối thì người ta ưng ăn ở đứng đắn hơn.
- Cậu giận dữ đấy ư? - Có tiếng nói phía sau Denise.
Đó là Pauline đi qua gian hàng. Cô ta đã trông thấy cảnh vừa rồi, cô mỉm cười nói khẽ.
- Thì cần phải thế. - Denise cũng khẽ đáp lại - Nếu không thì chẳng trị được đám dân nhỏ này.
Cô bán đồ lót nhún vai.
- Thôi đi, cậu sẽ làm bà chúa của bọn mình, khi nào cậu muốn.
Cô ta vẫn chưa hiểu những khước từ của bạn. Từ cuối tháng Tám cô ta đã lấy Baugé, ngốc ơi là ngốc, cô ta vui vẻ nói thế. Tay Bourdoncle ghê gớm bây giờ coi cô như đồ vô đụng, phụ nữ mất khả năng buôn bán. Điều cô lo sợ là một buổi sớm nào đó người ta sẽ tống họ ra ngoài mà yêu nhau, là vì các ngài trong ban giám đốc ấy chỉ thị tình yêu là khả ố và giết chết việc bán hàng. Đến mức khi cô ta gặp Baugé ở các gian hàng, cô phải làm lơ như không quen biết. Ngay vừa đó, cô đã bị báo động, lão Jouve xuýt nữa bắt chợt cô ta nói chuyện với chồng, đằng sau một chồng khăn lau.
- Này! Lão ta theo dõi mình - Cô ta nói thêm, sau khi hăm hở kể câu chuyện với Denise - Cậu có thấy cái mũi to tướng của lão đang đánh hơi mình không?
Quả thật Jouve từ gian đăng-ten bước ra, cà-vạt trắng thắt chỉnh tề, cái mũi rình mò tìm sai phạm nào đó. Nhưng khi lão gặp Denise, lão uốn cong lưng và đi qua với vẻ hòa nhã.
- Thoát! - Pauline khẽ nói - Bạn thân mến cậu đã làm tắc họng lão thế này này... Này cậu, nếu có chuyện không may, cậu nói giúp hộ mình nhé? Thật đấy, cậu đừng làm bộ ngớ ngẩn, ai cũng biết một lời nói của cậu cứ là làm đảo lộn cả cửa hàng.
Thế là cô ta hấp tấp trở về quầy mình. Denise đỏ mặt lên, bối rối vì những lời bóng gió thân tình đó. Vả lại cái đó cũng đúng thôi. Cô có cảm giác về quyền lực của mình, qua những lời phỉnh nịnh bao vây cô. Khi bà Aurélie lên, thấy gian hàng yên ổn và hoạt động, dưới sự giám với của cô quầy hàng phó, thì bà mỉm cười thân mật với cô. Bà hững hờ thị cả Mouret, sự ân cần của bà càng ngày càng tăng đối với một người có thế, một buổi sớm nào đó, giành cái vị trí gian hàng trưởng của bà. Denise bắt đầu ngự trị.
Chỉ duy Bourdoncle là không chịu. Trong cuộc phân tranh âm thầm mà anh ta tiếp tục với cô gái, trước hết có mối ác cảm về bản chất. Anh ta ghét cô vì cô dịu dàng và kiều diễm. Rồi thì, hắn chống lại cô vì sợ một tác động không hay sẽ đưa cửa hàng tới nguy cơ, khi Mouret bị khuất phục. Bao nhiêu tài ba thương nghiệp của ông chủ hắn tường như sẽ phải suy sụp với mối tình xuẩn ngốc ấy; cái mà người ta đã kiếm ra được ở những phụ nữ sẽ đi đứt vì người phụ nữ này. Hắn dửng dưng với mọi phụ nữ, hắn khinh miệt họ, như con người không tình cảm mà cái nghề là phải sống dựa vào họ, nhưng lại mất cả những ảo tưởng cuối cùng khi thấy họ bị lột trần vì những trò bỉ ổi trong nghề buôn bán của hắn. Hắn đã không say sưa mà lại bị nhức đầu kinh khủng vì hơi hướng của bảy mươi nghìn bà khách hàng: về đến nhà, hắn đánh đập những nhân tình của hắn. Và cái điều làm hắn lo sợ đặc biệt, trước cô bán hàng bé nhỏ càng ngày càng trở nên ghê gớm đó, là hắn chẳng hề tin ở lòng vô tư của cô, ở sự thật thà trong những khước từ của cô. Hắn cho rằng cô đóng trò, cái vai trò khôn khéo nhất; là vì, nếu cô hiến mình ngay buổi đầu, chắc chắn hôm sau Mouret sẽ quên cô đi; còn như, khi cô từ chối là cô đã kích thích được sự thèm muốn của anh, cô làm cho anh điên cuồng đến có thể làm mọi điều ngu ngốc. Một kẻ xảo quyệt, một ả tệ hại có mánh khóe sẽ không hành động khác hơn cô gái ngây thơ này. Vì vậy Bourdoncle không thể trông thấy cô, với đôi mắt trong sáng, bộ mắt nhu mì, cả thái độ giản dị của cô, mà bây giờ không thật sự kinh hoảng, cứ như trước mặt hắn là một mẹ ranh ăn thịt người trá hình, cái bí ẩn hắc ám của đàn bà, thần chết đội lốt một trinh nữ. Làm thế nào để đánh bại mưu mẹo của cô gái ngây thơ giả trá này! Hắn chỉ còn lo đi sâu vào những trò giả tạo của cô gái, với hy vọng vạch trần ra trước ánh sáng ban ngày; chắc chắn cô sẽ phạm lỗi lầm nào đó, hắn sẽ bắt chợt cô với một nhân tình của cô, và cô sẽ lại bị tống đi, cửa hàng cuối cùng sẽ chạy tốt đẹp trở lại như một cỗ máy lắp hoàn hảo.
- Ông để ý coi, ông Jouve ạ - Bourdoncle nhắc với viên thanh tra - Tôi sẽ thưởng cho ông.
Nhưng Jouve làm cầm chừng, vì lão đã quan hệ nhiều với phụ nữ, vì lão nghĩ nên đứng về phía cô gái này, mai đây cô có thể là bà chủ quyền hành. Nếu lão không dám đụng đến cô nữa thì lão lại thấy cô đẹp mê ly. Viên đại tá của lão xưa đã từng tự tử vì một cô gái như thế, một nhân vật không đáng kể, mảnh khảnh mà bình thường, duy con mắt nhìn có thể làm đảo lộn mọi trái tim.
- Tôi coi, tôi vẫn coi - Lão đáp - Nhưng, lời danh dự, tôi chẳng phát hiện thấy gì cả. Tuy nhiên, có những chuyện đồn đại, có một luồng dư luận bàn tán bỉ ổi bên dưới những phỉnh nịnh và sự tôn trọng mà Denise cảm thấy dâng lên xung quanh cô. Bây giờ cả cửa hàng kể chuyện xưa kia cô đã bắt nhân tình với Hutin; họ không dám cam đoan cuộc dan díu vẫn tiếp tục, nhưng họ ngờ rằng hai người thỉnh thoảng vẫn gặp lại nhau. Và, Deloche đã ngủ với cô; họ luôn luôn gặp nhau ở những xó tối, họ chuyện trò hàng giờ. Một chuyện tai tiếng thật sự.
- Thế không có gì xảy ra với quầy hàng trưởng tơ lụa, không có chuyện gì với anh chàng bán đăng-ten à? - Bourdoncle lặp lại.
- Không, thưa ông, chưa có chuyện gì. - Viên thanh tra quả quyết.
Bourdoncle hy vọng nhất là bắt được Denise với Deloche. Một buổi sáng, chính hắn đã bắt gặp họ đang cười dưới hầm. Trong khi chờ đợi, hắn đối xử với cô gái như giữa hai thế lực đối chọi, vì hắn không coi thường cô nữa, hắn cảm thấy cô có đủ sức để xô ngã bản thân hắn, mặc dầu mười năm làm việc của hắn, nếu hắn bị thua.
- Tôi giới thiệu để ông chú ý gã con trai bán đăng-ten ấy - Hắn lần nào cũng kết luận như vậy - Họ luôn luôn gặp nhau. Nếu ông tóm được chúng, ông cứ gọi tôi, tôi khắc lo mọi chuyện.
Bấy giờ Mouret sống trong đau khổ. Có thể thế được chăng? Cô gái ấy hành hạ anh đến thế! Lúc nào anh cũng nhớ hình ảnh cô khi mới tới hiệu Hạnh phúc, với đôi giày thô, chiếc áo đen mỏng, vẻ hoang dại. Cô nói lắp bắp, mọi người đều chế nhạo cô, chính anh buổi đầu cũng thấy cô xấu. Xấu! Thế mà giờ đây cô có thể bằng cái đưa mắt bắt anh quỳ xuống, anh chỉ còn trông thấy cô trong ánh rực rỡ! Rồi thì, trong cửa hàng, cô là người cuối cùng bị chê bai, giễu cợt, bị anh coi như con vật là lạ. Trong bao nhiêu tháng, anh muốn xem thử cô gái lớn lên như thế nào, anh thích thú với cuộc thử nghiêm, mà không hiểu rằng anh giỡn với trái tim anh trong đó. Cô thì mỗi ngày một lớn lên, trở thành ghê gớm. Có lẽ anh đã yêu cô ngay từ giờ phút đầu tiên, ngay ở thời kỳ mà anh tưởng chỉ là thương hại cô. Tuy nhiên, anh chỉ cảm thấy mình thuộc về nàng từ buổi đi dạo, dưới những cây dẻ ở vườn Tuileries. Cuộc sống của anh khởi phát từ đó, anh nghe tiếng cười đùa của một em bé gái, tiếng một tia nước rào rào ở phía xa, trong khi đó, trong bóng cây nóng ấm, nàng đi bên cạnh anh, im lặng. Sau đó, anh không biết gì hết, từng giờ từng giờ lửa lòng anh nhen lên, cả bầu máu nóng, cả con người anh đã được trao. Một cô gái như vậy, có thể thế được chăng? Giờ đây, mỗi khi cô đi qua, làn gió nhẹ của chiếc áo dường như quá mạnh khiến anh chao đảo.
