Chương 11 -
2 giờ 30. Tiếng loa réo gọi tham dự mít tinh chào mừng cách mạng thành công sáng sớm mai làm rung cửa kính. Côn đề nghị bật đèn. Tôi đồng ý. ánh sáng ngập căn phòng. Tàn thuốc lá bừa bãi trên bàn xa-lông. Chúng tôi đã uống cạn chai rượu thứ nhất. Thiếu úy Bảo và trung sĩ Thân thấm mệt. Tôi dục hai thằng em kết nghĩa đi ngủ.
- Các em yên tâm, không có chết chóc gì cả, không có biển máu. Một nhà cách mạng chính cống đã quả quyết với anh rằng, cách mạng đại xá, đại đại xá.
- Sao lúc nãy anh không chịu nói? Bảo hỏi.
- Anh thử xem em can đảm đến đâu. Tôi đáp.
Bảo và Thân đi ngủ. Còn Côn với tôi. Chai rượu thứ hai được khui.
- Mày vừa nói gặp nhà cách mạng chính cống.
- Ừ.
- Ai đó?
- Phan Kim Thịnh.
- Thằng ấy?
- Nó chơi giép râu, nón tai bèo.
- Nó nằm vùng?
- Thứ rắn độc. ông đừng ngạc nhiên, nếu chúng ta không chết, sẽ có dịp nhìn rõ những thằng nằm vùng trong mọi lãnh vực. Và chúng ta sẽ há hốc mồm.
- Tại sao?
- Vì toàn những đạo đức gia khổ hạnh và chống cộng hơn cả người chống cộng hung hăng nhất.
- Nó nói cộng sản đại xá à?
- Ừ.
- Mày tin nó?
- Tin mẹ gì, tôi trấn an cu Bảo.
- Tao nghĩ nó đại xá thật.
- Ông nghĩ thì cứ nghĩ. Cộng sản nó làm gì, mình đâu đoán nổi. Nó bảo không là có, có là không. Nó qua mặt cả thế giới.
- Long?
- Đừng hỏi thêm nữa. Uống rượu đi.
- Tao mở ti-vi nhé?
- Chớ.
- Xem nó nói gì chứ?
- Nó khoe nó đánh Mỹ cút, Ngụy nhào.
- BBC vậy?
- Nó tường thuật cộng sản vào Sài gòn.
- VOA?
- Nó khen Việt cộng.
- Hay là mày với tao ra cổng ngắm nhân gian?
- Không. Ông làm ơn mở cửa cho khói thuốc tan loãng giùm.
Cửa mở. Khí thế cách mạng bên ngoài ùa vào nhà tôi "Nhân dân" ca hát, hô khẩu hiệu vang trời. "Nhân dân" không ngủ đêm nay. Họ không ngủ trong bóng tôi. Và họ khóc. Sao 30-4 dài thế? Với tôi, nó dài hơn cả đời tôi. Côn lại khép cửa. Chúng tôi uống rượu, hút thuốc chờ sáng. Đêm qua tôi đã chờ sáng. Đêm nay tôi vẫn chờ sáng. Tôi chẳng bao giờ ngu dại tin rằng cộng sản tha tôi. Ngày Chu Tử bị ám sát, tôi viết bài Nỗi cô đơn của người cầm bút đọc tại Viện âm nhạc và kịch nghệ quốc gia là tôi đã tiên đoán thân phận của tôi. Rồi tôi viết thêm bài nữa, đăng trên Sống*. Khẳng định tôi là kẻ cộng sản không tha, quốc gia không dung. Đến cuốn Tháng giêng ngon như một cặp môi gần xuất bản tháng 2-1975, tôi miệt thị cộng sản là bọn trả thù vặt và nói rõ, "đời sẽ có kẻ gọi ta là phản động." Thế thì cộng sản phải trả thù tôi. Họ không trả thù tôi là họ thiếu lô-gích, họ hết là cộng sản. Cộng sản không tha tôi, đã đành. Nhưng tại sao quốc gia không dung tôi? Cái thứ gọi là quốc gia mà biểu tượng là Nguyễn văn Thiệu, Đặng văn Quang không được tôi xếp hạng quốc gia chân chính. Người quốc gia chân chính chưa hề nắm quyền bính tối cao. Tôi hằng coi Hà Nội như phỉ quyền, Sài gòn như ngụy quyền. Tôi thiết tha tranh đấu để có một chính quyền trên quê hương tôi. Muốn thế, cuộc chiến đấu của tôi phải loại bỏ phỉ quyền tôi tớ của Liên xô và ngụy quyền tôi tớ của Hoa kỳ. Và đích thị tôi là kẻ cộng sản không tha, quốc gia không dung. Họa may, quốc gia chân chính sẽ dung tôi. Tôi hy vọng thế.
Nhiều bằng hữu bảo tôi là kẻ nghịch thiên. Tôi không chối cãi. Tôi xác định thái độ nghịch thiên của tôi:
Thản nhiên ngước mặt ngạo trời
Trong cơn hồng thủy vẫn cười ngả nghiêng
Kể từ đời tắt lửa thiêng
Nỗi ta đối địa nghịch thiên mộng cuồng
Chém ngang độc nhất vô song
Tìm ra cái lẽ vô cùng thênh thang
Hỡi ơi tai đục trần gian
Sao nghe nổi máu cung đàn bão mưa
Hỡi ơi mắt trắng cõi thừa
Sao nhìn nổi ngọc trên thơ tỏ tình
Chung thân can tội nghịch thiên
Còn say cuồng mộng thản nhiên ngạo trời
Tên nghịch thiên ngồi uống rượu với bạn thơ ấu chờ sáng và chờ chết. Nó kiểm điểm nó. à, nó đã có 50 tác phẩm văn chương, 200 số báo Tuổi Ngọc, hơn 10 ngàn bài báo. Cộng sản không tha, quốc gia không dung nó nhưng đã có đứa nào bén gót nó?
- Này Côn.
- Gì?
- Người ta sẽ hâm mộ Con Thúy.
- Tại sao?
- Vì người ta sẽ thấy sau 30-4-75, giống hệt sau 19-8-45. Tôi đã viết về son phấn cách mạng nhạt nhòa.
- Mày nói đúng.
- Này Côn?
- Gì?
- Ông sẽ thoát biển máu. Tôi, có thể, sẽ thoát biển máu nhưng tù rục xương. Tôi muốn noi gương nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh.
- Sao?
- Khi tôi chết, đừng ai khóc. Cả ông nữa. Hãy cười, cười, cười?
Côn nín thinh. Giây lát, nó lảng qua chuyện khác.
- Mày biết ông Nguyễn Mạnh Côn làm quân sư cho tướng Vĩnh Lộc không?
Tôi ngạc nhiên xuýt rơi ly rượu:
- Thật à?
- Thật.
- Hèn chi Chậm bước tiên phong, muộn chiến trường. Chắc chắn, ông Vĩnh Lộc phải đợi ông Côn hút đủ cữ rồi mới hiến kế. Hóa cho nên, ông Vĩnh Lộc lên ti vi tối qua sốt ruột dữ.
Tôi nhớ cuối triều đại Ngô Đình Diệm, anh Nguyễn Mạnh Côn ra ứng cử dân biểu đơn vị quận 3, Sài gòn. Tôi cho anh ta vay tiền bán tập truyện Hoa thiên lý và đi a-lô vận động giúp anh ta. Hôm ra mắt cử tri ở trường tiểu học Chí Hòa, anh Côn là người nói thứ nhì, sau Huỳnh Thành Vị. Tốt quá. Vì họ Huỳnh mở màn cho anh Côn. Tôi ngồi đợi anh hút no thuốc phiện rồi mới rửa mặt, đánh răng. Rồi chở Vespa, đưa anh lên địa điểm. Chúng tôi tới, cử tri về gần hết. Vì anh đến trễ, nói sau cùng?
- Ông Ngô Đình Nhu xưa muốn cất nhắc ông Côn, chỉ chê tội nghiện.
- Nay ông Vĩnh Lộc xài. Vận nước đã hết. Tôi chờ chết là hợp lẽ trời.
Bèn nốc cạn ly:
- Đời nhà Thanh, dân Tầu mới hít tô phe bạo. Mừng cho Lưu Bang và mừng cho Lưu Bị. Vì Trương Lương, Tiêu Hà, Khổng Minh không đong thóc! Ông Vĩnh Lộc đồng hóa văn nghệ với quân sự. Hỏng, hỏng! Tại hạ có lời chê điểm này.
Đặng Xuân Côn dứt cuộc:
- Bây giờ, quân sư đang nằm "đong", tân Tổng tham mưu trưởng đi đâu không rõ, "nhân dân" hồ hởi phấn khởi và nhân dân ôm nhau khóc trong bóng tối.
o O o
23 giờ. Không biết mấy giờ ở Guam? Bằng hữu văn nghệ của tôi đã đến đảo Guam chưa, hay còn lênh đênh ngoài khơi, trên hạm đội số 7? Tôi chợt nghĩ tới những người Việt Nam yêu tự do, chấp nhận báng súng của "lính thủy đánh bộ" Mỹ, dắt díu nhau leo lên nóc tòa đại sứ Mỹ rồi, sau 8 giờ 30, lủi thủi bước xuống, lếch thếch trở về. Những người Việt Nam thiếu may mắn di tản đang làm gì giờ phút này? Chắc chắn, họ đang sợ hãi, đang khóc và đang thèm được chết ngon lành. Đêm qua là đêm không ngủ của tôi. Đêm nay là đêm không ngủ của Sài gòn, của cả miền Nam. Không ngủ ngoài đường. Không ngủ trong nhà. Hoặc dẫu ngủ, chỉ là những giấc ngủ chập chờn như tên một tác phẩm của Nhật Tiến. Trong những giấc ngủ chập chờn, con người thấy chập chờn những huyệt sâu chôn sống tập thể, những mã tấu vung chặt ngang thây, những băng đạn ria phọt suối máu... Và tôi, không ngủ để hình tưởng một cái cần xé chứa tảng đá và tôi ràng giây kẽm gai kín nắp liệng xuống khúc sông nào đó. Tôi chết từng giây. Tôi biết tôi chết. Tôi sặc sụa. Tôi đau đớn. Tôi giẫy dụa. Trước đó, tôi phải đứng trước đám đông phán quan y hệt tên da trắng đứng trong vòng vây của dân da đỏ, phải tự thú mình có tội với Đảng, với Cách mạng, với Nhân dân? Tôi được phép mở to mắt để nhìn đám đông phán quan của thời đại tôi Chỉ có vài tên cộng sản chính thống. Còn rặt nhân dân bị cưỡng bức hận thù. à, trong đám nhân dân bị cưỡng bức hận thù, có vài đứa theo chủ nghĩa dậu đổ bìm leo. Những đứa này to mồm nhất, nỏ họng nhất. Chúng nó xỉa xói tôi, kết tội tôi, ném đá trúng thân thể tôi. Chúng nó vớ được cơ hội ngàn năm một thuở để tuyết hận thua kém tôi mọi mặt. Cỏ hèn vươn vai chống đại thụ. Tôi sợ hãi chứ. Nhưng không sợ hãi bọn dậu đổ bìm leo. Tôi xón đái ra quần. Tôi nghĩ những giọt nước tiểu của tôi dành cho bọn dậu đổ bìm leo ở khắp nơi trên trái đất Tôi đã tưới mát cỏ hèn. Đại thụ đã ban phước cho cỏ hèn. Hãy nhận phước ấy, cỏ hèn? Hãy nhận và đừng ân hận sự hóa kiếp. Bởi vì, cây cỏ luân hồi vẫn cỏ cây. Chỉ có con người, con người công chính và việc làm công nghĩa mới được phục sinh rạng rỡ. Và mãi mãi là con người.
- Long!
- Gì?
- Nếu ngày mai mày chưa chết?
- Thì ngày mốt.
- Nếu không có biển máu?
- Thì chết mòn trong tù ngục.
- Mày chấp nhận chết mòn?
- Tại sao?
- Vì tôi mong gặp hư vô.
- Hư vô là con mẹ gì?
- Là mềm bí ẩn của đời sống. Niềm bí ẩn này chỉ tìm gặp trong ngục tù, thống khổ và cô đơn.
- Mày sảng chưa?
- Còn rất tỉnh để sợ chết, dẫu chết cách nào, kiểu nào.
- Nghĩa là mày thèm sống.
- Dĩ nhiên.
- Sống mòn và chết mòn?
-Tôi vừa nẩy ý tưởng mới. Tôi muốn tìm hạnh phúc trong bất hạnh.
- Mày lãng mạn.
- Luôn luôn lãng mạn. Lãng mạn đến chết.
Hai đứa tôi cụng ly. Bên ngoài, đường phố xôn xao tiếng nói, rầm rập bước chân. Tôi không còn tin rằng nhân dân bị cưỡng bức ra đường hoan hô cách mạng thành công nữa. Nhân dân nghèo khổ đã thật tình và nhiệt tình hoan hô cách mạng. Tội nghiệp nhân dân! Nếu họ đã đọc Con Thúy của tôi. Đừng trách móc nhân dân. Nhân dân là thế. "Bạc như dân" mà! Nhân dân oán ghét chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và nhân dân hoan hô cách mạng 1-11-1963. Cách mạng của lũ thoán nghịch không đem lại hạnh phúc cho nhân dân trong vòng ba tháng, nhân dân lại oán ghét và hoan hô đảo chính, chỉnh lý. Dưới chế độ quân phiệt Nguyễn văn Thiệu, tham thũng ngập ứ, thối nát tận óc, bất công đầy rẫy, đàn áp không thương xót, nhân dân thù hận và mong đợi tân cách mang. Nhân dân lại hoan hô như đã hoan hô. Và rồi, ba tháng sau thôi, nhân dân sẽ ủ ê với cách mạng vô sản. Kể từ dân tộc Việt Nam làm quen cách mạng, chưa bao giờ niềm vui kéo dài quá ba tháng. Rốt cuộc, cái dân tộc hẩm hiu này không thiết đoái hoài tương lai nữa. Tương lai tồi tệ hơn hiện tại và nghiệt ngã hơn dĩ vãng.
- Long?
- Gì?
- Lúc mày đi mua rượu, thằng Tự chạy ngang qua cổng nhà mình.
- Nó là lính thủy sao không theo tầu mà chạy?
- Phải thi hành sứ mạng đến tận 9 giờ. Vả nữa, vợ con nó còn nằm nhà.
- Sứ mạng gì?
- Gài mìn đánh sập cầu Đồng Nai ngăn chặn xe tăng cộng sản vào Sài gòn.
- Cầu không sập?
- Tại sao?
NHỮNG NGƯỜI LÍNH THỦY VIỆT NAM CỘNG HÒA NHÂN BẢN
Những người lính thủy được chỉ huy can đảm giao cho sứ mạng đánh sập cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa để ngăn chặn xe tăng cộng sản tiến vào Sài gòn đã hoàn tất nhiệm vụ lúc 9 giờ ngày 30-4- 1975. Cả tấn TNT gài kín gầm cầu, bọc kín chân cầu. Xe tăng cộng sản từ Long Khánh bò vô, bị quân dân Tam Hiệp đón đánh. Trận chiến hào hùng và lãng mạn này kết thúc mau lẹ nhưng đã làm chậm bước tiến của cộng sản. Xa lộ lúc ấy, hai bên cầu Đồng Nai, nườm nượp dân chúng chạy giặc và đông đầy binh sĩ tan hàng. Dân chúng Sài gòn chạy xuôi. Dân chúng Biên Hòa chạy ngược. Cầu Đồng Nai nghẹt người và xe cộ. Cùng với ông già, bà lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, những anh lính thủy giữ trọng trách đánh sập cầu còn nhìn rõ xe tăng cộng sản, bộ đội miền Bắc. Sức công phá của TNT gài dưới cầu sẽ làm tung bay cốt sắt xi-măng, phạm vi một cây số vuông. Và dân chúng sẽ bị chết, bị thương vô kể.
Những người lính thủy quay giang dinh, lao nhanh về căn cứ. Cầu Đồng Nai không bị đánh sập. Nếu là Mỹ, cây cầu sẽ bị đánh sập. Nếu là cộng sản, cây cầu sẽ bị đánh sập Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng với Việt Nam, cây cầu không bị đánh sập. Hình như nhận loại chưa biết chuyện này. Chúng ta thua trận, còn vì tình thương và lòng nhân đạo nữa.
Sàigòn Ngày Dài Nhất Sàigòn Ngày Dài Nhất - Duyên Anh Sàigòn Ngày Dài Nhất