Người Vứt Bỏ
ấy tuần nay, tôi tránh tiếp xúc với những ai có thể hỏi tôi làm nghề gì; nếu thật sự phải gọi tên nghề ấy, tôi buộc lòng phải nói ra một từ khiến người đồng thời hoảng sợ. Vậy tốt hơn, tôi dùng cách trừu tượng để thú nhận trên mặt giấy.
Trước đây vài tuần thì khác, lúc nào tôi cũng sẵn sàng, gần như bắt mình phải thú nhận bằng lời nói; tôi tự xưng là nhà phát minh hoặc học giả tư, cực chẳng đã là sinh viên và trong lúc phấn chấn vì men rượu, là thiên tài vô danh. Tôi cảm thấy được tốt danh nhờ chiếc cổ áo sờn rách, phóng tay mua chịu của các nhà buôn, mặc cho họ ngần ngừ, ngờ vực nhìn bơ thực vật, thế phẩm cà phê và thuốc lá rẻ tiền biến vào túi măng-tô của tôi. Tôi thỏa thuê với vẻ chếnh mảng và uống vào lúc điểm tâm, vào buổi trưa và buổi chiều tối rượu mật của cuộc đời phóng đãng: khoái cảm cao độ bời không thích nghi với xã hội.
Nhưng từ mấy tuần nay, cứ vào lúc bảy giờ rưỡi sáng, tôi lên xe điện ở góc đường Roon, trình vé cho người kiểm soát xem như mọi người khác, tôi mặc vét-tông xám, sơ-mi xanh, thắt cà-vạt xanh nhạt, tay mang hộp nhôm đựng bánh mì điểm tâm, tờ báo ra ban sáng cuộn thành cái chùy nhẹ. Tôi có dáng vẻ của một công dân đã thoát khỏi nỗi trầm tư. Sau trạm thứ ba, đến khu tạm cư, tôi đúng dậy nhường chỗ cho một nữ công nhân mới lên xe. Hy sinh chỗ ngồi cho tình đồng loại rồi tôi đứng đọc báo tiếp, thỉnh thoảng lên tiếng dàn xếp những người đồng thời vì bực dọc buổi sáng mà không phải với nhau. Tôi sửa những lầm lẫn thô kệch nhất về lịch sử và chính trị (chẳng hạn giải thích cho người trên xe hiểu sự khác biệt nào đó giữa SA [1] và USA); nếu thấy ai đút điếu thuốc vào miệng, tôi kín đáo chìa cái bật lửa dưới mũi anh ta, đốt điếu thuốc ban mai với ngọn lửa nhỏ tí nhưng đáng tin cậy. Như thế, tôi làm trọn vẹn hình ảnh một công dân tử tế, ở vào cái tuổi người ta còn dùng chữ “có giáo dục” được.
Chắc hẳn tôi đã thành công trong việc mang chiếc mặt nạ để tránh những câu hỏi về nghề nghiệp của mình. Tôi chắc được xem như người có học thức kinh doanh những thứ thơm tho, bao gói cẩn thận: cà phê, trà, gia vị hoặc những vật nho nhỏ, đẹp mắt: nữ trang, đồng hồ; người làm việc ở một phòng thương mại xưa cũ dễ chịu, mang trên tường những bức chân dung màu sậm tối của các vị tiền bối đi buôn; người mà khi gọi điện cho phu nhân lúc mười giờ sáng biết đưa vào giọng nói dường như khô khan một vẻ âu yếm đủ để tỏ lòng yêu thương lo lắng. Vì tôi cũng biết tham gia vào việc nói đùa vô hại, không nín cười khi mỗi sáng ở đường Schlieffen, người công chức hành chính hét vào xe: “Hãy tăng cường cánh tả cho tôi!” (đúng ra là cánh hữu phải không?); vì tôi không ngại bình luận những việc xảy ra trong ngày cũng như kết quả xổ số thể thao nên tôi chắc được xem như người mà phẩm chất quần áo tỏ ra phong lưu, nhưng lại có nhân sinh quan bám chắc vào các nguyên tắc dân chủ. Cái vẻ đúng đắn phủ lên người tôi như chiếc quan tài thủy tinh bao phủ nàng Bạch Tuyết.
Khi một chiếc tải vượt qua làm nền cho cửa kính xe điện, tôi lợi dụng cơ hội ngắn ngủi để kiểm tra lại nét mặt. Nó không quá trầm tư, gần như đau khổ hay sao? Tôi vội xóa bỏ nét trầm tư, cố tạo cho mình vẻ mặt nên có: không dè dặt nhưng cũng không thân thiết, chẳng hời hợt mà cũng chẳng sâu sắc.