Một thời gian lâu anh phản kháng, và bây giờ đôi khi anh còn nổi giận, anh muốn thoát khỏi sự ám ảnh ngu xuẩn đó. Thì cô có cái gì để ràng buộc anh như vậy? Anh đã chẳng trông thấy cô chân không giày đó sao? Cô đã chẳng được tiếp nhận gần như bởi lòng từ thiện đó sao? Chẳng thà là một nhân vật tuyệt vời khả dĩ lôi cuốn được đám đông! Hóa ra cái cô gái nhỏ xíu này, không là gì cả? Tựu trung cô chỉ là một con người sàn sàn không đem lại cho ai một ý nghĩ gì. Thậm chí cô cũng chẳng thông minh sắc sảo gì, vì anh nhớ lại những ngày đầu cô vụng về tập việc bán hàng. Rồi, cứ sau mỗi lần nổi giận, ở anh nhiệt tình lại tái phát như một niềm khiếp sợ linh thiêng vì đã xúc phạm thần tượng của mình. Cô mang lại tất cả cái gì là tốt đẹp ở người phụ nữ, đảm đang, vui vẻ, hồn nhiên, và từ tính tình dịu dàng của cô toát ra một vẻ say đắm tinh vi, thấm thía ngát hương. Người ta không thể không nhìn thấy cô, tiếp xúc với cô như bất cứ ai, chẳng mấy lúc vẻ say đắm tác động với một sức mạnh lần lần, vô địch; người ta vĩnh viễn thuộc về cô, nếu cô lại chịu mỉm cười. Thế là mọi cái đều mỉm cười ở bộ mặt trắng trẻo, cặp mắt nhạn hồng, đôi má và cằm lõm đồng tiền: trong khi đó làn tóc dày màu hung vàng cũng như sáng lên, với một vẻ đẹp oai nghiêm và chinh phục. Anh tự nhận bị khuất phục, cô thông minh cũng như cô đẹp người, trí tuệ cô xuất phát từ cái phẩm chất ưu tú của con người. Khi mà những cô bán hàng khác ở cửa hiệu anh chỉ có một nền giáo dục hời hợt, như lớp sơn sẽ tróc ra của những cô gái lạc loài, thì cô, không có vẻ lịch sự giả tạo, vẫn giữ duyên dáng của mình, mùi vị gốc rễ của mình. Những ý kiến khoáng đạt nhất về thương nghiệp nảy sinh từ thực tiễn, dưới vầng trán hẹp ấy, mà những đường nét thanh tú bộc lộ ý chí và tinh thần trật tự. Và anh có thể chắp hai tay xin lỗi cô vì đã xúc phạm trong những giờ phút phản kháng của anh.
Như vậy, tại sao cô từ chối khăng khăng đến thế? Đã bao nhiêu lần, anh van xin cô, hứa hẹn thầm, hứa tiền bạc, thật nhiều tiền. Rồi, anh nghĩ rằng chắc cô có tham vọng, anh hứa sẽ đưa cô lên chức quầy hàng trưởng ngay khi khuyết người ở gian hàng nào. Và cô từ chối! Cô vẫn từ chối! Đối với anh là một niềm kinh hoàng, một cuộc đấu tranh, trong đó lòng ước muốn của anh lồng lộn. Anh xem như trường hợp không thể có được, cô gái ấy rốt cuộc sẽ nhượng bộ, là vì anh vẫn cho rằng sự khôn ngoan của phụ nữ đều là tương đối. Anh không còn nhìn thấy mục đích nào khác, tất cả tan biến vào nhu cầu này: cuối cùng giữ được cô ở nhà anh, đặt cô ngồi vào lòng, hôn vào môi cô, và, với ảo ảnh đó, mạch máu anh đập mạnh, anh run lên, hoang mang vì bất lực.
Từ nay, ngày tháng của anh trôi qua trong cơn ám ảnh đau đớn đó. Hình ảnh của Denise thức dậy với anh. Anh nằm mơ thấy cô suốt đêm, cô theo anh tới trước bàn giấy lớn trong buồng làm việc của anh, ở đấy anh ký những hối phiếu, ngân phiếu, từ chín giờ đến mười giờ: công việc mà anh làm như máy, không ngừng cảm thấy cô có mặt, cô vẫn trả lời không một cách thản nhiên. Rồi, đến mười giờ, họp hội đồng, một hội đồng Bộ trưởng chính cống, cuộc họp của mười hai vị hữu quan của cửa hàng, mà anh phải chủ tọa: họ thảo luận những vấn đề nội bộ, họ xem xét những khoản mua hàng, họ quyết định việc bầy hang; và cô vẫn ở đó, anh nghe cô, thấy tiếng dịu dàng của cô giữa những con số, anh nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của cô trong những hoàn cảnh tài chính phức tạp nhất. Sau hội đồng, cô đi theo anh, cùng anh tiến hành cuộc thanh tra hàng ngày các quầy hàng, quá trưa lại trở về phòng giám đốc, ở bên cạnh ghế ngồi của anh từ hai đến bốn giờ, trong khi anh tiếp cả đám đông người, những nhà chế tạo của cả nước Pháp, những công nghiệp gia chóp bu, những chủ nhà băng, những nhà sáng chế: cuộc vãng lai liên tục của tiền tài và trí tuệ, cuộc nhảy múa điên cuồng của bạc triệu, những cuộc hội kiến mau lẹ ở đó người ta khuấy động những áp-phe lớn nhất của thị trường Paris. Nếu anh có quên cô đi một phút khi quyết định sự phá sản hay sự hưng thịnh của một ngành công nghiệp thì anh lại thấy cô trở lại đứng đó, trong cái nhói của trái tim anh; tiếng nói anh nghẹn ngào, anh tự hỏi cái tài sản khuấy động này để làm gì, khi mà cô chẳng muốn. Cuối cùng, khi điểm năm giờ, anh phải ký thư từ, bàn tay lại bắt đầu làm việc như máy, lúc đó cô đứng lên khống chế mạnh hơn, tóm anh lại trọn vẹn, để chiếm lĩnh riêng cho cô, suốt những giờ cô đơn và nhức nhối ban đêm. Và, hôm sau, một ngày bề bộn như thế lại bắt đầu, những ngày bận rộn đến thế, bề bộn một khối công việc to lớn đến thế, mà chỉ bóng dáng mỏng manh của một cô bé đủ để tàn phá bằng mối ưu tư.
Nhưng chỉ đặc biệt trong lúc thanh tra cửa hàng hàng ngày là anh cảm thấy nỗi đau khổ của anh. Đã xây dựng lên cỗ máy khổng lồ này, ngự trị cả một thế giới nhường ấy, thế mà ngắc ngoải đau đớn chỉ vì một cô gái nhỏ xíu không muốn anh! Anh tự khinh mình, anh kéo ròng cơn bức bối và nỗi sỉ nhục vì mối đau thương. Có những ngày phiền muộn hoành hành khống chế anh, từ đầu nọ đến đầu kia các gian hàng anh chỉ cảm thấy buồn nôn. Những lần khác, anh như muốn khuếch trương thế lực của anh, làm cho nó lớn lên đến mức có lẽ cô tự hiến mình, vì khâm phục và khiếp sợ.
Trước hết, ở bên dưới, dưới hầm, anh dừng lại trước cầu trượt. Nó vẫn ở bên phố Neuve Saint Augustin, nhưng người ta đã phải mở rộng nó, bây giờ lòng của nó tiếp nhận dòng hàng hóa liên tục trôi ầm ầm như nước sông lớn; đó là những hàng đến từ đoàn tàu, những dãy xe vận tải từ khắp các ga tới, hàng dỡ không ngừng, những hòm và những bao trút xuống hầm, cửa hàng ngốn nuốt không chán. Anh nhìn dòng thác đổ vào cửa hàng anh, anh nghĩ mình là một trong những ông chủ của tài sản công cộng, anh nắm trong tay vận mệnh của nền chế tạo Pháp, thế mà anh không mua nổi một chiếc hôn của một cô gái bán hàng của anh.
Rồi, anh sang phòng tiếp nhận, bây giờ nó chiếm phần dưới hầm ở ven phố Monsigny. Hai mươi chiếc bàn nối dài ở đó trong ánh mờ nhạt của những cửa hầm; cả một đám đông thư ký chen nhau ở đó, moi rỗng các hòm, kiểm soát hàng hóa, đánh dấu bằng những con số biết rõ, và người ta luôn luôn nghe thấy tiếng cầu trượt bên cạnh ầm ầm át cả tiếng nói. Các gian hàng trưởng gặp anh, anh phải giải quyết các khó khăn, xác định những mệnh lệnh. Nơi đây hầm này rộn lên ánh dịu của xatanh, màu trắng của vải, hàng tháo đỡ ngốt người, lông thú xen với đăng-ten, và đặc phẩm Paris, màu của phương Đông. Thủng thẳng, anh bước đi giữa những tài sản quăng bừa bãi, chất đống ở dạng thô nguyên. Ở trên kia, chúng sẽ sáng rực trên chỗ bày hàng, phóng tiền bạc qua những quầy hàng, được mang đi cũng nhanh như được mang lên, trong luồng gió bán hàng dữ dội thổi qua cửa hàng. Anh mới nghĩ rằng anh đã hiến dâng cô gái nào lụa, nào nhung, tất cả cái gì cô muốn, tha hồ, trong những đống của lớn kia, thế mà cô đã đưa cái đầu tóc hung làm hiệu từ chối.
Sau đó, anh ra đầu hầm đằng kia để theo thường lệ nhìn qua nơi phòng chuyển đi. Những đường hành lang dài vô tận, chiếu sáng bằng đèn hơi; bên phải, bên trái, những kho hàng dự trữ có phên che, làm thành những cửa hiệu ngầm, cả một khu buôn bán, tạp hóa, đồ lót, găng tay, đồ vặt, nằm trong bóng tối. Phía xa là một trong ba chiếc lò sưởi; xa nữa, một trạm cứu hỏa bảo vệ công tơ chính đặt trong lồng sắt. Ở phòng hàng đi, anh thấy các bàn tuyển lựa đã ngổn ngang các gói hàng, cáctông và hộp do những giỏ đưa xuống liên tục, và Campion, trưởng phòng, cho anh biết công việc thường ngay, trong khi hai mươi người dưới quyền anh ta phân phối những gói hàng vào các khoang, mỗi khoang mang tên một khu phố Paris, và từ đó, nhân viên phục vụ sẽ chuyển lên các xe xếp hàng dọc ở bờ hè. Những lời xướng, những tên phố văng ra, những lời dặn dò thét lên, cả một sự ồn ào. Cả một quang cảnh nhộn nhịp như tàu sắp nhổ neo. Và anh đứng yên lặng một lúc, anh nhìn cảnh hàng chuyển đi như anh vừa nhìn cảnh hàng nhập vào ở đầu hầm đằng kia: cả guồng máy to lớn kết thúc ở đây, từ đây chuyển ra ngoài phố, sau khi thu tiền vào đầy két. Mắt anh hoa lên, khối hàng to lớn ra đi, chẳng còn nghĩa lý gì hết, anh chỉ còn một ý nghĩ bỏ ra đi, ý nghĩ đi tới những xứ sở xa lạ, rời bỏ hết thảy, nếu nàng khăng khăng từ chối.
Bây giờ anh trở lên, anh tiếp tục cuộc họp kiểm tra, nói năng vùng vẫy nhiều hơn, mà không sao khuây được. Ở gác hai, anh thăm phòng thư tín, tìm cách cãi lộn, ấm ức vì sự chuyển động nhịp nhàng hoàn hảo của cỗ máy mà chính bản thân anh đã điều chỉnh. Phòng này là phòng mỗi ngày càng có tầm quan trọng lớn nhất: bây giờ nó đòi hỏi hai trăm nhân viên, những người này mở đọc và xếp loại thư từ các tỉnh và nước ngoài gửi tới, trong khi những người kia tập hợp vào các ngăn những hàng hóa mà các bức thư yêu cầu. Và số thư tăng lên đến mức người ta không đếm nữa, mà đem cân, hàng ngày có tới năm mươi cân [1]. Anh bồn chồn đi qua ba gian cửa phòng, hỏi Levasseur, trưởng phòng, trọng lượng thư tín: bốn mươi cân, có khi bốn nhăm, thứ hai thì năm mươi. Con số tăng mãi, đáng lẽ anh phải hoan hỉ. Nhưng anh đứng, gai mình trong tiếng đóng đanh ồn ào của đội đóng hòm ở bên cạnh. Anh sục sạo cửa hàng cũng vô ích; tư tưởng cố định cắm sâu trong đầu óc anh, và quyền lực của anh càng diễn ra, bộ máy sự nghiệp và đội quân nhân viên của anh càng diễu qua trước mắt anh, anh càng cảm thấy sâu xa điều sỉ nhục vì sự bất lực của anh. Những đơn đặt hàng từ cả châu Âu ùa tới, phải có một xe bưu cục riêng để chuyển thư tín, vậy mà nàng trả lời không, vẫn không.
