Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đội Gạo Lên Chùa
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 10
Đ
iện từ P.C báo rằng, sáng hôm ấy, đích thân đại úy Thalan sẽ về kiểm tra bốt Đình Sọ. Trưởng đồn - chuẩn úy Gustave bắt các trung đội trưởng phải kiểm tra cẩn thận vũ khí, trung đội trực ban ngày phải đầy đủ quân số ở các lô-cốt, nhóm tuần tra vào làng phải túc trực đợi lệnh, mấy gia đình binh sĩ ăn ở trong đồn phải sạch sẽ gọn ghẽ, không cho trẻ nhỏ lếch thếch nghịch ngợm các nơi.
Chưa đến tám giờ sáng, tổ dò mìn mở đường đã báo về đường đã thông. Tám giờ ba mươi phút, xe dip của đại úy Thalan đã bóp còi inh ỏi ngoài cổng lớn. Gustave quân trang tề chỉnh vội vã ra đón. Sau cái chào nhà binh cứng ngắc, hai thầy trò ôm chầm lấy nhau. Từ trận rơi vào ổ phục kích bị thương, trong trận đó, ô-tô cháy đùng đùng, Gustave đã bình tĩnh dũng cảm cứu sống Thalan, từ đó đại úy chỉ huy coi chuẩn úy Gustave như anh em của mình.
Tiếng là đi kiểm tra, nhưng đại úy Thalan hoàn toàn tin cậy Gustave, nên cuộc kiểm tra chỉ là hình thức. Ông đi lướt một vòng, rồi vội kéo người chuẩn úy thân cận của mình vào bên trong đình nói chuyện. Chợt nhìn trước sân, thấy chiếc chòi quan sát tám mét, cao lênh khênh, ông liền rủ Gustave lên đó. Đồn trưởng Đình Sọ cười nói với đại úy:
- Đúng là cần phải lên đấy. Ở đấy nhìn rõ khắp vùng. Tôi có chai vang lâu năm mua ở Hà Nội, cứ chờ uống cùng đại úy chưa có dịp.
- Như thế càng hay. Ở đồn của cậu, chỉ có trên cái chòi ấy là kín đáo nhất. Uống rượu cũng tiện mà bàn chuyện cũng tiện.
Khi rượu đã được rót ra, Thalan đưa cái cốc có chân cao lên ngang mặt, nhìn cái chất lỏng mầu đỏ sóng sánh trong đó rồi đăm chiêu gật gù:
- Cậu thật vất vả. Một trăm người lính da vàng. Chỉ độc một mình cậu là người da trắng. Thật cô đơn nhưng biết làm sao khác được. Chúng ta phải dựng lên một đội quân da vàng cho đức vua Bảo Đại. Phải để cho người da vàng cùng gánh vác với chúng ta trong cuộc chiến tranh này. Vị tướng thiên tài De Lattre của chúng ta đã tốn bao tâm huyết vì chiến lược dựng lên đội quân da vàng ấy. Nếu đội quân bản xứ đứng vững, nếu người Việt gánh đỡ chúng ta được phân nửa công việc... thì đó là trọng trách to lớn và cũng là thắng lợi lớn... Cậu hiểu tôi nói chứ... Thật là cô đơn nhưng cũng thật cao thượng.
Hai người cụng ly rất kêu... rồi uống một ngụm dài. Uống vì nhiệm vụ cao thượng và vinh quang của quân đội Pháp. Thalan, nhờ có men rượu, nói càng lúc càng cao hứng, càng hùng hồn.
- Đúng là cao thượng và vĩ đại nhưng cung thật cô đơn. Họ da vàng chúng ta da trắng. Họ phương Đông, chúng ta phương Tây. Cậu có nhìn những đôi mắt của những người lính của cậu không? Thật là buồn, lắm lúc mình thấy họ buồn đến nẫu ruột. Họ là những người Thiên Chúa giáo, là các tộc người thiểu số ghét người Kinh mà theo ta, họ là những người giàu có ở nông thôn và thành thị. Dù sao họ cũng chỉ là số ít so với các biển người nông dân cuồng nhiệt đi theo cụ Hồ. Vì họ ít nên họ cũng cô đơn. Vì họ theo ta nên họ đầy mặc cảm tội lỗi. Tôi lỗi vì cảm giác chống lại mảnh đất của tổ tiên mình. Cũng do vậy, họ vừa đáng tin cậy, vừa có những điểm không thể tin cậy. Này, thú thật đi, sống giữa họ có lúc nào cậu cảm thấy sợ không? Có lúc nào nhìn vào mắt họ, cậu thấy sự thù hằn không? Tôi khuyên cậu phải tin họ nhưng phải luôn cảnh giác, nghĩa là dẫu sao những lúc ngủ cậu vẫn phải khóa bên trong, và hễ có chút nghi ngờ nào thì phải báo ngay cho tôi.
- Thưa đại úy, tôi hiểu chứ. Tôi nghe những người lính Batidăng, quân của tôi, nói với nhau. “Người Pháp đến rồi họ lại về Pháp, còn chúng ta vẫn phải ở mãi tại đây. Vì đó là xứ sở của chúng ta”.
- Cậu là người anh em của tôi. Tôi hiểu sự cô đơn của cậu. Tôi muốn giúp cậu nhiều. Nhưng giúp bằng cách nào. Điều nhiều người Pháp đến đây với cậu thì tôi không có người. Điều thêm một người Pháp nữa, thì một hay hai người nào khác gì. Thêm một người Pháp, chắc cũng có tác dụng về mặt tâm lý. Bởi vì, một anh hạ sĩ hay binh nhất thì hiểu biết gì về cái làng quê Việt Nam bí ẩn trước mắt ta. Tốt hơn hết là điều động chính những người Việt đến đây, nhưng phải là những người Việt đáng tin cậy và có học vấn để có thể làm bạn với cậu. Cậu thấy Hải là người thế nào?
- Cảm ơn đại úy đã cử Hải đến đây. Anh ấy là người bạn tốt. Một kiểu người trí thức nhaqué (nhà quê). Ở anh ấy thấy sự đôn hậu, thẳng thắn, trọng danh dự. Có điều lúc nào cũng rầu rầu. Mà phải thế chứ. Chúng ta bắt ông sư đi. Người vợ sắp cưới của anh sợ hãi bỏ đi mất, không thấy về.