Hình như việc ngụy trang ấy đã thành công vì khi tôi xuống xe ở quãng trường Đức Mẹ, đi lẩn vào đám hỗn độn trong khu phố cổ, nơi có những phòng thương mại cũ kỹ dễ chịu, những phòng công chứng viên và nhiều văn phòng đầy vẻ kín đáo, không ai ngờ rằng tôi vào cửa sau hãng Ubia, hãng có thể tự hào đã đem lại cơm áo cho ba trăm năm mươi người và bảo hiểm nhân thọ cho hơn bốn trăm ngàn. Ông gác cổng chờ tôi ở cổng dành cho việc cung cấp hàng, mỉm cười với tôi. Tôi đi ngang qua ông, xuống hầm nhận việc phải làm xong lúc 8 giờ rưỡi, lúc nhân viên hãng ùa vào các phòng giấy. Công việc tôi làm giữa 8 giờ và 8 giờ rưỡi ở hầm nhà cái hãng đáng trọng ấy có mục đích duy nhất là phá hủy. Tôi làm việc vứt bỏ.
Tôi phải mất hàng năm trời để sáng tạo ra nghề của mình, để tính toán sao cho người ta có thể chấp nhận nó; tôi viết luận văn; các biểu đồ đã phủ kín - và vẫn còn phủ kín - tường nhà tôi ở. Năm này qua năm khác, tôi đi dọc trục hoành, leo lên trục tung. Tôi tận hưởng lý thuyết và thưởng thức cái ngây ngất lạnh người do công thức gây ra. Nhưng từ khi hành nghề và thấy thuyết của mình được thực hiện, lòng tôi lại tràn ngập nỗi buồn như nỗi buồn của vị tướng đang từ các điểm cao chiến lược hạ xuống những vùng thấp của chiến thuật.
Tôi bước vào phòng làm việc, cởi áo vét, mặc áo choàng lao động rồi bắt tay ngay vào việc. Tôi mở các bao to ông gác cổng đã mang từ bưu điện về từ hồi sáng sớm, trút ra hai thùng gỗ do tôi thiết kế treo lên tường, hai bên bàn làm việc. Như vậy, tôi chỉ cần dang tay ra như khi bơi lội và lẹ làng phân loại các bưu phẩm. Trước hết, tôi tách rời ấn phẩm và thư từ, một việc làm theo thói quen không hơn không kém, vì chỉ cần xem tem dán là đủ. Biết biểu giá bưu điện, tôi không cần suy nghĩ khu biệt khi làm việc này. Nhờ thử nghiệm lâu năm, tôi quen việc, xong tất cả trong vòng nửa tiếng. Lúc ấy tám giờ rưỡi: tôi nghe tiếng chân nhân viên ùa vào các phòng làm việc phía trên. Tôi bấm chuông gọi ông gác cổng đem thư tới từng bộ phận hãng. Lần nào tôi cũng cảm thấy buồn khi ông gác cổng khiêng đi một thùng tôn lớn bằng cái cặp học sinh chứa phần giữ lại tủ ba bao bưu phẩm. Tôi có thể phấn khởi được vì lẽ: thuyết vứt bỏ, đối tượng nghiên cứu riêng của tôi trong nhiều năm đã được chứng thực; nhưng lạ thay, tôi lại không phấn khởi. Rõ ràng có lý không phải lúc nào cũng là lý do để sung sướng.
Khi ông gác cổng đi khỏi, việc còn lại phải làm là xem cái núi ấn phẩm còn thư nào để lầm vì dán tem sai hoặc hóa đơn gởi dưới dạng ấn phẩm hay không. Việc này gần như thừa thãi, sự đúng đắn trong lưu thông bưu chính thật đáng phục. Ở đây, tôi phải thú nhận là đã tính sai: tôi ước lượng số người ăn gian bưu phí quá nhiều.
Ít khi nào một bưu thiếp, thư hay hóa đơn gởi dưới dạng ấn phẩm lại thoát khỏi sự chú ý của tôi; lúc chín giờ rưồi, tôi bấm chuông gọi ông gác cổng đem đối tượng còn lại của sự xem xét kỹ lưỡng đến các bộ phận hãng.
Bây giờ là lúc tôi cần được bồi dưỡng. Vợ ông gác cổng đem cà phê tới, tôi mở hộp nhóm lấy bánh mì ra ăn, vừa trò chuyện với bà gác cổng về các con của bà. Alfred làm tính khá hơn chưa? Gertrud có sửa được các lỗi chính tá không? Alfred không khá tính hơn, còn Gertrud đã sửa được các lỗi chinh tả. Cà thật chín chưa, thỏ mập không, và việc thử nghiệm trồng dưa có được thành công? Cà chưa chín lắm, thỏ mập, còn việc thử nghiệm trồng dưa chưa có kết quà rõ ràng. Vấn đề lớn là có nên trữ khoai dưới hầm, các câu hỏi giáo dục như nên hướng dẫn cho con về giới tính hay để con hướng dẫn mình đều được chúng tôi bàn tính kỹ lưỡng.
Lúc mười một giờ, vợ ông gác cổng thường còn yêu cầu tôi để lại vài tờ quảng cáo du lịch trước khi rời chỗ tôi làm; bà sưu tầm chúng, và sự đam mê ấy khiến tôi thấy vui vì tôi còn giữ kỷ niệm sâu đậm đối với những tờ quảng cáo du lịch. Hồi đó, tôi cũng sưu tầm những tờ quảng cáo du lịch vớt ra từ sọt giấy của ba tôi. Tôi sớm nghĩ ngợi về việc ba tôi vừa được nhân viên bưu điện đưa thư, chưa xem tới đã ném vào sọt giấy. Quá trình ấy làm tổn thương thiên hướng bẩm sinh của tôi về kinh tế: cái gì đó được phác thảo, biên soạn, in ấn, cho vào phong bì rồi thông qua các ngõ ngách bí ẩn của bưu điện để đến địa chỉ của chúng ta; nó thấm mồ hôi của người vẽ, người viết, của thợ in, của em học nghề lo việc dán tem; nó tốn kém - trên nhiều bình diện và theo nhiều biểu giá khác nhau; tất cả những điều đó để rồi phải vào sọt giấy, không đáng tới một cái nhìn nữa sao?
Mười một tuổi, tôi tập thói quen hễ ba tôi vừa đi cơ quan làm việc thì lấy ngay những thứ trong sọt rác ra xem xét, phân loại và giữ gìn trong rương đựng đồ chơi. Vì vậy khi lên mười hai, tôi đã làm chủ một sưu tập lớn gồm những tờ khuyến mãi rượu riesling, nhiều ca-ta-lô mật ong nhân tạo và lịch sử nhân đạo. Sưu tập quảng cáo du lịch của tôi từ từ lớn thành bộ tự điển bách khoa; xứ Dalmatie cũng quen thuộc với tôi như các vịnh hẹp Na Uy, nước Écosse [2] cũng gần gũi như phố Zacopane, những khu rừng Bohême làm tôi yên tĩnh bao nhiêu thì sóng nước đại dương khiến tôi bồn chồn bấy nhiêu. Tôi được mời mua bản lề, nhà ở, nút áo, các đảng phái xin tôi phiếu bầu, các quỹ công ích xin tôi tiền; những cuộc xổ số hứa hẹn với tôi sự giàu có, các giáo phái cầu chúc tôi cuộc sống nghèo nàn. Độc giả thử tưởng tượng xem bộ sưu tập ấy ra thế nào lúc tôi lên mười bảy, và trong cơn buồn chán chợt đến, tôi mời một người buôn đồ cũ mua, được ông ta trả bảy mác sáu mươi xu.
Học xong trường trung cấp, tôi nối gót cha, đặt chân lên con đường dẫn tới sự nghiệp hành chính.
Với bảy mác sáu mươi xu, tôi mua một tập kẻ mi-li-mét, ba viết chì màu, và con đường tới sự nghiệp hành chính của tôi trở thành một đường vòng đau đớn, vì trong khi là kẻ học nghề hành chính bất hạnh, tôi lại mơ thành người vứt bỏ đầy hạnh phúc. Cả thời gian rảnh rỗi tôi dành cho những bài tính rườm rà. Đồng hồ bấm giây, viết chì, thước tính, giấy kẻ mi-li-mét là đồ trang bị thường xuyên cho sự rồ dại của tôi. Tôi tính thời gian cần thiết để mở và nhìn lướt qua một ấn phẩm khổ nhỏ, vừa hay lớn, có hình hay không có hình, để tự thuyết phục về sự vô ích của nó và ném nó vào sọt giấy. Quá trình ấy đòi hỏi tối thiểu năm giây, tối đa hai mươi lăm giây; nếu ấn phẩm được minh họa và có nội dung kích thích người xem thì phải tính đến hàng phút, nhiều khi hàng khắc đồng hồ. Tôi cũng tìm ra phí tổn tối thiểu cho việc sản xuất ấn phẩm bằng cách giả thương lượng với nhà in. Tôi không ngừng kiểm tra và cải tiến kết quả nghiên cứu của mình (chừng hai năm sau, tôi mới sực nhớ phải tính cả thời gian đổ sọt giấy của các bà lo việc vệ sinh); tôi áp dụng kết quả nghiên cứu đó vào các xí nghiệp có mười, hai mươi, một trăm nhân viên hay nhiều hơn nữa và thu được kết quả mà một chuyên viên kinh tế sẽ không ngần ngại cho là nguy cấp.
Lòng trung thành thúc dục tôi dành quyền sử dụng kiến thức ấy cho cơ quan của mình trước hết. Thế mà dù đã dự kiến có khả năng bị phụ ơn, nhưng mức độ của sự phụ ơn khiến tôi phải hoảng sợ; tôi bị kết tội lơ đễnh công việc, bị nghi ngờ theo thuyết hư vô, bị xem như mắc bệnh tâm thần và bị sa thải. Tôi từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn - điều khiến cha mẹ thân yêu của tôi phải đau lòng - bắt đầu một sự nghiệp khác rồi lại cũng bỏ giữa chừng, tôi rời tổ ấm gia đình và - như đã nói - kiếm ăn bằng thiên tài vô danh. Tôi nếm nỗi nhục phải đem phát minh của mình đi bán rong nhưng chẳng ai mua, sống bốn năm thần thánh trong tình trạng phi xã hội, nhất quán đến nỗi phiếu đục lỗ của tôi ở bộ sưu tập phiếu trung ương lâu nay đã mang dấu “mắc bệnh tâm thần”, giờ lại được đục thêm dấu hiệu mật có nghĩa “phi xã hội”.
Trong hoàn cảnh như vậy, chắc ai cũng có thể hiểu vì sao tôi qua sơ hãi khi có người - nói rõ hơn là ông giám đốc hãng Ubia - thấy cái hiển nhiên của điều tôi suy nghĩ là hiển nhiên. Tủi nhục thay khi mang chiếc cà vạt màu xanh nhạt nhưng tôi phải tiếp tục cải trang trong lúc đi lại, vì tôi run rẩy, lo sợ người ta nhận ra mình là ai. Tôi cố tạo cho mình vẻ mặt nên có khi cười về câu đùa ở đường Schlieffen, vì không ai kiêu hơn các chàng tếu trên xe điện buổi sáng. Thỉnh thoảng, tôi lại sợ xe đầy những người làm công việc mà sáng hôm sau tôi sẽ phá hủy: những thợ in, thợ xếp chữ, những người vẽ phác, vẽ đồ hình, nhũng nhà văn viết quảng cáo, các bà lo việc đóng gói, các em học nghề thuộc đủ mọi ngành. Từ 8 giờ tới 8 giờ rưỡi sáng, tôi phá hủy một cách tàn nhẫn sản phẩm của những nhà máy, nhà in đáng trọng, đồ hình của những họa sĩ thiên tài, lời quảng cáo của nhiều nhà văn tài ba. Giấy sơn, giấy láng, bản đồng in lõm vừa lấy ra từ bao bưu điện, tôi đã xếp ngay thành từng gói vừa tay người buôn giấy cũ, hoàn toàn không chút cảm xúc. Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi tiêu hủy kết quả của hai trăm giờ lao động, tiết kiệm cho hãng Ubia một trăm giờ nữa, kết cuộc tôi đạt được (ở đây tôi mắc phải biệt ngữ của chính mình) độ cô đặc 1:300. Khi vợ ông gác cổng mang bình cà phê không và những tờ quảng cáo du lịch đi khỏi, tôi hết giờ làm việc. Tôi rửa tay, cởi áo choàng lao động, mặc áo vét, lấy tờ báo ban sáng rồi rời hãng Ubia bằng ngõ sau. Tôi thong thả qua phố, vừa nghĩ cách thoát khỏi sự kiềm chế của chiến thuật để trở về với chiến lược. Cái làm tôi mê mẩn dưới dạng công thức giờ khiến tôi phải thất vọng, vì nó tỏ ra quá dễ thực hiện. Áp dụng chiến lược là việc kẻ thừa hành cũng có thể làm được. Có khả năng tôi mở trường dạy vứt bỏ. Cũng có thể tôi tìm cách đưa những người vứt bỏ vào làm ở các Sở Bưu điện hay ngay cả ở các nhà in; người ta có thể sử dụng những năng lực, giá trị và trí thông minh lớn lao, có thể tiết kiệm bưu phí, hơn thế nữa, còn có thể đạt tới mức độ những lời quảng cáo tuy vẫn được nghĩ ra, phác họa, biên soạn nhưng không cần phải in nữa. Tất cả những điều này đều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nhưng riêng cái trò vứt bỏ không thôi cũng chẳng còn gây hứng thú cho tôi nữa; những gì cần được cải tiến đều có thể suy ra từ công thức cơ bản. Đã từ lâu, tôi bận lo tính vấn đề giấy gói và bao bì: đây còn là vùng đất hoang, chưa gieo trồng gì cả, ở đây còn nhiệm vụ tránh cho nhân loại khỏi rên xiết vì những mệt nhọc vô ích. Mỗi ngày có hàng tỉ động tác vứt bỏ, có biết bao năng lực bị phung phí, trong khi nếu sử dụng chúng, người ta có thể làm thay đổi cục diện thế giới. Điều quan trọng là có được phép thử nghiệm ở các cửa hàng bách hóa; có nên bỏ hẳn việc bao gói hay đặt người vứt bỏ thành thạo bên cạnh bàn gói hàng để mở ra ngay cái vừa mới được gói và xếp giấy thành từng xấp gọn gàng cho người buôn giấy cũ? Đó là những vấn đề cần cân nhắc. Dù sao đi nữa, tôi để ý thấy ở nhiều cửa hàng, khách cầu xin đừng gói món hàng họ mua nhưng đành phải chịu. Ở các bệnh viện thần kinh, ngày càng nhiều trường hợp người bệnh lên cơn đột phát khi mở gói chai dầu thơm, hộp bánh hạnh nhân hay bao thuốc lá. Tôi đang nghiên cứu kỹ trường hợp một anh láng giềng trẻ sống lây lất bằng nghề bình luận sách, nhưng nhiều khi không hành nghề được vì anh ta không tháo nỗi sợi kẽm ràng chằng chịt gói sách, và dù gắng sức làm được việc đó, anh ta cũng không thể nào chọc thủng băng giấy tẩm cao su dầy cộm dán chặt hộp các-tông. Thanh niên ấy có vẻ loạn trí và chuyển sang bàn luận sách mà không mở gói ra, cứ để nguyên như vậy vào kệ sách. Độc giả thử tưởng tượng xem trường hợp này có hậu quả như thế nào tới đời sống tinh thần của chúng ta.
Khi dạo phố giữa mười một giờ và một giờ trưa, tôi được biết thêm nhiều điều mới. Tôi kín đáo dừng chân ở các cửa hàng bách hóa, lượn quanh những bàn gói hàng; tôi đứng trước tiệm thuốc lá và nhà thuốc làm những thống kê nhỏ; thỉnh thoảng tôi cũng mua một món hàng nào đó để chính mình phải trải qua cái thủ tục vô nghĩa và tìm hiểu xem phải mệt nhọc như thế nào mới nhận được vật mình muốn có.
Như vậy, giữa mười một giờ và một giờ trưa, trong bộ quần áo hoàn hảo, tôi làm trọn vẹn hình ảnh một người khá sung túc để cũng có được những lúc nhàn rỗi. Người vào một quán ăn đàng hoàng lúc mười một giờ, lơ đãng chọn món ăn ngon nhất và viết trên miếng lót ly bia những ghi chú có thể là thị giá chứng khoán nhưng cũng có thể là mấy câu thơ mới nghĩ ra; người biết phê bình phẩm chất món thịt bằng những lời lẽ khiến anh hầu bàn tinh ý nhất biết ngay khách là tay sành ăn, người mà khi chọn món tráng miệng khéo ra vẻ lưỡng lự không biết nên dùng phó-mát, bánh ngọt hay kem và chấm dứt ghi chú bằng một động tác quả quyết, chứng tỏ đó là những thị giá chứng khoán. Gương mặt tôi càng lúc càng thêm vẻ ngẫm nghĩ khi tìm một tiệm cà phê để sử dụng thời gian tới ba giờ và đọc báo ra ban chiều. Lúc ba giờ, tôi lại vào cửa sau hãng Ubia để giải quyết thư từ phát buổi chiều, hầu hết là ấn phẩm. Chưa đầy mươi lăm phút, tôi đã tìm ra mười hay mười lăm cái thư; tôi chẳng cần phải rửa tay, chỉ phủi bụi sơ sài, đem thư tới ông gác cổng, rời chỗ làm việc, lên xe ở quãng trường Đức Mẹ, cảm thấy mừng vì trên đường về không phải cười về câu đùa ở đường Schlieffen nữa. Khi một xe tải chạy qua tấm bạt màu tối làm nền cho cửa kính xe điện, tôi lại nhìn gương mặt mình: nó đã bớt căng thẳng, điều đó nghĩa là: nó có vẻ suy ngẫm, gần như trầm tư, và tôi thưởng thức cái thoải mái không phải thay đổi vẻ mặt, vì không ai đi cùng chuyến xe ban sáng lại hết giờ làm việc vào lúc này. Tới đường Roon, tôi xuống xe, mua vài ổ bánh mì nhỏ, một miếng phó-mát hay xúc xích và cà phê xay sẵn rồi lên nhà, căn nhà nhỏ có những biểu đồ, những đường cong đầy biến động phủ kín tường. Giữa trục tung và trục hoành, tôi bắt lấy những đường thẳng nóng sốt cứ lên cao mãi: không đường nào của tôi lại hạ xuống, không công thức nào tạo sự yên tĩnh cho tôi. Rên rỉ dưới gánh nặng của những ý tưởng về kinh tế, cả giữa lúc nước nấu cà phê đang sôi, tôi sắp xếp thước tính, những tờ ghi chú và giấy, viết.
Nhà tôi ít đồ đạc như một phòng thí nghiệm! Tôi đứng uống cà phê, ăn nhanh miếng bánh mì kèm thịt, chẳng còn là người biết thưởng thức như lúc trưa. Rửa tay, đốt điếu thuốc xong, tôi cho đồng hồ bấm giây chạy và mở gói thuốc an thần mua lúc dạo phố ban sáng: giấy gói ngoài cùng, bao kính trong, hộp, giấy gói bên trong, tờ chỉ dẫn cách dùng buộc dây cao su: ba mươi bảy giây. Sự hao tổn thần kinh khi mở gói thuốc lớn hơn sức bồi dưỡng thần kinh liều thuốc có thể mang lại cho tôi, nhưng chắc hẳn điều ấy có những lý do chủ quan tôi không muốn đưa vào những tính toán của mình. Rõ ràng cái bao có giá trị hơn nội dung, và giá mua hai mươi lăm viên thuốc vàng nhạt không cân xứng chút nào với giá trị thật sự của chúng. Đây là những cân nhắc có thể lạc vào phạm vi đạo đức nhưng trên nguyên tắc, tôi tránh nói chuyện đạo đức. Bình diện thuyết lý của tôi là nền kinh tế thuần túy.
Một số lớn đồ đạc đang chờ tôi mở gói, nhiều tờ giấy chưa được đánh giá; mực xanh lá cây, đỏ, xanh da trời, tất cả đều để sẵn. Thường thường tới khuya, tôi mới đi ngủ, nhưng vừa chợp mắt, các công thức liền đuổi bắt tôi, cả cái núi giấy vô dụng đè lên người tôi; một số công thức nổ tung như đi-na-mít, tiếng nổ vang như tiếng cười giòn: đó là tiếng cười của chính tôi về câu đùa ở đường Schlieffen, phát xuất từ nỗi sợ người công chức hành chính. Có thể anh ta được quyền vào chỗ để bộ phiếu đục lỗ, tìm ra phiếu của tôi và nhận thấy ngoài dấu hiệu “mắc bệnh tâm thần”, nó còn mang dấu thứ hai nguy hiểm hơn có nghĩa “phi xã hội”. Không gì khó hơn việc bịt kín một lỗ nhỏ tí trong phiếu đục lỗ; biết đâu tiếng cười của tôi là giá phải trả cho sự vô danh của mình. Tôi không muốn thú nhận bằng lời nói điều tôi dễ viết ra giấy hơn: rằng tôi là người vứt bỏ.
Chú thích:
[1] Chữ viết tắt của đội quân tuyên truyền chính trị của đảng Quốc Xã Đức (Srurmabteilung).
[2] Một nước thuộc Vương quốc Anh (từ cũ: Tô Cách Lan).
Đêm Thánh Vô Cùng Đêm Thánh Vô Cùng - Heinrich Böll Đêm Thánh Vô Cùng