Anh lại trở xuống, thăm quỹ trung tâm, có bốn viên thủ quỹ giữ hai tủ sắt khổng lồ trong đó, năm ngoái, vào nằm tám mươi triệu bạc. Anh nhìn qua phòng kiểm soát hóa đơn, có tám mươi nhân viên được chọn lọc trong những người đứng đắn nhất. Anh vào phòng khấu trừ với ba mươi nhăm thanh niên, tập dự kế toán, giữ việc kiểm soát phiếu mua hàng. Anh trở lại quỹ trung tâm, cáu kỉnh khi nhìn thấy những tủ sắt, đi giữa những triệu bạc đó mà điên cuồng vì thấy nó vô dụng. Nàng trả lời, vẫn không.
Không mãi, ở khắp các quầy, ở các hành làng bán hàng, ở các gian, ở toàn thể các ngôi hàng. Anh đi từ gian tơ lụa đến gian len dạ; từ gian đồ trắng đến gian đăng-ten; anh leo lên gác, dừng lại ở những cầu bay, kéo dài cuộc thanh tra với sự tỉ mẩn mê dại và đau đớn. Cửa hàng đã lớn lên vô cùng, anh đã dựng nên gian hàng này, gian kia nữa, anh thống trị lĩnh vực mới này, anh khuếch trương thế lực đến ngành công nghiệp kia, ngành cuối cùng chinh phục được; ấy thế mà không, vẫn không, vẫn cứ thế. Ngày hôm nay số nhấn viên của anh đủ để hợp thành một thị trấn nhỏ; một nghìn rưỡi nhân viên bán hàng, một nghìn làm công tác đủ loại, trong đó bốn mươi nhân viên thanh tra và bảy mươi thủ quỹ: riêng nhà bếp có ba mươi hai người làm; tính ra mười viên thư ký để làm quảng cáo, ba trăm năm mươi nhân viên phục vụ mặc áo dấu, hai mươi bốn nhân viên cứu hỏa cố định. Và trong tầu ngựa, những chuồng ngựa đế vương, ở phố Monsigny, trước cửa hàng, có trăm bốn mươi nhăm con ngựa, cả một đoàn ngựa xe đàng hoàng đã nổi tiếng. Từ bốn chiếc xe đầu tiên xưa kia làm náo động việc buôn bán trong khu phố, khi cửa hàng mới chiếm góc quảng trường Gaillon, con số lên dần dần tới sáu mươi hai; xe nhỏ kéo tay, xe độc mã, xe song mã nặng bốn bánh. Liên tục những xe đó chạy khắp Paris, với những xà ích bận đồ đen dẫn đi nghiêm chỉnh, đưa dạo biên hiệu vàng son Hạnh phúc các bà. Chúng vượt cả ra ngoài tường thành, chạy ở ngoại ô; người ta đã gặp chúng ở những đường trũng Bicêtre, dọc bờ sông Marne, cho tới dưới bóng rừng Saint Germain; đôi khi, từ cuối một đại lộ nắng chang chang giữa nơi hoang vắng, im lặng, người ta chợt thấy xuất hiện một chiếc, đi nước kiệu của những con tuấn mã, ném vào khoảng thiên nhiên bao la, im lặng, bí ẩn, dòng quảng cáo sặc sỡ của những biểu sơn. Anh mơ ước đưa chúng đi xa hơn, tới những tỉnh lân cận, anh muốn nghe tiếng chúng lăn trên khắp các ngả đường nước Pháp, từ biên giới bên này đến biên giới bên kia. Nhưng bây giờ anh cũng chẳng muốn thăm đàn ngựa cưng của anh nữa. Chinh phục thế giới như thế để làm gì, khi mà chỉ nhận được tiếng không, vẫn không!
Bây giờ, buổi chiều, khi anh tới trước két của Lhomme, theo thói quen; anh vẫn nhìn con số doanh thu mà viên thủ quỹ ghi vào mảnh thiếp cắm vào cọc sắt để bên cạnh lão; hiếm thấy con số tụt xuống dưới mười vạn phrăng, đôi khi nó lên đến tám chín mươi vạn, vào những ngay trưng bày lớn: những con số đó không vang lên bên tai anh như một tiếng kèn nữa, anh hối hận vì đã đến nhìn nó, anh mang theo một nỗi cay đắng, lòng căm thù và khinh miệt đồng tiền.
Nhưng Mouret càng thêm đau đớn. Anh đâm ghen. Một buổi sáng, trong phòng làm việc, trước cuộc họp, Bourdoncle dám nói với anh rằng cô bé gian hàng may sẵn đó nhạo anh.
- Như thế nào? - Anh hỏi, mặt tái mét.
- Thế đấy! Cô ta có nhân tình ngay ở đây.
Mouret gượng cừời:
- Mình chẳng còn nghĩ tới cô ta nữa, anh bạn ạ. Anh cứ nói. Nhân tình, ai đấy?
- Hutin, người ta cả quyết vậy, và cả một gã bán đăng-ten Deloche, cái thằng cha to lớn ngốc nghếch ấy... Tôi không cam đoan gì, tôi không trông thấy họ. Nhưng mà hình như nó chọc vào mắt ấy.
Một hồi im lăng. Mouret giả tảng thu xếp giấy má trên bàn anh, để che giấu bàn tay run lên. Cuối cùng, anh nói mà không cần ngẩng đầu lên:
- Phải có chứng cớ, anh cố tìm cho tôi chứng cớ... Ồ! Đối với tôi, tôi nhắc lại là tôi cóc cần, vì rốt cuộc cô ta quấy rầy tôi. Nhưng chúng ta không thể dung thứ những chuyện như thế trong cửa hàng.
Bourdoncle chỉ đáp gọn:
- Ông cứ yên tâm, một ngày tới ông sẽ có chứng cớ. Tôi để ý.
Bấy giờ, Mouret mất bình tĩnh hoàn toàn. Anh không còn can đảm để trở lại câu chuyện đó, anh sống trong sự chờ đợi thường xuyên một tai họa, mà trái tim anh sẽ tan vỡ. Và nỗi đau khổ của anh khiến anh trỏ nên hung dữ, cả cửa hàng run lên. Anh không cần nấp sau Bourdoncle, tự anh thi hành mọi xử lý, vì nhu cầu thù oán của tâm thần, tự khuây khỏa bằng lạm dụng uy quyền, cái uy quyền bất lực trong việc thỏa mãn ước muốn duy nhất của anh. Mỗi cuộc thanh tra của anh trở thành một cuộc tàn sát, người ta không còn trông thấy anh xuất hiện mà không thấy còn rợn mình hoảng sợ lan truyền từ quầy này sang quầy khác. Đúng lúc bước vào mùa đông chết cứng, thế là anh quét các gian hàng, anh chất đống những nạn nhân, đuổi hết ra đường phố. Ý nghĩ đầu tiên của anh là đuổi Hutin và Deloche; rồi, anh suy nghĩ nếu không giữ họ lại thì sẽ không bao giờ hết chuyện, thế là những kẻ khác chịu thay họ, cả đám nhân viên rung chuyển. Buổi tối, khi còn một mình, anh trào nước mắt.
Đặc biệt, một hôm, xảy ra khủng bố. Một viên thanh tra tưởng trông thấy tay bán găng Mignot ăn cắp. Luôn luôn có những cô gái dáng dấp lạ mặt lảng vảng trước quầy hàng của hắn; và họ vừa bắt được một cô, háng và ngực nhét sáu mươi đôi găng. Thế là họ tổ chúc một cuộc giám sát: viên thanh tra bắt quả tang Mignot trợ lực cho mánh khóe của một ả cao lớn tóc hung, nguyên nhân viên bán hàng của hiệu Louvre gị gạt ra vỉa hè: mánh khóe đơn giản, hắn giả bộ thử găng cho cô ả, chờ cô ta nhét hàng đầy mình, rồi dẫn cô ra két để trả tiền một đôi. Đúng lúc đó Mouret có mặt. Thường lệ, anh không ưa xen vào những chuyện như thế thường xảy ra; là vì, mặc dầu cỗ máy điều chỉnh tốt, ở một số gian hàng của hiệu Hạnh phúc các bà rất lộn xộn, và không có tuần nào mà không phải đuổi một nhân viên vì tội ăn cắp. Ngay ban giám đốc cũng ưng làm thầm lặng bao nhiêu càng hay trong những vụ ăn cắp đó, họ thấy không cần huy động cảnh sát, như thế sẽ chỉ phơi ra một trong những ung nhọt không tránh được của những cửa hàng bách hóa lớn. Song, hôm đó, Mouret cần nổi giận, và anh đối xử tàn nhẫn với gã Mignot điển trai, hắn run sợ, mặt tái mét đến nhợt nhạt.
- Tôi phải gọi một viên cảnh sát - Anh la lên giữa những nhân viên bán hàng khác - Hãy trả lời đi! Mụ ấy là ai? Tôi bảo cho biết, tôi sẽ cho tìm cảnh sát, nếu anh không nói thật.
Người ta dẫn mụ đàn bà đến, hai cô bán hàng lột quần áo hắn. Mignot ấp úng:
- Thưa ông, tôi không quen biết gì mụ... Tự mụ tới.
- Đừng nói dối! - Mouret càng tàn nhẫn ngắt lời - Thế mà ở đây không ai bảo cho biết cả. Mọi người đều về hùa với nhau, thật đây. Cứ như ở rừng Bondy vậy trộm cắp, cướp bóc, tàn phá! Thế mà không thể để một ai ra mà không khám túi.
Có tiếng xì xào. Ba bốn khách hàng mua găng đâm hoảng.
- Im đi! - Anh giận dữ nói - Không thì tôi đuổi ráo.
Bấy giờ Bourdoncle chạy tới, lo lắng vì chuyện tai tiếng. Hắn rỉ tai Mouret nói mấy lời, câu chuyện trở nên đặc biệt nghiêm trọng; và hắn khuyên Mouret cho dẫn Mignot vào buồng thanh tra, một phòng ở tầng nhà dưới, gần cửa Gaillon. Mụ đàn bà đã ở đó, đang ung dung cởi bỏ nịt ngực. Mụ vừa khai ra Albert Lhomme. Mignot bị tra hỏi thêm đâm hoang mang, khóc nức nở: hắn không phải thủ phạm, chính Albert Lhomme phái tình nhân đến hắn; lúc đầu; hắn chỉ là dễ dãi với chúng, cho chúng lợi dụng những dịp may: rồi cuối cùng khi chúng ăn cắp thì hắn đã quá liên can nên không dám mách các ông trên. Bây giờ mấy ông này mới biết một loạt vụ ăn cắp kỳ lạ: những ả ấy lấy hàng hóa rồi nhét vào trong váy ngắn ở phòng khách sang trọng quầy giải khát, giữa những cây xanh, những vụ mua hàng mà nhân viên bán hàng lờ không xướng lên ở két khi dẫn khách ra đó, để chia nhau tiền hàng với thủ quỹ; cho đến những vụ giả vờ “trả lại”, những hàng được tuyên bố nhập lại cửa hàng, để đút túi tiền giả vờ trả lại; không thể kể đến kiểu ăn cắp cổ điển, những gói hàng ra đi buổi chiều giấu dưới áo redingote, quấn quanh mình, thậm chí đôi khi treo ở đùi. Từ mười bốn tháng nay do Mignot và những nhân viên bán hàng khác mà chắc chắn chúng không khai, đã xảy ra như vậy, két của Albert một ổ gian lận, cả đám quân bát nháo trắng trợn, để lọt mất những khoảng tiền mà không bao giờ biết rõ con số chính xác.