- Tôi thích sự thẳng thắn, lương thiện, trọng danh dự của anh Hải. Hải là một thầy giáo trước khi vào lính mà.
Thalan nở nụ cười mỉm. Bố Thalan là giáo sư trung học. Mẹ cũng là giáo viên dạy nhạc, lại là hậu duệ của một gia đình quý tộc lâu đời đã sa sút. Thalan không khoe nguồn gốc của mình. Tuy nhiên dấu tích rất rõ trong tính tình và tính cách của ông. Đại úy trọng sự trung thực, lương thiện và danh dự. Tính quân nhân và tính quý tộc là hai điều thấy rõ nơi ông. Phải chăng chính vì thế nên đại úy rất yêu mến, yêu đến độ sùng bái vị tướng năm sao De Lattre. Ở con người vị tướng ấy, sự quyết đoán lắm khi đi đến độc đoán, sự kiêu hãnh lắm lúc đến cực đoan nên người trong quân đội viễn chinh gọi ông là Vua Jean điên rồ. Cũng có thể vì lý do ấy mà Thalan yêu mến, quý trọng thượng sĩ Hải cũng nên. về Hải, Gustave thêm nhận xét:
- Về đến đây, tôi mới biết quản Mật và thượng sĩ Hải là người cùng làng. Tính cách của họ như lửa với nước. Một người quỷ quyệt, tàn nhẫn. Một người thâm trầm, hiền hòa. Họ thuộc về hai dòng họ thù hằn nhau.
- Đúng vậy. Cho nên tôi mới cử Hải về đây. Để cậu được ghe tiếng nói từ hai chiều. Hoàn toàn nghe Mật nói cũng dễ sai lệch. Chúng ta có thể tin cậy Mật, vì anh ta thù ghét Việt Minh Tuy nhiên, chúng ta phải nghĩ theo cách một dân tộc văn minh, một dân tộc nổi tiếng trên toàn cầu với tự do, bình đẳng bác ái. Chiến tranh là tàn bạo, nhưng một dân tộc văn minh làm chiến tranh cũng phải tiến hành một cách văn minh. Tôi muốn những người Việt cộng tác với chúng ta trong cuộc chiến này, sau khi ra khỏi chiến tranh cũng phải học được ở chúng ta một cái gì.
- Xin đại úy cho một ví dụ.
- Như sự bình đẳng tự do chẳng hạn. Tôi chỉ là một đại úy quèn. Nhưng tôi cũng có thể phát biểu về chiến tranh, thậm chí có thể tranh cãi bình đẳng với một vị tướng lừng danh. Tháng trước, tướng De Lattre cho mời một số chỉ huy các ca chê (quartier: phân khu) về tổng hành dinh để rút kinh nghiệm. Tôi có mặt trong cuộc họp ấy. Đại tướng rất kiêu hãnh về chiến lược phòng thủ bằng hệ thống đồn bốt boongke. Ông ta nói hệ thống ấy là một tấm lưới bê-tông, ngăn không cho quân đội Vịệt Minh từ chiến khu Việt Bắc xuống đồng bằng. Đồng bằng Bắc bộ là vựa lúa, là kho hậu cần của Việt Minh, về mặt lý thuyết, quân Việt Minh sẽ bị cắt đứt khỏi nguồn tiếp tế. Tôi phát biểu ý kiến: Trên thực tế, ta vẫn không ngăn được, vì đây không phải là một chiến lũy liên tục. Giữa hai đồn bốt là những khoảng cách. Việt Minh vẫn có thể di chuyển thẩm lậu ở những khoảng cách đó. Nếu tin cậy quá vào những lô-cốt bê-tông ấy, sẽ có tác động tiêu cực. Tự nhốt kín trong đồn bốt bê-tông dần dần sẽ bị nỗi sợ hãi xâm chiếm. Ta sẽ chuyển sang thế phòng ngự bị động. Ta sẽ trở nên tĩnh. Trong lúc chúng ta tưởng được bảo vệ kín đáo, thực ra là chúng ta như nằm trong nhà kính. Ai ai cũng có thể quan sát, nhìn rõ chúng ta trong đồn trại. Bởi vì Việt Minh, dân chúng, dân quân du kích đều lẫn lộn không thể phân biệt. Họ có thể lọt vào trong đồn mà ta không biết. Người lính có khả năng chiến đấu bảo vệ đồn bốt nhưng không có khả năng chống lại người bản xứ xâm nhập đồn. Người ta bảo De Lattre là vị đại tướng điên rồ, ưa quát tháo nếu ai phát biểu trái ý. Nhưng hôm ấy ông lại ngồi im lặng, chăm chú nghe tôi nói. Thậm chí, khi tôi trình bày xong, ông lại nhiệt tình bắt tay, khen ngợi tôi.
Đến lúc ấy, Gustave mới biết mục đích của cuộc viếng thăm này. Tuần trước, quân Việt Minh tiêu diệt đồn Thà, một đồn có lô-cốt bê-tông, có một trung đội lính batidăng do một thượng sĩ tên là Roger chỉ huy. Tiêu diệt trong vòng hai tiếng đồng hồ. Ba nhăm người chết, trong đó có cả Roger. Mười lăm người mất tích. Mất một moọc chê 60, hai khẩu đại liên, toàn bộ hơn năm mươi khẩu súng trường, tiểu liên. Nhà cửa cháy rụi, lô-cốt bị đánh bộc phá. Nói chung, xóa sổ đồn Thà. Cuộc trò chuyện giữa đại úy Thalan và chuẩn úy Gustave kéo dài đến trưa. Cuối cuộc chuyện, đại úy ngừng nói, chỉ uống.
Cuộc độc thoại của Thalan chấm dứt trong sự trầm ngâm. Gió đông hiu hiu thổi vào tháp quan sát, ru người sĩ quan Pháp thiu thiu đi vào giấc ngủ. Gustave ngồi bên cạnh canh cho ông ta ngủ, đồng thời đưa tầm mắt ra xa xa, trên cánh đồng vàng ươm đang vào vụ gặt.
Rượu vang của Gustave thật ngon, thứ chính hiệu Pháp, mà Thalan vẫn ưa thích, mà Gustave vẫn nhớ mua về, rồi cất đi, để dành đến lúc này mang ra đãi. Thứ rượu vang đậm đà chất quê hương dìu người đại úy đi vào xứ mộng mị.
Giấc mơ trưa của viên đại úy vẫn chẳng khác gì khi thức. Chắc là ông ta nghĩ nhiều quá đến vị đại tướng năm sao trứ danh của mình, cho nên hình bóng của đại tướng lại về trong giấc mơ ông.
Đó là cuộc đón tiếp Jean De Lattre de Tassigny tại Phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả Paris, cả nước Pháp đều xôn xao vì cái tin tướng năm sao Jean De Lattre de Tassigny đã nhận trọng trách sang Đông Dương vừa làm Cao ủy vừa làm Tổng chi huy quân viễn chinh Pháp. Sau khi bị thua trận ở Biên giới, quân đội Pháp rút khỏi đường số 4 và tỉnh Lạng Sơn. Đó là một thất bại thảm hại. Tinh thần quân viễn chinh rã rời tưởng như sắp tan rã. De Lattre đã không đòi hỏi điều kiện, đã không dè dặt tuyên bố rằng:
- Tôi không đòi hỏi gì hết. Quân viễn chinh đang lâm nguy. Tôi đi cứu nguy cho quân đội bằng chính những phương tiện có sẵn ở đó. Các bạn sẽ phán xét tôi dựa trên những kết quả. Chỉ sau khi có những kết quả ban đầu, sự phục hồi đầu tiên, tôi mới sẽ trình bày một vài yêu cầu, những yêu cầu rất nhỏ để hoàn thành công trình.
Thế đấy! Một vị tướng tài ba, đầy tự tín đầy tham vọng cao thượng muốn cứu nguy, đem lại danh dự cho nước Pháp. Toàn thế các nhân vật cao cấp của Pháp trên toàn cõi Đông Dương đang hợp thành một đám đông khổng lồ, sốt ruột chờ đợi người hùng, vị tướng tài đã kháng chiến chống phát xít, đến Việt Nam như một vị cứu tinh. Những bó hoa đẹp nhất. Những bộ quần áo sang trọng nhất. Những con người cao sang nhất như cao ủy Pignon, tướng Carpentier. Những tấm huân chương lấp lánh, những phù hiệu cấp tướng, cấp tá đều được trưng ra ê hề, nhan nhản. Ai ai cũng cố gắng ăn mặc cho thật sang, mang một gương mặt cho thật tươi.
Máy bay hạ cánh, màu trắng bạc trên thân máy bay lấp lánh ánh mặt trời. Điệu nhạc Marseillaise cất lên. Cờ tam tài phất phới. Tiếng hô vang trời. Cao ủy Pignon, tướng Carpentier dẫn đầu đoàn quan chức cao cấp tiếp theo đường băng đến phía máy bay. Người ta đứng cách xa, nín thở. Kìa! Người anh hùng xuất hiện. Ông ta chậm rãi bước xuống thang máy bay. Đoàn tùy tùng từng người một cũng lần lượt bước ra. Choáng ngợp! Toàn thể phi trường choáng ngợp. Tất cả đều màu trắng. Những bộ quân phục trắng muốt nổi bật trên phi trường.
Ấn tượng nhất là đại tướng năm sao De Lattre. Ông mang trang phục hết sức quý phái và cổ điển. Chiếc cà vạt đen láy nổi bật trên nền quân phục mầu trắng đến mức tinh khiết. Những huân chương xếp hàng trên ngực, chứng tỏ giá trị cao quý của vị tướng tài. Nhưng De Lattre còn muốn nhấn mạnh đến tính chất quý tộc của mình bên cạnh tài năng quân sự. Đôi bàn tay quý phái của ông được trang trí bằng một đôi găng trắng toát làm bằng thứ da hươu thật mịn, thật mềm. Và nhất là ông cầm một chiếc can để thể hiện một dáng vẻ ung dung quý tộc.
Đoàn tùy tùng của ông là những chiến hữu, những chuyên gia về phương Đông, về thuộc địa, ăn mặc cũng trắng muốt tinh tế như ông tuy không thể sánh bằng. Trước khi lên đường, ông đã gọi điện dặn từng người:
- Điều quan trọng là ăn mặc. Phải lịch sự và đẹp đẽ. Hãy gặp những người thợ may giỏi nhất. Hãy bắt họ thử đi thử lại. Khi đặt chân lên Đông Dương, chúng ta phải thật tuyệt vời. Chúng ta bắt đầu một trang mới. Vì vậy, tất cả phải trắng muốt, tinh khôi.
Tiếng hoan hô vang dậy. Tiếng hoan hô ở phi trường. Tiếng hoan hô còn như ở trên trời bay xuống. Càng lúc càng to. Có tiếng ai đó dặn dò vào tai đại úy một điều gì đó. Cũng lúc ấy Thalan tỉnh dậy. Trưởng đồn Gustave nói:
- Đại úy đã chợp mắt được một giờ.
Thalan vươn vai:
- Dễ chịu quá. Khỏe hẳn ra. Đêm qua mình chỉ ngủ chập chờn. Giấc mơ cũng rất tuyệt. Bây giờ mình vẫn còn nhớ những điều trong mơ. Hay thật. Mình lại gặp đại tướng trong giấc ngủ... Nhưng... Quái lạ thật... Cái đoạn cuối giấc mơ mình lại quên tịt... Chẳng còn nhớ chút gì... Phải rồi! Ai đó ghé vào tai mình nói... Có thể là tiếng nói của đại tướng. Thế mà chẳng còn nhớ một chữ... Lạ thật!
Gustave gật đầu:
- Người ta nói rằng trong giấc mơ, điều ta quên đi chính là điều quan trọng nhất. Điều quên đi ấy chính là cái nút của giấc mơ. Có những vấn đề làm ta trăn trở, suy nghĩ đêm ngày mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Rồi lời giải đáp ấy đến trong mơ, nhưng ta lại quên ngay mất.
Câu nói của viên chuẩn úy càng làm cho Thalan bực bội sốt ruột. Ông tập trung ngẫm nghĩ. Nhưng câu nói đó, ý tưởng đó không biết đã lẩn trốn ở xó xỉnh nào trong óc ông mà vẫn biệt tăm biệt tích.
Khi ấy, Gustave đưa ống nhòm nhìn ra cánh đồng tứ phía. Tất cả đều một màu vàng ươm. Đang vụ gặt. Người nhà quê từng tốp lố nhố trên những ruộng lúa. Những bóng người áo nâu, nón lá kĩu kịt gánh lúa nhịp nhàng ve vẩy, nối đuôi nhau đi trên con đường trải đá. Họ đi theo vệ cỏ ở hai bên lề đường nơi trước đây rất hay chôn mìn, tuy nhiên họ đi rất thanh thản vững tin, như thể những chỗ ấy chưa bao giờ là nơi chết chóc. Mà lạ thật, trước đây, đội mở đường sớm nào cũng tìm thấy mìn. Còn từ một tuần nay không thấy bóng dáng tử thần. Mìn không cánh mà đã bay đâu hết. Hình như ở đây có một sự phối hợp nhịp nhàng vô hình nào đó. Bởi vì cũng từ một tuần lễ nay, nông dân bắt đầu gặt lúa. Không phải các ông lý trưởng các làng là những người có quyền hành. Có một người bí mật nào đó, một tổ chức bí mật nào đó đã điều hành tất cả những chuyện này. Hình như các ông lý trưởng các làng cũng bị phụ thuộc vào sự điều hành ấy. Đại úy Thalan nói về sự cô đơn của các đồn bốt. Với cái ống nhòm, Gustave hình như đã hé nhìn thấy một điều gì. Có lẽ đó là cảm giác đang bị vây bủa trong một tấm lưới vô hình.
Mãi không nhớ ra được điều đã quên trong mơ, đại úy Thalan bực mình lên xe díp quay trở về P.C Gustave cùng với thượng sĩ Hải và một tiểu đội lính cũng ra khỏi đồn đi đến chỗ những đám thợ gặt. Quản Mật đã có mặt ở ngoài đồng suốt buổi sáng. Gustave hỏi:
- Tình hình ra sao?
- Đã kiểm tra khắp cánh đồng. Dân làng theo đúng quy định của đồn. Chỉ có dân các làng Trung làng Đoài. Không có người lạ mặt. Dân không thuê thợ gặt người thiên hạ. Tôi cùng ông lý đã nhận mặt từng người.
Gustave dẫn quân lên đường cái. Nhìn thấy chiếc xe díp từ hướng P.C đi tới, tung bụi mù trời. Người trên xe vẫy tay gọi rối rít. Hóa ra lại là đại úy Thalan:
- Tôi nhớ ra rồi. Về đến gần P.C mới nhớ ra. Phải vội quay lại ngay. Câu nói quên đi là: “Đừng tự nhốt kín trong đồn. Hãy đem quân đi lùng sục, phục kích đêm cũng như ngày”. Đó cũng là ý của tôi.
Thalan nhảy xuống xe, đến bên Gustave nói nhỏ một điều gì đó. Hải chỉ nghe rõ được hai chữ “mùa gặt”. Đại úy lại nhảy lên xe quay trở về bốt huyện. Lúc này, mặt ông ta tươi tỉnh chứ không nhăn nhó như lúc ở trong đồn Sọ.
Gustave dẫn lính đi vào thôn Trung. Đường làng phủ đầy rơm rạ. Cả làng chìm trong hương lúa thơm ngát, ngọt ngào. Những đứa trẻ cười ròn, lăn lộn trên thảm rơm. Những con trâu bóng nhẫy, bụng căng phồng, đứng ở những góc vườn, miệng nhai liên miên không biết mỏi. Những đàn sẻ đậu trên sân phơi thóc thấy người vội vù vù bay lên cây mít trốn lủi. Hai người đàn bà đứng trên sân gạch cầm nia sẩy lúa. Tiếng hạt thóc chắc rơi rào rào và thổi bay những rơm rác thành đống. Hai người đàn bà mặc váy, mặc yếm, vấn khăn nâu tóc đuôi gà, lưng trần rám nắng, nhịp nhàng đôi tay hất lên, hất xuống dẻo quẹo cái dáng thật là duyên dáng kỳ diệu “Đẹp hơn cả bức tranh”. Gustave đứng ngây người ngắm mãi không chán mắt.
Đi qua làng, Gustave dẫn mọi người đến chùa và bảo toán lính:
- Các anh vào bên trong, sục sạo khắp nơi thấy gì khà thì báo với tôi.
Nói xong, Gustave kéo Hải ra ngồi dưới gốc thông nhìn cánh đồng, hút thuốc lá. Hải nói:
- Khổ thân ông sư già. Có là Việt Minh đâu. Phật giáo chỉ là ngọn cỏ ở giữa đồng quê. Thân phận cỏ nên phải chịu tang thương trước các loại gió.
Gustave cười:
- Anh có biết ai đã sai tôi phải luôn đe nẹt ngôi chùa này không? Đại úy Bernard phụ trách phòng nhì P.C đấy. Lão ta bảo Phật giáo không đáng sợ. Họ không có tổ chức khoa học. Nhưng họ gắn liền với làng xóm nông thôn nên dễ ngả theo Việt Minh. Ngôi chùa này đã có sư đi theo Việt Minh nên có thể nói họ đã ngả về cụ Hồ Chí Minh. Trung úy Bernard cũng biết ông sư cụ không là cách mạng nhưng đã lặng im để ngôi chùa cho Việt Minh sử dụng. Vì vậy phải luôn đe nẹt để quân du kích không dám bén mảng tới nơi này.
Gustave châm điếu thuốc lá trước khi nói tiếp:
- Tôi biết anh sắp cưới cô Nguyệt, con nuôi ông sư già, vì thế anh xót xa cho ngôi chùa này. Tôi cũng biết anh buồn rầu khi cô Nguyệt sợ hãi trốn đi. Đại úy Thalan thì hoàn toàn tin cậy ở anh. Ông ta hiểu anh vào quân đội Pháp chỉ muốn tạo lập một thế lực cân bằng giữa dòng họ của anh và dòng họ ông quản Mật. Nhưng đại úy Bernard thì không. Nghề nghiệp của ông ta là thế. Từ khi phát hiện ra hầm bí mật ở nhà chùa, ông ta không có bằng cứ gì nhưng nghề nghiêp của ông ta là thế.
- Nghĩa là thực chất việc điều tôi về bốt Sọ không phải vì mục đích để giúp anh.
- Tôi nghĩ cũng không phải như thế.
Cách nói của Gustave không rõ ràng, tuy nhiên một người Pháp thổ lộ với một người Việt như thế cũng là quá nhiều. Hải cảm ơn Gustave. Anh ta thực sự là người bạn của Hải. Thực ra, Gustave cũng nhiều tâm sự. Anh ta là người Pháp nhưng cũng có yên đâu. Gustave đã chẳng nói với Hải rằng chính anh ta cũng đã được thẩm vấn một cách khéo léo khi nhận một lá thư từ Pháp gửi sang sao.
- Người Pháp chúng tôi nghiên cứu về Việt Nam khá kỹ càng. Có người nói. “Ai nắm được nông dân Việt, người ấy là kẻ chiến thắng”. Có ba thế lực nắm hiểu được nông dân Việt Nam. Đó là người Cộng sản, người Thiên Chúa giáo, người Phật giáo. Tuy nhiên, phải gạt Phật giáo ra vì Phật giáo lỏng lẻo và bất bạo động. Còn lại người Cộng sản và Thiên Chúa giáo. Lẽ dĩ nhiên người Thiên Chúa gắn với phương Tây từ lúc mới ra đời ở xứ này nên họ theo người Pháp chúng tôi. Người Cộng sản phần lớn từ nông dân mà ra nên họ bắt rễ trong nông dân rất sâu. Nông dân không theo Thiên Chúa giáo, lại là đa số. Cho nên, trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở nông thôn họ có ưu thế hơn. Tuy nhiên, người Thiên Chúa giáo vẫn có ưu thế riêng của họ. Họ có tổ chức rất chặt chẽ. Họ có người lãnh đạo được học hành đến nơi đến chốn. Họ lại luôn được phương Tây ủng hộ...
Hải cười:
- Còn phải kể thêm một ưu thế nữa. Đó là: họ còn mang trong huyết quản cái nhiệt tình quá đỗi, cái cuồng tín của các hiệp sĩ thánh chiến thời trung cổ. Tuy nhiên, điều đó cũng là nhược điểm của họ. Sự cuồng tín làm người ta sợ hãi khó gần. Chúa Kitô rao giảng tình thương, còn các hiệp sĩ thánh chiến lại muốn dùng bạo lực để xác định niềm tin. Riêng đạo Phật trước sau, chỉ một lòng rao giảng từ bi. Ai biết được tâm từ bi có sức mạnh to lớn đến đâu. Điều này chỉ có tương lai mới thấy hết.
Hải và Gustave cứ bàn những chuyện đâu đâu như thế mãi cho tới lúc, tiểu đội lính từ trong chùa đi ra. Hạ sĩ chỉ huy là một người Công giáo. Anh ta báo cáo với Gustave:
- Thực chết cười! Khi chúng tôi vào chánh điện, chú tiểu dẫn một ông sư tuổi ngoài bốn mươi ra. Tôi hỏi: “Chùa này có theo quan Tây không? Ông ta trả lời “A di đà Phật”. Chú tiểu phiên dịch: “Tức là có ạ”. Tôi lại hỏi “Thế sao sư cụ lại bị bắt?”. Ông sư lại nói: “A di đà Phật”. Chú tiểu lại nói: “Tức là bị bắt oan ạ”. Tôi lại tiếp tục: “Thế tại sao lại có hầm ở bờ ao?”, vẫn điệp khúc A di đà Phật. Chú tiểu thông dịch: “Chúng tôi không biết ạ”. Tất cả chỉ bằng một câu như thế. Thế có chán mớ đời không. Họ giả ngô giả ngọng đây mà.
Đêm hôm ấy, quản Mật ở nhà giữ đồn. Đích thân Gustave dẫn hai tiểu đội batidăng đi phục kích. Chuẩn úy ra lệnh:
- Chín giờ ba mươi đêm nay xuất phát. Toàn đội mặc quần áo đen mang tiểu liên, đi chân đất. Phó đồn Mật trực điện đài. Mật hiệu gọi đồn là Chim ưng, đội phục kích là Thỏ rừng. Tiểu đội Moóc chi ê sẵn sàng đợi lệnh.
Chín giờ mười lăm, đội tuần tiễu tập họp ở sân trước. Gustsve ra lệnh cho chạy tại chỗ. Chỉnh đốn quân trang. Thắt lưng cho gọn chặt, sao cho khi chạy nhanh, bao đạn và lựu đạn không phát ra tiếng động dù rất nhỏ.
Đến đúng giờ, đoàn quân ma xuất phát lên đường. Chia làm hai nhóm. Một nhóm Gustave chỉ huy. Một nhóm do trung sĩ Ái, người lính Thiên Chúa giáo lúc chiều đã vào chùa tra vấn. Hải đi sau lưng Gustave. Trời tối thui. Họ không đi theo đường mòn. Theo bờ lúa, qua đầu làng Trung, lội trên cánh đồng sâu, nước đến đầu gối. Phải lội thật khéo để không phát ra tiếng động. Tiếng chẫu chuộc, ễnh ương vang khắp cánh đồng, đoàn quân đến đâu lủ ếch nhái ở đó đột nhiên im bặt. Mười hai giờ đến đê sông Đào. Lệnh của Gustave: tuyệt nhiên không nổ súng dù có sự gì xảy ra. Lúc này mới rõ nhiệm vụ. Khi đại úy Thalan nói nhỏ với Gustave lúc chiều, tức là lúc ông trao nhiệm vụ. Lúc này đang vụ gặt. Chắc chắn Việt Minh sẽ thu thóc trong dân chuyển sang vùng du kích, cần phải nắm được cách chuyển vận cùa họ.
Toàn nhóm chui trong cỏ rậm ven đê nhìn vào quãng sông, nơi có con đường từ đầu làng Trung đi ra. Sang bên kia sông, vào vùng du kích, thường phải qua khúc sông này, bởi vì ở đây sông hẹp và nong. Chỉ được nửa tiếng thì trăng hạ tuần như cái liềm vàng đã treo ở góc trời. Nằm im lặng đã lâu nên tiếng ếch nhái lại vang lên ở ngay bên cạnh chỗ nấp.
Đồng khuya, trăng khuyết, trăng lu, màn đêm ảo mờ sương loãng. Bỗng dưng, ếch nhái ngừng kêu. Theo kinh nghiệm đi phục kích đêm, Gustave biết chắc có người sắp tới. Chuẩn úy căng mắt nhìn ra phía con đường đầu làng, rồi nhìn con đê trước mặt. Đây rồi. Trong sương mờ dần dần hiện ra một đoàn người. Bên bờ sông phía bên kia cũng vậy. Bỗng nhiên thấy nhô lên một toán người đeo súng: Quân du kích. À họ vác cả những cây tre trên vai. Gustave ra lệnh: Không được nổ súng tuyệt đối không để lộ. Mục đích của ta là quan sát hành động của họ. Nhìn đám người lố nhố, chuẩn úy ước tính họ có chừng ba mươi tay súng, đấy là chưa kể những du kích còn nằm ở vệ đê yểm trợ.
Đám người bắt đầu hành động. Xem họ làm gì nào? Ở hai bên sông đều có người lội xuống nước. Họ cắm tre xuống bùn. Hai cây tre tạo thành hình chữ X. Có hai chữ X ở hai bên sông. Họ gác một cây tre lên hai chữ X, rồi buộc dây. Hiểu rồi. Họ làm một chiếc cầu khỉ. Chỉ cần cây tre buộc làm tay vịn nữa là xong. Cũng vào lúc ấy, một đoàn người toàn là đàn bà quang gánh trên vai xuất hiện trên con đê, leo lên cầu khỉ qua sông. Gustave đếm ba mươi hai gánh. Mấy phút sau đoàn gánh thóc thứ hai lại qua cầu. Toán này hai mươi. Vị chi tổng cộng hơn năm mươi gánh mỗi gánh bốn mươi cân. Trên con sông Đào này, đêm nay có mấy cái cầu, có bao nhiêu gánh thóc qua sông? Việt Minh đang chuyển thóc về vùng mình. Vụ mùa này, họ có thể lấy đi từ đây hàng trăm tấn lương thực rất dễ dàng. Đại úy Thalan đến đồn Sọ sáng nay cũng vì chuyện này. Ông đang thực hiện ý đồ của tướng De Lattre phải bịt kín tấm lưới không cho thóc chảy ra vùng du kích.
Ở hai bên sông, họ đang cởi dây buộc. Hai cây tre thân cầu và tay vịn đã được tháo ra. Rồi những cái cọc tạo hình chữ X cũng được rút lên. Loáng một cái, cây cầu đã biến mất. Thật giản dị nhưng cũng thật thần diệu. Con sông lại lặng lờ chảy, cứ như thể chưa bao giờ có một cây cầu đã mọc lên ở đây. Cây cầu không hề để lại một dấu tích.
- A lô! Thỏ rừng gọi Chim ưng. Thỏ rừng gọi Chim ưng.
- Chim ưng nghe rõ 5 trên 5.
- Nhiệm vụ đã xong. Thỏ về cửa Tây.
Hai tổ gặp nhau lúc bốn giờ. Khi trời gần rạng sáng thì họ về đồn. Gustave vào nhà bếp uống ly cà phê, ăn bánh quy, rồi về buồng chợp mắt. Chuẩn úy sẽ ngủ cho tới khi mở đường xong, tức là sẽ dậy vào tám giờ sáng.
Khoảng tám giờ rưỡi đại úy Thalan cho xe díp xuống đón Gustave lên P.C báo cáo tình hình. Cuộc hội ý chỉ có ba người: Thalan, Bernard và Gustave. Chuẩn úy báo cáo tỉ mỉ tình hình du kích chuyển thóc qua sông đêm hôm trước. Bernard cũng cho biết những tin tức của những chỉ điểm viên của phòng nhì nằm vùng ờ các làng. Theo tin báo ấy, đêm nào cũng có những đoàn dân công chuyển thóc qua sông, tập trung để ở làng Thượng, sau đó mới chuyển vào sâu trong vùng du kích. Tới đây, việc chuyển vận sẽ tăng cường hơn, bởi vì đã tới kỳ thu hoạch rộ. Điểm qua sông của dân công là điểm cầu khỉ mà đêm qua Gustave chứng kiến, cùng với địa điểm thứ hai thuộc địa phận làng Lê Xá. Thalan đưa ra kế hoạch trận cướp lúa sẽ tổ chức ba mũi tấn công. Đồn Sọ chỉ để lại một trung đội giữ đồn và dùng súng cối yểm trợ, hai trung đội sẽ phục kích ở điểm cầu khỉ và đánh chặn đoàn thóc lúa từ đầu nguồn đi xuống. Đồn Trịnh Xá thì phục kích ở điểm qua sông Lê Xá và chặn cướp đoàn dân công từ hạ nguồn đi lên. P.C Huyện sẽ cho một đại đội lính da đen đánh sang bên kia sông. Pháo 105 từ P.C sẽ bắn yểm trợ các nơi. Đến sáng, máy bay sẽ là một mũi từ trên trời đánh xuống. Mật hiệu của P.C là Hổ vàng, của mũi Gustave là Thỏ rừng, của mũi Tịnh Xá là Mèo đen, của đại đội lê dương là Gấu đen...
Thalan định tấn công vào đêm mồng năm, nhưng mồng ba và mồng bốn Việt Minh đã tấn công trước. Đêm mồng ba, đồn phó Mật mang một tiểu đội đi “patờrui” (patrouille). Dạo này đêm yên tĩnh lắm, quản Mật cho rằng quân du kích đã hoàn toàn bị bật khỏi làng Trung, cho nên chỉ mang một tiểu đội batidăng đi. Hắn cũng theo chiến thuật của Gustave nghĩa là trang bị súng tự động nhẹ, cơ số đạn cao, lội ruộng mà đi. Bất ngờ và táo bạo, học tập hoàn toàn theo kiểu du kích. Nào ngờ hắn đi phục kích nhưng đã bị phục kích trở lại. Hắn đã bị một tốp du kích phục quân ở gần cánh đồng sâu đánh cho tơi tả. Quân du kích đông gấp đôi. Nhóm của Mật vừa từ cánh đồng sâu nhoi lên đê, một nửa trên bờ, một nửa còn dưới nước, đã bị du kích bắn xối xả. Không có điều kiện mà nằm, lại bị bắn từ trên cao xuống, ba tên chết ngay tại chỗ; quản Mật và lũ còn lại sống sót chạy tứ tung, may ra thoát chết. Du kích kéo xác ba tên chết và một tên bị thương nặng đến đường cái quan gần đồn. Bốn cái xác nằm song song giữa đường, đứa toác nửa đầu, đứa mất hàm, đứa phòi ruột, còn đứa bị thương nặng thì rên la oai oái, tiếng kêu vang đến cả lô-cốt boongke. Sáng sớm, bọn lính đi mở đường mới ra khiêng vào. Cái chết của mấy người lính làm những người còn lại trong đồn xì xầm cả ngày hôm ấy.
Đêm mồng bốn, Việt Minh tấn công đồn Trịnh Xá. Đồn nằm trên đất làng Trịnh Xá, bên con đường huyện lộ, cách P.C mười cây số, cách đồn Sọ năm cây số. Đồn này bị du kích tấn công kiểu khác. Việt Minh mang về hai khẩu cối 60. Hai khẩu moọcchê di chuyển liên tục, thay nhau bắn vào đồn Trịnh. Cả đêm hôm ấy đồn Trịnh cuống cuồng, tưởng quân chủ lực của Việt Minh sắp công đồn.
Thalan nhận định không phải quân chủ lực, nhưng cũng không phải quân du kích, mà là quân của tỉnh. Bởi vì quân của tính đội mới có súng cối. Thalan quyết định vẫn đánh trận đêm mồng năm. Thalan thấy hào hứng. Đánh nhau với du kích nhiều rồi. Vừa mệt vừa chán. Lần này ông quyết sống mái với quân tỉnh đội xem sao. Trong trận tranh giành thóc lúc này, ông quyết giành phần thắng. Ông ra lệnh điều thêm cho mỗi đồn lột khẩu F.M. Thalan nhớ tới câu chuyện khi tướng De Lattre mới sang Đông Dương, ông từ Sài Gòn bay ra Hà Nội thì được tin quân Việt Minh tập trung ở Vĩnh Yên. Lúc đó, quân viễn chinh vừa thất trận lớn, phải rút khỏi đường số 4 và Lạng Sơn. Tướng năm sao cương quyết nâng cao tinh thần quân lính đang bị tụt xuống rất thấp. Ông tuyên bố bảo vệ Bắc Kỳ đến cùng, quyết không lùi dù chỉ một tấc đất.
Ông đã cho đổ quân cơ động thiện chiến xuống Hương Canh. Rồi ném bom Napan. Lần đầu tiên, ở Đông Dương, ông cho dùng thứ vũ khí khủng khiếp đó. Kết quả, quân đối phương phải rút lui. Cũng từ đó, tiếng tăm của ông vang dội. Điều cốt yếu là phải rắn như thép. Phải có tinh thần của một hiệp sĩ quả cảm. Phải dũng mãnh như con hổ, xảo quyệt như con cáo.
Thalan linh cảm thấy hình như đối phương đã hiểu rõ ý đồ của quân Pháp. Sẽ không có chuyện bất ngờ tóm gọn đoàn người gánh thóc qua những chiếc cầu khỉ đâu. Nhưng cái làng Đông vẫn nằm sờ sờ ra đấy. Làng Đông bên kia sông không thuộc vùng kiểm soát của quân viễn chinh. Nó là làng du kích giáp ranh. Tuy nhiên, chưa khi nào nó bị càn quét. Người dân Đông vẫn tin rằng quân Pháp còn chưa bình định yên ổn vùng họ kiểm soát, làm sao họ với tay tới bên này sông. Điều hay ho là tất cả tin tức báo về đều nói làng Đông là cái kho trung chuyển. Tất cả thóc lấy được bên này sông đều được giao nộp về đấy trước khi chuyển sâu vào khu du kích. Cái hay chính là ở điểm này.
Ngày mồng năm.
Đúng 6 giờ tối mới có điện từ P.C về đồn.
- Hổ vàng gọi Thỏ rừng. Hổ vàng gọi Thỏ rừng, có nghe rõ không?
- Thỏ rừng nghe đây. Rõ 5 trên 5.
- Thỏ rừng đã rõ phương án 1, phương án 2?
- Đã rõ.
- Xem kỹ phương án 2. Mười giờ xuất phát. Điểm đến như cũ.
- Đã rõ.
Lần này, Gustave cho lính mặc quần áo ra trận, bộ quần áo xanh rằn ri, chứ không mặc quần áo đen như những lần trước. Bởi vì phải phối hợp với các đơn vị khác. Mặc đồ đen sợ có sự nhầm lẫn, đơn vị bạn lại tưởng là quân du kích, vẫn cái kiểu băng đồng tới nơi phục kích. Địa điểm vẫn là bãi cỏ rậm khi quan sát du kích dựng cầu khỉ. Phương án một là chụp bắt đoàn chở thóc qua sông tại trận.
Mười hai giờ đêm.
Gustave cho lính chui vào những bụi cỏ nằm quan sát con đê ở khúc sông hẹp. Họ nằm bẹp hòa mình vào đất và cỏ dại, cố căng mắt ra nhìn vào bóng đêm nhờ nhờ để tìm những bóng người, cố căng tai ra để nghe bản hòa tấu của triệu triệu con dế, con giun, con ễnh ương chão chuộc, để cố phát hiện ra những biến động âm thanh như tiếng vỗ cánh của một con chim đêm từ ruộng lúa bay lên, sự bỗng dưng bặt lặng của đàn ênh ương, tiếng xào xạc của một sinh vật chạm vào lá lúa, hoặc những tiếng thậm thịch nặng nề nào đó, tóm lại những dấu hiệu có thể tố cáo sự có mặt của con người. Tuy nhiên đã hàng giờ trôi qua rồi mà chẳng thấy gì. Sương đêm xuống đã làm lạnh đôi vai. Cái cầu khỉ vẫn không xuất hiện. Đoàn dân công gánh thóc vẫn bặt tăm hơi.
Hai giờ sáng rồi đến ba giờ sáng, vẫn chẳng thấy gì lạ. Đến lúc này Gustave mới thấy tài nhận định xét đoán của Thalan. Hai con hổ đang vờn nhau đưa ra cả những dọa nạt và những đòn giả. Bởi vì lương thực là cái sống còn của chiến tranh. Đến bốn giờ bỗng có tiếng súng nổ ở bên kia sông. Tiếp đó một tràng F.M. nổ giòn. Rồi súng nổ loạn xạ.
- Hổ vàng gọi thỏ rừng.
- Thỏ rừng nghe rõ.
- Bắt đầu phương án 2. Chú ý. Voi gầm bên kia sông.
Lúc ấy, súng bỗng im bặt. Pháo 105 từ P.Cbắn dọc theo bờ đê bên kia sông. Phương án 2 tức là đánh vào làng Đông, nơi được coi là địa điểm trung chuyển thóc gạo của quân du kích. Chờ cho pháo 105 dứt tiếng, Gustave ra lệnh cho lính chặt hết một vườn chuối ven đê, lấy thân chuối làm phương tiện sang sông.
Trời tờ mờ sáng. Pháo 105 chuyển làn, tập trung bắn vào làng Đông. Đã trông thấy những căn nhà trúng đạn bị cháy. Những cột khói đen bốc lên. Những mái nhà tranh, bắt lửa bùng đỏ rực, soi rõ cả những cây tre bị cụt ngọn, bị toác ra thành những chiếc chông tua tủa lên trời.
Lũy tre làng Đông rất dầy, nó là bức tường thành kiên cố che chở cho quân du kích bên trong. Đôi bên đánh nhau từ sáng đến trưa, quân Pháp vẫn chưa vào được làng. Khi quân da đen tập trung phá được cổng làng, một cuộc hỗn chiến thời trung cổ đã xảy ra. Người ta đánh nhau bằng dao găm, bằng lưỡi lê, bằng gậy tre, bằng mã tấu, bằng răng, bằng bóp cổ cào cấu, bằng đâm tim, mổ bụng, bằng vật lộn... Máu lênh láng. Ruột gan bung ra. Rên rỉ. Chửi rủa. La hét. Hận thù bốc lên đến trời xanh. Một chiến sĩ du kích ruột gan lòng thòng, nhìn thấy đồng đội mình đã chết hết, liền rút chốt quả lựu đạn Mỹ. Anh đã chết cùng với mấy người lính da đen còn sống sót.
Lúc ấy, tiếng súng bỗng bặt lặng. Không biết những người du kích đã biến đi đâu hết. Thalan gọi điện:
- Hổ vàng gọi thỏ rừng.
-Thỏ rừng nghe rõ.
- Gấu đen lục soát làng. Thỏ rừng về bên kia sông. Lục soát làng Trung. Mèo đen lục soát làng Đoài.
Trong cuộc lục soát lớn ấy, Gustave không có mặt ở làng Đông, anh không biết được tường tận, nhưng về sau anh biết được tình hình như sau: Đội quân lê dương đi tìm hầm, mãi đến năm giờ chiều mới tìm được cửa hầm. Nhưng đó không phải hầm bí mật cá nhân, mà là một hầm dài ăn thông ra cái miếu hoang giữa đồng. Quân du kích thoát ra ngoài làng từ lối đó. Về chiến lợi phẩm, quân Pháp nói đã chặn đứng được việc chuyển lương thực của Vĩệt Minh.
Còn tình hình ở làng Trung thì sao?
Gustave ra lệnh cho lính của mình vào từng nhà lùa tất cả già trẻ gái trai ra sân chùa điểm danh từng nhà một theo sổ gia đình. Gustave đã làm báo cáo lên P.C. Dân làng Trung hiện nay chỉ thấy đàn bà và trẻ con. Đàn ông từ mười bốn tuổi trở lên đều vắng mặt. Đàn bà thì không có mặt loại gái chưa chồng. Chỉ toàn các bà nạ dòng và bà già. Hôm nay đặc biệt có bốn đàn ông trung niên. Lệnh: đàn bà và trẻ con cho về nhà hết. Giữ lại bốn người đàn ông. Họ là những phần tử khả nghi. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ vắng mặt mà hôm nay lại có mặt. Có phải họ đã nghe thấy tin gì và trốn từ làng Đông về không? Làng Đông, làng Đoài, làng Trung cùng một xã. Dân hai bên sông có họ hàng và nhiều quan hệ với nhau. Nhiều con trai làng Trung đã trốn sang làng Đông và nhập quân du kích. Hiện đã có danh sách đích xác ba gia đình có con trai gia nhập bộ đội. Thalan ra lệnh đốt nhà ba gia đình đó. Gustave phải tự tay cầm đuốc châm vào ba mái tranh. Những người dân bị đốt nhà đứng khóc. Trẻ con càng khóc thảm thiết. Tiếng kêu khóc như ri. Có bà cụ già quỳ xuống lạy Gustave như tế sao:
- Lạy quan lớn. Xin quan lớn tha cho. Quan đốt nhà thì chúng tôi chui rúc vào đâu, sinh sống bằng gì. Quan hãy nghĩ đến mẹ mình ở quê mà thương chúng tôi.
Gustave phải lặng lẽ quay mặt đi, cúi đầu xuống. Trên đường trở về đồn, anh đăm chiêu, tư lự. Đêm hôm ấy, Gustave gọi Hải sang buồng mình uống rượu, uống xong ba chén rượu mạnh, anh mới nói:
- Thật xấu hổ. Khi bà cụ lạy mình, cứ cảm giác như chính mẹ đang lạy mình.
Hải cũng buồn:
- Chiến tranh mà! Ai có súng trong tay, kẻ ấy là chúa tể.
- Mình cũng hiểu chứ. Mình đã được học về Napôlêông (Napoléon) mang quân sang Tây Ban Nha. Và quân của ông ta đã xử sự ra sao, đã được những người du kích nước đó đối xử ra sao.
Gustave lại uống liền thêm mấy chén nữa:
- Cậu có biết bây giờ mình muốn gì không? Khi ở Pháp, mình tưởng sang Đông Dương làm chiến tranh người ta sẽ dàn trận đánh nhau như ở chiến lũy Maginot... Mình là người Pháp, chắc chắn là mình không muốn nước Pháp bị thua trận... Mình là người lính, chắc chắn mình sẽ thi hành tốt những mệnh lệnh mà chỉ huy giao cho... Chính vì vậy nên mình thật khổ... Bây giờ ư? Bây giờ mình chỉ muốn cho hết hạn hợp đồng ở Đông Dương... Tuy nhiên còn một năm nữa cơ... Một năm! Ôi thật là dài. Không biết trong một năm ấy, mình sẽ ra sao?
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Đội Gạo Lên Chùa
Nguyễn Xuân Khánh
Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh
https://isach.info/story.php?story=doi_gao_len_chua__nguyen_xuan_khanh