Sáng Tạo Phù Du
ến đây tôi nhận ra rằng không thể mãi lảng tránh hy vọng, nó thậm chí quấn lấy cả những người muốn thoát khỏi nó. Tôi phát hiện ra điều thú vị này trong những tác phẩm ta bàn ở đây. Ít nhất, trong địa hạt sáng tạo, tôi có thể liệt kê ra một vài tác phẩm phi lý đích thực. Nhưng thứ gì cũng có khởi đầu. Đối tượng ta tìm kiếm ở đây là lòng trung thành ở mức độ nhất định. Có lẽ khi trước Giáo hội khắc nghiệt với những kẻ dị giáo đến vậy chỉ vì Giáo hội cho rằng không có kẻ thù nào tồi tệ hơn một đứa con lầm đường lạc lối. Nhưng “thành tích” của những kẻ (bị coi là) vô liêm sỉ theo thuyết Ngộ Đạo và sự kiên trì của trào lưu Mani giáo đóng góp vào việc xây dựng tín điều chính thống còn nhiều hơn mọi lời cầu nguyện. Xét kỹ ra, điều tương tự cũng đúng với sự phi lý. Ta nhận ra hướng đi của một người thông qua việc phát hiện những nẻo đường lệch khỏi nó. Cũng như ở kết luận cuối một chuỗi suy luận theo logic phi lý, thì điều quan trọng không phải ở chỗ sự dửng dưng sẽ đưa niềm hy vọng quay trở lại trong vỏ bọc thống thiết nhất của nó. Điều đó cho thấy rất khó để sự phi lý khép mình theo kỷ luật nghiêm khắc đã đặt ra. Trên hết, điều đó cho thấy cần phải liên tục giữ được sự tỉnh thức và xác định hướng đi chung của tiểu luận này.
Nếu như đến đây hãy còn quá sớm để liệt kê các tác phẩm phi lý, thì ít nhất ta đi tới được một kết luận về quan điểm sáng tạo, một trong những quan điểm giúp tồn tại phi lý trở nên hoàn chỉnh. Không gì phụng sự nghệ thuật tốt bằng tư tưởng tiêu cực. Để hiểu được tác phẩm lớn, cần tồn tại cả những cách tiếp cận dốt nát và bị hạ nhục, cũng như cần có đen để hiểu thế nào là trắng. Lao động và sáng tạo “không vì điều gì”, chạm khắc trên đất sét, biết rằng sự sáng tạo của mình không có tương lai, thấy tác phẩm của mình bị phá hủy chỉ trong một ngày trong khi nhận thức được rằng về cơ bản, nó cũng không hề quan trọng hơn những tạo tác tồn tại được hàng thế kỷ — đây là những thấu ngộ đầy khó khăn mà tư duy phi lý công nhận. Thực hiện đồng thời hai việc này, nghĩa là một mặt thì phủ định còn mặt khác tán dương, là mở ra con đường cho người sáng tạo phi lý. Người ấy phải tô màu cho hư không.
Điều này cũng dẫn tới một quan niệm đặc biệt về tác phẩm nghệ thuật. Thường tác phẩm của nhà sáng tạo được coi là một loạt những chứng nghiệm riêng biệt. Như vậy khái niệm người nghệ sĩ và người học giả bị lẫn lộn với nhau. Một tư tưởng sâu sắc luôn trong trạng thái điều chỉnh liên tục; nó thu nạp trải nghiệm trong cuộc sống để nên hình nên dạng, tương tự, sự sáng tạo của một người được củng cố qua nhiều khía cạnh liên tục: chính là các tác phẩm của người đó. Tác phẩm sau nối tác phẩm trước, chúng bổ sung cho nhau, điều chỉnh hay vượt qua, thậm chí mâu thuẫn nhau. Nếu quả có điều gì đưa sự sáng tạo đến điểm tận cùng, thì đó không phải là tiếng thét ảo tưởng mừng chiến tháng của nhà nghệ sĩ mù quáng, rằng “Ta đã thể hiện hết mọi điều,” mà chính là cái chết của người sáng tạo, cái chết đóng lại chặng đường trải nghiệm lẫn cuốn sách thể hiện tài năng thiên phú của người ấy.
Nỗ lực đó, ý thức siêu nhân đó không nhất thiết rõ ràng dễ thấy trong mắt người đọc. Sự sáng tạo của con người không có gì là kỳ bí. Chính ý chí tạo ra điều kỳ diệu ấy. Nhưng quả là không có sự sáng tạo đích thực nào không ẩn chứa bí mật. Những tác phẩm nối tiếp nhau không là gì khác ngoài hàng loạt những biến thế xấp xỉ nhau của cùng một tư duy gốc. Nhung một dạng sáng tạo khác có thể hình thành khi đặt các tác phẩm đó cạnh nhau. Khi đó chúng trông có vẻ không liên quan gì tới nhau. Xét ở một cấp độ nào đó, chúng mâu thuẫn nhau.
Nhưng khi được đặt cạnh nhau để cùng xem xét, thì những tác phẩm ấy vẫn toát lên đặc tính chung tự nhiên. Ví dụ, từ cái chết chúng tìm được ý nghĩa đáng tin cậy nhất về mình. Chúng tiếp nhận thứ ánh sáng rõ ràng nhất từ cuộc đời của chính người tác giả. Vào thời khắc người ấy chết đi, những tác phẩm tiếp nối nhau ông từng sáng tác chỉ là một bộ sưu tập những thất bại. Nhưng nếu giả như những thất bại ấy đều có độ ngân vang như nhau, thì người sáng tạo đã làm được việc là phỏng lặp lại thân phận của mình, làm cho cái bí mật vô ích mà ông sở hữu vang vọng trong không gian.
Ở đây nỗ lực kiềm chế là rất đáng kể. Nhưng trí tuệ con người có khả năng vượt cao hơn thế nữa. Nó chỉ rõ khía cạnh tự nguyện của sáng tạo. Tỏi từng viết trong một bài khác rằng ý chí con người không có mục đích nào khác hơn là duy trì sự tỉnh thức. Nhưng không thể làm vậy nếu không có kỷ luật. Sáng tạo là trường học rèn tính kiên nhẫn và sự sáng suốt hiệu quả nhất. Nó cũng là bằng chứng đáng ngạc nhiên về phẩm giá duy nhất của con người: chính là cuộc nổi dậy bền bỉ chống lại thân phận của mình, kiên trì theo đuổi một nỗ lực được cho là vô ích. Nó đòi hỏi sự cố gắng hàng ngày, sự tự chủ, và phán đoán chính xác về những giới hạn của sự thật, mức độ và sức mạnh. Tất cả đó, là một chế độ khố hạnh. Và tất cả đều “vì cái hư không,” để phỏng lặp và để lại dấu chân mình trong dòng chảy thời gian. Tác phẩm nghệ thuật vĩ đại là thử thách đặt ra cho con người, cũng là cơ hội để người sáng tạo vượt qua những bóng ma của mình và tiến gần hơn một chút đến sự thật trần trụi. Vai trò này của các tác phẩm lớn có lẽ còn quan trọng hơn giá trị tự thân của nó.
***
Đừng nhầm lẫn khi xét đến khía cạnh thẩm mỹ. Ở đây tôi không cần đến những phân tích vô ích bất tận của những bài luận văn. Hoàn toàn ngược lại. Tiểu thuyết– luận đề, loại tác phẩm để chứng minh, cái thể loại đáng ghét nhất, thường nảy sinh từ một ý nghĩ tự mãn. Tác giả chứng tỏ mình chắc chắn về chân lý mình nắm giữ. Nhưng đó chỉ là những ý kiến đưa ra, mà ý kiến là sự trái ngược của tư duy. Mà những nhà sáng tạo ấy lại chính là triết gia, thật đáng xấu hổ. Tôi chỉ muốn bàn đến ở đây các nhà tư tưởng sáng suốt. Ở một mức nào đó, khi tư duy quay về nghiền ngẫm chính nó, thì nó hình dung tác phẩm như là biểu tượng hiển nhiên của một tư duy giới hạn, không phải là bất tử, và có tính phản kháng.
Có lẽ những người tôi nói đến cũng có chứng tỏ điều gì đó. Nhưng đó là những bằng chứng mà tiểu thuyết gia cung cấp cho chính mình hơn là cho thế giới. Điều cốt yếu là, tiểu thuyết gia mừng chiến thắng trong cái cụ thể, và chính điều này làm nên sự cao quý của họ. Cái chiến thắng hoàn toàn trần tục này đã được dọn sẵn chờ họ nhờ những thế lực trừu tượng bị hạ thấp trong tư duy của họ. Và khi chúng bị hạ thấp hoàn toàn, thì cùng lúc những yếu tố thuộc cõi phàm này sẽ khiến tác phẩm sáng lên lấp lánh trong vẻ huy hoàng phi lý. Rốt cuộc, những triết lý mỉa mai sản sinh ra tác phẩm đầy đam mê.
Bất kỳ tư duy nào phản đối nhất nguyên cũng đều tôn vinh sự đa dạng. Mà sự đa dạng là ngôi nhà của nghệ thuật. Tư duy độc nhất giải phóng tâm trí là tư duy không can thiệp đến nó, chắc chắn về những giới hạn cũng như kết thúc sớm muộn sẽ đến với nó. Không học thuyết, giáo điều nào cám dỗ được tư duy ấy. Nó chờ đợi sự chín muồi của các tác phẩm và cuộc sống. Một khi không lệ thuộc vào nó, tác phẩm sẽ cất lên tiếng nói không bị bóp nghẹt của một linh hồn Mãi mãi được giải thoát khỏi niềm hy vọng. Hoặc ngược lại, nó không biểu lộ điều gì, nếu người sáng tạo đã mệt mỏi và muốn quay đi. Hai cách diễn đạt đó tương đương nhau.
***
Vậy là, tôi đòi hỏi ở sáng tạo phi lý đúng những gì tôi đòi hỏi từ tư tưởng — sự phản kháng, tự do, và đa dạng. Rồi sau đó, sáng tạo phi lý sẽ thể hiện sự vô ích hoàn toàn của nó. Trong những nỗ lực ngày thường, khi mà trí tuệ và niềm đam mê hòa quyện và khơi gợi lẫn nhau, con người phi lý phát hiện ra nếp kỷ luật đưa lại cho anh sức mạnh lớn lao nhất. Sự cần mẫn bắt buộc, tính ngoan cường bền bỉ và sự sáng suốt, những yếu tố đó cũng tương tự như quan điểm của người chinh phục. Sáng tạo cũng giống như tạo hình định dạng cho một số phận con người. Với những người này, tác phẩm sáng tạo của họ cũng định nghĩa họ, ít ra là ngang bằng với mức họ định nghĩa chúng. Người diễn viên dạy ta một điều rằng: giữa bản chất vai diễn và vẻ ngoài trình diễn không có gì ngăn cách.
Xin được nhắc lại. Không gì trong số những điều này mang ý nghĩa thực sự. Trên con đường đạt tới sự giải phóng, hãy còn cả một quá trình. Nỗ lực cuối cùng của những tâm trí đề cập ở đây, dù của người sáng tạo hay người chinh phục, là giải thoát họ khỏi gánh nặng đang mang: là công nhận những công việc của họ, cho dù nó là sự chinh phục, yêu đương hay sáng tạo có thể không phải là như thế; hoàn thành sự vô ích tột cùng của cuộc đời một cá nhân. Thật ra, điều đó cho họ thêm nhiều tự do để nhìn nhận tác phẩm đó, cũng như nhận thức được sự phi lý của cuộc đời đã cho phép họ lao mình vào nó hết mình, không gì kiềm chế.
Tất cả những gì còn lại là một số phận mà chỉ có kết cục là nhuốm màu chết chóc. Ngoài cái chết đã định duy nhất đó, mọi thứ khác, niềm vui sướng hay hạnh phúc, là sự giải phóng. Thế giới diễn tiến với người chủ nhân duy nhất là con người. Những gì từng trói buộc anh ta là ảo tưởng của một thế giới khác. Kết quả của tư duy người ấy, vốn không còn bị khước từ nữa, bung nở trong vô vàn hình tượng. Nó đùa nghịch — có lẽ chỉ trong những điều hư cấu, nhưng những hư cấu đó không có chiều sâu nào ngoài chiều sâu của nỗi khổ con người và cũng vô tận như thế. Không phải trong những truyền thuyết thánh thần đáng cười và mù quáng, mà chính trong những gương mặt, hành vi, và vở kịch ngay trên trái đất này mà sự thấu ngộ đầy khó khăn và niềm đam mê phù du được kết tinh.
Thần Thoại Sisyphus Thần Thoại Sisyphus - Albert Camus Thần Thoại Sisyphus