Trong khi đó, tin tức lan truyền khắp các gian hàng, những lương tâm áy náy rợn lo, những kẻ lương thiện không chút bợn mình thì gớm một cuộc tổng quét. Người ta thấy Albert biến vào phòng thanh tra. Sau đó Lhomme vào, nghẹn ngào xấu hổ, cổ đã thắt lại vì trúng phong. Rồi đến cả bà Aurélie cũng vừa bị gọi, bà ta ngẩng cao đầu trong cơn nhục nhã, mặt phì và tái đi như bằng sáp. Cuộc phân trần kéo dài, chẳng ai biết chi tiết đích thực ra sao: người ta kháo rằng bà gian hàng trưởng may sẵn tát con trai đến choáng đầu, và ông bố già hiền lành thì khóc, trong khi đó ông chủ, mất hết cả thói quen duyên dáng, chửi văng như anh phu xe, với ý kiến quyết đưa các thủ phạm ra tòa. Tuy nhiên, người ta bịt chuyện đi. Chỉ duy có Mignot là bị đuổi ngay lập tức. Hai hôm sau đến lượt Albert biến mất; chắc hẳn mẹ hắn xin được người ta không làm nhục gia đình mà đuổi ngay. Nhưng cuộc khủng bố vẫn kéo dài nhiều ngày sau đó, vì sau vụ đó, Mouret đi dạo từ đầu nọ đến đầu kia cửa hàng, con mắt gờm gờm, sạc tất cả những ai ho he dám ngẩng mắt lên.
- Ông làm cái gì mà đứng vẩn vơ ở đấy?... Mời ông ra két.
Cuối cùng, một hôm cơn giông nổ ngay lên đầu bản thân Hutin. Favier lên chức quầy hàng phó liền xơi quầy trưởng để bẫy hắn đi. Vẫn chiến thuật cũ, những báo cáo bí mật gửi lên ban giám đốc, những cơ hội khai thác để bắt lỗi quầy hàng trưởng. Thế là, một buổi sáng, khi Mouret qua gian tơ lụa, anh dừng lại, ngạc nhiên thấy Favier đang thay đổi nhãn cả một lô như đem bán xon.
- Tại sao ông lại hạ giá? - Anh hỏi. Ai ra lệnh cho ông?
Viên quầy hàng phó làm ồn ào trong công việc đó để níu ông giám đốc lại khi ông đi qua, và đoán trước cảnh đó, hắn trả lời ra vẻ ngây thơ ngạc nhiên:
- Thưa ông, thì chính là ông Hutin.
- Ông Hutin!... Thế ông Hutin đâu?
Và, khi anh này từ phòng tiếp nhận trở lên, do một nhân viên xuống gọi, thì xảy ra một cuộc đôi co dữ dội: Sao! Bây giờ anh ta tự ý hạ giá hàng! Nhưng đến lượt anh ta rất lấy làm lạ, anh ta chỉ mới bàn chuyện hạ giá với Favier, mà chưa ra lệnh cụ thể gì. Thế là gã này làm ra vẻ phiền muộn của một nhân viên bắt buộc phải nói trái với cấp trên. Tuy nhiên, hắn sẵn lòng nhận lỗi nếu đặt vấn đề cứu hắn ra khỏi bước không may. Lập tức, câu chuyện xoay chiều xấu!
- Ông Hutin, ông biết không, - tôi không bao giờ dung thứ cho những mưu mô tùy tiện. Chỉ có chúng tôi mới quyết định nhãn hàng.
Anh tiếp tục nói giọng tàn nhẫn, với ý định xỉ vả, làm nhân viên bán hàng ngạc nhiên, là vì thường thì những chuyện tranh cãi đó diễn ra nơi vắng vẻ, vả lại những trường hợp như thế có khi là do hiểu sai. Người ta cảm thấy anh như muốn thỏa mãn một chuyện thù hằn không nói ra. Cuối cùng, như vậy là anh kết tội hắn, tay Hutin mà người ta cho là nhân tình của Denise! Anh có thể phần nào nguôi đi, khi cho hắn biết một cách tàn nhẫn rằng anh làm chủ! Và anh phóng đại mọi sự, rốt cuộc anh ám chỉ rằng việc hạ giá che đậy những ý đồ gian trá.
- Thưa ông, - Hutin lặp lại - tôi định đề nghị với ông việc giảm giá này... Nó là cần thiết, ông cũng biết, vì mặt hàng nhung này không được hoan nghênh.
Mouret muốn cắt dứt bằng một hành động tàn nhẫn cuối cùng.
- Thôi được, ông ạ, chúng tôi sẽ xét vấn đề... Và ông đừng làm như thế nữa, nếu ông muốn ở lại cửa hàng.
Anh quay lưng đi. Hutin bàng hoàng, tức giận; chỉ còn có Favier để thổ lộ nỗi lòng, hắn cam đoan với anh ta rằng sẽ ném đơn xin thôi việc vào đầu tên súc sinh đó. Rồi, hắn không nói tới chuyện đi nữa, hắn chỉ lặp lại tất cả những lời nói phỉ báng ác liệt vẫn truyền tụng trong đám nhân viên bán hàng đối với những thủ trưởng. Và Favier, con mắt long lanh, phân bua với những lời tỏ tình thông cảm. Anh ta bắt buộc phải trả lời, có phải không? Mà, vả lại ai ngờ xảy ra chuyện như thế, chỉ vì những cái vớ vẩn? Chẳng biết ông chủ ông ấy giẫm phải cái gì mà ít lâu nay không sao chùi sạch.
- Ôi chào! Ông ấy giẫm phải cái gì, ai mà chẳng biết, - Hutin lại nói - như mình, lỗi đâu tại mình, nếu cô ả hàng may sẵn hành ông ấy đến thành ngu xuẩn!... Cậu thấy không, anh bạn, chuyện này từ đó mà ra thôi. Ông ấy biết mình đã ngủ với cô ả, mà cái đó không thú đối với ông ấy; hoặc giả chính cô ả muốn tống mình đi cho khỏi gai mắt... Tớ cam đoan rằng cô ả sẽ biết tay tớ nếu có khi nào tớ tóm được.
Hai hôm sau, khi Hutin lên xưởng may sẵn ở tầng cao sát nóc, để tự hắn giới thiệu một nữ công nhân, hắn chợt khẽ giật mình khi thấy ở đầu một hành lang Denise và Deloche tựa khuỷu tay vào một cửa sổ mở, đang mê mải nói chuyện thân mật đến nỗi họ không quay đầu lại. Đột nhiên hắn có ý nghĩ làm cho họ bị bắt chợt, khi hắn thấy Deloche khóc. Thế là hắn lẳng lặng rút lui: và ở cầu thang khi gặp Bourdoncle và Jouve, hắn kể lại hết. Ở một góc cửa gần đấy, cái dập lửa hình như bị tháo đi, theo đường đó mà lên sẽ bắt được cả hai người. Bourdoncle trông thấy họ trước tiên. Hắn lập tức dừng lại, bảo Jouve đi tìm ông giám đốc, còn hắn thì ở lại đó. Viên thanh tra bắt buộc phải nghe theo, tuy lão rất bực vì phải dính líu vào việc đó.
Đây là một góc hẻo lánh của cái thế giới mênh mông mà đám dân hiệu Hạnh phúc các bà đến vùng vẫy. Để tới đó phải qua một cả một hệ thống rắc rối những cầu thang và hành lang. Những xưởng chiếm tầng sát nóc, với một dãy những buồng thấp liền mái, ánh sáng lọt vào qua những cửa rộng đúc vào kẽm, kê toàn những bàn dài và những lò gang to; lần lượt có những gian đồ lót, đăng-ten, thảm, may sẵn, nhân viên sống mùa hè và mùa đông trong hơi nóng ngột ngạt, giữa mùi đặc biệt của nghề nghiệp; và người ta phải đi dọc theo cả dãy rồi quặt tay trái sau khi qua gian hàng may sẵn, leo năm bậc thang để tới đầu hành lang hẻo lánh đó. Vài khách hàng hiếm hoi, mà đôi khi một nhân viên bán hàng dẫn lên để đặt comăng, thở dốc, mệt rã, bàng hoàng, với cảm giác vòng quanh hàng giờ, và cách đường phố hành trăm dặm.
Đã nhiều lần Denise gặp Deloche chờ cô ở đó. Với chức quầy phó, cô phụ trách quan hệ giữ gian hàng và xưởng là nơi người ta chỉ may mẫu và sửa áo cho nên luôn luôn cô phải lên đấy để ra lệnh. Hắn rình cô, bịa ra một cớ, đi theo cô; rồi, hắn làm vẻ ngạc nhiên khi gặp cô ở xưởng may sẵn. Rốt cuộc cô đâm buồn cười, và như đành chấp nhận những cuộc hẹn hò. Đường hành lang đó nối liền két nước một thùng vuông bằng tôn chứa sáu vạn lít nước; và, trên mái, còn một két thứ hai lớn ngang thế, phải leo một thang sắt tới. Một lúc, Deloche đứng nói chuyện, một vai tựa vào két, cả tâm thân to lớn mệt mỏi của hắn thường xuyên buông thả. Tiếng nước reo, những tiếng bí mật mà vỏ tôn như nhạc run lên liên tục. Mặc dù ở đó rất im lặng. Denise lo lắng quay lại, tưởng như trông thấy có bóng người trên bức tường trần trụi, sơn màu vàng nhạt. Nhưng chẳng bao lâu, chiếc cửa sổ hấp dẫn họ, họ tì khuỷu tay vào đó, quên mình trong những chuyện bông đùa, những kỷ niệm vô tận về nơi quê hương thời thơ ấu. Dưới chân họ trải ra trần kính mênh mông của gian hàng trung tâm, một mặt hồ bằng gương xung quanh những mái nhà xa xa bao vây những bờ đá. Và họ nhìn ra xa chỉ thấy nền trời, một khoảng trời phản chiếu trên mặt nước tù đọng của kính, mây bay và da trời xanh thắm.
Đúng hôm đó, Deloche nói chuyện về Valognes.
- Khi tôi lên sáu, mẹ tôi dẫn tôi ngồi xe bò có mui đi chợ tỉnh. Cô biết, đường dài tới mười cây số, phải đi từ năm giờ ở Bricquebec... Quê tôi thật là đẹp. Cô có biết không?
- Ừ, ừ - Denise chậm rãi trả lời, mắt nhìn ra xa -Tôi có đến đó một lần, nhưng lúc bấy giờ tôi còn nhỏ xíu... Những con đường, với bờ cỏ hai bên, phải không? Và chốc chốc, những con cừu ghép từng đôi thả ra, kéo hai đầu dây buộc chúng.
Cô lặng im, rồi vừa tiếp tục nói, vừa mỉm cười mơ hồ:
- Ở chỗ chúng tôi là những đường cái thẳng băng hàng bao nhiêu dặm, giữa hai hàng cây có bóng mát... Chúng tôi có những đồng cỏ quây hàng rào cao hơn tôi, ở đó thả ngựa và bò cái... Chúng tôi có một con sông con, và nước rất lạnh, dưới những bụi rậm, ở một chỗ mà tôi biết rõ.
- Thì cũng như bên chúng tôi! Cũng như bên chúng tôi! - Deloche hoan hỉ reo lên - Toàn là cỏ, mỗi người chiếm cứ một khoảnh có cây sơn trà và cây du, cứ như ở nhà mình, mà xanh ơi là xanh, ồ! Màu xanh mà dân Paris không có... Trời! Tôi đã vui chơi thỏa thích ở sâu trong con đường trũng, phía tay trái từ cối xay đi xuống...
Và tiếng nói của họ hạ xuống, họ đứng mắt đăm đăm và đắm đuối trên mặt hồ phơi nắng của lớp kính. Ảo ảnh dâng lên từ làn nước chói chang đó, họ nhìn thấy những đồng cỏ mênh mông, xứ Cotentin lộng gió đại dương, đẫm một làn hơi sáng loáng, nhuốm chân trời một màu xám tế nhị của tranh thuốc nước. Ở bên dưới, dưới sườn nhà bằng sắt khổng lồ, trong gian tơ lụa đang bán hàng nhộn nhịp, cỗ máy đang chuyển động; cả cửa hàng rung tiếng dậm chân của đám đông, tiếng cập rập của nhân viên bán hàng, sinh hoạt của ba vạn con người chen nhau ở đó; thế mà họ thì, bay bổng trong mộng nghe tiếng ồn ào xa và âm thầm làm rợn những mái ngói, họ lại cảm thấy như gió thổi ào trên cỏ, làm rung chuyển những cây to.
- Trời! Cô Denise - Deloche ấp úng - sao cô chẳng đoái thương?... Tôi yêu cô đến thế?
Nước mắt hắn trào lên và khi cô định làm cử chỉ ngắt lời hắn, hắn sôi nổi nói tiếp:
- Không, cô hãy để tôi nói những điều đó một lần nữa... Chúng ta ăn ý nhau đến thế! Khi mà đồng hương, người ta vẫn có cái để chuyện trò.
Hắn nghẹn ngào, cuối cùng cô mới dịu dàng.
- Anh thật không biết điều, anh đã hứa không nói chuyện đó với tôi nữa... Không thể được. Tôi rất cảm tình với anh vì anh là một người con trai tốt; nhưng tôi muốn được tự do.
- Vâng, vâng, tôi biết. - Hắn lại nói giọng tuyệt vọng - Cô không yêu tôi. Ôi! Cô cứ nói, tôi hiểu mà, tôi chẳng có gì để cho cô yêu... Thật đấy! Trong đời tôi chỉ có một giờ hạnh phúc, đó là cái đêm tôi gặp cô ở Joinville, cô nhớ không? Một lúc, dưới những cây, trời tối như mực, tôi đã tưởng tay cô run lên, tôi thật ngu xuẩn đến tưởng tượng...
Nhưng cô lại ngắt lời hắn. Tai cô thính vừa nghe tiếng chân Bourdoncle và Jouve ở đầu hành lang.
- Hãy nghe, có người đi.
- Không! - Hắn nói và không cho cô rời cửa sổ - Đó là trong cái két nước này; lúc nào nghe cũng có tiếng là lạ, cứ như có bao nhiêu người trong đó.
Và hắn tiếp tục than vãn rụt rè và mơn trớn. Cô không nghe hắn nữa, lại chìm đắm vào mơ mộng trong những tiếng ru của tình yêu đó, mắt đưa nhìn các mái nhà hiệu Hạnh phúc các bà. Bên phải và bên trái gian phòng lồng kính, những gian khác, phòng khác lấp lánh dưới nắng, giữa những nóc nhà đục cửa sổ và chạy dài đối xứng, như những chái nhà của trại lính. Những sườn sắt dựng lên, những thang, những cầu, nổi bật đường ren trên không xanh biếc; còn ống khói nhà bếp thì nhả ra một làn khói lớn như xưởng chế tạo, và két nước vuông lớn, đứng giữa trời trên những cột gang, mang hình thù kỳ quái của một công trình man rợ, được đưa lên nơi cao đó bởi lòng hiếu khách của một con người. Đằng xa, Paris gầm gào.
Từ những khoảng không kia, từ nơi khuếch trương cửa hiệu Hạnh phúc mà tâm tư cô trôi nổi như trong một cảnh cô tịch, khi Denise quay trở lại thì thấy Deloche đã nắm lấy bàn tay cô. Và mặt hắn hốt hoảng đến mức cô không rụt bàn tay lại.
- Cô tha lỗi cho tôi - Hắn thủ thỉ - Bây giờ thế là hết, tôi sẽ rất đau khổ, nếu cô trừng phạt tôi mà cắt đứt cả tình bạn... Tôi cam đoan với cô rằng tôi định nói chuyện khác. Vâng, tới tự hứa phải hiểu hoàn cảnh, phải thật khôn ngoan...
Nước mắt hắn lại chảy ra, hắn cố nói rắn rỏi.
- Là vì, rốt cuộc, tôi biết thân phận tôi trong cuộc sống. Không phải bây giờ mà thay đổi được vận mệnh. Bị rủi ở quê nhà, bị rủi ở Paris, bị rủi ở khắp nơi. Đã bốn năm rồi mà vẫn xếp hạng bét ở gian hàng... Cho nên, tôi muốn nói với cô đừng lo ngại gì về tôi. Tôi sẽ không làm phiền cô nữa. Cô hãy cố cho được sung sướng, hãy yêu một người nào khác: vâng, có như thế tôi mới vui lòng. Cô mà sung sướng, tôi sẽ sung sướng... Đó là hạnh phúc của tôi.
Hắn không nói được nữa. Như để ghi tạc lời hứa, hắn đặt môi vào bàn tay cô gái hôn một cái hôn kính cẩn của kẻ nô lệ. Cô rất xúc động, cô chỉ thốt ra một lời, với tình thương thắm thiết, nó làm giảm tính chất thương hại của lời nói:
- Anh bạn tội nghiệp!
Nhưng họ giật mình, họ quay lại. Mouret đứng trước mặt họ.
Đã từ mười phút, Jouve đi tìm ông giám đốc ở khắp cửa hàng. Anh đang đứng ở trên công trường xây dựng bề mặt mới, phố Mười tháng Chạp. Ngày nào anh cũng qua đó ở gian hàng mấy tiếng đồng hồ, anh cố gắng quan tâm đến công trình mà anh đã mơ ước bao nhiêu lâu. Đó là nơi ẩn trốn cơn đau khổ, giữa những thợ nề đang đặt trụ móng bằng đá khối, và những thợ sắt đang đặt những sườn sắt rất lớn. Bề mặt đã từ dưới đất nhô lên vạch ra cổng mái lớn, những lỗ cửa ở gác một, một lâu đài đang triển khai ở dạng sơ phác. Anh leo lên thang, tranh luận với kiến trúc sư về trang trí phải thật mới, đi từ sắt sang gạch, tiếng tíc tắc của tời, tiếng ồn ào của búa, tiếng la hét của cả đám dân thợ, xuyên ngang cái lồng lớn quây ván âm vang đó, tất cả cũng khiến anh tê dại được một lát. Anh ở đó ra, người trắng vì thạch cao, đen vì mạt sắt, chân ướt sũng vì nước bắn tóe từ những vòi bắt nước, lòng nguôi chưa được bao nhiêu mà mối đau buồn đã trở lại, tim lại đập mạnh hơn, khi tiếng ồn của công trường tắt phía sau lưng. Chính vào hôm đó, anh đang khuây khỏa vui lên vì mải mê ngắm trên một tập tranh những bức vẽ về hoa ghép vào đất nung tráng men sẽ phải trang trí những trụ ngạch, thì Jouve hớt hải tìm đến, lão rất bực mình vì áo redingote bị dấy bẩn giữa đám vật liệu kia. Thoạt tiên anh la lên bảo hãy cứ chờ đấy, rồi, khi viên thanh tra rỉ tai anh một lời, thì anh đi theo lão, mình rợn lên, hoàn toàn bị trở lại. Không còn gì tồn tại nữa: để làm gì thắng lợi tột cùng của lòng kiêu hãnh, nếu như chỉ tên một người đàn bà, khẽ nhắc, đã dày vò anh đến thế.
Trên kia, Bourdoncle và Jouve thấy lảng tránh đi là khôn hơn, Deloche trốn mất. Chỉ còn mình Denise đứng trước Mouret, mặt tái hơn lúc thường, nhưng con mắt thẳng thắn ngước nhìn anh.
- Xin mời cô đi theo tôi! - Anh xẵng giọng nói.
Cô đi theo anh, họ xuống tầng gác, đi qua những gian đồ đạc và thảm, không nói một lời. Khi đến trước cửa phòng làm việc của anh, anh mở rộng cửa.
- Mời cô vào.
Và anh đóng cửa lại, đi đến tận bàn giấy. Buồng mới của giám đốc sang hơn buồng cũ, trướng nhung màu xanh lá cây thay cho vải đen, một thân tủ sách khảm ngà thay cho cả một tấm bản họa, nhưng trên tường, vẫn chỉ có chân dung bà Hédouin, một thiếu phụ mặt đẹp, bình tĩnh, mỉm cười trong chiếc khung vàng.
- Thưa cô, - Cuối cùng anh nói, cố giữ vẻ nghiêm khắc lạnh lùng - có những điều mà chúng tôi không thể dung thứ được... ở đây phẩm hạnh là điều cần thiết...
Anh dừng lại, tìm lời nói, để kiềm chế cơn giận đang lên đầy ruột. Thế là cô yêu cái gã con trai ấy, gã nhân viên bán hàng tồi ấy, làm trò cười cho cả quầy hàng! Cô ưng kẻ đớn hèn và vụng dại nhất đó hơn là anh, ông chủ, là vì anh rõ ràng đã trông thấy họ, cô thì buông thả bàn tay, mà hắn thì hôn bàn tay chằm chặp.
- Tôi xưa nay vẫn tốt đối với cô - Anh tiếp tục, vẫn cố nén lòng - Tôi không ngờ đã được đền bù như thế đấy.
Denise, ngay từ lúc ở cửa vào, đã bị chân dung bà Hédouin thu hút, và, mặc dầu lòng rất bối rối, cô vẫn quan tâm đến nó. Mỗi lần vào phòng giám đốc, mắt cô đều gặp cái nhìn của người trong tranh. Cô hơi lo sợ, nhưng cô cảm thấy con người đó rất hiền hậu. Lần này cô tìm thấy ở đó như một sự che chở.
- Quả thế, thưa ông - Cô dịu dàng trả lời - Tôi có lỗi là đã dừng lại chuyện trò, và tôi xin lỗi ông về khuyết điểm đó... Chàng trai đó là người đồng hương của tôi...
- Tôi tống hắn đi! - Anh la lên, tất cả niềm đau khổ đặt vào tiếng thét giận đó.
Và, bàng hoàng, anh vượt ra ngoài vai trò giám đốc quở mắng một cô bán hàng sai phạm luật lệ, anh văng ra những lời tàn tệ. Cô không biết xấu hổ sao! Một cô gái như thế mà buông thả với một kẻ như vậy! Và anh đi tới những lời kết tội tàn nhẫn, anh trách cô về chuyện Hutin, và những ai khác nữa, với bao nhiêu lời dồn dập, khiến cô cũng không tự bào chữa được. Nhưng anh đuổi tất, anh sẽ đá đít tống đi hết. Chuyện phân trần nghiêm khắc mà anh ngẫm nghĩ định tiến hành khi đi theo Jouve, bây giờ biến thành những lời tàn nhẫn của một cảnh ghen tuông.
- Vâng, những nhân tình của cô!... Người ta đã nói rõ, mà tôi thì ngu xuẩn còn nghi ngờ... Chỉ có tôi! Chỉ có tôi!
Denise nghẹn ngào, hoang mang, lắng nghe những lời trách móc đó. Lúc đầu cô không hiểu. Trời ơi, thế ra anh xem cô như một kẻ khốn nạn! Đến một lời tàn ác hơn, cô lặng lẽ đi ra cửa. Và, vì anh làm cử chỉ ngăn cô dừng lại:
- Thưa ông, xin ông để tôi đi... Nếu ông thật tin những lời ông nói, tôi không muốn một giây phút nào ở lại cửa hàng này nữa.
Nhưng anh lao ra chắn phía cửa.
- Thì ít ra cô cứ cãi đi... Cô hãy nói điều gì đi.
Cô đứng thẳng người, im lặng như băng. Lâu mãi, anh dồn dập câu hỏi, với mối phân vân mỗi lúc một tăng; và lòng tự tôn câm lặng của cô gái trong trắng đó một lần nữa tưởng như sự tính toán khôn ngoan của một phụ nữ sành sỏi trong mưu thuật yêu đương. Lẽ nào cô có thể đóng trò để bắt anh phải phục dưới chân, lòng càng bị đau xé thêm vì ngờ vực, càng mong muốn thêm được thuyết phục.
- Xem nào, cô bảo hắn là người đồng hương... Có lẽ hai người đã gặp nhau ở quê nhà... Cô hãy thề chưa có chuyện gì giữa hai người đi.
Bấy giờ vì cô khăng khăng không nói, và cô cứ muốn mở cửa bỏ đi, anh đâm hoang mang hoàn toàn. Niềm đau tuyệt đỉnh bùng nổ.
- Trời ơi! Tôi yêu em, tôi yêu em... Tại sao em ưng hành hạ tôi đến thế? Em xem không còn có gì ở đời nữa, những kẻ tôi nói với em đụng đến tôi là cũng chỉ vì em, chỉ duy một mình em là đáng kể ở cõi đời này... Tôi nghĩ em ghen cho nên tôi đã hy sinh mọi vui thú. Người ta bảo với em rằng tôi có nhân tình: thế thì, bây giờ tôi không có nữa, họa hoằn tôi mới đi ra ngoài. Tôi chẳng bênh em ở nhà bà kia sao? Tôi đang còn đợi một lời cảm tạ, một chút nhớ ơn... Mà nếu em sợ tôi trở lại nhà bà ta thì em khỏi lo; bà ta báo thù bằng cách giúp cho một tay thư ký cũ của tôi mở một cửa hàng cạnh tranh... Em nói đi, hay tôi phải quỳ xuống, để được em đoái thương.
Anh đã đi đến thế đó. Anh xưa nay không dung tha một lỗi nhỏ cho các cô bán hàng, ném họ ra vỉa hè chỉ vì chút trái tính, giờ đây anh đi đến chỗ van nài một cô bán hàng đừng bỏ đi, đừng bỏ rơi anh trong cơn đau khổ. Anh ngăn không cho cô ra khỏi cửa, anh sẵn sàng tha thứ cho cô, tự bịt mắt mình, nếu cô muốn nói dối. Và anh đã nói sự thật, anh cảm thấy ghê tởm trước những cô gái nhặt ở hậu trường các nhà hát nhỏ và ở cao lâu tửu quán lúc đêm hôm; anh không gặp Clara nữa, anh không còn đặt chân tới nhà bà Desforges, ở đấy bây giờ bà Bouthemont ngự trị trong khi chờ mở cửa hàng mới: hiệu Bốn Mùa, đã đăng quảng cáo đầy các báo.
- Em nói đi, tôi có phải quỳ xuống không? - Anh nhắc lại, cổ nghẹn ngào vì nén khóc.
Cô giơ tay ngăn anh lại, bản thân cô cũng không giấu được niềm bối rối, vì xúc động sâu xa trước mối tình đau đớn.
- Thưa ông, ông chẳng nên làm khổ mình - Cuối cùng cô trả lời - Tôi cam đoan với ông những chuyện đê tiện đó là những lời vu cáo. Chàng trai tội nghiệp lúc nãy cũng chẳng có tội tình gì như tôi.
Và cô có cái thật thà tuyệt vời của cô, đôi mắt trong sáng nhìn thẳng phía trước.
- Thôi được, tôi tin ở em, - Anh khẽ nói - tôi chẳng đuổi ai trong các bạn của em, vì em che chở cho họ... Thế thì tại sao em cự tuyệt tôi, nếu em không yêu ai?
Denise đột nhiên cảm thấy ngượng ngùng, e lệ băn khoăn.
- Em yêu ai, phải không? - Anh run run lại nói - Ồ! Em cứ nói, tôi chẳng có quyền gì đối với chuyện yêu đương của em... Em yêu ai?
Cô đỏ nhừ mặt, lòng đặt trên môi, và cô cảm thấy không thể nói dối được, vì mối xúc động lộ liễu, ngay cả sự tình không muốn nói dối cũng hiện lên nét mặt.
- Vâng - Cuối cùng cô khẽ thú thật - Tôi xin ông để tôi yên, ông làm tôi phiền lòng.
Đến lượt cô đau khổ. Chống lại anh đã chẳng cực rồi hay sao? Liệu cô có còn đủ sức chống lại mình, chống lại những yêu thương đôi lúc cũng làm cô mất can đảm? Khi anh nói với cô như vậy, cô thấy anh xúc động đến thế, đau đớn đến thế, cô không còn biết tại sao mình từ chối; và sau đó, cô mới thấy lại được, từ trong bản chất cô gái đoan trang của mình, kiêu hãnh và lý trí, khiến cô đứng vững, trong sự ngoan cường của trinh nữ. Chính là do một bản năng hạnh phúc mà cô ngang ngạnh, để thỏa mãn nhu cầu được sống yên ổn, chứ không phải tuân theo ý niệm về đức hạnh cô sẽ sa ngã vào tay người đàn ông đó, xác thịt bị chiếm lĩnh, trái tim bị quyến rũ, nếu không cảm thấy một sự phản kháng gần như gớm ghiếc trước sự hiến thân vĩnh viễn, lao vào cái xa lạ của ngày mai. Tình lang làm cô sợ hãi, mối sợ điên cuồng làm người con gái tái mặt khi gã con trai tới gần.
Khi đó, Mouret có cử chỉ tuyệt vọng, rầu rĩ. Anh không hiểu. Anh quay lại bàn giấy, lật mấy trang giấy rồi đặt xuống liền, và nói:
- Tôi không giữ cô nữa, thưa cô, tôi không thể giữ được, nếu cô không muốn.
- Nhưng tôi có hỏi xin đi đâu - Cô mỉm cười đáp -Nếu ông tin là tôi đứng đắn thì tôi ở lại... Thưa ông, bao giờ cũng nên tin những người đàn bà đứng đắn. Nhiều người như thế lắm, tôi cam đoan với ông.
Mắt Denise vô tình, ngước nhìn chân dung bà Hédouin, cái bà rất dẹp và rất khôn ngoan mà người ta nói, máu của bà đã đem lại vận may cho cửa hàng. Mouret nhìn theo con mắt của cô gái và giật mình, vì anh tưởng nghe thấy lời nói của người vợ quá cố, một lời nói của bà ta, mà anh nhận ra. Thế là như một cuộc hồi sinh, anh lại tìm thấy ở Denise lương tri, đức độ của người đã khuất, cho đến cả lời nói dịu dàng, không nói thừa. Anh đâm choáng váng, lại càng buồn.
- Em hãy biết, tôi thuộc về em - Anh khẽ nói để kết luận - Em muốn làm gì tôi thì tùy em.
Bây giờ cô lại vui vẻ nói:
- Đúng thế, thưa ông. Ý kiến của một người đàn bà, dù thấp hèn đến thế nào, vẫn đáng nghe, khi họ có chút thông minh... Tôi chỉ làm cho ông trở thành người tốt thôi! Nếu ống tin cậy ở tôi.
Cô bông đùa, với vẻ chất phác đầy duyên dáng. Đến lượt anh cũng khẽ mỉm cười, anh đưa cô ra tận cửa, như một mệnh phụ.
Ngày hôm sau, Denise được cử làm quầy hàng trưởng. Ban giám đốc tách đôi gian hàng áo dài và trang phục thiếu nhi đặt gần gian may sẵn. Từ ngày con trai bị đuổi, bà Aurélie run sợ, vì bà cảm thấy mấy ông trên trở nên lạnh lùng, và mỗi ngày bà cũng trông thế lực của cô gái đăng-ten. Liệu người ta có sẽ kiếm một cớ nào đó để hy sinh bà vì cô này không? Bộ mặt nữ hoàng xị mỡ của bà dường như đã gầy đi vì nỗi hổ thẹn làm như triều đại Lhomme, và bà ta, buổi chiều đến, làm bộ tựa vào tay chồng để ra về, và cả hai người sát lại gần nhau trong bước không may, bà hiểu rằng tai họa là do sự ly tán của gia đình bà; còn lão ta tội nghiệp, đau đớn hơn bà, với nỗi lo bệnh hoạn rằng người ta nghi ngờ cả bản thân lão cũng ăn cắp, lão phải đếm tiền thu nhập hai lần, âm ỉ, làm chuyện phi thường với cánh tay cụt. Vì vậy, khi bà ta thấy Denise được cử sang làm quầy hàng trưởng trang phục thiếu nhi, bà rất lấy làm vui, đến mức bà phô trương những tình cảm thắm thiết nhất đối với cô. Không chiếm chỗ của bà là đẹp rồi. Và bà ta tỏ ra hết sức thân thiện, từ đó đối xử với cô như người ngang hàng, thường khi sang chuyện trò với cô, ở gian bên cạnh, với vẻ long trọng như một hoàng thái hậu đến thăm một hoàng hậu.
Vả lại bây giờ thì Denise đã lên tới tột đỉnh. Việc cô được cử làm quầy hàng trưởng đã san bằng những chống đối cuối cùng chung quanh cô. Nếu người ta vẫn còn la sủa bởi cái ngứa ngáy miệng lưỡi nó phá phách mọi tụ họp giữa đàn ông và đàn bà, thì người ta cúi thật thấp, sát đất. Marguerite lên chức quầy phó may sẵn, chan hòa khen ngợi. Ngay đến Clara, đi tới âm thầm kính trọng trước một vận số mà cô không tài nào đạt được, cũng phải cúi đầu. Nhưng thắng lợi của Denise còn trọn vẹn hơn đối với mấy ông, đối với Jouve từ nay chỉ biết gập đôi người nói với cô, đối với Hutin đâm lo lắng khi cảm thấy địa vị của mình lung lay, đối với Bourdoncle rốt cuộc hóa ra bất lực. Khi tay này trông thấy cô ở buồng giám đốc ra, tươi cười, với vẻ ung dung, và, hôm sau, khi giám đốc yêu cầu hội đồng thiết lập quầy hàng mới, thì hắn nghiêng mình, khuất phục trước người phụ nữ oai nghiêm ghê gớm. Bao giờ thì hắn cũng đã nhượng bộ như thế trước cái duyên dáng của Mouret, hắn thừa nhận, anh là ông chủ của hắn, mặc dù những sơ hở của trí tuệ, và những cơn bốc ngu xuẩn của trái tim. Lần này thì người phụ nữ mạnh hơn, và hắn chờ bị cuốn đi trong cơn tai họa.
Trong khi đó Denise đắc thắng một cách êm ả, tuyệt vời. Cô cảm động vì những biểu thị tôn kính đó và cô muốn xem đó như mối cảm thông đối với nỗi khổ cực buổi đầu của cô và như thắng lợi cuối cùng của lòng dũng cảm kiên trì của cô. Vì vậy cô tiếp nhận với niềm hân hoan tươi cười bất cứ sự tỏ tình thân thiện nào; điều khiến cô thật sự được một số người yêu mến là cô rất mực dịu dàng và ân cần, lúc nào cũng sẵn sàng hiến cả trái tim. Cô chỉ ghê tởm không chịu được với Clara, là vì cô được tin cô gái này, đúng như ý đồ mà cô ta đã bông đùa báo trước, một tối đã chơi trò kéo Colomban về nhà, còn viên thư ký này, bị lôi cuốn bởi dục vọng được thỏa mãn, bây giờ không ngủ ở nhà nữa, trong khi Geneviève phiền muộn đang hấp hối. Người ta bàn tán việc đó ở hiệu Hạnh phúc, người ta thấy câu chuyện kỳ quái.
Nhưng chuyện buồn lòng đó, chuyện duy nhất ở bên ngoài, không làm cho Denise mất hiền hòa. Nhất là phải trông thấy cô ở nơi gian hàng của cô, giữa cái thế giới trẻ con đủ lứa tuổi của cô. Cô rất yêu trẻ, người ta không thể đặt cô vào chỗ nào hơn ở đây. Đôi khi người ta đếm được ở đó năm chục em bé gái, cũng ngần ấy bé trai, cả một đoàn nhà trẻ nghịch ngợm, thả sức phô bày những ý muốn đỏm dáng ngây thơ. Các bà mẹ điên đầu. Cô mỉm cười hòa giải, xếp hàng thế giới tí hon đó trên ghế; và, khi nào trong đám có một em gái hồng hào, trông cái miệng dễ thương, thì cô tự tay phục vụ, đem áo ra, ướm vào đôi vai mũm mĩm, ân cần trìu mến như người chị lớn. Những tiếng cười trong trẻo vang lên, những tiếng khẽ la hí hửng thốt ra, giữa những lời quở mắng. Đôi khi, một em gái đã lớn, chín mười tuổi, khoác trên vai chiếc áo bành tô dạ, ngắm nghía trước gương, quay đi quay lại vẻ mặt mê say, đôi mắt long lanh với ý muốn làm đẹp. Và hàng bầy ra ngổn ngang trên quầy, những áo vải châu Á màu hồng và lơ cho trẻ từ một đến năm tuổi, những bộ quần áo lính thủy bằng len zéphire [2], váy có nếp, và áo bludơ và mảnh chúc bâu, bộ đồ kiểu Louis XV, áo măng-tô, áo jaquette, cả mớ lộn xộn quần áo hẹp, cứng đơ trong cái duyên dáng ngây thơ, cái gì như xống áo của một đoàn búp bé lớn, lôi ở trong tủ ra, tha hồ nghịch phá. Denise lúc nào cũng có sẵn trong túi một ít quà, để dỗ một chú bé khóc thét vì không mang đi được những chiếc quần đùi đỏ, cô sống giữa đám trẻ như trong gia đình tự nhiên của mình, bản thân cũng trẻ lại vì cái ngây thơ và cái tươi tắn luôn luôn đổi mới quanh váy cô.
Bây giờ, cô thường có những cuộc nói chuyện dài thân thiện với Mouret khi cô lên phòng giám đốc để nhận lệnh hay để báo cáo, anh giữ cô lại chuyện trò, anh ưng nghe cô nói. Đó là điều mà cô vừa cười vừa gọi là “làm cho anh trở thành người tốt”. Trong đầu óc lý luận và khôn ngoan kiểu dân xứ Normandie của cô, nảy nở đủ mọi ý đồ, những ý kiến về thương nghiệp mới đó, mà cô đã dám đụng tới ở cửa hàng Robineau, và cô đã phát biểu vài điều vào cái buổi tối đẹp dạo chơi ở vườn Tuileries. Cô không thể quan tâm đến một cái gì, theo dõi sự triển khai của một công việc mà không bị thu hút bởi nhu cầu sắp xếp trật tự, cải thiện cơ chế. Cho nên, từ khi vào làm ở hiệu Hạnh phúc các bà, cô đặc biệt đau lòng vì số phận bấp bênh của đám thư ký; những cuộc đuổi người đột ngột khiến cô bất bình, cô thấy nó vụng về và bất công, có hại cho hết thảy mọi người, cho cả cửa hàng lẫn nhân viên. Những đau khổ buổi đầu vẫn nhói trong tim cô, một niềm thương xót động lòng cô, mỗi khi có người mới đến mà cô bắt gặp trong các gian hàng, chân rã rời, mắt đầy lệ, kéo lê nỗi cơ cực dưới chiếc áo lụa, giữa đám nhân viên cũ cay cú hành hạ họ. Cuộc sống bị vùi dập đó làm cho những người tốt nhất trở thành xấu; và bắt đầu cuộc diễn tiến bi đát: tất cả bị kiệt quệ vì nghề nghiệp trước bốn mươi tuổi, biến mất, rơi vào lãng quên, nhiều người chết trong công việc, lao phổi hay thiếu máu, vì mệt mỏi và không khí nhơ bẩn, một số bị ném ra vỉa hè, những kẻ tốt số nhất lấy chồng, bị chôn vùi trong một cửa hiệu nhỏ tỉnh lẻ. Phải chăng là nhân đạo, phải chăng là công bằng khi mà bao nhiêu sinh mạng hàng năm bị tiêu phí kinh khủng ở các cửa hàng lớn. Và cô biện hộ cho lợi ích của cơ cấu cỗ máy, không vì những lý do tình cảm, mà vì những lý do thuộc về chính lợi ích của các ông chủ, khi muốn có một cỗ máy tốt người ta dùng thứ sắt tốt; nếu sắt gãy hay người ta làm gãy nó thì phải ngừng công việc, luôn luôn tốn phí để khởi động, hao tổn về sức lực. Đôi khi cao hứng, cô nhìn thấy hiệu bách hóa lớn lý tưởng, tổ chức thương nghiệp tập thể [3], ở đó mỗi người có phần lãi đúng đắn của mình do một hợp đồng bảo đảm tùy theo cống hiến, chắc chắn cho ngày mai. Lúc đó Mouret vui hắn lên, mặc dầu nỗi lòng của anh. Anh tố cáo cô theo chủ nghĩa xã hội làm cho cô lúng túng khi nêu lên những khó khăn trong thực hành, là vì cô nói theo tâm hồn giản dị của cô và cô tin tưởng mạnh bạo ở tương lai, mỗi khi cô nhận thấy một lỗ hổng nguy hiểm trong thực hành theo lòng thương của cô. Tuy nhiên, anh cũng chuyển lòng, bị quyến rũ bởi tiếng nói trẻ trung kia, còn run rẩy vì những cực khổ phải chịu đựng, rất tin tưởng khi cô chỉ ra những cải cách nhằm củng cố cửa hàng; và anh vừa lắng nghe vừa bông đùa; số phận của nhân viên bán hàng được cải thiện dần dần, người ta thay việc đuổi người hàng loạt bằng một chế độ cho nghỉ vào những mùa chết, cuối cùng người ta sắp lập một quỹ tương tế cứu giúp nhân viên những lúc thất nghiệp bắt buộc, và bảo đảm cho họ một chế độ hưu trí. Đó là mầm mống của những hội thợ thuyền rộng lớn của thế kỷ hai mươi.
Vả chăng, Denise không chỉ thu hẹp ở ý muốn rịt những vết thương nóng hổi mà cô đã phải chịu: những ý kiến tế nhị của người phụ nữ mách Mouret làm khách hàng ngạc nhiên. Cô cũng làm cho Lhomme vui mừng khi cô ủng hộ một dự kiến mà lão ôm ấp từ lâu, đó là thành lập một đội âm nhạc, mà nhạc công được tuyển lựa hết thảy trong nhân viên cửa hàng. Ba tháng sau, Lhomme có một trăm hai mươi nhạc công dưới sự điều khiển của lão, ước mơ cuộc đời của lão được thực hiện. Và một buổi hội lớn được cửa hàng tổ chức, một cuộc hòa nhạc và một cuộc khiêu vũ, để giới thiệu đoàn nhạc của hiệu hạnh phúc với khách hàng, với cả thế giới. Báo chí quan tâm đến, bản thân Bourdoncle, day dứt vì những cách tân đó, cũng phải nghiêng mình trước cuộc quảng cáo đồ sộ. Sau đó người ta thiết lập một phòng vui chơi cho đám thư ký, hai bàn bi-a, những bàn cờ tào cáo, cờ tướng. Có những lớp học buổi tối trong cửa hàng, lớp học tiếng Anh và tiếng Đức, lớp học văn phạm, toán học, địa lý; người ta đi tới tổ chức cả lớp cưỡi ngựa, và đấu kiếm. Một thư viện được thành lập, với một vạn cuốn sách cho nhân viên đọc. Và người ta lại thêm một thầy thuốc thường trực khám bệnh không mất tiền, nhà tắm, quầy ăn uống, phòng hớt tóc. Tất cả mọi mặt sinh hoạt có ở đó, người ta không phải ra ngoài, học hành, ăn uống, nghỉ ngơi, trang phục. Hiệu hạnh phúc các bà tự túc cả về thú vui và nhu cầu giữa Paris rộng lớn, nó quan tâm đến cả cuộc sống huyên náo đó, cái cư xá lao động đó mọc xum xuê trên đống rác của những phố cũ, cuối cùng được mở ra chói chang dưới ánh mặt trời.
Bấy giờ, một luồng dư luận mới ủng hộ Denise khi mà Bourdoncle thất bại, lặp đi lặp lại một cách tuyệt vọng với người quen rằng chính bản thân anh ta ra sức để đặt được cô ta vào giường Mouret, thì điều rõ ràng người ta phải thừa nhận là cô không nhượng bộ, và uy lực tối cao của cô chính lại do những lời từ chối của cô mà ra. Và tới lúc đó thì cô nổi tiếng. Người ta không lạ những điều dễ chịu nhờ cô mà họ có, người ta khâm phục sức mạnh, ý chí của cô. Ít ra đó là một người chẹn được chân lên họng ông chủ, và trả thù cho họ được hết thảy, và đã moi ra được ở ông chủ cái gì khác hơn là những lời hứa! Người đó đã đến, cái người đã làm cho những kẻ khốn cùng được phần nào tôn trọng. Khi cô đi qua các quầy hàng, với cái đầu thanh tú mà ngang ngạnh, cái vẻ đằm thắm mà bất khuất, các nhân viên bán hàng mỉm cười với cô, tự hào về cô, sẵn sàng biểu dương cô trước quần chúng. Denise hoan hỉ, được đề cao vì mối cảm tình càng ngày càng lớn. Trời! Có thể thế được chăng! Cô nhìn lại cái ngày mới tới, với chiếc váy thảm hại, kinh hoàng, lạc lõng giữa những bánh xe của cỗ máy ghê gớm, trong bao nhiêu lâu cô có cảm giác mình không là gì cả, họa may như hạt kê dưới những thớt cối xay nghiến nát cả thiên hạ; và bây giờ, chính cô là linh hồn của cái thiên hạ đó; duy một mình cô là quan trọng, cô có thể bằng một lời thúc đẩy hay hãm lại gã khổng lồ bị khuất phục dưới bàn chân nhỏ bé của cô. Tuy nhiên, cô chẳng muốn những chuyện như vậy, cô xuất hiện giản dị, không tính toán, với sức quyến rũ độc nhất của tính dịu hiền. Quyền lực của cô đôi lúc khiến cô ngỡ ngàng lo lắng: có cái gì đây khiến mọi người tuân theo cô? Cô chẳng đẹp, cô không làm điều xấu. Rồi, cô mỉm cười, nguôi lòng, ở cô chỉ có lòng tốt và lẽ phải, lòng yêu chân lý và lôgich nó là tất cả sức mạnh của cô!
Một trong những niềm vui lớn của Denise, trong ưu thế của cô, là có thể giúp ích cho Pauline. Cô này đã có mang, và cô ta run sợ là vì đã có hai cô bán hàng, trong khoảng mười lăm ngày, phải ra đi vào tháng thứ bảy thời kỳ thai nghén. Ban giám đốc không dung những biến cố đó, họ không chấp nhận chuyện có con mà xem như chướng ngại khiếm nhã; cùng lắm họ cho phép cưới xin, nhưng có con thì cấm ngặt. Pauline cố nhiên có chồng ở cửa hàng; tuy nhiên cô ta lo ngại, không phải vì thế mà cô không thành trở ngại, ở quầy hàng; và, để hoãn lại cái ngày bị đuổi có phần chắc đó, cô nịt người đến nghẹt thở, quyết tâm che giấu được chừng nào hay chừng ấy. Chính vì làm như thế mà một trong hai cô bán hàng bị đuổi vừa đẻ ra một đứa con đã chết, do hành hạ thân mình như vậy; ngay bản thân cô ta cũng khó lòng mà cứu sống được. Song, Bourdoncle nhận thấy da mặt Pauline đã xám đi, mà dáng đi đã nặng nề cứng nhắc. Một buổi sáng, hắn đang đứng gần cô ta, ở gian hành trang, thì một nhân viên phục vụ, khi nhấc một gối hàng lên đã va mạnh vào cô ta khiến cô ta kêu lên và đưa tay lên ôm bụng. Lập tức, hắn dẫn cô ta đi, bắt khai nhận, và đưa ra hội đồng vấn đề đuổi cô, lấy cớ cô ta cần được về quê cho thoáng khí: câu chuyện liền được loan truyền, kết quả sẽ tai hại đối với công chúng, nếu cô ta bị đẻ non như đã có trường hợp một cô ở gian tã lót năm ngoái. Mouret không có mặt trong phiên hội đồng nên mãi đến chiều mới có ý kiến. Nhưng Denise đã kịp thời can thiệp, và anh bịt mồm Bourdoncle, nhân danh lợi ích của cả cửa hàng. Người ta định tập hợp các bà mẹ, khiêu khích các bà mới đẻ trong khách hàng ư? Trịnh trọng, cửa hàng quyết định từ nay các cô bán hàng có chồng lúc có mang sẽ được đến một bà đỡ riêng sán sóc, một khi sự có mặt ở quầy hàng trở thành bất lợi cho mỹ tục. Hôm sau, khi Denise lên y xá thăm Pauline, cô này sau vụ bị va đã phải đi nằm, cô ta liền ôm lấy bạn hôn mạnh vào hai má.
- Cậu thật tốt quá! Không có cậu, họ đã tống mình đi rồi... Mà cậu đừng lo, thầy thuốc quả quyết rằng không có chuyện gì.
Baugé, chuồn khỏi gian hàng, cũng có mặt ở phía bên kia giường. Anh ta cũng ấp úng cảm ơn, bối rối trước mặt Denise mà bây giờ anh đối xử như người thành đạt, thuộc một tầng lớp trên. Chà! Nếu anh ta mà còn nghe thấy những chuyện nói xấu cô, thì anh sẽ bịt mõm bọn ghen tị lại. Nhưng Pauline thân mật nhún vai, đuổi anh ta đi:
- Anh bạn khốn khổ ơi, anh chỉ nói chuyện lăng nhăng... Thôi! Để cho bọn tôi nói chuyện riêng.
Y xá là một phòng dài sáng sủa, có mười hai giường xếp hàng, với những màn trắng. Ở đó người ta săn sóc những viên thư ký ở tại cửa hàng khi họ không muốn trở về gia đình. Nhưng hôm đó chỉ có một mình Pauline nằm, bên một cửa sổ rộng nhìn xuống phố Neuve Saint Augustin. Và liền đó, đôi bạn thì thầm những điều tâm sự, những lời trìu mến, giữa đám khăn áo tinh tươm, trong không khí êm đềm, thoảng mùi vải hương.
- Thế là ông ấy vẫn làm tất cả những cái cậu muốn!... Mà sao cậu ác quá, gây cho ông ấy bao nhiêu đau khổ! Thế nào, cậu giải thích cho mình đi, vì mình cứ mạnh bạo đề cập đến chuyện đó. Cậu ghét ông ấy à?
Cô ta vẫn giữ bàn tay Denise, cô này ngồi bên giường, tỳ khuỷu tay vào chiếc gối ngang; thế là Denise đột nhiên bị xúc động, má ửng hồng, đâm mềm lòng trước câu hỏi bộc trực và bất ngờ đó. Cô để lộ điều uẩn khúc của mình, vừa chúi đầu vào chiếc gối vừa thủ thỉ:
- Mình yêu ông ấy!
Pauline lấy làm lạ.
- Sao! Cậu yêu ông ấy! Thế thì đơn giản thôi; cứ bảo là yêu.
Denise vẫn giấu mặt, lắc mạnh đầu nói không. Và cô nói không, chính là vì cô yêu mà không giải thích. Dĩ nhiên như thế thật buồn cười; nhưng cô cảm thấy như thế mà không thể thay đổi ý kiến được. Cô bạn lại càng ngạc nhiên, cuối cùng hỏi:
- Như thế, tựu trung là để đi tới chỗ ông ấy lấy cậu chứ gì?
Lập tức cô gái ngẩng đầu lên. Cô bàng hoàng.
- Ông ấy lấy mình! Ồ không. Ồ! Mình cam đoan với cậu mình chưa bao giờ có ý như thế!... Không, không bao giờ mình tính chuyện đó trong đầu óc mình, thế mà cậu biết mình ghê tởm sự nói dối.
- Chao ơi! Cô bạn ơi, - Pauline lại dịu dàng nói - rồi cậu sẽ có ý để người ta lấy cậu, cậu chẳng thể làm khác được đâu. Thế nào thì cũng phải kết thúc, mà chỉ còn có cách lấy nhau, nếu như cậu không muốn chuyện gì khác... Cậu nghe đây, mình phải báo cho cậu biết rằng hết thảy mọi người đều cùng có ý nghĩ như thế: thật đấy, câu treo giá để dẫn ông ấy tới trước ngài thị trưởng... Trời! Đàn bà như cậu cũng là kỳ cục!
Và cô ta phải khuyên giải Denise, cô này lại gục đầu xuống gối, khóc nức nở, lặp lại rằng cô đến phải bỏ đi, vì ai cũng luôn luôn gán cho cô đủ mọi chuyện không sao lọt vào đầu óc cô được, cố nhiên, khi một người đàn ông yêu một người đàn bà thì hắn phải lấy họ. Nhưng cô chắng đòi hỏi điều gì cả, cô chẳng tính toán gì cả, cô chỉ van xin người ta để cho cô yên thân, với những nỗi vui buồn, như hết thảy mọi người. Cô sẽ bỏ đi.
Cùng lúc đó, ở bên dưới, Mouret đi qua cửa hàng. Anh muốn khuây khỏa, đi thăm công trình một lần nữa. Mấy tháng trôi qua, bề mặt trước bây giờ đã vươn lên với những đường hoành tráng, đằng sau hàng rào ván ròng che mắt công chúng, cả một đội quân trang trí làm việc: những thợ đá hoa, đồ sành, họa ghép; họ thếp vàng nhóm trung tâm, bên trên cổng, còn trên chóp đỉnh, họ đã gắn những bệ sẽ phải đặt tượng những thành phố công nghệ của nước Pháp. Từ sáng đến tối dọc theo phố Mười tháng Chạp, mới mở ít lâu nay, tụ họp cả đám dân vô công rổi nghề, hếch mũi lên, chẳng nhìn thấy gì cả, nhưng chăm chú đến những điều kỳ dị mà người ta kể về cái bề mặt đó mà nay mai cuộc khánh thành sẽ làm nhốn nháo cả Paris. Và chính là trên công trường náo nhiệt này, giữa đám nghệ sĩ đang hoàn thành việc thực hiện ước mơ của anh, bắt đầu từ những thợ nề, chính ở đây Mouret vừa cảm thấy cay đắng hơn bao giờ hết cái phù hoa của sự nghiệp anh. Ý nghĩ về Denise đột nhiên siết lấy ngực anh, ý nghĩ đó không dứt xuyên qua anh một ngọn lửa, như sự nhức nhối của một vết đau khôn chữa. Anh bỏ trốn, anh không tìm ra một tiếng nói hài lòng, sợ người ta nhìn thấy nước mắt anh, để lại phía sau nỗi chán chường vì đắc thắng. Cái bề mặt đó, cuối cùng đã đứng lên, đối với anh dường như còn bé y như một trong những bức tường mà lũ trẻ đắp bằng cát, và người ta có thể kéo dài từ một khu ngoại ô này sang khu khác của đô thành, nâng cao nó đến tận các vì sao, nó cũng chẳng lấp đầy được khoảng trống của trái tim anh, mà chỉ tiếng “vâng” của một cô bé có thể lấp đầy.
Khi Mouret về đến phòng làm việc, anh nghẹn ngào vì nuốt lệ. Thế thì cô ấy muốn gì? Anh không còn dám hứa tiền bạc, ý niệm mơ hồ về một cuộc cưới xin dâng lên, giữa những phản kháng của chàng trai góa vợ. Và, trong cơn bực bội vì bất lực, nước mắt anh chảy ròng ròng. Anh đau khổ.
-----------------------------------------
[1] Nguyên văn: cent livres (100 livres), livre là đơn vị trọng lượng xưa tương đương với nửa kilôgram.
[2] Zéphire: Một thứ len sợi nhỏ, tạp sắc.
[3] Nguyên văn: phalanstère du négoce, phalanstère là kiểu tập đoàn sản xuất theo chủ nghĩa xã hội không tưởng của Fourier.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà