Mười Một
gu ngốc là tội lỗi duy nhất.
OSCAR WILDE
Ronnie đưa chúng tôi trở lại căn hộ của cô ở gần đường King, và chúng tôi lái xe vượt qua nó cả chục lần theo đủ các hướng. Không phải chúng tôi kiểm tra xem có “đuôi” không, mà chỉ là tìm chỗ đỗ xe. Khoảng thời gian này trong ngày, những cư dân Luân Đôn có ô tô, tức là hầu như tất cả cư dân Luân Đôn, đều chi bộn cho những trò thú của mình - thời gian đứng yên, thậm chí lùi lại, hoặc làm những trò chết tiệt chẳng tuân theo quy luật thông thường của vũ trụ - và tất cả quảng cáo truyền hình đưa hình những vận động viên thể thao gợi cảm nhảy múa trên những con đường nông thôn hoang vắng đã bắt đầu kích thích anh một chút. Chúng không kích thích được tôi, tất nhiên rồi, bởi vì tôi đi xe máy. Hai bánh thì tốt, bốn thì không.
Cuối cùng Ronnie cũng xoay xở nhét được chiếc TVR vào một chỗ, chúng tôi đã tính đi taxi về căn hộ, nhưng rồi lại quyết định rằng buổi tối hôm đó đủ đẹp để cả hai thưởng thức một chuyến cuốc bộ. Hơn nữa, Ronnie thích đi bộ. Những người như Ronnie luôn thích đi bộ, và những người như tôi luôn thích những người như Ronnie, bởi thế cả hai đều nhấc đôi chân mập mạp của mình lên đường. Trên đường đi tôi thuật qua cho cô những chuyện xảy ra ở phố Lyall, và cô gần như im lặng, say mê lắng nghe. Cô nuốt từng lời của tôi theo cách mà người ta, nhấtlà phụ nữ, chẳng mấy khi làm. Họ thường bỏ qua, ngã trẹo chân, và đổ tội cho tôi vì chuyện đó.
Nhưng Ronnie thì khác biệt. Khác biệt bởi vì dường như cô nghĩ rằng tôi khác biệt.
Rốt cuộc chúng tôi cũng trở lại căn hộ của cô, cô mở khóa cửa trước, đứng sang một bên, và bằng giọng là lạ của một cô nhóc, cô mời tôi vào trước. Tôi nhìn cô một lát. Tôi nghĩ có lẽ cô muốn đong đếm xem toàn bộ chuyện này nghiêm trọng thế nào, như thể cô vẫn còn chưa thực sự rõ về nó hoặc về tôi; bởi thế tôi làm ra vẻ dữ tợn và bước vào căn phòng với hy vọng sẽ giống kiểu của Clint Eastwood - dùng chân đẩy các cánh cửa, thình lình mở các cửa tủ - trong khi đó cô đứng ở hành lang, hai má ửng đỏ.
Từ trong nhà bếp, tôi thốt lên, “Chúa ơi.”
Ronnie há hốc miệng, rồi chạy tới ngó qua cửa.
“Mì xốt bò băm đây ấy hả?” Tôi vừa nói vừa giơ lên một muôi gỗ để lâu trông rất bẩn.
Cô tặc lưỡi với tôi và rồi cười nhẹ nhõm, tôi cũng cười, và đột nhiên chúng tôi thấy như thể mình là những người bạn quen biết đã lâu. Thân nữa là khác. Bởi thế hiển nhiên là tôi phải hỏi cô.
“Khi nào thì anh ta quay lại?”
Cô nhìn tôi, đỏ mặt một chút, rồi quay lại với việc cạo món mì ra khỏi chảo.
“Khi nào ai quay lại cơ?”
“Ronnie,” tôi nói. Tôi đi loanh quanh cho tới khi gần như đứng trước mặt cô. “Cô thu xếp mọi thứ rất tốt, nhưng cô thường không mặc áo cỡ ngực bốn bốn, và nếu có thì cũng không mặc cùng với nhiều áo vest kẻ sọc giống nhau.”
Cô liếc về phía phòng ngủ, nhớ lại cái tủ quần áo, rồi bước tới bồn bắt đầu xả nước nóng vào chảo.
“Uống gì nhé?” Cô nói mà không quay người lại.
Cô khui một chai vodka trong khi tôi liệng mấy viên đá lạnh trên sàn bếp, rồi thì cô cũng quyết định kể với tôi về bạn trai của mình, người mà - tôi nghĩ mình đã có thể đoán ra - bán hàng trong thành phố, không ở trong căn hộ này hằng đêm, nếu anh ta có ngủ lại thì cũng không về đây trước mười giờ. Thú thực, lần nào tôi cũng ăn đấm mỗi khi có phụ nữ nói với tôi điều đó, đã ba lần như thế rồi. Lần gần đây nhất tay bạn trai trở về lúc bảy giờ - “Anh ta chưa từng như thế” - và lấy ghế đập tôi.
Xét từ âm điệu và cách dùng từ của cô, tôi đoán rằng mối quan hệ của họ cũng chẳng thuận buồm xuôi gió cho lắm, và mặc dù rất tò mò song tôi nghĩ có lẽ tốt nhất nên đổi chủ đề.
Khi chúng tôi đã yên vị trên xôpha, với những viên đá lạnh leng keng bản nhạc vui tai trong cốc, tôi bắt đầu kể cho cô một dị bản đầy đủ hơn một chút về các sự kiện - bắt đầu ở Amsterdam và kết thúc ở phố Lyall, nhưng để trống một chút về những chiếc trực thăng và Nghiên cứu Sau Đại học. Dẫu thế, nó cũng là một câu chuyện khá hay, với rất nhiều hành động gan dạ, và tôi còn thêm thắt một vài chi tiết không-hẳn-gan-dạ- nhưng-nghe-cũng-hay-ho, chỉ để hợp với hình ảnh rực rỡ của tôi ở trong cô. Khi tôi kết thúc, cô hơi nhíu mày.
“Nhưng anh đã không tìm thấy tập hồ sơ,” cô hỏi, trông có vẻ thất vọng.
“Không,” tôi nói. “Vậy không có nghĩa là nó không ở đó. Nếu Sarah chủ định giấu nó trong căn nhà thì phải có cả đội thợ xây và cần đến cả tuần lễ để tìm kiếm đâu ra đấy.”
“Tôi cũng đã đến phòng tranh, chắc chắn chẳng có gì ở đó. Cô ấy có để lại một số giấy tờ, nhưng giấy tờ công việc cả thôi.” Cô bước lại bàn, mở cặp tài liệu ra. “Tôi đã tìm thấy nhật ký của cô ấy, nếu như điều đó có ích gì.”
Tôi không chắc cô có nghiêm túc về chuyện này không. Hẳn cô đã đọc Agatha Christies đủ nhiều để biết rằng nhật ký hầu như luôn luôn có ích.
Nhưng có thể không phải của Sarah. Đó là một cuốn sổ bìada khổ A4 ghi chép công việc, do một tổ chức từ thiện về u xơ làm ra, và nó không cho biết nhiều về chủ nhân để tôi có thể đoán ra được. Cô này làm việc nghiêm túc, ăn trưa ít, không viết dấu tròn thay cho dấu chấm ở trên đầu chữ i, nhưng có nguệch ngoạc hình các chú mèo trong khi cô ta nghe điện thoại. Cô ta lập nhiều kế hoạch cho các tháng tiếp theo, và lần ghi cuối cùng rất đơn giản “CED OK 7.30”. Nhìn lại ghi chép của các tuần trước đó, tôi thấy CED cũng đã OK ba lần, một lần vào 7.30 và hai lần vào 12.15.
“Có biết ai đây không?” Tôi hỏi Ronnie và chỉ cho cô đoạn ghi chép. “Charlie? Colin? Carl, Clive, Clarissa hay Carmen?” Tôi đã cạn vốn những tên phụ nữ bắt đầu với chữ “C”.
Ronnie cau mày.
“Sao cô ấy lại phải ghi chữ cái đầu tên đệm?”
“Làm sao tôi biết được,” tôi nói.
“Ý tôi là, nếu như cái tên là Charlie Dunce, tại sao không ghi là CD?”
Tôi nhìn xuống trang giấy.
“Charlie Etherington-Dunce? Chúa mới biết được. Đấy là mối ráp của cô.”
“Anh nói thế có ý gì?” Cô bị mếch lòng nhanh đến đáng ngạc nhiên.
“Xin lỗi, ý tôi chỉ là... cô biết không, tôi chỉ hình dung một ngày cô mặc quần soóc hai ống...” Tôi gỡ gạc. Tôi thấy Ronnie không thích điều này.
“Vâng, tôi có cái giọng ẻo lả, một công việc không đâu, và bạn trai tôi làm việc trong thành phố.”
Cô đứng dậy đi rót cho mình một cốc vodka. Cô không mời tôi, và tôi có cảm giác rõ ràng là mình đang phải trả giá cho những tội lỗi của người khác.
“Này, tôi xin lỗi,” tôi nói. “Tôi nói thế không có ý gì đâu.”
“Tôi không thể chịu được giọng nói của tôi, Thomas,” cô nói. “Hoặc ngoại hình của tôi.” Cô uống một ngụm vodka và vẫn đứng quay lưng lại phía tôi.
“Sao lại phải thay đổi? Cô nói dễ nghe, ngoại hình còn dễ thương hơn cả giọng nữa.”
“Ồ, thôi đi.”
“Chờ chút,” tôi nói. “Tại sao cô phải buồn bực về chuyện đó?”
Cô thở dài và lại ngồi xuống.
“Bởi vì nó làm tôi phát chán, thế đấy. Một nửa số người tôi gặp chẳng bao giờ nghĩ tôi nghiêm túc bởi cách nói của tôi, và nửa còn lại nghĩ tôi nghiêm túc chỉ vì cái cách tôi nói. Nó làm tôi lúc nào cũng lo lắng.”
“Chà, tôi biết nói thế này nghe có vẻ nịnh bợ, nhưng tôi xem trọng cô.”
“Thật chứ?”
“Tất nhiên rồi. Hoàn toàn nghiêm túc.” Tôi chờ một chút. “Cho dù hoàn cảnh của cô tệ hại thế nào đi nữa.”
Cô nhìn tôi một lúc, cái nhìn làm cho tôi bắt đầu nghĩ biết đâu mình đã nói không đúng cách, và cô đang chuẩn bị ném thứ gì đó vào tôi đây. Đột nhiên cô phá lên cười, lúc lắc đầu, và tôi thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi đã hy vọng cô sẽ như thế.
Khoảng sáu giờ chuông điện thoại đổ, và dựa vào cách Ronnie cầm ống nghe tôi biết rằng bạn trai cô đang nói giờ anh ta sẽ về nhà. Cô nhìn xuống sàn mà nói “vâng” rất nhiều lần, hoặc bởi vì tôi đang ở đó, hoặc bởi vì quan hệ của họ đã ở mức độ đó. Tôi nhặt áo khoác lên và mang cốc của mình vào trong bếp. Tôi rửa rồi lau khô cốc, phòng trường hợp cô quên không làm việc ấy, và đang xếp vào tủ bát thì Ronnie bước vào.
“Anh sẽ gọi cho tôi chứ?” Trông cô có vẻ hơi buồn. Có lẽ tôi cũng hơi buồn nữa.
“Chắc chắn rồi,” tôi nói.
Tôi để cô băm hành chuẩn bị cho anh chàng môi giới hàng hóa sắp về, rồi ra khỏi căn hộ. Có vẻ như họ đã thỏa thuận là cô sẽ làm bữa đêm cho anh ta, còn anh ta sẽ làm bữa sáng cho cô. Nếu Ronnie là kiểu người coi hai múi bưởi là một bữa tiệc thịnh soạn thì tôi ngờ rằng anh ta có phần lợi hơn.
Thật lòng là thế. Anh bạn ạ.
Chiếc taxi đưa tôi đi dọc đường King vào khu West End và tới sáu giờ rưỡi tôi đã lảng vảng ở bên ngoài Bộ Quốc phòng. Vài cảnh sát dõi theo khi tôi đi ngược đi xuôi, nhưng tôi đã trang bị cho mình một tấm bản đồ và cái máy ảnh dùng một lần, và tôi đang chụp ảnh lũ bồ câu với cái kiểu lơ ngơ đủ để họ có thể cho đầu óc nghỉ ngơi một lát. Có lẽ tôi bị người bán hàng nghi ngờ nhiều hơn là họ, khi tôi hỏi mua một tấm bản đồ và nói mình chẳng quan tâm nó là bản đồ thành phố nào.
Không có thêm sự chuẩn bị nào khác cho chuyến đi, và hẳn nhiên tôi không muốn giọng của mình bị ghi lại khi gọi điện tới Bộ. Tôi đành cầu may vào nhận định của mình rằng O’Neal là một tay làm việc chăm chỉ, và theo kết quả trinh sát đầu tiên thì có vẻ như tôi nghĩ đúng. Tầng bảy, phòng góc, ánh đèn đêm từ văn phòng O’Neal đang tỏa sáng rực rỡ. Rèm chớp treo ở cửa sổ tất cả các tòa nhà chính phủ “nhạy cảm” có thể đánh bại các ống kính tele, nhưng chúng không thể ngăn ánh sáng chiếu xuống đường.
Ngày xửa ngày xưa, trong những ngày căng thẳng của Chiến tranh lạnh, một thằng ngu ở một trong các sở an ninh đã ban sắc lệnh rằng tất cả các công sở “có thể là mục tiêu” nên để đèn hai mươi tư giờ một ngày, nhằm đề phòng điệp viên của địch theo dõi xem những ai làm việc ở đó, trong khoảng thời gian bao lâu. Ý kiến này lúc đó đã được chào mừng nhiệt liệt bằng những cái gật đầu và những cái vỗ lưng cùng nhiều lời thì thầm kiểu “anh bạn Carruthers này sẽ tiến xa đấy, ghi nhớ lời tôi đi” - cho tới khi các hóa đơn tiền điện được ném lên thảm các bộ phận phụ trách tài chính, rồi thì cái ý tưởng đó, và cả Carruthers nữa, đã được khéo léo tiễn ra khỏi cửa.
O’Neal ra khỏi cửa chính của Bộ lúc bảy giờ mười. Ông ta gật đầu với người gác cửa - người này tảng lờ ông ta - và bước tới đường Whitehall trong bóng tối chạng vạng. Ông ta mang cặp tài liệu, đó là điều lạ thường - bởi vì chẳng ai lại để cho ông ta ra khỏi tòa nhà đó với bất kỳ thứ gì quan trọng hơn là giấy vệ sinh- bởi thế biết đâu ông ta là một trong những người kỳ lạ sử dụng cặp tài liệu chỉ như đồ trang sức. Tôi chẳng biết nữa.
Để cho ông ta đi khỏi Bộ khoảng hơn trăm mét tôi mới bắt đầu bám theo, và phải cố lắm để giữ nhịp của mình chậm lại, bởi vì O’Neal bước chậm khác thường. Ai đó có thể nghĩ ông ta đang tận hưởng thời tiết, giá mà thời tiết lúc đó có gì đáng cho ta tận hưởng.
Chẳng cần phải chờ đến khi ông ta vượt qua đường Mall và bắt đầu tăng tốc tôi mới nhận ra rằng ông ta đang đi dạo. Ở Whitehall ông ta là con hổ săn mồi, là ông chủ lãnh địa của tất cả những gì ông ta điều tra, thuộc nằm lòng các bí mật động trời của đất nước, bất kỳ điều nào trong số đó cũng có thể làm cho những du khách đang lơ ngơ ngắm cảnh kia đờ người ra vì kinh ngạc nếu như họ biết đến. Nhưng khi ra khỏi khu rừng của mình mà bước vào một đồng cỏ thưa thì diễn cũng chẳng để làm gì, vì thế mà ông ta cứ bước bình thường. O’Neal là một người mà anh có thể thương cảm, nếu như anh có thời gian.
Không biết vì sao, nhưng tôi muốn ông ta đi thẳng về nhà. Tôi đã hình dung một ngôi nhà mái bằng ở Putney, ở đó người vợ tần tảo sẽ cho ông ta uống rượu nâu, ăn cá tuyết nướng và là quần áo trong khi ông ta vừa càu nhàu vừa lắc đầu khi xem tin tức trên ti vi, như thể mỗi lời trong bản tin đều có thêm một ý nghĩa đen tối hơn đối với ông ta. Nhưng thay vì vậy ông ta nhảy qua các bậc thềm đi qua ICA, sang phố Pall Mall và vào câu lạc bộ Travellers.
Có cố cũng chẳng thu được lợi lộc gì ở đó. Từ bên ngoài cửa kính, tôi quan sát O’Neal yêu cầu người phục vụ kiểm tra hộp thư của ông ta, nó rỗng không, và khi thấy ông ta giũ áo rồi đi vào trong quầy rượu, tôi cho rằng mình có thể tạm rời ông ta một lúc.
Tôi mua khoai tây chiên và bánh kẹp thịt nơi một quầy hàng ở đường Haymarket và lang thang một lúc, vừa đi vừa ăn, nhìn ngắm mọi người ăn mặc sáng sủa chen chúc xem những chương trình ca nhạc dường như được trình diễn mãi từ khi tôi mới chào đời. Một nỗi chán nản bắt đầu đè lên vai trong khi tôi bước, và tôi chợt điếng người nhận ra mình đang làm y hệt O’Neal - nhìn cái thằng tôi với vẻ mệt mỏi, giễu cợt kiểu “đồ đần, giá mà anh biết được”. Tôi rũ cảm giác đó khỏi người và ném cái bánh vào thùng rác.
Ông ta ra ngoài lúc tám rưỡi, đi từ Haymarket ra Piccadilly. Từ đó ông ta đi tiếp tới đại lộ Shaftesbury, rồi rẽ trái ở Soho, nơi đây giọng lanh lảnh chuyện trò của những người đi xem hát bị thay thế bởi giọng trầm hơn của các cô gái quán bar và vũ nữ khỏa thân. Cái miệng râu ria rậm rạp của những gã đàn ông lảng vảng quanh cửa ra vào đang nhỏ to về “các show diễn sex” khi tôi đi ngang qua.
O’Neal cũng bị các tay gác cửa chèo kéo, nhưng có vẻ ông ta biết mình đang đi đâu nên không một lần thèm quay đầu nhìn những thứ được chào mời. Thay vì vậy ông ta né sang trái, tránh sang phải một vài lần, không bao giờ quay lại, cho tới khi tới vườn địa đàng của mình, quán Shala. Rẽ xong, ông ta bước thẳng vào.
Tôi vẫn tiếp tục bước cho tới cuối phố, lần lữa một phút, rồi quay thẳng lại mặt tiền đầy hấp dẫn của quán Shala nổi tiếng. Những từ “Sống động”, “Gái”, “Tình ái”, “Khiêu vũ” và “Gợi tình” được sơn ngẫu nhiên trên cửa, như thể đang mời ta thử tạo một câu với những từ đó, và có khoảng nửa tá đàn bà với vẻ ủ rũ mặc quần lót xếp hàng trong tủ kính. Một cô gái trong bộ váy da bó sát tựa người uể oải ở lối ra vào, tôi cười với cô ta theo kiểu cho thấy tôi từ Na Uy tới và đúng, Shala trông có vẻ là nơi để làm mới mình sau một ngày khó nhọc làm người Na Uy. Có lẽ nếu tôi gào lên rằng ngay bây giờ tôi sẽ bước vào cùng một khẩu súng phun lửa thì có khi cô ta cũng chẳng buồn chớp mắt. Hoặc có lẽ mắt cô ta đã chớp, dưới sức nặng của đống mi giả đó.
Tôi trả cho cô ta mười lăm bảng và điền vào một mẫu đăng ký thành viên dưới cái tên Lars Petersen, đội trưởng Vice Squad, Cục Điều tra Tội phạm New Scotland Yard, và mau mắn xuống cầu thang tầng hầm để xem xem sự sống động, tình ái, gợi tình, khiêu vũ và gái gú của Shala đúng ra là như thế nào.
Tôi suýt nữa thì ngã lộn cổ. Một chút nữa thôi. Từ lâu rồi tay quản lý đã quyết định rằng để đèn tối mò là giải pháp thay thế đầy tiết kiệm cho việc dọn vệ sinh, và tôi luôn có cảm giác rằng những viên gạch lát sàn cứ trượt ra xa khỏi đế giày mình. Khoảng hai mươi cái bàn được bố trí xung quanh một sân khấu nhỏ, trên đó có ba cô nàng mắt đờ đẫn đang nhún nhảy theo những đoạn nhạc ồn ã. Trần nhà thấp đến nỗi người cao nhất trong bọn họ cũng phải vừa nhảy vừa khom lưng; nhưng ngạc nhiên thay, với việc khỏa thân trên nền nhạc Bee Gees, ba cô ả đã làm cho mọi thứ nom có vẻ khá đường hoàng.
O’Neal ngồi ở một bàn phía trước, dường như để mắt vào cô gái ở bên trái, một sinh vật có khuôn mặt như bột nhão mà tôi đồ là đang cần một cái bánh bò bầu dục tẩm bột nướng cỡ lớn và một giấc ngủ ngon. Cô ta dán mắt vào bức tường phía sau của câu lạc bộ và không hề cười.
“Uống gì?”
Một anh chàng đầy nhọt ở cổ nghiêng người qua quầy bar nói với tôi.
“Cho tôi whisky,” tôi nói, và quay về sân khấu.
“Năm bảng.”
Tôi quay lại nhìn anh ta. “Xin lỗi?”
“Năm bảng tiền whisky. Trả tiền luôn.”
“Không đâu,” tôi nói. “Mang rượu ra đây. Rồi tôi sẽ trả.”
“Ông trả trước.”
“Đéo mẹ anh trước bằng cái chĩa làm vườn thì có.” Tôi mỉm cười vì đã chơi anh ta một cú cay độc. Anh ta mang whisky ra. Tôi trả anh ta năm bảng.
Sau mười phút ở trong quán, tôi rút ra kết luận là O’Nealđến đây để thưởng thức buổi diễn chứ không gì khác. Ông ta không buồn nhìn đồng hồ hay nhìn ra cửa, ông ta uống rượu gin một cách khá phóng túng, điều đó càng làm tôi chắc chắn rằng ông ta hoàn toàn không vướng bận gì. Tôi uống hết cốc của mình rồi lẳng lặng sang bàn ông ta.
“Đừng bảo tôi cô ta là cháu gái ông và cô ta làm nghề này chỉ để có Thẻ Nghiệp đoàn Diễn viên và gia nhập Nhà hát kịch Hoàng gia Shakespeare thôi.” O’Neal quay lại nhìn tôi trong khi tôi kéo một chiếc ghế và ngồi xuống. “Xin chào,” tôi nói.
“Ông đang làm gì ở đây vậy?” Ông ta hỏi, vẻ cáu kỉnh. Tôi lại nghĩ là có lẽ ông ta cảm thấy hơi ngượng.
“Gượm đã nào,” tôi nói. “Thế là ngược đời mất rồi. Đáng lẽ ông phải nói ‘xin chào’ và tôi nói ‘ông đang làm gì ở đây?’ mới đúng chứ.”
“Ông đã ở đâu, Lang?”
“Ồ, lang thang thôi,” tôi nói. “Như ông biết đó, tôi như một cánh hoa bồng bềnh trong gió mùa thu. Mà cái đó lẽ ra phải ghi trong hồ sơ của tôi chứ.”
“Ông đã bám theo tôi tới đây.”
“Chậc. Bám theo là một từ xấu. Tôi thích ‘tống tiền’ hơn.”
“Gì cơ?”
“Nhưng, tất nhiên, nó có ý nghĩa khác hẳn. Thôi, thế cũng được, cứ cho là tôi bám theo ông tới đây đi.”
Ông ta bắt đầu nhìn quanh phòng, xem tôi có mang theo vài anh bạn đô con nào tới cùng hay không. Hoặc có thể ông ta đang tìm những anh bạn đô con của mình. Ông ta ngả người ra trước và rít lên với tôi. “Ông đang gặp rắc rối, rắc rối rất nghiêm trọng, Lang ạ. Tôi thấy nên cảnh báo cho ông biết điều đó.”
“Vâng, có lẽ ông đúng,” tôi nói. “Rắc rối rất nghiêm trọng hiển nhiên là một trong những thứ tôi đang dính vào. Một thứ khác nữa là câu lạc bộ khỏa thân. Với một công chức đáng kính, người mà tên tuổi sẽ được giữ kín ít nhất thêm một tiếng nữa.”
Ông ta ngả người ra ghế, một cái liếc mắt khác thường hiện trên mặt. Hàng lông mày nhướng lên, miệng dẩu ra. Tôi nhận ra rằng đó là khởi đầu của một nụ cười. Ở dạng rút gọn.
“Ồ, anh bạn thân mến,” ông ta nói. “Đúng là ông đang tống tiền tôi rồi. Thật là đáng thương.”
“Thế à? Chúng ta không thể đến nỗi thế chứ.”
“Tôi đến để gặp một người. Điểm hẹn không phải do tôi lựa chọn.” Ông ta uống cốc gin thứ ba. “Giờ tôi rất biết ơn nếu ông biến đi nơi nào đó, để tôi đỡ phải gọi nhân viên bảo vệ tống tiễn ông ra khỏi cửa.”
Đĩa nhạc đã khục khặc chuyển sang một bài ầm ĩ nhưng nhạt nhẽo “Chiến tranh, tốt cho điều gì chứ?” và cháu của O’Neal đã bước xuống bục trước sân khấu và đang bắt đầu lắc háng trước chúng tôi, hoàn toàn ăn khớp với đĩa nhạc.
“Ồ, tôi không biết,” tôi nói. “Tôi nghĩ là tôi thích chỗ này phết.”
“Lang, tôi cảnh cáo ông. Lúc này ông còn một chút uy tín với tôi. Tôi có một cuộc gặp quan trọng ở đây, và nếu như ông làm hỏng nó hoặc cản trở tôi bằng cách này hay cách khác thì tôi cũng sẽ cạn tình cạn nghĩa với ông. Tôi nói thế ông rõ chứ?”
“Đại úy Mainwaring,” tôi nói. “Đó là người ông làm tôi nhớ tới...”
“Lang, lần cuối cùng...”
Ông ta dừng lại khi nhìn thấy khẩu Walther của Sarah. Tôi nghĩ tôi cũng làm y như thế nếu như tôi ở vào vị trí của ông ta.
“Tôi cứ nghĩ là ông nói ông không mang theo súng cơ đấy,” một lúc sau ông ta nói. Lo lắng, nhưng cố không để lộ ra.
“Tôi là nạn nhân của thời trang,” tôi nói. “Có người bảo tôi rằng loại này đang là mốt năm nay, nên tôi sắm một cái chơi.” Tôi bắt đầu cởi áo khoác. Cô cháu gái chỉ ở cách đó vài bước, nhưng cô ta vẫn đang dán mắt vào bức tường cuối phòng.
“Ông đừng có bắn ở đây nhé, Lang. Tôi không tin là ông đã mất trí hoàn toàn.”
Tôi vo cái áo thành một cuộn chặt và nhét khẩu súng vào trong kẽ áo.
“Ồ, tôi dám đấy,” tôi nói. “Chắc chắn đấy. Người ta thường gọi tôi là Thomas ‘Chó Điên’ Lang mà.”
“Tôi bắt đầu đây...”
Cái cốc rỗng của O’Neal nổ tung. Các mảnh vỡ bắn đầy trên mặt bàn và nền nhà. Ông ta tái xanh lại.
“Chúa ơi...”, ông ta lắp bắp.
Nhịp điệu là mấu chốt. Anh có thể đúng nhịp hoặc sẽ lỡ. Tôi đã bắn cùng lúc với nhịp mạnh nhất của bài “Chiến tranh” nên chỉ tạo ra nhiều tiếng ồn ngang với việc liếm mép dán bì thư. Nếu như cô cháu gái làm việc đó, có thể cô ta sẽ nhả đạn vào lúc nhạc không cao trào lắm và thế là hỏng hết việc.
“Ông uống thêm chứ?” Tôi hỏi và châm điếu thuốc để át đi mùi khét của thuốc súng. “Tôi mời.”
“Chiến tranh” kết thúc trước Giáng sinh và ba cô gái thong thả rời sân khấu để nhường chỗ cho một cặp dùng roi da biểu diễn. Trông họ như là anh trai em gái và cách nhau không thể dưới một trăm tuổi. Cái roi của người đàn ông chỉ dài hơn nửa mét bởi trần nhà thấp, nhưng anh ta cầm như thể nó dài ba mét, quật cô em gái theo nhịp bài “Chúng ta là nhà vô địch”. O’Neal nhấp một ngụm rượu gin tăng lực mới một cách tao nhã.
“Giờ thì,” tôi nói và chỉnh vị trí của cái áo ở trên bàn, “tôi cần một điều từ ông và chỉ một điều thôi.”
“Quỷ tha ma bắt ông đi.”
“Chắc chắn rồi, và tôi đảm bảo sẽ giữ cho ông một chỗ dưới đó. Nhưng tôi muốn biết các ông đã làm gì với Sarah Woolf.”
Ông ta dừng ngụm rượu uống dở, quay sang tôi, trông đầy bối rối.
“Tôi đã làm gì với cô ta á? Cái quái gì khiến ông nghĩ rằng tôi đã làm gì đó với cô ta?”
“Cô ấy đã biến mất,” tôi nói.
“Biến mất. Đúng. Đó là một cách thống thiết để nói rằng ông không thể tìm thấy cô ta phải không?”
“Bố cô ấy chết rồi,” tôi nói. “Ông biết điều đó chứ?”
Ông ta nhìn tôi một lúc lâu.
“Phải, tôi biết,” ông ta nói. “Điều tôi quan tâm là làm sao ông lại biết điều đó.”
“Ông trả lời trước đi.”
Nhưng O’Neal đã bắt đầu dạn lên rồi, và khi tôi dịch cái áo lại gần hơn, ông ta không nao núng chút nào.
“Ông đã giết ông ta,” ông ta nói, phần giận dữ, phần hài lòng. “Thế đấy, phải không nào? Thomas Lang, lính đánh thuê dũng cảm, đã hoàn thành nhiệm vụ và bắn chết một người. Chà, ông bạn thân mến, để ra khỏi vụ này, ông sẽ phải làm nhiều thứ đấy, hy vọng là ông nhận ra điều đó.”
“Sau Đại học là gì?”
Sự bực dọc xen lẫn vui mừng dần trượt khỏi khuôn mặt ông ta. Xem chừng ông ta sẽ không trả lời nên tôi quyết định gây sức ép.
“Tôi sẽ nói với ông tôi nghĩ thế nào về Sau Đại học,” tôi nói, “và ông hãy cho điểm tôi về độ chính xác.”
O’Neal ngồi bất động.
“Đầu tiên, Sau Đại học có ý nghĩa khác nhau với những người khác nhau. Đối với nhóm này, nó có nghĩa là sự phát triển và tiếp thị một kiểu máy bay quân sự mới. Rất bí mật, hiển nhiên rồi. Rất không dễ chịu, có vẻ thế. Phạm pháp, có thể không phải. Còn đối với một nhóm khác, và đây là chỗ mọi chuyện bắt đầu trở nên thú vị, Sau Đại học ám chỉ việc sắp đặt các hoạt động khủng bố cho phép những người tạo ra những cái máy bay đó được dịp khoe mẽ các món đồ chơi của mình. Bằng cách giết người. Và tạo ra hàng bao tải tiền từ những khách hàng nhiệt tình. Cực mật, cực khó chịu, cực, cực, cực mũ mười, phạm pháp. Alexander Woolf nghe phong thanh về nhóm thứ hai, quyết định rằng ông ta sẽ không để họ làm thế, và bắt đầu tự gây hại cho mình. Bởi thế nhóm thứ hai, vài người trong bọn họ có lẽ có vị thế hợp pháp trong giới tình báo, bắt đầu tung tin trong các cuộc nhậu rằng Woolf là một tay buôn ma túy, để bôi nhọ tên tuổi ông ta và bóp chết những cuộc vận động dù nhỏ nhất mà ông ta muốn tiến hành. Khi điều đó không đi đến đâu, họ dọa giết ông ta. Khi cái đó cũng chẳng ăn thua nốt, họ đã giết ông ta. Có thể họ cũng đã giết cả con gái ông ta cũng nên.”
O’Neal vẫn không động đậy.
“Nhưng người mà tôi thực sự thấy thương cảm trong tất cả những chuyện này,” tôi nói, “sau nhà Woolf, tất nhiên rồi, là người nào đó vốn vẫn nghĩ rằng mình thuộc vào nhóm một, không phạm pháp, nhưng trong suốt cả quá trình lại giúp đỡ, tiếp tay và mặt khác viện trợ cho nhóm thứ hai, phạm pháp, mà không hề biết điều đó. Bất kỳ ai ở vào vị trí đó chả khác gì bị người ta tát vào mặt.”
Ông ta đang nhìn ra sau tôi. Đây là lần đầu tiên từ lúc gặp nhau tôi không thể biết ông ta đang nghĩ gì. “Đấy, thế thôi,” tôi nói. “Cá nhân tôi nghĩ trình bày thế là tuyệt rồi, giờ tới lượt ông.”
Nhưng ông ta vẫn không trả lời. Bởi thế tôi quay lại theo hướng nhìn của ông ta về phía cửa ra vào, một người gác cửa đang đứng đó, trỏ tay về phía bàn chúng tôi. Tôi thấy anh ta gật đầu và lùi lại, rồi cái dáng săn chắc mạnh mẽ của Barnes, Rusell P. đang rảo bước vào phòng hướng tới chỗ chúng tôi.
Tôi bắn chết cả hai, sau đó bắt chuyến máy bay tiếp theo tới Canada, ở đó tôi cưới một người phụ nữ tên là Mary-Beth và bắt đầu công việc kinh doanh đồ gốm sứ phát đạt.
Ít nhất, đáng lẽ tôi nên làm thế.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm